Những sắc màu truyện ngắn

Thứ Bảy, 26/01/2019 00:01

LTS. Cuộc thi truyện ngắn mang tên Lửa Mới (2018-2019) của Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã đi hết chặng đầu, với 46 truyện được chọn đăng (từ số Tết Mậu Tuất 886-887 đến số 902) trên tổng số hơn 1000 truyện gửi dự thi. Là những người có sở trường nghiên cứu phê bình thể loại truyện ngắn, quan tâm dõi theo từng số tạp chí, nhân tham gia trại viết do Văn nghệ Quân đội tổ chức tại Tuyên Quang (từ ngày 17 đến ngày 31/10/2018), hai nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng và Văn Giá đã có cuộc trò chuyện nghề nghiệp xung quanh chặng đầu cuộc thi. Dưới đây là nội dung cuộc trò chuyện do phóng viên Văn nghệ Quân đội ghi lại.

Truyện ngắn thuộc về người viết trẻ/ mới?

Bùi Việt Thắng (BVT): Anh có nghĩ, cuộc thi này thuộc về những cây bút trẻ, những tên tuổi mới?

Văn Giá (VG): Quả thật, tôi không dám chắc chuyện này. Bởi cuộc thi mới được nửa chặng đường. Tôi đồ rằng, chính anh là người mong giải cao cho những người viết trẻ nên mới hỏi tôi như thế. Mà nếu giải cao thuộc về người trẻ thì ai chả thích.

BVT: Nhìn vào tuổi của các tác giả tham gia cuộc thi và có truyện được chọn đăng, thì đáng lạc quan. Chỉ có số ít tác giả thuộc top “người cao tuổi” (Đoàn Ngọc Hà, Hữu Phương, An Bình Minh, Nguyễn Duy Liễm, Hồ Tĩnh Tâm, Y Ban, Trần Thanh Cảnh, Mai Tiến Nghị…), còn lại là trẻ, đa số là 7x, 8x và có cả 9x.

VG: Vâng, có thể từ nay cho đến hết cuộc thi sẽ có thêm nhiều người viết tham gia gồm cả già lẫn trẻ. Tuy nhiên, như anh nói lúc đầu, có hai dạng: các cây bút trẻ và các cây bút mới. Mới chưa chắc đã là trẻ. Nhưng nếu vừa trẻ vừa mới thì tốt quá. Bởi cuộc thi nào chẳng muốn có công phát hiện. Hay nói cách khác, phát hiện ra các cây bút trẻ/ mới chính là mục đích đẹp đẽ nhất của mọi cuộc thi văn chương. Nếu không được vừa trẻ vừa mới thì ít nhất phải mới. Không trẻ nữa nhưng mà mới cũng vẫn đáng quý.

BVT: Riêng tôi chú ý đến những cái tên như Trần Thị Tú Ngọc, Lưu Thị Mười, Nông Quốc Lập, Tống Phú Sa, Triều La Vỹ, Nguyễn Thị Lê Na, Bảo Thương, Lê Vũ Trường Giang, Nguyễn Toàn Thắng, Nguyễn Hải Yến, Nguyệt Chu, Lê Quang Trạng, Hoàng Thị Trúc Ly, Ai Ta Yết Lam...

VG: Tôi cũng thích đội hình này. Không phải tất cả, nhưng một số cây bút trong số này có giọng văn mới lắm. Họ sục thẳng vào những vấn đề gai góc, những vùng “nhạy cảm” nhất của đời sống. Văn của họ trẻ, tốc độ, biến hóa, lôi cuốn.

BVT: Tôi nói thế là vì trên tinh thần đón đợi văn trẻ. Trẻ đang làm chủ các lĩnh vực trong xã hội. Dĩ nhiên, trong lĩnh vực văn học nghệ thuật thì “trẻ” hay “già” không nệ vào tuổi tác. Mà căn cứ vào sức sống, vào nguồn cảm xúc, vào “con mắt xanh” nhìn đời và người. Chỉ có một câu có vẻ đúng: “Thầy già con hát trẻ” (dĩ nhiên bây giờ nhiều thầy, cô giáo trẻ rất tài năng). Quan điểm của anh?

VG: Thì ngày xưa nhà thơ Xuân Diệu đã viết trong Lời tựa tập Thơ thơ (1938) cái câu thật hay mà cho đến bây giờ đọc vẫn thích: “Tôi gửi hồn tôi cho những người trẻ tuổi và nhất là trẻ lòng”. Theo “ông hoàng thơ tình”, trẻ tuổi thì tuyệt rồi, nhưng trẻ lòng mới là “nhất”. “Trẻ lòng” ở đây được hiểu là có cái nhìn trẻ, nguồn cảm xúc trẻ, năng lực biểu đạt trẻ, với một giọng trẻ. Cuộc thi văn chương nào chẳng mong cầu như vậy.

BVT: Có tác giả lần đầu xuất hiện trên Văn nghệ Quân đội đã cho thấy có cái “mùi chữ”, giọng văn riêng nhiều hứa hẹn. Có những tác giả đã “quen hơi bén tiếng” đang khiến độc giả nín thở hồi hộp chờ đợi những “cú nổ” mới, ngoạn mục (nhưng có lẽ sẽ ở chặng sau?!). Như người ta nói, đôi khi chờ đợi cũng là hạnh phúc. Anh có cái tâm thế này khi đọc truyện ngắn dự thi Lửa Mới, dẫu đang chặng đầu?

VG: Mong chứ anh! Đọc một số cây bút quen thuộc, nếu thấy có bứt phá so với chính mình, lại có cách viết mới lạ, thì rất mừng. Nhưng nếu đọc một số cây bút mới/ trẻ mà văn của họ đã có cái chất riêng thì mừng lắm. Đọc họ, thấy thấp thoáng một lớp người trẻ đang tiếp bước thế hệ đi trước và sẽ làm nên tiếng nói mới của thế hệ mình.

BVT: Trên Facebook cá nhân, nhà văn Nguyễn Văn Thọ có một cái status “Đi tìm truyện ngắn”. Anh ấy muốn bổ sung thêm, cần thiết phải là “Đi tìm truyện ngắn hay”. Từ ý tưởng ấy, tôi nghĩ, chúng ta đã có một chủ đề tập trung hơn cho cuộc nói chuyện nghề nghiệp thú vị này.

VG: Đúng vậy anh. Tìm truyện ngắn hay mới khó, chứ truyện ngắn nói chung thì nhiều vô kể. Nhưng thế nào là một truyện ngắn hay cũng là cả một vấn đề không dễ thống nhất. Tuy nhiên, một cuộc thi tìm ra được những truyện ngắn hay để mà trao giải khiến phần lớn bạn đọc tâm phục khẩu phục thì thật hạnh phúc cho những người tổ chức.

BVT: Anh thấy “giao diện” (hiện thực đời sống được phản ánh) của cuộc thi truyện ngắn lần này có gì đặc biệt?

VG: Ở cuộc thi Lửa Mới, các cây bút công phá vào khá nhiều vùng hiện thực của đời sống. Ngoài khu vực hậu chiến, thế sự như lâu nay vẫn thấy, lần này có hai vùng hiện thực đáng chú ý: 1/ hiện thực sinh thái, tức là vấn đề bảo vệ môi trường, hiểu lại mối quan hệ giữa con người với sinh thái, xác lập đạo đức sinh thái; và 2/ những loại công việc, những phận người rất đặc biệt trong xã hội truyền thông đại chúng, hội nhập toàn cầu. Điểm thứ nhất cho thấy một số cây bút đã có ý thức chủ động và trách nhiệm để góp phần tạo dựng một dòng văn học sinh thái mới manh nha ở ta. Điểm thứ hai cho thấy các cây bút (chủ yếu là những người viết trẻ) rất bén nhạy với đời sống thực tại, một thực tại của những người trẻ, hiện đại, có học vấn, giỏi ngoại ngữ, thuộc kiểu công dân toàn cầu, nỗ lực tham dự với những thành công và cả những đổ vỡ khôn lường...

Những sắc màu truyện ngắn

BVT: Theo quan niệm truyền thống, truyện ngắn thường chú ý đến những “lát cắt”, “khoảnh khắc” đời sống. Nhưng trong cuộc thi này, tôi thấy truyện ngắn đã trương nở, ôm trùm hiện thực bằng cách tái hiện những số phận, kiếp người. Có phải đó là những “mảnh vỡ của tiểu thuyết” đang rất đắc dụng trong tay nhà văn hiện nay? Những cây bút như Hữu Phương, Nguyễn Duy Liễm, An Bình Minh, Đoàn Ngọc Hà… thường có xu hướng viết truyện ngắn tiểu thuyết hóa.

VG: Truyện ngắn vốn đa dạng. Viết theo lối “lát cắt” hay lối “trương nở”, “ôm trùm” mà hay thì đều quý. Có điều, nếu người viết mới, ngay từ đầu đã tham vọng “tiểu thuyết hóa truyện ngắn” thì dễ thất bại, do anh ta bị đuối sức, không quản lí được nhân vật, mạch truyện...

BVT: Như trên đã nói, cuộc thi nào cũng được quyết định thành công bởi chủ thể sáng tạo. So với cuộc thi truyện ngắn 2013-2014 của Văn nghệ Quân đội, anh thấy lần này có ánh lên những sắc điệu mới? Ý tôi là xét từ phương diện mĩ cảm. Tôi thấy lần này các cây bút nữ đã góp phần đáng kể làm cho truyện ngắn tươi mới hơn.

VG: Điều này thì tôi thấy chưa rõ nét lắm. Như tôi nói bên trên, một số cây bút viết về sinh thái và về những thứ nghề/ người hiện đại dường như đã đưa đến cho cuộc thi một thứ sinh khí mới thì phải.

BVT: Một dạo ta hay tách bạch “nội dung” và “hình thức” khi tiếp cận tác phẩm văn chương. Bây giờ khi nói về một tác phẩm hay (chưa nói là xuất sắc) thì nên nói về nó như một chỉnh thể khó tách rời “ruột” và “vỏ”. Anh có tán thành ý kiến này? Tôi muốn cùng trao đổi về cái gọi là những “cách” viết truyện ngắn hiện nay của các cây bút tham gia cuộc thi. Anh có nhận thấy khi viết truyện ngắn, cần nhất trước hết là tìm ra những “tứ” mới và hay?

VG: Hình thức ấy là hình thức của nội dung ấy và chỉ của nội dung ấy; cũng vậy, nội dung ấy tìm đến hình thức ấy và chỉ của hình thức ấy mà thôi. Nghĩa là chúng quan hệ hòa huyết, máu thịt trong nhau để làm nên một sinh thể nghệ thuật. Làm sao có thể tách bạch ra theo cách cơ học được.

Tứ truyện là một vấn đề phức tạp. Ai sành truyện ngắn đều cảm thấy là có tứ. Nhưng bảo định nghĩa tứ truyện là gì, quả không dễ. Tôi thì cho rằng tứ truyện là một tình huống bất bình thường của đời sống, nơi đó có khả năng kích hoạt cảm hứng sáng tạo và hàm chứa ý nghĩa xã hội, nhân văn. Thí dụ, cái truyện Vợ nhặt của Kim Lân mà ai cũng biết, tứ của nó chính là chuyện đùa mà thành thật để làm nên một đám cưới nhỏ trong một đám ma lớn của toàn xã hội. Đó là một tình huống tạo sự bất ngờ thú vị, mang ý nghĩa sâu xa về đời sống và phận người đấy thôi.

BVT: Theo anh, cách viết nào ưu trội qua những tác phẩm dự thi?

VG: Theo quan sát của tôi, căn cứ vào lối viết, thấy có mấy cách sau: mô tả hiện thực (phơi bày hiện thực, phân tích hiện thực); trữ tình nội tâm (biểu đạt nội tâm, phân tích tâm lí); giễu cợt hài hước; hiện thực huyền ảo. Căn cứ vào những gì đọc được, tôi thấy lối viết phân tích tâm lí và hiện thực huyền ảo có vẻ đang nhỉnh hơn so với mấy lối viết còn lại.

BVT: Tôi nghĩ các cây bút cao tuổi có vẻ ít nhúc nhích. Làm mới, đổi mới thật là khó khăn. Đâu phải như thò tay vào túi lấy ra dễ như bỡn, như ai đó đơn giản nghĩ. Thế còn những nhánh khác, theo quan sát của anh?

VG: Nếu các cây bút tuổi đã cao mà không có “lòng trẻ” thì khó thay đổi lắm. Thử thách lớn nhất đối với họ là khả năng làm mới lại chính mình. Mới ở cách cảm nhận và quan niệm về đời sống, về mĩ học, mới ở việc phát hiện vấn đề, mới ở cách biểu đạt… Cái câu này của dân gian đưa vào đây cũng có thể gợi lên nhiều liên tưởng: “Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già”. Khôn về kĩ thuật mà thiếu về vốn sống/ văn hóa cũng hỏng. Khỏe về vốn sống/ văn hóa mà yếu về kĩ thuật, thi pháp cũng không ăn thua. Khó vậy thay!

BVT: Anh có thấy một nền văn chương mang gương mặt nữ phát lộ qua sáng tác của các cây bút thuộc “phái yếu” (tôi tính đếm có đến 1/3 cây bút nữ trong số những cây bút đã được giới thiệu trong chặng đầu)? Họ viết theo lối/ cách nào khác so với phái mày râu, trong cuộc thi này?

VG: Anh hãy “cảnh giác” về cách đọc của chính giới mày râu chúng ta. Khi đọc những cái viết nữ có thể ta diễn dịch theo cái nhìn của nam giới đấy. Do cái nhìn này mà yêu ghét có khi dễ bề nghiêng ngả. Cho nên, theo tôi nghĩ, sau này trong ban giám khảo, nên có vài ba thành viên nữ, để có cái nhìn cân/ công bằng hơn. Riêng tôi, tôi cũng chỉ khoái vài ba giọng nữ ở chặng này thôi.

Những thiếu hụt

BVT: Nói một cách tổng quát thì thiếu hụt của các tác giả dự thi lần này là thiếu vốn sống, hay thiếu tri thức, hay thiếu vốn văn hóa, hay thiếu kĩ thuật viết văn/ truyện ngắn?

VG: Với người này thì thiếu vốn sống/ văn hóa. Với người khác lại thiếu tri thức thể loại, kĩ thuật viết. Thí dụ, viết truyện ngắn mà lại gần như là truyện kể; hoặc không ít truyện chọn lối kết truyện theo cách kết thúc có hậu của cổ tích thì là mắc loại lỗi thứ hai rồi. Khi anh kết theo cách ấy tức là anh kết đóng, xong xuôi, thỏa mãn cảm hứng đạo đức, chứ không tạo ra tính vấn đề, nỗi khắc khoải chiều sâu, độ ám ảnh và dư ba.

BVT: Văn chương là nghệ thuật ngôn từ. Định đề này bất di bất dịch. Tôi thấy các tác giả dự thi lần này chưa thật “chăm bẵm” tiếng mẹ đẻ. Nghĩa là nghiêng về “chuyện” mà nhẹ quan tâm “văn”. Ví dụ có cây bút nữ viết “Cánh cửa gỗ đã hết date”. Tại sao không viết cho thuần Việt (“Cánh cửa gỗ đã cũ kĩ” chẳng hạn). Ý kiến anh thế nào?

VG: Tôi đồng ý với anh. Một số cây bút, nhất là cây bút trẻ ít có ý thức chăm chút ngôn từ. Dùng từ sai, câu sai hơi nhiều. Nhầm lẫn giữa câu sai với câu đặc biệt, câu nhiều thành phần. Điều này rất đáng lo ngại. Nó bộc lộ không chỉ ý thức mà còn là năng lực tiếng Việt của mỗi người cầm bút. Phẩm chất đầu tiên của người viết văn phải là giỏi tiếng Việt, có tình yêu và trách nhiệm với tiếng mẹ đẻ. Nếu không như thế thì viết văn làm sao được!

Đi tìm truyện ngắn hay

BVT: Theo tôi, ở chặng đầu chưa ló rạng giải cao (nhất, nhì) của cuộc thi này. Anh có nghĩ như thế không?

VG: Tôi đồng ý với anh. Giải cao đang còn nằm đâu đó ở phía trước. Tôi cũng mong những người trẻ và mới sẽ về đích một cách ngoạn mục. Mỗi cuộc thi chính là một cách làm hiệu quả nhằm cổ vũ cho sự sáng tạo nói chung.

BVT: Anh có thể nói thật ngắn gọn, thế nào là một truyện ngắn hay?

VG: Câu hỏi thật khó. Nhưng theo tôi, một truyện ngắn hay cần phải đạt được ít nhất bốn phẩm chất: có tư tưởng sâu sắc; có tính chân thực nghệ thuật; giản dị và thông suốt; có dư vị, ám ảnh.

BVT: Ai đó từng nói, Tạp chí Văn nghệ Quân đội có truyền thống trao ngôi vị khôi nguyên cho các cây bút nữ trong các cuộc thi truyện ngắn đã tổ chức nhiều năm qua. Liệu có thiên vị hay không? Trong cuộc thi này, điều đó có ứng nghiệm, theo anh?

VG: Tôi không thể đoán được chuyện này. Giải Nhất thuộc về nam hay nữ cũng đều đáng mừng. Nhưng nếu thuộc về một cây bút nữ thì niềm vui sẽ nhân đôi. Vì người ấy đã đoạt giải đúp mang tên “Người đẹp khôi nguyên truyện ngắn”.

PV (ghi)

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)