Y sư truyền kì

Thứ Ba, 03/11/2020 06:58

. NGUYỄN TOÀN THẮNG
 

Trọng Dĩnh mồ côi cha mẹ từ nhỏ, phải nương nhờ cửa chùa. Nhờ thông minh lanh lợi, tính tình hiền từ nên Dĩnh được sư ông dạy chữ, còn truyền cho y thuật. Bởi cha mẹ qua đời do không có tiền thuốc thang nên Trọng Dĩnh quyết tâm trở thành thầy thuốc giỏi để có thể cứu giúp dân nghèo nên càng học càng tấn tới. Sư ông bảo Trọng Dĩnh, sau này con cố sức mà nghĩ ra các bài thuốc Nam, tiện cho dân mình, chứ thuốc Bắc vừa đắt đỏ lại vừa nhiều hậu họa khó lường.

Trọng Dĩnh vừa học vừa hành, một buổi học chữ, một buổi đi chữa bệnh cho dân quanh vùng. Chữa khỏi bệnh, Dĩnh chỉ xin nhận vài củ khoai, mớ rau để cho người bệnh khỏi áy náy, rồi mang về gọi trẻ mồ côi quanh vùng đến cho.

Minh họa: Phạm Hà Hải

Nghe tin triều đình mở khoa thi, Trọng Dĩnh xin sư ông cho lên kinh ứng thí. Sư ông lắc đầu bảo con nên chuyên tâm vào nghề y. Trọng Dĩnh gặng hỏi, sư ông thở dài, con ơi ta thấy tính tình con thiện lương, thậm chí ngây ngô như con trẻ, không làm quan được đâu. Trọng Dĩnh thưa, làm quan mà có tâm thì tốt cho dân đen chứ sao. Sư ông cười, đương nhiên có tâm thì tốt, nhưng còn phải biết chung sống với cái ác, mà con thì ghét cái ác như nhà nông ghét cỏ, ắt kết cục chẳng lành. Trọng Dĩnh năn nỉ sư ông, nếu con làm quan sẽ có cơ hội cứu nhiều người hơn. Nhìn nét mặt quả quyết của Trọng Dĩnh, sư ông bảo, thôi con cứ lên đường đi. Trọng Dĩnh hào hứng bảo, sau này con làm quan sẽ cho tu bổ lại nơi này. Sư ông cười, chùa rách Phật vàng con ạ. Nếu có vàng bạc con nên làm những việc có nghĩa hơn.

Trọng Dĩnh một mình một tay nải, ngày nghỉ đêm đi để tránh nắng. Đến gần trường thi, chàng thấy một quán nước, bán đủ cả giấy bút cơm nắm, bèn dừng chân nghỉ. Cô chủ quán tự xưng là Thanh Nương, tuổi ngoài đôi mươi một chút, đôi mắt to tròn, lông mày lá liễu, rót nước cho Trọng Dĩnh rồi bảo, trà xanh thì quán em miễn phí cho sĩ tử, ăn gì mua gì mới tính tiền. Trọng Dĩnh bật cười bảo, nàng trông tôi giống một kẻ hành khất hay sao. Thanh Nương xua tay, ồ không, quán này từ đời mẹ em đã có lệ vậy. Trọng Dĩnh giật mình, đúng là kinh thành khác hẳn chốn quê, đến cô hàng nước nói chuyện cũng đầy khẩu khí. Lại nhìn cô chủ quán thật kĩ, Trọng Dĩnh thấy nét mặt tuy thanh tú nhưng lại có mấy nốt mụn, định bụng khi thi xong sẽ quay lại chữa cho cô.

Bỗng có lao xao như chợ vỡ. Trọng Dĩnh thò đầu ra ngó nghiêng. Đám tráng niên nhễ nhại mồ hôi dựng căn lều đối diện quán nước. Một thư sinh mặc đồ trắng, đứng chắp tay đằng sau, đi đi lại lại ra chiều quan tâm đôn đốc lắm. Thanh Nương thấy Trọng Dĩnh tò mò, mới kể, thư sinh đó là Trương Doanh, con trai độc nhất của thị Lãi, chủ một hiệu thuốc Bắc nổi tiếng kinh thành. Lại bảo, may mà kì thi này các quan đều là người thiết diện. Nghe đâu thị Lãi đã cất công đi chạy chọt, nhưng bị từ chối thẳng thừng. Trọng Dĩnh nghe xong thở dài, nghĩ đến sư ông.

Chợt Trương Doanh cùng đám bộ hạ kéo vào quán, ngồi không chừa một chỗ trống nào. Trương Doanh hất hàm gọi nước rồi chằm chằm nhìn mặt Trọng Dĩnh hỏi từ đâu tới. Trọng Dĩnh tình thực kể. Trương Doanh ồ lên một tiếng rồi kéo Trọng Dĩnh ra góc vắng, thì thào, này anh ở phương xa đến, nét mặt khắc khổ thế này chắc là văn tài cao lắm. Trọng Dĩnh khiêm tốn đáp lại, tôi cũng thường thường thôi. Trương Doanh cười, làm gì có chuyện thường thường mà tay nải khăn gói lai kinh ứng thí. Bây giờ thế này, anh là Dĩnh tôi là Doanh, rất dễ lều thi gần nhau, anh làm bài thi cho tôi rồi tôi trả anh hai trăm lạng vàng. Thấy Trọng Dĩnh giật mình, Trương Doanh lại càng cười to hơn, hai trăm lạng anh sống dư dả cả đời, nếu muốn tiếp tục ra giúp nước cứu đời thì đợi khoa thi sau. Trương Doanh lắc đầu, vàng thì tôi cũng thích, nhưng làm vậy tôi không có gan.

Nài ép một lúc, thấy Trọng Dĩnh một mực từ chối, Trương Doanh hừ một tiếng, quay lại quán uống nốt cốc chè tươi, vừa uống vừa nghĩ. Nghĩ mãi không ra kế gì có thể đỗ cao, Trương Doanh quay sang ngắm Thanh Nương, và nhận ra nàng quả là xinh đẹp, chỉ là mặt nổi nhiều mụn quá, chẳng khác gì một đĩa xôi trắng lốm đốm đỗ đen. Trương Doanh giả lả bảo Thanh Nương, nàng ơi ta có cách chữa cho nàng hết mụn bằng thang thuốc bí truyền của nhà ta. Thanh Nương biết, các phương thuốc của nhà hắn tuy công hiệu nhưng giá thì như cắt cổ, bèn lắc đầu từ chối. Trương Doanh đoán được tâm sự của Thanh Nương, cười mà rằng, đâu cần cứ phải đổi bằng tiền mới được.

Nghe chuyện, Trọng Dĩnh cất tiếng, không phải tốn kém gì nàng ạ, mấy cái mụn này nếu nàng cho ta mạo phạm dung nhan, thì chỉ sau vài canh giờ là tan biến. Trương Doanh bắt đầu nóng máu, nhưng vội kìm lại được ngay, bởi dù sao đây cũng là nơi gần trường thi, nhiều người lại qua, vả lại, hắn được mẹ dạy là cố tránh những xung đột nơi đường sá, kẻo phải lên công đường thì quan cứ nhè người có tiền ra mà xử trước, muốn đổi trắng thay đen thì lại tốn một mớ kha khá.

Trọng Dĩnh đi ra phía cánh đồng tìm kiếm. Mùa này, rau mồng tơi đã già, người ta không hái về ăn, mà cứ để cho mọc tha hồ, đặng còn làm thức ăn cho trâu bò chó ngựa. Từ xưa, các cụ đã truyền nhau, rằng người có ăn thì cũng phải để phần cho muôn loài, chăng lưới bắt cá còn phải dùng lưới thưa nan để cá con còn sống, bẫy chim thì phải chừa một mặt để những con chim khôn ngoan biết đường mà thoát.

Hạt mồng tơi giã nhuyễn xong, Trọng Dĩnh ấp úng xin Thanh Nương cho chàng đắp lên mặt. Thanh Nương ngạc nhiên hỏi, thế em tự đắp không được hay sao. Trọng Dĩnh lắc đầu, đắp cũng phải biết cách. Khi tay Trọng Dĩnh chạm vào, Thanh Nương run nhẹ trong lòng. Bởi cũng là lần đầu tiên, nàng được đàn ông lạ chạm vào cơ thể. Một cảm giác bung biêng, râm ran trong người, Thanh Nương chỉ biết nhắm tịt mắt mà tận hưởng.

Khoảng nửa canh giờ sau, những vết mụn nhỏ dần. Trương Doanh ngoài mặt tỏ ra ngưỡng mộ, khen lia lịa, nhưng trong lòng bắt đầu dè chừng. Lại thầm nghĩ, nếu tên này y thuật cao như vậy, sau này việc làm ăn của mình sẽ ảnh hưởng. Tuy nhiên, hắn đổi giọng, vỗ vai khen Trọng Dĩnh, lại bảo sau này nếu chúng ta được kết bạn tâm giao với nhau, ắt cũng làm nên nghiệp lớn. Trọng Dĩnh vốn ôn hòa, nghe nói vậy, cũng gật đầu mà rằng, anh cố lên kì thi sau sẽ thành danh. Lại bảo nếu tôi được ở kinh sư sẽ chỉ cho anh cách nấu sử sôi kinh, cũng chẳng có gì khó lắm đâu. Trương Doanh chửi thầm, tiên sư nó chứ, lại còn trù ẻo mình thi trượt, không có chuyện đó đâu, mẹ mình ắt là có cách lo liệu.

Vào thi, Trọng Dĩnh gặp đúng đề sở trường, là luận về con người với môi trường xung quanh. Chàng làm bài luận như rồng bay phượng múa, chứng minh thuyết trình về việc phải giữ gìn cảnh sắc, bởi thiên nhiên luôn ẩn giấu quy luật cân bằng, có nhân có quả. Bắt đầu làm bài, Trọng Dĩnh nghĩ đến Thanh Nương, người con gái tuy chỉ bán quán nước mà có tấm lòng bao dung độ lượng, có tướng vượng phu ích tử. Trước hôm thi Thanh Nương có nói với Trọng Dĩnh rằng, nàng nghe được lần này triều đình cần người làm quan nên sẽ xét ở kì thi Hội này, chứ không chờ đến thi Đình do đích thân hoàng thượng ra đề, nên chàng cố dốc hết sức mà viết cho thật tốt. Lúc đó Trọng Dĩnh cười, ta đã đi thi là phải dồn toàn tâm toàn ý, tuy nhiên nếu nàng đã nói vậy, ta sẽ thêm phần hưng phấn. Thanh Nương quay đi mà cười, làm Trọng Dĩnh cũng lờ mờ hiểu rằng nàng đã bắt đầu cảm mến mình. Thi đỗ để làm quan, rồi sẽ hỏi cưới nàng, tất nhiên nếu Thanh Nương muốn bán quán như cũ thì Trọng Dĩnh cũng chẳng cản. Mọi thứ đã được vẽ ra trong đầu, càng làm cho Trọng Dĩnh phấn khởi mà làm bài. Lúc nộp quyển, mặt chàng rạng rỡ đến độ viên hạ quan trông thi còn ngẩn ra nhìn.

Ấy thế nhưng người đỗ cao nhất lại chính là Trương Doanh. Lúc xem tên, mặt Trọng Dĩnh xây xẩm, tí nữa thì ngất đi. Trọng Dĩnh đỗ áp chót trong vòng đỏ, nghĩa là vớt vát, cũng có khả năng được bổ làm quan đâu đó nhưng chắc chắn là rất xa. Thanh Nương thở dài bảo, thôi nếu vậy thì chàng cứ ở đây phụ em bán quán, rồi kì sau thi lại cũng chẳng sao. Trọng Dĩnh ậm ừ bảo, để xem sao đã.

Viên quan được triều đình giao việc phân chia chức tước kì này thân phận không hề tầm thường. Ông có dáng người cao ráo, bụng to, đôi mắt xếch lên nhìn rất dữ tợn. Tuy là cháu của thái hậu nhưng ông học hành tử tế, đi thi đỗ đạt, lại có chiến công dẹp giặc cướp, có thể gọi là văn võ song toàn. Khi tất cả những người đỗ kì này đã tề tựu trong phòng, ông mới đưa mắt nhìn một lượt. Đoạn rồi ông đọc chiếu văn, phân chức cho từng người. Trương Doanh được bổ làm tri huyện, ngay lập tức được nhận áo mũ. Trương Doanh phủ phục xuống tạ ơn, mắt vẫn không quên nhìn Trọng Dĩnh như thách thức. Lần lượt từng người được phong, lạy tạ rồi ra về.

Đến lúc chỉ còn Trọng Dĩnh, viên quan mới thì thầm, ta đọc bài của ngươi thấy sở học đáng trọng vô cùng. Nhưng ông lại thở dài, ngươi cũng đừng trách ta, kì thi này con em các quan nhiều quá, chỉ có ngươi là kẻ duy nhất đỗ bằng thực tài. Trọng Dĩnh cúi đầu. Viên quan bảo, ta cho ngươi một chức quan bên cạnh ta, sau này sẽ được cất nhắc dần lên. Nghe đến đó, Trọng Dĩnh vòng tay xin thưa, nếu vậy ngài cho tôi không nhận chức, để về quê làm thuốc giúp bà con. Viên quan giật mình, rồi hỏi kĩ Trọng Dĩnh về y thuật. Trọng Dĩnh tình thực giãi bày, từ lâu nay thấy thuốc Bắc đắt đỏ quá, lại gây nhiều hậu quả về sau, nên chàng cùng sư ông đã dày công nghiên cứu thuốc nam từ hoa cỏ vườn nhà, bởi đó mới là cách chữa đến tận căn cốt. Lại hỏi, ngài có biết vì sao ăn cháo gà lại kèm rau tía tô hay không, là để giải cảm trong người chứ không chỉ là ăn cho ngon. Hay đậu phụ rán lại ăn kèm với rau kinh giới, cũng để cân bằng âm dương chứ đâu chỉ ăn cho sướng miệng. Viên quan gật gù, trước nay ta chỉ ăn cho khoái khẩu, chứ có biết đâu ý nghĩa như vậy. Bèn vỗ vai Trọng Dĩnh, thôi thế này, để ta tâu lại với triều đình cho ngươi một chức trong Thái Y viện. Lại hỏi nhỏ, vậy nhà ngươi có thuốc gì để ta một đêm có thể tẩm được vài nàng không. Trọng Dĩnh ngẫm nghĩ rồi bảo, thuốc thì có nhưng ngài bắt buộc phải ăn uống sinh hoạt theo cách mà học trò này chỉ ra. Viên quan lắc đầu, thế thì thôi vậy. Lại bảo Trọng Dĩnh, mấy ông quan thái y trong triều giờ là bị thịt đống đất cả lũ, ngươi vào đó được gần hoàng thượng, sẽ có cơ hội giúp dân. Trọng Dĩnh nghe mà như mở cờ trong bụng, phen này chí lớn tất thành.

Nhưng chờ mãi không thấy được gọi vào nhậm chức, Trọng Dĩnh lấy làm sốt ruột, đánh bạo tìm đến nhà vị quan kia hỏi cho ra môn ra khoai. Vừa nhìn thấy Trọng Dĩnh, viên quan thở dài bảo, ta thật không còn mặt mũi gặp ngươi, bởi đã sai lời hứa, thôi thì ngươi chịu khó làm một chức quan nhỏ vậy. Trọng Dĩnh cảm giác mọi việc không lành, bèn thưa rằng nếu vậy xin cho về quê tiếp tục làm thuốc. Viên quan nài nỉ một lúc không được đành lấy ra hai lạng vàng đưa cho Trọng Dĩnh, ngươi cầm lấy làm lộ phí, còn thừa thì mua thuốc cứu dân. Trọng Dĩnh nhất quyết không nhận. Viên quan cười, đừng sĩ diện mà làm gì, vàng này ta nhờ ngươi cứu giúp dân lành cơ mà, lại thở dài, coi như giúp ta tích một ít dương đức, chứ kẻ làm quan như ta dù công chính cỡ nào cũng mang tội, vì giúp người nọ có khi lại là hại người kia.

Trọng Dĩnh cầm hai lạng vàng, đem về đưa cho Thanh Nương, cố giấu nỗi buồn vào trong. Thanh Nương bảo, nếu vậy em sẽ thu xếp vài tháng cho xong việc ở đây, gửi gắm quán hàng cho ai đó tin tưởng rồi theo chàng. Trọng Dĩnh thấy vui lên phần nào, nhưng chợt nghĩ, nếu theo mình thì cuộc sống rày đây mai đó không biết rồi sẽ ra sao. Đoán được suy nghĩ của Trọng Dĩnh, Thanh Nương cười, chàng ạ chỉ cần chàng luôn ở bên em, thế là đã đủ vui rồi. Nói xong nàng thu dọn cửa hàng, nói chắc nịch, đêm xuân ngắn lắm, vui được lúc nào thì vui. Trọng Dĩnh giật mình, nghĩ chưa có sính lễ hôn ước e rằng làm vậy có điều không hay, nên thất thần bảo Thanh Nương, nàng chớ hấp tấp, đợi khi nào nàng về, ta sẽ cậy sư ông làm hôn lễ đã... Thấy vẻ mặt Trọng Dĩnh nghiêm trang, Thanh Nương cụt hứng, lửa xuân tình vừa dâng lên đã như bị dội cả thùng nước lạnh, thầm trách sao kẻ học chữ lại nhiêu khê đến vậy.

Về đến chùa, Trọng Dĩnh chạy như bay vào mật thất của sư ông, như để trút hết nỗi niềm cay cực. Sư ông thấy tiếng động, gượng ngồi dậy, cơ thể đã leo lét như ngọn bấc sắp hết dầu. Trọng Dĩnh thất thần nắm lấy cổ tay thầy xem mạch. Sư ông cười, ta chỉ còn sống được vài bữa nữa thôi. Trọng Dĩnh òa lên khóc, thầm tiếc sao mình không đỗ cao để thầy vui. Đoán được tâm trạng của Trọng Dĩnh, sư ông an ủi, ta đã nói rồi, con không có số làm quan, cứ an tâm mà hành nghề thuốc. Nói đoạn chỉ tay vào chiếc hòm đặt phía trước, bảo Trọng Dĩnh mở ra. Trong chiếc hòm là một một tập giấy đã ố vàng, ghi chép đầy đủ các vị thuốc từ rau cỏ trong vườn. Sư ông bảo, lúc con đi ta đã dành nốt phần sức cuối cùng ghi lại những điều mắt thấy tai nghe, con giữ lấy rồi sau này viết thành sách, không được bán, chỉ phát không cho người đọc, như thế là thỏa tâm tư một đời ta. Nói xong, sư ông thở nhẹ một cái, rồi tịch trong tư thế kiết già, miệng vẫn còn một nụ cười phảng phất.

Hết một trăm ngày chịu tang sư ông, Trọng Dĩnh lại khăn gói quả mướp trẩy kinh, mỗi bước chân chàng đều trĩu nặng như đeo đá. Nghe tin Trương Doanh đã trở thành quan thái y, Trọng Dĩnh lại càng thêm chán nản. Dân tình kháo nhau, từ lúc Trương Doanh nắm Thái Y viện, giá thuốc bắc tăng vọt, nhiều người đã phải gán hết gia sản cho hắn để chữa bệnh.

Đến quán nước xưa, không thấy bóng dáng Thanh Nương đâu, Trọng Dĩnh dò hỏi và được dân trong vùng cho biết trước đây Thanh Nương ngày nào cũng dọn hàng sớm, rồi ra trước sân ngóng đợi một ai đó đến tận khuya. Nhưng rồi bỗng thấy nàng chấp thuận làm vợ Trương Doanh, hai người cùng nhau cai quản cơ ngơi, vui vẻ hạnh phúc lắm. Nghe đến đó, Trọng Dĩnh không buồn mà thở phào nhẹ nhõm, không oán trách gì thói đời, bước chân trở về không còn nặng như đeo đá.

Về đến cố hương, Trọng Dĩnh sửa sang lại nhà cửa, treo trước cổng tấm biển Bốc thuốc cứu người và loan tin ai có bệnh cứ đến, chữa xong muốn trả bao nhiêu tiền thì trả, không có tiền thì giúp chàng làm cỏ tưới rau. Dân chúng kéo đến rất đông. Trọng Dĩnh lựa được hơn chục thiếu niên sáng dạ, sai giúp việc và truyền dạy nghề y, thành thử công việc cũng đỡ nặng nhọc hơn.

Một hôm, có một lão già hớt hải từ xa tới. Vừa vào đến sân nhà lão đã vội quỳ xuống vái Trọng Dĩnh, nói trong hơi thở đứt quãng, xin thầy hãy cứu lấy chủ nhân của tôi. Trọng Dĩnh vội vàng đỡ dậy, lão cứ an tâm, ta sẽ cứu. Lão già nấc lên, nhưng chủ tôi là người đã rất tệ bạc với thầy. Trọng Dĩnh ngơ ngác không hiểu đầu cua tai nheo ra sao, cho đến khi nghe lão già kể sự tình. Hóa ra, chủ nhân của lão chính là viên quan hồi nọ, nhận tiền của Trương Doanh để gạt chàng ra. Lão già thở dài nói, ai mà nghĩ quả báo đến sớm vậy, giờ chủ nhân của tôi chỉ nằm im trên giường. Lại van nài, tôi biết chủ nhân tôi có tội với thầy, nhưng ông ấy có ơn với tôi, nếu thầy không cứu ông ấy, tôi chỉ còn biết chết tại đây. Trọng Dĩnh cười bảo, tôi chữa bệnh cứu người, không phân biệt đó là ai.

Trọng Dĩnh đến nơi, thấy viên quan da bọc xương nằm im trên giường, toàn thân đã bắt đầu chuyển sang màu tím tái, triệu chứng của người trúng độc. Trọng Dĩnh lấy chỉ buộc vào tay viên quan bắt mạch. Khóe mắt viên quan rơi ra một giọt nước. Trọng Dĩnh thấy vậy từ tốn bảo ngài đừng xúc động quá kẻo chất độc phát tác nhanh hơn lại khó chữa.

Trọng Dĩnh sai người nhà đun nước đỗ xanh cho viên quan uống. Lão già thấy cách chữa tầm thường quá, nhưng không dám hỏi. Trọng Dĩnh giải thích, ta không phải là không có cách chữa nhanh hơn, nhưng chủ nhân của lão ngấm độc lâu thì cũng phải giải độc từ từ, bởi cơ thể bây giờ không thể chịu được bất cứ loại thuốc mạnh nào. Đợi chủ nhân của lão mạch ổn hơn, ta sẽ chữa tiếp. Lão già gật gù, y sư quả là trác tuyệt. Lại hỏi vậy chủ nhân của tôi có sống được không. Trọng Dĩnh bảo, chắc chắn sống được nhưng sức khỏe chỉ bằng bẩy phần khi xưa. Lại bảo, bây giờ đưa cho tôi mười nén bạc. Lão già gật đầu lia lịa, tôi sẽ biếu thầy hai chục nén. Trọng Dĩnh cười thầm, không nhận bạc thì viên quan sẽ lo nghĩ, khó lành bệnh.

Vừa về đến nhà, Trọng Dĩnh đã thấy trong sân cơ man là người. Mấy thiếu niên chạy ra đón chàng, hấp tấp bảo thầy ơi, quan trên đến đón thầy về kinh làm quan. Trọng Dĩnh ngờ vực bước vào. Viên quan khâm sai nhìn thấy chàng, giở ngay chỉ dụ của triều đình ra đọc. Trọng Dĩnh nhận chiếu chỉ, rồi xin phép cho thu dọn hành lí. Viên quan khoát tay, lệnh của triều đình không được chậm trễ, quát xong lại hạ giọng, thôi cho thầy ít phút sửa soạn. Trọng Dĩnh chỉ kịp đưa bạc cho đám thiếu niên, dặn dò các việc, rồi ngồi lên xe ngựa. Đến khi yên vị, Trọng Dĩnh mới kịp định thần, vén màn nhìn ra phía sau, kinh ngạc khi thấy mấy vị tướng giáp trụ kín mít. Lại tự hỏi, sao đón người về kinh làm quan mà lại phải đem cả quan binh làm gì.

Vào đến dịch quán, viên quan khâm sai bảo Trọng Dĩnh cứ ăn uống nghỉ ngơi thoải mái, cần gì cứ hô to sẽ có người phục dịch, rồi mấy hôm nữa sẽ có lệnh tiếp. Trọng Dĩnh trong lòng đầy hoài nghi, thưa ngài rốt cuộc việc này là sao. Viên quan ngần ngừ một lúc rồi bảo, lẽ ra ta cũng không nói cho thầy biết, nhưng trước sau gì thầy cũng biết nên ta kể cho mà nghe. Số là triều đình phương Bắc nghe nói nước ta có lương y, nên muốn vời vài người sang bên đó làm việc. Nghe đến đó, Trọng Dĩnh run bắn người, cố trấn tĩnh lại rồi thưa, tôi chỉ là thầy lang quèn nơi thôn dã, sao tiếng tăm lại đến được tai triều đình. Viên quan gắt, chính vì thầy ở thôn dã thân cô thế cô người ta mới bắt thầy đi, chứ các quan ở Thái Y viện họ đi làm gì, sang rồi chết rục xương ở đất khách hay sao. Nghe đến đó, Trọng Dĩnh mắt hoa đầu choáng, ôm lấy mặt.

Bỗng viên quan quản trường thi ngày trước đạp tung cửa chạy vào cúi xuống vái Trọng Dĩnh rồi nói, tôi nghe tin thầy bị đưa sang cống nạp, đã phải chạy vào triều bẩm lại với thánh thượng. Viên quan khâm sai ngẩn người ra, rồi thở dài bảo, thế này nước ta lại mất đi một người tài nữa rồi, thánh chỉ đã ban, mọi việc nước họ cũng đã biết, giờ dẫu núi có đổ cũng không lay chuyển được đâu. Viên quan trông thi nghiến răng lại, đập tay mạnh vào tường, tất cả chỉ là do thằng Trương Doanh gây ra, giờ tôi có chết cũng phải báo thù cho đặng. Nói rồi xăm xái đi ngay.

Vài canh giờ sau, Trọng Dĩnh được mời vào triều. Bá quan văn võ đứng hai bên. Đức vua tuổi còn trẻ, gương mặt thanh tú, rời ngai đi xuống đỡ Trọng Dĩnh lên rồi thở dài, trẫm thật hồ đồ khi nghe lời tấu của Trương Doanh, may có các quan kể cho trẫm nghe về y đức của khanh...

Bá quan văn võ đồng thanh xin đức vua rút lại thánh chỉ. Đức vua thở dài, quân bất hí ngôn, giờ tranh thì vẽ rồi, tên tuổi cũng đã điền rồi, không làm sao khác được. Trọng Dĩnh quỳ xuống, tâu hoàng thượng, chuyện thì cũng xảy ra rồi, thần sang xứ người cũng được, chỉ là sau này nếu có ai sang bên đó thì xin đem mấy mảnh cốt của thần về nơi cố hương. Đức vua cố nén khóc mà gật đầu, trẫm sẽ hạ chỉ. Trọng Dĩnh lại tâu, xưa nay thuốc Bắc đắt và hay gây nóng trong người, nay thần đã ghi chép các bài thuốc Nam toàn là từ cây cỏ vườn nhà chẳng tốn kém là bao nhiêu, bệ hạ nên cho in và phát cho muôn dân, bởi dân có mạnh thì nước mới cường phú, nếu được vậy thì sau này nước ta sẽ có nhiều lương y tài ba. Đức vua gật đầu, trẫm sẽ cho làm ngay. Trọng Dĩnh lại tâu, nếu tha được cho Trương Doanh xin bệ hạ tha cho hắn. Đức vua khoát tay, điều này không được, khanh làm y thuật nên có lòng nhân, còn luật pháp thì không được có lòng nhân, không dung thứ cho kẻ ác.

Xong xuôi mọi việc, Trọng Dĩnh cùng đoàn sứ bộ nhằm hướng Bắc mà đi trong đêm lạnh giá. Cũng trong đêm đó, Thanh Nương leo lên lầu cao, nhìn về hướng Bắc, gọi Trọng Dĩnh ba tiếng trong nước mắt...

N.T.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)