Giáo dục bằng sự thật

Thứ Bảy, 08/12/2018 00:42

. Nguyên Thanh

Truyền thuyết Hy Lạp cổ xưa kể rằng Vua Midas xứ Phrygie có tính tham lam, mà thứ ông ta tham nhất là vàng. Hình như cái tính ấy làm tâm hồn vẩn đục, tăm tối nên ông ta không thể phân biệt được tiếng đàn nào hay tiếng đàn nào dở. Trường hợp này thành ngữ người Việt gọi là: “Đàn gẩy tai trâu”. Thì ra người xưa, ở đâu cũng vậy đã rất triết lý: chỉ có những tâm hồn lành mạnh, trong sáng, sâu sắc và tinh tế mới có thể biết thưởng thức nghệ thuật. Có lần quá tức tối với Vua Midas mà Thần Âm nhạc Apollo bèn cầm lấy hai tai ông này kéo dài và nói: “Tai ngươi là tai con lừa!” (xét về trí khôn thì đúng là lừa và trâu tương đương nhau. Mới thấy người Việt ta thâm thúy thật!). Từ đấy, là vua nhưng có đôi tai lừa nên ông ta phải giấu, phải để tóc dài, phải đội mũ thật cao, vành mũ thật rộng. Nhưng cứ thế thì trời nóng sẽ rất khổ, rất ngứa ngáy và khó chịu. Mà ông ta là vua thì không quen sự khổ và khó chịu. Đành cho gọi thợ cắt tóc, trả công thật hậu hĩnh và điều kiện cũng thật ngặt nghèo: nếu để lộ bí mật của Vua sẽ bị trả giá bằng cái chết…Đương nhiên anh thợ kia nhận lời vì nhà nghèo lại đang kỳ ế khách và nhất là vinh dự được cắt tóc cho Nhà Vua!

Với món tiền công ấy anh thợ cắt tóc làm được bao nhiêu việc lớn và trở nên giàu có. Khổ nỗi cái bí mật phải chôn giấu trong lòng cứ ngày một lớn lên làm anh ta vô cùng khó chịu. Cái bí mật ghê gớm ấy, cái bí mật độc đáo lạ lùng ấy, cái bí mật hết sức buồn cười ấy mà không chia sẻ được với ai thì dù có giàu sang, dù có an nhàn, cũng thà chết đi cho xong. Nhưng cứ nghĩ đến cái chết là anh ta sợ! Cuối cùng cũng có một cách giải thoát: lên tận một đỉnh đồi cao, cách xa kinh thành, anh đào một cái hố sâu ba thước rồi thả cửa trút hết vào đó bầu ẩn ức của mình: “Vua Midas có đôi ta lừa! Vua Midas có đôi ta lừa!...”. Nói đến lúc nhẹ mình, lấp đất lại, chàng thợ hồn nhiên vui vẻ trở về với nghề cắt tóc xưa…

Nhưng từ cái chỗ anh thợ cắt tóc đào và lấp đất ấy mọc lên một cây liễu. Nó lớn nhanh như thổi. Và cứ mỗi lần làn gió thổi đến, cây liễu lại rì rào: “Vua Midas có đôi ta lừa! Vua Midas có đôi ta lừa!...”. Thế là cả đất nước biết được bí mật động trời của nhà vua xứ mình. Vua thì quá xấu hổ. Còn anh thợ cắt tóc thì phải chịu thực thi theo lời hứa…!!! Thế đấy: sự thật dù có đào sâu chôn chặt ba thước thì vẫn không chôn giấu được sự thật. Người Việt sâu sắc và thâm thúy, ngắn gọn hơn với câu: “Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”.

Đấy là những câu chuyện xửa xưa và ý nghĩa của nó cũng “xưa như trái đất”: không che giấu được sự thật, không được xuyên tạc, bóp méo sự thật. Thế mà ở ngày hôm nay, văn minh hiện đại như xứ ta vẫn có ít người không chịu học lại bài học cũ đã có từ mấy ngàn năm trước. Vì tư thù cá nhân, vì ý đồ xấu mà có người xuyên tạc từ đúng đắn thành sai trái nội dung phát ngôn của ông Giáo sư đáng kính nọ để tạo ra một cơn “bão mạng”. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Kẻ xấu thì bẽ mặt còn vị Giáo sư thì càng được mọi người kính trọng hơn vì tâm huyết, tài năng, vì cách hành xử văn hóa rất cao thượng.

Vì để có bài viết giật gân gây chú ý của độc giả, một vài “phóng viên” dựng đứng ra câu chuyện học sinh phổ thông trung học và cả học sinh trung học cơ sở ở một địa bàn nọ rủ nhau lên núi có ngôi chùa cổ làm chuyện người lớn. Kèm theo đó là cả ảnh của người trả lời phỏng vấn, cả ảnh “tang vật”…Cứ y như thật! Câu chuyện này rất nguy hiểm vì nó gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng không nhỏ tới ngành giáo dục, tới văn hóa mỹ tục địa phương…Nhưng sự thật được điều tra thì hoàn toàn ngược lại.

Sự thật dù có bị chôn giấu, bị xuyên tạc thì cuối cùng sự thật vẫn là sự thật. Nhưng trong cuộc sống, vì vẫn còn những kẻ có ý đồ xấu mà bẻ cong sự thật nên dẫn đến có người hiểu sai bản chất vấn đề. Đi tìm sự thật là cả một quá trình, do vậy rất cần tới bản lĩnh, sự bình tĩnh, kiên trì, và nhất là một sự tỉnh táo cần thiết.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)