"Thời xa vắng" - hành trình từ văn học đến điện ảnh

Thứ Tư, 26/04/2017 00:59
. NGUYỄN THỊ BÍCH

Tiểu thuyết Thời xa vắng của nhà văn Lê Lựu ra đời vào đầu những năm tám mươi của thế kỉ XX. Năm 1986, tác phẩm nhận được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Ngay sau đó, năm 1987, đạo diễn Việt kiều Hồ Quang Minh đã mua tác quyền tiểu thuyết này để chuyển thể thành phim và chính ông viết kịch bản. Vì nhiều lí do, mãi đến năm 2003, bộ phim mới ra đời, sau 16 năm thai nghén. Phim đã nhận được giải Cánh diều bạc (không có Cánh diều vàng) của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2005.

 
vab hoc 460x321
Một cảnh trong phim Thời xa vắng

Đạo diễn Hồ Quang Minh sinh năm 1949 tại Hà Nội. Ông là đạo diễn người Thụy Sĩ gốc Việt. Năm 1962, ông đi Nga du học. Sau đó, ông đến Pháp làm trợ lí cho phim Poussière d’empire (Đế chế tàn lụi) của Lê Lâm, rồi chuyển đến Thụy Sĩ du học và nhập quốc tịch tại đây. Sau khi làm phim Trang giấy trắng, Hồ Quang Minh sang Ấn Độ học chữ Phạn để tiếp cận với thiền. Tâm đắc với thiền, nên phim của ông thường mang bóng dáng của thiền. Và phim Thời xa vắng cũng không ngoại lệ. Chia sẻ về bộ phim này, ông nói: “Lần này, khi bắt tay làm Thời xa vắng, lẽ dĩ nhiên, tôi sẽ chọn thiền làm phương pháp sáng tạo”(1).

Ông là người đặc biệt quan tâm và luôn xót thương cho thân phận người phụ nữ trong xã hội. Điều này tác động nhiều đến phim của ông nói chung và Thời xa vắng nói riêng. Ông cũng là người cẩn thận, cầu toàn, tính cách này được chuyển thành sự chỉn chu trong từng cảnh phim.

Đối tượng tiếp nhận của bộ phim mà Hồ Quang Minh hướng tới, ngoài khán giả trong nước, còn là khán giả nước ngoài, cụ thể là khán giả ở các nước phát triển. Điều này quyết định đến việc nhà làm phim lựa chọn những hình ảnh sử dụng trong phim. Hai đối tượng tiếp nhận này kết hợp với nhau, khiến cho bộ phim chuyển thể có một diện mạo khác biệt so với phiên bản văn học. Dưới đây, chúng tôi sẽ so sánh hai tác phẩm đó để thấy được sự khác biệt, và dùng những đặc trưng của đối tượng tiếp nhận để lí giải cho những khác nhau đó.

Thứ nhất, chủ đề. Tiểu thuyết Thời xa vắng được Lê Lựu sáng tạo với một chủ đề sâu sắc, rõ ràng. Bạn đọc tiếp cận văn bản tiểu thuyết đều có thể nhận thấy rõ ràng rằng bi kịch của Sài không hẳn là bi kịch bị sống ép buộc theo ý người khác, không được là chính mình mà đó còn là bi kịch của người nhu nhược, yếu ớt. Tính cách nhu nhược của Giang Minh Sài là kết quả của một xã hội đầy những định kiến hẹp hòi, những nguyên tắc chủ quan, cứng nhắc, giáo điều, một xã hội gia trưởng trong đó người cha, người anh, người thủ trưởng có thể can thiệp vào mọi vấn đề của con, em, cấp dưới của mình. Xã hội đó gặp tâm lí cam chịu của người nông dân làm thuê “sẵn cơm thì ăn, sẵn việc thì làm chứ không dám quyết đoán, định đoạt một việc gì” nên càng phát triển. Hàng ngày, Sài tự bào mòn, đẽo gọt mọi cá tính của mình cho vừa với khuôn mẫu chung của cộng đồng nên đã đưa cuộc đời mình đến chỗ bất hạnh. Đồng thời, thông qua cuộc đời Giang Minh Sài, Lê Lựu cũng muốn nói đến những vấn đề lớn lao của cuộc đời con người: đó là khát vọng cá nhân, là bản lĩnh sống, là cuộc đấu tranh để tìm kiếm hạnh phúc đích thực. Qua chi tiết Sài trở về quê làm việc sau cuộc hôn nhân đổ vỡ với Châu, tác giả muốn nhắn nhủ rằng con người không ai hoàn hảo, nhưng cần biết đứng dậy sau khi vấp ngã. Hạnh phúc chỉ có được khi con người là chính mình.

Khi chuyển thể thành phim, chủ đề của Thời xa vắng đã thay đổi. Nhà làm phim muốn nhấn mạnh đến bi kịch của những người không được là chính mình. Đạo diễn Hồ Quang Minh chia sẻ rằng lúc đầu anh định làm phim tới 180 phút, chuyển thể trọn vẹn cuốn tiểu thuyết, bối cảnh phim tập trung chủ yếu vào mối quan hệ tay ba phức tạp giữa Sài, Tuyết và Hương. Tuy nhiên trong quá trình thai nghén bộ phim suốt 16 năm, cảm nhận của đạo diễn về cuốn tiểu thuyết có thay đổi nên ông đã quyết định chỉ chuyển thể phần đầu. Từ đó chủ đề đạo diễn hướng đến cũng bị đổi khác so với tiểu thuyết. Bi kịch trong phim không phải là bi kịch của riêng Sài mà còn là bi kịch của Tuyết. Tuyết cũng rất bất hạnh, đáng thương. Cô chính là hình ảnh tiêu biểu cho thân phận người phụ nữ xưa, cam chịu tục lệ “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” để chấp nhận lấy một đứa trẻ con, lặng lẽ chịu mọi tủi nhục vì chồng ghẻ lạnh, hắt hủi, nhưng sau tất cả vẫn thờ chồng yêu con hết lòng. Tuyết chính là người bất hạnh nhất, đáng thương nhất phim. Ngoài Sài, Tuyết, Hương cũng ít nhiều phải chịu bi kịch không được sống là chính mình. Cô không tự quyết định được số phận của mình do bị lấn át, do phải chịu sự ép buộc của những người xung quanh như Hiểu, Hiền… để rồi yêu Sài nhưng cô phải chấp nhận lấy người mình không yêu.

Thứ hai, kết cấu. Có một điều ít người biết đó là phim Thời xa vắng, ngoài tiểu thuyết gốc, còn chuyển thể cả truyện ngắn Bến sông cũng của nhà văn Lê Lựu. Do đó kết cấu và nội dung phim có sự khác biệt so với nguyên gốc. Tiểu thuyết kể lại cuộc đời nhân vật Giang Minh Sài từ lúc 12 tuổi cho đến khi trưởng thành. Tác phẩm được chia thành hai phần rõ rệt. Phần đầu từ chương I đến chương VI miêu tả cuộc sống của Sài từ lúc 12 tuổi, lấy Tuyết, cho đến khi đi B chiến đấu. Phần hai từ chương VII đến chương XII thuật lại cuộc sống của Sài khi đi bộ đội, rồi giải ngũ và lấy Châu, sau đó li hôn.

Khi chuyển thể thành phim, đạo diễn Hồ Quang Minh chỉ sử dụng phần đầu của tiểu thuyết. Cảnh Hà Nội thời tem phiếu trong phần hai hoàn toàn vắng bóng. Việc chỉ sử dụng phần đầu đã khiến cho sự đối sánh giữa hai phần như trong tiểu thuyết không còn trong phim. Lê Lựu mở đầu Thời xa vắng bằng cảnh cả nhà náo loạn đi tìm Sài vì Sài bỏ đi sau khi bị bố đánh. Có lẽ nhà văn muốn người đọc bị cuốn vào nhịp độ hối hả của cuộc tìm kiếm, để họ thấy tò mò, thấy câu chuyện hấp dẫn và sau đó cảm thấy thích thú khi khám phá ra việc Sài còn bé mà đã có vợ. Khác với tiểu thuyết, phim bắt đầu bằng cảnh Sài đang bơi thoải mái ở chỗ vó bè, rồi chơi đánh trận giả cùng với các bạn thì bị mẹ bắt mặc ngay bộ đồ lễ nghiêm trang và trở thành chú rể. Nhà làm phim đưa chi tiết này lên đầu để nhấn mạnh nó, coi đó là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời nhân vật. Bởi lẽ, sau sự kiện này, cuộc đời Sài đã thay đổi hoàn toàn, kéo theo một chuỗi bi kịch sau đó. 

Thứ ba, nhân vật. So với tiểu thuyết, phim đã sáng tạo một nhân vật hoàn toàn mới là nhân vật ông Kiên kéo vó bè. Nhân vật này được lấy từ truyện ngắn Bến sông như chúng tôi đã nói ở trên. Ông già sống tự do tự tại, hòa nhập với thiên nhiên, là hình ảnh đối lập với nhân vật Sài. Xây dựng nhân vật ông lão vó bè, nhà làm phim muốn nhấn mạnh hơn đến bi kịch của Sài. Ông Kiên chính là đại diện cho tư tưởng thiền mà Hồ Quang Minh rất tâm đắc. Trong suốt hơn 100 phút phim, Sài đã đến vó bè của ông để nghe cá quẫy, thả hồn vào thiên nhiên và tìm sự giải thoát. Mỗi lần Sài đến vó bè đều đánh dấu một sự kiện khó quên trong đời Sài như cưới vợ, đuổi vợ đi, thân mật với Hương, lãnh đạo về điều tra lí lịch để vào Đảng, Sài có con với Tuyết… Sài đến vó bè là thể hiện khao khát tự do của mình. Cái chết của ông vó bè và việc Sài dừng không đến nữa đồng nghĩa với việc khát vọng tự do của Sài chấm dứt. Anh không vùng vẫy thêm được nữa mà phải cố gắng chấp nhận, sống theo những gì đã được sắp đặt. Chi tiết cuối phim khi Sài bảo con gái vào chụp ảnh trong ngày cưới con cũng chứng tỏ Sài đã tuân theo sự sắp đặt đó. Về Tuyết, trong truyện, Tuyết không được nhà văn Lê Lựu ưu ái. Cô hiện lên với ngoại hình xấu xí, là nỗi ám ảnh thời thanh thiếu niên của Sài. Tuyết được miêu tả gắn với những hành động xấu khiến người đọc không có nhiều thiện cảm với nhân vật này. Lê Lựu trong bài viết trên báo Văn nghệ số ra ngày 27/12/1986 cũng thừa nhận: “Đúng là khi viết, tôi vẫn còn vương vấn nỗi niềm riêng tư của anh nông dân. Khi in tác phẩm ra, bình tĩnh đọc lại, tôi cũng thấy không nên xử sự với Tuyết như vậy”. Và ông “tự dặn mình, nếu tác phẩm được tái bản, tôi sẽ sửa đôi chút ở phần này”. Trong phim, Tuyết nhận được sự ưu ái nhiều hơn từ phía đạo diễn. Cô có nhiều đất diễn hơn, dễ khiến người xem thương cảm hơn. Ở đây, cô là người đồng cảnh ngộ với Sài, một con người đáng thương và bất hạnh với cuộc sống bị người khác sắp đặt. Đạo diễn Hồ Quang Minh cũng thừa nhận sự ưu ái với nhân vật Tuyết: “Tôi có một xu hướng trong cuộc sống lẫn trong phim là quan tâm đến số phận của người phụ nữ hơn đàn ông. Trong tiểu thuyết, Tuyết không phải là nhân vật quan trọng lắm, nhưng khi lên phim, tôi đã có sự điều chỉnh nhất định và có nhiều đất diễn hơn. Đây cũng là nhân vật mà tôi gửi gắm nhiều ý đồ nhất trong phim này”. 

Nhân vật cậu con trai của Sài và Tuyết được Hồ Quang Minh chuyển thành con gái. Đây là một sự thay đổi đầy ý nghĩa. Đồng thời đạo diễn cũng sáng tạo thêm chi tiết cô gái này đi lấy chồng. Có lẽ con gái, vốn luôn có sự gắn bó đặc biệt với người cha, sẽ dễ gần gũi và được Sài yêu thương hơn. Và vì yêu thương con gái, nhận ra ít nhiều hình ảnh vợ trong cô con gái nên Sài thấy thương vợ hơn. Mặt khác, trong phim, Hương không có nhiều “đất” như ở tiểu thuyết do nhà làm phim muốn nhấn mạnh đến bi kịch của Sài, Tuyết chứ không phải bi kịch yêu nhau nhưng không đến được với nhau của Sài và Hương. Nếu nhấn mạnh vào bi kịch này Sài sẽ đẩy Tuyết thành “kẻ thứ ba” khiến khán giả không thể thương cảm nhân vật này. 

Như vậy, với quan niệm khác hoàn toàn so với Lê Lựu, Hồ Quang Minh đã tạo ra nhiều sự thay đổi trong hệ thống các nhân vật để thể hiện chủ đề tư tưởng ông muốn hướng tới.

Thứ tư, không - thời gian. Trong Thời xa vắng, Lê Lựu dựng lên bức tranh sống động về đất nước trong thời kì chiến tranh và bao cấp. Nhiều hình ảnh ấn tượng sẽ đọng lại mãi trong lòng người đọc về một làng quê mộc mạc, nghèo đói, lạc hậu như cảnh dân làng Hạ Vị lũ lượt kéo nhau đi làm thuê lúc sáng sớm, cảnh chạy lụt, cảnh tiếp khách ở quê... Khi chuyển thể thành phim, bối cảnh này vẫn được miêu tả rõ nét. Đạo diễn đã cố gắng biến những yếu tố “chân thực” trong văn học thành “giống thật” trên phim. Với bản tính cẩn thận, chỉn chu, cầu toàn, đạo diễn Hồ Quang Minh chăm chút đến từng hình ảnh để phim sống động và chân thực. Và quả thực phiên bản điện ảnh, với ưu thế về hình ảnh và âm thanh, đã thể hiện rất thuyết phục không khí tù túng của làng quê đầy hủ tục. Cảnh trong phim rất tối, nặng nề, các nhân vật không được chiếu sáng rõ mặt. Không gian đó phù hợp với cuộc sống nặng nề mà Sài và Tuyết phải chịu đựng. Để phim giống thật, đạo diễn đã đầu tư rất kĩ càng trong bối cảnh, đạo cụ. Ông đã nhờ chính nhà văn Lê Lựu giới thiệu cho mình các phong tục tập quán được nêu trong truyện. Đạo diễn cũng kì công vận chuyển một ngôi nhà cổ từ Thanh Hóa về đặt trong một khu vườn ở Hưng Yên để làm nhà của Sài. Ông cũng thiết kế giếng nước, ao bèo, cối xay và đồ đạc trong nhà sao cho đúng với cảnh đồng quê Bắc Bộ 60 năm về trước. Đạo diễn và quay phim chính Trần Hùng đã đi 5000 km đường đê để tìm một đoạn đê đẹp dùng trong cảnh con gái đèo Sài bằng xe đạp về nhà. Mỗi cảnh phim đều được tạo hình tỉ mỉ, khéo léo đến hoàn hảo, trong đó có nhiều cảnh đẹp như tranh. Phim cũng sáng tạo nhiều chi tiết cho thấy cuộc sống ở nông thôn Việt Nam, như cảnh chuẩn bị đám cưới đông vui tấp nập, việc giết lợn còn được đưa lên loa để cả làng cùng biết… Khán giả đạo diễn hướng đến khi làm phim là người nước ngoài nên ông đã có sự lựa chọn như vậy để giới thiệu một Việt Nam còn chút hoang sơ đến những du khách hiếu kì ở nước phát triển. Phim ra đời nhờ sự hợp tác của Hãng phim Giải phóng và đối tác Pháp. Hậu kì của phim được làm ở Pháp. Một phần kinh phí của phim do Pháp và Thụy Điển hỗ trợ. Chính vì thế ngay khi làm phim, Hồ Quang Minh đã chủ định đưa phim ra trình chiếu ở nước ngoài và hướng đến những khán giả nước ngoài. Thực tế, sau khi hoàn thành, ông đã mang tác phẩm đi giới thiệu ở Liên hoan phim Berlin và nhiều nước châu Âu khác. Chính vì thế ông khéo léo sắp xếp những biểu tượng của văn hóa Việt vào mỗi khuôn hình như cây đa cổ thụ đầu làng, bến sông, con đường mòn bên triền đê, giếng nước… Chính ông cũng thừa nhận điều này trong một bài phỏng vấn: “…phim cũng đi vào những tập tục làng quê của vùng đồng bằng và khắc hoạ vẻ đẹp của miền Bắc trong những năm chiến tranh”(2). 

Những nét khác biệt kể trên đã tạo ra một bộ phim Thời xa vắng “vừa gần vừa xa” so với tiểu thuyết gốc. Cả phim và tiểu thuyết đều là những tác phẩm xuất sắc ở lĩnh vực của mình, đem lại những thú vị, mới mẻ cho bạn đọc, bạn xem.

N.T.B
--------
1. Trần Lan, Đạo diễn Hồ Quang Minh gấp rút làm “Thời xa vắng”, http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-sao/trong-nuoc/dao-dien-ho-quang-minh-gap-rut-lam-thoi-xa-vang-1877216.html, cập nhật 10/12/2016
2. Lê Hồng Lâm, Phim “Thời xa vắng” có thể gây sốt?, http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=3109&rb=0204, cập nhật 10/12/2016
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)