Từ chiến trường đến nông trường

Thứ Ba, 07/05/2024 00:57

. ĐINH PHƯƠNG
 

Đoàn nhà văn Tạp chí Văn nghệ Quân đội lên Điện Biên khi hoa ban phơn phớt tím nở bung trên những con đường trong thời gian cận kề kỉ niệm 70 năm ngày chiến thắng. Xe đi ngang cánh đồng Mường Thanh, màu xanh lúa nếp trải dài mãi về phía núi. Mây trắng được gió đẩy dồn lại thành từng cụm lớn. Nắng vàng bỗng từ đâu vỡ òa ra trên mặt ruộng chạy đuổi nhau. Quả thật đúng với câu nói: Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc (Mường Thanh, Mường Lò, Mường Than, Mường Tấc). Trên đường đi, tôi để ý nhà nào cũng có sân vườn rộng, ao thả vịt, trên là mấy luống rau được làm sạch cỏ đánh luống gọn gàng, cổng là giàn hoa ngũ sắc hay hoa hồng, hoa giấy.

Mục đích chuyến đi là tìm gặp những cựu chiến binh trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, những người đã góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu. Đồng thời, cũng chính họ đã ở lại, dùng bàn tay khối óc của mình cải tạo, xây dựng nên vùng đất Điện Biên giàu đẹp như ngày hôm nay.

*

*        *

Qua sự giới thiệu của Thiếu tướng Lưu Trọng Lư, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, chúng tôi tìm xuống bản Noong Bua, phường Noong Bua, thành phố Điện Biên Phủ. Trong căn nhà sàn người Thái, cựu chiến binh Cà Văn An sinh năm 1921 tại Quài Cang, Tuần Giáo, Điện Biên kể. Học hết lớp bảy, nghe theo lời kêu gọi kháng chiến, năm 1953 ông vào Đại đội Cảnh vệ của Ty Công an Lai Châu. Sau thời gian huấn luyện, thử thách, ông được giao nhiệm vụ làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội bảo vệ cho hai cán bộ của tỉnh là Lò Văn Hặc và Hoàng Bắc Dũng ở Nà Tấu. Ngoài nhiệm vụ ấy, ông còn trực tiếp nhận tiền vào bản mua trâu bò, gạo ngô chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Chính ông là người đã đưa ba mươi con cừu tịch thu được của địa chủ về Sở Chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng. Giờ, thỉnh thoảng mấy người cháu hỏi chuyện Điện Biên, ông vẫn kể lại nguyên xi thế. Trước lúc chia tay bên giàn nhót chín đỏ, ông khẽ bảo tôi “nhiệm vụ nào cũng là nhiệm vụ à”.

Chiến sĩ Điện Biên Lại Văn Năm cùng vợ, con, cháu trước thềm ngôi nhà kỉ niệm của ông bà. Ảnh: Vũ Thành Duy

Chuyện ông kể chỉ đơn giản thế, sau đó, không muốn trở lại Ty Công an, ông xin chuyển sang Đại đội 13, Trung đoàn 148, Sư đoàn 316. Đến năm 1960 vì bệnh dạ dày ra quân, ông về làm kế toán hợp tác xã tại quê hương Quài Cang. Năm 1972 từ Quài Cang ông chuyển lên Noong Bua sống với người con thứ tư của mình là Cà Văn Nghen, làm nghề thợ mộc. Hàng ngày, ông vẫn đi chăn bò để có thu nhập phụ thêm đồng mắm đồng muối với con cháu. Căn nhà dưới Quài Cang ông vẫn chưa bán, cứ để đấy để thi thoảng có chỗ đi về.

Những người dân tộc thiểu số đi bộ đội từ đây và rồi cũng trở về đây. Nhưng còn vô vàn những người từ vùng đất khác lên Điện Biên chiến đấu, toàn thắng về lại quê hương, rồi sau lên hẳn ở lại xây dựng vùng đất chiến địa này. Ông Lại Văn Năm, sinh năm 1932, quê xã Tam Sơn, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ hiện sống ở thôn Chăn Nuôi 2, xã Thanh Xương huyện Điện Biên là một trường hợp như thế. Trong chiếc áo bộ đội xanh dài tay, ngực đeo đầy huân chương, ông chầm chậm từ trong nhà bước ra, nhắc người con gái thứ ba là chị Lại Thị Liễu pha nước chè mang lên cho khách rồi ngồi kể chuyện xưa đánh Tây của mình, đoạn nhớ đoạn không, có đoạn ông bảo, từ từ rồi nhớ…

Nhập ngũ vào giữa năm 1953, ở Trung đoàn 77 đóng tại Việt Trì, Phú Thọ, sau sáu tháng huấn luyện kĩ chiến thuật công binh, được biên chế vào Đại đội công binh 34, Trung đoàn 176, Sư đoàn 316, đầu năm 1954 ông nhận lệnh hành quân lên Điện Biên. Công việc chính của đại đội ông lúc đó là tìm hiểu địa hình địa vật từ bờ sông Nậm Rốm hướng về phía sân bay Mường Thanh để chuẩn bị cho những trận đánh lớn sau này. Đoạn rừng, đoạn bờ sông nào có bom mìn giặc cài thì trực tiếp phá để bộ binh ta có đường hành quân áp sát phòng tuyến của địch. Đồng đội ông lúc đó chủ yếu là đồng bào người Thái, người Mông, người Dao, người Nùng… Nhiều đêm không ngủ được nhớ nhà nhớ quê, nước mắt ông cứ rỉ ra mà chẳng biết thổ lộ cùng ai. Hành trang người lính khi đó ngoài tấm da thú có đôi bộ quần áo bên trong. Do bọc chẳng kín quần áo ẩm cả, mùi lúc nào cũng bốc lên khăn khẳn, còn có tấm áo mưa khoác khi đi gác, quấn đầu khi ngủ, bởi lán trại dựng tạm bằng tre nứa ven suối, lợp lá chuối chẳng đủ che khi sương lúc mưa. Sợ nhất là những khi đứng gác đêm cạnh gốc cây to đầu dãy lán. Một tiếng đồng hồ thôi, nhưng cảm giác như cả năm trời. Rừng rậm nhìn quanh nào có thấy gì, chỉ đen đặc. Căng mọi giác quan ra, hễ phát hiện điều bất thường là kịp thời nổ súng báo động. Lời thủ trưởng cứ văng vẳng trong đầu, các đồng chí gác chú ý, đừng để bọn phỉ bò vào cắt đầu rồi nộp cho Pháp lấy bạc trắng, lấy muối. Ăn uống khi đó cũng hết sức khó khăn, bát là ống tre cắt ra, thìa là ống nứa vót vát một đầu. Chẳng có xô chậu, những thân cây vầu được anh em đập ra ghép lại, thức ăn đổ thẳng vào đó, thường chỉ có cá khô, rau tàu bay, cơm hẩm.

Ông Năm nhớ mình đã trực tiếp điểm hỏa hai trận bằng bộc phá tre để bộ đội ta tiến vào diệt địch. Đó là đoạn tre dài mười lăm đến hai mươi mét, nhồi vài ba cân thuốc nổ bên trong, được lính công binh luồn xuống hàng rào dây kẽm gai trong cùng, đợi đến giờ xuất kích. Nhưng chính xác trận nào, ngày nào thì ông không nhớ rõ, chỉ áng chừng đầu 1954. Ông bảo nhiệm vụ mình cấp trên giao thế nào thì hoàn thành thế ấy. Từ lúc điều nghiên xác định địa điểm hướng cửa mở, đào hố cá nhân tiếp cận, nằm cắt mắt hàng rào, tay không dò mìn, phát hiện các hầm hố chông gai, giặc phát hiện đạn bắn chiu chíu trên đầu… đến khi gài bộc phá xong, điểm hỏa, bộc phá nổ khói mù mịt bốn phía. Lần lên cắm cờ hai bên, ông đứng chỉ hướng cho bộ binh tiến vào, lúc nào đầu óc cũng căng thẳng cực độ, về chỉ muốn ngủ. Cũng vì tuổi trẻ nữa, dễ xúc động mà cũng dễ quên đi nhiều mốc thời gian. Cái nhớ nhất sau này là mỗi khi đi làm trên cánh đồng Mường Thanh, nếu vô tình vấp phải đoạn hàng rào lại cúi xuống xem nó thuộc dạng gì, mình từng gặp chưa. Hàng rào cũng có nhiều lớp nhiều loại, bùng nhùng, ngang dọc như cũi lợn chứ không đơn giản như hàng rào sau này.

Tin toàn thắng đến với ông Năm vào sáng ngày 8/5/1954 khi đơn vị đang đóng trong khu vực sân bay Mường Thanh. Lúc đó, mọi người túa cả ra, chạy vung lên hát hò, rồi ôm lấy nhau mà khóc. Lâu lâu gặp người quen thì vồ lấy hỏi: “Mày còn sống đấy à, tao tưởng mày chết rồi”.

Tiếp đó, ông cùng một số đồng chí trong đơn vị nhận nhiệm vụ dẫn giải tù binh Pháp từ Điện Biên đưa về Sầm Sơn (Thanh Hóa). Đây là lần đầu tiên ông Năm ở gần một người lính Pháp đến thế. Bởi ông là lính công binh, có thấy là thấy từ khoảng cách xa lúc lính Pháp lố nhố trong hầm hào. Giờ lại gần thấy mình chỉ đứng đến ngực họ, lại phải áp giải cả đoạn đường mấy trăm cây số nên không khỏi hoang mang. Đoàn chia làm ba tốp. Người đi đầu dẫn đường, người đi giữa quan sát, người ở cuối đi cùng với những lính ốm đau bệnh tật. Ban đầu, trên đường có lính Pháp bỏ chạy vào rừng, bộ đội đuổi theo bắt lại rất mệt. Nhưng cũng có những trường hợp chạy vào rừng bị bà con đuổi đánh lại ào ra tìm đến bộ đội Việt Minh. Rút kinh nghiệm, đoàn yêu cầu lính Pháp cởi giầy đi chân đất. Vốn da chân mỏng, họ không thể chạy được nữa.

Cũng ở Trung đoàn 176, Sư đoàn 316, giờ ở cùng thôn Chăn Nuôi 2, nhưng ngày kết thúc chiến dịch của người cựu binh Nguyễn Văn Khả, sinh năm 1930, quê Từ Kỳ, Hải Dương, nhập ngũ năm 1951 ở Lạng Sơn lại diễn ra theo một cách khác. Sau khi đánh Điện Biên xong, ông cùng đơn vị nhận nhiệm vụ về Tiền Hải, Kiến Xương (Thái Bình) chống lại các lực lượng phản động dụ dỗ bà con giáo dân di cư vào Nam, buộc địch phải thi hành các nội dung trong hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Từng người cán bộ chiến sĩ trong Sư đoàn 316 đã kiên trì đến từng gia đình, gặp từng người dân để nói rõ chủ trương của Đảng, Nhà nước, vạch trần âm mưu, luận điệu xuyên tạc của bọn phản động. Nhờ sự vận động của bộ đội mà hàng nghìn bà con giáo dân Thái Bình đã yên tâm ở lại xây dựng quê hương.

*

*         *

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ ông Năm, ông Khả về lại đơn vị dưới xuôi, mỗi người một nhiệm vụ phục vụ quân đội. Hai ông chẳng thể ngờ một ngày giữa tháng 3/1958 trong đội hình toàn Sư đoàn 316, họ hành quân lên Điện Biên nhận nhiệm vụ mới, đó là tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng Tây Bắc thành một vùng hậu phương vững chắc trong hậu phương lớn của miền Bắc để chi viện cho miền Nam tiếp tục cuộc chiến đấu lâu dài.

Với quyết tâm “đi đủ, đi nhanh, đến gọn, an toàn”, sau gần ba tuần, vượt chặng đường hơn sáu trăm ki lô mét, sư đoàn đã đến được điểm tập kết. Giữa tháng 4/1958 theo quyết định của Bộ, sư đoàn chuyển biên chế thành lữ đoàn và tổ chức các công trường, nông trường làm nhiệm vụ sản xuất. Trung đoàn 176 chuyển thành Nông trường Quân đội Điện Biên. Trung đoàn 174 thành Công trường 42. Trung đoàn 98 thành Công trường làm đường. Trung đoàn pháo binh 8 giải thể. Đến tháng 5/1958 Trung đoàn 176 tổ chức lễ ra mắt Nông trường Quân đội Điện Biên, với gần 2000 cán bộ, chiến sĩ. Các đại đội tạo thành nòng cốt của các đơn vị sản xuất, bố trí ở xen kẽ các bản làng dân cư thuộc khu vực lòng chảo Điện Biên, hai đại đội được di chuyển về Phân trường Mường Ảng (thuộc Nông trường Điện Biên). Các đơn vị sản xuất cũng bắt đầu gọi bằng chữ C (đại đội), có các C như C1, C6, C7, C11, C12… Thời gian này nông trường vẫn trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu, có nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, dò gỡ bom mìn, khai hoang cải tạo đất, giúp đỡ bà con đồng bào phát triển sản xuất, ổn định đời sống.

Ngày 22/12/1960, Nông trường Quân đội chính thức làm lễ hạ sao, đổi tên thành Nông trường Quốc doanh Điện Biên trực thuộc Bộ Nông trường. Đây là nông trường quốc doanh đầu tiên ở Tây Bắc.

Trong cuộc chiến đấu mới, bộ phận công binh của ông Năm cũng vẫn đi đầu. Nhiệm vụ cần làm ngay là dựng các lán trại và hố vệ sinh cho trung đoàn. Khi đã có chỗ ở thì dò mìn ở những địa điểm được phân công để sau tiến hành trồng trọt sản xuất, bảo đảm an toàn cho người dân và bộ đội. Ông Năm nhớ, khi đó mình gỡ mìn ở đồi A1, rồi sân bay Hồng Cúm. Đồi A1 bây giờ khách vào tham quan đã khác lắm rồi so với hình ảnh đầu tiên năm 1958 khi sư đoàn trở lại. Lúc đó hoang vu lạnh lẽo lắm. Giữa đồi có cái hố do bộc phá đất toét ra đỏ lòm, hào chỗ đổ chỗ sạt, dây thép gai lởm chởm. Lúc chưa gỡ mìn, trâu bò chạy vào ăn cỏ chết là thường, cũng chẳng ai dám vào kéo xác ra để xẻ thịt bởi qua mấy năm chiến trận, cỏ mọc xanh mướt bên trên biết chỗ nào đặt chân. Khi dò dùng thuốn nhọn dài hai đến ba mét để chọc xuống, phát hiện bom thì đưa máy vào phá. Có những địa điểm làm đôi ba lần mới sạch để có thể bắt tay gieo trồng vụ mới.

Nhưng điều đáng sợ nhất của cánh lính trẻ lúc đó không phải là làm việc nặng nhọc hay gió Lào, mưa dầm, bọ chó, muỗi rừng, ruồi vàng…, mà là ba bữa ăn chỉ quanh quẩn rau rừng, cá khô, bí đỏ. Bữa nay cũng giống bữa mai, cũng giống bữa tuần sau nữa. Gạo hẩm chuyển từ xuôi lên nấu độn cùng ngô. Ngô, anh nuôi thường bung lên trước cùng rất nhiều vôi. Lúc đổ ra chậu anh em xếp hàng xúc ăn, mùi vôi vẫn nồng lên. Chẳng thế mà lúc đó anh em truyền tai nhau câu “Coi chừng cơm nếp, cô lập cá khô, đề phòng bí ngô ngóc đầu dậy”. Ông Năm nhớ lúc đơn vị đóng quân ở chân đồi A1, bà con đi làm nương qua thấy bộ đội ăn cơm thường bịt miệng quay đi. Họ sợ. Bà con khi đó ở vùng Điện Biên này thường là người Thái, ruộng năm chỉ làm một vụ, lúa chín đánh đống trên đồng, không tích trữ như dưới xuôi, ăn bữa nào ra đồng lấy về giã ăn bữa đấy.

Người lính những năm đó khổ nhưng thật và đẹp. Lúa trên đồng đầy ra nhưng anh em chẳng bao giờ có ý nghĩ tơ hào. Tình yêu thời đó cũng đẹp… Kể đến đấy, ông Năm cười khà nhấp ngụm nước rồi bảo con gái vào trong buồng dắt vợ là bà Lưu Thị Tấm ra. Tôi để ý bà Tấm lưng đã còng, đi lại khó khăn, nhưng ánh mắt còn linh hoạt, trí nhớ còn minh mẫn lắm. Ngồi xuống ghế, bà lườm yêu ông, ý chừng bảo chuyện gia đình con cái thì làm sao ông nhớ bằng tôi. Xong bà kể, mình sinh năm 1936 quê Tiên Lương, Cẩm Khê, Phú Thọ. Năm 1960, bà theo người chú là ông Lưu Đình Bản ở Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320) lên vùng đất mới làm ăn kinh tế. Bà bảo, khi đó yêu nhau, lấy nhau thường là người cùng quê, vì ở đất lạ, người quê gắn kết nhau hơn với những hồi ức, tập tục bản quán mang theo.

Đám cưới tập thể tổ chức vào tối thứ bảy, ngoài đôi ông bà còn hai đôi nữa. Cả hai ông bà đều là đoàn viên nên chi bộ đứng ra tổ chức. Tiệc ngọt có nước chè, kẹo đường đen, thuốc lá cuộn. Xong, ông dọn về ở với bà dưới nông trường cà phê, cái lán trước bà Tấm ở với một chị bạn cùng quê, nay được ngăn đôi ra bằng tấm liếp trát bùn. Đến năm 1976 ông bà mới chuyển về thôn Chăn Nuôi 2 bên này.

Khi hỏi về quà cưới năm đó, bà “hờn”, bảo lúc phá nhà cũ đi xây nhà mới “chúng nó hùa nhau” định vứt hết cả đi đấy, nhưng tôi cứ kiên quyết giữ lại. Bà chỉ vào chiếc phích Rạng Đông rót nước đặt đầu bàn có in hình hai con mèo trắng kể: Dùng từ ngày ấy đến giờ, phải thay lõi vài lần nhưng giữ nhiệt vẫn tốt. Thứ nữa là chiếc bàn gỗ tạp dùng để uống nước, ăn cơm do chi bộ đóng tặng. Rồi chiếc chum đựng nước, mấy lần bị rò phải hàn xi măng mà cũng chẳng nỡ vứt. Nhà đã mới, đồ đạc cũng mới, nhưng nhìn đồ cũ tôi vẫn quen mắt hơn.

Cuộc sống mới đang sinh sôi nơi mảnh đất Nông trường Điện Biên năm xưa. Ảnh: Thành Duy

Như sợ chúng tôi chưa tin, bà ra hiệu cho người con gái đến đỡ ngồi lên xe lăn đẩy ra ngoài hiên. Cách dăm mét về bên trái là căn nhà cũ ông bà ở mấy chục năm đã phá dỡ gần hết, chỉ chừa lại gian bếp đựng đồ đạc linh tinh. Chiếc chum nằm phủ bụi, cạnh chiếc bàn. Dưới chân chum là vỏ một quả đạn pháo. Bà nhìn chiếc bàn, chiếc phích được đoàn chúng tôi mang ra chụp ảnh, không giấu vẻ tự hào bảo tặng đoàn các anh cái phích đấy. Tôi hé nắp, hơi nóng sực ngay lòng tay. Cảm ơn tình cảm của ông bà, nhưng xin phép chỉ chụp ảnh chứ chẳng nỡ lấy, đồ kỉ niệm phải ở trong không gian kỉ niệm, để con cháu sau này nhớ về tình yêu của những người xây dựng Nông trường Điện Biên năm xưa. Riêng vỏ quả đạn pháo, khi tôi mang rửa dưới vòi nước cạnh ao, thấy vết lõm trên thân loang lổ phân bố không đều. Hỏi ra mới biết trong thôn nhà ai cũng có vỏ đạn pháo, và thường dùng để đập lưỡi xẻng lưỡi cuốc vào mỗi khi ra đồng cho sắc hơn.

Ông Năm bà Tấm lên nông trường mới yêu nhau rồi xin phép tổ chức tiến tới hôn nhân. Nhưng cũng có những trường hợp lấy nhau dưới xuôi, người chồng lên trước, sau mới thu xếp đưa vợ lên ổn định cuộc sống. Đó là ông Bùi Kim Điều, thuộc Đại đội 405 thông tin, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 và bà Trần Thị Hoa, cùng quê Gia Hưng, Gia Viễn, Ninh Bình. Năm 1958 ông Điều lên Điện Biên, ở Công trường 426 tham gia mở rộng đường Tuần Giáo - Điện Biên. Đến năm 1959 ông vào làm ở Phân trường Mường Ảng mới đón bà lên. Hai ông bà được phân một gian nhà tre vách đất của căn nhà dài làm nối nhau được chia thành nhiều phòng. Vợ chồng thì được một phòng, còn người độc thân, vài ba người một phòng. Nông trại vẫn phải cắt gác vì thỉnh thoảng lại có hổ từ rừng mò về bắt bò bắt lợn giữa đêm. Diện tích đất đã “làm sạch” được sử dụng trồng cây lương thực thực phẩm như lúa, ngô, khoai, lạc…, xen với đó là cà phê. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, mọi diện tích đất đều được tận dụng để trồng cấy, quy hoạch sau. Ở những chỗ có gốc cây to cản trở thường sẽ khoán cho tổ ba người, có những gốc phải đánh cả tuần mới xong.

Mất đôi năm đầu, khi sản xuất đi vào ổn định thì những chuyến đi họp từ Mường Ảng về Điện Biên của ông Điều, Bí thư đoàn Phân trường ngày càng nhiều hơn. Đoạn đường chừng bốn mươi mốt ki lô mét lầy lội, đầy ổ voi ổ gà, chẳng có xe đạp, đi bộ từ sáng sớm đến tối mịt mới tới. Ở lại nếu họp cả ngày thì hôm sau nữa mới về, còn họp nửa ngày thì đi về kiểu gì cũng phải ghé vào nhà dân ngủ nhờ đến sớm hôm sau. Lần nào về vợ cũng phải pha nước muối cho ông ngâm chân cho đỡ mỏi. Phải đến năm 1964 khi Phân trường Mường Ảng tách khỏi Nông trường Quốc doanh Điện Biên thành Nông trường Mường Ảng, ông Điều mới được phân phối một chiếc xe đạp Thống Nhất, từ đây việc đi lại mới trở nên dễ dàng hơn.

Đến cuối những năm 80, sau khi nghỉ mất sức ở nông trường, ông Điều bà Hoa về mở rộng vườn cây ăn quả với chanh, bòng, nhãn, bưởi. Từ hai con bê mua ban đầu, ông bà nhân lên thành mười hai con bò. Bà còn gói bánh, dựng quán nước ven đường để thêm đồng ra đồng vào nuôi các con ăn học.

Ít năm gần đây, sức khỏe yếu, ông bà về sống với người con gái tên Bùi Thị Hồng, giáo viên nghỉ hưu ở đường 13 tháng 3, phường Him Lam. Nhà cửa vườn tược ở Mường Ảng đã bán, thêm vào cho các con mua nhà xây dựng tổ ấm riêng, nhưng trong câu chuyện của ông bà ngôi nhà kí ức xưa vẫn hiển hiện. Giờ niềm vui của ông bà là xem tivi, chơi với cháu chắt. Người con thứ hai, chị Bùi Thị Hương, hiện đang là Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Điện Biên vẫn thường về thăm, động viên ông bà rất nhiều.

*

*        *

Trải qua nhiều biến động của cơ chế quản lí kinh tế từ bao cấp sang thị trường, năm 1994 Nông trường Quốc doanh Điện Biên chính thức chuyển đổi thành Xí nghiệp Cây công nghiệp Điện Biên. Từ năm 2008 đến nay có tên Công ty cổ phần Chế biến nông sản Điện Biên. Nhưng điều ấy đối với ông Điều, bà Hoa, ông Năm, bà Tấm, ông Khả…, những người có mặt từ ngày đầu xây dựng nông trường năm 1958 đến nay thì chẳng quan trọng gì. Họ vẫn sống mãi với những kí ức của Nông trường Quân đôị Điện Biên từ những ngày gỡ bom, dò mìn, đánh cây mở đất. Tên các C, các đội chăn nuôi vẫn hiện diện trong địa giới hành chính nhỏ nhất. Khi kể một sự kiện cũ hay mới diễn ra họ không kể theo cách thông thường là tên đường, tên phố, mà họ dùng C. Việc diễn ra ở C mấy, C mấy, ngày xưa ở đó trồng cây gì, nuôi con gì. Tôi hỏi chị Liễu thì được biết thêm, phía đông thành phố Điện Biên Phủ ngày nay là C8, phía bắc là C1, C7, C13, cạnh sông Nậm Rốm là C5, C6, C10, C11, C12, xã Thanh Hưng có C4, C7.

Nhà ông Năm bà Tấm, ngoài chị Liễu làm ruộng hiện ở với ông bà, còn ba người con nữa. Trong đó con cả là chị Lại Thị Dung, sinh năm 1965, bác sĩ Bệnh viên Đa khoa tỉnh Điện Biên hiện đã nghỉ hưu. Con trai thứ hai là anh Lại Văn Quỳnh, sinh năm 1970, sau khi đi bộ đội về làm công nhân ở Nông trường Quốc doanh Điện Biên. Con trai anh Quỳnh, cháu Lại Thế Huỳnh theo bố, theo ông nội, hiện cũng đang công tác ở Công ty cổ phần Chế biến nông sản Điện Biên. Con út của ông Năm là chị Lại Thị Nhiễu, sinh năm 1974 hiện đang kinh doanh dưới thành phố Lai Châu. Tính đến thời điểm hiện tại, hai ông bà đã có tám cháu, ba chắt. Trước khi chia tay, ông Năm ngỏ ý tặng đoàn chúng tôi vỏ quả đạn pháo đã ở bên mình bao năm. Bảo yên tâm tháo ngòi lấy thuốc ra cả rồi. Đến vỏ đạn pháo làm đe thế này ở đây cũng chẳng còn nhiều đâu, phần mang lên bảo tàng, phần bán đồng nát. Giờ với người già cả chúng tôi các dịp lễ tết chính quyền, đoàn thể tỉnh, huyện quan tâm đến động viên là vui, là vinh dự rồi. Mình cứ yên tâm sống vui sống khỏe, cần đi viện có con đưa đi, nhà mới đây các con mới xây cho ông bà năm ngoái, dư bốn năm phòng đấy. Tôi vẫn bảo các cháu nếu chẳng may làm ăn khó khăn, thất bát cứ về ở với ông bà…

Nhà ông Khả cũng được sáu người con, trong đó năm người sinh cơ lập nghiệp tại vùng đất Điện Biên này. Con cả là anh Nguyễn Thế Khương, sinh năm 1959, làm kế toán Nông trường Quốc doanh Điện Biên; chị Nguyễn Thị Thoa, sinh năm 1962, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên; chị Nguyễn Thị Nhung, sinh năm 1964 làm quản trang Nghĩa trang đồi A1; chị Nguyễn Thị Loan, sinh năm 1968, giáo viên; anh Nguyễn Văn Sơn, sinh 1970, nhân viên Bưu điện tỉnh Đồng Nai; con út, anh Nguyễn Văn Hoàn, sinh năm 1975, đang là nhân viên Trung tâm cai nghiện tỉnh Điện Biên. Ông Khả hiện sống với người con út. Mắt ông còn tinh, vẫn đọc được báo, chỉ có tai đôi khi nghễnh ngãng phải nói thật to mới nghe thấy. Lúc chúng tôi chào về, ông đòi tiễn bằng được mấy anh em ra hàng rào ngũ sắc ngoài cổng, cứ nói đi nói lại sao không ăn thêm ngô đi, trưa rồi, đói đấy. Ngô ở đây là thứ ngô nếp Điện Biên hạt tím xen trắng ở nhà người con cả đối diện luộc mang sang. Hạt ngô chắc mẩy, dẻo thơm được trồng trên chính những thửa ruộng màu mỡ của Nông trường Quân đội Điện Biên xưa…

Đ.P

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)