Vẻ đẹp của nỗi buồn

Thứ Năm, 14/07/2016 00:18
. HOÀNG VŨ THUẬT
Tôi sinh ra và lớn lên trên vùng đất gió Lào và cát trắng.
Thuở nhỏ khi rỗi rãi mẹ tôi thường dắt tôi ra thăm mộ người cha mất lúc tôi mới lên hai. Dấu chân bé nhỏ của tôi vừa mới đi qua, cát vùi lấp ngay sau đó. Tôi leo lên đỉnh một núi cát gần nhất, nhìn ra bốn phía. Cát và cát mênh mông trắng đến rợn người. Gió hú lên từng hồi. Tôi vốc một nắm cát. Qua các kẽ tay cát chảy từng dòng về chốn cũ. Kì lạ thật! Tôi cố tưởng tượng ra điều gì đó, nhưng bất lực. Có lẽ điều ấy theo đuổi tôi đến nay, giúp tôi viết ra những câu thơ mà chính tôi cũng không hiểu do đâu và vì sao.
Nhà tôi có tới mấy vườn cau. Ôm lấy thân cau là dây trầu không. Ngày nào tôi cũng theo mẹ ra vườn. Tôi giơ hai bàn tay nhỏ xíu đón nhận những lá trầu hình trái tim mẹ tôi hái, bỏ vào sọt tre, kịp ngày mai đưa ra chợ Chè. Mẹ tôi bảo: “Con ạ, lòng tốt nó thẳng ngay như cây cau, thơm như lá trầu xanh. Lòng tốt không giữ, nó như cây cau còi, lá trầu héo. Con út của mẹ đừng để lòng tốt khô héo nghe không…”. Tôi mơ hồ hiểu. Ý tưởng mẹ tôi chi phối suốt một đời cầm bút của tôi. Đừng bao giờ nguôi đi khát vọng, nguôi đi niềm say mê, nguôi đi tình yêu của mình… Để lá trầu xanh và thơm, cây cau sung sức, từ sáng tinh mơ mẹ tôi gánh cạn cả một khe nước tưới cho mấy khu vườn rậm rạp ấy.

Lúc nào tôi cũng như nghe văng vẳng bên tai câu ca dao cổ: Rồi mùa toóc rã rơm khô/ Bạn về quê bạn… Mùa gặt đã xong, rơm đã khô, toóc đã rạp, bạn gặt hái làng này giúp làng khác ra về mỗi người một ngả. Trót quen nhau rồi, trót thương nhau rồi, biết tìm nhau nơi mô? Thật da diết thủy chung. Ca dao nói về lòng mẹ, tình làng nghĩa xóm ở đâu cũng có, nhưng hai câu này thì chỉ có thể xuất hiện nơi vùng chiêm trũng, hạn hán, lũ lụt bất thường. Thu vén hạt thóc vào nhà phải nhờ thêm người, may ra mới chắc ăn. Bao thế hệ đi qua, câu ca dao vẫn còn đó, bởi cái mạch nguồn của nó là cuộc sống lam lũ nơi đồng quê và cái nghĩa nơi lòng người chẳng thể thay đổi, mất đi, nó đã trở thành cốt tủy tự bao giờ.
Thơ tôi không thể bay khỏi xứ sở miền Trung gió Lào và cát trắng. Không thể giã từ cái làng quê một bên trập trùng động cát vàng, chỉ có cây xương rồng mới trụ nổi, một bên phá Hạc Hải như con mắt đa tình ẩn dưới hàng mi xanh, đó là cánh đồng nơi phát tích những câu ca dao cổ. Ở giữa hai nguồn sống đất đai tưởng chừng như đối trọng, lại có một lối đi cho người dân quê tôi. Trên con đường bấp bênh đó, tôi đã đồng hành với họ.
Tôi học ở xứ sở lạ lùng bí ẩn mà tạo hóa đã bày ra bao điều về phong tục tập quán, tình yêu lứa đôi, nếp sống hàng ngày, những chuyện đời xưa, các bài vè, các điệu hò trên sông nước, học từ lời chào ra ngõ, cho đến tiếng rủa trách sao cho hợp lí. Đó là những thang thuốc bổ, hương liệu của nó nhất định không giống ở bất kì miền quê nào.
Tôi chỉ là tôi nếu không bước ra khỏi làng quê bé nhỏ. Trên nhịp cầu dân gian, tôi làm quen với bao nhà thơ tiên phong trong phong trào Thơ mới và các nhà thơ khác. Họ tạo ra những vũ trụ thơ của mình.

 
me toi 2


Nhưng khi tôi vào trường tỉnh, những bài thơ lẻ in đầu tiên của Heine, Yesenin nhập vào tôi mạnh mẽ hơn là thơ của các nhà thơ khác,  mặc dầu tôi đã chép hàng trăm bài thơ của Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên, Bích Khê, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Xuân Sanh, Huy Cận… Bởi giản đơn những bài thơ viết về mẹ của Heine, Yesenin làm tôi thẫn thờ, y như họ viết về mẹ tôi. Nguồn sữa người mẹ tạo ra thơ họ. Mẹ tôi là nguồn sữa suốt đời thơ tôi. Tôi lo “thân cau” đời mình còi cọc, “lá trầu” trong ngực mình không tươi xanh như mẹ hằng mong mỏi.
Lúc nào tôi cũng thấy mình non nớt khờ khạo giữa cuộc đời mênh mông hun hút như những cồn cát quê hương:
Rồi con ra đi cùng tháng ngày
lầm lũi
Mẹ đứng giữa vườn như bóng mát
chờ con
Và tháng ngày cứ thế dày hơn
Và cứ thế con vẫn là thơ dại

                   (Ngày giờ yên tĩnh)
Bao giờ tôi cũng thấy mình thiếu thốn trễ tràng:
Tôi về cùng mùa thu
Lặng thinh bên cửa sổ
Người bán dâu ngày xưa
Không còn rao đầu ngõ
 
Ngây ngô tôi đi tìm
Chùm dâu da vàng lịm
Hàng cây xanh, cây xanh
Trách tôi sao quá chậm

                (Bài hát trái dâu da)

Bao đời nay, thơ luôn khai thác số phận con người, niềm vui cũng như nỗi đau, cao thượng cũng như thấp hèn, hùng và bi… với những cung bậc khác nhau. Thơ không thể là kẻ bạc ác. Thời nào thi sĩ cũng thờ trên đầu chữ Tâm - cái gốc rễ sâu bền của con người. Các nhà thơ trước chúng ta và thời chúng ta không ai cầm bút đứng ngoài dân tộc. Tiếng đàn chỉ cất cao khi tâm hồn người nghệ sĩ hòa nhập cùng quê hương xứ sở. Bằng chức năng sáng tạo, nhà thơ góp phần làm giàu cho tâm hồn tình cảm của quê hương mình, dân tộc mình.
Tác phẩm Daghestan của tôi có dẫn câu mà người xứ Avar thường nói: “Nhà thơ sinh ra một trăm năm trước khi thế giới tạo thành”. Rasul Gamzatov bình luận: “Nếu nhà thơ không tham dự vào việc tạo thành thế giới thì thế giới đã không được đẹp đẽ như thế này”.
Trên sa mạc cát quê tôi chỉ có hai loài cây thích hợp với điều kiện sống, cây xương rồng đầy gai nhọn và cây cỏ chông. Các cụ già bảo đất ấy thì phải sinh ra loài cây ấy. Cả hai đều ra hoa, hoa xương rồng cánh mỏng mảnh trắng tinh như tờ giấy, còn hoa cỏ chông như quả mặt trời bé thơ, vào ngày nắng tự bứt khỏi cây lăn qua cồn cát nóng khô rang. Là cây xương rồng nhưng bông hoa thì dịu dàng và thánh thiện. Tôi luôn nghĩ tới việc cách tân và đổi mới cho thơ mình. Nhưng nhất định thơ phải gửi tới độc giả bông hoa nghệ thuật, chứ không phải trái cây chết người.

Nhà thơ Đức Heine viết những câu thơ đầy bi ai:
Vì sao trên cánh đồng
Mặt trời buồn ảm đạm?
Sao trái đất quạnh hiu
Mang một màu tang xám?
 
Vì sao anh đau khổ
Em hãy nói giùm anh?
Em nói đi em hỡi
Vì sao em bỏ anh?

Heine muốn lí giải tình yêu chân thật và đắm say của mình, mong sao người yêu nhận biết, hi vọng mối tình lại được xây đắp. Như vậy khai thác nỗi buồn mà cái đích lại hướng về con người, về tình yêu cuộc sống, giúp cho con người tin ở cuộc sống hơn.
Đọc Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi/ Hổn hển như lời của nước mây, hay là Chị ấy năm nay còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang, tưởng chừng như Hàn Mặc Tử mới viết hôm qua, hồn thơ quanh quất đâu đây.
Thơ tôi là những hạt cát li ti ẩn giữa hai nếp nhăn vầng trán mẹ tôi nơi miền gió cát Quảng Bình. Là dòng chảy buồn buồn như dáng người mẹ mảnh khảnh một mình băng qua cồn cát khi ánh tà vừa xuống, hoặc những lúc bất ngờ gặp trận bão cát dữ dội. Nào ai dám nói người mẹ của mình trọn đời hạnh phúc? Thơ tôi viết về cái nghiệt ngã, nỗi khắc khoải, dằn vặt, về thiên nhiên, về đời sống, về tình yêu… thông qua dòng chảy ấy, viết về vẻ đẹp của nỗi buồn. Dù ở đâu, đi đâu, hạt cát thơ tôi vẫn trở về chốn cũ - vành nôi yên tĩnh nhân ái của mẹ tôi. Với tôi, chỉ bằng cách đó, bài thơ mới ra đời trong trạng thái rung động thật sự. 
H.V.T
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)