Cách thức xử lí tin giả của đất nước Nhật Bản

Thứ Ba, 17/05/2022 00:02

. TRƯƠNG THỊ KIÊN

 

Trong thời đại cách mạng công nghệ thông tin, tin giả (fake news) không còn là vấn nạn của riêng quốc gia nào. Có những tin giả vì háo danh, muốn nổi tiếng, hoặc do bất cẩn; nhưng có những tin giả nhằm mục đích trục lợi kinh tế, thậm chí cả vì mưu đồ chính trị… Tin giả gây nhiều hệ luỵ cho xã hội: tạo bất ổn chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội, làm xói mòn niềm tin, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự vàhoạt động của các tổ chức, cá nhân... Chính bởi vậy, nhiều quốc gia trên thế giới đã tìm các biện pháp hạn chế tin giả, trong đó phổ biến nhất là xây dựng hành lang pháp lý và lập hàng rào công nghệ. Bài nghiên cứu dưới đây giới thiệu cách xử lý tin giả của Nhật Bản, được tiến hành bởi các tác giả Clare Feikert-Ahalt và Sayuri Umeda (Mĩ).

Các tờ báo hàng đầu Nhật Bản đã dính líu đến một số vụ bê bối tin giả. Một ví dụ điển hình là một vụ tin giả nổi tiếng được lan truyền bởi Asahi Shimbun, một trong những tờ báo hàng đầu tại Nhật Bản. Tờ báo này đã xuất bản nhiều bài báo trong những năm 1980 và 1990 về vấn đề phụ nữ mua vui (những người phụ nữ bị quân đội chiếm đóng của Đế quốc Nhật Bản hãm hiếp). Trong một số ví dụ khác, một vài trong các bài báo cáo đến từ một cá nhân đã có tuyên bố sai lệch rằng “ông ta đã buộc phải đưa những người phụ nữ Hàn Quốc đến các nhà thổ thời chiến thuộc quân đội Nhật Bản”.

Phải mất một thời gian dài để các bài viết này được đính chính. Tờ Asahi Shimbun thừa nhận đã phạm những lỗi nghiêm trọng trong các bài báo và gửi lời xin lỗi trong các ấn phẩm của mình và trên trang web năm 2014. Một tờ báo hàng đầu khác, tờ Mainichi, đã đăng tải các bài báo thô tục lên mạng “có nguồn gốc từ các tờ báo lá cải Nhật Bản không đáng tin cậy” từ năm 2001, và cho đến năm 2008, tờ báo phải thừa nhận rằng nhiều câu chuyện trong các bài báo là sai sự thật và ngừng xuất bản loạt tin này.

Mặc dù ở Nhật Bản, dường như không nhiều trường hợp tin tức giả mạo cực đoan như ở các nước khác, nhưng tin giả trên mạng xã hội cũng đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng. Theo một chuyên gia báo chí, chính rào cản ngôn ngữ Nhật đối với người nước ngoài đã ngăn các bài đăng tin giả tràn vào Nhật Bản.

Chính phủ và nhiều người dân dường như đang đặc biệt quan tâm đến tin giả sau các thảm họa. Sau trận động đất Kumamoto năm 2016, một trường hợp tin giả đáng chú ý là một người đàn ông sống xa thành phố Kumamoto đã có một dòng tweet với hình ảnh miêu tả đính kèm có nội dung rằng: một con sư tử trong sở thú Kumamoto đã bị xổng chuồng do trận động đất. Nhiều hàng xóm đã sợ hãi và sở thú nhận được hơn một trăm cuộc điện thoại hỏi về vấn đề này.

Sau trận động đất xảy ra ở Hokkaido năm 2018, nhiều báo cáo về tin giả về cơ sở hạ tầng bùng phát, chẳng hạn như tin giả về nước và điện thoại di động. Tin tức giả lan truyền trong suốt cuộc bầu cử tại các cơ quan nhà nước cũng là mối bận tâm đối với các chuyên gia Nhật Bản. Các kênh truyền thông và các chuyên gia đang kêu gọi các biện pháp đối phó với tin giả.

Trước nhu cầu bức thiết kể trên, chính phủ Nhật Bản đã ban hành các luật mới hoặc bổ sung, sửa đổi các đạo luật cũ để đối phó với vấn nạn tin giả đang xuất hiện ngày càng nhiều.

Đạo luật Phát thanh truyền hình

Luật pháp Nhật Bản đặt ra các quy định cho các đài truyền hình và thiết lập một hệ thống quy định để các chương trình phát sóng không bóp méo sự thật. Tiêu biểu là Đạo luật Phát thanh truyền hình (Broadcasting Act) - gọi là Đạo luật số 132, được ban hành năm 1950, được sửa đổi bởi Đạo luật số 96, năm 2014. Đạo luật này quy định,các đài truyền hình phải thiết lập một cơ quan cố vấn cho các chương trình phát sóng để đảm bảo tính chính xác, phù hợp của thông tin. Đài truyền hình phải đề ra kế hoạch cơ bản cho các tiêu chuẩn nội dung và biên tập chương trình. Khi có ý định sửa đổi quy định, các nhà đài phải tham khảo ý kiến của cơ quan cố vấn.

Trong một số trường hợp, nội dung của chương trình phát sóng sai sự thật và nhà đài bị than phiền, thì trong vòng ba tháng kể từ ngày phát sóng, đài truyền hình phải điều tra ngay xem liệu thông tin phát sóng có xác thực hay không. Nếu nhận thấy các sự việc không đúng với thực tế thì trong vòng hai ngày kể từ ngày phát hiện, nhà đài phải đính chính trên truyền hình hoặc thu hồi nội dung một cách thích hợp thông qua cùng một thiết bị phát sóng như thiết bị được sử dụng trong chương trình phát sóng bị chỉ trích. Người vi phạm có thể bị phạt tiền không quá 500.000 yên (khoảng 4.500 đô la Mĩ).

Khi một đài truyền hình chủ động phát hiện ra các chi tiết sai lệch sự thật trong nội dung các chương trình phát sóng của mình, họ cần có những biện pháp trừng phạt tương tự. Ngoài ra, Nippon Hoso Kyokai (NHK), một kênh truyền hình công trực thuộc chính phủ, được thành lập dựa trên Đạo luật Phát thanh nhằm mục đích cung cấp các chương trình chất lượng phục vụ công chúng.

Bộ luật Hình sự

Bộ luật Hình sự có các điều khoản có thể được sử dụng để trừng phạt những người đăng tin giả.

Với một điều khoản liên quan đến sự phỉ báng, khi một người công khai bôi nhọ người khác bằng cách viện ra những bằng chứng thì có thể bị phạt tù không quá ba năm hoặc phạt tiền không quá 500.000 yên, bất kể bằng chứng đó đúng hay sai. Nếu nhận thấy hành động đó có liên quan đến các vấn đề lợi ích công cộng, được thực hiện chỉ vì lợi ích của cộng đồng, và nếu những bằng chứng được viện ra được chứng minh là đúng sự thật, người này sẽ không bị trừng phạt.Tương tự như vậy, khi những bằng chứng này liên quan đến một viên chức nhà nước hoặc một ứng cử viên cho cuộc bầu cử được chứng minh là xác thực, người đó sẽ không bị phạt.

Bộ luật Hình sự cũng được áp dụng cho hành vi lan truyền tin giả gây cản trở việc buôn bán. Người gây tổn hại đến tín dụng hoặc cản trở việc kinh doanh của người khác bằng việc lan truyền tin đồn sai lệch sẽ bị phạt tù không quá ba năm hoặc phạt tiền không quá 500.000 yên (khoảng 4.500 đô la Mĩ). Giả sử với trường hợp người đã đăng dòng tweet sai sự thật rằng một con sư tử đã bị xổng chuồng sau trận động đất ở Kumamoto, người này sẽ bị bắt do vi phạm quy định cản trở việc kinh doanh của sở thú.

Luật Bầu cử

Luật Bầu cử công chức ở Nhật Bản quy định rằng bất kì ai tiến hành chiến dịch bầu cử qua internet đều phải cung cấp thông tin liên hệ trực tuyến của mình cho người xem hoặc người nhận thông tin. Mục đích của điều khoản này là để giảm sự lan truyền thông tin bôi nhọ danh dự và “lừa gạt” (tức là mạo danh thiết bị hoặc người dùng khác cho mục đích xấu).

Một người tìm cách khiến ứng viên chiến thắng hoặc thất bại trong cuộc bầu cử bằng cách sử dụng tên hoặc địa vị sai lệch sẽ bị phạt tù không quá hai năm hoặc phạt tiền không quá 300.000 yên (khoảng 2.700 đô la Mĩ). Tương tự như vậy, một người công khai thông tin sai sự thật về một ứng cử viên với mục đích giúp cho ứng viên thắng cử sẽ bị phạt tù không quá hai năm hoặc phạt tiền không quá 300.000 yên.

Nếu một người công khai thông tin sai lệch hoặc bị bóp méo về một ứng cử viên khiến người này thất bại sẽ nhận hình phạt tù không quá bốn năm hoặc phạt tiền không quá 1 triệu yên (xấp xỉ 9.000 đô la Mĩ).

Luật cho các Nhà cung cấp dịch vụ Internet

Đạo luật giới hạn trách nhiệm của các nhà cung cấp internet nhằm ngăn chặn sự lan truyền thông tin vi phạm của người khác. Trong một số trường hợp, khi nhà cung cấp có cơ sở hợp lí để tin rằng dịch vụ đưa tin của mình không phải nguyên nhân khiến người khác bị xâm phạm quyền lợi, họ có thể chặn thông tin và không chịu trách nhiệm về hành vi của người đã phát tán thông tin.

Ngoài ra, khi một người viện lẽ rằng các quyền lợi của họ bị xâm phạm bởi thông tin do một nhà truyền thông đăng tải, người đó cần yêu cầu nhà cung cấp thực hiện các biện pháp nhằm ngăn sự phát tán thông tin sai phạm. Nhà cung cấp phải yêu cầu người phát đi thông tin vi phạm phản hồi cho câu hỏi liệu anh ta hay cô ta có đồng ý với việc thực hiện các biện pháp ngăn sự lan truyền này không.

Giả sử không nhận được bất kì thông báo nào từ người phát đi thông tin sai phạm trong vòng bảy ngày, nhà đài sẽ không chịu trách nhiệm đối với người này cho bất kỳ thiệt hại nào gây ra bởi các biện pháp ngăn chặn sự lan truyền tin tức sai lệch.

Thời gian chờ người loan tin phản hồi được rút ngắn từ bảy ngày xuống còn hai ngày trong trường hợp một ứng viên cuộc bầu cử yêu cầu bên đưa tin ngăn chặn sự phát tán thông tin chứa nội dung bôi nhọ danh dự.Nếu ứng viên này không có thông tin liên hệ của người gửi thông tin bôi nhọ, nhà cung cấp không có trách nhiệm điều tra người loan tin.

Tóm lại,tin giả đã trở thành mối bận tâm của chính phủ Nhật Bản và cộng đồng trong những năm gần đây. Một vài dự luật đã được ban hành tại Nhật Bản có thể được sử dụng để đẩy lùi tin giả. Chính phủ cũng cung cấp các văn bản pháp luật và công báo chính thức trực tuyến miễn phí cho vấn đề ngăn chặn tin giả. Cùng với đó, một nhóm nghiên cứu thuộc Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản đang tiếp tục nghiên cứu để đưa ra các biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn những tin tức sai lệch ở quốc gia này.

T.T.K

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)