Có dịp về công tác tại Công ty 715, Binh đoàn 15, đi giữa vùng cao nguyên đất đỏ thuộc huyện Ia Grai, Gia Lai, chiếc xe chở chúng tôi bất ngờ chui tọt vào một “đường hầm xanh” mát rượi. Ánh nắng chiếu qua những tán cao su, ánh xạ lên kính xe lấp loá.
Con đường trải bê tông phẳng lì uốn lượn trong những lô cao su như một cảnh phim. Tôi buột miệng thốt lên trước vẻ đẹp ấy. Ngồi bên cạnh, Thiếu tá Lê Xuân Tuấn, Chủ nhiệm Chính trị Công ty 715 cho biết, con đường mới được Binh đoàn 15 triển khai xây dựng và đi vào hoạt động 4 năm nay nhưng đã làm thay đổi diện mạo của vùng này. Dọc hai bên đường là những lô cao su hơn mười năm tuổi đang ngày ngày cho những dòng nhựa trắng. Những hàng cao su giao tán tạo thành vòm che mát cho con đường, vài khúc cua uốn lượn càng làm tăng vẻ mềm mại trữ tình.
Thiếu tá Lê Xuân Tuấn cho biết, đây là con đường từ Cụm dân cư số 1 đi Cụm dân cư số 3 của Công ty được Tư lệnh Binh đoàn 15 phê duyệt tại Quyết định số 201/QĐ-BTL ngày 23/3/2021, với tổng mức đầu tư 23 tỉ đồng. Ngoài việc kết nối các khu dân cư, các đội sản xuất, con đường đã hỗ trợ trực tiếp cuộc sống và công việc cạo mủ cao su mỗi ngày của người công nhân.

Con đường xuyên lô cao su của Công ty 715 được hoàn thành cuối năm 2021. Ảnh: NXT
Một trong những kỉ niệm khi làm con đường này Thiếu tá Lê Xuân Tuấn vẫn còn nhớ, đó là quá trình thi công đúng vào thời điểm Đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Gói thầu thi công xây dựng do nhà thầu Công ty TNHH Tân Thịnh Phát thi công. Thời gian ấy địa phương thực hiện Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng chính phủ về giãn cách xã hội để đảm bảo an toàn phòng chống dịch nhưng nhà thầu đã huy động mọi nguồn lực, khắc phục mọi khó khăn để thi công các hạng mục công trình đảm bảo theo đúng hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công được duyệt, đảm bảo yêu cầu kĩ thuật và mĩ quan công trình. Kết quả, sau 3 tháng thi công, con đường đã hoàn thành đảm bảo tiến độ và chất lượng, nền đường rộng 5,5 mét, đổ bê tông dày 18 cm; mặt đường rộng 3,5 mét, móng được đổ cấp phối đá dăm.
Đại tá Hoàng Văn Toả, Bí thư Đảng uỷ Công ty 715 cho biết, với hơn 7km, nhưng đây là trục đường xương sống kết nối Tỉnh lộ 664 với 3 làng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Ia Grai, gồm làng Tung Chruc, làng Ếch (xã Ia Khai), làng Tung Breng (xã Ia Krai) và các đội sản xuất của Công ty 715. Theo lãnh đạo Công ty 715, tuyến đường hoàn thành không chỉ làm thay đổi diện mạo các thôn, làng, cụm dân cư mà còn thúc đẩy kinh tế - xã hội trong vùng.

Một điểm tập kết mủ cao su nằm bên con đường trải bê tông sạch sẽ và tiện lợi. Ảnh: NXT
Công ty 715 là đơn vị kinh tế - quốc phòng thuộc Binh đoàn 15 đứng chân tại huyện biên giới Ia Grai, phía tây tỉnh Gia Lai, nơi chiếm phần lớn đồng bào các dân tộc Jrai, Ê đê. Những năm qua đơn vị đã sát cánh bên chính quyền địa phương và đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế, củng cố an ninh quốc phòng vững chắc. Các đội sản xuất gắn liền với các khu dân cư, đem lại việc làm, thu nhập cho bà con các dân tộc. Với 1.300 người lao động, các đội sản xuất của Công ty đã phủ xanh vùng biên giới Ia Grai bằng cây cao su, góp phần giữ vững màu xanh Tây Nguyên, sản xuất mủ cao su xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động trên địa bàn huyện. Mức thu nhập bình quân hiện nay của công nhân Công ty là 6,8 triệu đồng/người/tháng.
Do đặc thù, công nhân cao su thường phải đi cạo mủ vào ban đêm và thu mủ vào sáng sớm, từ các lô cao su vận chuyển về điểm tập kết để đưa mủ cao su về nhà máy, trước đây con đường này là đường đất đỏ, mùa khô thì lầm bụi đỏ, mùa mưa lại bện quánh bùn đất, khiến cho việc di chuyển, đi lại có phần khó khăn, nhất là với lưu lượng công nhân và xe ô tô trọng tải lớn vận chuyển mủ qua lại mật độ dày mỗi ngày. Từ ngày con đường mới được làm và đi vào sử dụng, công nhân các đội sản xuất mỗi buổi đi lô như được nâng lên một “cảnh giới” khác.

Niềm vui con trẻ bên con đường mới. Ảnh: NXT
Nhờ có con đường, công nhân và người dân địa phương đã được hưởng lợi, bố mẹ đi làm, con em đi học đã sạch sẽ, nhàn nhã hơn. Ngày nắng hay ngày mưa người dân đã không còn phải bận tâm lo lắng như trước. Cả đời gắn bó với cây cao su, con đường mới như nhịp cầu kết nối họ với rừng cây thân thuộc. Người ở xa đến, chạy xe giữa những hàng cao su thẳng tắp đang độ cho mủ sung sức ai cũng xuýt xoa trước vẻ đẹp thiên nhiên của vùng đất Tây Nguyên nắng gió được tạo nên bởi bàn tay con người. Trung tá CN Trịnh Thành Công, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty 715 hồ hởi khoe, đã có một số cặp đôi công nhân của đơn vị chọn con đường này làm bối cảnh chụp ảnh cưới trước niềm vui trăm năm của mình.
BẢO AN
VNQD