Nguyễn Ái Quốc – Nhà báo cách mạng mẫu mực, Người chiến sĩ dũng cảm!

Thứ Hai, 02/05/2022 16:10

. Trần Thanh Nguyên
 

Tháng 5/1919 thay mặt những ngươi yêu nước An Nam ở Pháp, Người viết Yêu sách của nhân dân An Nam gửi tới Hội nghị Vecxay và Tổng thống Mỹ (gửi ngày 18/6). Ở ngày hôm nay, đối chiếu với tinh thần của đối thoại văn hóa, càng thấy rõ đây là văn bản mẫu mực cho một cuộc đấu tranh chính trị ở bất cứ nước nào đòi quyền tự do. Không ngẫu nhiên, hiện nay ở các nước Phi, Mỹ - La tinh người ta vẫn “thần tượng” Hồ Chí Minh, coi đó là biểu tượng của công cuộc giải phóng.
Trong bài báo Nền văn minh thượng đẳng in trên báo Le Libertaire ngày 23/9/1921 Nguyễn Ái Quốc “nói kháy” với “bạn” Vinhê Đốctông đang “làm cuộc khảo sát” về “việc đầu độc tập thể” của một đất nước “có bản Tuyên ngôn nhân quyền”. Thời sự hơn, tác giả “đối thoại” với ông Vi nhê Đốctông bằng cách mượn lời một người lính thực dân (trích từ cuốn Nhật ký hành trình):

“Trong thời kỳ tôi ở đó (Bắc Kỳ) không có tuần nào là không có vài cái đầu rơi.

Trong tất cả những cảnh tượng đó, tôi chỉ còn nhớ được một điều, là chúng ta còn tàn bạo, còn dã man hơn cả chính những tên cướp biển. Tại sao lại có những hành vi quái ác đến thế đối với một kẻ bị kết án sắp phải chết? Tại sao lại có những cuộc hành hạ thể xác, tại sao phải giải những đoàn tù đi bêu khắp các làng mạc?”[1].

Hai câu hỏi cuối không đơn thuần là câu hỏi, nó là bản kết tội, kết án cái “nền văn minh thượng đẳng” sao lại làm những việc phi nhân tính “trời không dung đất không tha” như vậy.

Ngày 5/2/1923 Nguyễn Ái Quốc có bài Chế độ thực dân in trên báo L’ Humannité mà trọng tâm bài viết là những câu hỏi xoáy vào bản chất giết người và cướp của ở các nước thuộc địa: “Chúng tôi cực lực phản đối việc đưa lính An Nam sang Xyri. Phải chăng các nhà cầm quyền cấp cao cho rằng bao nhiêu anh em da vàng xấu số của chúng tôi bị giết hại trên các chiến trường từ năm 1914 đến năm 1918, trong cuộc chiến tranh “vì văn minh và công lý” vẫn chưa đủ sao?”[2].

Lời văn “bắc cầu” hai khoảng thời gian: Chiến tranh thế giới 1 và hôm nay (1923) để làm nổi bật hai sự kiện ở hai “mố cầu”: trước đó người Pháp đã đưa người da vàng đi làm bia đỡ đạn thay họ, nay vẫn việc làm ấy, lại “đưa lính An Nam sang Xyri”. Cũng chẳng khác mục đích ban đầu: đẩy họ vào chỗ chết!

“Những hy sinh xương máu và tiền bạc, những cuộc xâm chiếm đất đai rộng mênh mông, nguồn của cải không bao giờ cạn, địa hạt vô biên dành cho hoạt động của con người là để làm gì?”. Câu hỏi xoáy vào bản chất tham lam vô độ của chủ nghĩa tư bản sẵn sàng lấy xương máu của dân thuộc địa và ngân quỹ quốc gia để mở rộng đất đai

“Vì sao chính phủ lại phung phí hàng tỷ bạc vào Xyri? Nó không dám thú nhận điều đó. Vậy đến bao giờ người ta mới biết được sự thật về những vụ bê bối ở Nigiê?

Dân tộc Pháp được lợi lộc gì từ các thuộc địa của họ? Chẳng qua một vài đội quân đi làm dịu những xung đột giữa tư bản và lao động”[3].

Trở lại lịch sử, vì bóc lột quá tàn tệ các nước châu Phi nên người dân nô lệ nổi dậy đấu tranh, để đối phó thực dân Pháp phải đổ tiền và đưa lính thuộc địa sang. Câu hỏi ở mảnh đoạn cuối nêu bật sự thật: dân tộc Pháp chẳng được lợi gì. Phần bổ ngữ trả lời như một sự làm rõ thêm!

Mục đích của Nguyễn Ái Quốc là không chỉ giải phóng nhân dân An Nam mà còn giải phóng tất cả nhân dân các nước thuộc địa khỏi ách nô lệ. Thế nên khi khẳng định Nguyễn Ái Quốc đối thoại với đồng bào nô lệ là đối thoại với đồng bào An Nam cũng đồng thời với tất cả những ai đang chịu kiếp nô lệ của chủ nghĩa thực dân, đế quốc trên toàn thế giới.

Phương pháp đối thoại của Nguyễn Ái Quốc để lại 3 bài học lớn sau:
 

1. Phải là tiếng nói của trái tim

Các triết gia vẫn khẳng định rất đúng rằng để đến được với trái tim thì phải “đi” bằng chính trái tim mình. Tức nhấn mạnh tới sự chân thành, nhiệt thành, bằng tình yêu thương đích thực, hết mình. Cũng có thể khẳng định, về phương diện này, Nguyễn Ái Quốc là tiêu biểu.

Nhiều vị lãnh đạo vừa là bạn, vừa là đồng chí cũng vừa là học trò được sống, làm việc với Bác Hồ một thời gian dài nói về điểm đặc biệt nhất ở Hồ Chí Minh là tình thương yêu con người. Chúng tôi thấy điều này rất đúng khi đối chiếu với lời kể của những người từng gặp Bác. Dĩ nhiên, vì yêu cầu của cuốn sách mà chỉ nhìn vấn đề dưới góc độ riêng.

Cái điều đã thúc giục chàng trai Nguyễn Tất Thành đi tìm đường cứu nước chính là tình yêu con người vô hạn cùng một thái độ cực kỳ chân thành, hết sức tinh tế trong ứng xử. Tình yêu ấy đi suốt cuộc đời Người, thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi. Ngay từ năm 1914, khi làm phụ bếp, anh Thành thường dọn những đồ ăn thừa vào một chỗ. Thấy vậy ông đầu bếp Ét-cốp-phi-e hỏi: “Tại sao anh không đem những thức ăn này đổ vào thùng như những người khác?”. Anh điềm tĩnh trả lời: “Không nên đem vứt những thứ này đi. Ông có thể cho người nghèo những thứ ấy”[4].

Tháng 12-1940 Nguyễn Ái Quốc trong vai một nhà báo Trung Hoa, Phạm Văn Đồng trong vai phiên dịch, cùng một số đồng chí từ Nam Ninh đi thuyền về Điền Đông. Người nói tiếng Pháp và tiếng Trung để Phạm Văn Đồng dịch. Trong lúc đang nói chuyện có một đồng chí để rơi tàn thuốc cháy áo, Người buột miệng: “Cháy! Cháy!”[5]. Là một bậc thầy trong việc hóa trang, nhưng chính lúc “để lộ” này lại nói đúng nhất về nhân cách này: quan tâm đến con người, tình thương yêu con người đến quên mình luôn thường trực trong trái tim vĩ đại ấy. Sau này ở Việt Bắc gian khổ Người luôn chia sẻ cái ấm áp của mình cho bạn bè đồng chí. Ngày 15-1-1948, gửi thư cho cụ Đinh Công Phủ “Tôi gửi biếu Cụ một chiếc áo trấn thủ. Áo này là của đồng bào Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây biếu tôi. Cụ mặc ấm cũng như tôi mặc ấm”[6]. Đây chính là quan niệm “vô ngã vị tha”, lấy cái tâm người làm cái tâm mình của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mà vị tổ là Phật hoàng Trần Nhân Tông. Câu cuối vượt ra khỏi cấu trúc ngữ nghĩa - ngữ pháp theo lôgich thông thường để trở thành “ngữ pháp” của tấm lòng: sống vì nhau, sống cho nhau. Đấy là một thứ tình nghĩa cụ thể nhất, chân thành nhất, ấm áp nhất. Đấy cũng là một biểu hiện rõ nhất của việc “hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin”, như sau này Người dặn cán bộ “hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin là sống với nhau có tình có nghĩa”...

Chúng ta càng thấy sâu sắc hơn tình cảm của Người, buổi sáng sớm đầu xuân 1941, khi qua cột mốc 108 trên biên giới Việt Trung thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng, Bác dừng lại cầm nắm đất Tổ Quốc đứng lặng hồi lâu, xúc động[7]. Và càng thấm thía hơn khi nghe ca sĩ Đỗ Lệ Hoa (Trung Quốc) kể: “Mỗi lần Bác Hồ sang Trung Quốc, Người đều hỏi thăm tôi. Và tôi lại được lệnh đi hát cho Bác nghe. Bác không thích bài Lãnh tụ ca bằng bài Làng tôi của Văn Cao, do đó tôi đã học thêm bài này”[8].

Cây đại thụ nhân cách Hồ Chí Minh vĩ đại có bộ rễ rất khỏe, bền vững là tình yêu thương lớn lao, vô bờ bến. Không chỉ yêu nhân dân mình, dân tộc mình, Người dành tình yêu thương tới cả nhân loại cần lao, tới các dân tộc thuộc địa còn đắm chìm trong vòng nô lệ!

 

2. Vạch trần cho cả thế giới biết hoàn cảnh nô lệ

Có thể khẳng định Nguyễn Ái Quốc là một trong những người dân thuộc địa đầu tiên vạch ra sự tương phản trời vực giữa nước Mẹ chính quốc và các nước thuộc địa. Sự tương phản giàu có, văn minh lạc hậu là đương nhiên, nhưng cái oái oăm lại là sự tương phản đến mức phi lý như thế này:

“Như các bạn đều biết, các thuộc địa vẫn được gọi là những nước Pháp hải ngoại, và người Pháp của những nước Pháp ấy là người An Nam, người Mađagátxca hoặc người...v.v. Bởi thế, cái gì ở bên này là phải thì ở bên kia là trái, và cái gì ở bên kia được phép thì ở bên này bị cấm. Thí dụ: ở bên ấy, tất cả người Pháp đều được phép làm cho dân bản xứ ngu muội đi bằng thuốc phiện, họ càng bán được nhiều thuốc phiện, thì càng được quý trọng; nhưng ở bên này, nếu anh đem bán thứ thuốc độc ấy thì, anh sẽ bị tóm cổ ngay lập tức. Nếu ở bên Pháp, một viên chức cao cấp được phép vận quần áo lót để đi ra đường, thì ngược lại một ông hoàng bản xứ không có quyền mặc áo bản xứ, ngay cả khi ở nhà và đang ốm”[9]. Từ sự tương phản phi lý bật ra hai ý nghĩa: một là chính sách ngu dân bằng đầu độc rượu và thuốc phiện của thực dân ở thuộc địa, hai là tước bỏ rồi tiến đến xoá bỏ văn hoá thuộc địa. Tất cả đều là phản động đến mức phản tiến hóa, phản văn minh.

“Bị trói gô vào cột buồm tàu và được đưa đi làm quân tình nguyện ở châu Âu, đánh phường man rợ để bảo vệ văn minh, nhưng một khi đến xứ văn minh rồi thì những người bản xứ của ông Têry lại được cái thú tha hồ nếm “trái cây trong vườn cấm”. Những người bản xứ còn sống sót sau cuộc tàn sát năm 1914 cũng như những người bản xứ còn sống sót sau đại chiến 1914-1918 đều có thể tự hào rằng vì công lý và nền dân chủ của chủng tộc cao đẳng, họ không những đã hiến đời mình, xương máu mình, mà còn hiến cả niềm t...in của mình nữa”[10].

Chúng ta chú ý tới cách mỉa mai qua cụm từ “vì công lý và nền dân chủ của chủng tộc cao đẳng”. Đó chỉ là cách nói ngược, vì “công lý”, “dân chủ”, “văn minh” gì mà những người dân bản xứ đáng thương kia lại bị “trói gô vào cột buồm tàu”. Hơn nữa kẻ lừa bịp dư luận nói đó là quân “tình nguyện”. Thế là chính những dân bản xứ bị “lừa” đi “tình nguyện” đi “đánh phường man rợ để bảo vệ văn minh”. Kết quả họ phải chết sau khi “đã hiến đời mình, xương máu mình, mà còn hiến cả niềm t... in của mình” cho chính sách xỏ lá trắng trợn của chính phủ thực dân.

Ngày 1/8/1922 trên báo Le Paria số 5, Nguyễn A.Q. cho in bài Khai hóa giết người. Trong phần nội dung chính tác giả vẽ ra hiện thực chết đói, giết người ở xứ Đông Dương. Trong phần tái bút, người viết cụ thể hoá vấn đề qua một chi tiết:

“T.B.- Trong khi tính mệnh của một người An Nam bị xem như thân con chó, không đáng giá một đồng trinh, thì ngài Tổng thanh tra Rêna, bị sướt có một chút da ở cánh tay mà được lĩnh 120.000 phrăng tiền bồi thường. Ôi, bình đẳng! Bình đẳng quý hoá thay!”[11]. Một tương phản gắt gao, không thể chấp nhận: cũng là con người mà một đằng thì “không đáng giá một đồng trinh”, một đằng chỉ “bị sướt có một chút da ở cánh tay mà được lĩnh 120.000 phrăng tiền bồi thường”. Hai chữ “bình đẳng” được tác giả nhại ở cuối bài bổ sung thêm, làm rõ tính chất cực kỳ phản động, giả dối của thực dân Pháp.

“Người An Nam nói chung, phải è cổ ra mà chịu những công ơn bảo hộ của nước Pháp. Người nông dân An Nam nói riêng, lại càng phải è cổ ra mà chịu sự bảo hộ ấy một cách thảm hại hơn: là người An Nam, họ bị áp bức; là người nông dân, họ bị người ta ăn cắp, cướp bóc, tước đoạt, làm phá sản. Chính họ là những người phải làm mọi công việc nặng nhọc, mọi thứ lao dịch. Chính họ làm ra cho lũ người ăn bám, lũ người lười biếng, lũ người đi khai hoá và những bọn khác hưởng mà chính họ thì lại phải sống cùng khổ trong khi những tên đao phủ của họ sống rất thừa thãi; hễ mất mùa thì họ chết đói. Đó là vì họ bị ăn cắp khắp mọi phía, bằng mọi cách, do các quan cai trị, do bọn phong kiến tân thời và nhà thờ. Xưa kia, dưới chế độ An Nam, ruộng đất chia thành nhiều hạng tuỳ theo tốt xấu. Thuế đánh theo sự phân hạng ấy. Dưới chế độ thuộc địa hiện nay, tất cả những cái đó đều thay đổi. Khi cần kiếm tiền các quan cai trị người Pháp chỉ việc bắt thay đổi hạng ruộng. Chỉ một nét bút thần kỳ là họ biến một đám ruộng xấu thành ruộng tốt. Thế là người dân cày An Nam buộc phải nộp thuế cho đám ruộng của mình nhiều hơn số họ thu hoạch được”[12]. Đây là một đoạn trích trong bài báo Tình cảnh nông dân An Nam được tác giả cho in trên báo La Vie Ouvrière ngày 4 -1-1924. Chúng ta chú ý tới sự mỉa mai trong câu văn qua mâu thuẫn “è cổ ra mà chịu những công ơn bảo hộ”. Công ơn bảo hộ mà lại phải “è cổ ra mà chịu”? Đúng là nghịch lý nhưng nghịch lý này lại làm bật ra một sự thật: người Pháp sang An Nam bóc lột nhưng lại rêu rao là sang để “khai hoá, bảo hộ”… Đoạn văn nổi lên một sự tương phản phi lý giữa nông dân An Nam “phải è cổ ra mà chịu” và những kẻ “bảo hộ”. Người nông dân An Nam thì: chịu bị áp bức, chịu bị ăn cắp, chịu bị cướp bóc, tước đoạt, làm phá sảnphải làm mọi công việc nặng nhọc, mọi thứ lao dịch… Còn kẻ “bảo hộ” thì sao? Đó là một lũ người ăn bám, lũ người lười biếng. Đó là những tên đao phủ có một cuộc sống rất thừa thãi. Đó là những kẻ phù thuỷ mà “chỉ một nét bút thần kỳ là họ biến một đám ruộng xấu thành ruộng tốt”.

Những đối thoại ấy gián tiếp nêu ra một chân lý: Còn chủ nghĩa thực dân thì các dân tộc thuộc địa còn chịu làm nô lệ!

Để làm bật ra sự thảm hại của người dân bản xứ, tác giả “vẽ” ra bức tranh tương phản về “dân chủ”: “Một giáo viên bản xứ lĩnh 555 phrăng và một giáo sư người bản xứ lĩnh 1.200 phrăng mỗi tháng, còn một giáo viên người Pháp lại lĩnh những 3.750 phrăng và một giáo sư người Pháp lĩnh những 6.000 phrăng mỗi tháng, đấy là chưa kể mọi thứ phụ cấp mà chỉ riêng giáo viên và giáo sư người Pháp mới được hưởng.

Ta hãy nêu ra một vài con số nữa: một viên thiếu uý Pháp lĩnh 62.244 phrăng; một viên trung uý Pháp được 77.844 phrăng; một viên đại uý Pháp thì được 93.444 phrăng; một viên công sứ ở Bắc Kỳ thì mỗi năm được 234.000 phrăng, chưa kể các khoản phụ cấp. Còn một công nhân nông nghiệp người bản xứ thì mỗi năm kiếm được từ 400 đến 500 phrăng.

Ách thống trị của bọn đế quốc được dựng lên không những chỉ bằng chính sách ngu dân, chế độ không bình đẳng và nạn bóc lột, mà còn bằng chính sách khủng bố và mật thám nữa. Ở Pháp, người ta nói rằng xứ Đông Dương chưa bao giờ được phồn thịnh và an ninh như thế cả. Nhưng nhà tù ở Đông Dương lại chật ních và chế độ kiểm duyệt thì thường xuyên”[13].

Sức mạnh chinh phục của lập luận không chỉ là các nguyên tắc mà là các số liệu, các con số đã vạch trần sự “dân chủ” đểu giả, bất nhân của thực dân. Các con số tương phản, đối lập nhau đã nói lên một cách sinh động thực tế ấy.

Thực dân Pháp xâm lược An Nam dưới chiêu bài “khai hoá”, đem “văn minh” nước Mẹ Đại Pháp đến cho xứ lạc hậu này. Nhưng thực chất đó là cuộc xâm lược, là bóc lột, là phản văn minh, phản khai hoá. Nguyễn Ái Quốc là một trong những nhà cách mạng người bản xứ đầu tiên vạch trần cái chính sách giả dối, thâm độc ấy: “Các ngài chiến thắng quang vinh của chúng ta thường quen thói “giáo dục” người bản xứ bằng đá đít hoặc roi vọt”[14]. Kết tội chính sách phản động - kẻ thù chung của nhân dân các nước thuộc địa, ngoài lòng căm thù, tình yêu thương giai cấp còn phải là sự hiểu biết, là trí tuệ. Nguyễn Ái Quốc đã hội tụ đủ những yêu cầu ấy nơi ngọn bút sắc sảo của mình: “Trong xứ Goađơlúp, 10.000 trẻ em không có trường học. Tại Angiêri thuộc Pháp, từ suốt 94 năm nay, trong số 5.000.000 dân chỉ có 35.000 học sinh là được hưởng thụ một nền giáo dục nhỏ giọt, còn 695.000 trẻ em bản xứ thì phải chịu dốt nát. Tại Cao Miên: 60 trường cho 2.000.000 dân! Tại Nam Kỳ (thuộc Pháp từ hơn nửa thế kỷ nay): trong số 2.500.000 người dân, chỉ có 51.000 học sinh.

May mắn thay, tuy chúng ta thiếu trường học, nhưng nước Pháp đã ban cho chúng ta rất nhiều nhà thổ, tiệm hút thuốc phiện và ty rượu”[15]. Sự thuyết phục của đoạn văn này là số liệu cụ thể không chỉ của một xứ mà khá toàn diện về chế độ giáo dục nô mà thực dân Pháp chủ trương. Chỉ có thể dựa trên số liệu này thì sự mỉa mai suồng sã ở đoạn sau mới vừa trào phúng chua chát, căm uất về kẻ đã gây ra sự ngu dốt tăm tối không chỉ cho một nơi mà nhiều nơi, không chỉ cho một thế hệ mà nhiều thế hệ; lại vừa trữ tình xót xa, thương cảm những kiếp làm than tăm tối.

Ngòi bút trào phúng Nguyễn Ái Quốc không chỉ hướng tiếng cười vào bọn áp bức bóc lột để phơi bày tất cả những tính cách xấu xa, những hành vi vô nhân đạo, phản nhân tính mà còn hướng tới cả những trạng huống thảm hại của con người nói chung. Có lẽ phải hiểu một cách rộng rãi hơn về các đối tượng đáng cười của tác giả mới có thể hiểu được sâu sắc hơn giá trị phổ quát của tiếng cười độc đáo và vĩ đại này, như ở ví dụ sau: “Vì đang ốm, nên cố quốc vương Tuynidi đã cứ mặc nguyên áo ngủ mà tiếp quan khâm sứ. Như thế đã là bậy rồi; nhưng còn bậy hơn nữa là cháu nội và cháu họ nhà vua lại quên chào quan khâm sứ nói trên. Thế là sau hai ngày, đúng vừa đủ thời gian để suy nghĩ, quan lớn khâm sứ bèn mặc nhung phục, kéo binh mã đến bắt nhà vua phải xin lỗi. Thế mới đúng chứ. Một khi anh là quốc vương và chịu sự bảo hộ của một ông thánh (ông Xanh) thì dù là thánh cha, thánh con hoặc thánh thần, anh cũng không có quyền được đau ốm. Còn các chú "nhóc con" bản xứ, các chú phải biết rằng, một khi đã sinh ra dưới đôi cánh mẹ hiền của nền dân chủ thì các chú không được nô đùa, reo cười, hò hét, mà phải học chào lạy”[16]. Tiếng cười hướng tới cả hai đối tượng: “quan khâm sứ” và chủ yếu là cười “cố quốc vương Tuynidi” cùng con cháu. Quan khâm sứ thì lộng hành, cố quốc vương thì nhu nhược bởi cái phận nô lệ. Đường đường là một quốc vương, lại là chủ nhà mà phải xin lỗi một viên quan thì thật ngược đời. Ở đâu còn nô lệ thì ở đó có sự ngược đời như vậy. Để lời văn thêm hàm lượng mỉa mai chua chát, lời bình luận mang quan điểm của người kể đưa ra thật đúng lúc: Như thế đã là bậy rồi; nhưng còn bậy hơn nữa là… Thế mới đúng chứ… Nhất là lời bình luận ở cuối đoạn như làm rõ hơn cái hoàn cảnh nô lệ thảm hại: “Một khi anh là quốc vương và chịu sự bảo hộ của một ông thánh (ông Xanh) thì dù là thánh cha, thánh con hoặc thánh thần, anh cũng không có quyền được đau ốm. Còn các chú "nhóc con" bản xứ, các chú phải biết rằng, một khi đã sinh ra dưới đôi cánh mẹ hiền của nền dân chủ thì các chú không được nô đùa, reo cười, hò hét, mà phải học chào lạy”! Đây là tiếng cười mang tính thức tỉnh, thức tỉnh những dân tộc đang bị u mê trong bóng đêm nô lệ. Giá trị phổ quát của nó vươn ra ngoài một tiếng cười châm biếm nỗi ô nhục thông thường để vươn tới một tầm văn hoá mang tính toàn nhân loại: phải trả cho con người sống ở bất cứ nơi nào cái quyền tự quyết, phải trả lại cho các dân tộc đang bị áp bức bởi chủ nghĩa thực dân cái quyền độc lập tự do!


3. Đưa ra được giải pháp hòa giải văn hóa

Đó chính là nội dung Bản Yêu sách này có 8 điểm:

1.Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị;

2.Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu; xóa bỏ hoàn toàn các toà án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam;

3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận;

4. Tự do lập hội và hội họp;

5 Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương;

6. Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ;

7. Thay thế chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật;

8. Đoàn đại biểu thường trực của nguời bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ.

Cái cốt lõi của hòa giải văn hóa là tôn trọng con người, tạo ra môi trường nhân tính để con người phát triển nhân tính!

Với bản Yêu sách này, Nguyễn Ái Quốc đại diện cho một dân tộc nô lệ đã đối thoại một cách trực tiếp với kẻ thù là chủ nghĩa thực dân. Tiếng nói này còn vang vọng khắp quốc tế, và đó cũng là chủ ý của các tác giả (khi gửi tới Tổng thống Mỹ). Nó đối thoại để đòi lại những gì được coi là quyền cơ bản nhất của con người.

Không phải là tiếng kêu cứu mà là một tiếng nói khẳng định với chủ nghĩa thực dân: quyền tự do chính đáng của con người, dù có là dân thuộc địa. Đây là tiếng chuông cảnh tỉnh chế độ thực dân: hãy ngừng lại sự bóc lột, sự vi phạm nhân quyền. Nó là “tiếng gọi đàn” không chỉ với nhân dân An Nam mà với tất cả các dân tộc thuộc địa nô lệ: hãy ngẩng cao đầu để đòi lại những gì cần thiết nhất của con người.

Bản Yêu sách ngắn về câu chữ nhưng thật dài rộng về niềm tin. Nó như một cánh én báo hiệu mùa xuân cách mạng. Nó như một tiếng reo mang niềm hy vọng đến với cả thế giới: sự cáo chung của chủ nghĩa thực dân là không tránh khỏi.

Nó là khởi đầu cho mọi khởi đầu! Đoàn kết! Đấu tranh! Giải phóng!

Lần đầu tiên nhân dân các thuộc địa nghe thấy một từ “pháp quyền” từ một người đồng cảnh ngộ. Chính tác giả của bản Yêu sách cũng rất ý thức về giá trị của hai chữ ấy thật thiêng liêng. Thế nên sau này Người đã ca dao hóa trong Việt Nam yêu cầu ca: “Bảy xin Hiến pháp ban hành/ Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.

Ngoài chức năng tranh thủ sự ủng hộ, ngoài một tầm nhìn xa của một vĩ nhân nhìn thấu tương lai về quan hệ hòa bình, hữu nghị, Thư gửi Tổng thống Mỹ là một văn bản đối thoại đặc biệt. Thể hiện ở: người dân thuộc địa có tiếng nói đối thoại bình đẳng với chủ nghĩa thực dân, đế quốc; đối thoại là con đường tốt nhất để gần gũi hóa các dân tộc, các chính giới, các quan niệm dù có thể còn khác nhau về đường lối, về biểu hiện...

Đồng thời với việc gửi tới Chính phủ Pháp, ngày 18/6/1919, thay mặt các đồng chí, Nguyễn Ái Quốc gửi bản Yêu sách này tới Tổng thống Mỹ (có kèm Thư gửi Tổng thống Mỹ) và Trưởng đoàn các nước tham dự Hội nghị Vécxây. Đó chính là một biểu hiện công khai, thẳng thắn, quyết liệt nhưng cũng cực kỳ dân chủ, bình đẳng. Như vậy, ngay từ những ngày đầu tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã thực sự đối thoại với cả thế giới chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Tự thân việc này đã nâng tầm Nguyễn Ái Quốc ngang hàng với chủ nghĩa đế quốc, thực dân để đối thoại một cách bình đẳng.

T.T.N


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1. Nxb Chính trị Quốc gia, tr 62.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1. Sđd, tr 27.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1. Sđd, tr 169.

[4] Bác Hồ sự cảm hoá kỳ diệu - Nxb Thanh Niên, 2007. tr 8.

[5] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 2- Nxb Chính trị Quốc gia, 2006, tr 118.

[6] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 4. Sđd, tr 149.

[7] Nguyễn Văn Khoan (biên soạn) - Câu chuyện về chiếc vòng bạc của Bác Hồ. Nxb Công an Nhân dân, 2007, tr 104.

[8] Trần Đương - Ánh mắt Bác Hồ. Nxb Thanh niên,1999 tr 67.

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập . Sđd 2, tr 53.

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1. Sđd, tr 151.

[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1. Sđd, tr 113.

[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1. Sđd, tr 247.

[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2. Sđd, tr 375.

[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2. Sđd, tr 37.

[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1. Sđd, tr 338.

[16] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2. Sđd, tr 54.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)