Văn học thị trường ở thành phố Hồ Chí Minh

Thứ Hai, 27/06/2016 00:11
. VÕ VĂN NHƠN - NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THÚY
Vài năm gần đây, cụm từ “văn học thị trường” xuất hiện khá thường xuyên trên các phương tiện truyền thông để chỉ những sáng tác văn học nặng tính giải trí, được số đông độc giả ưa chuộng nhưng ít có giá trị nghệ thuật. Đa phần các ý kiến đều thể hiện nỗi e dè, lo ngại trước sự xâm lấn của bộ phận văn học này trong không gian văn hóa đọc hiện nay. Thậm chí không ít người cho rằng đây là biểu hiện của sự xuống cấp văn hóa đọc. Thế nào là “văn học thị trường”? Cần có thái độ, đánh giá và tác động như thế nào đến bộ phận văn học này? Bài viết này sẽ góp phần giải quyết những vấn đề trên trong phạm vi khảo sát ở thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM).
 
1. Thế nào là “văn học thị trường”?
Trước tiên chúng ta cần làm rõ khái niệm “văn học thị trường” có nội hàm như thế nào. Thực tế chứng minh, đây là cách gọi có nhiều chỗ bất hợp lí. Kể từ ngày xuất hiện nền kinh tế hàng hóa, văn học luôn cần có thị trường để tồn tại. Một tác phẩm khi được xuất bản và phát hành thì nghiễm nhiên nó trở thành một thành tố của thị trường. Vì vậy, có thể nói hầu hết các sáng tác văn học đến được với độc giả hôm nay đều có/nhờ thị trường tiêu thụ, dù ít hay nhiều (ngoại trừ những tác phẩm in ra chỉ để tặng). Do đó, dùng khái niệm “thị trường” để đối lập một bộ phận văn học nào đó với văn học tinh hoa là không hợp lí. Văn học tinh hoa đương đại - trước khi được đánh giá là tinh hoa - cũng phải gia nhập vào thị trường, phải được mua, trải qua sự đánh giá của độc giả, cả bình dân lẫn chuyên nghiệp. Trong tiếng Anh có nhiều cách gọi bộ phận văn học này như “entertaining literature” (văn học giải trí), “mass literature” (văn học đại chúng) “popular literature” (văn học phổ thông), “lowbrow literature” (văn học bình dân)… nhưng không hề có cụm từ “văn học thị trường”. Những khái niệm kể trên từng phổ biến trong giới nghiên cứu ở Việt Nam khi nhắc đến những tiểu thuyết “ba xu”, hoặc các tác phẩm chỉ có tính giải trí được xuất bản tràn lan trước năm 1975. Bên trong định ngữ “thị trường” ẩn chứa thái độ kì thị, cảm xúc tiêu cực, dù người sử dụng nó có thể không nhận ra. Một đất nước nông nghiệp lâu đời như Việt Nam đã có hàng ngàn năm mang tâm lí kì thị thương nghiệp. Tâm lí này kết hợp với nhiều thập kỉ sống trong nền kinh tế bao cấp đã khiến người Việt vô tình lồng vào khái niệm “thị trường” một sắc thái nghĩa tiêu cực. Thị trường đồng nghĩa với sức mạnh quyết định của tiền bạc, sự sòng phẳng, tính vô cảm và đối lập với tình nghĩa, cảm xúc. Khi sử dụng khái niệm này, người dùng đặt nghệ thuật tinh hoa vào thế đối lập và vô tình ngụ ý rằng nghệ thuật tinh hoa không cần thị trường tiêu thụ. Điều này dẫn đến việc người nghệ sĩ khi sáng tạo những giá trị nghệ thuật thực thụ sẽ cho mình quyền rút vào tháp ngà và thỏa mãn nhu cầu của cá nhân mình là đủ.
Có thể thấy cụm từ “văn học thị trường” tuy mới, nhưng bản thân nó chỉ một đối tượng đã cũ, thể hiện tư duy phân cực trong đánh giá văn học trong xã hội tiêu thụ: luôn luôn có sự đối lập giữa văn học cao cấp và bình dân, văn học tinh hoa và đại chúng, văn học thuần túy và văn học phục vụ giải trí. Chính việc ra đời muộn của cụm từ “văn học thị trường” đã khiến nhiều người nhầm tưởng rằng bộ phận văn học này chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam thời gian gần đây. Sự ngộ nhận này một phần cũng là do Việt Nam đã trải qua một thời kì văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa không hề tồn tại kiểu văn học thị trường của xã hội tiêu thụ như đã mô tả ở trên.
 
2. Một vài đặc điểm của văn học thị trường ở TP.HCM hiện nay
Hiện tại, TP.HCM là một trong hai đô thị đặc biệt của Việt Nam, bên cạnh Hà Nội. Xét về mặt văn hóa, TP.HCM đã quen với sự tồn tại của  văn học thị trường từ trước năm 1975, nên sự trở lại của dòng văn học này khi đất nước bước vào giai đoạn Đổi mới không gây cho mọi người nhiều bỡ ngỡ. Tuy nhiên, phải đến khi nó trở thành một trào lưu, một cơn sốt, với những cuốn sách best-seller đình đám thì nó mới bắt đầu gây chú ý. Mặc dù nó chính là “văn học đại chúng”, “văn học giải trí” được mô tả trong các nghiên cứu văn học trên thế giới, với những đặc điểm chung phổ biến trong mọi nền văn học đương đại, nhưng dòng văn học thị trường hiện nay ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng vẫn có những nét không trộn lẫn.
Thứ nhất, văn học thị trường ở TP.HCM gắn với những người trẻ. Người viết trẻ và người đọc cũng trẻ. Có thể liệt kê hàng loạt tác giả được xếp vào văn học thị trường như Trần Thu Trang, Dương Thụy, Anh Khang, Gào (Vũ Phương Thanh), Keng (Đỗ Thị Thùy Linh), Hamlet Trương, Iris Cao, Nguyễn Ngọc Thạch, Phan Ý Yên, Ploy Ngọc Bích, Kawi Hồng Phương, Bom, Sơn Paris… Nhiều người trong số họ sở hữu những cuốn sách được tái bản với tốc độ chóng mặt. Anh Khang là một “hiện tượng xuất bản” những năm gần đây. Tác phẩm đầu tay Ngày trôi về phía cũ được tái bản một tuần sau khi phát hành và hiện đã in đến lần thứ tư với số lượng tổng cộng hơn 20.000 bản. Tác phẩm thứ hai Đường hai ngả, người thương thành lạ được đặt hàng 10.000 bản trước khi phát hành(1). Tác phẩm thứ ba Buồn làm sao buông đứng đầu danh sách bán chạy nhất của Hội sách TP. HCM lần VIII với 40.000 bản tiêu thụ hết trong vòng 7 ngày và sau đó gấp rút in thêm 15.000 đến 20.000 bản nữa; cuốn thứ tư Đi đâu cũng nhớ về Sài Gòn và… em dự kiến sẽ in 50.000 bản đợt đầu tiên. Dương Thụy là một “hiện tượng xuất bản” khác với số lượng sách tái bản không kém như Oxford thương yêu tái bản 11 lần, tổng số phát hành là 44.500 bản, Nhắm mắt thấy Paris tái bản 4 lần, tổng số phát hành là 22.000 bản, Venise và những cuộc tình Gondola tái bản 5 lần, tổng số phát hành là 17.000 bản, Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm tình tái bản 2 lần, tổng số phát hành là 11.000 bản(2). Một số tác giả khác cũng có sách tái bản rất nhiều lần, như Gào với Tự sát (tái bản 5 lần), Nhật kí son môi (tái bản 2 lần); Keng với Dị bản (tái bản 4 lần); Phan Ý Yên với Người lớn cô đơn (tái bản 2 lần); Hamlet Trương với Tay tìm tay níu tay (tái bản 3 lần), đặc biệt quyển Ai rồi cũng khác tuy chưa tái bản nhưng riêng lần in đầu tiên đã ra mắt 20.000 bản, một con số “trong mơ” của nhiều nhà văn trẻ. Đã có ý kiến nghi ngờ về những con số này, rằng làm sao để đảm bảo đây không phải chỉ là sản phẩm của việc kê khống nhằm tạo ấn tượng truyền thông cho tác giả và tác phẩm. Tuy nhiên việc giả mạo những con số nói trên không phải là việc đơn giản, vì quy định xuất bản và nộp lưu chiểu khá chặt chẽ(3).

 
anh dep hoa co may tapchidanong org9734 3

Để giải thích cho sự “thống soái” của người trẻ trong văn học thị trường hiện nay ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, cần nhìn sâu vào hai nguyên nhân: thời điểm trở lại của văn học thị trường và đặc tính của người trẻ. Nếu như văn học thị trường và best-seller đã phổ biến ở những thị trường văn học lớn như Âu, Mĩ trong quãng thời gian đủ cho xã hội cảm thấy đó là một điều tất yếu trong đời sống văn học, thì ở Việt Nam văn học thị trường chỉ mới trở lại trong khoảng thời gian chưa lâu. Vì vậy, đón nhận nó nhiệt tình nhất là những người trẻ vốn rất  nhạy bén với cái mới. Họ nhạy bén với công nghệ thông tin và năng động trong không gian toàn cầu hóa, vốn là những thứ đi cùng trong làn sóng văn học thị trường hôm nay. Người đọc trẻ cũng dễ bị chi phối bởi tâm lí đám đông hơn người đọc trưởng thành, vì vậy họ dễ bị cuốn theo trào lưu và góp phần làm nên những con số ấn bản trong mơ kia. Những con số ấn bản trong mơ ấy, đến lượt nó, lại kích thích trí tò mò có sẵn trong những người trẻ tuổi háo hức tìm hiểu thế giới.
Thứ hai, giống như văn học thị trường ở nhiều nước khác, văn học thị trường TP.HCM hiện nay có nội dung sáo mòn, chủ yếu là về tình yêu, kĩ thuật viết đơn giản, dễ đoán trước được. Ví như Quỳnh Mai trong Nhắm mắt thấy Paris là một cô gái trẻ, tính tình trong sáng, thánh thiện, làm việc trong một tập đoàn mĩ phẩm đa quốc gia. Cô được hai người đàn ông thành đạt, giữ vị trí cao cấp trong tập đoàn đem lòng yêu. Một người là giám đốc quản lí thương hiệu ở châu Á, một người xuất thân quý tộc Pháp, lãng mạn nhưng kiêu ngạo. Trên con đường đấu tranh vì tình yêu và sự nghiệp, cô phải chiến đấu với một nhân vật nữ phản diện luôn tìm cách tranh giành và hãm hại cô. Cuối cùng, Quỳnh Mai vượt qua cú sốc của cuộc tình cũ và mở lòng với chàng giám đốc luôn ở bên mình.
Thứ ba, văn học thị trường TP.HCM không thoát khỏi những trải nghiệm đơn giản của người sáng tác. Ngoài những tác phẩm ít ỏi là truyện ngắn, tiểu thuyết, những tác phẩm best-seller của thị trường Việt Nam đều là tản văn. Toàn bộ gia tài văn học của “hiện tượng xuất bản” Anh Khang đều là tản văn. Tương tự là các tản văn Nếu biết trăm năm là hữu hạn, Hãy tìm tôi giữa cánh đồng, Lạc giữa nhân gian, Trên đường rong ruổi của Phạm Công Luận và Đặng Nguyễn Đông Vy, Thương nhau để đó, Tay tìm tay níu tay, Ai rồi cũng khác, Người yêu cũ có người yêu mới… của Hamlet Trương và Iris Cao, Cà phê với người lạ, Tình yêu là không ai muốn bỏ đi, Người lớn cô đơn của Phan Ý Yên, Anh sẽ yêu em mãi chứ?, Yêu anh vì tất cả những gì em có, mất anh vì tất cả những thứ em cho của Gào, Đôi mắt không còn ướt nước của Keng… Nhiều tản văn trong số đó giống như những status facebook, người viết từ cảm xúc nhất thời mà viết ra những chiêm nghiệm thoạt nghe có vẻ sâu sắc, nhưng đọc xong chẳng đọng lại điều gì. Một số khác là những trang du kí như Venise và những cuộc tình Gondola của Dương Thụy, hay tự truyện hoặc truyện hư cấu mang màu sắc tự truyện của người nổi tiếng như Là tôi, Hà Anh của người mẫu Hà Anh, Đời call-boy của Nguyễn Ngọc Thạch, Vết sẹo cuộc đời của diễn viên Ngô Thanh Vân, Cocktail, giày và khói của diễn viên Đinh Ngọc Diệp… Những tác phẩm này thỏa mãn sự tò mò của độc giả trẻ về người nổi tiếng và về những chân trời mới mẻ, những đất nước xa lạ.
 Một điểm đáng chú ý là sự giao thoa giữa các thể loại của dòng văn học thị trường. Tiểu thuyết đã không còn dày dặn và đi vào chi tiết, mà thu lại vào khuôn khổ của truyện dài. Tác phẩm hư cấu (fiction) mang nhiều màu sắc tự truyện, nhiều chi tiết lấy từ trải nghiệm cá nhân của người viết như Oxford thương yêu của Dương Thụy, Kí ức Northumbria của Gào. Nhiều tập sách mỏng là sự kết hợp giữa các tản văn, truyện ngắn và truyện cực ngắn. Ranh giới giữa hư cấu và phi hư cấu bị xóa nhòa. Các truyện ngắn khó phân biệt với tản văn, vì tuy có nhân vật mang tên tuổi cụ thể nhưng đều là hình bóng của tác giả, phản ánh suy nghĩ và cảm xúc của tác giả. Những điểm trên cho thấy người viết của văn học thị trường hầu như vẫn quẩn quanh trong cái tôi cá nhân mà không nhìn ra và bước vào thân phận của người khác. Điều này khiến tác phẩm của họ nông cạn, hạn hẹp, không có sự bứt phá và tầm vóc riêng.
Thứ tư, văn học thị trường TP.HCM gây bão là nhờ những yếu tố ngoài tác phẩm, cụ thể là sự phát triển của mạng internet và công nghệ truyền thông. Trước hết, cần phải khẳng định rằng văn học thị trường TP.HCM gắn liền với văn học mạng. Nó là một kênh phát hành, thậm chí là kênh phát hành đầu tiên của văn học thị trường. Nhiều tác phẩm của Gào, Anh Khang… đã xuất hiện trên facebook hoặc blog cá nhân trước khi được in thành sách. Bộ truyện fantasy Huyền thoại Porasistus gần nghìn trang của Thảo Dương cũng công bố trọn vẹn trên blog theo từng kì trước khi xuất bản. Những bài thơ trong Đi qua thương nhớ của Nguyễn Phong Việt lúc đầu cũng chỉ được chia sẻ trên facebook, sau đó nhờ sự cổ vũ của những người hâm mộ mà ra đến nhà sách. Bộ phận khai thác bản thảo của nhiều nhà xuất bản đã xem facebook và blog cá nhân là một kênh để tìm kiếm bản thảo, căn cứ trên phản hồi của độc giả. Chính tốc độ lan truyền chóng mặt của mạng internet đã làm nên làn sóng tiêu thụ văn học thị trường mạnh mẽ như hiện nay.
Bên cạnh đó, công tác PR xung quanh những tác phẩm văn học thị trường hiện nay rất chuyên nghiệp. Hình thức tác phẩm được thiết kế đẹp, chăm chút đến từng chi tiết, có nhiều ấn bản bìa cứng, mềm cho một đầu sách, tặng kèm CD sách nói, tranh… Những buổi giới thiệu sách được tổ chức rình rang. Các tác giả trẻ như Anh Khang, Gào, Nguyễn Ngọc Thạch, Ploy… rất chịu khó đi giao lưu với độc giả, đến nhiều trường trung học và tổ chức các buổi cà phê giới thiệu sách, xây dựng hình tượng cá nhân long lanh như một nhân vật trong phim thần tượng qua các kênh như facebook, blog cá nhân… Họ nhanh chóng trở thành hotboy, hotgirl trong làng văn học, và độc giả trẻ đổ xô đi mua tác phẩm của họ là vì hâm mộ người viết chứ chưa hẳn đã thích đọc những gì có trong tác phẩm.
Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến sức tiêu thụ của tác phẩm chính là môi trường hỗn hợp của văn hóa đại chúng. Nếu văn học tinh hoa luôn giữ một ranh giới tách biệt với những loại hình nghệ thuật khác thì văn học thị trường không tách khỏi những yếu tố khác của văn hóa thị trường như phim ảnh, âm nhạc… Văn học thị trường luôn đi cùng với nhạc và phim thị trường. Hamlet Trương và Iris Cao là nhạc sĩ thị trường, và trong một số sách của họ có tặng kèm CD các tác phẩm âm nhạc do họ sáng tác như một cách quảng bá sản phẩm lẫn nhau. Thậm chí mọi cuốn sách của Hamlet Trương và Iris Cao đều có kèm theo bookmark (thẻ đánh dấu sách) trên đó ghi rõ đường link tải nhạc. Một số tác phẩm như Tay tìm tay níu tay, Người yêu cũ có người yêu mới, Ai rồi cũng khác, Thương nhau để đó còn có cả sản phẩm âm nhạc minh họa cho nội dung sách. Nhiều quyển sách chỉ đến khi chuyển thể thành phim thì mới được độc giả quan tâm như Luật ngầm của Tuệ Nghi, Chỉ có thể là yêu của Hân Như…
 
3. Thái độ với văn học thị trường
Nhiều nhà nghiên cứu văn học không muốn bỏ thời gian nghiên cứu văn học thị trường vì cho rằng nó không xứng đáng, là “dùng đại bác để bắn chim sẻ”(4). Thậm chí nhiều nhà nghiên cứu, như Peter Swirski còn mạnh mẽ lên án dòng văn học này. Trong bài viết Văn học đại chúng và văn học cao cấp: một góc nhìn so sánh, ông cho rằng văn học đại chúng có những điểm tiêu cực sau:
“- Tính tiêu cực của hoạt động sáng tác văn học đại chúng: tiểu thuyết đại chúng bị phản đối vì, không giống như văn học tinh hoa, nó được sản xuất hàng loạt bởi những người chỉ biết đến lợi nhuận, chỉ biết thỏa mãn thị hiếu tầm thường của những độc giả có tiền.
- Tác động tiêu cực đến văn học tinh hoa: văn học đại chúng ăn cắp từ văn học tinh hoa, làm hạ thấp chất lượng của văn học tinh hoa khi nó lôi kéo nhà văn và độc giả của bộ phận văn học tinh hoa về phía mình khiến văn học tinh hoa bị “chảy máu tài năng”.
- Tác động tiêu cực đến người đọc: việc tiêu thụ văn học đại chúng, ở mức độ khá nhất thì nó mang đến sự thỏa mãn giả tạo, còn ở mức độ tệ nhất thì sẽ gây hại đến cảm xúc và nhận thức của người đọc.
- Tác động tiêu cực đến xã hội nói chung: văn học đại chúng lớn mạnh và phân bố rộng khắp sẽ hạ thấp văn hóa đọc và làm gia tăng sự độc tài trong chính trị, xã hội và văn hóa khi nó tạo ra một đám đông độc giả thụ động và lãnh đạm, chỉ còn biết phản ứng với những kĩ xảo tuyên truyền và mị dân hàng loạt”(5).
Những nhà nghiên cứu như Theodor W. Adorno, Walter Benjamin, Thomas Stearns Eliot, Herbert Marcuse, José Ortega y Gasset và nhiều người khác cũng có cái nhìn không độ lượng đối với văn học thị trường. Tuy nhiên, vẫn có những người khác bình tĩnh hơn với bộ phận văn học này. Nhà nghiên cứu Nila Zborovs’ka trong bài viết Văn học đại chúng hiện đại Ukraine như là một vấn đề văn hóa rộng khắp đưa ra nhận định: “Văn hóa và văn học đại chúng phản ánh trải nghiệm thực thụ của những người bình thường trong xã hội. Điều này giải thích tại sao nó lại trở thành một nguồn quan trọng để tìm hiểu thực tế và ý thức xã hội, nhưng nó không phải là tổng thể của những giá trị tiêu thụ văn hóa hay là một phương tiện tác động tư tưởng lên đám đông, cũng không phải là một sự phản văn hóa… Sự phát triển của xã hội hiện đại cần có bộ phận văn học có tính động lực này, vì văn học cao cấp còn đang bận rộn với phản ánh, và hình thức phức tạp của nó cũng như những cuộc tìm kiếm nội tâm sâu sắc của nó không cho phép đám đông quần chúng trở thành một phần của nó”(6).
Ở Việt Nam, thái độ với văn học thị trường cũng không khác với nhiều nơi khác: có bênh vực, có bình thản chấp nhận, và nhiều hơn cả là sự lo lắng, hoang mang, cho rằng văn hóa đọc đang xuống cấp, thị hiếu văn học thiếu lành mạnh, bị tiền bạc thao túng. Người ta lo lắng giới trẻ chìm đắm trong thị hiếu tầm thường, thấp kém đến nỗi quên mất rằng không phải riêng giới trẻ mà ở bất cứ lứa tuổi nào, số đông vẫn là những người không chuyên nghiệp, không thể đòi hỏi họ đọc và yêu thích những thứ mà chỉ những người trong nghề, được trang bị kiến thức và kĩ năng tương ứng mới có thể quan tâm.
 Chúng ta không thể xử lí vấn đề bằng việc đề xuất các cơ quan quản lí văn hóa, các nhà xuất bản phải làm thế nọ, thế kia, vì đó chỉ là cách xử lí đằng ngọn. Thị trường có quy luật lợi nhuận của nó. Nhìn sang Trung Quốc và Nhật Bản, dù tiểu thuyết ngôn tình và tiểu thuyết cell-phone (viết trên điện thoại di động) có bị chỉ trích, chê bai đến đâu đi nữa thì những dòng văn học này vẫn tồn tại một cách mạnh mẽ. Nhật Bản có giải thưởng văn học cell-phone, còn Trung Quốc thành lập Đại học Văn học mạng vào ngày 30/10/2013 với Mạc Ngôn làm hiệu trưởng danh dự. Cách hiệu quả và lâu dài hơn là can thiệp vào quá trình tạo ra thị hiếu, tức là quá trình đào tạo thẩm mĩ của người đọc từ việc dạy văn trong nhà trường phổ thông, mà đây lại là một câu chuyện dài và rất phức tạp.
Trước mắt, cần chọn những “hạt giống” tốt, duy trì việc đào tạo và đưa ra thị trường một bộ phận văn học tinh hoa. Điều này TP.HCM có những hình thức triển khai tốt. Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi hai mươi là một trong những hình thức đó. Nhiều cây bút trẻ có triển vọng được phát hiện và tạo điều kiện để bước vào thị trường văn học. Sách đoạt giải của họ được xuất bản, được đơn vị phát hành tổ chức quảng bá theo những cách thức PR của văn học thị trường, hướng đến việc thu hút sự quan tâm của người đọc, nhất là những bạn đọc có chuyên môn. Tuy chất lượng những sáng tác này chưa thật sự khiến giới nghiên cứu lạc quan, nhưng nó cũng là sản phẩm của một sự đầu tư nghiêm túc vào văn chương.
Một việc khác trong tầm tay mà chúng ta có thể đầu tư nhiều hơn để giúp người đọc chọn sách trong không gian văn học hiện nay, đó là phát triển hoạt động phê bình và giới thiệu sách trên báo chí và mạng internet. Hoạt động này ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng lâu nay vẫn chưa thật sự là một kênh tin cậy của người đọc. Những tờ báo lớn trên thế giới như The New York Times của Mĩ, The Guardian, Telegraph của Anh, The Autralian, Courier Mail của Úc… đều có mục điểm sách  và bình chọn sách hay của độc giả rất uy tín. Nếu chúng ta chưa có lực lượng chuyên trách để mở những chuyên mục thường xuyên và tương tự trên các báo như Tuổi trẻ, Thanh niên, Sài Gòn giải phóng… thì Hội Nhà văn TP.HCM có thể mở một trang điểm sách riêng trên website của mình và huy động giới phê bình chuyên môn cộng tác, với mục đích giúp người đọc chọn sách, cả sách trong nước lẫn sách dịch, với kiểu phê bình giới thiệu sách ngắn gọn nhưng có trọng tâm, có cảm xúc và chi tiết, ngôn từ không quá hàn lâm nhưng đủ sức hút để tạo sự quan tâm và sự tin cậy nơi người đọc. Điều quan trọng là phải bao quát hết tất cả các loại sách, kể cả văn học tinh hoa lẫn thị trường, không tỏ thái độ thiên vị hay kì thị một bộ phận văn học nào, và tránh lối viết cả nể, khen ngợi dễ dãi. Tạo webpage thì dễ, nhưng để webpage ấy trở thành một kênh tham khảo tin cậy của người đọc đòi hỏi một nỗ lực rất lớn và thời gian dài.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhận thức rằng có những vận động văn học là khách quan, là hệ quả của những thay đổi xã hội mà dù muốn hay không nhà phê bình hay nhà quản lí cũng không có cách nào can thiệp. Tâm lí muôn thuở của con người luôn bám víu vào “những ngày xưa tốt đẹp”, luôn cho rằng chỉ quá khứ mới có giá trị còn những thay đổi thì xấu xí, tệ hại và tương lai thì bấp bênh. Quý tộc châu Âu khóc cho sự ra đi của chủ nghĩa cổ điển, các nhà Hán học đầu thế kỉ XX ở Đông Á tôn thờ mĩ học thơ Đường và mạt sát Thơ mới theo phong cách phương Tây. Đến lượt chúng ta hoảng sợ với văn học của thời đại kĩ thuật số và công nghệ thông tin. Vẫn có những giá trị thẩm mĩ vĩnh cửu, và nếu nó vĩnh cửu thì nó không chết, chỉ có điều nó sẽ không phải là điều quan tâm của đám đông vốn thay đổi theo những vận động của lịch sử. Văn chương lúc nào cũng lâm nguy, lúc nào cũng có vẻ như đang đứng trước bờ vực của tha hóa, nhưng nếu nó không thay đổi thì mới chính là lúc nó lâm nguy nhất 
V.V.N - N.T.P.T

1. Gia Hoàng (2015), “Tái bản trước phát hành, Anh Khang nối tiếp Nguyễn Nhật Ánh”, http://baodatviet.vn/doi-song/giai-tri/tai-ban-truoc-phat-hanh-anh-khang-noi-tiep-nguyen-nhat-anh-2355689/
2. Số liệu lấy từ website của Dương Thuỵ, www.duongthuy.net
3. Hiền Nguyễn (2015), “Văn chương có cần kiễng chân để đạt vạn bản in?” http://vanhocquenha.vn/vi-vn/113/49/van-chuong-co-can-kieng-chan-de-dat-van-ban-in/119454.html
4. Hồ Hương Giang (2012), “TS Trần Lê Hoa Tranh: Thị hiếu đọc ở nước ta quá kém”, http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/96443/-thi-hieu-doc-o-viet-nam-qua-kem—.html
5. Peter Swirsky (1999), “Popular and highbrow literature”, CLCWeb: Comparative literature and culture, (1), Purdue University, tr. 7-12.
6. Dẫn theo Olga Dovbush (2009), “The ideology of mass literature: American model vs Soviet”, Studia Anglica Resoviensia, tr. 143 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)