Tính chất tiên phong, sức mạnh chính nghĩa, biểu hiện tầm văn hóa nhân loại của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đã đi vào lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới. Nhà thơ Chế Lan Viên đã ví cuộc kháng chiến đó như ngọn lửa “Nghìn năm sau còn đủ sức soi đường”. Ngọn lửa ấy sẽ sáng mãi không chỉ soi đường cho cách mạng Việt Nam vững bước tiến lên đài vinh quang sánh vai với cường quốc năm châu, mà còn soi đường cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới đứng dậy đánh đuổi thực dân, đế quốc, tháo ách nô lệ, phụ thuộc, giành lấy quyền độc lập, tự do.
Là một “binh chủng” đặc biệt, văn học đã tiên phong đứng trên tuyến đầu chống Mĩ. Hàng trăm nhà văn, nhà thơ xung phong vào chiến trường vừa cầm súng vừa cầm bút cống hiến trọn vẹn tuổi xuân và tài năng văn chương cho Tổ quốc. Nhiều người trong số họ đã ngã xuống với tư thế một anh hùng. Văn học góp phần khích lệ, cổ vũ cả nước ta đoàn kết thành một khối “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu). Không khí hừng hực “lên đường” ngoài cuộc sống phả vào văn chương, kết lại và tỏa sáng thành những hình tượng sử thi mang tính biểu tượng của lòng yêu nước ở những tác phẩm trong vắt một lí tưởng cách mạng, với Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi, Hòn Đất của Anh Đức, Gia đình má Bảy của Phan Tứ, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu, Bài ca chim chơ-rao của Thu Bồn, Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm, Vầng trăng quầng lửa của Phạm Tiến Duật... Văn học đã xây dựng những nhân vật như những vầng hào quang trên bầu trời sử thi tỏa chiếu ánh sáng lí tưởng soi rọi, hướng bạn đọc đi về phía cái cao cả, cái anh hùng.

Một không gian của cuộc Hội thảo văn học.
Là một trong những nền văn học tiên phong chống chủ nghĩa đế quốc, văn học thời kì kháng chiến chống Mĩ đã phản ánh sinh động mâu thuẫn cơ bản của thời đại là xung đột giữa chính nghĩa và phi nghĩa, đúng như câu thơ của Tố Hữu: “Chúng muốn đốt ta thành tro bụi/ Ta hoá vàng nhân phẩm, lương tâm/ Chúng muốn ta bán mình ô nhục/ Ta làm sen thơm ngát giữa đầm”. Với đặc điểm bao trùm là khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, văn học trong kháng chiến chống Mĩ đã thi vị hóa hình tượng con đường lịch sử mà dân tộc đã lựa chọn, đó là “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” với “Những buổi vui sao, cả nước lên đường”. Mặt trái của chiến tranh, với những đau thương, mất mát, bi kịch một thời né tránh, sẽ được bổ khuyết trong những tác phẩm hậu chiến sau này, với Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Đất trắng của Nguyễn Trọng Oánh, Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai; Không phải trò đùa của Khuất Quang Thụy, Đỉnh máu của Nguyễn Bảo và nhiều tác phẩm khác của Xuân Đức, Xuân Thiều, Lê Văn Thảo, Trần Huy Quang…
Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, diễn ra trong suốt 20 năm, là cuộc chiến tranh dài nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là một trong những cuộc chiến có số thương vong lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Sự dai dẳng và khốc liệt của cuộc chiến này càng dễ nhận khi chúng ta đặt nó bên cạnh những đại chiến của thế kỉ XX, như Thế chiến I (1914-1918), Thế chiến II (1939-1945) trong đó có cuộc chiến tranh vệ quốc kéo dài 4 năm của nhân dân Xô-viết. Như một quy luật tất yếu, cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta đòi hỏi không ngừng được văn học nghệ thuật khai thác, đòi hỏi phải có những tác phẩm xứng tầm.
Con người yêu nước là con người không được quên đi quá khứ của dân tộc mình. Một quá khứ đau thương nhưng cao cả, hào hùng phải luôn được làm sống lại trong mỗi con tim người Việt hôm nay và mai sau. Đó cũng là lí do có Hội thảo này.
Đóng vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội, ở bất cứ thời đại nào, quốc gia nào, văn hóa cũng là nguồn lực của sự phát triển. Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước với những giá trị và bài học của nó, được phản ánh và lưu giữ trong văn học nghệ thuật, đã trở thành tài sản vô giá, là sức mạnh nội sinh, là điểm tựa để hôm nay con cháu Lạc Hồng đưa đất nước vươn mình cất cánh bay vào kỉ nguyên mới.
Thành tựu của văn học chống Mĩ là ghi lại được lịch sử dân tộc Việt ở một giai đoạn đặc biệt, khẳng định chủ nghĩa anh hùng cách mạng và chủ nghĩa nhân văn ở phương diện bảo vệ con người, bảo vệ lẽ phải, công lí và chính nghĩa. Tuy nhiên, ra đời trong hoàn cảnh đạn bom, lấy tuyên truyền, cổ vũ làm mục đích chính nên không tránh khỏi tính sơ lược, công thức, minh họa, một chiều. Khoảng trống ấy dần được lấp đầy, hạn chế ấy dần được khắc phục ở những tác phẩm ra đời sau năm 1975.
Hướng tới kỉ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, được sự cho phép của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức hội thảo nhìn lại văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của dân tộc Việt Nam ở thế kỉ XX. Ban tổ chức đã thu được 50 tham luận đóng góp cho Hội thảo, với nội dung tập trung vào 3 cụm chủ đề:
- Khẳng định thành tựu của văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mĩ ngay trong lòng cuộc chiến. Đó là giai đoạn văn học được viết theo khuynh hướng sử thi, nhằm cổ vũ tinh thần chiến đấu, góp phần đắc lực vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.
- Ghi nhận những cách tân, tìm tòi, sáng tạo của mảng văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mĩ từ ngày thống nhất đất nước đến nay; tổng kết những bài học kinh nghiệm và đưa ra những đề xuất, gợi ý cho văn học tiếp tục viết về chiến tranh trong thời gian tới.
- Đánh giá, khẳng định những tác giả, tác phẩm nổi bật, tiêu biểu của văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mĩ trong cả hai giai đoạn trước và sau 1975.
Là một diễn đàn khoa học, Hội thảo xin mở ra đa dạng những ý kiến về hướng viết, hướng nghiên cứu; đa chiều những tranh luận phù hợp với đường lối văn hóa của Đảng và xu hướng đối thoại của thế giới hôm nay. Ban tổ chức rất mong được tiếp thu nhiều ý kiến góp phần làm nên thành công của Hội thảo.
Thượng tá, TS. PHẠM DUY NGHĨA
VNQD