Đề xuất một khái niệm mới: “tác giả trẻ em”

Thứ Năm, 20/03/2025 07:44

. NGUYỄN NGỌC MINH CHÂU
 

Dự Hội nghị Những người viết văn trẻ thành phố Hồ Chí Minh lần 5 vừa qua, tôi lại ngẫm thêm về mối quan tâm của mình dành cho thiếu nhi. Khi chứng kiến đại biểu nhỏ tuổi nhất hội nghị là Cao Việt Quỳnh (sinh năm 2008) phát biểu, tôi khá xúc động khi văn đàn nước ta những năm gần đây lần lượt xuất hiện những cây viết còn rất trẻ. Nhưng tôi nghĩ dùng từ “tác giả trẻ” là chưa thật sự chính xác để gọi tên những tác giả có mặt trên văn đàn ở độ tuổi trăng non, thậm chí còn là tuổi khăn quàng đỏ. Vì vậy, tôi nghĩ đã đến lúc cần có một khái niệm mới khi nhìn về một bộ phận chủ thể cầm bút: “tác giả trẻ em”.

Sự xuất hiện lần lượt của những cây viết nhí

Trong khi khái niệm tác giả trẻ vẫn còn chưa được thống nhất, tôi đã đi tìm kiếm và đề xuất một khái niệm mới: tác giả trẻ em. Giống như một nhà văn nam đặt bút viết về người nữ thì tác phẩm của anh ta sẽ mang trong đó diễn ngôn của nam giới khi nhìn về phụ nữ, một tác giả trưởng thành khi viết về trẻ em dù cho có nỗ lực đến đâu cũng không tránh khỏi việc tác phẩm ít nhiều mang diễn ngôn của người lớn. Nói chung, sân chơi của văn học thiếu nhi lâu nay vẫn là sân chơi của người lớn, chính những sự sắp đặt quyền lực của người lớn đã tạo ra tính kép cho bộ phận văn học này: một mặt nó hoàn thành sứ mệnh giáo dục của văn chương với trẻ em, mặt khác nó dễ biến trẻ em thành đối tượng tiếp nhận bị động. Những câu hỏi như “Tiếng nói của trẻ em ở đâu?”, “Có nên giải lực lượng sáng tác cố hữu từ trước đến nay?”, “Đã đến lúc cho trẻ em cất tiếng nói thông qua văn chương?” làm tôi phải đắn đo. Song hành với việc trao quyền cho trẻ em sáng tác, tôi nghĩ mình vẫn còn đó sự e dè và hoài nghi: Sẽ ra sao nếu để trẻ em sáng tác? Bởi văn chương chẳng phải là “sống đã rồi hãy viết” (Nam Cao) hay sao?

Với tôi, nghiên cứu về vấn đề này là tìm đến sự hài hòa cho cái cũ lẫn cái mới, sự dung hòa giữa người lớn và trẻ em. Nghiên cứu về tác giả trẻ em không phải là sự bài trừ tác giả người lớn mà là nỗ lực tìm kiếm tiếng nói của trẻ em trong sân chơi vốn được tạo ra cho mình. Từ đó, ta thấy được những triển vọng của văn học thiếu nhi khi có sự cộng hưởng từ người lớn và trẻ em trên cả hai cương vị tác giả và độc giả để mở ra những cuộc đối thoại đầy mới mẻ và thú vị. Có thể thấy, việc đặt mối quan tâm về tác giả trẻ em đã phần nào đáp ứng tính thực tiễn của thời đại để chúng ta nhìn thấy sự phát triển của trẻ em trong kỉ nguyên số không chỉ dừng ở các môn khoa học tự nhiên mà còn kéo theo sức ảnh hưởng đến văn học và nghệ thuật.

Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ, trẻ em không phải là trang giấy trắng, trẻ em là trẻ em, chúng có thế giới riêng và tiếng nói riêng của chúng. Vì vậy tôi tin rằng khi chúng ta quan tâm đến các em và tìm đọc thế giới văn chương mà các em tô vẽ, sẽ thấy một thế giới trẻ thơ khác biệt hẳn so với thế giới mà một người lớn cố hình dung mình là trẻ em để xây nên.

Nhưng dấn thân vào hành trình này không dễ dàng gì, “có hay không một dòng văn học cho thiếu nhi” vẫn là một câu hỏi nan giải cho bất cứ ai khi mới bắt đầu dấn thân vào con đường này. Bởi lẽ văn học thiếu nhi vẫn còn thiếu vắng các nhà nghiên cứu phê bình, trong khi đó xét về mặt thực tiễn thì đã xuất hiện những cây viết “còn rất nhỏ tuổi” tại Việt Nam. Hình như chưa mấy ai quan tâm đến điều này, rằng những đứa trẻ đang viết, rằng những cuốn sách đã thành hình… và nếu có quan tâm thì vấn đề này chỉ dừng lại ở ý nghĩ, chưa mấy người tiến hành nghiên cứu trừ trường hợp “thần đồng” Trần Đăng Khoa. Tức rằng hiện tượng thơ của Trần Đăng Khoa là hiện tượng hiếm trước đây, nhưng nhìn vào bức tranh đương đại, tôi thấy khá nhiều bạn nhỏ viết sách, dấn thân vào văn chương.

Tôi cứ suy nghĩ, rằng tại sao các diễn viên nhí, ca sĩ nhí trên tivi được công chúng quan tâm, đón nhận và bồi dưỡng, còn các tác giả nhí viết văn thì… “không nói sẽ không biết là có tồn tại”. Có lẽ do truyền thông về văn chương chưa đủ mạnh mẽ trong thời đại của văn hóa nghe - nhìn lên ngôi nên các em chưa được biết đến, mà ngay chính trong văn giới, các em cũng chưa được quan tâm đúng mực… Có lẽ đã đến lúc cần gọi tên, cần có một khái niệm để mọi người nhìn thấy, rằng góp mặt vào văn đàn nước nhà là một bộ phận người trẻ, không chỉ “trên 20 dưới 35 tuổi”, mà còn là những tác giả trẻ em hay tác giả thiếu nhi.

Trường hợp Cao Việt Quỳnh, Cao Khải An, Quỳnh Trần

Tôi muốn dừng lại ở ba chân dung cây viết thiếu nhi: Cao Việt Quỳnh (2008) với bộ ba tiểu thuyết Người Sao Chổi, Cao Khải An (2009) với Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm, Quỳnh Trần (2007) với Ngài Kẹo. Với tôi đây là ba cây viết trẻ đại diện cho ba phong cách khác nhau: Cao Khải An với lối viết hài hước, dí dỏm đậm chất miền Tây Nam Bộ; Cao Việt Quỳnh mạnh về cốt truyện và trí tưởng tượng; Quỳnh Trần là cây bút nữ miêu tả tinh tế về nội tâm.

Cao Việt Quỳnh sáng tạo nên một thế giới nghệ thuật có người ngoài hành tinh với trang thiết bị hiện đại cùng các vị thần Ai Cập hay phù thủy Merlin... tạo nên sự kết hợp giữa hai thể loại là truyện khoa học viễn tưởng (science fiction) và truyện kì ảo (fantasy) trong Người Sao Chổi. Khi đọc tác phẩm của Cao Việt Quỳnh, tôi nghĩ chỉ có óc tưởng tượng và sự dũng cảm của trẻ em mới có thể tạo tác nên một thế giới đa sắc màu như thế. Truyện của Cao Khải An lại khó minh định là truyện ngắn hay truyện dài. Trên biên mục của Thư viện Quốc gia, Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm được xếp vào thể loại truyện dài, tuy nhiên trong phần mô tả sách trên chính trang web của Nxb Kim Đồng lại gọi là liên truyện ngắn. (Trường hợp Người ăn chay của Han Kang, nữ nhà văn đoạt giải Nobel 2024, khi tách riêng từng chương trong tổng thể “truyện dài”, ta sẽ có những “truyện ngắn” độc lập.)

Có sự xuất hiện của ngôn ngữ thứ hai với lời thoại tiếng Anh qua tác phẩm của Cao Việt Quỳnh. Ngoài ngôn ngữ, các em còn “vượt biên” địa lí để xây dựng thế giới nghệ thuật của mình. Quỳnh Trần lấy bối cảnh ở thị trấn Houston Mĩ cùng hệ thống nhân vật là những cái tên ngoại quốc như Wendy, Albert, Leslie... Quỳnh Trần là trường hợp để nghiên cứu về việc trẻ em chịu ảnh hưởng bởi sách dịch và tôi thấy khá thú vị khi vẫn tìm thấy “kiểu cách rất Việt Nam” trong bối cảnh, nhân vật đến lối thoại mặc dù đều chịu ảnh hưởng rõ rệt từ phương Tây. Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ đã tác động đến thế giới quan của các em, có lẽ vì vậy mà tác phẩm của Quỳnh Trần và Cao Việt Quỳnh gắn với một thế giới của cảnh quan thành thị rõ nét. Trong khi đó, Cao Khải An là trường hợp gắn với “căn tính nông dân” với hệ thống từ vựng đậm chất ngôn ngữ Tây Nam Bộ nhưng vẫn mang hơi thở thời đại.

Trước câu hỏi làm sao để văn chương đủ sức cạnh tranh với các bộ môn nghệ thuật khác nói riêng và các loại hình truyền thông đa phương tiện trong thời đại văn hóa nghe - nhìn nói chung, xu hướng liên ngành ra đời như một quy luật tất yếu. Các nhà xuất bản giờ đây chú trọng khâu trang trí bìa sách sao cho bắt mắt để độc giả “nhìn là muốn mua”. Nhiều khi, ta còn nhìn thấy các nhà xuất bản phân loại độc giả theo giới tính dựa vào màu sắc và cách thức trang trí bìa: các bé gái thích nhân vật công chúa, các con vật nhỏ nhắn dễ thương (nhân vật của truyện đồng thoại) và các bé trai thường thích các nhân vật là siêu anh hùng, siêu nhân (ý của Kimberley Reynolds). Văn học thiếu nhi cũng không thoát khỏi xu hướng liên ngành và đang dần chuyển mình để phù hợp với thời đại. Xu hướng liên ngành và những sự dịch chuyển về hình thức, thể loại: sách tranh (truyện của Cao Khải An có kết hợp tranh minh họa), truyện tranh v.v.. và tiềm năng trong việc chuyển thể thành phim hoạt hình, điện ảnh trong chính các tác phẩm văn học mà các em sáng tác.

Có thể thấy trẻ em đã được mở rộng trong việc tiếp thu các loại hình khác nhau và chính trong quá trình tiếp nhận, các em đồng thời quay trở lại chiếm lĩnh và tái thiết tri thức trong sáng tạo văn học. Mỗi đứa trẻ được học cách viết tương ứng với thời đại của chúng, việc các em nhỏ học môn tin học ở độ tuổi tiểu học tại Việt Nam đã rèn luyện khả năng tương tác, phát triển năng lực đọc viết của trẻ với thiết bị điện tử và mạng tự sự.

Đến tận cùng khi nghiên cứu về tác giả trẻ em, điều tôi mong muốn thấy và tôi nghĩ là cốt lõi chính là tiếng nói của chính các em. Ở đó, chúng ta thấy quan điểm của các tác giả nhí khi nhắc đến gia đình với câu chuyện khoảng cách thế hệ: sự cấm đoán từ ba mẹ của Wendy qua Ngài Kẹo của Quỳnh Trần đã phản ánh một mối quan hệ bị đứt gãy khi trẻ em bị tước quyền lên tiếng, các em bị coi là tờ giấy trắng và người lớn có quyền quyết định tô vẽ vào đó. Ngoài ra, các em còn đề cập đến nỗi lo âu của phụ huynh trước nguy cơ đứt gãy thế hệ bởi ba mẹ không theo kịp sự phát triển của con trẻ qua truyện của Cao Việt Quỳnh. Ta nhìn thấy rõ nét nỗ lực của các ông bố bà mẹ khi cố theo kịp con, hiểu thế giới của con để cùng đồng hành qua ba của nhân vật Thành trong Người Sao Chổi.

Ngoài những vấn đề xoay quanh các mối quan hệ gần gũi, tác phẩm của các em mang đậm tính thời sự khi đối thoại với thế giới. Các em đã đề cập đến cả cái ác, cái xấu và thậm chí là cái chết cũng rải rác trong tác phẩm: Quỳnh Trần manh nha đề cập những vấn đề về giới, vấn đề bắt nạt trong môi trường học đường, việc người lớn dán nhãn trẻ em để giáo dục chúng; thế giới ngọt ngào của Ngài Kẹo lại là những cạm bẫy, xấu xa. Cao Việt Quỳnh bàn về những vấn đề vĩ mô như chiến tranh, sinh thái. Cao Khải An bàn về hiện trạng thiếu vắng sách dành cho thiếu nhi bằng văn phong châm biếm, hài hước qua “sách dạy đời của ông ngoại”. Nghiên cứu các sáng tác của cây viết thiếu nhi, chúng ta thấy trẻ em Việt Nam ngày nay đã có sự quan tâm rất sớm với vấn đề giới, chính trị, môi trường v.v.. thông qua sáng tác của mình. Những phi lí trong thế giới người lớn mà trẻ em ngầm quan sát, đánh giá đôi khi khiến chúng ta giật mình. Vì vậy khi nghiên cứu sáng tác của các em, chúng ta cũng đồng thời nỗ lực không nghiêng về cực tư duy trẻ thơ, các em sâu sắc ngang ta và đôi khi hơn cả ta.

Qua lược bàn về vấn đề tác giả trẻ em và tác phẩm ở trên, tôi nhận thấy sự vận động liên tục bền bỉ của văn chương ở những người cầm bút. Trong đó, các tác giả trẻ em đầy tiềm năng sẽ thay thế lớp tác giả trẻ, lớp tác giả trẻ tiếp bước thay các bậc tiền bối ngày nay. Tôi còn thấy được những người đang cần mẫn thắp cây diêm bé cho bộ phận văn học vẫn còn được cho là “tầm gửi ăn theo” này với những cái tên đếm trên đầu ngón tay như Lã Thị Bắc Lý, Nguyên An, Vân Thanh, Thanh Tâm Nguyễn. Sự khởi sắc của phê bình văn học thiếu nhi được đánh dấu với hai công trình được xuất bản năm 2023 là Văn học thiếu nhi Việt Nam - khảo luận và chân dung của Nguyên An, Dòng chảy lấp lánh của Thanh Tâm Nguyễn. Tiếp đó, năm 2024, công trình Nhập môn văn học trẻ em của Kimberley Reynolds được các nhà nghiên cứu Phạm Phương Chi, Nguyễn Thị Thanh Hương, Nguyễn Thị Diệu Linh dịch thuật và xuất bản. Ngoài ra, sự quan tâm của công chúng trước những cuộc thi viết cho thiếu nhi và để thiếu thi tham gia với tư cách tác giả như “Đóa hoa đồng thoại” hay “Giải thưởng Dế Mèn” là những tín hiệu đáng mừng khi văn học thiếu nhi dần được quan tâm đúng mực. Đọc tác phẩm của tác giả trẻ em, tôi thấy được sự thú vị của loài người khi họ nhìn nhau khi người lớn cố sắm vai thiếu nhi để viết và ngược lại, ta vẫn thấy đâu đó những đứa trẻ học sắm vai người lớn trong chính tác phẩm của mình. Hơn hết, tôi đã nghe thấy tiếng nói của các em thông qua văn chương và mong muốn đưa lời đối thoại ấy đến với nhiều người hơn. Chúng ta cần phải thừa nhận rằng, vị trí trên văn đàn dần đã có chỗ cho các em nhỏ say mê đọc và viết. Dẫu cho tác phẩm của các em còn vụng về, thiếu sót; nhưng với tôi, chính những điều này lại rất… thiếu nhi.

N.N.M.C

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)