“Thị thành lạc ánh trăng gầy”

Thứ Tư, 10/05/2017 00:38
(Đọc Về nhà đi của Lương Đình Khoa, Nxb Văn học, 2016)
. NGUYỄN THANH TÂM

Tôi biết hắn khá lâu qua những bài thơ, tản văn trên mạng, trên blog Radio, còn gặp mặt, mới chỉ duy nhất một lần trong ngày thu tận. Như thế, có lẽ còn xa mới được gọi là sơ giao. Nhưng tôi tin vào trực giác của mình lắm. Hắn được đấy chứ, ít ra là nhẹ nhàng, dễ mến. Song biết diễn đạt trực giác của tôi làm sao bây giờ? Đành mượn câu thơ trong tập Về nhà đi mới ra mắt của hắn để gọi hắn vậy: Lương Đình Khoa - Thị thành lạc ánh trăng gầy.

Thị thành chẳng thuộc về hắn. Hẳn như vậy. Hắn quê Hưng Yên, vùng đất văn hiến, văn vật chẳng kém kinh kì. Trọ học chuyên văn trên tỉnh từ bé, mấy năm mài giũa ở Học viện Báo chí, ra trường, hắn làm ở Hà Nội. Vậy thời gian hắn “dan díu với thị thành” kể cũng không ít. Nhưng, thị thành không biến cải được hắn. Đúng hơn, dấu vết thôn ổ, một di chỉ Chử Đồng Tử vẫn không gội gột được. Hắn cứ mãi là một gã tỉnh lẻ giữa thị thành hoa lệ. Có nhiều thứ giữ lại trong vùng kí ức thôn quê, hắt lên hình hài, dáng vẻ và cả văn chương của hắn. Này nhé: lửa ngọt chiều đông, căn nhà của mẹ, khung cửa sổ ấu thơ, quê hương yên bình, bóng cha đợi dưới hiên nhà, quả mít, cây chuối, chú bọ ngựa, trò chơi trốn tìm tuổi nhỏ… (Về nhà đi). Nhà phê bình Chu Văn Sơn có nói đại ý, mỗi chúng ta ai cũng là kẻ tha hương. Thiếu thời, ta sống ở quê, lớn lên, phiêu dạt, quê sống trong ta. Lương Đình Khoa cũng chẳng thoát khỏi định mệnh ấy. Quê hương ở trong hắn suốt những ngày tha hương: Người đi qua khắp thế gian/ Riêng tôi một cõi khâu ngàn thủy chung (Cỏ may).

Bi kịch của kẻ quê nơi thị thành có thể xem như một bi kịch phổ quát. Ít nhất, ở khía cạnh những dằn vặt, nhớ nhung, những kỉ niệm ắp đầy luôn trở về vẫy gọi. Cùng với đó, những bươn chải, đua chen, mưu sinh chốn thị thành cũng khiến trái tim mang gốc gác quê mùa của hắn rỉ máu: Thị thành là cơm áo/ Thị thành là đua chen/ Thị thành tìm hơi ấm/ Mãi… chỉ gặp trong mơ (Về nhà đi). Thật kì lạ, người ta cứ mãi đi tìm cái mình đã rời xa, đã bỏ lại. Nhưng, đó mới là bi kịch. Bi kịch không được lựa chọn. Bi kịch chỉ sinh ra từ độ vênh của khát vọng, ước mơ với thực tế, cái cần và cái có thể. Càng những kẻ cả nghĩ, hay nhớ, lại càng thấy bi kịch bao trùm. Đấy là khi, có mà không giữ được, mong gần mà buộc phải rời xa, tìm mà không thấy, không gặp. Ý thức về một bi kịch, hay sự đổ vỡ của giá trị càng lớn khi kẻ quê bắt gặp sự lạnh nhạt, hờ hững, phũ phàng, tệ bạc của thị thành: Ánh trăng khóc trong đèn vàng cám dỗ/ Người với người như lá rớt qua vai (Về nhà đi).

 
29418285471 24fbf9b083

Về nhà đi là một tự thuật của Lương Đình Khoa. Cấu trúc xen kẽ thơ, tản văn từ đặc trưng thể loại là một sự thống nhất trong điểm nhìn, trong vô thức là vai phát ngôn. Bởi, cả thơ và tản văn đều rất đậm tính chủ quan - sự phô bày bản thể. Do vậy, từ âm bản Về nhà đi, có thể đọc ra hành trạng của chủ thể từ những hoài niệm về cha mẹ - thế giới của con (thơ ấu - đi học), thế giới của anh và em - không gian của sự sinh tồn, tình yêu. Nhưng, vấn đề không nằm ở cấu trúc này. Hay, nói cách khác, vấn đề nằm phía sau những trình hiện trên mặt văn bản. Phức cảm bề sâu của Về nhà đi là “một kẻ quê đi lạc, một hiện hữu lưu đày, một thỏa hiệp mong manh, một bản thể âm tính, một mộng mơ vĩnh cửu”.

Kí ức về lửa ngọt không ngăn được ám ảnh về sự thiếu vắng hơi ấm trong tâm hồn kẻ tha hương. Căn nhà, ngọn lửa của mẹ ẩn giấu sau đó nỗi tê tái của kẻ nhận ra mình đã vuột khỏi tay tất cả. Lớn lên, ra đi, rời khỏi căn nhà của mẹ, công việc, kiếm sống… không ngăn được nỗi lo lắng, đúng hơn là sự sợ hãi của đứa trẻ khi phải một mình đương đầu với đời sống. Bản chất yếu đuối và cần dựa dẫm vào mẹ hiện lên trong chính những gì chủ thể đang say sưa viết. Con sợ ngày gió cuốn cha đi, Tuổi ba mươi trong căn nhà của mẹ là một đôi lần hiển hiện của vùng tối trong tâm thức đứa trẻ. Trước mẹ cha, con mãi là đứa trẻ, và vô thức trả con về với nỗi sợ hãi không được che chở, không còn nơi nương tựa. Nhưng, ẩn sâu hơn nữa là phức cảm lưu đày. Lưu đày trong chính những hoài niệm về không gian của cha mẹ. Vùng kí ức ấy càng hiển hiện một cách rõ rệt, thì nỗi nhớ nhung, luyến tiếc, nỗi đau đớn đã đi lạc, đã rời xa những gắn bó thân thuộc càng dữ dội. Trong tản văn Những lá thư nhỏ, hình ảnh cô bé bị tật nguyền, sống với bà trong ngôi nhà cuối xóm, bố mẹ bỏ quê lên thành phố đi làm ăn biệt tích ba bốn năm không về gợi lên những liên tưởng đến chủ thể viết. Cô bé cứ viết những bức thư, không tên, không địa chỉ, gửi đi và ngày nào cũng chờ đợi hồi âm. Đó là phác đồ của một cấu trúc nội tâm ẩn giấu phức cảm bị bỏ rơi, đi lạc, đánh mất đường về, không còn cầu nối - liên lạc với xung quanh của chủ thể. Tình trạng của cô bé nói lên cảm thức tật nguyền của chủ thể như một khó khăn, bất lực trong việc tìm lại những dấu ấn quê hương, cha mẹ. Bức thư không tên, không địa chỉ là một thú nhận về việc biết trước những hoài mong vô vọng. Ở những phần khác của đời sống, có thể nhận ra, căn tính của một kẻ đi lạc giấu sau những cảm xúc, hình tượng khá lãng mạn, dịu nhẹ. Hẳn nhiên rồi, một đứa trẻ đi lạc khỏi ấu thơ, khoác lên mình vẻ trưởng thành nhưng luôn luôn sợ hãi, khép nép. Từ mặc cảm này, sản sinh trạng thái lưu đày - lưu đày trong hình hài người lớn. Phải mang dáng vẻ, định phận của một người trưởng thành, nghĩa là phải đoạn tuyệt với thơ ấu, trẻ dại. Nhưng, đứa trẻ ấy vẫn sống trong thăm thẳm kí ức, nơi vùng tối của vô thức cứ trở dậy gọi tên những ngày tháng bình yên xưa cũ. Những giằng xé giữa lo toan thường nhật, hối hả bộn bề với vùng kí ức thơ ngây, hồn nhiên khiến cảm giác bi kịch tăng lên, ám ảnh lưu đày càng lớn. Không chỉ đi lạc khỏi ấu thơ, hắn - chủ thể còn đi lạc khỏi tuổi học trò mộng mơ mây trắng. Bởi thế, chủ thể dù muốn hay không cũng buộc phải nhận về những nỗi xót xa. Thị thành lạc ánh trăng gầy là một sự nhắc nhở đến ứa máu đối với kẻ quê đi lạc. Bóng dáng người cha hiện lên từ người đàn ông bán hàng rau bên chợ Triều Khúc, những cô gái nông thôn ra đường Năm bán bánh mì, những khoảng lặng bên li cà phê khu tập thể Giảng Võ hay phút tự an ủi mình đi qua tuổi ba mươi… tất cả đều là những vết cứa cắt vào phần đời đã qua nhưng không lúc nào yên ngủ. Day dứt về những bóng dáng thân yêu xa xôi, tự an ủi, nương náu cho bản thân mình nơi thị thành ồn ã, xô bồ, kẻ mang thân phận người trưởng thành ấy buộc phải thỏa hiệp. Thỏa hiệp là trạng thái của kẻ đi lạc nhưng không thể tìm được đường về. Chấp nhận thực tại lưu đày, thỏa hiệp cả với quê, với phố, với mình, với kí ức và hiện tại. Chủ thể trong trạng thái lưu đày đã buộc phải đưa ra những quy ước, những thỏa thuận cho từng mảnh sống, từng phần đời. Và, có thể nhận thấy, không dễ dàng gì để có thể thỏa hiệp: Chênh vênh bò hoài, chẳng hết vực thẳm cô đơn/ Mùa xuân rơi nghiêng, vệt dài loang vòm ngực/ Tự bàn tay đặt lên ủ ấm/ Hỏi đường về cho chiếc bóng tuổi ba mươi (Hát tình ca bước tiếp những hành trình).

Ánh trăng khóc trong đèn vàng phố thị là một phức cảm âm tính của chủ thể. Toàn bộ văn bản Về nhà đi ẩn giấu cấu trúc tinh thần thiên về sự phụ thuộc, nữ tính, ban đêm cùng với sự yếu đuối. Có thể nhận thấy, những cảm xúc dịu nhẹ, những liên tưởng, so sánh, suy tư miên man về không gian của cha mẹ, về thời thơ ấu, tuổi học trò mộng mơ, về những năm tháng thanh xuân đầy say mê, về những trải nghiệm tuổi trẻ… như là những dấu hiệu về sự trỗi dậy của Anima (tính nữ trong nam giới - C.G.Jung). Tại sao lại như vậy? Tôi cho rằng, với tất cả những bi kịch phải gánh chịu, sự trỗi dậy của Anima như một minh chứng cho sự quá tải. Đúng hơn, chủ thể không đủ sức để duy trì bản tính nam giới (Animus) trước các đe dọa của cuộc đời. Một đứa trẻ đi lạc, một kẻ quê bị đày đọa giữa phố, một hiện hữu luôn phải thỏa hiệp đã gục ngã. Sự gục ngã của bản dạng nữ trước thử thách của đời sống: “Em đã thấy những giọt nước mắt của mình ngân ngấn trong từng câu hát như lời thổn thức trong đêm… Từng câu hát nấc nghẹn ấy nhiều lần làm em bật khóc, như người bạn tâm tình thực sự thấu hiểu ngồi lại với em trong đêm…” (Chỉ là giấc mơ). Mang mặt nạ “em” với tên tác phẩm Chỉ là giấc mơ đã trở thành một gợi ý cho những phân tích phân tâm học. Dĩ nhiên, diễn giải này nằm ở phía người đọc, thuộc về sự đọc. Bởi thế, nó không đoan quyết hay mang tham vọng hiệu đính tiểu sử.

Phần cuối cùng của cuốn sách Về nhà đi là một tự thú về những đọa đày nhân gian, thế tục và con đường giải thoát. Các bài thơ được đặt ở cuối sách (Nụ cười, Nắm mà như buông, Chân khôn về náu cửa chùa, Gieo trong tâm tánh nở hương Phật Đà, Niềm tin, Sống như chiếc lá) dường như là một nhận thức mới của chủ thể sau những trải nghiệm cơ cực giữa cuộc đời. Không có quá nhiều dữ kiện, tư liệu, sắc thái Phật giáo để có thể diễn dịch một sự quy hồi của chủ thể sau khi nếm đủ mùi vị cay đắng mặn ngọt của đời. Cũng là quá sớm, quá vội để xác quyết màu sắc Phật giáo trong sáng tác của Lương Đình Khoa thời gian gần đây. Có lẽ, đó là một tham chiếu, một tự xác để hóa giải những nỗi u ám đang nặng trĩu trong lòng. Dẫu vậy, cũng đã là một bước chuyển của nhận thức, hướng đến khả năng tự chữa lành vết thương. Từ vô thức, những trình hiện ở chặng cuối này cho thấy quá trình dàn xếp giữa ý thức và vô thức - chính xác là sự kiểm soát trở lại của ý thức đối với phần bóng tối vô thức. Và như thế, những biểu hiện mang màu sắc Phật giáo chỉ là những phương tiện để vãn hồi trật tự hợp thức của cái tôi - cái siêu tôi trong cấu trúc tinh thần của chủ thể.

Tôi không gặp Lương Đình Khoa từ dạo vãn thu. Nhưng, như một ám ảnh vô thức, tôi thường nhẩm đọc câu thơ của hắn: Về nhà đi phố chẳng như lòng mẹ. Thú thật, tôi có thích một đôi bài trong Về nhà đi. Có những điểm tôi không ưa, dễ cũng là lẽ thường. Về nhà đi ẩn giấu những bi kịch. Phía sau những cảm xúc, những suy tư trăn trở về đời sống, những dự cảm của con đường trước mặt hay lối về vĩnh cửu… là những đọa đày, lưu lạc, là sự gục ngã của con người trước những dồn đẩy của thị thành. Chồng lên nhau những bi kịch, dồn nén những mảnh vô thức, dắt díu những chuỗi ngày mỏi mệt, những kiếm tìm vô vọng, nhưng, hẳn là tập sách sẽ có nghĩa với chúng ta - những kẻ mang quê hương và ấu thơ đi lạc giữa thị thành.
 
N.T.T

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)