Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn từ góc độ văn học

Thứ Tư, 05/04/2017 16:07
.ANH NGA
 
Một trong những văn bản quan trọng nhất của dân tộc ta nói chung, của cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc nói riêng là Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo. Lịch sử Việt Nam - một lịch sử được viết nên bởi vô số những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm chắc chắn đã được viết nên bởi những văn bản có tính chất khai sinh và tuyên chiến, trước và sau chiến tranh. Chính vì vậy, những lời tuyên ngôn độc lập và những văn bản tuyên bố chiến tranh, kêu gọi nhân dân đứng lên vệ quốc có vị trí lịch sử quan trọng. Nếu bản Tuyên ngôn độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2 tháng 9 năm 1945 đã khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, thì Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (viết tắt là Lời kêu gọi) được phát trên Đài tiếng nói Việt Nam vào ngày 20 tháng 12 năm 1946 tại Hang Trầm (huyện Chương Mỹ, Hà Tây cũ), là văn bản kêu gọi toàn dân đứng lên bảo vệ thành quả cách mạng và tuyên chiến với thực dân Pháp. Có lẽ, trong lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người duy nhất đã chắp bút nên nhiều văn bản hệ trọng đối với vận mệnh dân tộc như vậy.
 
e3fa2a1bce919f51879d5bf3a9d9f486
Ảnh chụp lại toàn văn Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh
 
Tuy nhiên, ở đây tôi không phân tích nhiều về giá trị lịch sử của một văn bản đã có quá nhiều người nghiên cứu sâu ở góc độ chính trị, quân sự, đối ngoại… Điểm nhìn của tôi trong bài viết này xuất phát từ nghệ thuật sử dụng ngôn từ và giá trị văn chương của văn bản. Ngày 19 tháng 12 năm 1946 tại làng Vạn Phúc, Hà Đông, trong căn gác xép ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành xong Lời kêu gọi để đọc trên đài tiếng nói vào ngày sau đó.

Chính vì thời gian cấp bách, khẩn trương, giặc Pháp lại đã ở ngay trên nước ta, nên hình thức thi pháp của Lời kêu gọi được viết theo lối cực hạn (minimalism), không dài dòng, không có nhiều biện pháp tu từ, ẩn dụ nghệ thuật. Toàn văn Lời kêu gọi chỉ có chưa đầy 200 âm tiết (chính xác là 198 âm tiết), nhưng đã chuyển tải trọn vẹn ý nghĩa thông điệp của nó đồng thời mang đầy đủ những đặc trưng nghệ thuật riêng cho thể loại văn bản này. Xét từ góc độ đối thoại liên chủ thể trong lí thuyết của M.Bakhtin, chúng ta có thể thấy nhiều đối tượng được hướng đến của văn bản này, bao gồm:
Thứ nhất, đối với một Lời kêu gọi thì điều đầu tiên cần làm rõ đó là ai nói và nói với ai, chủ thể nói phải có chủ thể nghe nhằm tương tác để tạo nên trường đối thoại. Chủ thể nói không phải là cá nhân Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà là toàn thể dân tộc. Nếu tinh ý, sẽ nhận ra đại từ nhân xưng của người nói trong Lời kêu gọi là “chúng ta” (Chúng ta thà hi sinh tất cả), chứ không phải “ta” như trong Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn (Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa), cũng không phải là “trẫm” như trong Chiếu Cần Vương (Trẫm đức mỏng, gặp biến cố này, không thể hết sức giữ toàn, đô thành bị hãm, Từ giá phải dời, tội ở mình trẫm, xấu hổ vô cùng). Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời hiệu triệu chọn tâm/tư thế đại diện cho tiếng nói lương tri, yêu nước của toàn thể nhân dân, không phải với tư cách một người tổng tư lệnh, đứng đầu nhà nước. Do đó, tựa đề của văn bản là Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chứ không phải hịch như Chiếu Cần Vương hay Hịch tướng sĩ. Việc lựa chọn ngôi trần thuật nhân xưng này cho thấy tư tưởng trọng dân, tôn dân của người đứng đầu chính quyền cách mạng. Về đối tượng người nghe, nếu trong Hịch tướng sĩ, đối tượng này là quân sĩ, bộ tướng của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn (Các ngươi ở lâu dưới trướng, nắm giữ binh quyền, không có mặc thì ta cho áo; không có ăn thì ta cho cơm. Quan thấp thì ta thăng tước; lộc ít thì ta cấp lương), trong Chiếu Cần Vương là thần dân của thiên tử (phúc của tôn xã tức là phúc của thần dân, cùng lo với nhau thì cùng nghĩ với nhau, há chẳng tốt sao?), thì trong Lời kêu gọi, đối tượng người nghe rộng hơn, là toàn thể nhân dân - công dân Việt Nam. Quan hệ giữa người nghe và người nói trong Hịch tướng sĩ hay Chiếu Cần Vương là quan hệ thứ bậc (chủ nhân nói với nô tài, tướng nói với lính, vua nói với con dân) nên đại từ thể hiện rõ tính chất quan hệ là “ta”, “trẫm” với “các ngươi”. Hai đối tượng này liên đới những quan hệ lợi ích cụ thể trong Hịch tướng sĩ: “Chẳng những thái ấp của ta không còn mà bổng lộc các ngươi cũng thuộc về tay kẻ khác; chẳng những gia quyến của ta bị đuổi mà vợ con các ngươi cũng bị kẻ khác bắt đi… Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi muốn vui chơi thỏa thích, phỏng có được chăng?”. Ngược lại, quan hệ người nói và người nghe trong Lời kêu gọi là bình đẳng, Người đã dùng từ “đồng bào”, “chúng ta” để đối thoại. Người nghe không bó hẹp trong một tầng lớp nào: “Bất kì đàn ông, đàn bà, bất kì người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”. Lời kêu gọi cũng nhấn mạnh giá trị thiêng liêng của cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại, chứ không chỉ nhấn mạnh vào các giá trị lợi ích tập đoàn cụ thể. “Chúng ta muốn hòa bình… vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa… Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Giá trị nhân văn cao cả của Lời kêu gọi nằm ở chỗ nêu rõ giá trị chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Pháp vĩ đại. Đó là một cuộc đấu tranh của một dân tộc, một đất nước có chủ quyền để chống lại chế độ thực dân đang muốn nô lệ hóa thuộc địa một lần nữa.

Sau nhân dân nói chung, đối tượng nghe được khuôn gọn lại và nhấn mạnh vào trong các lực lượng vũ trang và tự vệ. Đây hẳn nhiên là đối tượng nghe tất yếu của mỗi văn bản kêu gọi kháng chiến, bởi vì lực lượng vũ trang là những người tiên phong và chủ lực nhất trong mỗi cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc. “Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu nước đã đến”.

Tuy nhiên, đối tượng người nghe của Lời kêu gọi không chỉ gói gọn trong phạm vi nhân dân Việt Nam, mà còn hướng đến đối tượng ngầm ẩn khác trong văn bản, đó là thực dân Pháp. Đối tượng nghe này không xuất hiện tường minh trên văn bản, nhưng rõ ràng tác giả khi viết đã dự trù hướng đến đối tượng này. Vận dụng lí thuyết “người đọc tiềm ẩn” của Wolfgang Iser ta có thể khẳng định trong Lời kêu gọi thực dân Pháp là một đối tượng nghe/đọc tiềm tàng. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh đến tính toàn dân trong cuộc kháng chiến, tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh nhằm biểu đạt lời răn đe mạnh mẽ đến kẻ thù.

“Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. Quyết tâm sắt đá này được thể hiện với kẻ thù như một tuyên bố có tính cảm tử, sẵn sàng hi sinh tất cả để bảo vệ độc lập, tự do. “Ta phải hi sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước. Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hi sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”.

Chính vì đối tượng nghe ngầm ẩn bao gồm cả thực dân Pháp, nên lời lẽ, văn phong, giọng điệu của Lời kêu gọi hùng tráng, cương mãnh, gãy gọn, chắc nịch, là một lời tuyên chiến chính thức. Lời kêu gọi như vậy là một “văn bản kép”, vừa tuyên chiến cảm tử với kẻ thù (thực dân Pháp), lại vừa động viên, kêu gọi toàn dân đứng lên đánh giặc. Do vậy, âm hưởng sử thi, hùng tráng dạt dào trong mỗi câu từ bao trùm văn bản Lời kêu gọi, khác với vẻ bi hùng trong Hịch tướng sĩ hay Chiếu Cần Vương.

Người viết không hề để lộ sự mềm yếu, những nỗi đau riêng, bộc lộ cái tôi cá nhân hay phê phán cá nhân kiểu như: “Có kẻ lấy việc chọi gà làm vui; có kẻ lấy việc cờ bạc làm thích. Có kẻ chăm lo vườn ruộng để cung phụng gia đình; có kẻ quyến luyến vợ con để thỏa lòng vị kỉ. Có kẻ tính đường sản nghiệp mà quên việc nước; có kẻ ham trò săn bắn mà trễ việc quân. Có kẻ thích rượu ngon; có kẻ mê giọng nhảm” (Hịch tướng sĩ). Cũng không răn đe, ra lệnh kiểu dọa dẫm: “Thưởng cũng hậu mà phạt cũng nặng, triều đình tự có phép tắc, chớ để hối hận sau này! Phải nghiêm sợ tuân hành! Khâm thử” (Chiếu Cần Vương). Hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ vai trò đại đoàn kết dân tộc trong mọi cuộc kháng chiến giữ nước của dân tộc.

Đối tượng người nghe cuối cùng của Lời kêu gọi, đó là toàn thể cộng đồng quốc tế yêu chuộng hòa bình, chính nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát ra một thông điệp về ý nghĩa cuộc kháng chiến vệ quốc lần này của dân tộc Việt Nam. Việt Nam đã cố gắng hết sức nhân nhượng với nước Pháp nhằm giữ gìn nền hòa bình. Trên thực tế, chúng ta đã nhân nhượng qua hai lần kí kết Hiệp định sơ bộ Việt - Pháp ngày 6/3/1946 rồi Tạm ước Việt - Pháp ngày 14/9/1946. Đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã sang tận Pháp để hòa đàm, nhưng kết cục trước dã tâm quá lớn của thực dân Pháp, dân tộc Việt Nam chỉ còn cách cầm súng để bảo vệ nền độc lập thiêng liêng của Tổ quốc: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa”.

Chỉ vỏn vẹn trong 198 âm tiết, với độ dài không quá 18 câu, trong đó đa phần là những câu ngắn, câu đặc biệt mang tính khẳng định, mệnh lệnh “Không!”, “Hỡi đồng bào!”, “Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”…, Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuyển tải toàn bộ ý nghĩa lịch sử của một lời hiệu triệu dân tộc và tuyên chiến với kẻ thù. Lời kêu gọi đã thể hiện được tư tưởng, khí phách Hồ Chí Minh nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung, một dân tộc yêu chuộng hòa bình, dân chủ, nhưng sẵn sàng đứng lên bảo vệ Tổ quốc, “khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Hơn nửa thế kỉ nhìn lại, Lời kêu gọi của Người vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và tư tưởng của nó.
 
A.N
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)