Văn hóa, văn nghệ trong tình yêu và tầm nhìn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Thứ Sáu, 04/08/2017 00:58
. ĐINH XUÂN DŨNG

Tôi có một may mắn ngẫu nhiên và một niềm vui thầm lặng là, trong khoảng 15 năm, từ 1975 đến 1990, được làm việc thường xuyên tại một vài căn phòng ở số 4 Lý Nam Đế, nơi mà cách thời gian đó gần 20 năm (những năm 1957 - 1959), Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vẫn hay lui tới, làm việc, trao đổi, tranh luận, thăm hỏi, chỉ đạo công tác văn hoá, văn nghệ quân đội, khi ông là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Được nghe các anh thế hệ trước kể lại những mẩu chuyện về Đại tướng với văn nghệ sĩ quân đội, tôi cảm nhận được quan hệ đặc biệt thân thiết, gần gũi, quý trọng giữa Đại tướng với những người sáng tạo văn hoá, văn nghệ quân đội. Đôi lúc, trong những giờ phút yên tĩnh, tôi cảm thấy hình bóng, dáng vẻ của Đại tướng đang ở đâu đây, trong những căn phòng cổ kính và giản dị này. Tôi tìm hiểu và cố gắng học theo, dù không được bao nhiêu, tấm gương của Đại tướng đối với lĩnh vực mà mình được phân công đảm nhiệm. Nhiều năm đã qua đi, tôi cứ thấm thía cảm giác chân thành của nhà thơ Chế Lan Viên: “Nhớ đến anh Thanh, cứ như thấy anh đứng trước mắt. Nước da ngăm đen, đôi mắt ngời sáng mà rất chân tình, đôi mắt nghiêm mà lại vô cùng nhân hậu”.

Một thời gian dài, tôi cứ tự đặt cho mình câu hỏi: Ông là một danh tướng quân sự - chính trị, là “đại tướng nông dân”, học hành trong nhà trường chẳng được bao nhiêu, 16 tuổi đã đi theo cách mạng, vào sinh ra tử trong các nhà tù, trên các chiến trường ác liệt nhất… mà sao ông lại có thể trở thành một nhà lãnh đạo độc đáo, đầy sức cảm hoá và thuyết phục đối với lĩnh vực sáng tạo văn hoá, văn nghệ như vậy? Thầm lặng, tự mình tôi cố gắng tìm câu trả lời. “Ẩn số” đó cũng đặt ra ngay với những người ruột thịt, thân yêu nhất của ông. Khi cha đã mất 47 năm, nhân dịp 100 năm ngày sinh của ông, chị Nguyễn Thanh Hà, con gái Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, vẫn tự đặt cho mình câu hỏi: “Đến bây giờ, tôi vẫn chưa hiểu vì sao ba tôi có thể làm được những việc khác nhau như thế, từ làm bí thư tỉnh uỷ, chủ tịch thanh niên, sang chủ nhiệm tổng cục chính trị, rồi lại đi làm nông nghiệp…, và giai đoạn cuối cùng của cuộc đời, ông lại khoác ba lô lên đường vào Nam đánh giặc?”; “Là một đại tướng và là “đại tướng nông dân” nhưng rất lạ là ba rất yêu và rất giỏi về văn hoá, văn nghệ”; “Đã gần 50 năm rồi, tôi vẫn suy nghĩ mãi về những điều đó để mong hiểu thêm về người cha của mình”. Và rồi chị Hà đã đúc kết một cách cô đúc, rằng “Bác Hồ là thần tượng của ba, nhưng có một cái gì đó rất thân thiết, gần gũi và cảm thông”… Sức cảm hoá của Bác vô cùng to lớn, lạ thường, đã đào tạo nên một thế hệ học trò xuất sắc tuyệt vời với “những nhân vật trung tâm của thời đại Hồ Chí Minh”, trong đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một trong những người tiêu biểu nhất và gần gũi, thân thiết với Bác Hồ nhất.

Chắc phải còn những lí do cụ thể nữa để giải đáp cho câu hỏi trên. Đầu năm 1947, mặt trận Huế vỡ, xứ uỷ Trung Kì phải sơ tán lên chiến khu, thứ quý nhất còn lại chỉ mấy gánh sách. Mùa mưa rừng ẩm ướt, ban đêm đồng chí Nguyễn Chí Thanh phải đốt lửa vừa sấy sách vừa đọc tới khuya. Sợ mất sách, đồng chí dặn: “Quý hơn vàng đấy. Còn sách báo là còn cách mạng. Hãy cố mà giữ”. Trong hồi ức của mình, nhạc sĩ Trần Hoàn kể rằng: Từ năm 1948, anh được Nguyễn Chí Thanh mời lên mỗi tuần một lần giúp anh Thanh tìm hiểu thêm về văn nghệ. Anh được biết có những bạn của anh giỏi toán, lí, hoá, triết học cũng thỉnh thoảng lên giúp anh Thanh hiểu biết thêm về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Nhà thơ Hoàng Cầm từ năm 1952 cũng đã làm giáo viên cho Nguyễn Chí Thanh theo đề nghị thiết tha của ông: “Không biết gì về văn chương, nghệ thuật thì lãnh đạo thế nào được văn nghệ sĩ?... Tôi yêu cầu anh làm giáo viên giảng dạy cho Nguyễn Chí Thanh văn thơ, nhạc, hội họa, kịch, cả múa nữa… Tôi còn phải học, học mãi cho tôi nắm chắc được cái vũ khí vô cùng lợi hại là văn nghệ thì tôi làm việc của Đảng và Nhà nước giao phó mới có thể thành công”. Đại tướng tự nhủ: “Học thầy, học bạn, học trong đấu tranh, trong công tác, trong tổng kết, trong sách vở, trong giao dịch, tiếp xúc…”. Đó là bài học thực sự sâu sắc mà không phải ai lãnh đạo văn nghệ cũng kiên trì, khiêm tốn học theo được. Rõ ràng là, bằng cách đó, Nguyễn Chí Thanh đã có nhiều người bạn là văn nghệ sĩ nổi tiếng và họ đều coi ông vừa là người anh, người bạn tâm giao, vừa thực sự “xứng danh là người lãnh đạo mình và các văn nghệ sĩ quân đội” (Hoàng Cầm).

 
149933090899589 dai tuong
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (phải) chụp ảnh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1967
 
Trong quá trình trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn hoá, văn nghệ quân đội, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người kiên quyết, kiên định giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo văn nghệ và khẳng định dứt khoát, rằng văn hoá, văn nghệ cách mạng là “vũ khí vô cùng lợi hại”, góp phần cho sự nghiệp cách mạng cao cả của dân tộc. Ngay từ 1960, nói chuyện với bạn viết trong quân đội, Đại tướng đã nhấn mạnh: “Chúng ta phải tiếp tục kiên quyết đấu tranh để giữ vững đường lối của Đảng và quán triệt sâu sắc hơn nữa đường lối của Đảng. Đó là điểm rất trọng yếu trong công tác văn nghệ của chúng ta”. Trong một loạt bài viết, bài nói của mình từ 1957 đến 1960, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã phân tích, đánh giá cụ thể, thẳng thắn, dứt khoát những ưu và khuyết điểm của công tác văn hoá, văn nghệ (cả quần chúng và chuyên nghiệp) trong quân đội. Từ thực tiễn đấu tranh tư tưởng những năm đó, Đại tướng đã kiên trì khẳng định những định hướng quan trọng: “Hãy lao mình vào cuộc sống và chiến đấu của bộ đội để sáng tác phục vụ bộ đội” (3/1957); “Nhiệm vụ trọng đại của chúng ta là đào tạo nên hàng vạn, hàng triệu con người mới” (1959); “Khả năng sáng tạo nghệ thuật của quần chúng là dồi dào vô tận” (12/1959); “Rèn luyện về lập trường, tư tưởng, trau dồi về nghệ thuật, kĩ thuật, bồi dưỡng về vốn sống” (1960)… Những định hướng đó đã thực sự đi vào đời sống sáng tạo văn hoá, văn nghệ quân đội, góp phần to lớn tạo nên những thành tựu độc đáo của toàn bộ hoạt động văn hoá, văn nghệ quân đội từ những năm 60 thế kỉ XX cho đến hôm nay.

Trong tư duy của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đường lối, quan điểm của Đảng về văn hoá, văn nghệ không đơn thuần là khẳng định nhiệm vụ chính trị, mà đồng thời chứa đựng trong đó sự thấu hiểu đặc trưng của văn hoá, văn nghệ, truyền thống văn hoá dân tộc và tính đặc thù của hoạt động sáng tạo văn hoá, văn nghệ. Sự thống nhất biện chứng trên là điều kiện đảm bảo sức thuyết phục, sự tác động tích cực của đường lối đó. Câu chuyện được nhà thơ Hoàng Cầm kể lại về việc đồng chí Nguyễn Chí Thanh, ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, đã làm kinh ngạc nhiều người về tầm nhìn và tình yêu của đồng chí đối với văn hoá, văn nghệ dân tộc, qua đó cho thấy vai trò của người “cầm trịch” chỉ đạo văn hoá, văn nghệ, năng lực vận dụng sáng tạo đường lối văn nghệ trong hoạt động thực tiễn là cực kì quan trọng. Chuyện dài, chỉ xin tóm gọn ít dòng: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Đoàn văn công Tổng cục Chính trị biểu diễn một chương trình nghệ thuật để chào mừng chiến thắng. Trong chương trình có một màn biểu diễn những bài dân ca quan họ về tình yêu nam nữ. Đến câu hát Gió giục cái đêm đông trường/ Nửa chăn nửa chiếu nửa giường để đó chờ ai thì dưới khán giả bỗng vang lên tiếng thét: “Hạ màn xuống! Đả đảo! Đả đảo văn công, vứt hết đi! Lãng mạn! Suy đồi!...”. Bình tĩnh kịp thời chấn chỉnh thái độ “vô kỉ luật” đó, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã tổ chức một buổi biểu diễn lại màn quan họ này và tổ chức trao đổi, tranh luận: “Các ông nào đả đảo hay hoan nghênh tôi xin mời đến cả. Mai, các ông sẽ tranh luận và tha hồ ý kiến”. Một cuộc tranh luận thực sự đã nổ ra, phê phán có, do dự có, ủng hộ có. Dẫn dắt từng bước một, làm sáng tỏ nhiệm vụ công tác giáo dục, động viên chiến sĩ bằng văn hoá, văn nghệ, với sức thuyết phục lớn, đồng chí Nguyễn Chí Thanh tâm sự về giá trị của quan họ: “Chỉ có hơn 20 phút cái màn hát này mà tôi thấy cả một vùng quê cổ kính, có văn hoá lâu đời, tôi phải nói ngay, màn hát quan họ vừa rồi là Tổ quốc đấy! Mà dân tộc cũng ở trong những bài hát ấy… Đúng, dân ca quan họ là tinh hoa văn hoá của dân tộc, nó quý như kim cương ấy”. Qua câu chuyện này, ta nhận thấy hết sức rõ ràng, với tình yêu và một tâm hồn nhạy cảm, một tầm nhìn xa, sâu, rộng, Nguyễn Chí Thanh là người đi trước thời đại.

Cũng có ý kiến cho rằng, những bài viết, bài nói của Đại tướng về văn hoá, văn nghệ đã cách đây trên dưới 60 năm có lẽ chỉ có ý nghĩa lịch sử. Tôi cũng có lúc băn khoăn như vậy, song đọc kĩ lại, thấy rất rõ, từ trong những nhận định, đánh giá cụ thể tình hình văn nghệ giai đoạn đó đã hàm chứa sâu sắc những tư tưởng lớn có ý nghĩa chiến lược vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay. Những tư tưởng đó nhiều khi được diễn đạt rất giản dị, rất… Nguyễn Chí Thanh.

Ngay từ đầu năm 1960, trong bài nói chuyện tại Hội nghị bạn viết trong quân đội, ở phần kết thúc, Đại tướng nói: “Chúng ta phải cố gắng giữ phong trào cho thật lành mạnh và phải kiên trì xây dựng phong trào. Nghệ thuật phải tính đến chuyện mười năm, hai mươi năm hay hơn thế nữa. Trồng một luống khoai trong vài tháng có thể có củ, xây dựng một nền văn học, nghệ thuật thì phải tính hàng chục, hàng trăm năm”. Tôi nhớ đến một câu của Lenin: “Trong cuộc chiến tranh, trong vài tháng có thể giành được thắng lợi, nhưng trong lĩnh vực văn hoá thì trong thời gian như thế, không thể giành được thắng lợi, vì do chính ngay bản chất của sự việc nên cần phải một thời gian dài hơn và phải thích ứng với thời gian dài hơn đó, phải tính toán công việc của mình, phải tỏ ra hết sức kiên quyết, bền bỉ và có hệ thống”. Đó là một tư tưởng rất sâu sắc, một sự am tường, thấu hiểu quy luật đặc thù trong xây dựng và phát triển văn hoá. “Tư duy nhiệm kì”, ăn xổi ở thì, thiếu hiểu biết quy luật… đã gây hại không nhỏ đến lĩnh vực kinh tế và gây hậu quả to lớn đến xây dựng con người và phát triển văn hoá.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn luôn nhắc đến, phân tích thấu đáo cuộc đấu tranh giữa cái tiến bộ, cách mạng, cái tốt, cái thiện với cái lạc hậu, xấu xa, ác độc, phản động. Từ cách nhìn biện chứng đó, ông cho rằng: “Cái gì đã lạc hậu, đã thối nát thì phải kiên quyết chống đến cùng, cái gì tiến bộ thì ủng hộ với tất cả nhiệt tình”. Theo ông, chức năng cao quý của văn nghệ là góp phần “đào tạo nên hàng vạn, hàng triệu con người mới”. Tư tưởng đó của Đại tướng vẫn còn là một thách thức, một đòi hỏi gay gắt, nóng bỏng đối với văn hoá, văn nghệ nước nhà hôm nay, đúng như dự báo của Đại tướng: “Trong lúc tình hình có tích cực, có tiêu cực, thì tác dụng của nhà văn ủng hộ cái tích cực là rất quan trọng. Chính cái đó mới là bản lĩnh của người cầm bút”. Ngay từ 1948, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra đầy cam go, Đại tướng, một mặt khẳng định dứt khoát chủ nghĩa yêu nước, anh hùng của quân và dân ta, mặt khác cũng băn khoăn, tự đặt cho mình câu hỏi: “Mà kháng chiến cũng đau khổ lắm, day dứt lắm chứ! Bao nhiêu mối tình, bao nhiêu sự chia li, bao nhiêu sự hi sinh cao cả, mà sao chưa có nhiều bài hát hay?” (theo hồi ức của nhạc sĩ Trần Hoàn, Nhớ anh Nguyễn Chí Thanh). Văn nghệ trong 30 năm chiến đấu của chúng ta (1945 - 1975) và đến hôm nay, đã và đang nỗ lực trả lời băn khoăn đó của Đại tướng.

Quý trọng, trân trọng bạn tâm giao, dìu dắt các tài năng văn hoá, văn nghệ là một phẩm chất tuyệt vời trong nhân cách Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Ông có rất nhiều bạn văn hoá, văn nghệ thân thiết, coi ông như anh, như bạn, như người trong cuộc. Ông thân thiết, gắn bó nhiều năm với Tố Hữu, hai người “chơi” với nhau từ thời trai trẻ cho đến cuối cuộc đời. Khi ông ra đi, Tố Hữu đã tạc ông bằng những câu thơ sâu nặng nghĩa tình:
Ôi sống như anh sống trọn đời
Sáng trong như ngọc,
một CON NGƯỜI


Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người bạn tâm giao, người đồng hương với nhà thơ Thanh Tịnh. Ông quan tâm chí tình đến số phận có phần buồn đau của Thanh Tịnh. “Khi nào không bận việc chiến trường, anh lại tìm cách đột nhập vào nhà số 4 (Lý Nam Đế) thăm hỏi anh em chúng tôi và đặc biệt là thăm nhà thơ Thanh Tịnh tại phòng riêng một cách bất ngờ, không hẹn trước” (Xuân Thiêm). Đại tướng rất thương quý nhạc sĩ Hoàng Việt và nhà văn Nguyễn Thi khi hai tài năng này được cử vào chiến trường miền Nam. Đại tướng mừng thực sự vì những đóng góp của họ ở chiến trường: “Được anh em trong đó mến yêu và quý trọng lắm, bởi vì chất nghệ sĩ - chiến sĩ ở họ rất rõ, cái đó quý lắm… Riêng mình mừng lắm và tự hào về những cây bút này lắm”. 

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn hoá, văn nghệ trong quân đội những năm 50, 60 thế kỉ XX, nhưng ông chưa bao giờ tách rời công tác này của quân đội ra khỏi nền văn hoá, văn nghệ chung của đất nước, của dân tộc. Trong bài tham luận tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ hai (3/1957), ông đã đặt nền móng cho ba nội dung quan trọng trong mối quan hệ trên. Một là, khẳng định công tác văn hoá - văn nghệ trong quân đội là một bộ phận khăng khít, không thể tách rời với sự nghiệp xây dựng văn hoá chung của đất nước. Hai là, chức năng đặc thù của văn hoá, văn nghệ quân đội là gánh vác nhiệm vụ chủ yếu: phản ánh, miêu tả, khám phá đề tài chiến tranh cách mạng, bảo vệ Tổ quốc và lực lượng vũ trang. Và ba là, động viên, khuyến khích, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng hoạt động và sáng tạo văn hoá, văn nghệ cả nước cùng chung vai, sát cánh “sáng tác về đề tài bộ đội” (“Chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh và sẵn sàng đón tiếp tất cả các bạn và các đồng chí muốn sáng tác về đề tài bộ đội hiện nay”). Ba tư tưởng đó đã được quán xuyến sâu sắc trong suốt 60 năm qua và đã tạo được những thành tựu đáng tự hào.

Nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (2014), chị Thanh Hà, con gái ông, đã day dứt đặt câu hỏi: “Cuộc đời trăm năm của ba tôi đã hay sẽ kết thúc như thế nào nhỉ, và nó đã thực sự kết thúc chưa?”. Thưa chị, về cái hữu hạn của một đời người, cuộc đời của ông đã kết thúc cách đây vừa đúng 50 năm. Nhưng cái vô hạn của những tư tưởng, tinh thần, trí tuệ, tâm huyết và tầm vóc của ông trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, nông nghiệp, xây dựng con người, văn hoá, văn nghệ… thì sẽ còn sống mãi trong chúng tôi, trong chúng ta, trong các thế hệ thuỷ chung đi theo tấm gương và con đường của Đại tướng -  Sáng trong như ngọc, một CON NGƯỜI.
Đ.X.D

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)