Một điểm nhấn trên hành trình tiểu thuyết Chu Lai

Thứ Tư, 06/07/2016 00:05
.  BÙI VIỆT THẮNG
Chiến tranh là “siêu đề tài”, người lính là “siêu nhân vật”, nhà văn Chu Lai đã định hướng sáng tác của mình như vậy trong cả cuộc đời cầm bút. Từ Nắng đồng bằng (1978) cho đến Mưa đỏ (2016), là chặng đường 38 năm Chu Lai dồn toàn bộ tâm và sức cho đề tài chiến tranh cách mạng. Trong hành trình dài dặc ấy, theo tôi Nắng đồng bằng, Ăn mày dĩ vãng và Mưa đỏ là ba cột mốc quan trọng tạo nên những phân khúc trong hành trình tiểu thuyết Chu Lai.

Nắng đồng bằng “định vị” Chu Lai trên văn đàn những năm “tiền Đổi mới”. Độc giả yêu mến cây bút dù chỉ mới hé lộ nhưng đầy hứa hẹn về bút lực dồi dào, cá tính văn chương mạnh mẽ và thứ bút pháp vừa say mềm vừa tỉnh táo trên từng con chữ. Ăn mày dĩ vãng xuất hiện khi văn chương đổi mới đang ở thế thượng phong. Nó bắt kịp nhịp đi của nền văn chương được “cởi trói” theo tinh thần đổi mới - hướng tới sự thật, vì sự thật. Nó xuất hiện sau Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1991 (dành cho ba tiểu thuyết của Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng) danh tiếng. Xuất hiện chỉ sau một năm cái “đỉnh” ấy mà không bị che khuất, Ăn mày dĩ vãng thực sự xác lập được vị thế của “nhà tiểu thuyết” Chu Lai trên văn đàn. Và thường sau một thành công “mĩ mãn” như thế, nhà văn sẽ tạm buông bút, “xả hơi” đôi chút. Nhưng nhà văn Chu Lai với tinh thần “triệt để cách mạng” là một ngoại biệt. Khoảng giữa Ăn mày dĩ vãng và Mưa đỏ là Phố, Ba lần và một lần, Cuộc đời dài lắm, Khúc bi tráng cuối cùng, Chỉ còn một lần.

Mưa đỏ xuất hiện trong một bối cảnh văn chương “bất lợi” hơn nhiều so với Ăn mày dĩ vãng. Một là, bầu không khí văn chương vào thời điểm hiện tại (2016) đang thiếu “nhuệ khí”. Văn chương đổi mới hiện không còn giữ vững được đà phát triển như khoảng mười năm đầu Đổi mới (1986 - 1996). Hai là, văn chương đang mất dần công chúng khi văn hóa nghe nhìn và ngành công nghiệp giải trí như một con khủng long đang ngoạm dần thị phần sinh hoạt tinh thần của con người thời hiện đại. Ba là, chiến tranh đang bị lãng quên ở một bộ phận không nhỏ trong công chúng nghệ thuật và thậm chí cả trong giới lí luận phê bình. Bốn là, không phải nhà xuất bản nào cũng mặn mà với những cuốn sách viết về chiến tranh vì còn phải tính toán chuyện “cơm áo gạo tiền”. Năm là, “thâm canh” về một đề tài dễ dẫn đến tình trạng nhà văn giẫm lên dấu mòn của chính mình. Nhưng vượt trên những khó khăn ấy, Mưa đỏ một lần nữa lại thể hiện năng lực tiểu thuyết sung mãn của nhà văn Chu Lai. Tiểu thuyết này được viết sau hơn bốn mươi năm xảy ra chiến dịch  thành cổ Quảng Trị. Sự hi sinh xương máu của quân và dân trong cuộc chiến này không kể xiết. Tôi thấy trên mỗi trang viết thấm nhuần cái tư tưởng “máu người không phải là nước lã”. Có những câu văn ám ảnh độc giả: “Trời vẫn đổ mưa. Những hạt mưa đang biến thành màu đỏ. Mưa đỏ. Mưa máu”. Vì thế cái nhan đề tiểu thuyết có tính biểu tượng. Màu đỏ của máu xương hi sinh. Màu đỏ của thắng lợi. Đó là chí khí dân tộc - thời đại - thế hệ trong chiến tranh.
 
anh bia chu lai

 Mưa đỏ viết về cuộc lên đường của thế hệ trẻ thời chiến thông qua nhân vật chính - Cường. Khác với nhân vật người lính trong các tiểu thuyết trước đây, lần này Chu Lai chủ tâm xây dựng nhân vật người lính - nghệ sĩ. Cường yêu nghệ thuật, yêu âm nhạc. Sinh trưởng trong một gia đình nề nếp văn hóa, có anh trai là liệt sĩ nhưng Cường vẫn xung phong vào bộ đội khi đang là sinh viên năm thứ tư nhạc viện. Anh muốn được thử thách qua lửa đỏ và nước lạnh, muốn được “thép đã tôi thế đấy”. Cuộc lên đường của Cường có thể coi là một cuộc dấn thân. Anh có vô tư, thanh thản hoàn toàn không? Phải nói ngay rằng “không”, vì đúng vào thời khắc lựa chọn sinh tử, anh đã chia tay với mối tình đầu. Thanh, cô gái anh yêu thương đã công khai thừa nhận mình không đủ dũng cảm chờ đợi trong vô vọng. Bằng sự linh cảm của người lính trận, Cường biết ngày trở về của mình là mong manh nên đã dồn sức cho một tác phẩm âm nhạc để đời. Một bản giao hưởng hợp xướng hàm chứa “những giai điệu về chiến tranh, về khát vọng yên hàn, về sự mất mát và lòng kiêu hãnh, về tình yêu và chia li, về cái lãng mạn và điều trần trụi, về cái nhất thời và cái vĩnh cửu của cuộc đời… về tất cả”. Nhưng Cường không phải là một người anh hùng duy nhất trong chiến tranh.

Trong tiểu thuyết Mưa đỏ, Chu Lai đã dựng nên một kiểu mẫu anh hùng khác - đó là bà mẹ của những anh hùng. Bà Lan, mẹ Cường là một người phụ nữ thông minh, nhân ái. Chồng mất, bà một mình nuôi con lớn khôn. Là cán bộ làm việc trong đoàn ngoại giao chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bà có nhiệm vụ chiến đấu với quân thù trên mặt trận ngoại giao. Từ Paris hoa lệ xa xôi, lòng bà luôn khắc khoải ngóng về quê nhà, nơi đứa con trai đang ngày đêm đối diện với tử thần chiến tranh. Giây phút cuối cùng trước khi tan biến vào cõi vĩnh hằng Cường đã gọi hai tiếng “Mẹ ơi”. Và đúng khoảnh khắc như thần giao cách cảm ấy, ở tận trời Âu, bà Lan bỗng cảm thấy “Như có một cú thúc mạnh vào ngực, bà sa sầm mặt mày ngồi xuống. Trước bà những chữ kí của bốn bên lòa nhòa hiện ra. Những chữ kí từ màu xanh chuyển sang màu đỏ, nhểu máu. “Con ơi!” - Trên đôi môi tái nhợt của bà bật lên hai tiếng xé lòng xé ruột”. Bà Lan trong tác phẩm hiện lên như một liệt nữ bên cạnh đứa con trai yêu quý là liệt sĩ Đặng Huy Cường. Hai nhân vật này đã để lại những ám ảnh nghệ thuật sâu sắc. Một nhân vật nữ khác cũng đã gieo vào lòng độc giả nhiều mối thiện cảm là Hồng, cô du kích Quảng Trị, người yêu của Cường trong chiến tranh. Có thể nói đó cũng là một mẫu hình liệt nữ có một không hai, chỉ có ở Việt Nam trong thời đại “máu và hoa”.

Sẽ có người đặt câu hỏi, liệu Mưa đỏ có đặc trưng được cho lối viết tiểu thuyết của nhà văn Chu Lai ở tuổi bảy mươi? Nắng đồng bằng, như đã nói ở trên, như là “tấm giấy thông hành” để Chu Lai bước vào địa hạt tiểu thuyết, ở đó độc giả thấy một sự sục sôi, nhưng đôi lúc còn loạng choạng. Ăn mày dĩ vãng được viết vào độ tráng niên nên cái gì cũng tràn trề, đôi lúc dư thừa. Nhìn chung là “động”. Mưa đỏ, trái lại là những gì trầm lắng nhất, điềm tĩnh nhất. Có lẽ ở ngưỡng thất thập, nhà văn Chu Lai, theo tôi, đã có vẻ “thiền” hơn. Nghĩa là cái “động” và cái “tĩnh” đã liên đới, liên kết biện chứng hơn. Cái “tĩnh” khiến cho phẩm chất tự tại của ngòi bút Chu Lai rõ nét hơn trước rất nhiều. Tiểu thuyết vì thế được dồn nén (chỉ trong 326 trang) theo phép “tỉnh lược”. Nó nhập vào dòng tiểu thuyết ngắn đang có xu thế bành trướng trên văn đàn. Không còn thấy sự dư thừa đôi lúc lãng phí của chi tiết, không còn thấy sự màu mè mà trước đây đôi khi cứ như phải điệu đàng một ít cho thêm phần hấp dẫn. Bây giờ là một sự tiết kiệm tối đa nhưng không vì thế mà phải cắt xén vô cớ. Nhân vật cũng dường như ít “diễn” hơn trước. Đọc Mưa đỏ có cái ấn tượng về một cung thủ đang toàn tâm toàn ý hướng về cái hồng tâm phía trước mà lẩy cò. Đường đi của mũi tên thẳng băng, tốc độ.

Tôi đặc biệt chú ý tới đoạn kết tiểu thuyết mang tinh thần nhân văn, hòa hợp dân tộc. Bà mẹ Cường được một chiến sĩ cùng tiểu đội của con trai mình đưa vào chiến trường xưa để tìm nơi giọt máu của mình nằm lại. Chiến sĩ Tân đã nói với mẹ của Cường: “Bác ơi… Đáy sông không phải chỉ có đồng đội bọn con nằm đâu mà còn cả lính phía bên kia nữa, nhiều lắm”. Và cũng chính ở đây bà Lan, mẹ Cường, đã gặp một bà mẹ đau khổ khác, người đã sinh ra Quang (sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng hòa) trước ngôi mộ con trai mình trong một buổi chiều tà. Và bà Lan đã thắp một nén hương cắm lên mộ một con người xấu số và bất hạnh. Hai bà mẹ chung một nỗi đau mất con dù lúc còn sống họ đứng ở hai chiến tuyến. Một cái kết lắng đọng tạo nhiều dư ba trong lòng bạn đọc. 
B.V.T
 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)