Sáng 20/12/2024, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỉ niệm 100 năm Ngày sinh nhà văn hóa lớn Nguyễn Đình Thi (20/12/2924-20/12/2024). Đông đảo văn nghệ sĩ trí thức và đại diện gia đình nhà văn tham dự.
Phát biểu tại buổi lễ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhấn mạnh: Nguyễn Đình Thi đã mang đến một luồng gió mới cho đời sống văn học nghệ thuật Việt Nam. Chúng ta khẳng định thêm một lần nữa sự đóng góp to lớn trong nhiều phương diện của ông đối với nền văn học nghệ thuật Việt Nam bằng tác phẩm và bằng việc thúc đẩy sự phát triển của văn học nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực văn học. Và cũng từ đó để khẳng định những sáng tạo của ông và tư tưởng trong các tác phẩm của ông vẫn còn với thời gian.
Lễ kỉ niệm được tổ chức trong không khí ấm áp, trang trọng.
Nguyễn Đình Thi là một nhân vật đặc biệt trong đời sống văn học nghệ thuật Việt Nam, ông mang tới những giá trị đa tầng của văn xuôi, ông mở ra tư duy mới về thơ ca, ông mang tới độ sâu tư tưởng trong sân khấu và đóng góp thêm những vẻ đẹp cho âm nhạc hiện đại Việt Nam.
Có thể nói những tác phẩm triết học từ rất sớm của ông đã đặt một nền tảng cơ bản về triết học trong sáng tác văn học nghệ thuật. Đây là một điều vô cùng quan trọng, thậm chí mang tính sống còn đối với bất kì nền văn học nghệ thuật nào muốn phát triển và tạo ra những giá trị có tầm vóc. Bởi thế, những tác phẩm văn xuôi, thơ ca, sân khấu và âm nhạc của ông có một sức sống lâu dài, bởi ngoài những cảm xúc của thời đại ông sống, ngoài những giấc mơ đẹp đẽ mà ông mang trong những trang viết của mình thì triết học đã giúp ông làm nên tư tưởng các tác phẩm của ông, làm nên sức sống lâu dài của các tác phẩm đó trong nhiều thời đại khác nhau.
Trong hàng chục năm nay, các công trình nghiên cứu về văn xuôi, thơ ca, sân khấu, âm nhạc của ông vẫn được tiếp tục. Mỗi công trình nghiên cứu về ông đều mở ra những chiều kích mới và khám phá những giá trị mới đối với những tác phẩm của ông.
Lễ kỉ niệm 100 năm ngày sinh của ông không chỉ là sự tưởng nhớ đến một con người nghệ sĩ, một nhà văn hóa đã có những đóng góp vô cùng to lớn đối với nền văn học nghệ thuật nước nhà mà còn mở ra những cánh cửa mới để các nhà văn, các nhà nghiên cứu, bạn đọc tiếp tục bước vào trong thế giới sáng tạo rộng lớn, nhiều tầng lớp và nhiều gợi mở của ông trong một thời đại mới của đất nước và của văn học nghệ thuật.
Nguyễn Đình Thi tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn rất trẻ. Những năm 1940 ông tham gia Tổ Văn hóa cứu quốc, sau đó là Hội Văn hóa cứu quốc. Năm 1945, ông tham dự Quốc dân Đại hội Tân Trào, được bầu làm đại biểu Quốc hội Việt Nam các khóa I, II, III. Sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Đình Thi làm Tổng thư kí Hội Văn hóa cứu quốc.
Trong kháng chiến chống Pháp, ông tiếp tục viết sách khảo luận triết học, viết văn, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lí luận phê bình. Sau năm 1954 ông tham gia công tác quản lí văn học nghệ thuật. Từ năm 1958 đến năm 1989, ông là Tổng Thư kí Hội Nhà văn Việt Nam. Từ năm 1995, ông là Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Nhiều tác phẩm của nhà văn Nguyễn Đình Thi được trưng bày tại Lễ kỉ niệm.
Trong văn học, Nguyễn Đình Thi là nhà văn có nhiều tìm tòi, đột phá ở thể loại văn xuôi, nhất là tiểu thuyết. Các tác phẩm văn xuôi, như: Xung kích, Thu Đông năm nay, Bên bờ sông Lô, Vào lửa, Mặt trận trên cao… là những dẫn chứng tiêu biểu cho quan niệm sáng tác và ý thức công dân của người nghệ sĩ. Đặc biệt, bộ tiểu thuyết hai tập Vỡ bờ phản ánh bức tranh đa chiều của xã hội Việt Nam thời kì 1939-1945, đã đưa Nguyễn Đình Thi lên vị thế tiên phong của dòng tiểu thuyết sử thi hào hùng và lãng mạn của nền văn học nước ta giai đoạn 1946-1985.
Thơ là lĩnh vực Nguyễn Đình Thi dành nhiều tâm huyết, ông luôn trăn trở tìm tòi hướng sáng tạo. Với tình cảm gắn bó tha thiết với quê hương đất nước, với niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc, ông đã cho ra đời những bài thơ bất hủ, như: Đất nước, Nhớ, Bài thơ Hắc Hải, Lá đỏ...
Về nghệ thuật kịch, giới phê bình đã nhận xét kịch của Nguyễn Đình Thi là một thế giới văn hóa đa dạng nhiều màu sắc, giàu chất thơ, nhạc điệu triết lí, đan xen hài hòa giữa hiện thực và sự liên tưởng khiến tác phẩm của ông mang một dấu ấn đặc biệt. Trong lĩnh vực âm nhạc, chỉ với sáu ca khúc trong sự nghiệp sáng tác: Căm hờn, Diệt phát xít, Du kích quân (1945), Người Hà Nội (1947), Con voi (1948), Đất nước yêu thương (1977), ông để lại dấu ấn sáng tạo đậm nét, tâm hồn đẹp đẽ, nhân văn của người nghệ sĩ - chiến sĩ. Các ca khúc của Nguyễn Đình Thi đã trở thành một phần kí ức lịch sử dân tộc, khơi dậy niềm tự hào đối với quê hương, đất nước.
Ở lĩnh vực lí luận, phê bình văn học, Nguyễn Đình Thi là một cây bút sắc sảo với phong cách riêng biệt. Đặc biệt, từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, Nguyễn Đình Thi đã viết Nhận đường năm 1948. Đây là một trong những tác phẩm văn nghệ tiêu biểu thể hiện tư tưởng của ông về con đường nghệ thuật và xác định sứ mệnh của văn nghệ sĩ đối với kháng chiến và dân tộc. Nguyễn Đình Thi nhấn mạnh văn học, nghệ thuật phải chuyển mình để phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh.
HOÀNG VIỆT
VNQD