Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu đánh dấu tròn 20 năm sự nghiệp cũng như sự quay trở lại cũng như của đạo diễn Victor Vũ về đề tài anh yêu thích và đã làm nên tên tuổi: trinh thám, kinh dị, cổ trang. Bộ phim là sự quyện hòa của hai yếu tố: nội dung tiếp cận đông đảo khán giả đại chúng cùng ngôn ngữ điện ảnh đậm chất Victor Vũ. Tất cả, làm nên thành công của bộ phim, đồng thời thổi một làn gió mới vào nền điện ảnh Việt Nam đương đại.
Từ bộ phim Người vợ cuối cùng, hai năm sau, Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu xuất hiện vừa như một phần ngoại truyện phát triển trên nền duyên cớ của câu chuyện xưa. Theo thư của Hai Mẫn, người vợ hai của quan Đức Trọng từng bị thám tử Kiên, công sai quan án sát sứ bắt giữ, anh đến quê cô, một ngôi làng nằm sâu trong núi để điều tra vụ mất tích của Nga, cháu gái Hai Mẫn. Nơi đây, suốt năm năm qua vẫn lưu truyền câu chuyện ma da đoạt mạng và ai cũng nghĩ sự mất tích của Nga có liên quan tới ma da. Nhưng qua quá trình điều tra vụ án cô thiếu nữ mất tích, thám tử Kiên đã đi sâu vào vùng tâm ma ẩn ức của con người để mở ra cả câu chuyện quá khứ ngỡ chừng đã chìm vào quên lãng của 30 năm trước.
Câu chuyện mang màu sắc cổ trang, phá án, tâm linh
20 năm trong nghề, với 18 tác phẩm trải dài trên nhiều thể loại, đề tài khác nhau mà mỗi tác phẩm đều để lại ấn tượng, bản thân những thước phim của đạo diễn Victor Vũ nói chung và bộ phim Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu nói riêng như một làn gió mới trong nền điện ảnh Việt Nam đương đại vốn đang dần bão hòa những bộ phim mang đề tài giật gân, kinh dị hay tình cảm, mâu thuẫn gia đình. Bởi Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu thật sự là một tác phẩm điện ảnh mang nội dung phức tạp với nhiều tình tiết chồng chéo, nhiều lớp nghĩa đan cài, nhiều chủ đề được khai thác. Song ở đó vẫn có những hé mở giúp khán giả đại chúng tiếp nhận bộ phim, đưa mỗi người bước vào không gian điện ảnh, đồng hành cùng bước chân thám tử Kiên - công sai của quan án sát sứ tiến đến một ngôi làng bao trùm trong nỗi sợ vô hình về ác linh tàn ác, loài ma da chuyên ăn đầu người.

Poster của bộ phim.
Mặc dù Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu không đề cập đến một triều đại cụ thể nào trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam nhưng khán giả cũng có thể phần nào nhận thấy, qua không gian, phục trang, bộ phim gần như được tái hiện dưới triều Nguyễn, một triều đại phong kiến gần với hiện tại nhất. Ở đó, trong không gian rất hẹp của một ngôi làng với vài nóc nhà bao quanh bởi núi non trùng điệp, ầm ào thác chảy, ao hồ mênh mông, một Việt Nam thuở quá vãng cách đây mấy trăm năm như thu nhỏ lại với nghề làm vải, nhuộm vải thủ công truyền thống; nghề chài lưới; nghề làm gốm sứ… Ở đó, người ta đối đãi với nhau bằng lễ nghi đến mức có phần kiểu cách. Ở đó, những định kiến đeo bám dai dẳng con người từ khi mới lọt lòng. Ở đó, người ta sống dưới sự sắp đặt của kẻ khác và người ta sống dưới sự đè ép của kẻ có quyền có thế. Người ta tin quỷ ma hơn cả tin con người, hơn cả tình máu mủ. Cái tôi cá nhân giữa thời cuộc đó, trở nên quá đỗi bé mọn, cô độc.
Nên có lẽ, buổi quá vãng đó đâu phải chỉ có Nga và Thạc là hai kẻ lạc loài tìm đến nhau, một ông Vinh “gà trống nuôi con” trong cảnh dè bỉu của bà con xóm làng, một mợ Hai Mẫn mất tất cả phải trở về quê cũ, một thầy Tịnh sống cô độc trong căn chòi tách biệt làm nghề trừ tà, một thằng Đông gắn mác ăn trộm sống ngoài cộng đồng, một thám tử Kiên - kẻ xa lạ từ nơi khác đến… Tất cả, đều là những cá nhân “lạc loài” giữa cộng đồng. Tất cả họ, qua diễn xuất của dàn diễn viên được tuyển chọn kĩ lưỡng, đều như phần nào tái hiện lên trên màn ảnh những con người mang màu sắc thời đại.
Chỉ là, những kẻ mang phận “lạc loài” kia không phải ai cũng lựa chọn đối diện với số phận của bản thân theo cách giống nhau. Có kẻ, tìm đến cái tình song cũng có kẻ, lạc vào tâm ma để rồi mãi chìm đắm trong khổ đau, day trở hay lòng tham vô lượng. Và đó cũng trở thành tiền đề cho ma da xuất hiện đoạt mạng, trở thành tiền đề cho vụ mất tích không rõ là do ma hay do người, của nàng thiếu nữ.
Là ma hay là người, phía sau một vụ mất tích còn những khuất khúc nào khác chăng, quá khứ và hiện tại trên mảnh đất gần như biệt lập với bên ngoài kia còn những điều gì quấn lấy con người? Bao câu hỏi đó đặt lên vai thám tử Kiên, buộc anh đi đến tận cùng mà nhận ra, giữa ranh giới “việc âm” và “việc dương”, không phải cứ dùng đôi mắt hay lí trí có thể lí giải.
Tuy nhiên, cũng cần khẳng định một điều rằng, với những hé mở ngay từ các phân cảnh đầu tiên xoay quanh ngôi làng bao trùm trong nỗi sợ ma da đoạt mạng, không khó để khán giả đứng ở điểm nhìn toàn tri, góc nhìn thượng đế có thể đoán định được phần lớn tình tiết, bí ẩn của cốt truyện. Nhưng không vì vậy, Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu đánh mất đi sự cuốn hút bởi bộ phim đã làm khá tốt việc đưa người xem, trở thành những người đồng hành cùng nhân vật thám tử, khám phá từng góc khuất của vụ án.
Để rồi từ vụ mất tích mang đậm sắc màu thần bí, đạo diễn bộ phim dẫn dụ người xem đến hàng loạt bi kịch của muôn mặt kiếp người. Đó là bi kịch tình yêu trong thời buổi người ta sống mà chỉ như con rối. Đó là bi kịch gia đình khi tình thân, tình thương đặt trong sự mâu thuẫn, giằng xé trước dục vọng cá nhân, ánh nhìn phán xét của người đời. Đó là bi kịch của những yêu thương lạc lối khiến người ta sẵn sàng đánh đổi tất thảy, kể cả danh dự, lẫn sinh mạng kẻ khác. Rộng hơn, đó là bi kịch cả một thời đại hiện diện trong đôi mắt, ẩn ức của kẻ mang nặng mối thù diệt tộc đằng đẵng 30 năm…
Một vụ án có hai hung thủ, một bộ phim chứa đựng hai vụ án mà vụ án hôm nay, mở ra thảm án năm xưa, Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu ẩn chứa tầng bậc lớp lang tình tiết, sự kiện. Để rồi giữa những sóng ngầm trong lòng cộng đồng, nổi lên hình ảnh những con người thời cuộc, dầu đúng hay sai, dù thiện hay ác, họ cũng không thoát khỏi thất tình lục dục, khổ đau đời người. Giữa muôn mặt kiếp người ấy, là hình ảnh thám tử Kiên. Anh xuất hiện như một nhân vật phụ trong phần phim Người vợ cuối cùng và tới phần phim này, anh trở thành nhân vật trung tâm tác phẩm. Một vị quan có sự trầm ổn và lí trí, phóng khoáng mà nguyên tắc, bình thản trước việc “người” nhưng lại ẩn chứa nỗi sợ sâu thẳm về thế lực tâm linh vô hình. Một hình mẫu thám tử không “hoàn hảo” song dường như chính sự không hoàn hảo đó, càng khiến anh càng thêm “người” hơn.
Dẫu vậy, Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu vẫn chứa đựng những khía cạnh khiến khán giả tranh cãi về tính logic hay sự bỏ ngỏ về mặt tình tiết làm người xem có phần khó hiểu, hẫng hụt. Tuy nhiên, bất kể còn thiếu sót ở điểm này hay điểm khác thì Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu vẫn là một bộ phim thành công trong việc tạo dựng không gian đậm chất Việt Nam thời quá vãng, khơi mở tình tiết trong cấu trúc án lồng án, truyện lồng truyện giữa bầu không khí bảng lảng yếu tố tâm linh, ma quái. Tất cả, đưa người xem vào một thế giới điện ảnh chỉn chu, mang đậm dấu ấn cá tính sáng tạo của đạo diễn Victor Vũ.
Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu và ngôn ngữ điện ảnh đặc trưng trong phim của đạo diễn Victor Vũ
Không chỉ mang đến cho đông đảo khán giả đại chúng trải nghiệm thật sự “điện ảnh”, Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu còn in đậm cái “tôi” trong ngôn ngữ điện ảnh đặc trưng mà đạo diễn Victor Vũ đã tạo dựng và khẳng định xuyên suốt 20 năm làm nghề. Ngôn ngữ điện ảnh đó được thể hiện trên các phương diện dàn cảnh, quay phim, dựng phim, âm thanh của bộ phim có thời lượng 131 phút.
Bối cảnh bộ phim được đầu tư rất chuẩn mực. Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu mất 6 tháng để đạo diễn cùng đoàn phim rong ruổi khắp miền núi nước Việt để tìm kiếm bối cảnh cho câu chuyện. Bối cảnh vừa phải mang nét cổ kính, vừa cần có sự biệt lập để ngôi làng thám tử Kiên đặt chân đến trở nên như một dạng “không gian trong phòng kín”, khép kín, tách biệt với thế giới bên ngoài. Bối cảnh đó cũng cần đủ sự hùng vĩ, hoang sơ, mênh mông, tạo nên nét u tịch, liêu trai song lại không thể quá hoang vu, hẻo lánh thiếu đi hơi thở, dấu chân con người. Để rồi, sau quãng thời gian đằng đẵng kiếm tìm, đạo diễn Victor Vũ và đoàn phim đã tìm thấy và đưa vào xuyên suốt 131 phút của phim, những bối cảnh đẹp, trong trẻo mà ma mị tới nao lòng của Cao Bằng, Tuyên Quang.

Một hình ảnh trong bộ phim.
Trên nền bối cảnh thiên nhiên đó, là bối cảnh sinh hoạt của con người. Hàng ngàn bộ trang phục được chuẩn bị, nhuộm thủ công, chà vải, làm cũ… đã góp phần tái hiện lên rất rõ, không chỉ nghề nghiệp mà hơn cả, là sự phân chia giai cấp, thứ bậc của con người trong xã hội.
Cùng với phục trang, hóa trang với hàng loạt kĩ thuật, đạo cụ cũng được đạo diễn Victor Vũ và đoàn phim Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu chăm chút, đầu tư kĩ lưỡng. Đặc biệt, để đảm bảo độ chân thực tối đa, ma da trong bộ phim cũng là do người đóng, được hóa trang theo hình tượng người bị đuối nước và quỷ nước, quỷ đói, ma da trong chính những câu chuyện, tranh dân gian tương truyền. Ma da xuất hiện không nhiều nhưng mỗi lần hiện diện là một lần mang theo sự khiếp sợ kinh hoàng. Tất cả, đánh mạnh vào thị giác của người xem, khơi dậy nỗi sợ hãi cố hữu trong mỗi người.
Nhưng Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu không đơn thuần và cũng chưa bao giờ là bộ phim dàn cảnh chỉ để hù dọa khán giả. Victor Vũ còn hướng đến việc tái hiện một Việt Nam thuở xa xưa, đẹp trong cảnh sắc, trong phong tục và văn hóa. Điều đó phần nào trước hết thể hiện qua nghệ thuật gốm sứ, với các món đồ gốm lưu dấu cái tôi người sáng tạo. Ánh sáng nơi xưởng gốm kia, trở thành một thứ nghệ thuật mang đầy tính biểu tượng. Tia sáng lọt qua liếp che, lọt qua mái lá lợp chiếu xiên xiên vào ngôi nhà u tối, bếp lửa vẫn còn cháy, chẳng đủ để soi tỏ cả ngôi nhà song cũng phần nào, xua đi sự u tịch, hoang liêu.
Là một bộ phim trinh thám, những phân cảnh hù dọa với âm thanh to, kịch tính là điều không thể thiếu. Nhưng yếu tố này không phải là yếu tố chủ đạo và cũng được tiết chế để bộ phim không sa đà vào mảng kinh dị. Bởi Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu còn hướng đến tái hiện thiên nhiên qua tiếng gió tiếng lá lạo xạo, tiếng suối chảy và cuộc sống sinh hoạt qua phiên chợ, tiếng nói chuyện của dân chúng, tiếng chân ngựa phi, tiếng binh khí…
Quay phim cũng là một điểm mạnh trong bộ phim. Đạo diễn luôn tận dụng tối đa lợi thế của các góc máy cao, khoảng cách máy xa để thu lại những đại toàn cảnh đẹp tới choáng ngợp. Giữa cảnh đẹp, hùng tráng, mênh mông đó, con người hiện lên với những tâm thế rất khác nhau. Như phân đoạn xuất hiện đầu tiên của thám tử Kiên trên vách đá cheo leo của Đồi cỏ Vinh Quý, tốc độ, nhịp độ khoan thai theo từng bước chân ngựa đi; góc máy cao, theo phương thẳng đứng rồi dần thu gần về theo những góc nghiêng, chừng như thể hiện cho khán giả về một vị quan công sai tự tin, đĩnh đạc, phóng khoáng song lại có phần cô độc. Nhưng cũng con người ấy cưỡi ngựa trên trảng cỏ thênh thang ngút ngàn dưới góc máy cao và góc máy ngang ở cuối phim, theo những cú lia máy của ngựa phi nước đại từng gương mặt người hiện lên tiễn anh, như ý chỉ rằng, phía sau anh không chỉ có người cộng sự đồng hành mà còn có người đợi chờ anh trở về. Bộ phim vừa mang cấu trúc đầu cuối tương ứng lại vừa mở ra hàng loạt trường liên tưởng cho tương lai.
Victor Vũ cũng chú ý đến đặc tả, nhất là đôi mắt nhân vật. Đôi mắt kiên định nhưng vẫn chứa chan chữ tình của Kiên qua diễn xuất của Quốc Huy; đôi mắt thương đau khi nhớ đến người cháu gái mất tích nhưng lại như long lên để bảo vệ danh dự Nga của Hai Mẫn qua diễn xuất của Đinh Ngọc Diệp; đôi mắt chàng trai, cô gái đương yêu; đôi mắt khát máu hám lợi của tên trộm không còn tính người; đôi mắt cuồng dại của kẻ “bất chấp” khiến kẻ đó như còn đáng sợ hơn cả ma da; đôi mắt thầy Tịnh mang theo tâm tư phức tạp khó dò,… Tất cả, dưới ống kính của đạo diễn Victor Vũ đều thể hiện cá tính, con người nhân vật trong tác phẩm của anh vậy.
Cùng với quay phim, dựng phim cũng là điểm thu hút trong Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu. Với sự quyện hòa của cả ba kiểu dựng phim: dựng nối tiếp, dựng nhảy, dựng song sng, đạo diễn đã liên tục duy trì sự kịch tính, độ căng cho bộ phim và đảm bảo sự hé mở tình tiết được diễn ra liền mạch bên cạnh các khoảng giãn về cảm xúc qua những đối thoại đời thường của nhân vật.
Tựa một câu chuyện được kể theo trục thời gian tuyến tính, bộ phim được mở ra qua vụ mất tích của Nga, cháu gái Hai Mẫn và lá thư Hai Mẫn gửi Kiên, mong anh đến vùng đất này, giúp cô điều tra, tìm kiếm Nga. Để rồi từ đó, lần lượt từng sự kiện dần liên tiếp xuất hiện theo bước chân tra án của thám tử Kiên. Sáng tới tối, tối rồi lại sáng, thời gian cứ thế trôi qua, không gian cũng lần hồi thay đổi, đánh dấu dần bằng những manh mối thám tử Kiên có trong vụ án này cũng dần nhiều thêm. Nhưng tất cả hãy còn tản mát, vụn vặt, mù mờ, đâu mới thật sự là điểm mấu chốt, làm nên bước đột phá cho vụ án?
Khi đó, những cú dựng nhảy xuất hiện, nối kết thực tại với quá khứ, mở ra những góc khuất, bí ẩn trong quá khứ mà khán giả, dẫu có đoán định được kết quả cũng khó thể đi tới tận cùng của quá trình. Bộ phim tạo cho khán giả cái nhìn dõi theo dòng chảy thời gian, theo cả dòng chảy tâm thức con người.
Hàng loạt trường đoạn được dựng song song, qua lại giữa các khoảng không gian khác nhau điển hình như trường đoạn thẩm vấn giữa thám tử Kiên ở nhà quan Liêm với nhà Hồ Đác hay trường đoạn nhận định về cái xác của Nga nổi lên hồ giữa một bên là Kiên – Mẫn, một bên là bà Vượng – con Mùi… tạo nên sự căng thẳng mang đậm tính điện ảnh cho từng phân cảnh. Đồng thời, cách dựng phim này còn xuất hiện mỗi lần thám tử Kiên chìm vào không gian ma quái của ma da. Bản thân anh vẫn ở trong căn phòng tại nhà Hai Mẫn nhưng tinh thần anh dường như đã thoát li thực tại tới thác Vũ Thiên, tới căn phòng ma da đoạt mạng Nga. Để rồi, từ đó khán giả có lẽ sẽ nhận ra rằng, ma da không có thật mà chỉ xuất phát từ nỗi sợ của con người. Kiên đã luôn hãi sợ rằng chỉ cần anh chậm chân một bước sẽ không thể cứu được Nga. Vậy thì với anh, Nga đâu đơn thuần chỉ còn là một vụ án mà Nga còn là một con người anh sẵn sàng đánh cược chính sinh mạng bản thân để đưa cô trở về.
Phần âm nhạc Lời hẹn do Phan Mạnh Quỳnh sáng tác và thể hiện khép lại câu chuyện Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu như một lời kết trọn vẹn cho bộ phim này. Đủ phóng khoáng, mạnh mẽ cho chí nam nhi, chí lớn của kẻ vì công lí như thám tử Kiên song cũng đủ chất tình, độ dư ba cho những gì còn dở dang, cho lời hẹn “trở lại” còn bỏ ngỏ.
Làm tốt ở cả khía cạnh nghệ thuật lẫn khía cạnh nội dung hướng đến đại chúng, Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu thật sự là bộ phim thành công đánh dấu cho cột mốc 20 năm làm phim của đạo diễn Victor Vũ đồng thời tạo nên làn gió mới cho nền điện ảnh Việt Nam đương đại, thôi thúc các nhà làm phim đổi mới sáng tạo trên giá trị hồn cốt của dân tộc.
MỌT MỌT
VNQD