Thông bách tử

Thứ Tư, 30/03/2022 12:22

. PHAN NGỌC CHÍNH

 

Yên Kinh, chính hạ, nắng đang đổ ngùn ngụt ngoảnh đi ngoảnh lại bất chợt kéo đầy mây. Mây sầm sẫm quây kín vòm Thiên Đàn khiến lớp mái cong dát vàng thường ngày vẫn ánh lên nét uy nghi khắp dải đông nam kinh thành chợt nặng nề sự u uẩn. Gió rú rít tứ phía. Gió khiến dãy cờ xí phần phật như muốn bứt mình khỏi những cán gỗ chạm rồng.

Sùng Trinh Đế bước ra từ trai cung của Tây Thiên Môn, bận bộ triều phục có các dải tua vàng và chiếc đai ngọc bích ngoại cỡ. Bộ triều phục này ông chỉ mới mặc một lần trong lễ tấn ngôi thiên tử. Điều đó đủ thấy việc đăng đàn tế trời và tiếp sứ thần các nước quan trọng đến nhường nào. Cố giấu vẻ bứt rứt bồn chồn, Sùng Trinh Đế bước trên thềm đá hoa cương trải gấm vàng, tiến lên Kỳ Niên điện.

Bỏ qua hàng văn võ bá quan đang rạp mình cùng tiếng hô vạn tuế không ngớt, mắt hoàng đế vằn lên những tia lửa dữ dằn. Tin tức về cuộc khởi nghĩa nông dân của Lý Tự Thành, cuộc nổi dậy của bộ tộc Nữ Chân khiến lòng ông không yên. Nhưng nó có là gì so với cái hận Giao Châu dồn lại bao năm. Từ khi các tiên đế xây dựng nên thiên triều Đại Minh lẫy lừng, quyền uy trải khắp muôn cõi, chỉ duy nhất có xứ nhỏ bé phía Nam là ương ngạnh, bất phục. Đúng ra nó từng ngỡ bị xóa sổ vĩnh viễn ngày Chinh Di đại tướng quân đem binh xuống thảo phạt. Lửa thiên triều đã thiêu rụi bao thành lũy, làng mạc. Vó ngựa thiên triều khiến xác quân Giao Châu chất đầy núi, xương dân An Nam ngập trắng đồng. Sử sách, văn khố của chúng đều đã hóa tro bụi. Đoàn quân Đại Minh đi tới đâu cỏ đất Giao Châu không dám mọc, trẻ con bặt tiếng khóc, muông thú chốn sơn lâm cũng bạt vía kinh hồn. Vậy mà có ngày chúng trỗi dậy tựa như thể phép màu, gieo cho thiên triều những thất bại ê chề. Đã thế, thay vì trả thù những gì Đại Minh đã làm chúng còn kiêu hãnh tha mạng cho hàng vạn quan quân của Tổng binh Vương Thông. Hơn hai trăm năm trôi qua thiên triều vẫn ôm mối nhục gớm ghê.

Hôm nay, thời cơ trả phần nào mối nhục xưa đã đến…

 

Minh họa: Lê Trí Dũng

Vậy là sứ đoàn đã đi được tròn nửa năm.

Mỗi ngày qua đi lòng ta nhớ cố hương khôn cùng.

Những đêm đầu tiên trên đất Bắc xa lạ, ta hay mơ về tuổi thơ chạy chân trần trên đồng làng Mông Phụ. Ta và chúng bạn mê say trong những trò chơi dân gian. Vui và hấp dẫn nhất là màn đánh trận giả. Nhóm của Trần Chất thường phải đóng giả quân Đường. Hoàng Nghị và ta thuộc quân của Bố Cái Đại Vương. Quân Nam dụ quân Đường vào trận phục binh. Giặc mắc mưu thua chạy tơi tả. Trò chơi chỉ chấm dứt khi tiếng chuông đền Ngô Vương điểm năm tiếng ngân nga. Đã đến giờ học chữ thánh hiền. Lũ trẻ buông giáp mo cau, đoản kiếm tre ngà lục tục kéo nhau về chùa Mía.

“Thưa sư phụ, xưa quân Đường hùng mạnh và tàn ác là thế, vậy mà Bố Cái Đại Vương một tù trưởng của đất Đường Lâm ta, quân mỏng, vũ khí ít ỏi vẫn lập nên bao chiến công. Sức mạnh đó đến từ đâu, thưa thầy?”

Một lần, sau giờ học sử Việt, ta nán lại bên thầy.

Hướng ánh nhìn về phía Tây, nơi có đỉnh Tản Viên cao xanh, mây trắng vờn quanh năm, sư phụ chậm rãi: “Con là cậu học trò thông minh. Nhất định sẽ có ngày đất Đường Lâm và quê hương trả lời câu hỏi đó thay ta.”

Rồi một sớm, mặt trời vừa nhô lên rặng duối cổ thụ, sư phụ đến tìm ta. Người dắt ta đi trên con đường thôn quyện mùi rơm thơm. Lúc lâu, hai thầy trò dừng lại. Ta nhìn theo tay thầy lên tán si già uy nghi đền Bố Cái Đại Vương. Tán si như một chiếc ô khổng lồ, buông hàng vạn sợi râu tóc trầm mặc. Bình minh trải lớp nắng non trên thảm lá thẫm xanh. Từ ngọn si cao, một vệt mây trắng bông quyện những sợi nắng sớm phủ xuống sát mái đền. Ở giữa vệt nắng lấp lánh những hạt màu diệp lục lung linh mờ ảo. Kì lạ. Ta chớp mắt. Phải chăng mình đang mơ. Vệt nắng, những sợi mây và muôn hạt ngọc xanh vẫn y nguyên. Không gian như ngưng đọng. Một mùi hương thanh khiết lan tỏa. Ta vùng chạy đi tìm Trần Chất, Hoàng Nghị. Khi cùng đám bạn trở lại tất cả đã tan vào hư không…

“Thưa đại nhân, có điều này hẳn người quan tâm.”

Lời của quan phó sứ Thân Khuê khiến ta bừng tỉnh, nhìn sâu vào khuôn mặt người cộng sự thân tín rồi buột hỏi:

“Có tin từ nhà sang đúng không? Phải chăng Nam - Bắc triều lại đụng độ?”

Ngày trấn thủ Nghệ An - Giang Văn Minh ta được lệnh nhà chúa tập hợp trai đinh trong vùng bổ sung quân giao chiến với chúa Nguyễn, ta biết vậy là lại chiến tranh. Cuộc tranh giành, thoán đoạt không biết sẽ kéo dài bao lâu. “Phù Lê diệt Trịnh” - khẩu hiệu kéo bao trai tráng Đàng Trong bỏ xác nơi góc suối, bờ mương miền xứ Nghệ. Còn ta, chứng kiến những trai đinh Bắc Hà phải biệt li cha mẹ, vợ con, nhân danh ngọn cờ “phù Lê diệt Nguyễn” - thân xác họ nằm lại nơi Nhật Lệ, Lũy Thầy, linh hồn họ cô đặc nước sông Gianh. Rồi thì chiến tranh Lê - Mạc, bao xóm làng điêu linh, lòng người dân Nam hoang mang, li tán.

Đáp lại ánh nhìn day dứt của ta, lần này gương mặt quan phó sứ Thân Khuê sáng rỡ: “Thưa đại nhân, không phải vậy.” Giọng quan phó sứ thì thầm: “Thông bách tử nảy mầm!”

Vội vã, ta ra ngay nơi góc vườn cằn khô, những mầm cây non như mũi tên chui lên từ lòng đất. Ép trên thân chồi mầm là nếp lá xếp rõ các lớp răng cưa cứng cáp. Thông bách tử. Ta quỳ xuống nâng niu những mầm thân khỏe khoắn xuyên đất cằn. Rưng rưng khẽ chạm vào những cánh lá non mảnh, ta thấy như mình đang ở giữa làng Đường Lâm quê hương. Bao suy tư, âu lo tiêu tan, lòng ngập tràn niềm kiêu hãnh kì lạ.

*

*        *

“Bẩm thánh thượng, giờ Tỵ đã điểm, mời người thỉnh Thái Hòa chung”.

Trước mặt điện rồng, viên quan thủ lễ quỳ sụp cung kính.

Một giàn mười sáu nam nữ trong bộ Hán phục lụa trắng rước đài đuốc đúc từ gỗ hương nguyên khối, cán nạm ngọc bước ra. Viên quan thủ lễ truyền lệnh. Lửa bùng cháy. Hương trầm bén ngùn ngụt. Những cây bạch lạp sừng sững cả vòng tay ôm sáng trắng. Hoàng đế vung chiếc chày gỗ quý hình đầu rồng khảm ngà. Chiếc Thái Hòa chung chao nghiêng.

Sùng Trinh Đế hướng mắt lên vòm điện. Mồm ông lẩm nhẩm những câu khấn đã thuộc lòng bao ngày. Những câu khấn xin đấng Hạo Thiên Ngọc Hoàng tối cao ban cho thiên tử của Minh triều sức mạnh... Hoàng đế vừa dứt lời, màn cầu khấn của tám mươi mốt đạo pháp ê a, văng vẳng.

Khói hương mịt mờ.

Màn lễ trọng kết thúc.

Viên thái giám Tổng lí hộ công Trương Di Hiền cúi mình: “Thánh thượng nhìn xem, đài nhang cháy sáng và đẹp. Lời cầu khấn của thiên tử hẳn đã thấu Thượng Đế.” Sùng Trinh Đế thở nhẹ. Cỗ xe tứ mã phủ lọng vàng cùng trăm quan đã hàng lối nghiêm ngắn đợi dưới thềm điện. Bất chợt ông cau mặt. Quái lạ, trời hôm nay có điều gì bất thường. Đang cữ nắng đẹp sao mây đen từ đâu đùn về. Dường như có điều chẳng lành ẩn chứa đâu đó?

- Bẩm thánh thượng, ngày giờ khai lễ được các bậc đạo sĩ danh tiếng nhất nước lựa chọn kĩ lưỡng. Nó rất hợp với thiên mệnh của người.

Viên thái giám tâm phúc nhỏ nhẹ. Cỗ xe tứ mã chuyển động. Nhìn qua khuôn cửa, Sùng Trinh Đế thấy cờ hoa rực rỡ khắp các nẻo đường Yên Kinh. Nét lo lắng trên khuôn mặt sắc lạnh tan biến. Giờ sửu sắp điểm, buổi tiếp sứ thần các nước là phần mở đầu của lễ khánh thọ.

Hai hàng quan văn võ xếp dài cả dặm từ cửa hoàn môn vào phía trong nội điện. Những hàng gươm giáo tuốt trần sáng quắc của lớp lớp đội quân cấm vệ. Đội kị binh giáp sắt uy vũ. Nổi bật phía sau là những khẩu thần cơ uy mãnh, niềm tự hào của Đại Minh ngạo nghễ vươn lên trời.

Hoàng đế đăng điện. Tiếng hô dậy đất. Trùng trùng những hàng quan lại cúi rạp. Các loài cá quý dưới lòng hồ yên lặng không dám quẫy. Trên trời cao muôn loài chim cũng không dám vỗ cánh bay.

Dàn nhạc lễ bắt đầu cất lên muôn điệu, khi dồn dập, lúc thánh thót. Viên thái giám rủ rỉ:

- Bẩm hoàng thượng, dưới triều Đại Minh ta, các tiên đế từng nhiều lần định dấy binh hỏi tội vua tôi xứ An Nam. Nhưng các tướng lĩnh đều sợ hãi thoái thác. Gương An Viễn hầu mất đầu ở ải Chi Lăng làm bọn họ khiếp nhược. Nay An Nam loạn lạc một nước chia ba. Bởi vậy, việc thánh thượng dọa bọn sứ thần của đám vua Lê chúa Trịnh đang lung lay uy quyền chắc chắn thiên triều ta không chiến tự nhiên thành. Đó là cái được thứ nhất.

Sùng Trinh Đế nhìn viên thái giám có tiếng mưu lược:

- Còn cái được thứ hai?

Viên tổng lí hộ công đứng bên chắp tay nói tiếp:

- Chỉ cần khuất phục được xứ An Nam thần tin tinh thần quân tướng Đại Minh sẽ tăng bội phần. Bọn giặc cỏ Lý Tự Thành, bộ tộc Nữ Chân kinh hãi khiếp vía. Khi đó hoàng thượng cho xuất quân, việc nghiền nát chúng dễ như trở bàn tay…

*

*      *

Ngày mới sang Yên Kinh, sứ đoàn được bố trí trong gian tệ xá, gần ngay một pháp trường. Đêm đầu tiên, đang ngập trong giấc ngủ mệt mỏi, ta và sứ đoàn choàng tỉnh bởi những tiếng la hét. Tang tảng sáng, pháp trường hành quyết tử tội cách cửa không xa những thân người quần áo tả tơi rũ rượi, mặt tướp máu bị trói vào dãy cột gỗ. Rồi tiếng voi gầm, ngựa hí, tiếng rên rỉ ai oán. Những lưỡi đao rin rít vung lên, thủ cấp tử tù lông lốc văng xa, máu phụt thành vòi. Có sớm, màn hành quyết kết thúc bằng bầy hổ dữ bị bỏ đói tháo cũi lao vào cắn xé các thân xác. Lại có lần, đội hành quyết đốt hỏa hổ, tiếng nổ dậy đất, thuốc súng hất tung những cái xác không đầu lên không trung, từng bộ phận thân thể rơi vương vãi be bét. Bóng dáng đầu trâu mặt ngựa nhe nhởn bay lượn. Các thành viên sứ đoàn lo lắng bất an. Họ nhốt ta ở đây ngoài mục đích hăm dọa còn có dụng ý nào khác?

“Văn Chung con, bất cứ lúc nào gặp khó khăn nơi phương Bắc, con hãy mở gói nhỏ này.”

Nhớ lời dặn của thầy hôm bái biệt, ta từ từ mở gói nhỏ lá sen được bọc cẩn thận. Những cánh hoa thông bách tử khô vẫn còn nguyên màu diệp lục huyền dụ. Đồng chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu, các phó sứ Thân Khuê, Trần Nghi, Nguyễn Bình, Nguyễn Quang Minh tự lúc nào đã quây quần bên cạnh. Mùi hương linh diệu toát ra gần mà xa. Hiện hữu mà vô hình. Bảng lảng mà sâu đậm. Mùi hương lúc thanh khiết như ướp từ sương nắng, cỏ cây, khi mê hoặc tựa vị trầm hương chỉ có ở vùng rừng Tản Viên, Yên Tử. Sứ đoàn như được tắm trong màn sương lành sớm mai nơi đồng sen quê nhà. Mùi tử khí và xú uế tan loãng, bay biến.

Rồi cũng tới ngày sứ đoàn được di chuyển sang một địa điểm khác. Gian quán cũ nát ven ngôi thành nhỏ bị bỏ hoang đã lâu. Mái ngói thủng lỗ chỗ nhìn rõ cả nền trời. Mối mọt, chuột bọ tràn ngập. Lu nước rong rêu phủ kín. Chum gạo mủn rữa tự bao giờ. Ta và các thành viên sứ đoàn phải xắn tay dọn dẹp cả buổi mới có chỗ ở tạm. “Đây là đâu thưa tiên sinh?” Phó sứ Nguyễn Quang Minh nhìn ta ái ngại. “Liệu chúng ta sẽ sống ra sao nơi gian tệ xá thiếu thốn này?” Ta nghe mỉm cười. Nhớ lời thầy, ta gieo những những hạt thông bách tử thoạt nhìn như những hạt dẻ gai gần phiến đá to góc vườn.

Một sớm, quan phó sứ Trần Nghi lấy nước tưới những mầm thông bách tử. Nước thừa dội vào mặt đá, đất trôi, những dòng chữ khắc dần lộ diện.

Cờ sứ vững cầm một cán không

Mười thu nghìn dặm, tiết cô trung

Đất Hồ, sương tuyết gầy mình hạc

Đền Hán, ngày đêm nhớ mặt Rồng

Bể Bắc ngày chầy dê chưa đẻ

Trời Nam nẻo viễn nhạn khôn không

Khăng khăng chẳng chuyển lời vàng đá

Bia tạc muôn đời tượng tướng công(1)

Thì ra, kẻ thù đưa sứ đoàn đến nơi từng lưu đày quan Hối Trai đại nhân thuở nào để đày ải, lung lạc. Ngờ đâu, nhờ những mầm thông bách tử sứ đoàn ta gặp được lưu bút đầy khí phách của người.

*

*         *

Từ trên ngai vàng lộng lẫy cao ngất, Sùng Trinh Đế nhìn vị sứ thần già An Nam thanh mảnh, râu tóc bạc trắng dẫn đầu các đồng sự.

Ông đưa mắt sang trái, phía thái giám Trương Di Hiền.

Như hiểu ý hoàng đế, viên tổng giám hộ công chắp tay:

- Bẩm thánh thượng, với những gì chúng đã nếm trải, thần tin ý chí của kẻ can trường nhất cũng đã bị đốn gục.

- Còn việc bắt chúng triều cống?

- Thánh thượng anh minh. Đây là cơ hội để vắt kiệt xứ nó. An Nam rồi sẽ lâm vào nghèo đói suy kiệt trước khi vĩnh viễn là một vùng đất của thiên triều. Rồi đây, các xứ Cao Ly, Phù Tang nhìn gương bọn Giao Châu sẽ buộc phải tuân phục.

Mở đầu buổi lễ trọng, viên nội quan nhà Minh truyền lệnh sứ thần An Nam dâng vật phẩm lên chúc thọ thiên tử. Tiếp theo sẽ là sứ thần các nước Cao Ly, Phù Tang.

- Sứ thần Giao Châu, các ngươi mang gì sang lễ khánh thọ mừng ta?

Sùng Trinh Đế cất giọng vang khắp vòm điện.

- Thưa bệ hạ, truyền thống của nước bản sứ luôn coi trọng nghĩa tình bang giao hơn giá trị vật chất. Vậy nên mọi vật phẩm Đại Việt chuẩn bị đều mang ý nghĩa đó.

- Sao vua An Nam các ngươi lại có thể xem nhẹ chuyện lễ lạt, cống phẩm. Nhất là Giao Châu các ngươi là tiểu quốc năm xưa mắc trọng tội với thiên triều.

Thám hoa Giang Văn Minh từ tốn:

- Bản sứ chưa hiểu. Bệ hạ hãy nói rõ hơn để bản sứ ghi nhớ, về bẩm lại với hoàng đế Đại Việt.

Nhổm người lên, Sùng Trinh Đế vươn tay chỉ xuống mặt sứ giả:

- Các ngươi dám chém đầu đại tướng của thiên triều mà không phạm trọng tội ư? Từ nay trở đi, ta yêu cầu Giao Châu hằng năm phải đúc tượng vàng An Viễn Hầu đưa sang đây. Có vậy, ta mới bỏ qua tội cũ.

Viên sứ thần già mảnh khảnh vẫn đứng nghiêm ngắn, không một chút lúng túng:

- Hoàng thượng đòi vậy, bản sứ vẫn không hiểu người căn cứ vào điều gì. Nếu như quân Đại Việt sang đất Bắc giết tướng của Minh triều thì hoàng thượng bắt đền, đất nước của bản sứ phải chấp thuận. Đằng này, năm xưa An Viễn Hầu cầm quân sang xâm lăng Đại Việt, khinh nhờn sức mạnh quân sĩ nước Nam mà bị nạn. Đó cũng là cái kết không thể khác. Nay bệ hạ đòi vậy, sao sứ thần các nước ở đây thấy phục cho được.

- Xem ra ngươi là kẻ có lí lẽ. Nhưng nhiều năm qua, dòng họ của An Viễn Hầu muốn Giao Châu phải cống tượng vàng vì mơ thấy cảnh đại tướng về vật vã đòi đầu. Ta bắt nước ngươi cống tượng vàng vì cái lẽ đó.

- Thưa hoàng thượng, Trung Nguyên cũng từng bị nạn ngoại xâm. Gần đây nhất, tiên đế Minh Thái Tổ của hoàng thượng phải vô cùng khó nhọc mới đánh đổ triều đình Mông Thát. Nếu bây giờ vua Mông Thát cũng yêu cầu Minh triều trả nợ sinh mệnh những viên tướng xâm lược bị Minh triều giết bằng tượng vàng thì hoàng thượng tính sao? Vả lại, bản sứ nghĩ để lấy vàng bạc của một nước khác thông qua yêu cầu trả nợ tượng vàng viên đại tướng bại trận, cái được cho Minh triều thì ít mà cái mất quá lớn. Bởi việc Minh triều luôn nhắc đến thất bại quá khứ chỉ làm suy giảm tinh thần quân tướng hiện tại.

Không gian chết lặng. Tiếng nhạc lễ cũng tắt từ lúc nào…

*

*         *

“Thông bách tử là gì hả thầy?”

Năm là một chàng trai hai mươi, ngày đêm miệt mài đèn sách, một lần ta hỏi thầy. Thực ra câu hỏi này ta ấp ủ từ thưở chứng kiến sự lạ ở đền Bố Cái Đại vương. Thầy lặng yên, bấm đốt, gieo quẻ rồi căn dặn. Hãy giữ tâm hồn và thể xác thanh sạch nhất cho chuyến đi hệ trọng.

Ngày giờ đã điểm, thầy trò ta tay nải gọn nhẹ, nhằm hướng non Tản cất bước. Trời vừa sáng rõ. Con đường đá cheo leo đã lâu không có bước chân người. Cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ. Gió mây và ánh mặt trời giao hòa quấn quýt từng bước chân lên non. Trời đứng bóng, thầy bảo ta ngồi nghỉ ở một phiến đá, nơi có thác nước trong vắt gieo mình xuống dòng Đà giang cuồn cuộn.

Nắng sáng rỡ mà xung quanh khí mát vẫn tỏa khắp bốn phía. Con đường quanh co, gập ghềnh dẫn lên đỉnh núi như vào cõi tiên cảnh. Những dải mây bồng bềnh ôm sườn non thấp thoáng tán cổ thụ thâm nghiêm, bí ẩn. Tiếng chim hót vang, sương rơi thành muôn điệu nhạc rừng. Những đụn mây tinh khôi bay lên từ khe núi tạo muôn hình khối kì lạ, khi là ông Bụt hiền từ, đoạn là đức Phật ngự đài sen mờ ảo. Có quãng mây dệt thành đạo quân ngựa voi giáp trụ nghiêm ngắn uy dũng, lúc là đám rước kiệu, hội rối nước của thôn dân trên ao quê, đồng làng...

Đi vừa chồn chân thì thầy trò đến một vạt rừng thoải. Thầy bảo ta dừng lại. Người dụi mắt mấy lần. “Chẳng lẽ, giấc mơ… hay thầy trò ta không có duyên...” “Dạ, là sao hả thầy?” “Ừ, thật kì lạ” Xong bấm đốt tay, thầy lẩm nhẩm: “Duyên thì gặp không đành chịu!” Đứng lặng hồi lâu người quay gót xuống núi. Ta cần mẫn bước theo không dám hỏi gì thêm. Đi được vài trăm bước, bất ngờ người dừng lại, gương mặt tiên phong đạo cốt bừng sáng.

“Con nhìn đi, thông bách tử!”

Cách thầy trò ta không xa, nơi vách núi cheo leo một thân cây thẳng mọc lên. Điều đặc biệt là nhìn rõ cả những chùm rễ trắng xuyên sâu vào vách đá như mọc từ lòng núi. Tán lá răng cưa mềm mại tựa lá phong xòe rộng, ôm một vòm hoa diệp lục pha tím, bung tỏa bốn phía tạo nên vầng sáng lấp lánh như muôn vì sao xanh bay trong không trung. Mùi hương thơm linh diệu, tinh khiết, hư ảo. Ta gặp lại những hạt ngọc xanh trong nắng mây mà mình đã được thấy một lần.

Ngày đứng trước lựa chọn tiếp tục làm tổng trấn Nghệ An hay đi sứ nhà Minh ta về làng Mông Phụ gặp thầy. “Thưa thầy, con hoàn toàn có thể thoái thác việc trọng để được an hưởng. Vài bạn đồng liêu khuyên con lấy cớ tuổi cao sức mỏi cáo từ việc đi sứ, vua và nhà chúa chẳng thể trách phạt. Ai cũng nhìn rõ vương triều nhà Lê ngày càng suy vong. Nhà Mạc phía Bắc cát cứ. Nhà chúa bên vua lộng hành. Nhà chúa Đàng Trong dấy binh. Nội chiến xảy ra ở hai đầu đất nước khiến cho lê dân đau đớn lầm than. Bởi vậy, đi sứ chuyến này lành ít dữ nhiều. Sang Yên Kinh với danh nghĩa sứ thần nhà Lê, một triều đại chỉ còn mỗi hư danh, con thầm tự hỏi mình sẽ xả thân vì ai, vì điều gì hả thầy?”

Từ trên giường bệnh thầy gượng ngồi dậy nhờ đỡ ra sân. Trời Đường Lâm nắng trải vàng như ngọc. Núi Tản Viên uy nghiêm nhìn rõ cả từng cánh chim trời. Phía ngay đầu thôn, đền Ngô Vương với mái ngói cong kiêu hãnh như khắc lên nền trời những nét vẽ. Rặng duối nơi Ngô Vương buộc bầy voi chiến vẫn xanh rì lao xao. Ngàn quả duối như muôn ngọn đèn li ti lấp lánh. Bất ngờ một dải mây trắng bảng lảng thả xuống từ trời xanh, đọng nơi rặng duối buộc voi. Dải mây nối dài về ngôi từ đường dòng họ Giang rồi tỏa sang mái nhà lá đơn sơ nơi ta sinh ra lớn lên. Thoắt chốc, theo dải mây là muôn hạt ngọc xanh lấp lánh xoay tròn.

“Có một loài cây thiêng hiện thân cho linh khí, mạch nguồn trời đất nước Nam, chọn ngự đỉnh Tản Viên dưới sự chở che của Sơn Thần - Thánh Tản. Con biết không, năm xưa Cao Biền, viên tiết độ sứ nhà Đường bằng mọi cách muốn hủy diệt loài thông bách tử. Hắn đã cho vây chặt đỉnh non Tản, lập đàn tế rồi đào xới, quyết trốc hết những hạt mầm của cây. Nhưng hễ triệt hạ nơi này thông bách tử tức khắc nảy mầm ở góc khác. Bất lực, chúng quây củi định thiêu rụi tất cả để không mầm cây nào có thể trỗi dậy. Lửa vừa bén cũng là lúc những vỉa đá nơi sườn non sụt lở, dòng suối hiền hòa sục sôi thác dữ vùi lấp lũ quan lính. Quân Đường thất kinh tháo chạy. Chỉ hôm sau trên đỉnh Tản Viên thông bách tử lại bung hoa.”

Lời của thầy bên tai hay lời của núi, của cây, của những dòng suối, con sông, vạt mây trên đỉnh non Tản biếc xanh đang thì thầm tiếp thêm nghị lực cho chuyến đi khó khăn sắp tới...

*

*          *

Sau giây phút ngẩn người nhìn viên sứ giả Đại Việt, rất nhanh, Sùng Minh Đế phẩy tay:

- Xem ra ngươi cũng là bậc tài trí của Giao Châu. Nể lời ngươi ta bỏ việc cống tượng vàng. Nhưng tội vua tôi nước ngươi trước sau đã rõ, lựa lúc thích hợp ta sẽ cất quân thảo phạt. Thực lòng thấy ngươi tài trí, khẩu khí sắc sảo, bị giết trong đám giặc cỏ ta không nỡ. Nay thương tình giữ ở lại cho hưởng tước lộc, bổ dụng làm quan, ngươi ưng thuận không?

- Thưa bệ hạ, bản sứ là người Nam, vâng mệnh vua Đại Việt, nguyện đời này chỉ phụng sự dân Nam. Sau lễ khánh thọ sứ đoàn gửi lời chào bệ hạ để lên đường hồi hương. Còn sự trường tồn của nước Nam là mãi mãi. Thái úy Lý Thường Kiệt khẳng định bằng Bài thơ thần ngày đánh thắng quân Tống triều xâm lược.

- Ngươi chớ có sàm tấu. Bài thơ ra sao đọc ta nghe ngay.

- Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Khuôn mặt Sùng Trinh Đế biến sắc. Nhổm người, đưa tay giữ chiếc vương miện giờ đây trĩu nặng trên đầu như cùm sắt rít lên.

- Nước các ngươi đang loạn. Xứ An Nam chia ba. Họ Mạc ở Cao Bằng đã thuần phục Đại Minh ta. Chỉ ông vua Lê bù nhìn và nhà Trịnh lộng quyền của ngươi là còn có ý chống đối. Nay lệ cống tượng vàng An Viễn Hầu chiều ý ngươi ta đồng ý cho bỏ. Vậy mà ngươi không biết ơn mưa móc vô lượng của thiên triều, lại còn dám đọc thơ coi thường sức mạnh Đại Minh. Mai này chỉ cần ta cử một đạo quân nhỏ sang hỏi tội vua tôi nhà ngươi, thân bọn ngươi chẳng thể giữ được mà toàn xứ Giao Châu sẽ chịu tận diệt.

- Bẩm hoàng thượng, bản sứ lại nghĩ khác. Năm xưa, Minh triều sức mạnh ngỡ vô địch, trong khi Đại Việt của bản sứ cũng đúng lúc suy yếu bởi nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần, vậy mà cuối cùng quan quân Minh triều vẫn phải gánh lấy thất bại. Nay Minh triều của bệ hạ còn đối phó với bộ tộc Nữ Chân và khởi nghĩa Lý Tự Thành chưa xong, việc cất quân xâm lược Đại Việt chắc chắn sẽ gặp kết cục như trước.

Trời bỗng nổi cơn giông. Gió bụi cuốn mù mịt. Một đám mây đen xộc thẳng vào chính điện. Đám mây sà xuống quây kín ngai vàng. Mặt Sùng Trinh Đế tái xám. Ông lảo đảo cố không ngã, tay huơ vào không trung vô định. Văn võ bá quan cúi mặt thảng thốt. Thiên tử rút xoẹt thanh bảo kiếm đeo bên mình trỏ xuống, hét lớn:

- Đồng trụ chí kim đài dĩ lục.

- Đằng giang tự cổ huyết do hồng. – Sứ thần Đại Việt ngẩng đầu hiên ngang đối đáp.

Các sứ thần Cao Ly, Phù Tang xuýt xoa.

Nhưng kìa, sao mặt thiên tử trắng bệch như bị trúng một cơn gió độc. Gió từ đâu tràn về hất chiếc vương miện nạm ngọc bay khỏi đầu rồng trong sự thất kinh của đám đại thần nhà Minh. Một tiếng sấm nổ rung trời, chớp lòe sáng mặt đất. Lá cờ đại bị cuốn đứt tung bay ra ngoài khuôn viên Tử Cấm Thành. Mây đen vần vũ như khói độc luồn vào các góc cung điện. Phải một lúc lâu sau, đôi môi nhợt nhạt của Sùng Minh Đế mới mấp máy, khó nhọc:

- Ta đã lầm. Ôi cái xứ Giao Châu… sao lúc hỗn loạn suy vi tận cùng mà vẫn có được người như hắn.

*

*         *

Phút chốc, ta thấy mình nhẹ bẫng, theo làn mây trắng bay lên cùng muôn cánh hoa thông bách tử. Chui qua đám mây đen hắc ám bao phủ ngập trời phương Bắc, ta run run chạm vào đất trời phương Nam. Chỉ cách nhau một vệt đường biên mỏng manh vậy mà nền trời Đại Việt lồng lộng trong xanh, dưới kia là những dãy núi, dòng sông, muôn thôn làng với bãi lúa, nương dâu hiền hòa.

Ta bỏ qua cảnh Sùng Minh Đế sau thời khắc lồng lộn như bị tử thương, chợt ngẩn ngơ rồi cuống quýt sợ hãi truyền lệnh cho ướp thân xác ta, cấp xe đưa về cố hương. Bỏ qua cảnh vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng ra ngoài thành đón linh cữu.

Ta bay về với làng Mông Phụ…

*

*         *

Đôi lời viết thêm:

Ngày mồng 2 tháng 6 năm 1638, bất chấp nghi lễ ngoại giao và sự có mặt của đầy đủ sứ thần các nước, hoàng đế nhà Minh đã ra lệnh sát hại sứ thần Đại Việt - Thám hoa Giang Văn Minh. Từ đây, triều đình nhà Minh liên tiếp phải gánh chịu những thất bại trước cuộc khởi nghĩa nông dân của Lý Tự Thành và bộ tộc nhỏ Nữ Chân nhà Hậu Kim.

Để rồi sáu năm sau đó, tại góc Tử Cấm Thành, Sùng Trinh Đế (Minh Tư Tông) buộc phải kết liễu đời mình bằng một dải lụa. Khi đó, bên vị hoàng đế Minh triều không còn lấy một kẻ thủ túc tin cậy. Cũng từ thời điểm đó, Yên Kinh thất thủ bởi quân khởi nghĩa nông dân và ít lâu sau, nhà Minh, triều đại người Hán cuối cùng chính thức chấm dứt khi bộ tộc Nữ Chân vào làm chủ Trung Nguyên.

P.N.C

---------

1. Tương truyền đây là bài thơ của Hoàng giáp Lê Quang Bí, vị sứ thần nhà Mạc bị Minh triều lưu đày mười tám năm trên đất Bắc, vẫn giữ vững khí tiết và một lòng trung thành với đất nước.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)