Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 993 (cuối tháng 7/2022)

Thứ Hai, 18/07/2022 09:10

  “…Theo cách hiểu thông thường, thơ trong chiến tranh là thơ tuyên truyền. Nhưng Việt Nam là một ngoại lệ vì có những bài thơ rất hay, đó là những bài thơ nói về con người và thân phận. Chúng tôi đã lựa chọn và dịch tập thơ Tư liệu từ chiến trường cũng bắt đầu từ điều này. Thời điểm đó, ở Mĩ chưa từng có thơ Việt Nam và tập thơ đã cung cấp cái nhìn đầu tiên về Việt Nam một cách chân thực nhất. Có những bài thơ chúng tôi không thể dịch vì dấu vết chiến tranh. Chúng tôi đã rất sốc bởi nhận ra cảm hứng chung trong mỗi bài thơ của họ là tính nhân văn, rất con người trong bối cảnh chiến tranh. Chiến tranh vốn rất phi nhân nhưng cảm thức người trong thơ của họ đã được tái hiện trong bối cảnh phi nhân ấy. Tập thơ được đón nhận rất nhiệt tình ở Mĩ vì nó cung cấp góc nhìn khác về chiến tranh Việt Nam, con người Việt Nam mà trước đó người Mĩ không biết đến. Thông thường người Mĩ không quan tâm đến thơ ca lắm. Tập thơ như cánh cửa mở ra con đường tiếp cận thơ Việt Nam…”

Đó là một phần trong cuộc trò chuyện giữa nhà thơ, dịch giả người Mĩ - Bruce Weigl với phóng viên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Bài trò chuyện mang tên Thơ đã làm được những điều tưởng như không thể sẽ mở đầu tạp chí số 993.

Phần Văn xuôi với các truyện ngắn: Mắt phù sa của Tống Phước Bảo, Cánh cửa bên kia của Lưu Thị Mười, Con riêng của Ngô Hòa Bình; ghi chép Miên man câu hát lưu dân của Phạm Học; kí ức chiến trường Gà mái hoa mơ của Hoàng Mạnh Độ.

Mắt phù sa là câu chuyện nhiều ám ảnh về đề tài chiến tranh - hậu chiến. Nơi mảnh đất miền Tây Nam Bộ ngày nay phù sa từng đã đắp bồi nên bao nhiêu sự sống nhưng cũng chính nơi đây trong chiến tranh ác liệt đã chứng kiến sự cống hiến và hi sinh của biết bao người để đánh đổi lại sự bình yên. Nhưng bình yên không đến với người còn sót lại của cuộc chiến năm ấy bởi nỗi day dứt khôn nguôi khi chưa tìm được đồng đội của mình…

Cánh cửa bên kia là những éo le trong tình bạn, tình yêu, hôn nhân gia đình. Như, Phương và Tâm là ba người bạn thân thiết từ thuở ấu thơ. Họ cùng nhau lớn lên, cùng nhau chứng kiến cuộc sống, tình yêu của mỗi người và chia sẻ với nhau trong từng biến cố. Nhưng cuối cùng, những lầm lạc, những tính toan, hay một điều gì khác đã khiến mối quan hệ ấy rẽ ngoặt theo một hướng mà không ai có thể lường…

Con riêng kể về cuộc sống, số phận của những người trong một gia đình có con trốn đi bộ đội thời chiến tranh. Không ai tin nổi Thạnh, một thiếu niên nghịch ngợm, vốn không nghe lời bố mẹ lại trở thành bộ đội, vì thế nên những tin đồn Thạnh trở thành phản động đã khiến gia đình trở nên lao đao. Nhưng hơn ai hết, những người thân đã luôn có niềm tin vào Thạnh, và niềm tin ấy đã được chứng minh… Có điều, những gì mà mỗi người trong bối cảnh ấy phải vượt qua khiến bạn đọc không khỏi xót xa.

Phần Thơ với sự góp mặt của các tác giả: Nguyễn Thanh Hải, Vũ Ngọc Thư, Huỳnh Thúy Kiều, Trang Thanh, Hương Giang, Hoàng Hiền, Trần Thị Huê, Hà Phương, Trần Bạch Diệp, Trần Quốc Toàn.

Những trang thơ dự thi ấn tượng bởi sự đa dạng về đề tài, thể loại, phong cách. Đặc biệt, một số tác giả đã khẳng định mình bằng nội lực sáng tạo cũng như chiều sâu của tư duy thơ. Những bài thơ mang đậm dấu ấn văn hoá lịch sử vùng miền, những tự sự cá nhân, những bản diện đời sống… Tất cả góp phần làm đầy lên những trang thơ dự thi của VNQĐ số này.

“Thơ trong những tập thơ” là bài viết Nhật kí thơ hay là cuộc chạy marathon của Thanh Thảo của nhà thơ Phạm Đương giới thiệu về thi tập Hát giữa gió mưa của nhà thơ Thanh Thảo.

Văn học nước ngoài giới thiệu truyện ngắn Gỗ của nhà văn Pháp - Yann Mens do Trần Ngọc Hồ Trường dịch từ nguyên bản tiếng Pháp, có tham khảo bản tiếng Anh.

Phần Bình luận văn nghệ với sự tham gia của các tác giả: Hương Lê, Tâm Anh, Trương Nguyên Việt, Lê Đức Thịnh, Bùi Thị Diệu, Phạm Minh Quân, Nguyễn Trọng Văn.

Ngôi mộ là một trong những biểu tượng quen thuộc của thơ ca Việt Nam, gợi nên những xa xót, thương cảm cho người nằm xuống. Trải qua mấy thập kỉ chiến tranh, hàng vạn người lính đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì bình yên của cuộc sống hôm nay. Và như một lẽ tất yếu, hình ảnh ngôi mộ cũng xuất hiện với tần xuất khá dày trong thơ ca Việt Nam hiện đại nói chung, thơ lục bát nói riêng. Bài viết Hình tượng ngôi mộ liệt sĩ trong thơ lục bát hiện đại sẽ có những chia sẻ về vấn đề này.

Hiệu ứng văn hóa (effect of culture) là một khái niệm không mới, có nhiều nội hàm ý nghĩa. Ở phạm vi rộng, nó đề cập đến những hiệu ứng và sự tác động của tác phẩm đến đám đông hoặc tạo thị hiếu công chúng, các khuynh hướng đời sống, xã hội, thậm chỉ cả chính trị… Bài viết Câu chuyện hiệu ứng văn hóa tác giả sẽ nói đến những khả năng, tác động từ một sản phẩm văn hóa, nghệ thuật tạo cảm hứng dẫn đến việc sáng tạo những tác phẩm văn học nghệ thuật khác. Nó có thể là hiệu ứng từ nhan đề, một nhân vật, một sự kiện, một câu thoại độc đáo… nơi tác phẩm nguồn để sản sinh ra các giá trị mới qua các tác phẩm thuộc thể loại khác.

Hội họa là một giao điểm kì lạ. Trước đây, người ta vẫn thường quan niệm kiến trúc là môn nghệ thuật tổng hòa của các loại hình nghệ thuật như hội họa, điêu khắc. Nhưng bài viết này sẽ không bàn đến hội họa với vai trò tổng hợp như vậy. Thay vào đó, điều được nhấn mạnh ở đây, hội họa là chốn giao duyên của nhiều nẻo đường, có thể là xuất phát điểm, nhưng cũng có thể là đích đến. Và sự chuyển đổi qua/ở hội họa mang lại những cái nhìn thú vị. Bài viết Hội họa và những chuyển đổi là những luận bàn thú vị về câu chuyện này.

Bên cạnh đó là những vấn đề được xã hội và giới chuyên môn quan tâm, những chia sẻ nghề nghiệp, những cảm nhận, phân tích, luận giải về các văn nghệ sĩ, tác phẩm nghệ thuật... hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn đọc nhiều thú vị, hấp dẫn.

Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 993 dày 120 trang dự kiến sẽ phát hành ngày 20/7/2022. Thân mời các bạn đón đọc!

Văn

Nguyễn Thị Kim Nhung

Nhà thơ Mĩ Bruce Weigl: Thơ đã làm được những điều tưởng như không thể

Tống Phước Bảo

Mắt phù sa

Phạm Học

Miên man câu hát lưu dân

Hoàng Mạnh Độ

Gà mái hoa mơ

Lưu Thị Mười

Cánh cửa bên kia

Ngô Hòa Bình

Con riêng

 

Thơ

Nguyễn Thanh Hải

Bên đìa bông súng; Trồng thêm một tên cây cho đỡ nỗi nhớ quên; Buổi chiều của quê hương

Vũ Ngọc Thư

Lời thề; Với người lính Trung đoàn 9

Huỳnh Thúy Kiều

Viết cho cha từ vành đai lửa; Đóa tương tư vừa rụng xuống chiều

Trang Thanh

Nếu đi hết sông này; Kiếp ve kim; Khúc sen

Hương Giang

Bạch dương; Trước đài tưởng niệm

Hoàng Hiền

Bài ca; Chuyện của cây

Trần Thị Huê

Dốc; Đất mới

Phạm Đương

Nhật kí thơ hay là cuộc chạy marathon của Thanh Thảo (Đọc Hát giữa gió mưa của Thanh Thảo)

Hà Phương

Đêm họa mi; Khoảng lặng miền Trung

Trần Bạch Diệp

Ga xép; Anh đã không đóng cửa; Khu vườn

Trần Quốc Toàn

Vẫn còn nghe tiếng vạc

 

Văn học nước ngoài

Yann Mens

Gỗ(Trần Ngọc Hồ Trườngdịch từ nguyên bản tiếng Pháp, có tham khảo bản tiếng Anh)

 

Bình luận văn nghệ

Hương Lê

Chiến tranh già, nhà văn trẻ

Tâm Anh

Hình tượng ngôi mộ liệt sĩ trong thơ lục bát hiện đại

Trương Nguyên Việt

Em là sớm mai, là tuổi trẻ của anh

Lê Đức Thịnh

Câu chuyện hiệu ứng văn hóa

Bùi Thị Diệu

Lửa như là bản mệnh

Phạm Minh Quân

Hội họa và những sự chuyển đổi

Nguyễn Trọng Văn

Viết về những người ta quý ta yêu

VNQD
Thống kê