Dòng chảy

35 cảnh Việt trong văn chương được ‘chuyển thể’ hội hoạ

Thứ Sáu, 21/04/2023 07:49

 35 cảnh đẹp trong văn chương từ khắp mọi miền đất nước đã được hội hoạ hoá dưới cảm nhận của các hoạ sĩ trong một cuốn sách art mới ra mắt. Với tấm áo sắc màu, chúng trở nên sống động cũng như đã mở ra những liên tưởng thú vị cho độc giả nhỏ tuổi. 
Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương là artbook tập hợp các đoạn trích hay nhất trong sách giáo khoa chương trình phổ thông viết về cảnh đẹp non sông gấm vóc Việt Nam kết hợp với những bức tranh được các họa sĩ hiện đại sáng tác.

Chào mừng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 - 2023, sáng 20/4/2023 Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức sự kiện giao lưu ra mắt sách Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương tại Thư viện Quốc gia (31 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Các khách mời tham dự buổi giao lưu ra mắt sách, từ trái qua phải: nhà văn Nguyễn Trương Quý, tiến sĩ ngữ văn Nguyễn Thị Ngọc Minh, họa sĩ Trương Văn Ngọc.

Sống dậy những áng văn…

Ở cuốn sách này, bạn đọc sẽ gặp lại những áng văn, những câu thơ đã trở thành mẫu mực và bất hủ của nền văn học Việt Nam như Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân, Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long, Việt Bắc của Tố Hữu, Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, Tây Tiến của Quang Dũng, Quê hương của Tế Hanh, Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi… Điều thú vị là, qua cách làm mới, những tác phẩm kinh điển ấy sẽ trở lại với chúng ta theo một cách khác, bồi đắp thêm tình yêu với thiên nhiên nước Việt.

Cái đẹp của văn chương là sự khắc họa những vùng đất không chỉ qua một bức ảnh chụp hay một thước phim mà còn mang cách nhìn, tình cảm, sự tưởng tượng và sáng tạo trong việc ngắm nhìn và ghi lại cảnh đẹp. Vì thế, các tác phẩm văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung luôn đưa chúng ta đi xa hơn những gì mình thấy hằng ngày. Hội họa cũng có thể nối gót những áng văn để tiếp tục hành trình đó, cho người đọc cách nhìn và cảm nhận khác hơn, giàu có hơn về những miền đất trên quê hương mình.

Nhà văn Nguyễn Trương Qúy chia sẻ: Cuốn sách là một cách tiếp cận rất đáng kể của những người làm sách, để nuôi được một mĩ cảm liên văn bản thế này là rất đáng trân trọng. Cuốn sách mang đến những ngữ liệu mới giúp bạn đọc, đặc biệt là học sinh tiếp cận thêm những góc nhìn vừa mới mẻ vừa gần gũi với những trích đoạn tác phẩm đã gặp trong sách giáo khoa. Ai đã đọc đã học những tác phẩm này sẽ thấy sự thân thương, sâu sắc, tươi mới hơn khi cầm cuốn sách. Đặc trưng của văn chương là khơi gợi vẻ đẹp, từ cuốn sách này chúng ta sẽ tiếp cận điều đó dễ dàng hơn.

Nhiều bạn đọc lứa tuổi học sinh tham dự buổi giao lưu ra mắt sách.

Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương bao gồm 35 trích đoạn thơ, truyện ngắn, bút kí của các tác giả Việt Nam từ trung đại đến hiện đại.

35 tác phẩm văn chương dẫn lối chúng ta đi đến các miền đất trên khắp dải đất hình chữ S thân yêu. Nhờ có văn chương, chúng ta có khả năng đặt chân đến như một sông Đà nên thơ trữ tình của Nguyễn Tuân, một Tây Tiến mộng mơ, bi tráng, kiêu bạc của Quang Dũng, một Kinh Bắc đầy bản sắc của Hoàng Cầm…

Cuốn sách này cho thấy hành trình mà cảnh sắc Việt đã bước vào văn chương để rồi tiếp tục trở lại trước mắt ta với những bức tranh sinh động, nên thơ, bảng lảng, dữ dội... Hành trình lưu giữ và ghi lại ấy là tiếp nối của sự quan sát, hình dung, sáng tạo và lòng yêu mến. Mỗi địa danh luôn có nhiều hơn một đời sống cho chúng ta ngắm nhìn, khám phá và cũng có thật nhiều cách để những miền đất ta yêu mến được lưu giữ và nhớ về.

Bắt đầu từ những đoạn trích trong sách giáo khoa phổ thông đã trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ, nhóm biên soạn cũng đưa vào những vần thơ, áng văn viết về các nơi chốn khác. Điều này làm cho tấm bản đồ cảnh sắc quê hương từ văn chương đến hội họa thêm phong phú và rực rỡ. Cuốn sách cũng có thể được sử dụng như tư liệu dạy và học - một gợi ý giúp các giáo viên và học sinh tiếp cận tác phẩm văn học trong chương trình phổ thông trong sự giao thoa với các hình thức nghệ thuật khác.

Sự chuyển thể từ văn học đến hội họa

Tiến sĩ ngữ văn Nguyễn Thị Ngọc Minh bày tỏ: cuốn sách đem đến cách đọc mới, phát hiện mới qua việc phối hợp những trích đoạn của tác phẩm kinh điển với tranh đương đại. Ở đây hội hoạ có sức sống độc lập với văn bản. Chúng ta nhìn nhận điều này như sự chuyển thể, thành một tác phẩm nghệ thuật độc lập. Tác phẩm văn học là nguồn cảm hứng cho hội hoạ và sự phối hợp ấy là cần thiết.

Đây là thời của nghe nhìn, chúng ta cần có phương tiện để biết phân biệt đẹp xấu, rung cảm trước cái đẹp, có khoái cảm thẩm mĩ để tinh tế hơn, đời sống tâm hồn phong phú hơn. Sự kết hợp với tranh sẽ đưa trí tưởng tượng đi xa hơn, sinh động hơn. Những tác phẩm cùng viết về thiên nhiên đất nước đặt cạnh nhau đem đến cảm giác trong lành, tinh tế, xoa dịu... Và hơn hết, từ đó bức tranh thiên nhiên đất nước hiện lên trong tâm thức chúng ta cũng rõ rệt, yêu mến hơn.

Gần 30 họa sĩ với sự đa dạng của phong cách, thủ pháp, chất liệu đã chuyển hóa ngôn ngữ xúc cảm văn chương thành ngôn ngữ hình ảnh của nghệ thuật thị giác. Đó là những bức tranh phong cảnh màu nước hay acrylic, bột màu hay sơn dầu, tranh khắc gỗ hay kĩ thuật số… Mỗi tác giả một phong cách: lãng mạn của Trương Văn Ngọc, ấn tượng của Chu Hồng Tiến, hùng tráng của Vũ Xuân Hoàn… Tất cả hòa chung giai điệu ngợi ca vẻ đẹp Tổ quốc.

Họa sĩ Trương Văn Ngọc chia sẻ: trước những tác phẩm đã trở nên kinh điển như vậy các họa sĩ phải vẽ sao cho không ảo quá, nhưng cũng không bám vào nội dung quá sẽ giống như minh họa mà cần vẽ sao để tạo độ liên tưởng lớn nhất. Chủ đề thiên nhiên đất nước trong văn chương đem đến nhiều trạng thái, nhiều cung bậc, cảm xúc hoạ sĩ cũng vậy nên tiếp cận tác phẩm một cách rất tự nhiên. Năng lượng cảm xúc của họa sĩ sẽ còn trong những nét vẽ. Thế nên khi vẽ các hoạ sĩ đã cố gắng đưa cảm xúc tốt vào tranh để truyền tải cái hay cái lành và vô hình trung hoạ sĩ để lại một phần mình trong tranh. Tâm thức hoạ sĩ lưu lại đó.

Qua cuốn sách ta thấy, từ văn học đến hội họa là một sự chuyển thể đặc sắc, sinh động, nhuần nhuyễn và cũng rất riêng biệt. Sự kết nối, chuyển thể ấy cũng mở ra nhiều cơ hội cho văn học nghệ thuật cũng như niềm đam mê, hứng thú với văn học nghệ thuật của độc giả, đặc biệt là lứa tuổi học văn học nhà trường.

HOÀI PHƯƠNG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

prev
next