Hiện tượng nhà văn Việt Nam sau 1975 - vài kiến giải

Thứ Ba, 17/01/2017 00:49
. LÊ HUY BẮC

1975 là mốc lịch sử, nhưng đồng thời là mốc văn hoá - văn học khi nhiệm vụ tái thiết đất nước được đặt lên hàng đầu, khi con người không còn sống trong nỗi sợ đạn bom. Cuộc sống thời bình đặt ra những mục tiêu và cảm xúc mới. Chuyện áo cơm và lợi ích vật chất đang dần trở thành tâm điểm của sự sống. Đây là lúc sự giàu nghèo xuất hiện rõ và cùng với nó là khoảng cách giàu nghèo càng nới rộng hơn bao giờ hết.

Nhà văn sau 1975 cơ bản thuộc hai nhóm: những người mang dư âm của cuộc chiến và những người không mang những dư âm đó. Ở nhóm thứ nhất, có thể nói đó là những người trưởng thành vào khoảng những thập kỉ 1960, 1970. Những người này thực sự tạo nên sự bùng nổ văn chương. Thông thường giới nghiên cứu lấy thời điểm họ sáng tạo để ghi nhận điểm mốc cách tân. Điều này không sai nhưng vẫn có chỗ bất cập. Thực tế thì đối với mọi sáng tạo nghệ thuật, thời điểm thực tại có vai trò rất khiêm tốn, chỉ là cú hích cho sự tuôn trào những cái từng được thai nghén, chiêm nghiệm, lưu cữu trong tâm thức nghệ sĩ kể từ khi người đó biết trải nghiệm đời. Với cái nhìn này, ta thấy, từ 1975 đến 1986 - thời điểm đổi mới, mở cửa của đất nước - các nhà văn ở nhóm thứ nhất đã thực sự nếm mùi “đói”. Những năm tháng đó, hai chữ “bo bo” trở thành khẩu lệnh trên miệng nồi cơm. Giữa cơn đói triền miên, bóng dáng hào hùng của cuộc chiến tranh thống nhất đất nước hình thành nên cái nhìn lạc quan - bi quan trong cảm thức của nghệ sĩ. “Cái đói” cộng với “dư âm chiến tranh” đã tạo nên một phức cảm thẩm mĩ kì lạ. Người ta cần một cảm hứng sáng tạo mới để có thể nói được những khao khát trong lòng. Những khao khát đó được tích tụ dần qua tháng năm, được nghiền ngẫm kĩ trong cảm thức phận người, để sau Đổi mới họ vụt hiện thành những nhà tiên phong trước bao ngỡ ngàng của dân tộc. Họ là Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Lưu Quang Vũ, Lê Đạt… Sáng tác của họ thực sự đã, nói như Nam Cao, “vượt lên trên bờ cõi và giới hạn”.

 
5019771 rez 649 dang than
 
247463 085 ESQ0116 WhatIvelearned NgVietHa 1
Từ trái qua: Nguyễn Ngọc Tư, Đặng Thân, Phan Việt, Nguyễn Việt Hà - Ảnh: ST

Văn chương ra đời từ nỗi đau, hiểu theo nhiều nghĩa. Những nhà tiên phong kể trên được tạo sinh từ nỗi đau vật chất bi đát của dân tộc. Mới hay, ở chỗ này, cái mà người ta thường đòi hỏi để văn học phát triển là “tự do sáng tác” xem ra không thoả đáng lắm với những trường hợp trên. Đội ngũ những nhà tiên phong sau 1975 vụt hiện thành thiên tài là nhờ được nuôi dưỡng bằng cái bầu sữa teo tóp kia…

Vậy nên, điều khiến cho các nhà tiên phong sau 1975 thực hiện ý đồ nghệ thuật hoàn toàn phụ thuộc vào việc họ có tài hay bất tài mà thôi. Rõ ràng, cùng đói như các bậc tiên phong kia, chúng ta có cả mấy chục triệu người, hay gần họ hơn là mấy trăm nhà văn, nhưng trở thành nghệ sĩ lớn như họ thì chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay. Ở đây cần chú ý đến hai yếu tố nữa, đấy là chuyện cần cù và thiên bẩm. Đương nhiên là thiên bẩm đóng vai trò cốt lõi, quyết định sự trở thành cái gì của ai đó, nhưng nếu không lao động cần cù thì dẫu tài năng đến mấy, ai đó cũng chỉ là kẻ vô danh tiểu tốt như triệu triệu người vô danh mà thôi. Vậy nên công thức thi triển tài nghệ của các nhà tiên phong nói trên là: đói + kí ức chiến tranh + tài năng + cần cù.

Nhưng đem công thức này mà áp dụng cho một thế hệ nhà văn cùng thời và gần họ thì ắt hẳn sẽ chẳng thu được kết quả gì nhiều. Bằng chứng là sau bộ bốn đó, thử hỏi văn đàn Việt còn có được mấy ai? Đương nhiên là không thiếu những nhà văn với nhiều cách tân và tâm huyết, những người ít nhiều đã để lại dấu ấn trên văn đàn quốc nội, có thể kể, như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quang Lập, Tạ Duy Anh, Cao Duy Sơn, Trần Thuỳ Mai, Hồ Anh Thái, Thanh Thảo… Những nhà văn này có thể sống bằng nghề, được độc giả mến mộ. Thơ văn của họ chuyển hướng từ thời chiến sang thời bình, hình tượng và lối viết có sự đổi khác. Họ viết về những nỗi đau thường nhật, về sự hoài nghi bản thể, về những khoảnh khắc bừng ngộ và bi đát của kiếp người cô độc và… về mọi thứ độc đáo mà họ có thể nghĩ ra hay tri nhận. Họ thường dùng ẩn dụ, biểu tượng hơn là chú trọng đến thể hiện hình tượng trực tiếp. Hầu hết họ là những người có học thức cao. Họ am hiểu kĩ thuật viết từ các nguồn Mĩ, Tàu, Pháp, Nga... Nói tóm lại, họ là những người biết cách vận dụng lí thuyết sáng tạo của ngoại quốc vào nền nghệ thuật ngôn từ quốc nội. Họ thạo chơi nhiều trò chơi ngôn ngữ, xứng đáng là đội ngũ trí thức khai phóng của thời mở cửa. Thế nhưng, công bằng mà nói tất cả họ đều chưa vươn được đến tầm của các vị tiên phong đã kể. Có lẽ khi những người tiên phong lên tiếng thì vũ trụ đã quy tụ trong họ nhiều thứ mà người đến sau không được ân sủng. 

Nhưng văn chương của một dân tộc không bao giờ đứng yên mà luôn có nhiều lớp kế cận. Trong bối cảnh hậu hiện đại đang tràn ngập khắp mọi miền địa cầu thì lối viết cũ cần được cách tân. Mỗi thời đại văn chương đều có bản thể của nó. Bản thể là cái bất biến của một thực thể để tạo nên hình hài, diện mạo cho thực thể đó. Con người tập thể trong sáng tác trước 1975 có bản thể của họ. Đấy là yếu tính cộng đồng. Nhờ yếu tính này mà sức mạnh dân tộc được nhân lên gấp bội để có thể viết nên những bản hùng ca bất diệt, khuất phục kẻ thù. Sau năm 1975, chúng ta thường nói đến con người cá thể trong văn chương.

Tình thực mà nói, giữa hai kiểu con người này thì khó phân định ai cao quý hơn ai, bởi muốn có con người cộng đồng thì cần có con người cá thể và ngược lại. Trước vũ trụ uy nghiêm và độ lượng khôn cùng, tất cả mọi tồn tại đều là một. Chúng ta chẳng thể tách mình khỏi cộng đồng và cộng đồng cần có cá nhân mới có thể gây dựng xã hội. Tất thảy mọi tồn tại đều có cùng bản thể, nhưng trong những bối cảnh nào đó, bản thể bị phân li. Văn chương chân chính khóc cho sự phân li đó. Vậy nên chẳng thể nào xem bản chất của văn chương hậu hiện đại đơn thuần là tái hiện con người bản thể. Con người đoàn thể có cái bản thể của đoàn thể, con người cá thể có cái bản thể của cá thể. Tất cả các kiểu người này đều trộn lẫn trong nhau và chỉ ưu trội hơn trong những hoàn cảnh nhất định. Những vấn đề này xưa như trái đất và từng được Martin Heidegger giải quyết, nhưng đến lượt mình, Martin Heidegger lại bị triết gia hậu hiện đại Jacques Derrida giải cấu trúc từ lâu.

Vậy nên, đã xuất hiện một thế hệ nhà văn thứ hai sau 1975, họ vẫn là những nhà hậu hiện đại, vẫn chịu cái đói của đêm trước Đổi mới, nhưng lại ở vào một chặng khác, những người mà khái niệm “kí ức chiến tranh” đâu còn trong từ điển cuộc đời. Họ là những nhà giải cấu trúc cả nhóm tiên phong lẫn nhóm liền kề. Lối viết của những người đi trước, kể từ Đổi mới đều đứng trước mối nguy bị phế bỏ. Ta có thể kể: Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương, Đặng Thân, Thuận, Nguyễn Ngọc Tư, Phan Việt, Linda Lê, Vi Thuỳ Linh…, những gương mặt ít nhiều đã tạo được dấu ấn. Họ còn trẻ và tương lai văn chương dân tộc sẽ thuộc về họ. Xét từ lối viết và lối sống của thế hệ đương đại này, ta thấy chặng đường phía trước của văn chương Việt là xu hướng vươn ra toàn cầu với cái nhìn đa/liên văn hoá. Mọi sự đóng kín đều là cõi chết. Người Việt đâu chỉ viết cho người Việt mà còn cho cả thế giới.

Đánh giá năng lực và triển vọng của nhà văn hay của một nền văn học, cần bỏ qua những yêu ghét thường nhật. Gần đây ở ta có xuất hiện xu hướng phê bình cả nể. Anh chơi với tôi, anh ăn nhậu với tôi, anh cùng cánh với tôi, anh ca ngợi tôi thì tôi ngợi ca anh... Nếu ngược lại, thì anh sẽ là kẻ thù của tôi và tôi không ngại gì mà không phỉ báng, “dìm hàng” anh… Điều này sẽ dẫn đến sự phi chuẩn và vô đạo đức khi nhìn nhận diện mạo thực của nghệ sĩ hay của cả nền văn chương quốc nội. Việc làm đó tạo nên hiện tượng cá mè một lứa, làm suy yếu sự cạnh tranh lành mạnh và lệch lạc chuẩn mực trong cách nhìn nhận nghệ thuật một cách trung thực và khách quan nhất.

Nhà văn của bất cứ thời nào cũng là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng ngôn từ. Bản chất kẻ sĩ của người cầm bút quy định tính chiến đấu đó. Không nên chia đội ngũ sáng tác thành nhà văn chiến sĩ và nhà văn kẻ sĩ với hàm ý phân định thứ hạng. Đấy là sự thiển cận cần tránh. Đừng nhầm tưởng khi ai đó nói mình không hành động thì có nghĩa là họ  không hành động, mà ý nghĩa của hành động của họ đã nằm trong cái sự không hành động đó rồi. Đừng nhầm tưởng khi nhà văn viết về những điều vặt vãnh tức là họ vô dụng, bởi những cái vặt vãnh nhìn từ góc độ nào đó sẽ quy chiếu từ nó bao giá trị cao quý của cuộc đời. Nhà văn hướng về cái đẹp như tiêu chí sống còn. Văn học hướng về sự giáo huấn như mục tiêu tối thượng. Không ai có thể tránh khỏi những khát vọng cao đẹp, dâng hiến và xả thân cho cộng đồng. Bởi nếu cứ bo bo cái bản thể vị kỉ thì không những chán ngắt mà còn quá đỗi điên rồ.

Vậy thì thể loại hay lối viết nào sẽ có triển vọng? Hiện tại, nhà văn Việt có người rơi vào vòng xoáy văn học đồng tính. Hướng sáng tác này tuy có ít nhiều giá trị nhân văn nhưng hoàn toàn không có lối thoát, y như những người mang căn tính này mà cứ loay hoay mãi để kiếm tìm hậu duệ trong sự bất lực tạo sinh. Ngày nay, tiểu thuyết hay truyện ngắn hay cả thơ dường như không còn hấp dẫn người đọc nữa. Có lẽ cái lối viết pha trộn giữa tiểu thuyết (đặc thù là hư cấu, đậm chất văn xuôi) với tản văn (đặc thù là cảm xúc, đậm chất thơ) để tạo nên một lối viết đa thức, thực - hư lẫn lộn, ngây ngô - thông thái lẫn lộn, thơ - văn lẫn lộn…, là lựa chọn khả dĩ cho văn chương tương lai?

Văn học cũng như lịch sử, tham gia nhiều, nhưng mai hậu sẽ còn chẳng bao nhiêu. Dễ thấy, người làm văn học thì nhiều nhưng “đi” vào văn học thì chẳng có mấy ai. Trong số hàng ngàn cái tên sáng tạo thơ cổ, may ra chỉ sót lại Mãn Giác Thiền sư, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… Trong hàng trăm thi sĩ của phong trào Thơ mới cùng lắm cũng chỉ có độ dăm cái tên còn được biết đến. Huống hồ ngày nay, sự bùng nổ văn chương ta vẫn chưa rộng khắp, mối quan tâm đến văn chương ta đang thấp quá, thì hi vọng lớn lao được đặt vào thế hệ thứ hai nói trên. Trong bối cảnh dư thừa vật chất (“không đói”), với tầm nhìn vượt đại dương của họ, ta có quyền hi vọng về một Hemingway hay Murakami Việt trong một ngày không xa.

L.H.B

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)