. NGUYỄN THANH TÚ
Thực tế khẳng định công cuộc Đổi mới toàn diện do Đảng khởi xướng và lãnh đạo từ Đại hội VI đã có những thành tựu to lớn, vượt bậc, trong đó có văn học. Đổi mới vừa là mục tiêu vừa là phương châm: “Chỉ có đổi mới thì mới thấy đúng và thấy hết sự thật, thấy những nhân tố mới để phát huy, thấy những sai lầm để sửa chữa”. Đặc biệt, trong hai ngày 6 và 7 tháng 10 năm 1987 cuộc gặp gỡ thân tình cởi mở giữa đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với gần 100 văn nghệ sĩ đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho công cuộc đổi mới văn học. Ngày 28-11-1987 Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 05 về Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới như một làn gió mới, một ánh sáng mới hướng văn học vào quỹ đạo của sự phát triển. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Nghị quyết đánh giá chất lượng văn nghệ từ sau 1975 “nói chung còn thấp, tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị nói chung còn ít, bệnh phô trương hình thức, công thức sơ lược còn nặng”. Về lãnh đạo văn nghệ thì “còn có nhiều biểu hiện giản đơn, thô thiển, thiếu dân chủ”. Nghị quyết cũng đánh giá, khẳng định văn nghệ như một giá trị văn hóa có tác dụng lâu dài, bền vững, là món ăn tinh thần không thể thiếu của con người chứ văn nghệ không chỉ phục vụ những gì trước mắt, thực tế. Rõ ràng Đảng đã rất coi trọng đặc trưng thẩm mỹ, vai trò, nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của văn học nghệ thuật trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
Đổi mới văn học là xu thế tất yếu để phù hợp, thích ứng với tình hình mới. Đổi mới không phải là phủ định giá trị cũ mà là sự khẳng định sự đóng góp của lịch sử. Trên tinh thần ấy chúng ta đánh giá vai trò mang tính chất tiên phong của văn học cách mạng giai đoạn 1945-1975. Với độ lùi hơn 40 năm, hôm nay (2016) nhìn về văn học kháng chiến ta thấy có hiện tượng này: vì được đẩy vượt lên quá mức giới hạn thông thường nên các phạm trù bị phá vỡ, vượt khỏi khung khái niệm. Nhân vật trở thành siêu nhân vật; không gian trở thành siêu không gian...rồi siêu kết cấu, siêu ngôn ngữ, siêu giọng điệu...Không còn là kết cấu thông thường mà đi theo kết cấu, diễn biến của các trận đánh, các chiến dịch; không còn là ngôn ngữ thông thường mà trở thành ngôn ngữ của lương tri, của trách nhiệm, chính nghĩa; không còn là giọng điệu cá nhân đơn lẻ mà là giọng điệu của thời đại...Đấy là lẽ tự nhiên. Chiến tranh là hiện tượng bất thường. Cuộc chiến vệ quốc của chúng ta phải chống lại và chiến thắng các siêu cường đế quốc (Pháp và Mỹ). Nền văn học cách mạng đã cố gắng hết mình sáng tạo trong miêu tả và phản ánh cuộc chiến vĩ đại ấy. Phải khẳng định giá trị và ghi công vào trang vàng lịch sử nước nhà nền văn học nhân đạo này. Vì ưu tiên nhiệm vụ chính trị kêu gọi cổ vũ nên phải chạy theo sự kiện nên không thể chú trọng đến vấn đề con người cá nhân. Đây là một đặc trưng chứ không phải là một hạn chế (nếu có thì hạn chế này thuộc về lịch sử). Văn học Việt Nam 1945-1975 đã thực sự mang một tầm văn hóa lớn lao đấu tranh vì con người, vì lẽ phải.
Hết giặc giã đất nước bước vào thời kỳ mới và bắt đầu phải đối phó với bao nỗi khó khăn ngổn ngang phức tạp của thời bình. Có thể coi những năm từ 1975 đến 1985 là thời kỳ văn học diễn ra sự đổi thay ở chiều sâu với những trăn trở vật vã tìm tòi thì từ năm 1986 đến 1992 là thời kỳ đổi mới diễn ra rõ rệt trong đời sống văn học mà biểu hiện cụ thể là hàng loạt những tác phẩm gây xôn xao dư luận bởi những cách viết mới về những vấn đề mới: Thời xa vắng (1986), Đám cưới không có giấy giá thú (1989), Thân phận của tình yêu (1990), Bến không chồng (1990), Mảnh đất lắm người nhiều ma (1990), Ăn mày dĩ vãng (1992)...
Đất nước mở cửa làm bạn với tất cả các nước trên thế giới. Tầm mắt của các nhà văn được dõi nhìn về nhiều những chân trời văn học khác nhau. Văn học được đón những luồng gió thi pháp trên khắp thế giới thổi tới làm phong phú đa dạng thêm rất nhiều bức tranh vốn đơn sắc. Trở thành đa sắc thì có nghĩa là muôn hình nhiều vẻ, do vậy khó nhận dạng, khó nắm bắt. Có cái cũ trở nên lỗi thời nhưng cũng có cái cũ trở thành cổ điển. Có cái mới nhập tịch được công nhận nhưng cũng có cái mới đưa vào gượng ép thành ra sống sượng... Hai xu hướng đổi mới nổi bật là hiện đại hóa và đổi mới từ truyền thống. Ở xu hướng thứ nhất có thể hình dung văn học là sự phân nhánh. Trước đó hầu như chỉ có một dòng sử thi thì nay phân ra thành nhiều dòng. Đề tài được mở ra, các cách viết mới được thể hiện. Các dòng đời tư, thế sự…thấm dần rồi tuôn trào vào các ngóc ngách đời sống mà trước đây cấm đoán, kiêng kỵ. Nhất là về hình thức thì thật muôn vẻ: dòng ý thức, đa thanh, trò chơi, kỳ ảo… Ở hướng sau thì văn học lại như là sự hợp lưu của nhiều dòng, dòng chủ lưu sử thi không trong vắt như xưa mà nhiều màu sắc, cường tráng hơn và cũng phức tạp, khó lường hơn. Xét tương đối cụ thể về phong cách thì dễ thấy có các khuynh hướng, như khuynh hướng hiện thực nhưng đối tượng được soi chiếu từ nhiều góc độ khác nhau, tiêu biểu là Thời xa vắng-1986 (Lê Lựu); Bến không chồng-1990 (Dương Hướng); Mảnh đất lắm người nhiều ma-1990 (Nguyễn Khắc Trường)…khuynh hướng kỳ ảo với Thiên sứ-1995 (Phạm Thị Hoài); Tướng về hưu-1988; Mưa Nhã Nam-1999 (Nguyễn Huy Thiệp)… Xét về đổi mới nghệ thuật trần thuật thì Vòng sóng đến vô cùng -1987 (Nguyễn Khải) mang tính tiên phong trong việc sử dụng hình thức đối thoại khá linh hoạt tạo cho tác phẩm sự đa dạng về giọng. Đặc biệt là Nỗi buồn chiến tranh với sự đổi mới đi sâu vào xung đột cá nhân, kế thừa các cách kể hiện đại như trần thuật theo dòng ý thức, ghép mảnh…
Đến Đại hội VIII (2000) của Đảng thì vấn đề đổi mới trong văn học càng được coi trọng, nhấn mạnh. Nghị quyết Đại hội mở ra chân trời nghệ thuật mới để văn nghệ sĩ sáng tạo: “Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học- nghệ thuật có giá trị tư tưởng nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, có tác động sâu sắc xây dựng con người. Khuyến khích tìm tòi, thể nghiệm mọi phương pháp, mọi phong cách sáng tác vì mục đích đáp ứng đời sống tinh thần lành mạnh, bổ ích cho công chúng”. Nhờ ánh sáng ấy, định hướng ấy văn học ta bước vào vụ mùa bội thu mới. Hàng loạt những tác phẩm xuất hiện chứng minh một nền văn học phong phú về đề tài, đa dạng về bút pháp thể hiện, giàu có về giọng điệu. Chưa bao giờ sắc thái văn chương của văn học Việt Nam sinh động, phong phú, hấp dẫn như vậy. Có thể kể sơ lược, với bút pháp hiện thực cay đắng như Dòng sông Mía (Đào Thắng); giễu nhại như Thượng đế thì cười (Nguyễn Khải); kỳ ảo, siêu thực có Thiên thần sám hối (Tạ Duy Anh), Cõi người rung chuông tận thế (Hồ Anh Thái), Giàn thiêu (Võ Thị Hảo); bút pháp tượng trưng trong tiểu thuyết của Hồ Anh Thái, truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp…
Giới nghiên cứu ghi công đầu trong sự nghiệp đổi mới văn học cho “người mở đường tài hoa và tinh anh” là Nguyễn Minh Châu. Có thể ví dòng sông văn học Việt Nam sau 1986 sôi động, giàu hàm lượng phù sa nghệ thuật tuôn chảy về phía biển đời nhân dân thì những người như Nguyễn Minh Châu luôn ở thượng nguồn. Và người khơi nguồn, định hướng dòng chảy là Đảng ta. Đấy là những sự thật mà lịch sử văn học Việt Nam phải ghi dấu và khẳng định. Trên dòng sông văn học ấy có những thác nước văn chương mà thế giới phải chiêm ngưỡng, kính phục như Thân phận tình yêu của Bảo Ninh, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, thơ Hữu Thỉnh, tiểu thuyết Hồ Anh Thái…
NTT