Mãi mãi tỏa sáng ngọn lửa của tinh thần sử thi trong văn học cách mạng

Thứ Hai, 10/12/2018 00:54

. Nguyễn Thanh

Văn học sinh động hóa lịch sử bằng các hình tượng nghệ thuật. Văn học cách mạng 1945-1975 đã sinh động hóa lịch sử anh hùng của dân tộc ta bằng các hình tượng sử thi. Mặt trời sử thi văn học hiện đại đi theo quỹ đạo cách mạng của Đảng, được hấp thụ tinh thần yêu nước của bốn ngàn năm nên sẽ mãi toả chiếu ánh sáng nhân văn để đưa người đọc hướng về thế giới của cái đẹp chân thiện mĩ.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 1948 với bản báo cáo Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam đã mở ra một triển vọng, một hướng đi cho nền văn học mới. Đỉnh cao của văn học viết về cuộc kháng chiến chống Pháp là Đất nước đứng lên (1956) của Nguyên Ngọc. Sự xuất hiện của tác phẩm này cùng với âm hưởng vang dội của tiếng súng Đồng Khởi đầu những năm 60 của thế kỷ XX là những “cú hích” để văn học sử thi phát triển mạnh mẽ. Trong 3 năm 1960, 1961, 1962 chỉ tính riêng trong thể loại tiểu thuyết có hơn 20 cuốn xuất bản, mỗi cuốn phát hành trên dưới một vạn bản. Nhưng nguyên nhân quan trọng hơn cả là vị thế dân tộc lúc này đang ở tầm cao của vũ đài chính trị thế giới. Sau khi thắng Pháp với trận Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”, cả thế giới nhìn chúng ta, kính trọng và ngưỡng mộ.

Đế quốc Mỹ xâm lược miền Nam. Cả nước lại đoàn kết thành một khối “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu). Chưa bao giờ “không khí sử thi” lại bừng bừng mạnh mẽ như bấy giờ. Những tác phẩm sử thi nguyên khối, tinh chất, không pha tạp ra đời như là một sự tất yếu. Cảm hứng sử thi hào sảng đã tạo ra những nhân vật đậm chất lý tưởng. Nhân vật như một vầng hào quang trên bầu trời sử thi tỏa chiếu ánh sáng lý tưởng soi dọi, hướng bạn đọc đi về phía cái cao cả, cái anh hùng. Ngoài sự thành công xây dựng những điển hình anh hùng thời chống Mỹ, văn học còn thể hiện được tinh thần của thời đại cả dân tộc một lòng đứng dậy đánh giặc: “Lớp cha trước lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành” (Tố Hữu).

Con người sử thi là con người trong vắt, con người của lý tưởng, của niềm tin, rất khó tìm thấy ở họ có chút gì riêng tư cho cá nhân mình. Tình yêu là lĩnh vực riêng tư nhất nhưng trong văn học tình yêu trai gái hòa vào tình yêu đất nước, tình yêu nhỏ nằm trong tình yêu lớn. Thật dễ hiểu các cặp đôi như Lữ-Hiền (Dấu chân người lính); Quỳnh-Hảo (Vùng trời); Thiêm-Mẫn (Mẫn và tôi); Ngạn-Quyên (Hòn Đất); ...đều là những nhân vật của sử thi, từ suy nghĩ đến “yêu đương” cũng rất “sử thi”. Tình cảm trong bức thư của người vợ gửi cho chồng (chính ủy Kinh) cũng có thể tìm thấy ở bất kỳ lá thư nào của những người vợ từ hậu phương: “...ở nhà mọi người đều bình yên và đang tích cực sản xuất để góp phần cùng tiền tuyến chống Mỹ cứu nước” (Dấu chân người lính). Những người vợ ấy đã xác định rõ không chỉ gửi thư cho chồng mà còn cho cả đồng chí của chồng. Cũng tương tự lá thư của những người chồng không chỉ là tình cảm của riêng mình mà còn là của chung đồng đội. Tất cả, những người nơi hậu phương, nơi tiền tuyến đều coi nhau như trong một nhà, tất cả vì mục tiêu đuổi giặc. Cũng rất lôgich, khi đồng chí coi nhau như anh em trong nhà, thì anh em cha con ruột thịt lại coi nhau như đồng chí. Thậm chí khi yêu nhau người ta cũng coi nhau như đồng chí. Một câu thơ đã nói rất đúng cái tình thời đó là tình đồng chí: “Rồi hai đứa hôn nhau hai người đồng chí”. Con người sử thi là con người “nén tình riêng vì nghĩa lớn” nên cái chết của họ cũng là cái chết của sự cao cả, là cái chết “gieo mầm” (tên một truyện ngắn của Nguyễn Thiều Nam).

Tương ứng với cảm hứng sử thi hào sảng và con người sử thi lý tưởng là một không gian sử thi hoành tráng. Đó là kiểu không gian mang tính xung đột căng thẳng: xung đột giữa dân làng Kônghoa với bọn giặc Pháp (Đất nước đứng lên); giữa nhân dân thôn Hòn Đất với tụi Mỹ Diệm (Hòn Đất); giữa đoàn không quân Sao Vàng với bọn không lực “Huê Kỳ” (Vùng trời)...Thường là xung đột không cân sức, bên ta thì ít người, vũ khí thô sơ; bên giặc quá đông cùng vũ khí hiện đại. Đó là xung đột chính nghĩa - phi nghĩa mà kết cục chính nghĩa giành được thắng lợi. Không gian sử thi được biểu hiện cụ thể qua hình tượng con đường, trận đánh. Đó là con “đường vui”, là “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”, “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. Con người thời đó tìm niềm vui, nguồn vui ở trong những trận đánh giặc: “Đánh Tây sướng bằng tiên chớ cực gì” (Người mẹ cầm súng)...Đấy không chỉ là tâm trạng của nhân vật chị Út Tịch mà còn là tâm trạng chung của hàng vạn, hàng triệu con người ở thời đó. Thời đánh giặc ấy không chỉ có những suy nghĩ sáng ngời lấp lánh một tinh thần sử thi của Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc…mà chúng ta có hàng triệu, hàng triệu những trái tim “trong như ngọc sáng ngời” như thế. Đấy là sự thật. Nhờ vậy chúng ta mới chiến thắng những đế quốc siêu cường cả về vũ khí cả về sự dã man!

Đặc trưng của không gian sử thi là không gian con đường đông đúc, chật chội, con đường “ta đi đánh giặc”. Trong không gian này lại mang một đặc điểm là tất cả như hòa lẫn vào nhau, con người lẫn vào thiên nhiên, người lẫn vào thác, người lẫn vào rừng, rừng lẫn vào súng đạn...Không chỉ con người đi đánh giặc mà cả không gian đi đánh giặc. Điều này càng tăng cường chất sử thi, đẩy hình tượng văn học luôn vượt lên trên cái bình thường để trở thành cái phi thường.

Con người yêu nước có văn hóa trước hết là con người không được quên đi quá khứ của dân tộc mình. Một quá khứ cực kỳ cao cả, đẹp đẽ, hào hùng như thời cả nước lên đường ấy càng phải được làm sống lại trong mỗi con tim người Việt hôm nay. Văn học của chúng ta đã góp phần làm tốt nhiệm vụ cao cả đó. Cả dân tộc phải đổ máu để giành lại độc lập tự do trong các cuộc kháng chiến vĩ đại. Có bà mẹ hy sinh cả chín mười người con cho sự nghiệp cứu nước. Kẻ thù đổ xuống dải đất thân yêu này hàng tỷ tấn vũ khí, giết hại hàng triệu dân thường, đốt phá hàng trăm nghìn làng mạc…Đây không phải là “một cuộc chiến tranh lạnh đầy thù địch” như có nhận định thiếu thiện ý mà là những cuộc chiến tranh tự vệ của một dân tộc khát khao có hoà bình, trân trọng con người, yêu tự do, không chịu nhục hèn chống lại bè lũ xâm lăng. Thế mà có ý kiến hàm hồ cho rằng cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại ấy là “cuộc chiến ý thức hệ”, “phi văn hoá”. Đây là sự cố tình lộn sòng các giá trị, đảo ngược các quan niệm, gây ra sự hiểu lầm về bản chất của những cuộc chiến tranh chính nghĩa và phi nghĩa. Chúng ta phải có một quan niệm rõ ràng: đối với kẻ xâm lược, cuộc chiến tranh ở Việt Nam đúng là “phi văn hoá” vì chúng là những kẻ giết người mang tội danh diệt chủng. Cho đến hôm nay vẫn có bao những em bé bị què quặt yếu ớt không mang dạng người bình thường vì bị mang di chứng chất độc màu da cam. Kẻ rải chất độc chết người ấy xuống những cánh rừng nguyên sinh, xuống những làng mạc bình yên là “văn hoá” hay “phản văn hoá”? Đối với nhân dân Việt Nam thì đó là cuộc chiến cực kỳ có văn hóa, vì đó là cuộc chiến tranh bảo vệ con người, bảo vệ lẽ phải, chính nghĩa!

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)