Nghề SỐNG cao hơn mọi nghề, bao trọn mọi nghề

Thứ Sáu, 24/06/2016 00:09
Anh Danh 1
HOÀNG CÔNG DANH
 
- Sinh năm 1987
- Quê: Triệu Phong, Quảng Trị
- Tốt nghiệp ngành Vật lí -
Đại học Tổng hợp Quốc gia Belarus
- Hiện sống và làm việc tại quê nhà
- Đã xuất bản:
+ Cõng nhau trong một cõi người,
tập truyện ngắn, Nxb Trẻ
+ Khói sẽ làm mắt tôi cay,
tập tùy bút, Nxb Trẻ
+ Chuyến tàu vé ngắn,
tập truyện ngắn, Nxb Trẻ
 
- Xin chào Hoàng Công Danh. Phải khó khăn lắm tôi mới mời được anh lên Quán văn của Văn nghệ Quân đội. Đành rằng những trò lố PR thì một người viết giàu tự trọng cần phải biết “nói không”, nhưng thiết nghĩ ngày nay người viết cũng nên tận dụng cơ hội cần thiết để trình hiện tác phẩm của mình. Tôi bắt đầu tìm đọc anh là từ khi tình cờ gặp một câu (chỉ một câu thôi) mà nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhắc đến cuốn Cõng nhau trong một cõi người của anh trong một bài báo ngắn của ông ấy. Quả, truyền thông đa phương tiện nhiều lúc cũng lợi hại đấy chứ…
+ Cảm ơn anh, vì tất cả. Với những người viết trẻ, và không chỉ những người viết trẻ, được in tác phẩm trên Văn nghệ Quân đội đã là niềm vinh hạnh; được trò chuyện, đối thoại văn chương ở Quán văn lại là niềm vinh hạnh lớn. Nói thế để anh hiểu là chẳng phải tôi kiêu chảnh gì đâu. Bản tính tôi ngại xuất hiện, phát ngôn ở chỗ nhiều người. Tôi cho rằng chỉ cần thi thoảng mình trình hiện bằng tác phẩm ở đâu đó, thế là đủ rồi. Vả lại, không phải là khiêm tốn giả vờ mà rất chân thành, tôi tự thấy bản thân còn non trẻ trong nghề văn, lên diễn đàn “cao đàm khoát luận” về văn chương, thực sự tôi rất ngại. 
Nhưng như anh nói, truyền thông đa phương tiện rất có ích trong việc quảng bá, lan tỏa tác phẩm văn học. Đã là người viết thì ai mà chẳng muốn sản phẩm sáng tạo của mình đến được với công chúng đọc một cách sâu rộng nhất. Thời nay, tín điều “hữu xạ tự nhiên hương” đã trở nên xưa cũ, lỗi thời. Tác phẩm văn chương không thể là công chúa ngủ trong rừng chờ hoàng tử đến đón rước được nữa. 

- Tôi cứ thắc mắc là nhiều truyện ngắn của anh mà tôi đã đọc được ở đây đó lại không có mặt trong Chuyến tàu vé ngắn - tập truyện ngắn mới nhất mà anh vừa trình làng…
+ Đó là chuyện bình thường thôi. Người viết thường có nhiều đề tài và nhiều cách viết. Khi đã tập hợp để in sách thì thường người ta có xu hướng chọn lựa những tác phẩm cùng tông, cùng vệt, có thể là chủ đề, có thể là lối viết chẳng hạn. Chuyến tàu vé ngắn là tập sách thứ ba của tôi do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành. Đến tập truyện ngắn này, tôi tiếp tục chọn lựa những tác phẩm có nội dung tập trung vào một vấn đề. Điểm giao nhau giữa các truyện ngắn trong tập Chuyến tàu vé ngắn, có thể gọi tên, là hành trình trốn chạy và tìm kiếm yêu thương.

- Từ tập truyện ngắn đầu tay Cõng nhau trong một cõi người đến Chuyến tàu vé ngắn lần này, phạm vi hiện thực trong sáng tác của anh được nới giãn, không chỉ thoát ra ngoài giới hạn một ngôi chùa, mà hơn thế, còn thoát ra ngoài bờ cõi một quốc gia. Tuy nhiên, dễ nhận thấy, tất cả hiện thực mà anh kiến dệt hoặc ít hoặc nhiều đều xuất phát từ nếm trải của bản thân. Tôi muốn biết quan điểm của anh về ý kiến cho rằng, nhà văn chuyên nghiệp có thể tạo dựng nên hiện thực trong tác phẩm của mình hoàn toàn bằng hư cấu, tưởng tượng…
+ Tôi chỉ mới là một người viết bình thường. Tuy nhiên, khi làm công việc gì, dù là thử sức đi nữa, tôi vẫn muốn hướng đến tính chuyên nghiệp. Theo tôi, đã là nhà văn xuôi thì tất yếu phải hư cấu và tưởng tượng. Vấn đề là anh phải hư cấu, tưởng tượng như thế nào để người đọc không thấy câu chuyện anh kể bị giả tạo, sống sượng. 
Bản thân tôi thích đọc truyện của những người viết biết hư cấu hơn là “tự ăn mình”, hoặc kể chuyện thật thà, kiểu có gì kể nấy, thấy gì chép nấy. Sức tưởng tượng như một lực hấp dẫn, có thể hút người ta đi từ chỗ này đến chỗ kia, để người ta được phiêu lưu cùng/trong chữ, cả về phía người viết lẫn người đọc. 
Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng, dù nhà văn có “chuyên nghiệp” đến đâu, trí tưởng tượng của anh ta có phong phú đến mức nào, thì sản phẩm tưởng tượng của anh ta cũng phải ít nhiều dựa trên những gì anh ta trải nghiệm, có thể là trải nghiệm trực tiếp từ thực tế, có thể là trải nghiệm gián tiếp qua sách báo. Hư cấu khác với bịa đặt. Ai đó đã nói rất đúng, rằng tưởng tượng càng được thấm nhuần logic của cuộc sống bao nhiêu thì càng không có giới hạn bấy nhiêu.

- Dễ nhận thấy người kể chuyện trong truyện ngắn của anh không ưa áp đặt chân lí, không ưa vào vai nhà đạo đức để phán xét ai cả, mà luôn giữ giọng kể trung tính, trung lập, lấp lửng. Anh muốn để cho mỗi người đọc tự đưa ra lời bình luận của riêng họ, hay chính bản thân anh cũng… “chẳng biết Vũ Như Tô đúng hay Đan Thiềm đúng”, giữa cõi đời trừu tượng này?
+ Anh nói làm tôi nhớ đến một khái niệm của ngành vật lí, đó là hệ quy chiếu. Cùng một sự kiện vật lí, khi ta thay đổi hệ quy chiếu, thì vị trí và thời gian sẽ xảy ra khác nhau. Nói nôm na trong đời sống, cùng một chuyện ấy, khi ta thay đổi góc nhìn thì nó sẽ khác đi. Người viết đứng ở hệ quy chiếu này, người đọc có khi lại thuộc về nhiều hệ quy chiếu khác, khó có thể gặp nhau ở một góc nhìn chung. Cho nên khi viết, tôi cố gắng kể chuyện tự nhiên, đừng để mình rơi vào một hệ quy chiếu nào cả.
25551423891 1ce2499b85   “Truyện ngắn của Hoàng Công Danh kể những câu chuyện với vẻ nhẩn nha, nhịp điệu cũng như tình tiết đều đều như thiếu cao trào. Nhưng đó là một trò chơi cảm xúc, bởi theo dòng câu chuyện, những tình tiết dường như rất nhỏ, bất chợt lại châm vào trái tim người đọc.”
(BÁO TIỀN PHONG)
“Viết về thân phận người trong tình yêu, đau khổ hay hạnh phúc của họ, Hoàng Công Danh chọn giọng văn nhẹ nhàng pha chút hóm hỉnh với những chi tiết độc đáo, khiến người đọc bất ngờ và nhớ mãi ngay cả khi câu chuyện đã khép lại từ lâu.”
(NHÀ XUẤT BẢN TRẺ)

- “Sự thật đôi khi chả để làm gì mà chỉ để thỏa mãn sự tò mò”, anh đã viết như thế trong truyện ngắn Bơi qua sông. Người đời cứ tự cho phép mình quyền phán đoán về người khác, đoán thì đoán… mò nhưng phán thì cứ như… đúng rồi. Và anh luôn trì hoãn để rồi tung ra những cái kết truyện bất ngờ đến bàng hoàng. Anh có thể nói thêm về sự lựa chọn cách kết truyện của mình?
+ Câu anh trích ở trên, cũng chính là một cách nhìn đấy, ở một hệ tọa độ khác. Viết truyện ngắn, rất dễ rơi vào kiểu áp đặt. Ngay chính trong đời sống, tôi hay nghi ngờ để rồi kết quả sự nghi ngờ hầu hết đều sai. Đó là một điều làm mình mệt mỏi, nhưng đem áp dụng vào viết văn thì nó lại rất thú vị. Thử cảm giác đi vào một mê cung, rất nhiều lối để ta chọn lựa và buộc phải chọn lựa, khi thoát ra được rồi thì ta thở phào một cái sung sướng. Tôi muốn bạn đọc có được cái thở phào như thế khi đọc xong mỗi truyện ngắn của tôi.

- Trong một truyện ngắn của mình, anh viết “Nghệ thuật không ăn được nhưng an ủi rất nhiều cho con người”, trong một truyện ngắn khác anh lại để cho nhân vật phát biểu “Nghệ thuật là cái thứ ba lăng nhăng”. Tóm lại, thời nay, văn chương ích gì, theo anh?
+ Văn chương, hay bất cứ lĩnh vực nào đều có ý nghĩa riêng. Cái gì được làm tới nơi tới chốn thì đều có giá trị. Chuyện coi thường cái nghề của mình, thỉnh thoảng ai cũng mắc phải, giống như hờn giận, trách mắng người yêu thế thôi.
Tôi khá lạc quan nên nghĩ rằng văn chương thời nay, hay về sau đi nữa, vẫn có một vị thế riêng trong đời sống. Đừng thấy số lượng người tìm mua sách văn học ở ta mà bi quan cho tương lai văn học, mà vội kêu là “văn chương lâm nguy”. Tôi nghĩ, cũng như tôn giáo, văn chương là liều cứu rỗi, nó sẽ đồng hành cùng con người, nâng dìu con người đi qua bể khổ đời.
Có vẻ “to chuyện” quá nhỉ, vì nhiều người được cho là thành đạt, thành công trong cuộc sống, họ chẳng hề đọc văn chương. Hay nói cách khác, không có văn chương cũng chẳng chết ai. Mà có văn chương, người ta được thêm những giờ phút thảnh thơi, an lành.
Lằng nhằng, vòng vèo một tí để thấy rằng, văn chương có thể ích với người này, có thể chẳng ích với người kia. Nhưng chắc chắn là ở một ý nghĩa, chừng mực nào đó, văn chương có ích cho cuộc đời này, nếu không, từ bao giờ đến bây giờ nó đã chẳng tồn tại.

- Tôi từng bị ám ảnh bởi cái gọi là “tiến hóa ngược” được đặt ra trong nhiều tác phẩm, chẳng hạn truyện ngắn Không có vua của Nguyễn Huy Thiệp, hay mới đây là tiểu thuyết Có tiếng người trong gió của Nguyễn Xuân Thủy, giờ lại đến lượt tập truyện ngắn này của anh. Trong truyện ngắn Người đời không còn khóc, anh viết: “Ông nói, con người tiến hóa từ loài khỉ qua nhiều giai đoạn. Nhưng càng tiến hóa, con người càng lưu manh, giả trá, lừa lọc và phụ bạc nhau”. Anh có thể đưa ra lí giải của mình về cái nghịch lí này, được không?
+ Cái thuyết tiến hóa chúng ta đang đề cập thực ra là một biểu hiện của xã hội hiện đại. Những nghịch lí trong đời sống hiện nay khó lí giải lắm, nó là câu chuyện ở tầm vĩ mô của các nhà xã hội học. Chúng ta là người viết, chỉ dám mon men khơi khơi nghĩ đến ngang đấy thôi là được rồi. Mỗi người đọc đến với một tác phẩm văn chương là tự đặt mình vào trường đối thoại. Tôi muốn người đọc của tôi viết tiếp, lí giải tiếp câu chuyện của tôi.
Trong tập truyện đầu tay Cõng nhau trong một cõi người, tôi cố gắng giữ sự hồn nhiên của con người, thông qua nhân vật điệu Sanh. Và chính nhân vật này khiến nhiều bạn đọc thích thú. Phải chăng, người ta luôn muốn tìm lại/về sự hồn nhiên thánh thiện trong chính tâm hồn mình?

- Với Cõng nhau trong một cõi người, có thể nói anh đã kiến tạo cho mình một văn giới với một “vân chữ”, “mùi chữ” độc sáng. Nhưng khi đọc Chuyến tàu vé ngắn, đặc biệt là khi dừng lại ở những truyện đậm chất humour, tôi cứ có cảm giác hình như anh hơi bị “cớm bóng” bởi nhà văn mà (có thể là) anh thần tượng…
+ Người viết trẻ, người mới viết (như tôi) thường bị rơi vào tình huống này. Giống như một đứa trẻ thường học theo người khác. Mà riêng gì trẻ nít, người lớn vẫn học nhau đấy thôi. Đó cũng là một cách trưởng thành. Trong nghề văn, người ta học nhau cũng nhiều, bị ảnh hưởng cũng nhiều. Quan trọng là mình phải thoát ra được cái bóng của người khác, để tiệm tiến đến cái riêng, cái mới. Lúc đó thì mới bắt đầu thành nhà văn.

- Bản lí lịch trích ngang của Hoàng Công Danh ở bìa 2 cuốn sách có ghi: “Tốt nghiệp ngành Vật lí - Đại học Tổng hợp Quốc gia Belarus. Hiện đang sống và làm việc tại quê nhà”. Được biết thêm, nơi anh đang công tác là cơ quan tạp chí văn nghệ của tỉnh Quảng Trị. Anh có thấy tiếc không, khi từ bỏ chuyên ngành mình từng sang tận trời Tây để theo học? Và cái không gian sông - quê - nhà có khiến anh thấy chật chội, có khiến anh muốn “tìm ra tận bể”?
+ Tôi là người lúc thì khó tính, lúc lại dễ tính. Được cái là biết chấp nhận và ít khi nuối tiếc điều gì quá lâu. Chuyện công việc của tôi, nhiều người thắc mắc như anh. Nhiều người coi nó quan trọng. Tôi thì nghĩ nhẹ nhàng thôi. Ngay khi sống là ta đang thực hành một nghề nghiệp: nghề SỐNG. Nghề này cao hơn hết mọi nghề, bao trọn hết mọi nghề. Nên cứ sống cho tử tế thì mọi công việc khác chỉ là cái phụ trợ. Công việc chỉ là phương tiện sống chứ không phải là mục đích sống. Tuy nhiên, phương tiện không đảm bảo thì khó mà thực hiện được mục đích. Tôi nghĩ, ở đời cái gì đến với mình hay từ bỏ mình đều có căn duyên cả. Cứ hết mình, tử tế với công việc, với nghề mà mình đang làm thì công việc, nghề sẽ không phụ mình đâu.

- Người ta nói “văn là người”, nhưng tôi lại thấy nhiều khi văn và người ở thế đối trọng, bù trừ, kiểu như người “dịu êm” thì văn lại “dữ dội” chẳng hạn. Đọc Chuyến tàu vé ngắn (chỉ Chuyến tàu vé ngắn thôi, chứ không phải cả Cõng nhau trong một cõi người), càng củng cố trong tôi xác tín này. Liệu tôi có chủ quan, đoán… mò quá không? (cười)
+ (Cười) Tôi “đa diện”, “đa nhân cách” lắm. Mà có lẽ ai cũng thế cả. Khi “dữ dội”, lúc “dịu êm”. Có khi vừa “dữ dội”, vừa “dịu êm”. Và nếu theo “quy luật” im lặng chỗ này thì lên tiếng chỗ kia như anh nói thì biết đâu bề ngoài “dịu êm” chỉ là lớp vỏ bọc của một bên trong “dữ dội”. Cái bên trong “dữ dội” ấy nếu không tràn ra bên ngoài thì sẽ tràn lên… trang viết. Không sống “dữ dội” với đời thì không nên cầm bút viết văn.
- Cám ơn anh đã đến với Quán văn VNQĐ!  
HOÀNG ĐĂNG KHOA thực hiện
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)