Sống là cho, chết cũng là cho

Thứ Hai, 11/02/2019 00:58

. BẢO THANH

Có lẽ ít có tác phẩm nào được Bác viết trong một khoảng thời gian dài, có nhiều sửa chữa, bổ sung, cân nhắc kĩ lưỡng như vậy. Bản đầu tiên được viết ngày 15 tháng 5 năm 1965, bản thứ hai viết vào tháng 5 năm 1968, bản thứ ba được viết ngày 10 tháng 5 năm 1969 và bản thứ tư, bản toàn văn được Công bố năm 1969 cũng được hoàn thiện vào ngày 10 tháng 5 năm 1969 (1). Bởi trước hết tác giả coi đây là việc làm Tuyệt đối bí mật, nhưng đúng hơn là ở tầm vóc văn hóa lớn lao của tác phẩm, tôi gọi đó là tầm vóc văn hóa Hồ Chí Minh.


Di chúc - theo tính chất thể loại thì là một dạng văn bản ghi lại những điều mà người sắp từ giã cõi đời nói với những người đang sống, Di chúc thường được công bố khi người viết đã ra đi, do vậy thì đây là một văn bản mà bản thân nó đã gợi nên những gì là ngậm ngùi, tiếc nhớ, buồn thương. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dĩ nhiên vẫn mang những nét đặc trưng thể loại thông thường nhưng luôn có xu hướng vượt thoát ra ngoài ranh giới thể loại để mang tầm vóc của một văn kiện lịch sử vô giá, có thể gọi đây là siêu thể loại. Không ngẫu nhiên mở đầu tác phẩm là một niềm tin chiến thắng:


Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.

Đó là một điều chắc chắn.


ở câu trên mệnh đề song nhất định thắng lợi hoàn toàn là một khẳng định nhưng vẫn được nhấn mạnh một lần nữa ở câu Đó là một điều chắc chắn. Để tác động mạnh hơn nữa vào thị giác người đọc, tác giả còn cho câu văn khẳng định này tách dòng đứng riêng. Các từ nhất định, hoàn toàn, chắc chắn là không thể thay thế, ví dụ dùng phép giả định tỉnh lược, để chỉ còn song sẽ thắng lợi thì nội dung câu văn vẫn giữ nguyên nhưng rõ ràng ý nhấn mạnh niềm tin đã bị giảm đi rất nhiều. Đặt Di chúc trong bối cảnh công bố (1969) khi mà cuộc kháng chiến chống Mỹ còn đang ở giai đoạn cực kỳ gian khổ chúng ta càng thấy niềm tin này chỉ có thể có ở một bản lĩnh lớn, một nhãn quan chiến lược. Hơn nữa đây là niềm tin của một vị Chủ tịch nước nên có tác dụng cổ vũ động viên rất lớn, từ niềm tin của một người gieo niềm tin đến muôn người. Có thể coi đây là một sự kết tinh của văn hoá người Việt về niềm tin, niềm lạc quan, dù ở trong tình huống khó khăn nào thì vẫn luôn hướng về những điều tốt đẹp, còn da lông mọc, còn chồi nảy cây.


Còn đây là những lời đầy ân tình thể hiện rất rõ cách ứng xử văn hoá truyền thống coi mọi người như người trong một gia đình: Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta. Và tấm lòng biết ơn, tri ân uống nước nhớ nguồn của người Việt: Kế theo đó, tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mĩ, cứu nước của nhân dân ta. Ngày nay trong các văn bản pháp qui chúng ta gọi là chính sách đối nội, đối ngoại, thành ngữ người Việt cụ thể hơn dùng trong ấm ngoài êm, nếu có thể gọi là chính sách đối nội, đối ngoại trong Di chúc của Bác thì ta vẫn thấy một nguyên tắc trọng tình, văn hoá trọng tình, rất rõ bản sắc Việt Nam.


Trong nội dung chính của tác phẩm, Người đặt ra vấn đề quan trọng nhất: Trước hết nói về Đảng - Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Người đã khẳng định công lao, tài năng lãnh đạo của Đảng ta... từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, chỉ ra nguyên nhân thắng lợi: Nhờ đoàn kết chặt chẽ... Trong một câu văn có tới hai chữ đoàn kết, vừa để nhấn mạnh vừa để nói vấn đề cực kỳ quan trọng này không chỉ là cách thức, nguyên nhân, phương pháp cách mạng mà còn là mục tiêu của cách mạng. Cũng trong câu văn này có tới ba lần Người dùng hai chữ phục vụ:... một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc... để nhấn mạnh, để nhắc nhở cán bộ đảng viên một lòng một dạ phục vụ... là phẩm chất, là tiêu chuẩn đạo đức của người cách mạng. Đấy cũng là một nguyên nhân dẫn đến thắng lợi, cũng là lý tưởng, là mục đích của Đảng ta. Như vậy, chỉ từ mấy dòng văn mà đã toát lên một tầm văn hoá đoàn kết và triết lý văn hóa sống vì mọi người, dĩ công vi thượng, theo chúng tôi đây chính là một trong những hạt nhân cơ bản của hệ tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng chính là những nét nổi bật trong quan niệm ba cây chụm lại nên hòn núi cao, là triết lí vị tha của văn hoá cổ truyền của người Việt. Vấn đề đoàn kết được Người dành hẳn một đoạn văn ngắn, ngắn về câu chữ nhưng dài rộng về ý, sâu sắc về tình: Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Vấn đề phục vụ được Người khái quát lại trong câu văn với một hình tượng thật sinh động và cụ thể: Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Đây chính là sứ mệnh của Đảng ta, là tầm văn hoá của Đảng ta, một tầm vóc văn hóa lớn lao, phải thật trong sạch, có thế mới là người lãnh đạo, có thế mới là người đầy tớ của nhân dân. Rõ ràng trong cách diễn đạt của Người thì hai vấn đề này quan hệ mật thiết, biện chứng, hữu cơ, không thể chỉ có một vế lãnh đạo hoặc đầy tớ, vì thế không nên tách rời hai phương diện này khi phân tích hoặc trích dẫn.


Tiếp đến Người dành nói về đoàn viên và thanh niên, ở ngày hôm nay chúng ta càng thấy lời Bác mang tính thời sự sâu sắc: Đảng cần chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên". Thực tế cho thấy thanh thiếu niên ta rất thông minh, trong bối cảnh toàn cầu hoá này, điều họ còn cần trang bị thêm là bản lĩnh chính trị, là lí tưởng, là lối sống chuẩn mực... Đó chính là đạo đức cách mạng. Sinh thời, điều quan tâm nhất của Bác Hồ là ... tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi..., là... ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành... Mục đích cao nhất của Người là làm sao cho nhân dân được hạnh phúc. Đấy là minh triết, đấy là văn hoá, văn hóa đẹp nhất, cao cả nhất. Trong Di chúc, Người thể hiện điều ấy trong câu văn nhắc nhở Đảng ta: Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Hôm nay chúng ta tự hào thưa với Bác đã làm đúng theo lời Bác và quyết làm rạng danh non sông gấm vóc này để sánh vai với các cường quốc năm châu.


ở phương diện ngoại giao, văn hóa Hồ Chí Minh là văn hoá kết nối các nền văn hoá: Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình. Tầm nhìn của Bác là tầm nhìn xa, rộng, tầm nhìn chiến lược cách mạng mang tính toàn cầu. Cách mạng nước ta luôn nằm trong dòng chảy của cách mạng thế giới, Đảng ta lớn mạnh thêm cũng một phần nhờ sự giúp đỡ của các đảng anh em. Giúp người tức là giúp mình, văn hoá Hồ Chí Minh là thế, Đảng ta phải tự lớn mạnh và sẽ lớn mạnh hơn nhiều khi các đảng anh em đoàn kết thành một khối vì một mục tiêu chung: chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.


Bác sống như trời đất của ta nhưng Nâng niu tất cả chỉ quên mình, cả bản Di chúc dài, Bác chỉ dành mấy lời nói về cá nhân mình, nhưng xét kỹ, việc riêng ấy cũng là việc chung, cũng là dĩ công vi thượng:


Về việc riêng - Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa.


Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân.


Đối với người cách mạng chân chính thì sống là cho, chết cũng là cho. Bác Hồ của chúng ta là thế, sống đã vì dân, khi từ biệt thế giới này cũng vì dân. Đó là văn hoá vì nhân dân.

 

1. Tuyển tập văn thơ Hồ Chí Minh - Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2008.

BT

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)