Đối mặt

Thứ Bảy, 06/04/2024 00:37

. NGUYỄN CÔNG ĐỨC
 

Nghĩa trang dựa lưng trên ngọn đồi thật đẹp, rợp bóng cây xanh. Ông Hoàng ôm bó hoa thong thả bước. Ánh nắng trải vàng sau lưng, ven đường những bông hoa dại bừng nở rung rinh trong gió như chào đón ông trở lại nơi đây sau bao nhiêu năm lặng im tiếng súng.

Trước khi đến đây ông Hoàng đã cuốc bộ một đoạn đường kha khá sau khi xuống xe chỉ với mục đích tìm lại những kí ức năm xưa.

Minh họa: Vũ Đình Tuấn

Từ lúc ngồi trên xe vượt qua đèo Chư Sê, ở trên đèo nhìn xuống, ông Hoàng đã được chiêm ngưỡng cả một Ayun Hạ vàng rực màu lúa chín. Ngọn Chư A Thai giăng bức màn xám màu sương, nhìn qua Phước Thiện thấy Cheo Reo có một vệt trắng của dòng sông Ba ôm lấy. Xa xa, những làn khói đặc quánh phả vào vạt rừng, những làn khói lững lờ vươn lên từ những nóc nhà nhỏ như cái bao diêm. Màu khói Cheo Reo đã rất xa trong trí nhớ của ông. Mà không, màu khói giờ là màu khói bình yên, còn màu khói trong trí nhớ của ông Hoàng là màu khói khét lẹt mùi thuốc súng và mang trong nó sặc mùi chết chóc.

Ông Hoàng cũng đã từng tìm lại khúc cua năm xưa dưới chân một điểm cao, nơi ông đã từng nằm đó cùng đồng đội chĩa họng súng ra đường chặn những sắc lính rằn ri đang ùn ùn tháo chạy về hướng Tuy Hòa. Ông nhớ khi đó có mấy gốc cây nham nhở vết đạn cày nay đã không còn nữa. Những người qua đường nhìn, ông tự hỏi liệu ai biết nơi này đã từng là bãi chiến trường đẫm máu. Hay chỉ còn ông và những đồng đội còn sống giờ lưu lạc khắp nơi với bao người đang nằm trong nghĩa trang kia là còn nhớ, còn đau…

Bảng lảng trong bóng nắng, nghĩa trang lặng im trong làn khói mờ nhạt lẫn mùi hương trầm ngào ngạt, tiếng chuông chùa đâu đó đổ dồn. Những người đi viếng nghĩa trang thắp nhang cho người thân cũng thắp cho những nấm mồ lặng im bên cạnh. Ông Hoàng tự nhủ, không biết dưới mảnh đất bazan kia những đồng đội của ông có biết đường về hưởng khói hương mà người trần gửi tới họ không.

Mộ Thuận kia rồi, gần đến nơi ông Hoàng chợt thấy có bóng người đang lúi húi dọn cỏ, mấy nén hương mới thắp bên cạnh ít bánh kẹo được bày trên chiếc đĩa. Người đàn ông đang cắm cúi bên ngôi mộ chợt giật mình khi thấy ông Hoàng đến bên, ánh mắt chăm chắm ngước nhìn lên rồi vội cụp xuống.

- Ông hình như mới thắp hương cho anh Thuận? Ông quen anh ấy?

Vừa đặt bó hoa lên trên mộ, rút nén nhang châm lửa ông Hoàng vừa quay sang hỏi người đàn ông.

- Không, tôi là quản trang, còn ông hình như là…

- Tôi là đồng đội cũ của Thuận, hôm nay đúng ngày giỗ anh ấy…

- Ông… ông… tôi nhìn ông quen quen…

Ông Hoàng nhìn lại người đàn ông, gương mặt khắc khổ trong bộ đồ công nhân đã cũ. Đúng rồi, đúng gương mặt ấy…

*

*        *

Chiến dịch Tây Nguyên mở màn. Ngay sau đó Buôn Ma Thuột thất thủ.

Sư đoàn 23 ngụy bị đánh tơi tả trên đường 21, Sư đoàn 22 bị tiêu diệt một bộ phận và bị bao vây chặt ở đông An Khê. Phần lớn lực lượng biệt động quân bị đánh tiêu hao và giam chân ở bắc Tây Nguyên. Quân giải phóng cắt đứt các con đường 14, 19, 21, khối chủ lực của Quân khu 2, Quân đoàn 2 Việt Nam Cộng hòa bị vây chặt ở Kon Tum, Pleiku. Tướng Phạm Văn Phú - Tư lệnh Quân đoàn 2 điều quân cứu Buôn Mê Thuột trong thế túng quẫn mà bất thành.

Để giải nguy, Nguyễn Văn Thiệu vội vã bay từ Sài Gòn ra Cam Ranh tổ chức cuộc họp khẩn với Trần Thiện Khiêm, Cao Văn Viên, Phạm Văn Phú và quyết định rút toàn bộ lực lượng Quân đoàn 2 ở Tây Nguyên theo đường số 7 về giữ vùng đồng bằng duyên hải Trung Bộ nhằm bảo toàn lực lượng. Lúc này mọi con đường từ Tây Nguyên về đồng bằng ven biển đều đã bị cắt đứt, chỉ còn duy nhất đường số 7, nhưng cũng đã bị hư hỏng nặng.

Tuy nhiên, cuộc rút lui chiến lược có chủ định và kế hoạch chu đáo đã biến thành một cuộc tháo chạy hoảng loạn.

Nắm được ý đồ chiến lược của địch, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên đã lập tức ra lệnh cho Sư đoàn 320A được tăng cường một số đơn vị hỏa lực và hai tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh Phú Yên khẩn trương truy kích, ngăn chặn, bao vây, tiêu diệt quân địch rút chạy trên đường số 7, kiên quyết không cho chúng co cụm về đồng bằng duyên hải Trung Bộ. Đồng thời vừa đánh nhanh, mạnh, dứt điểm các mục tiêu còn lại ở Kon Tum, Pleiku.

Đơn vị của Hoàng lúc này đang truy quét địch ở Đại Lý, Phước An, nhận được lệnh bằng mọi giá cơ động nhanh nhất vượt lên trước chặn đứng đội hình địch. Hậu cần chiến dịch Sư đoàn 320 đã huy động toàn bộ xe ô tô cấp tốc chở các lực lượng ở đông bắc Buôn Ma Thuột về Thuần Mẫn rồi hành quân theo đường 7B để tiến về Cheo Reo.

Để chạy đua với các phương tiện cơ giới của địch, bộ đội cắt núi băng rừng tìm con đường nhanh nhất chiếm lĩnh các điểm cao có lợi lập các chốt chặn. Không cần theo đội hình đơn vị, ai có sức chạy trước, ai đuối sức hơn chạy sau, gặp bất kì ai, bất kì bộ phận nào cũng có thể gia nhập đội hình.

Những người lính như Hoàng đã bỏ lại phía sau đồ đoàn quân tư trang, chỉ mang theo vũ khí đạn dược cần thiết. Ban ngày vừa chạy vừa ngó bản đồ định hướng tìm con đường cắt rừng nhanh nhất để đi. Ban đêm phải dùng nứa làm đuốc, ai còn dép cao su cũng lấy ra đốt lên để soi đường, những miếng lương khô nhá tạm, những vốc nước suối uống vội, không phân biệt lạ quen đều dìu nhau, động viên nhau cùng vượt lên trước địch.

Tổ trinh sát của Hoàng đã nhanh chóng cùng với Tiểu đoàn 9 kịp thời bắt vào đường số 7 cách Cheo Reo khoảng chừng hai cây số lập chốt trước khi địch đến. Nằm bên gốc cây ven đường nhìn xuống phía xa từng chiếc xe đang chen lấn nhau tiến vào trận địa, Hoàng thấy hồi hộp như lần đầu tiên cầm súng nhắm vào quân thù. Bởi vì ngoài lượng xe pháo, khí tài và lực lượng địch đang ùn ùn tháo chạy kia chúng còn lùa cả những người dân vô tội đi theo, trong đó có cả gia đình những binh lính, sĩ quan.

Khi lực lượng đi đầu của địch lọt vào trận địa, Hoàng đã cùng với anh em chốt trên các điểm cao nổ súng tiêu diệt gọn tốp xe đầu tiên, và chính chúng lại trở thành vật cản cho đám ở phía sau. Đường số 7 tắc nghẽn, đại bộ phận của địch rút về thị xã Cheo Reo.

Nhưng địch ỷ vào quân đông, có hỏa lực mạnh, lại có sự chi viện của máy bay, chúng quyết mở đột phá khẩu hòng đưa lực lượng còn lại ngoặt sang đường số 5 tiến về hướng biển như đã định.

Tổ trinh sát của Hoàng gồm Lẫm và Thuận nhận được lệnh vượt lên trước con đường số 5, tìm địa điểm lập chốt cho bộ binh chặn địch. Vượt qua những triền núi, từ trên cao nhìn xuống, những toán người nhỏ lẻ lác đác tụm vào rồi tản ra phía dưới đường, nháo nhác tìm lối tạt vào ven rừng khi bất chợt có tiếng súng, tiếng đạn pháo đề pa, tiếng cối nổ ùng oàng. Những chiếc xe cháy rực lửa, những bóng rằn ri nhớn nhác cắm đầu chạy…

Lúc này trời đã vào chiều. Ánh nắng đã xiên chênh chếch đằng xa.

Vừa tạm dừng lại ngó bản đồ xác định phương hướng, bất chợt Hoàng nghe thấy tiếng chim rừng xao xác, tiếng người lẫn tiếng suối róc rách đâu đây. Cả tổ trinh sát cảnh giác chia nhau khép chặt các lối nhẹ nhàng tiến đến nơi có tiếng người. Bên con suối dưới bóng nắng chiều xiên khoai, một người đàn ông trong bộ đồ rằn ri và một người phụ nữ đang bế đứa bé oặt ẹo trên tay, họ đang vốc nước suối cho vào miệng đứa bé.

Nghe tiếng cành cây gãy phía sau, người đàn ông giật mình quay lại, bất chợt thấy ba người lính đang lăm lăm súng chĩa vào mình bèn giơ hai tay lên hàng, giải thích mình không phải là lính.

- Không là lính vậy sao mặc đồ này?

Vừa cảnh giác nhìn quanh Hoàng vừa hỏi.

- Anh ấy chỉ là không còn đồ mặc nên mới lột tạm đồ của lính để mặc thôi.

Người vợ ánh mắt sợ sệt ngước lên rồi lại cụp xuống ngó đứa bé trên tay buồn rầu nói.

- Vợ chồng con cái chúng tôi bất đắc dĩ bị bắt chạy đi. Thằng con tôi mấy bữa nay không có gì ăn, giờ nó còn đang sốt nữa, mong các ông tha cho. Anh ấy còn có thẻ căn cước, các ông có thể kiểm tra.

Người đàn bà lần trong chiếc túi nhỏ bên hông ra chiếc thẻ căn cước chìa ra phía trước. Lẫm tiến lên cầm lấy kiểm tra rồi quay lại Hoàng gật đầu xác nhận. Người đàn ông đã bớt sợ sệt hơn đứng lên phanh ngực áo cho tổ của Hoàng biết rằng anh ta không có vũ khí bên người. Những họng súng hạ xuống, Thuận tiến lên sờ trán đứa bé thấy nó nóng hầm hập. Lẫm lấy bên người ra nắm cơm và chút lương khô còn lại đưa cho người phụ nữ rồi bảo:

- Chúng tôi cũng không còn gì nhiều, chị lấy tạm cho cháu nó ăn, rồi quay ngược phía nơi các anh chị ra đi, sẽ có người tiếp nhận và hướng dẫn anh chị, cách mạng không làm phương hại gì đến gia đình anh chị đâu.

- Anh em chúng tôi cũng chỉ còn có bấy nhiêu thôi, anh chị và cháu dùng tạm. Quay lại gặp đồng đội của chúng tôi nếu có họ sẽ giúp anh chị, anh chị đừng nên đi về phía trước nữa, nguy hiểm đấy.

Thuận vừa lấy chiếc khăn dấp chút nước đắp lên trán đứa bé vừa nói.

- Vâng, cháu nó đỡ hơn chúng tôi sẽ quay lại. Cảm ơn các ông!

Người phụ nữ rơm rớm nước mắt nhìn ba người.

Hoàng vẫy hai đồng đội tiếp tục cắt rừng bươn lên phía trước.

Bất chợt giữa thinh không hoang vắng tiếng đạn vang lên chát chúa. Hai vợ chồng người đàn ông ngơ ngác ngước nhìn lên hướng ba người lính Bắc Việt vừa đi. Người chồng vùng đứng dậy chạy vụt lên phía trước.

Chạy được một quãng, người chồng chứng kiến một cảnh tượng kinh hoàng. Thuận đang nằm trong vũng máu, Hoàng với đôi mắt rực lửa căm thù đang tìm cách chĩa nòng AK vào một tên lính ngụy hai tay ôm ngang đầu, mặt cúi gằm, khẩu AR15 vứt dưới chân. Lẫm thì đang ôm ghì lấy Hoàng, luôn miệng nói:

- Hoàng, mày bình tĩnh lại đi, không được vi phạm chính sách tù hàng binh.

- Tao phải giết nó trả thù cho thằng Thuận. Mày buông tao ra! - Hoàng gầm lên.

Lẫm càng ôm chặt lấy Hoàng. Hoàng vừa thở hồng hộc vừa bảo Lẫm:

- Được rồi, tao sẽ không giết nó. Mày buông tao ra đi!

Khi tay Lẫm vừa nới lỏng thì một loạt đạn “tằng… tằng… tằng…” vọt ra từ khẩu súng trên tay Hoàng. Những viên đạn cày tung bột đất đỏ bazan trước mặt tên lính ngụy, một viên găm thẳng vào chân làm hắn kêu lên đau đớn rồi ngã vật ra đất.

Lẫm giật lấy khẩu súng rồi chắn ngang trước mặt Hoàng.

Hoàng rấm rứt khóc rồi quỳ xuống xác Thuận, máu vẫn từ ngực Thuận chảy ra ướt đẫm vạt áo phía trước. Vậy là người đồng đội thân thiết nhất từ khi vào lính đến giờ đã ngã xuống ngay trước mắt Hoàng khi mà chiến thắng đang đến rất gần. Bao nhiêu kỉ niệm buồn vui của hai người chợt ùa về. Hoàng đặt Thuận nằm ngay ngắn, lau khô những vệt máu loang rồi cởi tấm áo của mình khoác lên cho Thuận.

Lẫm băng bó cho người lính phía bên kia rồi bảo người đàn ông vừa chạy lại:

- Nhờ anh ở lại đây canh chừng tên này và xác đồng chí của tôi, chờ người của chúng tôi từ phía sau lên rồi bàn giao lại cho họ. Khi xong việc chúng tôi sẽ quay lại.

- Vâng, các ông cứ đi làm nhiệm vụ, tôi sẽ ở lại đây coi giúp các ông.

Người đàn ông vừa nói vừa đi tìm dây rừng trói tay tên lính bị thương.

Hoàng phủ phục bên xác Thuận, vuốt mắt cho bạn lần cuối rồi lẩm bẩm:

- Mày ở lại đây, rồi tao sẽ quay lại.

Hoàng quay sang chỉ mặt tên lính bị thương gằn lên từng tiếng:

- Tao sẽ nhớ cái bản mặt mày, hôm nay may phước cho mày đấy, đừng để tao gặp lại, lúc ấy thì chưa nói trước được điều gì đâu. Nhớ đấy!

Nén đau thương, Hoàng và Lẫm lại guồng chân chạy lên phía trước. Và họ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ khi lựa chọn được một điểm cao trên đường số 5 làm chốt cho bộ binh chặn địch. Phần lớn lực lượng địch lách theo đường số 5 bị chặn lại, chỉ có mấy chiếc xe M113 thoát được về hướng thị xã Tuy Hòa.

Khi hai người quay lại chỗ Thuận bị bắn thì mọi thứ đã được bộ phận thu dung xử lí xong. Thuận được đưa về phía sau an táng, còn tên tù binh đã được giải đi…

Minh họa: Vũ Đình Tuấn

Cho đến tận lúc này, sau gần năm mươi năm chiến tranh khép lại, hai người lính ở hai chiến tuyến đã từng thề nếu còn gặp lại nhau thì chưa biết sự thể thế nào đang ngồi cùng nhau bên ấm trà bốc khói, trong ngôi nhà ngói cuối nghĩa trang.

Người lính phía bên kia trầm ngâm kể rằng mình tên Vận, Nguyễn Thế Vận, lính bàn giấy, lúc đó cũng đang trên đường trốn chạy, khi thấy lính bên ta thì rất sợ nên mới nổ súng, đấy cũng là lần đầu tiên anh ta nổ súng bắn người. Và sau giải phóng đi cải tạo một thời gian về thì chẳng tìm được thông tin gì về gia đình nữa, họ chết trên đường trốn chạy, vượt biên chết trên biển hay đã định cư nước ngoài chẳng biết. Một thân bơ vơ lại thương tật nên Vận lần hồi làm đủ thứ nghề kiếm sống qua ngày. Khi biết tin nghĩa trang được mở rộng, chỉnh trang, và đặc biệt biết tin Thuận nằm đây Vận đã xin làm quản trang để chăm sóc khói nhang mong chuộc bớt lỗi lầm.

Ông Hoàng nghe, khẽ an ủi rằng thời gian đã qua, mọi thù hận cũng nên buông bỏ. Như chính ông, lúc đó nếu không tha thứ thì viên đạn đã găm vào tim chứ chẳng phải vào chân ông Vận. Và ông cũng mong ông Vận sống những ngày tiếp theo trong thanh thản, mọi cái đã qua cũng không cần dằn vặt mình thêm, ở dưới kia chắc Thuận cũng tha thứ cho ông rồi.

Ông Hoàng kể, Lẫm, người đã can không cho ông nổ súng vào Vận năm ấy đã hi sinh trong những ngày cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ông kể thêm rằng gia đình Thuận nơi làng quê cũng mất cả trong chiến dịch ném bom hủy diệt miền Bắc của Mĩ năm bảy hai. Nhiều lúc ông đã tính đến việc đưa Thuận ra Bắc, nhưng quê Thuận cũng chẳng còn ai thân thích nên thôi, thà để Thuận nằm đây với đồng đội của mình còn hơn. Hàng năm vào ngày giỗ ông vẫn làm mâm cúng mời Thuận về cùng uống với nhau chén rượu. Tuy vậy, ông vẫn canh cánh nỗi lo mộ phần Thuận nằm đây lạnh lẽo, nhưng giờ có ông Vận thì cũng an tâm.

Chia tay người lính phía bên kia trong ráng chiều tà, mùi ngai ngái khói đốt đồng đâu đó chợt len vào mũi ông Hoàng. Mảnh đất chết chóc năm nào chất chứa hàng trăm, hàng ngàn chiếc xe ùn ứ chen lấn nhau trốn chạy, để lại trên mình những sứt sẹo vì pháo bom, ôm trong mình những thi thể của cả hai bên tham chiến nay đã thành vựa lúa cho Gia Lai. Con đường số 7 năm xưa nay là quốc lộ 25 tấp nập xe cộ…

N.C.Đ

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)