(Đọc tập thơ Nhốt đam mê của Đinh Sỹ Minh - Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2016)
. NGUYỄN TRỌNG TẠO
Tôi gặp Đinh Sỹ Minh đôi lần mà không biết anh làm thơ. Anh nói anh chỉ viết cho vui. Nhưng khi anh tặng tôi tập thơ Thăm thẳm bóng làng thì tôi đã bất ngờ khi đọc thơ anh. Thơ Đinh Sỹ Minh vừa hiện đại lại vừa đậm đà hồn quê. Có thể nói, nghề kĩ sư xây dựng, chăm sóc những công trình hiện đại ngày nay đã làm hồn quê của anh mang nhiều phong vị mới. Cái chất thi sĩ đã đẩy đưa anh đến với ngôn ngữ thơ của ngày hôm nay với nhiều liên tưởng và suy tư chiêm nghiệm về sự đổi thay của làng quê nói riêng và xã hội nói chung.
Sau tập thơ đầu tay, Đinh Sỹ Minh được bạn đọc và một số nhà thơ cổ vũ, anh liên tục có những bài thơ mới được đăng tải trên báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ Quân đội… và đặc biệt là trên facebook, blog. Thơ anh càng về sau càng giàu cảm xúc và tràn trề nội lực. Gần đây, anh đã chọn lọc thơ mới để cho ra mắt tập thơ thứ hai mang tên Nhốt đam mê. Một cái tên lạ, gợi sự tò mò cho bạn đọc. Cầm tập bản thảo Nhốt đam mê của anh trước khi đưa in, tôi đọc liền một mạch, thấy mỗi bài đều có sự cuốn hút riêng với nhiều câu thơ, ý thơ táo bạo và nhạc thơ như tuôn chảy.
Đi và đến mùa thu vẫn vậy
Mây lẳng lơ dải yếm hoang trời
Ta ngửa mặt đón cơn men lá
Mỗi nẻo đường, đâu cũng
đầy em.
Hình như mùa thu là mùa quyến rũ hồn thơ Đinh Sỹ Minh với vẻ đẹp choáng ngợp của đất trời cây lá và con người. Anh làm nhiều thơ về mùa thu mà mỗi bài mỗi vẻ. Đó cũng là những khoảnh khắc tâm trạng không kìm nén được của người thơ. Khi thì bức bối về vầng trăng trung thu bị mây che khuyết, khiến lòng người cũng hao khuyết, buồn sâu:
Mùa ẩm ướt vừa đi ngang
thành phố
Mùa lạm phát mây
Mùa xa xỉ sao trời
Trung thu khuyết trăng
Vẹt cả màu sương khói
Phố thì đầy mà ta vẫn vắng ai.
Khi thì ríu rít trước cảnh quê với “nắng nõn, trời xanh”, đu đủ vàng, “hoa khế trắng”:
Đu đủ níu nhau vàng,
biển ngoài kia chưa nín
Hoa khế trắng cong cành
chiu chít lời quê
Nắng nõn, trời xanh xứ sở
Gió theo non, gió lõm vòm yêu.
Thơ Đinh Sỹ Minh giàu hình ảnh đẹp. Những hình ảnh gần gũi, thân quen, nhưng qua con mắt của tâm hồn thi sĩ, bỗng như có gì mới lạ. Ta nghe chữ xôn xao, chộn rộn cùng lòng người. Ta thấy cảnh khi vui khi buồn qua nhiều trạng thái tâm hồn. Ta thấy ta cũng như đang bay cùng “gió tươi”, hòa tan trong câu giặm câu ví nơi quê kiểng, và, ta thấy ta như đang mang nặng nỗi yêu người. Đó cũng là tâm trạng của “người đang yêu” chân thành và lãng mạn:
Tôi một gã quê ngập vào tình đất
Nghêu ngao em điệu ví quê mình
Tưới vào biển để làm tươi gió.
Cái mạch quê ở tập thơ đầu như gợi mở cho tập thơ sau. Vẫn làng ấy, đất ấy, vẫn Mùa lá rụng khẳng khiu lời thề cũ/ Hoa xoan nở cuối mùa/ nở cho cả những mong manh, nhưng mỗi ngày anh lại nhận ra một điều mới lạ ở chốn quê. Cái làng ấy, cánh đồng ấy không còn như xưa, tất nhiên là thế. Nhưng với Đinh Sỹ Minh thì khác:
Cánh đồng giờ có hẹp hơn, làng to ra, ừ nhỉ! Nhìn góc ruộng lúa trơ còn rơm rạ, thấy mẹ xưa hóa hạt gạo thảo thơm.
Vâng, mỗi người đều mang theo những kí ức làng. Nhưng trong câu “thơ văn xuôi” ấy, kí ức không còn là kí ức nữa, mà đã trở thành hiện tại. Chính vì vậy mà ta thấy không gian và thời gian nghệ thuật trong thơ anh luôn quấn quýt vào nhau.
*
* *
Người ta cũng nói nhiều về nỗi buồn trong thơ. Có người còn cho rằng, “nỗi buồn là căn nhà ở đời của thơ”. Đọc thơ Đinh Sỹ Minh, tôi cũng gặp không ít những nỗi buồn. Buồn xa vắng. Buồn thất tình. Buồn thế sự. Và cả những nỗi buồn vô cớ. Những nỗi buồn trong thơ anh đều là nỗi buồn đẹp. Đôi khi tôi thấy nỗi buồn trong thơ anh lây lan sang cả hồn tôi. Buồn mà thương lắm. Buồn mà yêu lắm…
Những đa đoan dắt nhau về
mây lạ
Một cú phôn làm đẫm mưa rồi
Ta hai ngả
Khúc ru đành lỡ
Mặn mòi ơi, xin ướp hồn tôi.
Hoặc là:
Tà áo trắng câu thơ em bỡn cợt
Câu thơ thả vào anh thảng thốt
Mãi làm anh mắc cạn bờ mong.
Một cô gái bỡn cợt hay chọc ghẹo mình thì có khi chỉ là sự “làm duyên” của phái đẹp. Vậy mà Đinh Sỹ Minh lại chạnh lòng. Phải chăng anh quá nhạy cảm? Vâng, có thể là như vậy, yêu quá hóa buồn. Yêu quá nên những kí ức tình yêu cứ găm sâu và níu kéo tâm hồn người thơ tưởng như không chịu nổi. Và anh phải nén lòng trong cuộc tiễn đưa:
Không xua được những ngày
quá vãng
Nhốt đam mê tận đáy
Tiễn em!…
Và lần nữa, ta lại gặp trong thơ anh cái từ “nhốt” như là định mệnh:
Vo đêm vào ngọn gió trời
Nhốt tình sương khói
Bời bời khói sương.
Để rồi “lử đử” đi tìm trong hi vọng mong manh:
Hoàng hôn vét cạn
sắc màu
Chiều đi lử đử
men câu hẹn hò.
Tôi nói nỗi buồn trong thơ Đinh Sỹ Minh vừa thương, vừa yêu là thế. Nó đều hiện ra từ những câu thơ “đẹp như nỗi buồn”.
*
* *
Cũng cần nói thêm, nghề xây dựng đôi khi cũng len lỏi vào thơ anh những từ ngữ của chuyên môn thô ráp mà ý nhị. Người ta nói thơ là người. Thì cái con người xây dựng trong anh hà cớ gì lại không nhập vào thơ. Những “lấp xuống”, “đào lên”, những “đá sỏi”, “bê tông” nghe thô ráp chả có gì là thơ cả, vậy mà anh đã thổi hồn vào nó, thổi yêu thương vui buồn vào nó:
- Ngày đầy
rồi lại tháng vơi
Dãi dầu
lấp xuống
nỗi đời đào lên.
- Nước mắt để lòng không hóa sỏi
Dẫu mỗi ngày bè bạn với
bê tông.
Và đôi khi anh cũng chơi chữ rất đời thường:
Khi tỉnh dậy sắp qua rồi
tháng sáu
Sợ lòng mình chưa kịp
giải khát nhau.
Cái từ “giải khát” dùng ở đây khá táo bạo. Nhưng nếu lạm dụng chơi chữ kiểu này đôi khi dễ bị “răng cắn môi” lắm lắm.
Dù tập thơ vẫn còn một số bài tứ chưa thật mạnh, tình chưa thật sâu, nhưng với sự bứt phá ở tuổi “nhi nhĩ thuận”, Đinh Sỹ Minh đang làm mới thơ mình, trẻ hóa tâm hồn mình. Đó chính là niềm “đam mê tận đáy” với thơ với đời của anh.
Hà Nội, 6/10/2016
N.T.T