. TS. ĐẶNG THỊ BÍCH HỒNG
1. Mở đầu
Nhiều năm trở lại đây, Chu Lai được độc giả biết đến như một trường hợp đặc biệt của văn học Việt Nam đương đại: hành trình sáng tác của nhà văn hầu như chỉ xoay quanh đề tài chiến tranh và người lính. Đó là đề tài, nói như nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Minh Thái, “càng đào sâu càng màu mỡ, càng khai thác càng phì nhiêu, càng lùi ra xa thì trầm tích của chiến tranh càng dội về mãnh liệt” [1]. Cầm súng trước khi cầm bút, Chu Lai từ cuộc đời quân ngũ giữa bưng biền Đông Nam Bộ ác liệt đã liên tục góp cho đời sống văn chương Việt những tiểu thuyết giá trị: Nắng đồng bằng (1978); Đêm tháng hai (1979); Út teng (1983), Gió không thổi từ biển” (1984); Sông xa (1986); Vòng tròn bội bạc (1987); Bãi bờ hoang lạnh (1990); Ăn mày dĩ vãng (1992); Phố (1993); Ba lần và một lần (1999); Cuộc đời dài lắm (2001); Khúc bi tráng cuối cùng (2004); Chỉ còn một lần (2006); Hùng Caro (2010); Mưa đỏ (2016)... Trong số đó, Ăn mày dĩ vãng được đánh giá là một trong những tác phẩm xuất sắc của văn học Việt Nam thời kỳ Đổi mới. Tác phẩm giành giải A của Hội đồng Văn học về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang của Hội Nhà văn năm 1993; Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng năm 1994. Theo đánh giá của Bùi Việt Thắng, nếu Nắng đồng bằng “như là “tấm giấy thông hành” để Chu Lai bước vào địa hạt tiểu thuyết, ở đó độc giả thấy một sự sục sôi, nhưng đôi lúc còn loạng choạng”, Mưa đỏ (2016) cho thấy “những gì trầm lắng nhất, điềm tĩnh nhất” trong văn cách Chu Lai thì Ăn mày dĩ vãng “được viết vào độ tráng niên nên cái gì cũng tràn trề, đôi lúc dư thừa. Nhìn chung là “động”” [2].
Ăn mày dĩ vãng song hành hai hình tượng người kể chuyện: người kể chuyện ngôi thứ nhất xưng “tôi” và người kể chuyện ngôi thứ 3, xoay quanh cuộc đời nam nhân vật chính Hai Hùng - nguyên chỉ huy trinh sát đặc nhiệm quân giải phóng vùng ven Sài Gòn, gắn với hai thời điểm trong và sau cuộc kháng chiến chống Mỹ. Câu chuyện không diễn ra theo trật tự thời gian tuyến tính mà xen kẽ thời gian quá khứ - xung quanh mốc các năm 1968 (chương 2, 4, 6, 8, 9), 1973 (chương 11, 13) và thời gian hiện tại - khoảng cuối những năm 1980, đầu những năm 1990 (chương 1, 3, 5, 7, 10, 12, 14, 15, 16, 17). Cùng với đó, Ăn mày dĩ vãng cho thấy khả năng giải cấu trúc tự sự truyền thống về mô hình nam anh hùng chiến trận khi nhà văn xây dựng hình tượng các nhân vật nữ như một cách kiến tạo huyền thoại khác về người anh hùng. Thông qua những trang viết truyền tải kỳ vọng về vai trò của nữ giới trong chiến tranh, Chu Lai mô tả sự thay đổi vai trò của nữ giới theo nhiều cách quan trọng: là người nữ chiến sĩ anh hùng trực tiếp cầm vũ khí chiến đấu với quân thù; là người chăm sóc, chữa lành vết thương và tạo ra sự cân bằng trong đời sống tâm sinh lí cho các chiến sĩ ngày đêm phải đối mặt với những tình huống khốc liệt của chiến tranh

Bìa tác phẩm.
2. Nội dung nghiên cứu
Simone de Beauvoir trong cuốn sách quan trọng tạo ra bước ngoặt và góp phần mở ra làn sóng thứ hai cho phê bình nữ quyền (Le deuxieme sexe, 1949) đã xuất phát từ đặc trưng sinh học, điểm nhìn lịch sử và cơ chế vận hành đời sống để chỉ ra sự bất cân xứng trong quan hệ giới. Người đàn ông gắn liền với sức mạnh của cơ bắp và dương vật được đặt vào vị trí tối thượng, mang tham vọng cải biến và thống trị, ngược lại, phụ nữ cùng những đặc tính sinh học từ tuổi dậy thì gắn liền với sự thay đổi nội tiết, chu kỳ kinh nguyệt, quá trình mang thai, sinh nở… đã hạn chế người nữ được sống vì mình, cho mình, đẩy họ vào tình thế “không được sử dụng chính bản thân mình” [3, tr.24]. Sự phân định thứ cấp này đồng thời tạo ra những liên hệ khác nhau giữa nam giới và nữ giới với vấn đề bạo lực, chiến tranh. Beauvoir quan sát sự kết nối giữa nam tính với bạo lực từ những tình huống của buổi đầu lịch sử: người đàn ông dự phần vào những cuộc chinh chiến và qua đó “chứng minh một cách rực rỡ rằng đối với con người, cuộc sống không phải là giá trị tối thượng, mà nó phải phục vụ những mục đích quan trọng hơn bản thân nó. Nỗi bất hạnh tồi tệ nhất đè nặng lên người phụ nữ là ở chỗ bị loại trừ ra khỏi những hoạt động chinh chiến ấy; con người tự nâng mình lên trên loài vật, không phải bằng cách đem lại cuộc sống, mà bằng cách liều mình trong hiểm nguy; vì vậy, trong nhân loại, ưu thế không dành cho giới sinh con đẻ cái, mà là cho giới giết chóc” [3, tr.49]. Xu hướng loại bỏ phụ nữ ra bên ngoài hoạt động chinh chiến tiếp tục được ghi nhận qua những sự kiện lịch sử hiện đại. Kingsley Kent trong cuốn Giới tính và Quyền lực ở Anh, 1640 - 1990 đã phác thảo vai trò giới tính của phụ nữ Anh trước thế chiến thứ nhất rằng: “Hôn nhân và thiên chức làm mẹ là những thành tựu đỉnh cao trong cuộc đời người phụ nữ, là ‘số phận tự nhiên’ và ‘hạnh phúc trần thế tốt nhất’ của họ” [4, tr.246]. Thời kỳ đầu chiến tranh, vai trò giới của phụ nữ tiếp tục cho thấy sự nối tiếp các giá trị thời Victoria sang thế kỷ XX. Trước và trong suốt thời kỳ đầu của Thế chiến thứ nhất, nguyên tắc sự sống còn thuộc về kẻ mạnh nhất của Charles Darwin được nhìn thấy trong tình trạng đời sống hiện tồn, “chiến tranh tạo nên một điều tốt đẹp tích cực, một đấu trường mà đàn ông có thể trở nên cứng rắn và những người không đủ năng lực có thể bị loại bỏ và do đó, không có cơ hội sinh sản để truyền lại những đặc điểm thấp kém hoặc thoái hóa cho thế hệ sau” [4, tr.237]. Nghĩa là; người đàn ông được kỳ vọng là phải cứng rắn, vô cảm, đối lập với trạng thái mềm yếu: “họ sẽ phải chấp nhận rằng bạo lực là một phần của trật tự tự nhiên và phải sẵn sàng hành động bạo lực” [4, tr.238]. Điều này xác định vai trò giới của đàn ông là cần bạo lực để củng cố nam tính. Diễn trình lịch sử đó tạo nên một xu thế trong văn học chiến tranh: hầu hết các tiểu thuyết về đề tài này đều tập trung vào kinh nghiệm của những người lính nam.
Tuy nhiên, một số tiểu thuyết gia đã thách thức xu hướng này để đưa quan điểm và kinh nghiệm nữ giới vào trung tâm truyện kể. Các nhà văn khi khai thác đề tài chiến tranh đã quan tâm đáng kể đến sự hiện diện của nữ giới. Phụ nữ dần đảm trách nhiều vai trò khác nhau trong chiến tranh: trở thành những người lính trực tiếp chiến đấu trên tuyến đầu, là người chăm sóc những vết thương không thể tránh khỏi nơi chiến trường, tham gia mở đường hay trực tiếp điều khiển những chiếc xe tải quân sự ra mặt trận… Nhìn lại cuộc kháng chiến chống Mỹ hào hùng nhưng cũng đầy cam go của dân tộc Việt Nam, không ít người lính vẫn vẹn nguyên kí ức về sự góp mặt của giới nữ: “Các chị phải đệm chăn chiếu mới với được tới vô-lăng mà vẫn vượt qua bao bom đạn. Máy bay đuổi theo sát sạt trên đầu. Bom nổ trùm lên cả xe mà hàng vẫn đêm ngày chuyển ra tiền tuyến” [5]. Những trải nghiệm của nữ giới thời chiến được soi chiếu sâu hơn, nhiều chiều hơn trong văn học thời kỳ hậu chiến. Ăn mày dĩ vãng ra mắt bạn đọc năm 1992 - 17 năm sau khi chiến tranh kết thúc. Đó là khi nhà văn có độ lùi thời gian để nhìn sâu hơn vào chân dung những người phụ nữ từng góp mặt trên chiến trường. Tác phẩm vì thế phản ánh sinh động cách cuộc chiến đã tác động trực tiếp đến vai trò của nữ giới cả thời điểm trong và sau chiến tranh.
2.1. Hình tượng người phụ nữ cầm súng: biểu đạt khác về mô hình nữ nhân - chiến sĩ
Nói về bối cảnh xã hội Việt Nam trong những năm chiến tranh chống Mĩ, Hồ Khánh Vân chỉ ra rằng: các phong trào chính trị xã hội đã ghi nhận sự góp mặt của những người phụ nữ tiến bộ, sẵn sàng đồng hành cùng nam giới trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tình thế lịch sử đó khiến cho ý thức nữ quyền mang màu sắc chính trị hóa [6]. Đây có thể là yếu tố làm nên sự tương đồng trong cách phản ánh hình tượng người phụ nữ Việt với chiến lược tự sự mà các nhà phê bình nữ quyền đã chỉ ra: chiến lược kiến tạo bản sắc nữ giới ngang hàng với bản sắc nam giới. Thực tế, xu hướng này đã xuất hiện trong nhiều tác phẩm nghệ thuật Việt Nam ngay từ thời kì cuộc chiến đang diễn ra khốc liệt. Người mẹ kiêu hãnh nhất là khi “người mẹ cầm súng”, hạnh phúc lớn của mẹ là chứng kiến “con gái mẹ đã trở thành chiến sĩ”, người con gái sông La đẹp nhất khi “đạp trên cái chết dáng em hiên ngang”… Phụ nữ thời kì ấy ít được chú ý ở những trăn trở, băn khoăn về giới. Bản thân họ cũng có nhu cầu muốn khẳng định mình như là nam giới. Tuy nhiên, xu hướng này có liên hệ rất lỏng lẻo với tinh thần khẳng định nữ quyền mà chủ yếu xuất phát từ nhiệm vụ chính trị lớn của đất nước: nhiệm vụ thống nhất non sông. Trong Ăn mày dĩ vãng, Chu Lai xây dựng nhiều nhân vật nữ tham gia cách mạng - những gương mặt anh hùng mới trong chiến tranh chống Mỹ. Và đặc biệt, cặp đôi nữ chính người hùng Hai Hợi - Ba Sương đều được nhà văn khắc họa qua những tình huống khúc ngoặt vô cùng éo le.
Hai Hợi điển hình cho kiểu người nữ bước vào chiến tranh và tự buông cho ngoại diện đổi thay theo môi trường quân sự: “Tóc húi kiểu con trai, còn ngắn hơn cả con trai, khuôn mặt góc cạnh, lông mày xếch, mắt sáng lì, vai nở, ngực rất nở, được bó chặt đến nỗi tưởng rằng chỉ cần thở mạnh một cái là tất cả những nút áo, nút nịt ngực sẽ đứt tung, bật văng vào mặt người đối diện [...] chiếc quần cụt mốc thếch, chỉ hở ra đôi đầu gối chắc nịch và đôi bắp chân xoắn bện màu bánh mật chi chít những đường gai cào sần sượng dọc ngang. Tóm lại nếu thêm hàng ria rậm ở mép nữa thì cô xã đội nức tiếng đánh giặc trời gầm này sẽ trở thành một chàng trai bặm trợn, phong trần” [7, tr.67]. Diện mạo nam tính của Hai Hợi đi ngược với kỳ vọng liên quan đến vẻ ngoài nữ tính của người phụ nữ. Tuy nhiên, trong môi trường quân sự, sự thay đổi ngoại diện ấy, một mái tóc ngắn, một trang phục linh động… lại phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh thông qua tính tiện dụng của nó.
Cá tính, nam tính về ngoại hình, Hai Hợi đánh giặc cũng mạnh mẽ, quyết liệt như nam giới. Đảm trách vị trí xã đội trưởng du kích, Hai Hợi được mọi người nhắc đến như là “người đàn bà inốc” [7, tr.68]. Chu Lai viết: “Đụng địch, cô vác B40 xông lên trước, tiếp cận hàng rào gai, cô lột phăng quần áo chui ào ào, ai rụt rè, ai hèn nhát, cô đá đít, tạt tai, lột súng đuổi về phía sau liền. Kẻ địch ngán cô, du kích sợ cô và ngay cả những lực lượng xuống phối hợp với cô cũng không tránh khỏi sự ngại ngần, vì nể” [7, tr.70-71]. Đánh giặc không phải là nhiệm vụ của riêng nam giới trong thời chiến. Ở đây, người nữ đã trực tiếp tham gia nhiệm vụ này và tham gia vô cùng hiệu quả. Tuy nhiên, nhà văn không lí tưởng hóa động cơ hành động của nhân vật. Hai Hợi tham gia hoạt động cách mạng không vì lí tưởng anh hùng chủ nghĩa mà xuất phát từ những lí do mang tính cá nhân, những lí do đậm đặc tính nữ: vì tình yêu và vì tình thương. Vì tình yêu với một thượng sĩ bảo an tên Tường, Hai Hợi bỏ ấp vào rừng, và cũng vì tình yêu với chiến sĩ cách mạng Tám Tính, Hai Hợi rời rừng về ấp. Vì tình thương dành cho cô em họ Ba Sương, Hai Hợi ràng níu với cuộc đời chiến đấu, như lời Ba Sương kể lại: “Trận nào ác liệt là chị cắt cử em ở nhà. Chị không cho em trực tiếp cầm súng, cứ một mực bắt em học cứu thương, y tá, một mực bắt em phải gội đầu lá sả cho thơm, bắt em phải uống nước hà thủ ô cho xanh tóc” [7, tr.83]. Có thể thấy, động cơ hành động của nữ chiến sĩ Hai Hợi mang tính cá nhân chứ không hòa vào bản đồng ca chủ nghĩa anh hùng.
Hai Hợi là trường hợp đặc biệt của tính cách nữ: con người sống tận độ, yêu tận độ, chiến đấu tận độ, xuất phát từ động cơ cá nhân chứ không bị chi phối bởi những lí do bên ngoài, kể cả những áp lực chính trị. Chính vì vậy, khi quyết định rời quân ngũ trở về môi trường dân sự, Hai Hợi quyết liệt từ chối đứng về chính quyền Việt Nam cộng hòa. Khi “viên trung uý chi khu trưởng yêu cầu cô vẽ sơ đồ căn cứ bên sông và dẫn lính đi ruồng” [7, tr.320], cô tuyên bố: “Tôi chán chiến tranh, chán cách mạng, chán luôn cả Quốc gia nên tôi mới vứt súng trở về làm người mần ăn bình thường. Bây giờ mấy ông tính sử dụng tôi vào trò chém giết nữa thì tiểu nhân quá! Vậy thì cứ mổ bụng, moi gan tôi ngay đi cho rảnh nợ” [7, tr.320]. Tuyên bố này có tác dụng theo hai cách: thứ nhất, nó là sự chế giễu quyền uy của viên trung úy, và trong sự chế giễu này, Hai Hợi nhấn mạnh sự thiếu hiểu biết của hắn ta về lựa chọn của một người phụ nữ như Hai Hợi trong chiến tranh; thứ hai, việc sử dụng đại từ ngôi thứ nhất xưng “tôi” cho phép diễn giải suy nghĩ của Hai Hợi như một phản ứng chân thực, có chủ đích. Từ trải nghiệm mất mát cá nhân khi nghe tin về cái chết của Tám Tính, Hai Hợi lựa chọn trở về nhà với lời nhắc nhở sâu sắc về việc con người đã phải trả cái giá quá đắt cho cuộc chiến. Cô từ chối dự phần vào cơn say máu nam tính từ phía chính quyền Việt Nam cộng hòa bằng một thái độ thẳng thắn và kiên quyết, thậm chí, bằng chính sinh mạng mình.
Đặt cạnh Hai Hợi, Ba Sương được khắc họa trong thế tương phản về ngoại hình và tính cách, tạo nên cặp đôi nhân vật nữ với những đặc điểm tưởng chừng trái ngược: “một đằng vâm vam, một đằng mềm mại, một đằng bung ra, một đằng khép kín” [7, tr.67]. Ba Sương tham gia cách mạng với nhiều vai khác nhau: vừa là nữ y tá giữ vai trò chăm sóc những người lính, vừa là nữ du kích trực tiếp chiến đấu như một chiến sĩ. Chu Lai không chú trọng mô tả cách đánh giặc của Ba Sương nhưng trong suốt những tháng năm hoạt động cách mạng, cô là hình mẫu trọn vẹn của một nữ anh hùng. Trong nhiều tình huống quân sự hiểm nghèo, Ba Sương đề xuất những phương án xử lý vô cùng thông minh. Chẳng hạn, khi khoảnh rừng bé nhỏ của những người lính bị ba tầng bộ binh, thám kích và cơ giới kéo đến bao vây, Ba Sương nêu ý tưởng mở một trận tập kích thu hút lực lượng địch để giãn cách vành đai án ngữ. Phương án này dù không khả thi trong bối cảnh lực lượng cách mạng quá mỏng, song, nó đủ khiến nam chỉ huy can trường Hai Hùng phải ngỡ ngàng thừa nhận “…đó là một sáng kiến có giá. Chà! Gớm cho đàn bà chân yếu tay mềm một khi đã đi qua chiến tranh đều có thể trở thành đáo để, sắt thép hết” [7, tr.194]. Chi tiết này cho thấy phụ nữ hoàn toàn có năng lực tính toán đường đi nước bước trong những tình thế chiến tranh cam go. Đó là sức mạnh của trí tuệ, của mưu lược nhạy bén. Cũng như thế, trong trận đột ấp chiến lược vào mùa khô năm 1973, khi Hùng và đồng đội bị lính bao vây đen đặc xung quanh ấp, cũng chính Ba Sương là người đưa ra phương án xử lí đầy táo bạo, bất ngờ: “Ém lại ngay trong lòng ấp” [7, tr.233]. Kết cục, phương án Ba Sương đưa ra đã giúp tất cả đồng đội có cơ hội rời ấp an toàn và cô là người duy nhất bị kẹt lại giữa vòng vây quân thù. Đây cũng chính là tình huống tạo nên xung đột quan trọng trong tiểu thuyết: tất cả đồng đội đều nghĩ rằng Ba Sương đã hy sinh sau sự cố đau thương ấy.
Cái chết của Ba Sương bị/ được huyền thoại hóa như 1 biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Tổ chức ca ngợi cô “là một nữ sĩ kiên cường, một đảng viên trung kiên đã nêu một tấm gương hy sinh ngời sáng cho lý tưởng Cộng sản” [7, tr.358]. Tấm gương nữ anh hùng Ba Sương được “rao giảng trong các trường học, các nhà máy, công sở, các vườn trẻ, mẫu giáo” [7, tr.358], thậm chí, chính quyền có ý định tạc tượng, lập phòng bảo tàng về Ba Sương để nhắc nhớ về gương tuẫn tiết hào hùng. Và kết cục, sức hấp dẫn của những cách thức tuyên truyền ấy khiến chính Ba Sương bị mắc kẹt trong đó. Sự thật là, cô đã được cứu bởi một số người phía chính quyền Cộng hòa, đã tráo đổi danh phận để tiếp tục sống và chứng kiến vầng hào quang quanh cái tên nữ anh hùng Ba Sương. Người đàn bà ấy tự thú rằng mình không đủ can đảm để bước ra ngoài cái vỏ bọc anh hùng ấy: “Tôi sợ... Tôi không nỡ làm mọi người, những con người thật tốt đối với tôi phải hụt hẫng, phải thất vọng. Họ sẽ phải làm một cuộc cải chính trên toàn bộ công luận, phải tẩy sạch ấn tượng trong tâm hồn bọn trẻ nhỏ, phải... Phải nhiều lắm” [7, tr.358]. Kết cục, cô bị đẩy vào một tâm thế sống vô cùng bi đát, phải chịu đựng những trạng thái tinh thần mâu thuẫn, giằng xé. “Con người khốn khổ của tôi bao nhiêu năm trời cứ luôn tách ra làm hai: cái phần sống nếm náp mùi vị ngọt ngào của phần chết và cái phần chết lại không ngừng day dứt làm tình làm tội phần sống” [7, tr.360]. Qua tình huống trớ trêu này, Chu Lai hé lộ một sự thật về những tự sự anh hùng thời hậu chiến. Đôi khi, huyền thoại anh hùng chỉ là chiếc mặt nạ giả tạo xuất phát từ những nhầm lẫn ngẫu nhiên và cả những đồng lõa chủ đích.
2.2. Chân dung người phụ nữ chăm sóc và cân bằng: diễn giải mới về tính nữ vĩnh cửu
Trong văn học về đề tài chiến tranh, việc lựa chọn tái hiện chân dung người phụ nữ giữ vai trò là những y tá, điều dưỡng trên chiến trường có sự gặp gỡ thú vị với luận điểm về vai trò chăm sóc của phụ nữ trong phê bình nữ quyền. Elizabeth Norman [8, tr.8] đã viết, điều dưỡng là một lựa chọn nghề nghiệp hợp lý cho những phụ nữ trẻ ở Mỹ vào cuối những năm 1950, bởi vì các cô gái vào thời điểm đó đã học cách “xem bản thân mình trong mối quan hệ với người khác, như những người mẹ, người chị và người bạn - không phải là những cá nhân”, và “nhiệm vụ chăm sóc người khác là cốt lõi của nghề này”… Trong cuốn hồi ký American Daughter Gone to War [9], Winnie Smith thường xuyên mô tả mối liên hệ giữa nữ y tá với những nam quân nhân bị thương mà tác giả gọi là các chiến binh. Đây là cách để nhà văn thiết lập quyền lực cho những trải nghiệm của nữ y tá. Chiến lược thiết lập thẩm quyền này đồng thời giải thích cho cách đặt phụ đề văn bản của Winnie Smith: Trên tuyến đầu với một y tá quân đội tại Việt Nam. Theo nghĩa đen, nhiệm vụ của một ý tá tại bệnh viện vốn không được đặt ở vị trí tuyến đầu. Việc sử dụng cụm từ “trên tuyến đầu” (On the Front Lines) cho thấy ngụ ý khẳng định vai trò của nữ y tá như là một người lính chiến đấu. Cuốn sách thể hiện nỗ lực tháo dỡ những hạn chế về thẩm quyền tiếng nói nữ để kiến tạo bản sắc nữ giới ngang hàng với bản sắc nam giới. Nữ y tá đóng vai trò chăm sóc những người bị thương, và đây không chỉ là việc chăm sóc chuyên nghiệp; trái tim của họ còn chảy máu vì những người bị thương. Bản thân họ cũng đồng thời phải duy trì sức mạnh tinh thần và khả năng chịu đựng để làm việc dưới các mối đe dọa tử vong có thể xảy đến với chính họ bất cứ lúc nào.
Trong Ăn mày dĩ vãng, Chu Lai khắc họa chân dung nhiều nữ y tá, nữ bác sĩ quân y đầy tận tâm trên chiến trường. Đó là Ba Sương - người vừa tham gia chiến đấu như một người lính thực thụ, vừa chăm sóc vết thương cho các chiến sĩ. Với phẩm tính của một y tá và bản tính của một người nữ, Ba Sương luôn đặt phương án cứu sống những người lính bị thương lên lựa chọn hàng đầu. Chính vì thế, khi đối mặt với tình huống sinh tử của cậu lính trẻ tên Bảo, Ba Sương bất chấp thái độ dữ dằn của Hai Hùng, phản đối anh đến cùng để được cứu Bảo khỏi tình huống thập tử nhất sinh. Nhà văn lí giải nguyên do của phát ứng ấy xuất phát từ niềm thương: “Em mụ mị đầu óc, em không biết mình đã làm gì nữa. Tại vì... Tại vì em thương quá” [7, tr.91]. Đó là cô y sĩ ngoài Bắc mới hành quân vào chiến tuyến Đông Nam Bộ - người không chỉ cứu sống người hùng chiến trận Tám Tính mà còn khiến anh thay đổi những thói tật bản năng của người đàn ông đa tình. Tám Tính bị thương nặng sau một trận đánh khốc liệt, “mười bảy vết thương vào người, trong đó có tám vào chỗ hiểm, phẫu đi phẫu lại tới hàng chục lần” [7, tr.297], đồng đội không ai nghĩ rằng anh có đủ sức mạnh để giữ được mạng sống. Nhưng một buổi sáng lơ mơ tỉnh dậy, Tám Tính thấy một cô y sĩ “vừa cặp nhiệt, vừa kiểm tra lại băng, vừa vô ý chịn cả cái bộ ngực chắc nịch, thơm ngậy vào giữa mặt” [7, tr.297]. Anh ta thú nhận: “cùng với mỗi buổi sáng được hít thở, được áp mặt vào bộ ngực vừa nóng vừa lạnh của cô ta, sức khoẻ tao hồi phục dần. Tao như đứa trẻ sài đẹn ngày ngày được uống sữa từ bộ ngực ấy mà cô không hề biết” [7, tr.298]. Mang nặng ơn cứu tử, Tám Tính ngỏ lời muốn cưới cô y sĩ làm vợ, quyết thay đổi thói tật trăng hoa để được cô đồng ý. Có thể coi nữ y tá này như là hiện thân cho kỳ vọng lớn về phụ nữ trong chiến tranh: bảo vệ sinh mạng người lính khỏi bàn tay tử thần trong chiến tranh và điều chỉnh những thói tật đàn ông sau cuộc chiến. Mối quan hệ lãng mạn giữa một người lính và một y tá được dùng để giải thích cho sự hồi sinh kỳ diệu của Tám Tính trong chiến tranh cũng như sự thay đổi bất ngờ của anh ta sau chiến tranh. Trong tình huống này, mối quan hệ giữa người chăm sóc và người lính đã tác động đến vai trò giới tính của người phụ nữ để đưa phụ nữ vào vai trò chăm sóc suốt đời khi trở về cuộc sống dân sự. Cái kết trong câu chuyện tình yêu giữa Tám Tính và nữ y tá bám sát vai trò giới tính trước chiến tranh: một ngôi nhà giữa bạt ngàn cây lá, một công việc với thu nhập ổn định, một đàn con đông đúc - hình dung về cuộc sống hôn nhân được sắp xếp như thể chiến tranh chưa từng xảy ra.
Bên cạnh việc tái hiện chân dung nhân vật nữ trong vai người chăm sóc, Ăn mày dĩ vãng đồng thời khắc họa một khía cạnh khác cũng vô cùng đặc biệt về giới nữ: người giữ chức năng cân bằng. Bản thân nhà văn Chu Lai đã từng chia sẻ: “Hình bóng những cô gái trong trận mạc làm giàu cho cuộc chiến. Nếu như không có những cô du kích, giao liên, y sĩ, bác sĩ thì cuộc chiến tranh bỗng nghèo đi nhiều lắm” [Dẫn theo 1]. Họ chính là lí do tạo nên sự lãng mạn trong tâm hồn những người lính - một yếu tố mà theo Chu Lai, góp phần làm nên chiến thắng của dân tộc trước những kẻ thù hùng mạnh. Mang theo tín niệm ấy, nhà văn viết nhiều về những người phụ nữ đã làm dịu lại cái dữ dội của không gian chiến trường. Trong Ăn mày dĩ vãng, Chu Lai viết: “Sự xuất hiện của bốn cô gái trong xã đội đã làm cả vạt rừng nóng bỏng trở nên mềm ướt” [7, tr.73]. Ở đây, chiến tranh và nữ giới được nhìn trong thế tương phản: một “nóng bỏng”, một “mềm ướt”. Với vẻ đẹp nữ tính, họ vượt lên sự ám ảnh chết chóc trần trụi giữa bom đạn: “Nét tắm của cô gái trong trận mạc, nét tắm tinh khiết, không vẩn đục mảy may, tắm giữa sự điêu tàn, tắm bên cạnh cái chết, như tắm một lần cho mãi mãi” [7, tr.75]. Nữ giới luôn sẵn niềm thương, thương từ những điều rất nhỏ, như chi tiết Ba Sương tận chứng bữa ăn của lính nơi rừng hiểm: “Chị ấy vô tình giở nồi cơm của mình, thấy toàn báng già độn với củ nần, chị ấy khóc. Chị bảo: “Mấy anh ở ngoài ấy vô đây sao cực quá! Ăn vậy làm sao sống?” [7, tr.74]. Sự góp mặt của nữ giới nơi chiến trường bom rơi đạn nổ trở thành lí do quan trọng để những nam anh hùng tìm lại sự cân bằng cả về phương diện tâm lí và sinh lí.
Ba Sương là nữ nhân vật được Chu Lai tập trung nhiều nhất bút lực để cho thấy cách nữ giới tác động tới nam giới vùng chiến địa. Cô được mô tả là “bông hoa dại của rừng. Hầu như tất cả đều phải lòng em, tất cả đều muốn có em, được em để mắt đến” [7, tr.78]. Trong số “hầu như tất cả” ấy, đặc biệt nhất là nam chiến sĩ Hai Hùng, vị đại đội trưởng vốn đầy lạnh lùng, gai góc. Cô gái mảnh dẻ, xinh đẹp, nữ tính Ba Sương đã mềm hóa tính cách của đại đội trưởng Hai Hùng, làm xáo trộn tâm tư của vị chỉ huy này: “Một mùi vị con gái ngây ngây, thơm nồng từ chiếc khăn phả lên khiến anh thoắt trở nên lóng ngóng, không rõ mình phải xuống sông hay nên đứng lại nữa. Trước mắt anh, ánh mắt cô gái đang hun hút toả ra những làn ánh sáng dịu dàng và hết sức thơ trẻ. Hùng lảng mắt đi, không dám nhìn lâu vào đó. Phải chăng toàn bộ sức quyến rũ, như cánh đàn ông thường kháo của cô nằm ở ánh nhìn tĩnh lặng này, sự tĩnh lặng mênh mông rất cần thiết cho những tâm hồn dị tật, sưng tấy vì đâm chém có một phút nghỉ ngơi, buông thả khi soi vào” [7, tr.46]. Khi mối quan hệ giữa hai người chuyển từ tình đồng chí, đồng đội sang tình yêu lứa đôi, Hai Hùng nhiều lần đắm mình vào những khoảnh khắc độc thoại đầy tâm tư: “Một bên chết chóc, một bên em. Một bên đắng khét, một bên ngọt ngào. Có em, cuộc chiến đấu này bỗng nhẹ thoảng đi nhiều lắm” [7, tr.109]; “Nếu những ngày này không có em, không có cái dịu dàng cam chịu, cái thấu đáo thăm thẳm nhân hậu của em, cuộc đánh càn này, cả cuộc chiến đấu này sẽ nhạt nhẽo và khiên cưỡng biết chừng nào!” [7, tr.137]… Thậm chí, trong những tháng ngày chia xa, ngay cả khi Ba Sương cố tình tung ra những tin đồn thất thiệt để Hai Hùng quên cô, anh vẫn không thể nào vượt ra ngoài nỗi khắc khoải nhớ thương. “Càng ác liệt, càng gian truân, càng mỏng manh sự sống, đêm về mắc võng nhìn lên khoảng trời nhỏ bé đầy gió và sao, hình ảnh em lại càng níu buộc, thuốn xoáy, giằng ra chừng nào, lại xô vào chừng ấy, ngấm chìm, lặn hụp vào trong...” [7, tr.188]. Câu chuyện tình yêu giữa Ba Sương và Hai Hùng là minh chứng về vai trò của nữ giới trong việc neo giữ những xúc cảm nhân tính giữa không gian chiến trường đầy chết chóc tang thương.
Bằng sự dịu dàng, nữ tính, bằng trái tim bao dung tận độ, Ba Sương đồng thời giúp Hai Hùng vượt ra ngoài gánh nặng về mẫu hình nam anh hùng chiến trận. Trước Ba Sương, Hai Hùng lần đầu tiên dám thú nhận nửa tăm tối với những hành vi đê tiện, tội lỗi, vô đạo phía sau chiếc vỏ huyền thoại về một chỉ huy quân sự can trường mà cộng đồng vẫn khoác vào anh. Người hùng ấy thực ra cũng có những phút giây yếu đuối: “Chiến tranh mờ mịt, bạn bè chết hết lớp này đến lớp khác, ngày kết thúc đang còn nằm trong vô vọng, nhiều lúc anh muốn chạy trốn khỏi nỗi nhọc nhằn, khủng khiếp mà sức con người có hạn, không thể mãi chịu đựng. Nhưng lại không có gan chạy trốn đến tận cùng bằng tự sát. Càng không thể làm trò ô nhục đào ngũ hay chiêu hồi. Anh chỉ đủ can đảm tự thương” [7, tr.133]. Vị đại đội trưởng tài năng đang được đồng đội nể trọng ấy thực ra cũng có lúc hành động đớn hèn: “lợi dụng bóng tối bò sang lán thương binh móc bồng ăn cắp một hộp sữa. Sữa còn quý hơn gạo. Không dao, không kéo, chỉ bằng hai hàm răng anh đã cạp thủng nắp hộp và mút một hơi đến đáy” [7, tr.136]. Tự thú điều này với Ba Sương, Hai Hùng sẵn sàng đón nhận mọi phán xét từ cô. “Em có quyền khinh anh, xa lánh anh, bỏ anh” [7, tr.136]. Nhưng phản ứng của Ba Sương hoàn toàn ngược lại. Cô khẳng định: “Em thương anh... Càng thương. Trước đây thương anh nhưng... vẫn ngại. Anh xa cách, anh khó hiểu, anh... sao ấy. Bây giờ gần anh hơn, dễ hiểu hơn, như đã thấy anh, gặp anh, trò chuyện với anh ở đâu đó nhiều lần rồi. Em thương cả sự yếu đuối của anh” [7, tr.136]. Trong tình huống này, nhân vật Ba Sương ngay lập tức có sự kết nối tới biểu tượng Đức Mẹ khi đôi mắt thánh thiện của cô được nhắc đến như một nguồn động lực cứu rỗi và chở che. “Đôi mắt Đức Mẹ nhìn chúa Hài đồng cũng chỉ vời vợi yêu thương đến thế là cùng” [7, tr.136]. Qua những lời tự thú của Hai Hùng, Ba Sương thấy anh gần gũi hơn, “người” hơn và thấy thương, thấy gắn bó với anh hơn. Không chịu áp lực bên ngoài, góc nhìn nữ của Ba Sương đã giải cái nhìn lí tưởng hóa và tái cấu trúc vị thế nam tính: người anh hùng hội tụ cả lòng dũng cảm, chiến công cùng những thói tật đời thường. Lời an ủi và anh mắt sẻ chia mà Ba Sương dành cho Hai Hùng phá vỡ cái nhìn xưng tụng một chiều về người anh hùng chiến trận, trao cho anh ta cơ hội được sống nhiều hơn với phần nhân tính, đời thường vốn có ở tất cả mọi người.
Trong hoàn cảnh chiến tranh, sự hiện diện của người phụ nữ nơi chiến trường đồng thời làm thay đổi kỳ vọng về vai trò nữ giới trong những vấn đề liên quan đến đời sống bản năng, tình dục. Giữa môi trường quân ngũ, Hai Hợi gặp Tám Tính, “cái méo mó hoang sơ trong tâm hồn anh con trai đã bắt gặp được sự giao thoa hoà đồng trong cái ngoại hình dị biệt của người con gái” [7, tr.73], và họ nhanh chóng trở thành một đôi. Không bàn về những thay đổi ngoại hình/ bản thân Hai Hợi theo hướng về gần với mong muốn truyền thống từ góc nhìn nam giới sau đó, ở đây, mối quan hệ tình yêu giữa Hai Hợi và Tám Tính phản ánh một khía cạnh mới trong tiêu chuẩn giới tính gắn với hoàn cảnh chiến tranh: Tám Tính chấp nhận sự khác biệt của Hai Hợi so với kỳ vọng giới tính dân sự khi Hai Hợi phục vụ kháng chiến trong vai một người lính chứ không còn là một thường dân. Sự thay đổi kỳ vọng về vai trò giới tính trong thời chiến còn thể hiện qua cách phụ nữ lựa chọn chủ đề câu chuyện của mình. Họ có thể và đã bắt đầu nói về bạo lực, về tình dục… Các cô gái thậm chí bước ra khỏi kỳ vọng về giới tính thánh thiện của người nữ bằng cách công khai cái nhìn tình dục hóa cơ thể nam giới. Nói về Hai Hùng, các cô du kích, các cô ở đội nữ pháo binh trong rừng, người thì ao ước: “Giá như có một lần sau khi đi ấp sáng đêm về được vùi mặt vào cái tảng ngực kia mà ngủ... Ngủ luôn không trở dậy nữa” [7, tr.35-36], người thì bặm trợn: “Cách chức anh ta đi! Không thèm cho anh ta đánh giặc nữa. Cứ để cho ảnh sống, ăn uống ngon lành, mỗi đêm đến với chị em một lần, đến từng đứa, hết lượt lại quay lại từ đầu...” [7, tr.36]. Hai Hợi trong lần đầu trực tiếp gặp mặt Hai Hùng thẳng thắn kết luận: “Cái thân hình bò mộng kia, nếu có mất ngủ thì duyên do cũng chỉ là thiếu ngủ với... đàn bà” [7, tr.68]. Sự tự do ngôn ngữ mới này cũng cho phép phụ nữ đặt câu hỏi về cách xã hội nhìn nhận họ.
Qua Ăn mày dĩ vãng, Chu Lai đồng thời đặt vấn đề kỳ vọng về những người phụ nữ sẽ hy sinh bản thân vì đàn ông, bao gồm cả việc hy sinh danh tiếng, đức hạnh thông qua quan hệ tình dục trước hôn nhân. Ở nhà, một người phụ nữ cần một người chồng, nhưng ở chiến trường, người phụ nữ đó có thể chết bất cứ lúc nào. Cũng như thế, tất cả mọi người đàn ông đều có thể ngã xuống bất cứ lúc nào. Nói như lời Hai Hợi, “luôn luôn có bốn sắc lính bất cứ lúc nào cũng có thể nổ súng vào giữa đầu mình: Mỹ, chủ lực, bảo an, dân vệ” [7, tr.70]. Họ có thể sẽ bị chôn vùi vào ngày mai, bị giết trong một trận phục kích, bị vùi nát trong những căn hầm đổ sập… Tất cả có thể không bao giờ sống đủ lâu để quay lại và bắt đầu cuộc tìm kiếm người yêu cũng như lên kế hoạch lập gia đình. Cho nên, khi chứng kiến màn gặp gỡ “ngẫu nhiên và nhuốm màu phi lý” [7, tr.82] giữa Hai Hợi và Tám Tính, Hai Hùng đã thầm buông một lời chúc phúc: “hãy hết mình dẫu chỉ một lần các bạn thân yêu, một lần thôi cũng là đủ cho mãi mãi bởi vì đêm mai đêm mốt, có thể một trong hai người, một trong chúng ta sẽ không còn” [7, tr.82]; khi nghe Tuấn kể về tình huống chết chóc mà anh và đồng đội vừa kinh qua, Thu đã kín đáo chủ động cho Tuấn cơ hội lần đầu tiên biết về thân thể đàn bà để rồi e ấp trần tình: “Tuấn đừng khinh tôi. Tôi không phải đứa con gái... Thấy Tuấn khổ quá, ngày mai lại lao vào chỗ chết nên... nên tôi không nỡ” [7, tr.148]. Trong hoàn cảnh chiến trường, những tiếp xúc luyến ái có khi diễn ra như một sự thách thức với lằn ranh sinh tử, như cuộc tình giữa Ba Sương và Hai Hùng trong hầm tối, bên trên mặt đất là quân thù vây hãm, cái chết chờ đợi: “Dường như toàn bộ sức sống tuổi hai mươi nơi em đều dồn tụ vào cả khuôn ngực trinh tiết này? Tôi gục mặt vào đó, nghẹt thở, yên bình, ngào ngạt hương thơm cây trái và tan rã... Gục mặt vào màu trắng tươi nguyên, màu trắng khổ đau và màu trắng của sự thanh cao tuyệt đỉnh” [7, tr.244]. Thời chiến đã cho phụ nữ một lý do để quyết định chủ động bước ra khỏi vai trò giới tính truyền thống của mình. Và điều này có thể được xem như kỳ vọng mới của xã hội về vai trò của nữ giới trong chiến tranh: họ là người giúp cho cuộc sống của những người lính trở nên dễ chịu hơn theo mọi cách có thể.
3. Kết luận
Viết về sự hiện diện của những người phụ nữ ở không gian chiến trường, Ăn mày dĩ vãng góp một tiếng nói biểu đạt vai trò của nữ giới trong hoàn cảnh chiến tranh. Không xuất hiện như những nạn nhân thụ động, các nữ nhân vật bước vào tiểu thuyết của Chu Lai đã kiến tạo hình dung khác về huyền thoại anh hùng. Họ tham dự vào không gian vốn được hình dung như là nơi dành cho nam giới bằng nhiều cách khác nhau: một quân nhân, một y sĩ, một người tình… Sự tiếp cận hình tượng nhân vật nữ từ góc độ này tạo nên tiếng nói đối thoại với trật tự giới tính truyền thống. Từ việc đề cập đến sự thay đổi vai trò giới của phụ nữ thời chiến qua trường hợp Ăn mày dĩ vãng, nghiên cứu này có thể được mở rộng phạm vi để bao gồm những thảo luận về trải nghiệm chiến tranh của phụ nữ trong nhiều tác phẩm văn học Việt Nam.
Đ.T.B.H
1. Nguyễn Thị Minh Thái. 2024. “Nhà văn Chu Lai: Chiến tranh… lãng mạn lắm!”. Tạp chí Văn nghệ quân đội. http://vannghequandoi.com.vn/nguoi-linh/nha-van-chu-lai-chien-tranh-lang-man-lam_16391.html
2. Bùi Việt Thắng. 2016. “Một điểm nhấn trên hành trình tiểu thuyết Chu Lai”. Tạp chí Văn nghệ quân đội. http://vannghequandoi.com.vn/binh-luan-van-nghe/mot-diem-nhan-tren-hanh-trinh-tieu-thuyet-chu-lai-9151_3458.html
3. Simone de Beauvoir. 1996. Giới Nữ (Le Deuxieme Sexe, Tập 1). Nguyễn Trọng Định và Đoàn Ngọc Thanh dịch. NXB. Phụ nữ.
4. Kent, Kingsley. 1999. Gender and Power in Britain, 1640-1990, Taylor & Francis Group.
5. Phùng Văn Khai. 2024. “Nhà văn Chu Lai tha thiết với đề tài người lính trong văn chương”. Báo Quân đội nhân dân. https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/nha-van-chu-lai-tha-thiet-voi-de-tai-nguoi-linh-trong-van-chuong-bai-2-tai-hoa-khac-hoa-chan-dung-nguoi-linh-787248
6. Hồ Khánh Vân. 2020. Phê bình nữ quyền và văn xuôi nữ giới Việt Nam, Trung Quốc đương đại (nghiên cứu trường hợp Dạ Ngân và Thiết Ngưng). Luận án Tiến sĩ. Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQGTPHCM.
7. Chu Lai. 2001. Ăn mày dĩ vãng. Nxb Văn học.
8. Norman, Elizabeth. 1990. Women at War: The Story of Fifty Military Nurses Who Served in Vietnam. Philadelphia: University of Pennsylvania Press.
9. Smith, Winnie. 1992. American Daughter Gone to War: On the Front Lines with an Army Nurse in Vietnam. New York, NY, William Morrow and Company, Inc.
VNQD