NHỮNG VÌ SAO BIÊN GIỚI - 6

Bát Mọt, những mùa sương

Chủ Nhật, 10/03/2024 07:29

. NGUYỄN XUÂN THỦY

Cùng loạt bài:

Những vì sao biên giới - 1: "Binh pháp' vùng biên

Những vì sao biên giới - 2: Chuyện về những người cha

Những vì sao biên giới - 3: Nơi góc trời Bản Ón

Những vì sao biên giới - 4: Cổ tích xanh chốn biên thuỳ

Những vì sao biên giới - 5: Tiếng từ quy trên Chốt 347

Những vì sao biên giới - 6: Bát Mọt, những mùa sương

 

Tôi quyết tâm đi đến cuối đất cùng trời của xứ Thanh là bởi một cái tên: Khẹo. Tôi chưa thấy một cái tên nào lạ lùng đến thế. Khẹo cùng với Bát Mọt, nghe như gợi về miền xa ngái, đủ sức mê hoặc và dẫn dụ lên đường.

Con đường tuần tra biên giới từ Lang Chánh bắt vào Thường Xuân luồn lách giữa mênh mang rừng. Chiếc xe nhà binh di chuyển trong tĩnh lặng chiều cuối năm. Người lái xe của Đồn Biên phòng Yên Khương đón chúng tôi từ Chốt 347 về đồn rồi tiếp tục “chuyền cành” sang Bát Mọt. Chúng tôi đã đi dọc rẻo biên cương xứ Thanh theo cách bàn giao giữa các đồn biên phòng như thế. Tút lút trong màu xanh của rừng, dáng cây, thế núi đẹp như tranh vẽ.

Đi mãi rồi cũng đến Khẹo. Cái tên khiến tôi vượt biết bao đường đất hiện diện trước mắt như một xác tín trên biển hiệu. “Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Khẹo” - nơi vừa được nâng lên thành cửa khẩu phụ quốc gia thuộc đồn Bát Mọt. Đã điện thoại từ trước nên một chiến sĩ biên phòng cầm chùm chìa khóa chạy ra mở và kéo chiếc barie sơn hai màu trắng - đỏ lên để xe qua. Ở những cửa rừng cũng có những chiếc barie ngăn xe qua lại, chiếc nào cũng được khóa và chỉ có bộ đội biên phòng mới có chìa đóng mở. Đó là một cách kiểm soát, bảo vệ rừng khá hiệu quả. Ngay đối diện Trạm kiểm soát biên phòng, vài ba chiếc xe tải cũ nằm trơ xác phủ màu thời gian, hoen gỉ, vấn vít cùng cỏ dại dây leo. Các chiến sĩ ở đây cho biết, nó là chứng nhân của con đường lên Khẹo, những chiếc xe vận chuyển nguyên vật liệu để làm nên con đường này, khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử chúng đã quá già yếu, không còn đủ sức về xuôi nên nằm lại nơi đây.

Chúng tôi được “bàn giao” lại cho Đồn Bát Mọt. Buổi làm việc với chỉ huy đồn ngay sau đó diễn ra nhanh chóng đến hẫng hụt khi Đồn trưởng Lê Đình Quý và Chính trị viên Lê Hưng Hiếu đều không chia sẻ gì nhiều. Tưởng như có vô vàn câu chuyện vùng biên ở nơi tận cùng này nhưng dù chúng tôi cố gắng hỏi thì Thượng tá Lê Đình Quý cũng chỉ cười ý nhị nói ngắn gọn “công việc ở đây cũng như các đồn biên phòng khác thôi”. Kinh nghiệm khai thác tư liệu trong những tình huống như thế này khiến tôi không cố hỏi thêm mà xin phép anh cho đi thị sát một vòng Bát Mọt. Vậy là tiếp tục chuyển xe và tiếp tục lên đường với sự đồng hành của Chính trị viên phó, Thiếu tá Vũ Văn Sỹ.

Trạm kiểm soát biên phòng Cửa khẩu Khẹo. Ảnh: NXT

Cửa khẩu Khẹo là nơi có cột mốc 353. Trước đó, dọc dải biên giới xứ Thanh nối với xứ Nghệ này chúng tôi đã ghé các cột mốc 342, 347, bỏ qua các cột mốc tiếp nối và bây giờ là 353. Nhẩm tính dọc hành trình thì đúng là “bốn chín chưa qua năm ba đã tới”. Dù là cửa khẩu quốc tế phụ nhưng lượng thông quan ở đây rất ít. Đứng bên cột mốc nơi cửa khẩu, nhìn sang đất bạn Lào, hai bên biên giới chìm trong sự tĩnh lặng. Tôi cố gắng đợi gần nửa tiếng mới gặp một người dân Lào đi xe máy từ phía Việt Nam “về nước”. Mọi thứ xao lên một tí rồi lại trở về tĩnh lặng. Bầu trời sũng nước trong màu xám của vùng biên tái. Đang vào mùa sương, mùa mà khắp dải biên cương phía Bắc từ Huế trở ra đều ướp trong mây mù, và Bát Mọt cũng không ngoại lệ.

Mùa sương ở Bát Mọt bắt đầu lúc chớm đông. Trong kí ức của ông Lang Văn Huyến, một cựu chiến binh, một già làng cao niên ở Khẹo, mỗi khi sương xuống, ngồi trong nhà nhìn ra ngoài cũng không tỏ mặt người. Mọi thứ mờ mờ nhân ảnh. Cũng như nhiều khu vực biên giới khác, việc bảo vệ biên cương cột mốc ở đây được toàn dân tham gia, tai mắt nhân dân luôn là phên giậu vững chắc và tin cậy nhất. Khẹo cũng là thôn mà Đồn Biên phòng Bát Mọt đứng chân. Ông Huyến tham gia bảo vệ cột mốc suốt mấy chục năm. Ngày trước ở đây mỗi năm mùa đông sương giăng mây phủ đến năm sáu, tháng. "Ngày trước" ấy là khi ông Huyến còn bé, bố ông làm Chủ tịch UBND xã Bát Mọt. Lớn lên đi bộ đội, chàng trai người Thái vẫn mang theo kí ức về những mùa sương Bát Mọt. Sau khi xuất ngũ năm 1976 về quê, ông cũng tham gia công tác tại địa phương như bố. Hiện tại, ở tuổi bảy mươi ông là Hội trưởng Hội Người cao tuổi của bản Khẹo. Cả bản chỉ có 59 hộ, như bao đời nay vẫn thế, vùng biên có bao giờ đông đúc, dù là bản cửa khẩu thì cũng thế mà thôi. Mùa đông bây giờ ngắn hơn, những ngày sương giăng mây phủ cũng ít hơn xưa, nhưng so với miền xuôi thì vẫn là xứ sở mây mù. Vùng biên viễn ảo mờ sương khói, có những thứ sương mù khuất lấp nhưng cũng có những thứ ảo mờ ngay giữa trời quang. Bản Khẹo kết nghĩa với bản Tà Láy, thuộc cụm Phôm Xay, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn của Lào. Hai thôn bản hai bên biên giới vẫn có những hoạt động giao lưu kết nghĩa, thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị. Người dân trong mỗi thôn có việc gì to nhỏ bên kia đều có mặt. Ngày ông Lang Văn Huyến dựng nhà bà con bên Lào cũng sang giúp. Đấy là câu chuyện của mười năm trước. Nhưng sau một lần sương tan, bà con bản Khẹo nhận ra người dân ở bản Tà Láy bên kia biên giới đã đi đâu mất, đi hết chẳng còn ai, thành ra ngơ ngẩn như vừa đánh mất thứ gì đó, như là sương mang đi mất điều gì đó. Là vì người Mông của Lào, cũng giống như người Mông Việt Nam, có tập tính di cư. Cứ lẳng lặng mà đi, chẳng từ biệt gì. Sau đó những người mới lại đến. Lại thăm dò qua lại, lại làm quen nhau. Mọi chuyện giao lưu kết nghĩa lại làm lại từ đầu. Sương giấu đi vài thứ và cũng làm hiển lộ vài thứ. Nhìn vẻ ngoài thì vùng biên ấy vẫn bình lặng đến buồn tẻ.

Tác giả trò chuyện cùng ông Lang Văn Huyến. Ảnh: LH

Mùa sương. Những người lính vùng biên đôi khi sống bằng cảm giác, việc thực hiện nhiệm vụ cũng nhờ vào trực giác và kinh nghiệm. Ví như việc đi ra cột mốc, sương mờ mịt thế đến lối đi còn chẳng thấy, vậy mà phải luồn rừng mấy cây số để tìm ra vị trí cột mốc bé xíu lẩn quất giữa cây lá. Đó là một việc chẳng dễ dàng. Mốc ở đâu là phải nhớ trong tim và trong óc, để mà nhắm mắt cũng có thể đi đến đúng vị trí đánh dấu cương thổ quốc gia.

Trong nhiều kì cuộc viết về người lính thời bình, các đơn vị tổ chức đều nhận ra một điều, đó là sự vắng bóng những nhân vật là cán bộ chỉ huy hay sĩ quan cao cấp. Đi, gặp, tìm hiểu mới thấy, đa số họ ngại nói về mình, thậm chí ngại nói về đơn vị mình. Hai thượng tá giữ vị trí chủ chốt của Đồn Biên phòng Bát Mọt Lê Đình Quý và Lê Hưng Hiếu là một ví dụ. Thượng tá Lê Đình Quý dáng người nhỏ nhắn, nho nhã. Vị trí đồn trưởng đã quá quen thuộc với người lính bề dày thâm niên công tác. Phía sau anh là dằng dặc mấy chục năm tuổi quân, mà mấy chục năm của lính biên phòng thì đồng nghĩa với việc tuổi trẻ giăng mắc như sương khắp dải biên cương của Tổ quốc. Ít có người lính biên phòng nào ở tĩnh tại một chỗ dù chỉ dăm năm. Câu chuyện dần mở ra trong bữa tối, anh Quý kể về hai mươi năm gắn bó với vùng biên giới Tây Nam của mình, từ đảo Phú Quốc đến Thổ Châu. Rừng thiêng nước độc đã đành, đảo xa cũng thiếu gì những hiểm hóc nguy nan. Chúng tôi kể về việc gặp rắn lục trong hai lần lên mốc mấy hôm trước, anh Quý kể, ở đảo Thổ Châu, có lần anh mắc màn đi ngủ, tay sắp sờ vào vị trí đinh mắc quen thuộc thì kịp thời phát hiện chú rắn nhỏ xíu như sợi dây dù ngự ở đó tự khi nào. Biên giới Tây Nam có những phức tạp riêng bởi tình hình buôn lậu trên biển, tình hình xâm phạm vùng lãnh hải quốc gia của các tàu cá nước ngoài. Giao thương phát triển, lưu lượng tàu thuyền qua lại nhiều, buôn bán, đánh bắt hải sản, vận chuyển hàng hóa… cũng đặt người lính biên phòng trước những thử thách mới, trong đó có cả những cám dỗ không dễ gì vượt qua được. Với một người thâm niên làm đồn trưởng như anh Quý, để kể gì đó về công việc của mình hay của đơn vị thì nó quá bình thường, bình thường đến mức chẳng cần quan tâm hay nhấn mạnh vào nó làm gì, bởi đó là công việc, là nhiệm vụ, giản dị như cơm ăn nước uống. Anh Quý có hai cậu con trai, cậu con đầu là Lê Quang Anh nối nghiệp bố, hiện cũng là sĩ quan biên phòng đang công tác tại Đồn Biên phòng Trà Lý, thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình. Bố cửa rừng Xứ Thanh, con cửa biển Quê Lúa. Nhà một lính biên phòng đã quanh năm biền biệt, giờ thêm một lính biên phòng nữa, thành ra con về tết thì có khi bố lại trực, bố về thì con lại trực. Cái sự đoàn tụ, điều tưởng chừng đơn giản với những gia đình khác thì với gia đình lính đôi khi lại là bất khả. Trong 32 năm tuổi quân anh Quý ăn tết với vợ con, gia đình được quãng 5, 6 lần. Cũng vì xa xôi ít có điều kiện về nhà mà hai cậu con trai của anh Quý cách nhau những 13 năm. Trong khi cậu con đầu đã là một sĩ quan biên phòng chững chạc thì con thứ hai của anh chị hiện mới đang học lớp 5.

 

*

*       *

Bản xa nhất của Bát Mọt là bản Đục, nơi có cột mốc 358 tiếp giáp giữa Thanh Hóa và Nghệ An. Thiếu tá Vũ Văn Sỹ đưa chúng tôi vượt hai mươi cây số để vào thẻo đất xa xôi này. Trong căn nhà sàn của ông Lang Văn Chuẩn, Sỹ giới thiệu với chúng tôi Tổ trưởng Tổ công tác biên phòng tại bản Đục - Thiếu tá QNCN Vũ Xuân Vuông, cùng với anh là người chủ nhà, cũng là một gia đình đã nhiều năm tham gia bảo vệ cột mốc. Ông Lang Văn Chuẩn sinh năm 1964, giống như ông Lang Văn Huyến ở bản Khẹo, ông Chuẩn cũng tham giao bảo vệ các cột mốc 356, 357, 358 từ nhiều năm nay. Khu vực bản Đục có cột mốc 358, là cột phân giới với Nghệ An, bên kia là đất Lào, khu vực giáp ranh nên các loại tội phạm thường hay lợi dụng. Bố của ông Chuẩn là ông Lang Thanh Lợi, sinh năm 1944, là một trong những đảng viên đầu tiên của xã Bát Mọt, ông Lợi đã được nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, là người có nhiều đóng góp xây dựng quê hương, góp phần bảo vệ khu vực biên giới. Bản Đục một trăm phần trăm là người Thái. Bộ đội và nhân dân ở đây là một, nhất cử nhất động quân và dân đều đồng lòng nhất trí. Suốt chiều dài lịch sử mấy chục năm của vùng đất này không khi nào vắng bóng các chiến sĩ biên phòng. Thế hệ này tiếp nối thế hệ kia, cả bộ đội và nhân dân, đến giờ là thế hệ những người như Thiếu tá Vũ Xuân Vuông và ông Lang Văn Chuẩn.

Ông Lang Văn Chuẩn đón các chiến sĩ biên phòng và đoàn công tác. Ảnh: NXT

Thiếu tá Vũ Xuân Vuông được coi như người con của bản Đục. Tính ra sang năm nay, anh gắn bó với bản Đục tròn hai mươi năm. Những ngày đầu tiên lên với bản Đục là những ngày thật đáng nhớ. Tình hình khi ấy báo hiệu những diễn biến phức tạp, phỉ Lào có một số hành động quậy phá, khiêu khích. Trâu bò của người dân ăn qua khu vực biên giới bị bắn chết. Giết trâu bò của đồng bào xong chúng còn treo đầu lên cây như muốn gửi thông điệp khiêu khích. Bộ Chỉ huy biên phòng Thanh Hóa chỉ đạo Đồn Biên phòng Bát Mọt cho triển khai các biện pháp ứng phó với tình hình, 3 chốt biên phòng được thành lập. Vuông khi ấy vừa về công tác tại Đồn Biên phòng Bát Mọt, được sung vào tổ công tác Na Tiêm triển khai tại bản Đục. Tổ được trang bị súng ống, máy vô tuyến, ngày hai lần báo cáo tình hình về Đồn. Các lực lượng đứng chân trên địa bàn đều ở chế độ sẵn sàng chiến đấu. Vũ khí được trang bị, cắt cử người canh gác, có mật khẩu giao dịch. Trung đội dân quân hơn 30 người của bản Đục cũng trong trạng thái trực chiến. Các lực lượng công an, quân đội hướng dẫn dân bản ban đêm sau bảy giờ tối không ra ngoài. Công tác tình báo cũng được vận dụng, chính ông Lang Văn Chuẩn và em trai Lang Văn Lét đã hỗ trợ bộ đội rất nhiều trong nhiệm vụ này. Hai anh em ông Chuẩn có quen biết một số người dân tốt ở bên kia biên giới, là người Thái nhưng anh em ông Chuẩn cũng biết tiếng Mông nên đã giúp bộ đội nắm bắt tình hình để có hướng ứng phó. May mắn sau đó tình hình dần yên. Vũ Xuân Vuông đã nằm trực chiến ở bản Đục 49 ngày mới về đồn. Kỉ niệm đầu đời lính ấy như một điểm nhấn trong suốt quãng đời quân ngũ của anh. Hai mươi năm sau, chàng lính trẻ năm xưa đã mang hàm thiếu tá, tổ trưởng tổ công tác, chỉ một điều không khác là vẫn bộ quân phục màu xanh ngồi bên nhà sàn cùng đồng bào, như khi chúng tôi đến nhà ông Lang Văn Chuẩn theo hẹn thì anh đang ngồi đó, một mình bên cửa sổ tầng hai nhà sàn, điềm nhiên như chủ nhân. Vuông đến trước để đón chúng tôi. Trong câu chuyện giữa chúng tôi với ông Chuẩn, người đàn ông tuổi sáu mươi khá kiệm lời, thi thoảng Vuông vẫn nói đỡ hoặc diễn đạt cho rõ ý ông Chuẩn muốn nói. Thay vì diễn giải, ông Chuẩn đứng dậy lục lọi trong tủ lấy ra một loạt các giấy tờ, chứng nhận và một số bức ảnh chụp bên cột mốc đưa chúng tôi xem. Thành ra câu chuyện xoay về phía Vuông là chính.

Vuông sinh năm 1979, quê ở Triệu Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa. Anh nói rằng anh yêu màu xanh áo lính từ khi còn nhỏ. Điều này thì ai cũng có thể nói được, nhưng Vuông đã chứng minh tình yêu ấy theo cách rất khác biệt. Tuổi hai mươi, đầu tiên Vuông đã đăng kí thi vào Học viện Biên phòng. Nhưng yêu là một chuyện, đạt được hay không lại là chuyện khác. Anh thiếu 1,5 điểm, không đủ điều kiện khoác lên vai đôi quân hàm học viên màu xanh. Không đạt nguyện vọng làm sĩ quan biên phòng nhưng Vuông vẫn chứng minh tình yêu với màu xanh áo lính bằng một cách khác, vào lực lượng Biên phòng theo một cách khác. Năm ấy, người anh trai của Vuông có giấy gọi nhập ngũ nhưng do muốn chọn con đường đi xa lập nghiệp nên trước khi giấy gọi kịp về thì anh trai Vuông đã tếch thẳng vào miền Nam tuyên bố không về. Thế là Vuông đi khám nghĩa vụ thay anh. May quá lại có một chỉ tiêu nhập ngũ vào Bộ đội Biên phòng, Vuông đã trình bày nguyện vọng với cán bộ tuyển quân và được toại nguyện. Vào lực lượng, Vuông được cử đi học Trung cấp Pháp lý của tỉnh Thanh Hóa, sau đó về nhận nhiệm vụ tại Đồn Biên phòng Bát Mọt. Năm 2005 Vuông cưới vợ, vợ anh ở Thị trấn Thường Xuân, và hiện tại gia đình anh ở đó. Từ Đồn Bát Mọt xuống thị trấn huyện cũng 60km, còn nếu tính từ bản Đục nơi anh cắm chốt thì thêm 20km nữa nên cái gọi là “công tác tại huyện nhà” của Thiếu tá biên phòng có khoảng cách là 80km.

 

Thiếu tá Vũ Xuân Vuông chờ đoàn công tác tại nhà của ông Lang Văn Chuẩn. Ảnh: NXT

Bản Đục không chỉ gắn bó với Vuông từ khi mới về Đồn Bát Mọt mà còn có với anh một kỉ niệm không bao giờ quên. Kỉ niệm ấy thi thoảng vẫn nhói buốt ở bàn chân phải. Câu chuyện ấy gắn với chuyên án ma túy mà anh cùng đồng đội tham gia ở đây. Tổ công tác gồm Thiếu tá Vi Văn Nhất, cán bộ thuộc Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Chỉ huy Biên phòng Thanh Hóa; Đại úy Vũ Xuân Vuông - nhân viên Đội Phòng chống ma túy và tội phạm cùng Trung úy Nguyễn Bình Minh - nhân viên Quân khí, thuộc Đồn Biên phòng Bát Mọt. Khi anh và đồng đội đang tiếp cận và khống chế đối tượng vận chuyển ma túy tại khu vực cột mốc 358, đồng bọn giấu mặt của chúng từ bên kia biên giới bất ngờ nổ súng bắn xối xả vào các chiến sĩ biên phòng. Sự cố bất ngờ xảy ra, Thiếu tá Vi Văn Nhất bị thương nặng, hi sinh trên đường đi cấp cứu. Còn lại Đại úy Vũ Xuân Vuông và Trung úy Nguyễn Bình Minh được đưa ra cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ngày ấy báo chí cũng đã kịp thời đưa tin, làm xôn xao dư luận, tiếc thương và cảm phục sự hi sinh của các chiến sĩ biên phòng trên mặt trận phòng chống tội phạm ma túy vốn nhiều khốc liệt. Vuông bị một viên đạn xuyên qua mắt cá chân bên phải. Nằm điều trị tại Bệnh viện 108 nửa tháng sau đó anh tiếp tục về Bệnh viên Sầm Sơn tập phục hồi chức năng. Sau khi ra viện Vuông trở lại đồn công tác. Nguyện vọng của anh là tiếp tục về với bản Đục, về với bà con vùng biên nơi góc trời biên giới. Vuông phải đóng 6 chiếc đinh trong chân, cứ sáu tháng khám lại một lần, hiện vẫn còn 3 chiếc chưa tháo. Anh được đánh giá thương tật mất 32% sức khỏe, là thương binh hạng 4/4. Từ ngày đóng đinh, hai chân Vuông không đều nhau, chạy bộ tầm 10 phút là đau. Trước Vuông có thể chơi thể thao, bóng chuyền hay vận động mạnh, nhưng từ ngày bị thương anh không dám chơi các môn như vậy nữa, chỉ tập nhẹ nhàng.

Trong sương mù bản Đục, giữa những chông chênh của vùng biên giới rất khó xác định thời gian, những câu chuyện cứ mở ra mãi. Thật lạ là khi chúng tôi làm việc với chỉ huy Đồn Biên phòng Bát Mọt, cả Đồn trưởng Lê Đình Quý và Chính trị viên Lê Hưng Hiếu đều không nói gì đến việc này. Việc giới thiệu chúng tôi vào bản Đục cũng chỉ là để gặp những người dân đồng hành cùng bộ đội biên phòng nơi vùng biên mà thôi. Có lẽ các anh coi việc trấn áp tội phạm, sự vất vả hi sinh là cái lẽ đương nhiên của người lính, chẳng có gì phải quan tâm hay để mà kể lể. Phía sau mỗi người lính biên phòng là gia đình, là cha mẹ, vợ con họ. Mỗi biến cố xảy ra với bản thân họ sẽ tác động đến những người thân và ngược lại. Những biến cố cũng như liều thuốc thử bản lĩnh của mỗi người lính và gia đình. Câu chuyện của Vuông khiến tôi nhớ đến câu đùa vui của Thượng tá Hồ Ngọc Thu - Phó Chủ nhiệm chính trị, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa, khi nói về những người lính biên phòng, rằng họ “cùng với gia đình bảo vệ biên giới”. Câu nói ấy thật thấm thía qua những trường hợp cụ thể như Thiếu tá Vũ Xuân Vuông. Nhớ lại hôm xảy ra sự việc, Vuông điện về cho vợ bảo sắp xếp quần áo để chuẩn bị đi công tác. Vợ anh làm theo, sau đó thấy hết xe nọ đến xe kia chạy lên Bát Mọt, rồi xe cấp cứu chở người xuống, được đơn vị thông báo sự việc chị mới tá hỏa vội gom hành lí lên xe theo chồng ra Hà Nội. Khi nhập viện, việc đầu tiên là vợ Vuông gọi điện thông báo cho bố mẹ chồng biết tin và cũng là để nhờ bà lên trông nhà, trông các cháu. Mẹ anh lo lắng lật đật bắt xe từ Hậu Lộc ngược Thường Xuân. Từ ngày vào biên phòng, Vuông gắn bó với miền núi, mỗi năm đưa vợ con về thăm bố mẹ đôi lần. Xảy ra sự việc mẹ anh vô cùng lo lắng. Biết tâm lí ấy, hôm sau, trong lúc chờ phẫu thuật chân Vuông đã điện thoại về cho mẹ, nghe tiếng Vuông, thấy anh vẫn rắn rỏi, nói năng mạnh mẽ nên bà đã được trấn an phần nào. Bây giờ thì cuộc sống của Vuông và gia đình đã trở lại bình thường. Anh lại ngày ngày bám bản, lâu lâu về thăm vợ con. Cậu con trai năm tới thi đại học, đang muốn lựa chọn theo nghiệp nhà binh, Vuông và vợ cũng tôn trọng quyết định của con, dù biết lựa chọn ấy sẽ đem lại nhiều vất vả, thậm chí là ít nhiều bất trắc, thấp thỏm cho những người ruột thịt.

Sương khói vùng biên Bát Mọt. Ảnh: NXT

Bóng tối dần xâm lấn, len lỏi trong sương, chẳng mấy chốc đã hòa với sương làm một trong màu nâu xám. Một ngày lại sắp qua. Mùa sương, cảnh sắc nơi đây náu vào biển mù dày đặc, náu vào mưa phùn gió bấc. Cũng thời gian ấy tội phạm ma túy rất hay lợi dụng để thực hiện những kế hoạch đen, những mưu đồ vận chuyển cái chết trắng qua biên giới. Những người lính như Vuông và đồng đội lại tiếp tục bám bản, bám dân, như những đôi mắt thức ẩn trong ma trận sương mù. Nói về việc trở về bản Đục của mình, nhìn ra màn đêm đang dần buông, Vuông bảo, “tôi phải trở lại đây để bà con tin rằng, dù khó khăn thế nào thì họ vẫn luôn có những người lính biên phòng bên cạnh”. Lời tự sự của Vuông khiến tôi thấy xao lòng. Vùng biên mở ra trong biển đêm mênh mang, thật khó đoán định điều gì đang diễn ra trong thế giới tiềm ẩn ấy. Trong sương giá vùng biên, đôi mắt người chiến sĩ biên phòng như thắp lên ngọn đèn nhỏ của tin yêu, hi vọng.

 

*

*       *

Biết chúng tôi quyết tâm lên Bát Mọt, một người chị ở Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh ghé tai bỏ nhỏ, rừng Bát Mọt đặc biệt lắm, em lên đấy cố gắng bảo các anh trên đồn dẫn vào rừng thăm hai cây di sản. Nhưng lên đến nơi chúng tôi mới biết điều này là không hề dễ dàng, dù chúng tôi đã ở bản Đục, áp sát bản Vịn là nơi cửa rừng. Với hơn mười cây số đi bộ luồn rừng trong ít nhất 7 tiếng, như vậy, chuyến đi phải kéo dài thêm một ngày chúng tôi mới có thể vào được vị trí hai cụ cây nghìn tuổi.

Để có thể vào rừng chúng tôi liên hệ với Trạm kiểm lâm Bản Vịn đóng tại Bát Mọt và được cán bộ kiểm lâm ở đây chỉ dẫn tận tình. Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên trải dài trên 3 xã Bát Mọt, Yên Nhân, Vạn Xuân của huyện Thường Xuân, ôm trọn hồ thủy điện Cửa Đạt, nhưng vùng lõi có khu vực cây lâu năm quý giá nằm sát biên giới, thuộc xã Bát Mọt. Dù thế, khu vực này không nằm trên đường biên giới nên không thuộc sự quản lí và thực thi nhiệm vụ trực tiếp của các chiến sĩ biên phòng. Và ngay chính họ cũng ít khi vào sâu trong khu bảo tồn, bởi thời gian chủ yếu tập trung cho nhiệm vụ của đơn vị. Việc vào rừng cũng rất mất thời gian trong điều kiện luồn rừng lội suối. Hiểu điều đó chúng tôi đã liên hệ với lực lượng kiểm lâm để có thể tiếp cận vùng di sản này, còn các chiến sĩ biên phòng sẽ tiếp tục công việc của họ.

Sau hơn 3 tiếng luồn rừng, hiện ra trước mắt tôi là cây di sản thứ nhất, cây pơ mu có tuổi đời khoảng hơn 1.000 năm. Tôi đứng lặng trước lớp vỏ xù xì nứt nẻ với những mảng rêu bắt nắng lấp lóa trên thân sừng sững như một bức tường thành. Dang tay ôm thử, thân pơ mu có chu vi ước cỡ bốn năm lượt sải tay của tôi. Cán bộ kiểm lâm Hà Văn Quý trong màu áo vàng chanh của lực lượng bảo vệ rừng nói rằng, cây có chiều cao khoảng 70m và chu vi gần 4m. Đây là một trong hai cây di sản của rừng Xuân Liên được trao bằng chứng nhận năm 2013. Sau khi mời các nhà khoa học Nhật Bản xác định tuổi, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã làm “lễ mừng thọ” cho hai “cụ” và tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận cây di sản, đến nay đã tròn 10 năm.

Quyến luyến trước cụ cây tự tại ngự ở độ cao 1.300m so với mực nước biển chúng tôi không muốn rời đi, Hà Văn Quý phải giục tiếp tục hành trình để kịp quay về Trạm kiểm lâm để xe đón về TP. Thanh Hóa. Bắt đầu từ đây chúng tôi như lạc vào thế giới cổ tích của các loài kì mộc. Rất nhiều những gốc pơ mu, sa mu trên dưới 1.000 tuổi đứng chen chân tạo thành một quần thể của những lão niên ôm giữ những bí ẩn của đất trời biên cương. Dưới mặt đất nơi gốc của các cây sa mu cổ thụ ở khu vực ẩm ướt có rất nhiều những cây sa mu nhỏ phái sinh, thế nhưng anh Tình, người đàn ông trung niên dân tộc Thái dẫn đường cho chúng tôi nói rằng, người ta đã thử đưa những cây nhỏ này đi nơi khác trồng nhưng sau đó chúng đều chết. Chỉ ở độ cao từ cỡ 1.000m so với mực nước biển, cùng với đặc điểm thổ nhưỡng và khí hậu như ở đây sa mu và pơ mu mới sinh trưởng tốt, không những thế còn đạt tới những giới hạn tuổi tác thách thức thời gian. Tôi sững sờ trước sự thật rằng, ngoài hai cây di sản được đăng kí “xếp hạng” kia trong rừng quốc gia Xuân Liên còn cả gần 100 cây anh em với độ chênh tuổi tác không nhiều. Có được điều đó là do tỉnh Thanh Hóa đã sớm khoanh vùng và có phương án bảo vệ nghiêm ngặt, trong đó có sự chung tay giữ rừng của những người lính biên phòng. Nhờ vậy, những cây gỗ quý vẫn bám rễ nơi biên ải của đất nước kiên gan và bền vững.

Bên gốc Sa mu nghìn năm tuổi. Ảnh: NXT

Suốt quãng đường chừng 1,5km từ cây pơ mu 1.000 tuổi sang cây sa mu 1.500 tuổi chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước hàng loạt những “cụ” cây mà “cụ” nào cũng xứng đáng ở hàng đại thọ. Cuối cùng thì chúng tôi cũng đứng trước vị “thần rừng” số một cheo leo bên sườn dốc. Cây sa mu cao niên nhất của rừng Xuân Liên có chu vi ước tính gần 5m và chiều cao 68m với tán vừa phải cùng những chùm lá kim cứng cỏi như thiết giáp. Một chùm lá khá to còn xanh nguyên không hiểu vì lí do gì rụng xuống gốc, tôi nhặt lên ngắm nghía, mùi thơm lan tỏa như dẫn dụ chúng tôi vào thế giới cổ tích. Đưa mắt nhìn dọc tấm thân phủ rêu xanh của “thần rừng”, nâng tầm mắt lên cao tôi gặp những tán xanh vời vợi, bỗng thấy đời người thật hữu hạn. Dưới bóng cây sa mu 1.500 tuổi tôi nghĩ về nguồn cội và sự vĩnh hằng. Sự thiêng liêng, ý thức nguồn cội có thể nghiêm cẩn nhìn vào một cái cây mà cảm nghiệm. Khoảng cách cả nghìn năm đằng đẵng bỗng chốc hiện ra trước mắt tôi bằng một kết nối rõ rệt hình hài. Cuốn sử sống sừng sững ấy chẳng tóc bạc da mồi, lá vẫn xanh như hơn một nghìn năm trước, lớp vỏ dày xù rêu như cự tuyệt thời gian.

Những cây họ thông trong quan niệm Nho giáo là biểu tượng của sự cao thượng, ngay thẳng, trượng nghĩa, chúng cũng được ví như những người lính. Nguyễn Công Trứ từng có bài thơ Vịnh cây thông với hai câu thơ bất hủ được lưu truyền mãi gắn với sự hiên ngang bất khuất: Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo. Quần thể cây sa mu và pơ mu quý trong rừng Xuân Liên hôm nay dưới sự bảo tồn nghiêm ngặt của lực lượng biên phòng và lực lượng kiểm lâm không còn quá lo lắng trước hiểm họa lâm tặc. Dưới bóng đại ngàn trong chiều cuối năm, trời vẫn xanh như thuở nào. Không hiểu từ thuở hồng hoang, khi đất trời đang vần vũ phôi thai, khi sử thi “Đẻ đất đẻ nước” của người Mường trên xứ Thanh này mới hình thành mô tả sự ra đời của trời và đất, của loài người để hình thành nên thế gian thì những cây pơ mu, sa mu kia đã đứng ở Bát Mọt hay chưa? Các nhà khoa học Nhật Bản, bằng phương pháp carbon-14 đã xác định được tuổi của cây sa mu “thần rừng” trong cánh rừng già này lên tới 1.500 tuổi, tức là cái cây ấy bắt đầu vòng sinh trưởng từ thời vua Lý Nam Đế, một khoảng thời gian tương đối dài đối với lịch sử một dân tộc chứ chưa nói gì đến một đời người, đời cây thông thường. Đứng dưới những bóng cây nghìn tuổi tôi tưởng như đó là sự hóa thân của những người lính trấn ải lưu đồn, từ thời vua Lý Nam Đế đến các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, hậu Lê, Mạc… Trải qua bao tuế nguyệt, bao cát bụi chiến chinh, nơi biên ải ấy tự bao đời đã có những người lính trấn giữ vì sự mở mang bờ cõi, vì sự trường tồn của dân tộc. Bao nhiêu người lính đã ngã xuống ở dải đất biên cương này, bao nhiêu lớp người đã tiếp nối để hôm nay đến thế hệ hậu sinh là các chiến sĩ biên phòng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cán bộ Trạm Kiểm lâm Bản Vịn Hà Văn Quý trước cây Pơ mu được công nhận là cây di sản Việt Nam. Ảnh: NXT

 

*

*       *

Như đã nói, trước khi lên Bát Mọt tôi khá tò mò trước những địa danh nơi đây. Mấy tháng trước, khi đi tuyến biên giới Mường Lát, thấy tôi post ảnh trên facebook đang ở biên giới của xứ Thanh, nhà văn trẻ Cầm Thị Đào, một cộng tác viên của Văn nghệ Quân đội, là cô giáo dạy học tại Ninh Bình, bình luận dưới bài viết hỏi: Anh có qua Bát Mọt nhà em không? Hỏi mới biết thì ra Đào là người Mường, quê Thanh Hóa, sinh ra tại vùng giáp biên khi bố mẹ cô là những cán bộ y tế đầu tiên lên đây xây dựng thôn bản những năm tám mươi của thế kỉ trước. Cô con gái của họ đã chào đời tại chính trạm xá mà họ công tác. Sau này thì bố mẹ Đào đưa gia đình về xuôi nhưng nơi sinh ghi trong giấy khai sinh của Đào thì mãi là Bát Mọt. Trong đoạn chat với tôi Đào cũng nói về cửa khẩu Khẹo nhưng khi tôi hỏi về ý nghĩa tên gọi những địa danh này thì Đào cũng không tường tận. Khẹo. Một cái tên độc lạ và gọn lỏn. Khi đã ở Bát Mọt rồi tôi mới biết còn nhiều cái tên tương đương như thế. Cái tên Khẹo đứng một mình thì nghe rất độc đáo, nhưng nếu đặt trong tương quan địa danh tám thôn của Bát Mọt thì cũng khá bình thường. Tám thôn ấy có tên lần lượt là: Khẹo, Cạn, Đục, Ruộng, Dưn, Phống, Vịn, Chiếng. Mỗi địa danh vùng cao như một mật ngữ mời gọi tìm hiểu, khám phá. Ngay địa danh Bát Mọt là tên xã hiện cũng vẫn được giải nghĩa theo hướng diễn giải thông tục, ấy là thuở xưa những người dân nơi đây cưa những khúc nứa già đoạn gần mấu rồi đẽo làm bát ăn cơm, ăn mãi đến khi bát mọt mới thay bát khác, cùng với cái đói cái nghèo, cái ăn thiếu thốn đến bát ăn cơm còn để mọt, người ta gọi tên vùng đất này theo nghĩa ấy. Cách giải nghĩa thật thà theo kiểu chẻ chữ pha chút bi hài này không được thuyết phục cho lắm, nhưng cũng chưa có một cách giải nghĩa nào hay và có ý nghĩa hơn. Ngay cả các cụ cao niên như ông Lang Văn Huyến khi chúng tôi hỏi cũng bảo, chỉ nghe ông bà truyền lại và gọi theo như thế. Trước sự ngờ vực của chúng tôi, Thiếu tá Vũ Văn Sỹ nói rằng, anh có nghe một cách giải thích khác theo hướng Bát Mọt là biến âm của Bất Mọt, có nghĩa là vùng đất để yêu thương, nhưng cũng vẫn chờ một xác tín về điều này bởi hiện tại địa phương mới đang tổ chức biên soạn lịch sử Đảng bộ xã và cũng đang đi tìm nguồn gốc tên xã để đưa vào tài liệu chính thống.

Tác giả và Thiếu tá Vũ Xuân Vuông trước lúc chia tay. Ảnh: LMQ

Nếu như những cụ cây di sản hàm chứa nhiều bí ẩn không dễ trả lời thì cái tên Bát Mọt nơi quần thể pơ mu, sa mu này chọn để trao gửi sứ mệnh xanh đến vô cùng cũng bí ẩn không kém. Trang điện tử của Huyện ủy Thường Xuân cho rằng, tên Bát Mọt có từ thời Lê (còn gọi là Bắt Mọt hay Bất Một). Dữ liệu này là khá quan trọng trong quá trình tìm hiểu địa danh Bát Mọt. Sau chuyến vào Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên thăm các cụ cây di sản cùng tôi với những tranh cãi chưa ngã ngũ về địa danh Bát Mọt, nhà nghiên cứu Lí Học đã cất công tra cứu trong các bộ sử, địa dư chí nhưng cũng không tìm thấy địa danh Bát Mọt, chỉ có Bất Một (cách gọi khác của Bát Mọt như trang điện tử của Huyện ủy Thường Xuân đã dẫn). Trong cuốn sách Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỉ XIX (thuộc các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra), được viết bằng chữ Nho hồi cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, thì ở Thanh Hóa có 2 nơi ghi địa danh là Bất Một: 1. Bất Một { }, châu Lang Chánh, phủ Thanh Đô, trấn Thanh Hoa; 2. Bất Một { }, huyện Vĩnh Lộc, phủ Thiệu Thiên, trấn Thanh Hoa. Tiếp tục cất công tra cứu, tìm hiểu, nhà nghiên cứu Lí Học thấy trong cuốn Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn có ghi lại một sự kiện gắn với địa danh Bất Một: “Tháng 10 mùa đông. Hoàng Văn Chất cướp Hưng Hóa, sau lại cướp Thanh Hoa. Triều đình sai bọn Trịnh Phương, Nguyễn Trọng Điển hội đồng với Nguyễn Đình Diễn đem quân đi đánh. Hoàng Văn Chất quấy nhiễu cướp bóc các châu Mai, châu Mộc thuộc Hưng Hóa; sau đấy chia quân đi cướp các động, các sách Quan Gia, Cổ Lũng, Thiết Úng, Ái Chử và Bất Một thuộc Thanh Hoa”. Một nguồn khác khá tin cậy đó là sách Đại Nam nhất thống chí, mục “Tỉnh Thanh Hóa (hạ)” có chép: Đường nhỏ: “Châu Lương Chánh: Một đường từ xã Lương Sơn, tổng Nhân Sơn, tới đồn Bất Một giáo địa giới huyện Sầm Nưa là bốn ngày đường”. Bất Một này được xác định chính là xã Bát Mọt ngày nay. Nhà nghiên cứu Lí Học cho biết, nếu giải thích theo biến âm Bất Một { } thì danh từ theo sự ghi chép và viết chữ trong các sử sách trên, dịch ra có thể tạm hiểu Bất Một là không mai một.

Vâng! Có những thứ chẳng hề mai một cho dù thời gian trôi mãi cả nghìn năm. Trong sự đằng đẵng ấy có dự phần của những cuộc đời hữu hạn. Khi tôi từ Bát Mọt trở về thì cũng hay tin Thượng tá Lê Đình Quý được điều về công tác tại Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa. Bố được về gần nhà hơn nhưng con trai thì lại đi xa hơn, là bởi Trung úy Lê Quang Anh, con trai anh, lại mới được điều từ Thái Bình đi tăng cường huấn luyện chiến sĩ mới tại Tam Dương, Vĩnh Phúc. Những ngày này vùng biên xứ Thanh vẫn chìm trong màn sương giăng. Những cuộc đời hữu hạn cũng có thời gian của riêng mình. Thời gian đối với những người lính biên phòng Bát Mọt được đếm bằng những mùa sương. Thêm một mùa sương, mỗi cái cây trong rừng Bát Mọt lại hình thành thêm một vòng sinh trắc học, người ta sẽ căn cứ vào đó để tính tuổi của nó. Thêm một mùa sương, mỗi người lính vùng biên lại thêm một tuổi quân. Thêm một mùa sương, Thượng tá Lê Đình Quý sẽ già thêm một tuổi. Được về bên vợ con bù đắp cho hậu phương đã nhiều năm xa cách, anh bảo, hạnh phúc lớn nhất của anh có lẽ là hàng ngày được đưa cậu con trai lớp 5 đến trường, niềm vui bình dị nhưng trước đây anh đã không thể làm với người con trai lớn. Thêm một mùa sương, Thiếu tá Vũ Xuân Vuông cũng sẽ thêm một tuổi, sẽ đến gần hơn với cái mốc hưu với bên chân phải mang dấu ấn vùng biên trên mặt trận đấu tranh với tội phạm ma túy. Trung úy Lê Quang Anh, con trai Thượng tá Lê Đình Quý cũng thêm một tuổi quân, và con trai Thiếu tá QNCN Vũ Xuân Vuông, trong những lựa chọn đầu đời, có thể sẽ lại bén duyên với môi trường quân ngũ. Đất nước Việt Nam đã có bao thế hệ, bao gia đình, dòng họ phụ tử chi binh trong những trao truyền tiếp nối. Tôi nghe đâu đây bóng thời gian ngưng đọng trong những thân cây nghìn tuổi dưới lớp rêu xanh mướt ẩm giữa sương mù.

Mùa sương, đất trời như hòa làm một trong cái rét tê buốt. Trong gió thẳm mây ngàn, những ngôi sao trên trời cao đều đi vắng, chỉ còn những ngôi sao trên mũ bông của người lính biên phòng. Trong sương gió, mây mù, những vì sao đơn lẻ ấy đã lặng lẽ thắp sáng một rẻo biên cương Tổ quốc.

Xứ Thanh đầu năm 2024

N.X.T

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)