Về với má

Thứ Hai, 07/12/2020 06:07

. NGÔ NỮ THÙY LINH

 

Hinh về nhà. Về trong im lặng. Hinh lù lù xuất hiện như một bóng ma. Má đi dép lẹt quẹt ra tới cửa, thấy một thằng trai đội nón vải đen, sùm sụp. Má suýt la lên. Hinh bịt miệng má lại, thì thào. Con Hinh nè, má la chi mà la. Má kéo tuột Hinh vào nhà. Miệng lẩm bẩm. Thằng điên, bò về chi giờ này. Thì con về tránh dịch, công ti cho nghỉ làm rồi. Về ăn cơm má mấy bữa, rồi con đi. Má làm gì dữ. Như là con chưa bao giờ ăn cơm của má không bằng. Má xòe tay ra, tiền đâu đưa đây tao mua gạo, không nấu miễn phí. Hinh nhăn nhó, má kì, công ti cho nghỉ không lương con lấy đâu ra tiền mà đưa má. Má quảy mông đứng dậy, vậy thôi mai khỏi nấu. Khỏe. Có chi đâu bàn tới lui. Hinh biết tánh má, giở ngay cái nón ra, móc tờ năm trăm ngàn mới cáu. Nè thì tiền nè, má bủn xỉn thấy mồ. Má cười xuề xòa, nhét ngay tờ năm trăm vào túi quần. Thôi ngủ, mai tính.

Sáng sớm, má ra đầu ngõ, nghe mấy người xì xầm. Thằng Hinh hôm qua trốn chỗ cách li về nhà. Má hoảng hồn, bỏ cái làn đi chợ tại chỗ, chạy ù ù về nhà. Hinh đang ngủ, má chạy vô đấm nó thùm thụp. Thằng điên, mày dậy ngay, dậy ngay cho má. Bị khùng sao trốn trại, bị điên sao bỏ về. Mày coi má còn ra gì không hả con. Hinh đang ngủ say sưa, đau điếng bởi bàn tay của má. Nó quạu. Má làm dữ hen, con có trốn gì đâu trời. Là công ti cho nghỉ, con đi qua tới Bình Dương, không có xe đò nên con bắt xe ôm về nè. Qua mấy chốt kiểm dịch, súng bắn nhiệt độ lia chia, con không sao mới về tới đây chứ bộ. Má không tin, mày ra ngay ủy ban xã khai báo giùm má. Đi ngay, liền đi con. Hinh lồm cồm bò dậy. Mệt mỏi vì ngủ chưa đã giấc. Nó quơ tay lấy áo khoác, rồi lom khom ra ngoài xã trình diện. Má đi theo sau, miệng không ngớt chửi. Mấy bà hàng chợ, thấy Hinh như thấy tà. Dạt sang một bên kiểu cấp dưới đi đón cấp trên. Buồn cười nhất là mấy bà hàng cá, cứ bê cả chậu mà né. Đúng khổ. Cá thì để thế, ai bắt đâu mà sợ. Hinh định mở miệng chào, mấy cô đã vội, thôi khỏi, không cần làm thủ tục đâu, đi lẹ lẹ giùm cái. Hinh ngạc nhiên. Ở cái nơi hẻo lánh này, tinh thần chống dịch dâng cao dễ sợ. Nó kéo cái khẩu trang lên bịt kín mặt, cun cút đi về phía ủy ban xã…

Đến bữa cơm trưa, loe ngoe vài cọng rau. Một con cá diêu hồng chiên nhỏ xíu. Hinh uể oải nuốt từng hột. Nó nhăn nhó. Má kì ghê, mấy lần trước con về má cho con ăn đủ thứ. Nay má nấu kiểu đó, ai ăn nổi. Má quạu. Thằng này tánh kì. Riết rồi tao má hay mày má. Nấu cho cái gì ăn cái đó. Mớ rau năm nghìn, cá hai chục, dịch diếc đồ ăn mắc như quỷ, đòi ăn cho sang. Tính đi, năm trăm của mày ăn được mấy ngày. Ngày ba bữa mày nhịn bữa nào, má trừ bữa đó. Còn không tính hết. Sáng ăn mì tôm trứng, nhà nuôi gà, miễn phí tiền trứng. Mì mua tạp hóa, không miễn. Trưa chiều đi chợ, tùy vào giá chợ. Má chi li dễ sợ.

Chị hai tới tháng sanh. Dặn má tới kề thì xuống. Canh cháu. Giờ xe đò không chạy nữa, má không được ra khỏi khu vực. Má như ngồi trên đống lửa. Hai điện về khóc như mưa. Má không thương con gì hết, ở nhà nuôi thằng Hinh béo mầm. Mốt nó lớn, nó lấy vợ đuổi má ra đường cho coi. Má xót. Chạy vô nhà khóc. Ai biểu trời sinh dịch bệnh giờ này. Má đâu có muốn. Má cũng là bất đắc dĩ. Thấy má ngồi thu lu góc cửa, bần thần, Hinh xót. Rứt ruột đẻ ra, con má má không thương thì thương ai. Cháu má không lo thì lo ai. Ngặt nỗi... Cứ nói tới má lại rầu, khóc sưng cả mắt.

Má đem mấy tấm vải ra, may cái gối, cái chăn cho sắp nhỏ. Tới lúc hết dịch má tìm đường về ngay với tụi nó. Má khâu trục trụt. Mũi được mũi mất. Lòng má bộn bề.

Tối. Má ngồi trước màn hình tivi, chăm chú theo dõi thời sự. Tình hình ở Việt Nam không nhiều như ở các nước khác, dịch được khống chế tốt. Má vui như mở cờ trong bụng. Sắp được gặp mấy đứa cháu ngoại. Má lấy ba lô sắp sẵn đồ. Lấy được hai bộ quần áo bà ba cũ mèm, còn lại má nhét hết đồ cho sắp nhỏ. Hinh thấy má lụi cụi, sắp ra xếp vào. Nó ngứa mắt. Má làm chi như chơi trò đồ hàng. Ở dưới đó có anh rể, bên nội lo hết rồi. Má cứ xắng lên. Con biết tánh chị hai, miệng nói thế chứ không phải thế. Không chừng bây giờ bả cũng đang ngồi coi tivi nè. Có khi không coi, nằm xả lai bắt chồng bóp lưng, bóp chân. Không tin má điện đi.

Má cầm điện thoại gọi liền. Đầu kia chị hai cười toe toét. Con nè má, con vẫn khỏe. Con đang ăn bánh, má chồng con làm cho. Má ở đó không phải lo đâu, là con nói thế thôi, chưa sanh mà. Má cúp máy. Hinh nguýt má dài cả mét. Đó thấy chưa, con nói đâu có sai. Má lo cho bả, bây giờ bả đang sung sướng ăn bánh kìa. Má quệt nước mắt, cười cười. Kệ, tao lo là lo thế.

Má con Hinh sống với nhau côi cút. Ba đi xuồng, lật ghe chết từ hồi Hinh mới ba tuổi. Người ta nói ba bị ma dưới sông kéo, cái tội đêm hôm vẫn cứ lì lợm bám sông, kéo cá. Nhà được hai mụn con, cá kéo chài về ăn không hết, má làm mắm bỏ xếp hàng ngay sau hè. Người ta biểu ba má tham. Ăn không hết thì phần người khác, bày trò làm mắm xếp lớp. Ngứa mắt. Dân làng chi lạ, đùm bọc nhau sống không chịu, cứ đâm thọt nhau. Vùng quê nghèo xơ nghèo xác, quanh năm chài cá, vớt bèo làm thủ công mĩ nghệ, có thấy khá lên hồi nào đâu. Mấy đứa lớn lớn, học hành tử tế, cũng làm được chút này chút nọ đưa về nhà. Mấy năm gần lại, có nhà to, có nhà lầu. Má ngồi ủ ê, người ta ganh tui chi giờ người ta giàu rần rần. Hinh buồn. Má cũng buồn. Phải chi ba còn, má con Hinh đỡ khổ.

Hinh học tới lớp chín thì nghỉ. Chị Hai lớp mười, bụng đã thè lè. Dắt díu nhau về dưới Bình Dương ở. Ngày chị vác bụng theo chồng, má chạy theo dúi vào mấy trăm bạc, với chỉ vàng má dành dụm được. Con dại cái mang, má biểu chồng hai, thương nó nghe con. Dầu gì ba nó mất sớm, má lo không nổi thì con lo giùm má. Má nói ít khóc nhiều, nước mắt lã chã. Hai đi không đặng. Hai má con ngồi bên sông, gió thổi thốc vào mặt, mặn mòi.

Hinh đi làm thêm, được công ti có uy tín nên vài năm cũng kiếm cho má được một mớ. Má sửa lại cái nhà. Cất thêm cái quán, bán nước mắm. Nước mắm má tự làm, cá má tự đi bắt. Về nhà dấm muối, trộn thính, bỏ vào lu. Canh trời nắng, trời mưa rồi trở cá. Nước mắm má làm ngon nức tiếng. Mùa nước nổi, có cọng rau bông súng, đọt lang chấm mắm, ăn nhức nách.

Chợ hết họp vì dịch. Má bán ở nhà, ai tới hỏi thì đong chai cho người ta. Được đồng nào má bỏ hết vào cái túi vải, đeo ngay hông. Má dành dụm tới lúc chị hai sinh đứa thứ ba thì xuống. Con gái con lứa, đẻ gì như heo. Lấy chồng bốn năm, sòn sòn ba đứa. Bà nội trông không xuể. Chờ má về đợt này rồi xuống lại. Ai dè… Cũng may phước chồng thương, chị hai ăn rồi chỉ việc đẻ. Má chồng ngó vậy mà chiều dâu, thích ăn bánh xèo có bánh xèo, ăn lẩu mắm có lẩu mắm, nghén gì bả mua cho hết. Má ở nhà bụng cũng yên tâm. Đời con gái coi như bớt khổ chút.

Má quay sang Hinh, làu bàu. Anh cũng lấy vợ đi cho má nhờ. Rồi má già yếu, về đây ở, chăm con gà, vườn cây. Má đi rồi không có đường mà về đâu. Hinh nhìn má, trợn tròn mắt. Má nói chuyện xa xôi thế. Nhưng nhìn kĩ, má già thật rồi. Tóc má đầy sợi bạc. Dáng lòng khòng. Tay má sần sùi đồi mồi. Giá hồi đó nghe lời má, học hành cho đàng hoàng, thì nay cũng đâu tới nỗi. Hinh nhìn len lén. Thương má vô ngần. Chợt nhớ, chưa bao giờ hai chị em nấu cho má bữa cơm ngon lành. Lúc nào cũng là má. Hai chị em đi đâu về, vừa quẳng xong đồ là má đã dọn sẵn mâm, cơm canh tinh tươm. Cơm má nấu lúc nào cũng ngon, ấm áp hương vị quê nhà. Thế mà bảo má thèm gì, má thích ăn gì, chắc Hinh không biết.

Tình hình dịch bệnh khả quan lên nhiều. Công ti gọi Hinh trở lại đi làm. Má khăn gói quả mướp xuống chăm chị Hai. Má biểu năm trăm của Hinh má không có lấy, giỡn chơi thôi, giữ mà uống nước, ăn dọc đường. Hinh cầm tờ tiền, chùn bước không muốn đi. Ngôi nhà lùi xa phía sau lưng. Bao giờ về được làm cái nhà mới cho má. Chắc còn lâu. Hinh thấy lòng mình xa xót.

Má biểu đi chán lại về, má nấu cơm cho ăn, má quét nhà cho nằm. Góc nhà này, chỗ con nước này, là cuộc đời của má con chúng mình. Mai mốt rước sắp nhỏ về, làm cái nhà trẻ, tha hồ vui. Má cười hồn hậu. Hai má con dắt díu nhau ra đường lớn bắt xe đò. Gió từ sông thổi lên mát rượi…

N.N.T.L

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)