Vấn đề đô thị trong văn chương Việt Nam hiện đại

Thứ Bảy, 31/12/2016 00:39
.  ĐOÀN ÁNH DƯƠNG

Văn chương và đô thị
Nền văn chương Việt Nam hiện đại được khởi sinh gắn với quá trình hình thành các đô thị thời thuộc địa; tính chất của đô thị hiện đại làm nên tính chất của nền văn chương mới, gắn với tư bản in ấn, thương mại và truyền thông, với tư cách nghề nghiệp (nghề viết văn), khác hẳn truyền thống văn thơ phú lục thời trung đại. Đô thị vì vậy gắn chặt với sự hiện đại hóa văn chương: đô thị là đề tài đồng thời cũng là thuộc tính của văn chương hiện đại. Sáng tác văn chương về đề tài đô thị tức là sáng tác văn chương dựa trên chất liệu đô thị, đô thị là thực thể có trước, có sẵn, văn chương biểu hiện nó trong sáng tác. Khi là thuộc tính, đô thị xác định tính chất của văn chương; theo đó, văn chương từ chối tính chức năng (trong cách nhà văn phải đảm trách các phận vị xã hội khi sáng tác, như với bề trên thì “phúng gián”, với đồng bạn thì “thù tạc”, với bản thân thì “thuật hoài”, “ngôn chí”, “di dưỡng tính tình”, với tha nhân thì “tải đạo”...), tính biếu tặng (trong hành vi nhà văn trao đổi sáng tạo văn chương, nó là quà tặng tao nhã dành cho tri âm tri kỉ, răn dạy, phúng điếu..., không thể mang ra tính toán bán mua), để xác lập tính thương mại. Văn chương trở thành một nghề mưu sinh cùng lúc với việc được xem là hậu nghiệp của kẻ theo đòi chữ nghĩa. Ở cả hai tính chất ấy, trong cách nhà văn chọn văn chương như một nghề và văn chương chọn nhà văn như một nghiệp, tính chất cá nhân đều được khẳng định. Sự sinh thành của tính chất cá nhân cá thể trong sáng tạo văn chương hiện đại, vì vậy, phát xuất từ khởi nguồn của nó. Và như ta đã thấy, sự nuôi dưỡng ý thức cá tính này, làm thành đặc tính và sức mạnh của văn chương hiện đại.

Vậy có thể hiểu văn chương đô thị như thế nào? Nhìn từ mối quan hệ giữa văn chương và đô thị, văn chương đô thị có thể được hiểu là văn chương của/về đô thị; tức văn chương viết về đô thị và có tính đô thị, ở đây là tính hiện đại, dân chủ, dân sự trong đề tài và cách thức tiếp cận với đề tài ấy. Nhìn từ mối quan hệ giữa nhà văn và đô thị, còn cần phải đặt vấn đề định vị nhà văn trong không gian văn học mà họ tạo tác, thuộc về. Khi giới thiệu tuyển tập truyện ngắn đặc sắc về Hà Nội, chúng tôi đã cho rằng: “Nhà văn ở trong đô thị, và quan trọng hơn, có ý thức trở thành đô thị, mới tạo nên văn chương đô thị đích thực. Ở ngoài đô thị khó có được cảm quan đô thị, trong khi thuộc về đô thị nhà văn vẫn có thể sáng tạo ở chủ đề khác. Khai thác tính chất thế tục của đời sống đô thị hay khai thác cá nhân cá tính đều giúp văn chương đô thị phát triển đa dạng, cố nhiên khi nhà văn định vị bản thân vào không gian xã hội và văn chương (của) thị thành”(1). Để có nhận thức sát sao về văn chương đô thị, ý thức về sự phân hóa trong quan niệm và sự tự định vị của nhà văn trong không gian (xã hội và văn chương) đô thị ngõ hầu sẽ giúp chúng ta hiểu được sự đa dạng và phức tạp trong diễn trình văn chương đô thị ở Việt Nam thời kì hiện đại.

 
hoa tim


Từ trong lịch sử
Nếu không tính đến các đô thị phong kiến hình thành khá muộn và mang đặc trưng riêng, ở Việt Nam, đô thị hiện đại (theo mô hình phương Tây) hình thành cùng với quá trình thực dân địa của người Pháp, đầu tiên là Sài Gòn, sau đó lan rộng ra Bắc theo các đợt khai thác thuộc địa của chính quyền thực dân, ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hòn Gai... Đô thị hóa đã làm phân hóa sâu sắc cấu trúc xã hội và văn hóa Việt Nam từ đầu thế kỉ XX.

Với văn chương, sự hình thành cảm quan đô thị và tính đô thị (thường được đồng nhất với tính hiện đại) ở buổi đầu của quá trình đô thị hóa là một quá trình phức hợp cả thuận và ngược chiều. Sự không thông hiểu dẫn tới khước từ đô thị như một biểu hiện xa lạ của Tây phương ở một Việt Nam nông nghiệp dễ tìm thấy trong văn chương nhà nho lớp cuối. Tâm trạng “hoài cổ” của Nguyễn Khuyến là biểu hiện rõ rệt nhất: Rừng xanh núi đỏ muôn ngàn dặm,/ Nước độc ma thiêng mấy vạn người;/ Khoét rỗng ruột gan trời đất cả,/ Phá tung phên giậu hạ di rồi. Cái cảm giác “nực cười” và nỗi buồn man mác buông bỏ “mây trắng về đâu nước chảy xuôi” khi nghe tin thực dân Pháp thúc dân Việt Nam đi làm đường sắt và khai mỏ ở khu vực Yên Bái, Lào Cai của Nguyễn Khuyến cho thấy sự xa cách giữa văn minh nông nghiệp và văn minh công nghiệp, giữa tư tưởng đế vương phương Đông và tư tưởng đế quốc phương Tây. Nhà khoa bảng Tam nguyên Yên Đổ đã không thể hiểu được vì sao người phương Tây lại quan tâm đến việc làm đường sắt, khai khoáng, kéo gần khoảng cách giữa vùng trung châu với miền biên viễn, giữa nơi văn minh với chốn man di. Nhưng đến Tú Xương và Tản Đà, với những trải nghiệm đời sống đô thị rõ rệt hơn, đô thị trở thành đề tài trong sáng tác của họ, từ trào phúng đến trữ tình. Tú Xương đã nhanh chóng mang biết bao cảnh sắc và con người thành Nam quê ông vào trong tiếng cười của anh nhà nho thất thế và mất gốc “quẳng bút lông đi giắt bút chì”. Tản Đà thì nhanh chóng rời mảnh đất quê hương đẹp đẽ (Nước gợn sông Đà con cá nhảy/ Mây trùm non Tản cái diều bay) để xê dịch khắp miền đất nước, qua đó mà biết yêu cái “la ga Hàng Cỏ” và những chuyến tàu, mang “văn chương bán phường phố” mà bước vào con đường hiện đại hóa văn học.

Nhưng phải đến thế hệ những nhà văn Tây học trưởng thành từ môi trường giáo dục Pháp - Việt thì đô thị mới trở thành cảm hứng của họ, làm thay đổi vũ trụ quan, nhân sinh quan và từ đó mà hình thành quan niệm nghệ thuật mới. Ý thức về cá nhân cá tính bởi sự ảnh hưởng sâu sắc phương Tây cùng những nhận thức mới về không - thời gian tính làm thành bước ngoặt cho sự hình thành và phát triển của Thơ mới và Tự Lực văn đoàn, khi không gian thôn dã quen thuộc dần nhường chỗ cho các không gian đô thị mới nổi. Như phát hiện của nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy trong Con mắt thơ(2), tìm thấy không gian đô thị là bước ngoặt lớn, làm nên thành công của các thi sĩ này. Thôn quê với các tệ lậu của nó trở thành đối tượng để công kích nhiều hơn là truyền thống để tìm về. Theo đó, cái cách Nguyễn Bính “van em em hãy giữ nguyên quê mùa” thực ra chỉ là một cách nói của người trai thất thế “tìm khắp kinh thành” trước sự vẫy gọi mà xa xôi của đô thị. Lối thơ du dương ấy của Nguyễn Bính phần nào che lấp đi một nhận thức mới về vấn đề giới và đô thị; là điều mà ông thể hiện rất rõ trong văn xuôi, nhất là trong tiểu thuyết mang màu sắc tự truyện: Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội(3). Các nhà văn có khuynh hướng tả chân và xã hội sau đó không lâu đã phải tìm lại các nhận thức về nông thôn, như cách Vũ Trọng Phụng ca ngợi hiểu biết nông thôn mà Ngô Tất Tố đem đến qua Tắt đèn. Đô thị nghiễm nhiên có vị trí quan trọng trong văn chương Việt Nam lúc bấy giờ. Nhưng với sự phát triển mau lẹ của các khuynh hướng văn chương chịu ảnh hưởng của mấy thế kỉ văn chương Pháp, đến nửa đầu thập niên 40 của thế kỉ XX, văn chương Việt Nam đã quành sang ngả hiện đại, thể hiện ở cả các đề tài được coi là “suy đồi” (trong cách sử dụng đậm đặc chất liệu đô thị) lẫn lên án văn minh kĩ trị (như một biểu hiện của tinh thần phản hiện đại), tiêu biểu trong thơ là Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, trong văn là Khái Hưng, Nguyễn Tuân. Ta gặp ở Mây, Thơ say (Vũ Hoàng Chương), ở những bài thơ lẻ trước cuộc cách mạng mùa thu 1945 (Đinh Hùng), ở Đẹp, Thanh Đức (Khái Hưng), ở Vang bóng một thời và loạt truyện “yêu ngôn” mà đỉnh cao là Chùa Đàn (Nguyễn Tuân) hình ảnh của những thị dân trẻ trong những bước lang thang tìm kiếm vị thế cá nhân trong sự trương nở của đô thị hiện đại. Rất nhanh chóng, từ những Rastignac của văn chương hiện thực Pháp thế kỉ XIX phủ bóng Balzac còn phổ biến trong văn chương Việt Nam thập niên 30 thế kỉ XX, chỉ sau dăm bảy năm, đến giữa thập niên 40, đã là những nhân vật mang dấu ấn hiện đại được lấy cảm hứng từ Baudelaire, người khai mở văn chương hiện đại Pháp đầu thế kỉ XX, thậm chí là những cảm quan hiện sinh chỉ bùng nổ ở các nhà văn phương Tây từ sau Thế chiến thứ hai.

Dữ liệu văn tự thiếu hụt kiểm kê và phục hồi khiến cho chúng ta có rất ít hiểu biết về văn chương khu vực đô thị (mà chủ yếu là Hà Nội và Sài Gòn) trong chín năm Pháp xâm lược trở lại. Nhưng ngay khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, từ Việt Bắc về xuôi, với việc Xuân Diệu, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Cao Luyện kí tên dưới thư chung gửi văn nghệ sĩ trong thành Hà Nội, sự phân định lập trường “tư sản đô thị” và “đại chúng” đã trở nên rõ ràng(4). Lúc này đô thị trong văn chương trở thành mảnh đất được tiếp cận khá e dè. Hai mươi năm chiến tranh chống Mĩ sau đó càng đào sâu khoảng cách ấy, khi tính chất đô thị (hiện đại) trong văn chương miền Nam tỏ rõ sự khác biệt quá xa so với văn chương xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Đó là lí do để về sau, nhiều người không tán đồng với những thái độ kì thị khi nhìn về cái được định danh là văn học đô thị miền Nam trước 1975.

Những biểu hiện mới của văn chương
Tiếp cận đô thị như một đối tượng mới (được trở lại) trong văn học Việt Nam từ 1986, có thể tính đến nhiều thế hệ nhà văn, với những cảm quan khá khác biệt.

Ngay đầu những năm Đổi mới, từ một số tác phẩm của Nguyễn Minh Châu, Lê Minh Khuê, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải đến Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Trần Trung Chính, Phan Thị Vàng Anh, Phan Triều Hải..., đô thị được hiện lên với nhiều băn khoăn, trong sự phân biệt giữa thành thị và nông thôn, sự đa dạng phức tạp thời bình và tính một chiều thời chiến, cảm hứng thế sự đời tư và chủ nghĩa anh hùng cách mạng; rồi các phân vân, trăn trở trong những khác biệt về giới và tính dục, về không gian sống, vấn đề cá nhân cá tính, tình yêu, hạnh phúc… Nguyễn Minh Châu là nhà văn đầu tiên đặt ra vấn đề mối quan hệ giữa nông thôn và thành thị, thậm chí vấn đề sinh thái, chủ đề được các nhà phê bình đương đại quan tâm (Sống mãi với cây xanh, Khách ở quê ra...); sự thao thức của ông, cùng với những nỗ lực đổi mới nghệ thuật, đã mở đường cho đổi mới văn học ở “đêm trước” của Đổi mới. Sau chiến tranh, trở về từ chiến trường, các nhà văn nữ lại cho thấy một sự mẫn cảm đáng kể với các vấn đề giới, giới tính và thân thể. “Người đàn bà ngồi đan” có thực là hình ảnh thanh bình nhất khi Ý Nhi băn khoăn nghĩ về đời sống hậu chiến. Đó còn là cảm nhận khác biệt về hình ảnh người đàn ông, nhất là đàn ông thành thị, trong truyện của Lê Minh Khuê (Một ngày trên đường). Ma Văn Kháng và Nguyễn Khải thì làm sống dậy/lại đời sống thế tục của đô thị (Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy giá thú, Hà Nội trong mắt tôi, Thượng đế thì cười...). Và là sự xuất hiện đồng thời của hàng loạt cây bút trẻ tuổi tiến vào sân chơi văn chương phía sau Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài. Là những nhà văn sống trải trong các đô thị và trở về đô thị mưu sinh, tiếp cận đô thị một cách khác hẳn. Tất nhiên sẽ có những cảm nhận trở nên quen thuộc như “huyền thoại phố phường” mà Nguyễn Huy Thiệp khơi lại, song chủ yếu là những hiện thực mới. Chẳng hạn “những đứa trẻ trong thành phố” trong tiểu thuyết và truyện ngắn Phạm Thị Hoài, không gian đô thị và những nhọc nhằn sinh kế trong truyện ngắn Trần Trung Chính, Phan Thị Vàng Anh...
và rất nhiều những “cảnh và người” đô thị khác hiện lên trong sáng tác của Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Võ Thị Hảo, Nguyễn Bình Phương, Võ Thị Xuân Hà, Phan Triều Hải, Nguyễn Thị Thu Huệ... Các nhà văn viết về đô thị chính là viết về một mảng đời của họ, bằng sự trải nghiệm sâu sắc và những day dứt, ám ảnh khôn nguôi về thân phận con người trước sự xô bồ của thành phố và đất nước đang phân hóa mạnh mẽ bởi sự đổi thay về đời sống kinh tế, luân lí và đạo đức.

Sang thế kỉ XXI, đô thị trong sáng tác của thế hệ nhà văn 7x không còn bó hẹp trong phạm vi Hà Nội hay Sài Gòn nữa mà mở rộng đến các đô thị địa phương, các đô thị ở nước ngoài. Có thể coi đô thị hóa là một cảm hứng chủ đạo trong một số tác phẩm của những tác giả này, như Phong Điệp (Lạc chốn thị thành, Blogger, Nhật kí nhân viên văn phòng), Dương Thụy (Con gái Sài Gòn, Oxford thương yêu, Bồ câu chung mái vòm), Trần Nhã Thụy (Sự trở lại của vết xước), Đỗ Tiến Thụy (Màu rừng ruộng), Nguyễn Danh Lam (Mưa tháng mười một, Giữa dòng chảy lạc), Nguyễn Vĩnh Nguyên (Động vật trong thành phố, Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông), Vũ Đình Giang (Song song), Kiều Bích Hậu (Đường yêu, Mây vàng), Nguyễn Đình Tú (Nháp, Kín), Đỗ Bích Thúy (Cửa hiệu giặt là), Nguyễn Xuân Thủy (Nhắm mắt nhìn trời)... Người ta có thể chứng kiến đồng thời sự đổ vỡ, cảm giác xa lạ, ý muốn chinh phục và khẳng định... của một lớp thị dân mới, thường xuất thân từ các vùng quê hay đô thị tỉnh lẻ, thâm nhập vào lõi các đô thị lớn và hiện đại, trong sáng tác của các nhà văn này. 

Các nhà văn thế hệ 8x, 9x là những người hầu như trưởng thành hoàn toàn trong bầu khí quyển của đô thị, và đô thị trở thành một phần của con người nhà văn trong họ, chứ không đơn thuần xuất hiện như là đề tài mà họ quan tâm. Điều này có tác động rất lớn đến việc thể hiện (tính) đô thị trong văn chương. Có thể nhắc đến Hà Thủy Nguyên (Bên kia cánh cửa), Nhật Phi (Người ngủ thuê), Đinh Phương (Nhụy khúc, Đợi đến lượt), Hạnh Nguyên (Những thiếu thời lơ lửng)... Đô thị hình như đã thân thiết hơn, trở trành trú xứ an toàn hơn cho cá nhân cô đơn và cô độc, bởi sự vây bọc của văn hóa đại chúng, vốn rất dễ ăn mòn ý thức tập thể và nhu cầu khẳng định bản sắc cái tôi cá nhân trong phổ biến thị dân. Chính điều này, ngược lại, che chở cho nỗ lực khẳng định bản lĩnh và cá tính nhà văn, các ý thức nghệ thuật tiền phong, bạo động, như một bộ phận thiểu số của đô thị hiện đại.

Những trường hợp như Nguyễn Việt Hà (Cơ hội của Chúa, Khải huyền muộn, Ba ngôi của người, Của rơi, và nhiều tập tản văn), Đỗ Phấn (Đêm tiền sử, Rừng người, Dằng dặc triền sông mưa), Nguyễn Trương Quý (Dưới cột đèn rót một ấm trà, và nhiều tập tản văn), Chu Thùy Anh (Vé một chiều, Xanh)... thường bị quy chiếu bởi trải nghiệm cá nhân riêng khác, trong sự quy định của tín niệm tôn giáo, lựa chọn nghệ thuật, không gian sinh tồn, cảm quan về bản thể, ngoại giới, và những cách thức mà nghệ thuật có thể chia sẻ với sự thể hiện bản ngã. Đô thị hiện lên rất đặc trưng và khác biệt trong những sáng tạo của/kiểu những nhà văn này.

Văn chương có thể coi là một dữ kiện văn hóa, thông qua đó để tìm biết các dấu chỉ về quan niệm, tâm tư, tình cảm, thái độ, ý hướng của nhà văn và xã hội ở một khúc đoạn nào đó. Và rõ ràng, những trải nghiệm mới mẻ đang kiến tạo kinh nghiệm thẩm mĩ mới cho văn chương Việt Nam đương đại, trong không gian mà đô thị và đô thị hóa mang lại.  
Đ.A.D
_____

1. Nhiều tác giả, Truyện ngắn đặc sắc về Hà Nội từ 1986 đến nay (Đoàn Ánh Dương tuyển chọn và giới thiệu), Nxb Phụ nữ, 2015, tr.9.
2. Đỗ Lai Thúy, Con mắt thơ, Nxb Lao động, 1992.
3. Nguyễn Bính, Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội (Đoàn Ánh Dương giới thiệu), Nxb Văn học & Nhà sách Tao Đàn, 2016.
4. Lại Nguyên Ân, “Xuân Diệu, trong những năm 1954-1958”, Từng đoạn đường văn, Nxb Hội Nhà văn, 2016, tr.77-78.
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)