Hồ Chí Minh tiếp thu văn học viết phương Đông thời cổ trung đại

Thứ Hai, 15/07/2019 00:55

. NGUYỄN THANH TÚ

Trong bài báo Trong trần ai, ai cũng ghét Ai, Bác Hồ đã “tập” từ hai câu thơ trong Bình Ngô đại cáo: “Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội/ Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi” mà Nguyễn Trãi đã viết để nói về tội ác trời không dung đất không tha của giặc Minh, thành: “Chẻ hết tre rừng cao, ghi không hết tội/ Múc hết nước biển cả, rửa không sạch thù!” 1 để tố cáo, lên án đế quốc Mỹ mà đầu sỏ là Tổng thống Aixenhao đang cùng bọn tay sai Ngô Đình Diệm gây ra với nhân dân miền Nam Việt Nam. Truy về nguồn gốc thì cụ Nguyễn Trãi lại “tập” từ câu nói của Lý Mật, một lãnh tụ nông dân nổi dậy khởi nghĩa chống lại nhà Tuỳ: Khánh Nam sơn chi trúc thư tội vô cùng/ Quyết Đông hải chi ba lưu ác lan tận” (Chặt hết trúc núi Nam cũng không ghi hết tội/ Sóng biển Đông tràn ra cũng không rửa hết mùi tanh hôi). Câu nói này kết tội Tuỳ Dưỡng Đế giết cha, giết anh để chiếm ngôi, trong suốt 23 năm trị vì ông ta đã làm biết bao tội đến ma quỷ cũng còn sợ 2. Hàm ý mỉa mai trong cách “tập cổ” của Nguyễn Trãi, ngoài tố cáo tội ác giặc Minh với dân ta, còn muốn nói rằng: các người có “truyền thống” tội ác, tổ tiên (triều đại nhà Tuỳ) các người (giặc Minh) đã từng có tội ác với anh em mình, dân mình như thế, khi trở thành kẻ xâm lược thì tội ác các người còn hơn thế nhiều.

Quả là văn chương thật vô cùng, càng học càng thấy các vĩ nhân có vốn hiểu biết thật uyên bác, sâu sắc, tinh tế!

Nguyễn Ái Quốc đọc Tứ thư, Ngũ kinh, dĩ nhiên, nhưng Người tiếp thu ở đó những cái hay, cái đẹp, những nét biện chứng dù còn thô sơ. Ví dụ dưới đây cho thấy Người học tập cái ngắn gọn, hàm súc, giản dị, dễ hiểu của triết học cổ Trung Quốc: “Trong sách Luận ngữ, chúng tôi dẫn câu này: Tăng Tử trả lời "Tất nhiên". Câu ấy chỉ gồm có một từ. Một từ mà cũng đã rất đủ để thể hiện cả nghị lực và toàn bộ kiến thức của Tăng Tử… Tôi thách ai có thể thêm, bớt một chữ nào trong câu ấy. Đó là lối hành văn thật sự trong sáng và cao xa” 3.

Tháng 2/1958 Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Ấn Độ và Miến Điện. Dưới hình thức những lá thư của L.T. “là một trong mấy cán bộ có vinh hạnh được đi theo Bác”, người nhận là “em Hương”, tác giả tường thuật lại cuộc hành trình. Có thể coi đây là sự sáng tạo ra một hình thức thể loại văn học mới: tác phẩm pha trộn hai thể loại thư - nhật ký, ghi lại những điều mắt thấy tai nghe để gửi cho người thân. Sự pha trộn hai thể loại này đã tạo ra hai đặc trưng nổi bật của tác phẩm là chân thựctình cảm, thuyết phục người đọc ở cảnh, chinh phục người đọc ở tình. Lá thư cuối gửi từ Rănggun ngày 14/2/1958, phần kết “anh” nói với “em Hương”: “Cuộc đi thăm hữu nghị của Bác và Đoàn đến hai nước bạn thế là kết thúc. Cả đi và về là 10.540 cây số trong 14 ngày. Em có xem truyện "Tây du ký", chắc em nhớ rằng đời nhà Đường (Trung Quốc) ông sư Huyền Trang sang Ấn Độ lấy kinh Phật cả đi và về mất 17 năm (từ năm 627 đến năm 644), dọc đường lại gặp nhiều yêu quỷ và lắm bước gian nan. Nhờ có "Tề thiên đại thánh" mới thoát khỏi mọi nguy hiểm. Ngày nay, đi từ Việt Nam hoặc Trung Quốc đến Ấn Độ chỉ mất một ngày 4 .

Một sự liên tưởng thật thú vị. Cũng là câu chuyện sang Ấn Độ thì người xưa, đi từ Trung Quốc “cả đi và về mất 17 năm”, “dọc đường lại gặp nhiều yêu quỷ và lắm bước gian nan”, còn “ngày nay, đi từ Việt Nam hoặc Trung Quốc đến Ấn Độ chỉ mất một ngày”. Tóm tắt ở mức cô đọng nhất câu chuyện dài vừa phù hợp với đối tượng trẻ thơ (em Hương), vừa làm nổi bật tác dụng của “Khoa học đã chinh phục không gian và thời gian”; vừa gợi cho “em Hương” say mê với văn chương, vừa hướng “em Hương” về con đường khoa học.

Trong bài Vị thành khúc của Vương Duy có hai câu kết: “Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu/ Tây xuất Dương quan vô cố nhân” (Chén nữa khuyên mời anh hãy cạn/ Dương quan bạn hữu mấy người hay). Bác Hồ mượn hai chữ Khuyến quân để tạo ra màu sắc thẩm mỹ mới: “Tảo khởi nhân nhân tranh liệp sắt/ Bát chung hưởng liễu, tảo xan khai/ Khuyến quân thả ngật nhất cá bão/ Bĩ cực chi thì tất thái lai”. Cùng là Khuyến quân nhưng Vị thành khúc buồn, khuyên người uống rượu để giải buồn mà nỗi buồn không vơi, Tảo lại hóm hỉnh, đùa vui dân giã, khuyên người ăn thêm cơm để chờ ngày tự do. Bài Thanh minh nổi tiếng của Đỗ Mục như sau: “Thanh minh thời tiết vũ phân phân/ Lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn/ Tá vấn tửu gia hà xứ hữu/ Mục đồng dao chỉ Hạnh hoa thôn”.

Bài thơ Thanh minh của Bác Hồ: “Thanh minh thời tiết vũ phân phân/ Lung lý tù nhân dục đoạn hồn/ Tá vấn tự do hà xứ hữu/ Vệ binh dao chỉ biện công môn”. Bác Hồ chỉ thay mấy chữ mà thay đổi hẳn bài thơ. Cùng là không thời gian “thanh minh” nhưng con người khác, tâm trạng buồn khác nhau. Người khách của Đỗ Mục buồn mà tìm tới quán rượu còn người tù buồn của Hồ Chí Minh đi tìm tự do. Tự do ở đâu? Lính canh chỉ ra công đường. Mà công đường của chế độ phản động ấy đâu có thể đồng nghĩa với công lý, mà là phản công lý. Thì ra tự do nơi ấy chỉ có thể là tra khảo, roi vọt, hành hạ. Thanh Minh của Đỗ Mục buồn trữ tình, Thanh Minh của Hồ Chí Minh buồn xót xa ẩn trong tiếng cười mỉa mai, châm biếm. Trình Hạo đời Tống trong bài Ngẫu thành có hai câu: “Phú quý bất dâm bần tiện lạc/ Nam nhi đáo thử diệc hào hùng” (Giàu sang không ham muốn, nghèo hèn vẫn vui vẻ/ Làm trai đến như thế cũng là hào hùng). Bác Hồ “tập” nguyên câu cuối trong bài Giải trào: “Ngật công gia phạn, trú công phòng/ Quân cảnh luân ban khứ hộ tòng/ Ngoạn thuỷ du sơn tuỳ sở thích/ Nam nhi đáo thử diệc hào hùng”. Lời thơ của Trình Hạo là lời tỏ chí của bậc nhà nho quân tử, khí khái nên không thể không trang nghiêm, cũng lời thơ ấy vào thơ Bác lại mang một sắc thái khác, đùa vui, tự trào. Bác cười với hiện tại, coi mình là người nhà nước có lính tráng hầu hạ hẳn hoi, coi tù đày chỉ là cuộc dạo chơi.

Giữa năm 1950 quân dân ta chuẩn bị chiến dịch Biên Giới có sự giúp đỡ của cố vấn Trung Quốc. Bác Hồ có làm bài thơ Tặng Trần Canh đồng chí: “Hương tân” mỹ tửu dạ quang bôi/ Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi/ Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu/ Địch nhân hưu phóng nhất nhân hồi”. Cần lưu ý là bài thơ này Bác gửi đồng chí Trần Canh trước ngày 9-10-1950 là ngày quân ta thắng lớn, biết được điều ấy để thấy rõ hơn tinh thần lạc quan và tầm nhìn tiên tri của Bác. Trần Canh là ai? Từ năm 1924 đến 1927 khi Bác Hồ hoạt động ở Quảng Châu (Trung Quốc), Người quen và kết bạn với Trần Canh lúc ấy đang học tập ở trường quân sự Hoàng Phố. Sau này Trần Canh trở thành một trong mười vị Đại tướng quân của Trung Quốc. Từ tháng 7 đến tháng 11-1950 Đảng Cộng sản Trung Quốc cử Trần Canh sang làm nhiệm vụ tham mưu giúp quân ta đánh trận Biên giới. Bài thơ đậm chất cổ điển - ở lối tập cổ, phỏng tác theo bài thơ nổi tiếng Kinh châu từ của Vương Hàn- nhà thơ đời Đường. Bản phiên âm bài thơ Kinh châu từ như sau: “Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi/ Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi/ Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu/ Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi?”. Bác Hồ chỉ thay hai chữ “bồ đào” thành “hương tân” ở câu đầu và thay hẳn câu cuối để bài thơ mang một nội dung mới: quân ta thế mạnh thắng địch dễ dàng nên tướng quân có thể say khướt nơi sa trường, còn địch thì chẳng một tên thoát. Bài thơ này cho thấy Bác Hồ là người phóng túng chứ cũng không nhất nhất phải theo quy tắc cứng nhắc, Bác cũng muốn đại tướng quân say rượu nơi sa trường, dĩ nhiên là say sau khi thắng lợi. Một tiếng cười vui, hóm hỉnh, tin tưởng, cổ điển, trang nghiêm mà rất đời thực!

Thơ ca cổ điển Trung Quốc, đặc biệt thơ đời Đường là một thành tựu vẻ vang trong lịch sử văn chương thế giới. Bác Hồ tập thơ Đường, Tống cũng là một cách kế thừa tiếp thu di sản văn hoá nhân loại. Cách tập thơ Đường của Bác cũng mang một phong cách riêng. Ngôn ngữ thơ Đường Tống mang màu sắc trang trọng nhưng vào thơ Bác lại trở nên hóm hỉnh, hài hước. Chúng tôi cho rằng không ngẫu nhiên mà trong bài Khai quyển mở đầu tập Nhật ký Bác Hồ lại tập nguyên một câu thơ cổ Trung quốc: Lão phu nguyên bất ái ngâm thi có nghĩa là lão phu vốn không thích ngâm thơ để mở đầu cho bài thơ của mình. Đấy vừa là một tuyên ngôn không coi nghệ thuật là mục đích tối thượng mà chỉ là phương tiện để đợi đến ngày tự do, vừa là một thái độ kính trọng yêu quý nghệ thuật thơ ca cổ điển Trung Quốc. Và phải chăng còn một lí do này: gây cảm tình với bọn cai ngục người Trung Quốc, rất có thể là họ đọc tập Nhật ký này để thấy Lão phu nguyên bất ái ngâm thi

 


1. Hồ Chí Minh toàn tập (2002). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 10, tr 254.

2.  GS Lê Đức Niệm (1995). Diện mạo thơ Đường . NXB Văn hoá, tr 5.

3.  Hồ Chí Minh toàn tập (2002). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 2, tr 157.

4. Hồ Chí Minh toàn tập (2002). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 9, tr 130.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)