Như không hề có cuộc chia ly

Thứ Sáu, 28/03/2025 05:13

Thị xã Vinh, mùa hè 1962.

Một buổi chiều có gió biển từ Cửa Hội thổi về lồng lộng, mấy anh em bạn học cùng trường chúng tôi sau một hồi đạp xe đi gần hết thị xã, liền rủ nhau đến nhà cô giáo dạy Văn. Cô giáo cho chúng tôi xem cuốn sổ chép thơ của cô. Bên những trang thơ rất quen thuộc hồi đó của Tố Hữu, Tế Hanh, Bùi Minh Quốc... trong cuốn sổ đó tôi thấy có mấy dòng Tôi yêu vì một dòng sông/ Nước trong chảy mát như lòng tôi vui/ Lụa căng hoa vẽ từng đôi/ Gió xuân ngực cát, trăng soi tỏa mờ; và phía dưới, góc phải trang giấy, là một chữ ký vừa khoáng hoạt vừa nhấp nhô như sóng.

Những câu thơ ấy chưa phải là tuyệt hay, cô giáo Bùi Ánh Tuyết cũng không kể với chúng tôi về tác giả chúng là ai, nhưng tự nhiên, chúng đã gieo vào lòng chúng tôi một nỗi bâng khuâng nhè nhẹ.

Nhà phê bình Nguyên An.

Gần đây, đi tìm thơ Nguyễn Mỹ và có dịp đọc kỹ thơ anh, gặp những dòng thơ Anh ở đầu nguồn em cuối sông/ Khi nhớ mong em nước ngược dòng/ Vì ta, xin nước đừng chao sóng/ Mang đến hình em vẹn sắc hồng (E một nỗi - cuối 1958), rồi Những thung vui sớm chiều nghe biển gọi/ Núi khép vòng tay không muốn người đi/ Người cưỡi núi thúc chồm ra tận biển/ Hòn Yến đỏ ngời giữa sóng xanh say (Tuy An - 3/1966), và Biển vào Ô Loan nằm ngủ thiếp/ Sò huyết sinh trong đáy giấc mơ xanh/ Hãy nhớ về đầm Ô Loan bạn nhé/ Trời đất tinh trong cho bạn thấy tim mình (Tuy An), tôi cứ ngờ ngợ. Bài thơ trong sổ tay của cô giáo ngày nào và các bài này là một người viết đấy chăng? Tôi đem điều này tới hỏi thạc sĩ Nhật Lai là anh ruột nhà thơ Nguyễn Mỹ. Thay cho một câu trả lời, ông đưa thêm cho tôi mấy tập ghi chép của Nguyễn Mỹ. Cầm trong tay mấy tập ghi chép được gói cẩn thận bằng ba bốn lớp giấy, ngoài cùng có túi ni lông bao bọc, tôi đi vội về nhà.

Tôi lật lướt nhanh các trang ghi chép của Nguyễn Mỹ. Có nhiều chỗ giấy đã hơi ngả màu, chữ viết không đều, màu mực cũng không là một, có nhiều trang được viết cả bằng bút chì nữa… và thấp thoáng có những ký họa chân dung, ký họa đặc tả một mái tóc, một bàn tay…

Trong các cuốn sổ có tới gần trăm bài thơ và đoạn thơ viết dở cùng với một số truyện ngắn, ghi chép tư liệu và mấy đoạn nhật ký. Qua các trang viết này có thể thấy được khá rõ từng chặng đường công tác cùng những nơi Nguyễn Mỹ đã tới, những người Nguyễn Mỹ đã quen biết. Đọc các bài thơ và những ghi chép, những phác thảo truyện ngắn của anh mới thấy phạm vi suy ngẫm, liên tưởng của anh thật rộng. Và đường đi của các suy ngẫm, và liên tưởng ấy thật mạnh bạo và bất ngờ. Nguyễn Mỹ, chàng trai của mảnh đất khu V có Núi ông lom khom, núi bà đội nón/ Hòn Chiêng, Hòn Trống chiều sớm ngân nga với những cảnh Làng trên núi, giếng tiên trên núi/ Tiếng hát lô vần vụ những chim đàn (Tuy An) quả phải là một người đa cảm, và cả nghĩ. Hồi cuộc kháng chiến chống Pháp thành công, Nguyễn Mỹ đang là một chiến sĩ súng cối trong một đơn vị bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc. Cho đến lúc này, bước chân tuổi đôi mươi của anh đã đi qua nhiều chiến trường nổi tiếng ác liệt của miền Trung khói lửa và Tây Nguyên bất khuất. Dừng lại với vùng đất đỏ trung du xứ Nghệ, với gió Lào cồn cột thổi và dòng sông Lam trong xanh, hàng ngày, đơn vị Nguyễn Mỹ vừa ra thao trường tập luyện, vừa tham gia gặt lúa giúp dân hay lên núi chặt cây dựng nhà. Cuộc sống mới ở vùng hậu phương của thời chống Pháp này đã giúp các bài Cuộc chia ly màu đỏ sau này nghĩ rằng:

Phải biết tùy hoàn cảnh, và tiến lên chinh phục hoàn cảnh. Có vậy, mới có thể tranh thủ thời gian, dù chỉ là nhích lên, nhưng phải gắng mà nhích lên từng tấc từng gang, trên con đường đã định.

…Có đi đó đi đây, có lao động, có công việc đàng hoàng mới tự thấy thích, và muốn viết - và cũng chính có như vậy mới có cái viết (Nhật ký ngày 19/3/1958)

Vào một trong những ngày như thế, Nguyễn Mỹ đến thăm anh trai là nhạc sĩ Nhật Lai đang công tác ở đoàn văn công Tây Nguyên. Bên dòng sông Cả của xứ Nghệ, Nguyễn Mỹ sôi nổi kể cho anh nghe về công việc của mình, về ý hướng của mình. Nhật Lai mừng cho đứa em trai của anh, mới ngày nào đó còn ở nhà đi cày, mới ngày nào đó còn nhặt vỏ sò vỏ hến và hoa khế quanh nhà, và mới ngày nào đó trốn gia đình vào bộ đội… Đứa em có dáng người gộc gạc và tính khí hào hiệp một cách hơi sơ khoáng, bây giờ đã khôn lớn thế này đây, ông lắng nghe giọng đọc gấp gáp của người em:

Cuộc sống này vĩ đại biết bao nhiêu

tôi quý mến nâng niu từng giây phút

Với hai bàn tay, lá gan, bộ óc

để tôi yêu Tổ quốc của tôi

để tôi yêu hết thảy loài người

tôi bảo vệ, đắp xây và ca hát

Tôi muốn thơ tôi

thành gang thành thép

thành trăng tươi, gió mát, gối hiền

thành củ khoai, bông lúa, lưỡi liềm

và ánh sáng và hoa và chim và bướm

Thành một cái lông nhỏ

trong đôi cánh đôi cánh lớn

Bay bổng lên hạnh phúc thiên đường

thành chút dư âm

của biển sông yêu đương

vỗ nhè nhẹ

dưới chân trời cộng sản

(Thơ - 13/3/1957)

Rồi hai anh em chia tay. Như để trả lời anh trai, và cũng là để kỷ niệm ngày hai anh em gặp nhau bên dòng sông ấy, Nguyễn Mỹ đã viết tặng Nhật Lai bài thơ mà về sau, không rõ bằng những cách nào mà nó có ở sổ tay của khá nhiều người khác nữa - bài Gửi một dòng sông

Tôi yêu vì một dòng sông

Nước trong chảy mát như lòng tôi vui

Lụa căng hoa vẽ từng đôi

Gió xoa ngực cát, trăng soi tỏ mờ

Con thoi dệt mãi đường tơ

Xe săn chỉ thắm đôi bờ tre nghiêng

Mái chèo đua khúc giao duyên

Êm êm sóng vỗ hồn thuyền mênh mông

Đập dừng, cán nước thành bông

Âm vang tiếng hát trầm hùng: ra khơi!

Bến trong in những nụ cười

Và in mắt biếc một người tôi yêu!

(Viết ở Đô Lương - Sông Lam 20/7/1958)

Những ngày đầu đến với thơ và làm thơ, Nguyễn Mỹ đã có những “tuyên ngôn” thẳng thắn như vậy. Phía sau một sự tự nguyện dứt khoát về đường thơ của mình, phía sau một nỗi niềm tha thiết dạt dào với một dòng sông và mắt biếc một người tôi yêu ấy ở anh là một quá trình làm việc hết mình mà anh đã có lần ghi lại:

Đêm hôm qua 21/10. Không ghi nhật ký được. Làm bài thơ từ trưa đến tối vẫn chưa đạt. Lại một lần nữa rút kinh nghiệm. Nếu không có cảm xúc chân thật và chín muồi, không thể viết thành công. Giả tạo, gượng ép chỉ đưa đến thất bại mà thôi.

(Nhật kí ngày 22/10/1958)

Đầu những năm sáu mươi, Nguyễn Mỹ làm việc ở Nhà xuất bản Phổ thông. Ban ngày có mặt ở cơ quan và thư viện. Buổi tối, hầu như không có buổi tối nào anh ở nhà trọn vẹn: Hôm thì anh đi học ngoại ngữ (tiếng Nga), hôm thì anh đến một nhà người bạn ở cạnh Hồ Tây (Hà Nội) hoặc nhà một nhạc sĩ nào đó. Nguyễn Mỹ mải mê đàm đạo và hăng hái tranh luận. Nguyễn Mỹ hăm hở thể nghiệm thơ. Lâu lâu bất chợt, vào những giờ đã khuya khoắt, từ căn nhà lá anh ở, người ta lại nghe rộn lên tiếng đàn viôlông. Nguyễn Mỹ kéo đàn, tiếng đàn nghe có điều gì thật da diết và cũng có điều gì nghe thật dữ dội. Anh đang nhớ về quê hương. Nhạc sĩ Nhật Lai và nhà thơ Trúc Cương hay nhắc kể về Nguyễn Mỹ như thế. Quê anh, vùng Tuy An nổi tiếng trung dũng nghĩa khí giờ đang dưới vòng kẹp của Mỹ - ngụy, quê anh nơi có đầm Ô Loan rì rầm vỗ sóng suốt một thời thơ ấu của anh… Trong nỗi niềm thương nhớ cồn cào ấy anh viết Giấc mơ xanh, bài thơ chỉ bốn dòng như một lời tự bạch thốt ra thật chân tình không chút màu mè, mà qua đó nhiều bạn anh đã có thể có thể nhận ra rằng hồn thơ anh đã có một bước chuyển sang một chất lượng mới: đằm thắm hơn, tinh tế hơn, và cũng vắn gọn hơn trên cái nền tha thiết dạt dào mà anh vốn có:

Giấc mơ xanh còn mãi của tôi

Là Ô Loan đầm nước sáng ngời

Tôi như con sông nhoài trên biển

Mẹ gọi về đây nghỉ chút thôi

Rồi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của cả dân tộc bước sang một giai đoạn mới với nhiều chiến công oanh liệt hơn nhiều kỳ tích vẻ vang hơn, phần công dân trong phong cách của một nhà thơ - chiến sĩ ở Nguyễn Mỹ lại có dịp bộc lộ. So với nhiều cây bút trẻ đầy hăng hái lúc bấy giờ, Nguyễn Mỹ là một trong những người đầu tiên sớm bắt nhịp, với bước đi của những chiến công mới, anh có được những bài thơ ghi nhanh được một đôi phần hiện thực sôi động của chiến đấu, ghi nhanh được những cảm nghĩ của con người Việt Nam lúc ấy như: Lời chào của người cha gửi các phi công trẻ tuổi Việt Nam, Trên cánh đồng đảm đang, Đường Hồ Gươm với chiếc xe lăn… Ở những bài thơ này, Nguyễn Mỹ đã giúp bạn đọc hiểu thêm được thế nào là sự bình tĩnh Việt Nam, sức mạnh Việt Nam, niềm tin Việt Nam trong cuộc chiến đấu vì nền độc lập tự do của mình.

Thơ Nguyễn Mỹ những ngày này bên cạnh phần bộc trực, dạt dào, đã có thêm nét tài hoa (Con đường ấy) bên cạnh sự chân thực của cảm nhận đã có thêm sự khái quát giàu ý nghĩa biểu trưng (Câu đố về cây rựa). Giũa tiếng thơ cất lên từ một tâm hồn giàu xúc động và từ cuộc sống của một thanh niên nhiệt thành với bè bạn và lý tưởng, người ta thấy một lần nữa, con người anh được hiện ra thật hồn nhiên. Đó là một con người gắn bó máu thịt với thiên nhiên đất nước mình, đó là một thanh niên tràn đầy sức sống:

Tôi đi trong mưa ướt đầm như trẻ nhỏ

Lấy sét trên đầu làm pháo nổ vui

Từ thành phố tôi ra đồng ruộng

Đến với cỏ cây nảy lộc đâm chồi...

 

Ôi mưa Trường Sơn cây tróc đá lăn

Dù lá cọ che vượt lũ băng

Mưa Đồng Tháp ướt đẫm vai pháo nặng

Mưa giăng màn lọc cát khu Năm...

(Khúc hát tháng năm)

Vào giữa những năm sáu mươi, tin tức chiến đấu từ quê hương yêu dấu đã tạo nên những âm vang trong con người có nhạc cảm của Nguyễn Mỹ. Sống và làm việc mê mải, hào hứng ở Hà Nội, anh đã tranh thủ thực hiện những chuyến đi vào vùng trong: anh qua Thanh Hóa, anh trở về với đất Nghệ những ngày đầu mới tập kết, anh dừng lại với bến phà Bến Thủy - một trọng điểm giao thông trên tuyến đường chi viện Bắc - Nam. Những chuyến đi đã để lại cho anh nhiều ấn tượng về nhân dân cần lao và kiên trung, về cuộc kháng chiến vĩ đại vì nghĩa lớn cho muôn đời. Nhiều bạn quen biết Nguyễn Mỹ nhớ về anh thường nói: Anh là con người của những chuyến đi trong việc chuyển dịch công tác và đi trong sự vận động của tư duy và cảm xúc. Có lẽ đó là nhận xét đúng hơn cả đối với Nguyễn Mỹ trong những ngày này. Từ khu IV trở ra, dạo cùng các bạn thơ trên các con đường ở các công viên Hà Nội, ý nghĩ về những cuộc ra đi, những cuộc tiễn đưa cứ chập chờn ẩn hiện trong tâm tưởng của anh. Anh dần dần nhận ra: khi Tổ quốc cần, dám ra đi và tin chắc rằng mình sẽ trở về trong ngày chiến thắng với những người thân yêu - đó là một sự thực lớn lao của đất nước trong những ngày chống Mỹ cứu nước này. Anh đã viết bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ liền một hơi. Anh đã không dự cảm được hết là niềm tin son sắt của anh gửi gắm vào trong bài thơ có nhiều ngôn từ và hình ảnh rất chọn lọc theo một cấu trúc tự nhiên mà chặt chẽ kia một khi đến được với mọi người, nó đã được đón tiếp với sự trân trọng như thế nào. Nhiều năm tháng đã qua đi và sẽ qua đi, nhưng những năm tháng cả dân tộc chia máu chia lửa cho nhau vì nền độc lập tự do của mình như trong thời kì chống Mỹ cứu nước oai hùng vừa qua chắc chắn sẽ còn ghi một dấu son không thể mờ phai. Những cuộc chia ly cao cả mà Nguyễn Mỹ từng ca ngợi cũng sẽ được nhiều người Việt Nam yêu nước thương nhà ca ngợi. Cái màu đỏ chói lọi, thắm tươi rất đỗi thân yêu ở người đưa tiễn ngày nào Nguyễn Mỹ nói rằng Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi/ Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người/ Sẽ là ánh lửa hồng trên bếp/ Một làng xa giữa đêm gió rét... đã sưởi ấm cho bao nhiêu chiến sĩ, quả thực, giờ đây, đang là niềm thôi thúc, động viên rất lớn đối với những người con của Tổ quốc Việt Nam trên các tuyến đầu biên giới, hải đảo.

Tiếp bước nhiều văn nghệ sĩ chia tay với hậu phương lớn miền Bắc vào miền Nam tham gia chiến đấu và xây dựng nền văn nghệ giải phóng, tháng 10 năm 1968, Nguyễn Mỹ hăm hở lên đường. Bạn bè tổ chức những bữa liên hoan tiễn đưa anh. Họ lại cùng đi với nhau qua những ngõ phố và khu nhà quen thuộc của Hà Nội. Im lặng và tin tưởng, họ coi việc ra đi của người bạn khu V của họ là một sự trở về tất nhiên như tính khí và con người của anh đã hẹn trước sẽ có một ngày như thế. Còn Nguyễn Mỹ, lúc này anh ít nói hẳn. Vẻ trầm ngâm của anh báo hiệu với mọi người về một quyết tâm sống và viết hay hơn đang lớn dần lên trong anh. Bài ca, tên một bài thơ Nguyễn Mỹ viết sau chuyến đi đầu năm ngoái vào thành phố Vinh rực lửa phòng không đến với anh: Lạng Sơn là đỉnh đầu tôi/ Cà Mau là bàn chân tôi/ Trường Sơn là sống lưng tôi/ Hà Nội là trái tim tôi/ Biển Đông ngày đêm cuộn tràn khát vọng/ Phăng xi păng dựng ý chí tôi/ Sông Cửu, sông Hồng bồi đắp mãi cho tôi/ Mái đình, ngọn tre uốn nắn tâm hồn tôi. Và anh đọc to lên cùng bạn bè: Tôi không thể tự do khi Tổ quốc tôi còn áp bức/ Tôi không thể vẹn toàn khi Tổ quốc còn chia cắt/ Tôi chiến đấu cho Tổ quốc vẹn toàn và tự do/ là chiến đấu cho tôi... Giọng khu V trầm ấm từ lồng ngực trai trẻ của Nguyễn Mỹ hòa trong giọng Hà Nội, giọng miền Trung của bạn anh: Cho nên tôi sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc.

Như thế, Nguyễn Mỹ lên đường.

Vào tới ngoại vi Đà Nẵng, Nguyễn Mỹ làm việc tại Tiểu ban Tuyên truyền thuộc Ban Tuyên huấn Khu ủy V, kiêm phóng viên Báo Cờ giải phóng của khu ủy. Nguyễn Mỹ theo giao liên đến với những vùng giáp ranh để lấy tin và bài viết. Anh ước ao có những chuyến đi sâu và lâu hơn vào cực Nam Trung Bộ, nơi đã sinh thành ra anh để đằm mình trong sóng nước dầm Ô Loan, để Tôi như con sóng nhoài trên biển. Mẹ gọi về đây nghỉ chút thôi cho thỏa lòng thương nhớ, bởi anh vẫn tâm niệm rằng:

Biển vào Ô Loan nằm ngủ thiếp

Sò huyết sinh trong đáy giấc mơ xanh

Hãy nhớ về đầm Ô Loan bạn nhé

Trời đất tinh trong cho bạn thấy tim mình

Nhưng vì nhiệm vụ đang cần anh và nhiều đồng chí khác phải có mặt ở vùng đất nóng Quảng - Đà, anh đành dẹp ý nguyện riêng. Viết dưới ánh đèn dầu trong căn hầm dã chiến mà bên tai rào rào tiếng bom pháo, đi trên các nẻo đường rừng âm u mà náo nức bước chân ra trận của hàng trăm nghìn chiến sĩ trên thượng nguồn sông Thu Bồn, đó là những hoạt động bình thường của Nguyễn Mỹ trong thời gian này. Nhiều dự định sáng tác, nhiều thể nghiệm thơ và ký được anh thực hiện. Ngòi bút của một phóng viên mặt trận ở Nguyễn Mỹ đã được thử thách và trưởng thành lên rất nhiều. Nguyễn Mỹ không vừa lòng với sự có mặt của mình trong cuộc chiến đấu, anh muốn mình có ích hơn. Anh muốn mình làm được nhiều hơn - bản chất anh là thế, Nguyễn Mỹ xa lạ với sự chờ thời và sự run rẩy.

Thượng nguồn sông Thu Bồn, cách trại sản xuất Đắc Ta không xa, sáng ngày 16 tháng 4 năm 1971. Theo nhạc sĩ Nhật Lai (tác giả bài Hà Tây quê lụa, anh trai của Nguyễn Mỹ) thì Nguyễn Mỹ mất vào thời gian này - 16/4/1971. Lúc bấy giờ, sương sớm trong rừng đang tan nhanh, từ trong nơi tạm ẩn cuộc càn dữ dội của giặc, Nguyễn Mỹ nói với anh em: "Hãy để tôi ra trước nắm bắt tình hình...", anh rẽ lá cây bước ra. Gặp một người ăn vận như "đàng mình" từ xa đi tới, Mỹ cất tiếng hỏi. Chưa kịp nghe trả lời, một tràng súng đã vang lên, Mỹ trúng đạn. Khi giặc dò tới thì anh em đã rút hết.

Cái chết của anh thật quá bất ngờ. Anh đã có ích ngay trong giờ khắc cuối cùng của đời mình như anh hằng nghĩ. Máu đỏ của phần cơ thể một nhà thơ chiến sĩ trẻ tuổi ở anh hòa thấm vào đất đai Tổ quốc đã trở thành bông hoa rừng tươi thắm vẫy gọi bao người nối bước nhau Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai (Tố Hữu). Sự tiên cảm của anh đã thành sự thật một lần nữa:

Nghĩa là máu đỏ ấy theo đi

Như không hề có cuộc chia ly...

Giờ đây, trên nhiều nẻo đường chiến đấu và xây dựng, chúng ta đang được tiếp xúc bởi máu đỏ ánh lên từ những cuộc đời như anh - nhà thơ trẻ Nguyễn Mỹ.

N.A

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

Tại Củ Chi có một suất chiếu đặc biệt của bộ phim “Địa đạo- Mặt trời trong bóng tối” được gọi là suất chiếu tri ân.

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)