. TS. NGUYỄN ANH DÂN
Tiểu thuyết Chim én bay (Nguyễn Trí Huân, 1988) đã trình hiện một mẫu nhân vật nữ hòa quyện giữa anh hùng và bi kịch: tự nguyện gia nhập guồng quay chiến trận nhưng lại dằn vặt lương tâm bởi những cái chết, lập chiến công trong chiến tranh nhưng cô đơn hậu chiến, chiến thắng cùng cộng đồng nhưng thất bại trong đời sống cá nhân... Về mặt thân phận luân lí, Quy vừa là công dân - nữ chiến binh hòa mình vào chiến tranh, vừa là một chứng nhân bước ra từ bom đạn. Dù ở chiều kích nào, Quy cũng luôn ngột ngạt vẫy vùng giữa mâu thuẫn, phản tư. Quy của hậu chiến được vinh danh Anh hùng lực lượng vũ trang, được đi học nước ngoài, làm cán bộ phụ nữ huyện, đại biểu Quốc hội... Đáng tiếc là tất cả những hào quang ấy không trở thành tấm “huân chương” hạnh phúc; ngược lại, nó càng tô đậm thêm nỗi cô đơn cô độc không thể nào nguôi của một nữ anh hùng. Chiến trường không giết chết cô gái can trường ấy nhưng chấn thương và bi kịch hậu chiến dần quật ngã Quy trong ước mơ hạnh phúc bất thành. Đằng sau “cánh én nhỏ” này là bản lai diện mục của chiến tranh với cái chết và nỗi đau từ thời chiến xuyên tận đến thời bình; là bi kịch đa chiều và chấn thương đa diện; là điệp trùng nghĩ suy về số phận của trẻ em, phụ nữ hay con người nói chung trong tấm gương soi mang tên lịch sử. Bằng cách lột tả sự biến thiên của thân phận luân lí và các phương diện chấn thương của nhân vật Quy, Nguyễn Trí Huân đã cất lên tiếng nói nhân đạo, cách nhìn mới về cuộc chiến, tinh thần vì con người và khát vọng hòa giải hậu chiến cháy bỏng.

Ảnh minh hoạ.
1. Theo John Armstrong, Việt Nam là một quốc gia có lịch sử thuộc địa lâu dài, từng phải trải qua các cuộc xâm lược của các triều đại phong kiến Trung Hoa, thực dân Pháp, đế quốc Mĩ. Đất nước này đã chứng kiến vô vàn cái chết vì chiến tranh và biết bao người bị đầu độc, bị tổn thương bởi những kẻ xâm lược. Một đất nước như vậy phải ôm chứa vô số vết sẹo của cá nhân, xã hội và những chấn thương mang tầm quốc gia(1). Nhận định của John Armstrong hoàn toàn có cơ sở và rất xác đáng vì dù đã “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” thì Việt Nam vẫn còn khoảng 3 triệu người chịu ảnh hưởng bởi chất độc da cam, khoảng 3 triệu hecta đất phơi nhiễm chưa được tẩy độc, khoảng 200 ngàn liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, bom mìn còn sót lại khắp nơi trên toàn lãnh thổ(2)... Những nỗ lực song phương giữa Mĩ và Việt Nam không thể xóa đi một thực tế rằng cuộc chiến tranh mang tầm thế giới ấy đã gây ra triệu triệu vết thương cho dân tộc và đất nước này. Đáng nói hơn nữa, chấn thương không chỉ xảy đến với những người đương thời mà còn truyền trao và tiếp tục hiện diện ở thế hệ sau: “Chấn thương tâm lí của một quốc gia bị xâm lược, bị chiếm đóng và bị ném bom có thể được/bị truyền lại cho các thế hệ tương lai, và những chấn thương mà cá nhân, cộng đồng chứng nghiệm trên một quy mô lớn đã được/bị tái định hình thời gian trong kí ức văn hóa.”(3) Chiến tranh đi qua, nhiều người nằm lại, chấn thương sinh ra, bước đi cùng năm tháng với những biểu hiện và tác động khác nhau đến những người đang sống. Trong tiểu thuyết Chim én bay, Quy mang đầy đủ các đặc trưng của một nhân vật chấn thương hậu chiến: trầm cảm, mặc cảm tội lỗi, khổ tâm triền miên, không ngừng tái trải nghiệm tổn thương... Do vậy, chị trở thành một kiểu nhân vật chấn thương điển hình trong tác phẩm của Nguyễn Trí Huân. Chấn thương của Quy là một đường kết nối không đứt đoạn từ chiến tranh đến hòa bình. Nói cách khác, Quy phải sống chung với “kí sinh trùng” chấn thương mà chiến tranh đã gieo cấy vào cuộc đời chị đầy dai dẳng và đớn đau. Nguồn cơn của bi kịch chính là bởi chiến tranh, nhưng đằng sau sinh thể chết chóc khổng lồ ấy là những vấn đề liên quan đến thân phận, các vấn đề về giới và trẻ em trong chiến tranh.
2. Nhân vật Quy từng suy nghĩ: “Hình như ở đời, có bao nhiêu nỗi khổ, nỗi bất công thì người phụ nữ phải hứng chịu hết cả.”(4) Dòng tâm trạng này của Quy có thể gói gọn cái nhìn nhân đạo của Nguyễn Trí Huân đối với nữ giới trong chiến tranh. Bởi lẽ, “...trong mọi cuộc chiến tranh, phụ nữ đều bị sát hại, bị tàn tật, què quặt và tổn thương về mặt tâm lí.”(5) Quy không chết ở chiến trường nhưng Thêm và biết bao phụ nữ khác đã bỏ mạng. Quy bị tàn tật bởi những vết thương sinh-tâm lí sau nhiều lần lê lết khắp các nhà giam của đối phương. Cuối cùng, chị chết vì một vết thương thân xác từ thời chiến, nhưng day dứt hơn là những tổn thương về mặt tâm lí luôn đeo đuổi chị không chịu buông tha.
Phê bình luân lí học văn học quan niệm: “Chỉ cần là thân phận, cho dù đó là thân phận về mặt xã hội hay thân phận trong gia đình, thân phận trong trường học... thì đều là thân phận luân lí.”(6) Về mặt nguồn gốc, thân phận luân lí (伦理身份 - ethical identity) của con người bao gồm hai loại: thứ nhất là thân phận bẩm sinh, gắn với quan hệ huyết thống, sinh ra đã có; thứ hai là thân phận hình thành trong quá trình tồn tại của mỗi người. Sinh ra trong chiến tranh, lớn lên giữa bom đạn, trưởng thành nơi trận địa... đã đẩy Quy vào tình huống sống bất bình thường, nhiều bỡ ngỡ và thiệt thòi. Trong tình thế cách mạng, mối quan hệ giữa các thành viên đội “Chim Én” đơn thuần mang tính nhiệm vụ. Vậy nên, các vấn đề về giới không phải là yếu tố được ưu tiên. Bất chấp thực tế ấy, những người như Quy hay Thêm vẫn mang các đặc trưng giới tính vì thân phận luân lí bẩm sinh của họ. Khi các đặc trưng này bị phô bày trước nam giới, họ rơi vào tình trạng khó xử. Minh chứng là trong lần đầu tiên xuất hiện kinh nguyệt, Thêm và Quy bối rối, xấu hổ, hoang mang không biết phải xử trí thế nào. Đội trưởng Cường - thân phận luân lí bẩm sinh là nam giới - cũng bất lực vì không biết phải xử sự ra sao. Những đứa trẻ như Thêm, Quy, bị đẩy vào cuộc chiến quá sớm, người thân không còn, không được trang bị đầy đủ kiến thức liên quan đến cơ thể, đã phải tự tìm cách đối phó với các “rắc rối” giới tính của bản thân. Ở tuổi vị thành niên, bi kịch lớn nhất về giới tính của Quy chính là sự kiện bị hai thằng dân vệ tấn công tình dục khi chị vẫn đang là cô bé mười bốn tuổi, “...cái tuổi đã chấm dứt thời thơ ấu nhưng cuộc sống của một cô gái thì vẫn chưa hề đến với chị.”(7) Đòn tra tấn dã man này khiến Quy trở thành một nạn nhân tổn thương nghiêm trọng cơ quan sinh dục và khả năng sinh sản. Chấn thương thể xác này sẽ góp phần tạo thêm các bi kịch hậu chiến mà chị phải gánh chịu.
Bước vào thời bình, Quy bị ám ảnh bởi những trận đánh, những cái chết thảm khốc và nan đề đúng-sai đằng sau các nhiệm vụ diệt ác mà mình đã tham gia. Quy nhiều lần mong muốn tìm đến gia đình của “địch” - những kẻ đã chết dưới họng súng của chị - để tìm hiểu tình trạng của họ. Ý định của Quy biểu lộ sự quan tâm của chị với những người còn sống và có xu hướng đi ngược chiều đám đông. Môi trường luân lí hậu chiến chị đang sống là một cộng đồng cư dân vốn từng là nạn nhân trực tiếp hoặc gián tiếp của những tên ác ôn. Chị bị mắc kẹt giữa một quá khứ vận hành theo cơ chế chiến tranh với một hiện tại vận hành theo cơ chế hòa bình. “Di sản” của Quy là nỗi đau mất người thân, một cơ thể thương tật, co giật kinh niên, nỗi chờ đợi hạnh phúc mỏi mòn... Bạn đồng hành của Quy là những viên thuốc an thần, giấc ngủ nặng nề, trạng thái cô đơn cô độc thường trực...
Bi kịch cá nhân hậu chiến của Quy tựu trung ở tình yêu không trọn vẹn và khao khát hôn nhân bất thành. Trong tháng ngày hoạt động bí mật cùng nhau ở đội “Chim Én”, chị đã dần dần yêu Cường - người mà trước đó đã yêu chị gái của Quy. Cũng trong hoàn cảnh đó, Quy thân thiết và dành một tình cảm đặc biệt cho Dũng. Về thân xác, Quy chưa hề nếm trải hoạt động tính giao giữa đàn ông và đàn bà (những gì diễn ra ở nhà giam của giám Tuân khi chị còn chưa dậy thì chính xác là tra tấn chứ không phải quan hệ tình dục). Trong suốt cuộc đời mình, chị chưa bao giờ được làm vợ, làm mẹ. Khao khát chính đáng của Quy về một thứ thân phận luân lí phái sinh vĩnh viễn không thành hiện thực. Dục vọng của chị không được thỏa mãn cả ở phương diện vật lí lẫn phương diện tâm lí. Thường trực trong Quy hậu chiến là một khao khát mãnh liệt về việc có một gia đình bình thường, nhưng chị thất bại. Cường lấy một phụ nữ khác, cho dù cô ta đỏng đảnh, ghen tuông vô lối, nhưng lại có thể đẻ cho anh những đứa con. Quy cũng suýt tìm được cho mình một tình yêu với trung đoàn trưởng bộ binh của sư đoàn Sao Vàng. Éo le thay, thời gian không chờ đợi chị, để rồi nó cũng chỉ là đốm lửa hi vọng chợt lóe lên rồi vụt tắt. Chung quy lại, con người anh hùng ấy đã không thể xây được cho mình một tổ ấm hạnh phúc, cho dù nó nhỏ nhoi đến đâu chăng nữa. Tất cả những ước mơ về một cuộc hôn nhân và một gia đình bình thường của Quy đều rơi tự do trong khoảng trống của ê chề và cô độc. Cơ hội gây dựng tương lai của Quy đã bị chiến tranh cướp mất. Nó trả lại cho chị một cuộc đời mất mát ngay từ thuở thiếu thời.
3. “Do môi trường tàn khốc của thời kì chiến tranh, rất nhiều người lính đã phải chịu đựng các trải nghiệm chấn thương và trải qua hàng loạt liệu pháp để quá trình chữa lành có được tác động tích cực đối với họ.”(8) Quy của thời hậu chiến loay hoay đi tìm một “liệu pháp chữa lành” cho cộng đồng quanh chị và đó cũng là cách để chị chữa lành cho bản thân. Trong hành trình hòa giải cộng đồng và hàn gắn vết thương chiến tranh của Quy, tác giả Chim én bay đã tạo ra một cặp nhân vật nữ rất đặc biệt: Quy (chiến sĩ cách mạng, người anh hùng trở về từ cuộc chiến) và Năm (vợ tên ác ôn giám Tuân, “kẻ thua cuộc” trong đời sống hòa bình). Trong chiến tranh, Năm từng cứu mạng Quy và khi hòa bình, người duy nhất chị có thể giãi bày, tâm sự cũng chính là Quy. Ở phương diện nào thì chị Năm cũng là một nhân vật nữ chịu bi kịch vì chiến tranh. Về thân phận luân lí, chị Năm từng là một du kích, tức là đứng về phía cách mạng, xứng đáng được tôn trọng. Nhưng vì có chồng là tên phản bội cách mạng nên cả đời chị là chuỗi ngày bất hạnh. Chị ghê tởm tội ác của chồng nhưng vì ba đứa con nên không đủ dũng cảm để rời bỏ. Càng như vậy, nhân vật chị Năm càng trở nên tội nghiệp và đáng thương. Từ lúc chồng làm phản, chị Năm đã trầm cảm, bí bách, cho đến hòa bình, cùng với sự “trừng phạt” của cộng đồng, chị đã nửa điên nửa dại. Có người cảm thông, có người cay nghiệt: “Ôi dào, chồng bả uống máu người thì giờ bả phải chịu sự trừng phạt thay cho chồng bả.”(9) Quy cảm thấy bải hoải trước những đay nghiến của cộng đồng: “Người ta nói nhưng không có một chút băn khoăn trước tình cảnh thương tâm của người đàn bà. Họ nói cho hả dạ, cho đã sự thù ghét. Chị không giận họ nhưng họ thật đáng trách. Thử hỏi người đàn bà kia và mấy đứa con chị ta có can dự gì vào tội ác mà chồng chị ta đã gây cho họ?”(10) Suy nghĩ của người đàn bà nói trên là tự nhiên trong những năm đầu sau chiến tranh khi mà vết thương của nó gây ra vẫn còn tươi rói nhựa đau. Nếu lấy quan niệm của Quy làm thước đo soi chiếu thì các “nạn nhân” như chị Năm may mắn tìm được sự cảm thông từ một người cùng giới. Đáng tiếc là những người bao dung như Quy trong Chim én bay chỉ là thiểu số, chưa thể thay đổi số phận của các “nạn nhân”. Vì vậy, nỗ lực nhân đạo của Quy lại tạo ra những cảm xúc tiêu cực, tác động ngược trở lại đến tâm lí, tình cảm của chị, càng đẩy chị đến chỗ buồn sầu.
Kết cục của nhân vật chị Năm thật bi thảm: đứa con lớn vượt biên sang Thái Lan và vẫn nung nấu ý định trả thù Quy, đứa con thứ lao đầu vào xe tự tử, đứa con út đã gửi đi đâu đó mà người đời không rõ, bản thân chị Năm uống thuốc độc tự sát. Lạnh lùng đẩy nhân vật vào chốn cay đắng, tủi cực là cách mà Nguyễn Trí Huân muốn độc giả chạm đến chiều sâu nhân bản: thực ra, đã là con người, dù bên này hay bên kia, dù ta hay địch, họ đều có những nỗi đau liên quan đến chiến tranh. Chiến tranh khiến cho nỗi đau, bi kịch bình đẳng với tất cả mọi người và những gì xứng đáng tồn tại chính là tình người! Đây cũng là tiếng nói hòa giải, hàn gắn đầy nhân văn đằng sau những chấn thương và bi kịch của con người dưới bóng ma chiến tranh mà Nguyễn Trí Huân trao gửi trong Chim én bay.
4. “Chim én” trong nhan đề tác phẩm của Nguyễn Trí Huân chứa đầy tính biểu tượng, gợi nhớ đến mùa xuân trong tâm thức văn hóa của người Việt. Trong cái nhìn của tác giả, vô số “cánh én nhỏ” đã góp phần dệt nên mùa xuân đại thắng, mùa xuân hòa bình. Đổi lại, đằng sau khúc ca khải hoàn là những “cánh én” đã mãi mãi hóa thành cát bụi giữa chiến trường hoặc sống sót với thương tổn đầy mình trong thời bình. Quy là anh hùng trong trận mạc và cũng là người hùng giữa đời thường. Quy làm hòa và triệt tiêu ác cảm với những “kẻ thù” cũ, chế tác thuốc giải hận thù mà chiến tranh tạo ra. Chị hóa thân thành sứ giả hòa giải với khát vọng cháy bỏng: hòa bình phải đem lại giá trị chân chính cho con người, chiến tranh phải thực sự chấm dứt, không để có thêm bất cứ “cuộc chiến” nào nữa sau tất cả những gì họ đã trải qua. Lựa chọn luân lí đầy nhân đạo của Quy tỏa ra thứ mùi hương thiện lành trong chủ nghĩa nhân văn của tác giả. Nó phát đi lời kêu gọi gìn giữ truyền thống “thương người như thể thương thân”, “bầu ơi thương lấy bí cùng” xiết bao tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Chiến tranh đã tạo ra vô vàn vết sẹo nhưng nghĩa đồng bào là thần dược chữa lành. Có lẽ, di sản cuối cùng của người anh hùng ấy là khát vọng hòa giải dân tộc và hàn gắn vết thương chiến tranh mà Nguyễn Trí Huân đã gửi vào vô vàn cánh én có thể thêu dệt mùa xuân hạnh phúc vẹn tròn.
----------
TS. NAD
1. John Armstrong, “Gothic Resistances: Flesh, Bones, Ghosts and Time in Vietnamese Postwar Fiction”, Tropical Gothic, special issue of eTropic, vol. 18, no. 1, 2019, p. 42.
2. Hà Văn, “Tiếp tục khắc phục hậu quả chiến tranh, hỗ trợ nạn nhân da cam tại Việt Nam”, báo điện tử Chính phủ, 15/05/2022,
baochinhphu.vn/tiep-tuc-khac-phuc-hau-qua-chien-tranh-ho-tro-nan-nhan-da-cam-tai-viet-nam-102220515220416826.htm, truy cập ngày 4/7/2024.
3. John Armstrong, tlđd, p. 46.
4. Nguyễn Trí Huân, Chim én bay, Nxb Hội Nhà văn, 2014, tr. 100.
5. Myra MacPherson, Long Time Passing: Vietnam and the Haunted Generation. Bloomington: Indiana University Press, 2001, p. 447.
6. 聂珍钊. 文学伦理学批评导论. 北京: 北京大学出版社, 2014, p. 265.
(Nhiếp, Chiêu Trân, Dẫn luận phê bình luân lí học văn học, Bắc Kinh: Nxb Đại học Bắc Kinh, 2014, tr. 265.)
7. Nguyễn Trí Huân, tlđd, tr. 88.
8. Ahmad Azfar Bin Abdul Hamid, et al. “Traumatised Society: A Study of Traumatic Experience Through the Eyes of Duong Thu Huong’s Novel Without a Name.” Journal of Education and Social Sciences, vol. 5, no. 2, 2016, p. 210.
9, 10. Nguyễn Trí Huân, tlđd, tr. 171.
VNQD