Nốt trầm trong khúc tráng ca

Thứ Năm, 09/05/2024 07:21

. NGUYỄN XUÂN THỦY
 

Đến Điện Biên bạn rất dễ bị ngợp, ngợp trong những hồi quang chiến thắng, trong những di tích dày đặc, trong những tư liệu, hiện vật xếp chồng chéo đan cài những lớp thời gian. Nhưng chỉ cần kìm nén cảm xúc một chút, bên những trầm tích ở mảnh đất này bạn sẽ cảm nhận thấy những nốt trầm của lịch sử…

Cần một hình dung về Điện Biên hôm nay gắn với Chiến thắng Điện Biên Phủ hôm qua thì Thành phố Điện Biên Phủ chính là nơi tập trung của tập đoàn cứ điểm Pháp năm xưa, còn phía sở chỉ huy quân ta thì ở mãi mạn Mường Phăng, cách trung tâm Thành phố Điện Biên Phủ hơn ba mươi cây số, thuộc huyện Điện Biên. Những địa danh nổi tiếng phải mất 56 ngày đêm với những tính toán, thay đổi chiến thuật cân não ta mới công phá được đều nằm trong thành phố, với tay là chạm đến. Bạn có thể đi bộ thong dong lên Đồi A1, ghé sang Nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1 thắp hương cho các liệt sĩ, đại đa số là các ngôi mộ không biết tên, và ngay cả những ngôi mộ hiện diện trong nghĩa trang ấy cũng còn quá ít so với số lượng quân ta đã hi sinh trong những ngày “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non” sống mái với tập đoàn cứ điểm này 70 năm trước. Nghĩa trang Đồi A1 nằm đối diện Bảo tàng Điện Biên Phủ qua trục đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lịch sử và những di tích chính của Thành phố Điện Biên Phủ cũng “tóm gọn” phần lớn qua trục đường này, từ Quảng trường 7/5 đến Đồi A1, rẽ phải, đi thêm chút nữa là Hầm Đờ Cát, cách đó vài chục mét là cầu Mường Thanh. Đi đến cuối đường là Đồi D1, nơi có Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Nhà bia tại Nghĩa trang Đồi A1, nơi ghi danh các liệt sĩ đã hi sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Thành Duy

Những vô danh hóa mây trời

Nghĩa trang Đồi A1 do chính những người lính Sư đoàn 316, đơn vị tham gia đánh Điện Biên Phủ xây dựng. Nhìn toàn cảnh từ vọng quan sát, cả khuôn viên nghĩa trang toát lên vẻ uy nghiêm, phần đài tưởng niệm được thiết kế cách điệu chữ A với những ngôi sao nhỏ tương ứng với 614 ngôi mộ. Phía cổng vào là hàng bia ghi danh các liệt sĩ. Ở nơi đây, bạn sẽ thấy miên man những dòng tên liệt sĩ dọc bia tưởng niệm, có tỉnh dài đến mấy trang chưa hết như Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh… có tỉnh chỉ một hai liệt sĩ góp mặt. Như thế không có nghĩa là những tỉnh kia đóng góp ít cho Chiến dịch Điện Biên Phủ mà đóng góp bằng những cách khác nhau, theo ý đồ chiến lược của ta. Ngay như Sơn La, tỉnh kề sát Điện Biên danh sách liệt sĩ tại Nghĩa trang Đồi A1 cũng chỉ duy nhất một người. Đem chuyện này hỏi Thiếu tướng Lưu Trọng Lư, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Tỉnh Điện Biên, ông Lư bảo, chính vì thế mà tỉnh Điện Biên đang tổ chức làm cuốn sách nói về sự đóng góp của các địa phương cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hội Cựu chiến binh tỉnh được giao phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật thực hiện cuốn sách này. Cuốn sách sẽ góp phần khiến mọi thứ rõ ràng hơn, trả lời cho những kiểu thắc mắc như tôi vừa nêu ra. Thiếu tướng Lư nói rằng, đây cũng là lần đầu tiên việc này được làm một cách hệ thống.

Lại nói về các liệt sĩ, biết bao người con của các chiến sĩ Điện Biên đã đi tìm cha mình, suốt Hồng Cúm, Him Lam, Đồi A1 để rồi một mẫu số chung là cha của họ đã hoà vào đất đai cây cỏ, những cái tên đã quyện bóng mây trời. Thế mới có chuyện Đại tá, nhà văn Đoàn Hoài Trung trong dịp kỉ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã lên Điện Biên, lúc đầu anh viết phóng sự Chuyện về dũng sĩ tay cụt đăng trên Báo Quân đội nhân dân kể về câu chuyện Đại đội trưởng Hà Văn Noạ kịp thời phát hiện việc trinh sát đã xác định nhầm con đường từ vị trí qua suối đến Đồi Him Lam, anh đã khẩn thiết đề nghị hoãn trận mở màn của Chiến dịch dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 11/3/1954; nhờ thế mà trận đầu tiên diễn ra sau đó 2 ngày ta đã chiến thắng oanh liệt, xé tan cụm cứ điểm Him Lam, nơi mà người Pháp coi là pháo đài bất khả xâm phạm. Hà Văn Noạ là Đại đội trưởng Đại đội 243, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312. 17 giờ 10 phút ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu. Tiểu đoàn 11 (Tiểu đoàn Phủ Thông), Trung đoàn 141 nhận nhiệm vụ chủ yếu tiêu diệt Cứ điểm 1, là nơi phòng ngự then chốt nhất của Cứ điểm Him Lam. Cuộc chiến đấu gay go nhất là ở mỏm 1 do Tiểu đoàn 11 đảm nhiệm, mà Đại đội 243 của Hà Văn Noạ là đại đội chủ công, các Đại đội 241, 245 đảm nhận các mũi tiến công khác. Mỏm 1 là mỏm cao nhất, có Sở Chỉ huy trung tâm phòng ngự Him Lam, nên địch bố trí công sự, vật cản và hoả lực phức tạp, dày đặc để chống giữ. Trận đánh diễn ra gay go ác liệt. Đại đội trưởng Hà Văn Noạ đã dũng cảm, linh hoạt chỉ huy đại đội đột phá thành công mỏm 1. 23 giờ 30 phút, ta đã hoàn toàn làm chủ Him Lam, thu toàn bộ vũ khí, vượt trước thời gian quy định của Bộ Chỉ huy chiến dịch 30 phút, nhưng cả ba Đại đội 243, 241 và 245 bị thương vong rất nhiều. Ở đợt tấn công thứ hai của ta diễn ra vào ngày 30/3/1954, Đại đoàn 312 có nhiệm vụ tiêu diệt các cứ điểm Đồi E, Đồi D1, D2, vị trí pháo địch 210 và tiểu đoàn dù nguỵ số 5. Tiểu đoàn 11 được Bộ chỉ huy Chiến dịch giao nhiệm vụ thọc sâu giữa hai Đồi E và D để gây rối loạn đội hình địch, tiêu diệt trận địa pháo rất lợi hại của địch ở chân Đồi D. Ngay khi tiếng súng ở Đồi D và Đồi E đang nổ giòn giã thì Đại đội trưởng Hà Văn Noạ đã dẫn Đại đội 243 vượt qua quãng đường độc đạo dài và hẹp giữa Đồi D và Đồi E để luồn sâu vào trong. Phát hiện ra ý định của ta địch tập trung hỏa lực định bẻ gãy mũi đột phá lợi hại này, gần một phần ba đại đội bị thương, nhưng đơn vị kiên quyết tiếp tục thọc sâu đánh vào tiểu đoàn dù nguỵ số 5. Địch không chịu đựng nổi sức tiến công mạnh của mũi tấn công do Đại đội trưởng Hà Văn Noạ chỉ huy đã bỏ chạy tán loạn, đặc biệt chúng bỏ cả trận địa pháo, điều đó đã góp phần cho các đơn vị bạn tiêu diệt địch ở các Đồi E, D. Đại đội trưởng Hà Văn Noạ đã dẫn hai mươi chiến sĩ đuổi địch đến bờ sông Nậm Rốm. Tại đây, trong trận đánh xáp lá cà, vũ khí đã cạn kiệt, anh lại chỉ có một tay, nên cùng với số chiến sĩ còn lại của Đại đội 243 đã anh dũng hi sinh.

Bài viết làm rõ phẩm chất anh hùng của người Đại đội trưởng đã góp phần vào việc truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Liệt sĩ Hà Văn Nọa, người bị cụt một tay trong một trận đánh xáp lá cà khác khi ông tham gia Chiến dịch Biên giới trước đó nhưng vẫn xung phong tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Con trai của liệt sĩ Hà Văn Noạ là anh Hà Văn Tuyên, chiến sĩ công an, đã nhiều lần lên Điện Biên tìm cha, mỗi lần nghe thấy có tin tìm được hài cốt anh lại lên, nhưng mỗi lần lên là một thất vọng, bởi những ngôi mộ tập thể không thể phân định xương cốt của từng người, có những hài cốt riêng tìm thấy thì đều có đủ hai tay, đây hiển nhiên không phải cha anh, bởi Dũng sĩ Hà Văn Noạ chỉ có một tay mà thôi. Đó là một câu chuyện điển hình, cùng với đó còn biết bao những người con người cháu khác, cha ông của họ hi sinh, họ đã quắt quay trong những kiếm tìm, trong những hình dung về người thân. Điện Biên Phủ với họ có lẽ sẽ khác với những người khác.

Từ câu chuyện về dũng sĩ Hà Văn Noạ, cảm động về câu chuyện tìm cha của anh Hà Văn Tuyên, nhà văn - nhà báo Đoàn Hoài Trung đã viết bài thơ Tìm cha, sau đó nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã phổ nhạc thành ca khúc cùng tên. Mỗi dịp kỉ niệm ngày chiến thắng, ca khúc lại vang lên với những lời ca da diết: Bao năm con đi tìm cha/ Đồi A1 dọc cánh đồng Mường Thanh/ Các nghĩa trang liệt sĩ vô danh/ Bạt ngàn san sát mộ bên nhau/ Trước nghĩa trang chiều nay/ Giữa màu trắng mênh mông nhức mắt/ Không thấy tên cha/ Con chỉ biết cha là dũng sĩ Điện Biên… Tôi và nhà văn Đoàn Hoài Trung có thời gian công tác cùng nhau. Ngày hai anh em còn ở chung cơ quan Báo Phòng không - Không quân, tôi vẫn đùa anh Trung rằng, bài hát Tìm cha… chuyển thể từ phóng sự Chuyện về dũng sĩ tay cụt. Những câu chuyện như vậy đã kéo anh em chúng tôi gần lại Điện Biên, lại gần hơn với những gì không hẳn đã thuộc về lịch sử.

Câu chuyện về những ngôi mộ vô danh trên đất nước mình có bao giờ hết. Chống Pháp rồi chống Mĩ. Đâu đâu cũng là chiến trường. Có ai muốn biến quê hương, đất nước mình thành chiến trường?! Nhưng có những thời đoạn lịch sử, những nơi ấy phải là chiến trường thì mới giữ được quê hương đất nước. Câu chuyện tìm người thân ấy còn được nối dài, còn được kể mãi. Bởi thế nên khi nhà văn Phùng Văn Khai, Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, trong câu chuyện tại Điện Biên nói về việc tên các liệt sĩ trên bia đá cần được khắc trang trọng và đầy đủ, nghiêm ngắn hơn thì Đại tá Trần Đức Sinh, Chính uỷ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Điện Biên bảo rằng: Điều anh nói rất đúng, còn nhiều việc phải làm, ngay như tôi, đã lên Điện Biên bao lần, nay thì công tác tại chính đây nhưng ông bác ruột của tôi đã tìm suốt những năm qua cũng chỉ còn lại ngờ ngợ ở hai dòng tên gần giống nhau trên bia đá Nghĩa trang Đồi A1 mà thôi. Bác ruột của Đại tá Trần Đức Sinh là Liệt sĩ Trần Đức Ngung, sinh khoảng trước năm 1932, quê tại xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, hi sinh tại Mường Thanh ngày 31/3/1954. Chính những người thân thế hệ sau của liệt sĩ cũng không chắc chắn về năm sinh của ông bởi mọi giấy tờ chẳng còn gì lưu lại, nên người cháu ruột và kể cả con gái ông cũng chỉ dùng từ “khoảng” khi được hỏi ông sinh năm bao nhiêu. Sau này, học xong sĩ quan pháo binh và về công tác trên địa bàn Quân khu 2, anh Sinh đã lên Điện Biên, đến Sở Lao động, Thương binh xã hội tỉnh cố gắng tìm thông tin về trường hợp hi sinh và phần mộ bác mình thì cũng chỉ biết bác hi sinh ở khu vực Đồi Khe Chít trong đợt tiến công thứ hai của quân ta. Anh cũng đi khắp các nghĩa trang ở Điện Biên dò tìm người bác đang được thờ tự tại gia đình mình ở quê mà không thấy. Cuối cùng, người cháu tìm thấy tên bác mình ở Nghĩa trang Đồi A1 và đã báo tin cho chị họ là con ruột của Liệt sĩ Trần Đức Ngung.

Bà Trần Thị Thiệp, người con gái duy nhất của Liệt sĩ Trần Đức Ngung hiện đang sống tại Bãi Bằng, Phú Thọ. Sinh ra được hai tuổi thì cha hi sinh, mẹ đi bước nữa, bà phải ở với ông bà nội, cả cuộc đời chịu nhiều thiệt thòi và tủi thân, chưa khi nào bà được gọi hai tiếng “cha ơi”. Sinh năm 1952 nhưng vì đi học muộn nên tuổi hồ sơ của bà là 1954. Sau này lớn lên bà đi học Trung cấp Y tế kĩ thuật và về làm việc tại Bệnh viện tỉnh Phú Thọ, sau đó bà chuyển về làm y tá tại Nhà máy giấy Bãi Bằng. Kí ức về cha của bà Thiệp là những câu chuyện kể thập thõm của ông bà nội. Cha bà vốn là nhà giáo, nhập ngũ vào quân đội, đi chiến đấu và hi sinh, việc thờ cúng Liệt sĩ Trần Đức Ngung do người em trai, tức bố của Đại tá Trần Đức Sinh đảm nhận. Khi đã trưởng thành và có gia đình ổn định, bà Thiệp mới xin phép chú thím và các em đưa bàn thờ cha về nhà mình. Tôi ngỏ ý hỏi xin một tấm ảnh của Liệt sĩ Trần Đức Ngung thì bà Thiệp chùng giọng kể, thật không may, năm 1981 nhà bà bị cháy, tấm ảnh duy nhất về cha cùng nhiều tài sản khác bị thiêu rụi. Bởi thế, kí ức mỏng manh về bậc sinh thành càng trở nên hư ảo. Từ khi nhận tin anh Sinh thông báo tên cha ở Nghĩa trang Đồi A1 bà Thiệp đã hai lần lên Điện Biên thắp hương cho cha. Bà vẫn nhớ lần đầu, khi lên Điện Biên, trời nắng chang chang, lễ mừng Chiến thắng 60 năm Điện Biên Phủ vừa diễn ra được hai ngày, khi đến Nghĩa trang Đồi A1 làm thủ tục thăm viếng, vừa chạm tay vào dòng tên cha thì mây đen ùn ùn kéo đến, trời bỗng đổ mưa rào rầm rĩ, sớm chớp ì ùng, bà Thiệp phải ngồi chờ ở nhà bia suốt 45 phút. Hết 45 phút mưa ngớt, nắng lại hửng lên, một dải cầu vồng bắc ngang trời như một sự kết nối âm dương. Bà vội vàng vào thắp hương cho 614 ngôi mộ trong nghĩa trang. Tất cả là mộ không tên, trừ 4 ngôi mộ của các Anh hùng - Liệt sĩ tiêu biểu Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can, Tô Vĩnh Diện. Bà tin đó là cuộc trùng phùng cha con sau bao năm xa cách, lưu lạc âm dương. Bà luôn tin có một sự sắp đặt tâm linh cho cuộc hội ngội vô hình với cha sau những chờ trông mòn mỏi.

Điện Biên có 8 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có 3 nghĩa trang liệt sĩ quốc gia là A1, Him Lam và Độc Lập. 8 nghĩa trang với gần 7.000 phần mộ liệt sĩ, trong đó chỉ có 705 phần mộ có tên đầy đủ, 653 phần mộ có một phần thông tin, còn lại 5.285 phần mộ không có thông tin. Điện Biên có 4 Anh hùng - Liệt sĩ tiêu biểu là Tô Vĩnh Diện, Trần Can, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, những người có tên trên mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1 như bà Thiệp và những người khác đã thấy thì cũng chỉ có 3 Anh hùng là có nơi hi sinh, còn Liệt sĩ Trần Can, người có công lớn trong trận mở màn đánh cứ điểm Him Lam và hi sinh đúng vào ngày 7/5/1954 thì không có. Di ảnh 4 liệt sĩ ấy được đặt trang trọng trong Bảo tàng Điện Biên Phủ, với Liệt sĩ Tô Vĩnh Diện cũng chỉ là một tấm ảnh vẽ lại theo trí nhớ của đồng đội mà thôi. Còn rất nhiều những liệt sĩ chưa biết tên khác, như cha bà Thiệp, vì những lí do khác nhau đến tấm ảnh thờ cũng chẳng còn. Biết bao liệt sĩ đã ngã xuống trong những đợt tiến công để giành giật một mục tiêu. Lần hồi đọc lại các tài liệu về Chiến dịch Điện Biên Phủ tôi không khỏi xót lòng khi Đồi C1 ta và địch giành giật từng mét hào, mất đi chiếm lại, nống lên đánh xuống không biết bao nhiêu lần, từng tấc đất trộn máu xương chiến sĩ, đánh trận hi sinh đã đành, nhiều chiến sĩ tải thương khi hi sinh trên vai vẫn còn thi thể đồng đội. Thể xác các anh hòa vào đất mẹ, anh linh các anh hóa mây trời Tây Bắc.

Tấm ảnh duy nhất của Liệt sĩ Hà Văn Noạ tại Điện Biên Phủ chụp cùng một lãnh đạo cao cấp, ông đứng đầu đội hình, đối diện với lãnh đạo nên chỉ thấy phần lưng, dù vậy thì anh Hà Văn Tuyên vẫn vô cùng trân trọng, vì đó là kỉ vật duy nhất về cha mình. Lúc đầu tấm ảnh được treo ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, sau đó, do người lãnh đạo này gặp những chuyện không hay nên buộc phải gỡ tấm ảnh xuống, bởi vậy Liệt sĩ Hà Văn Nọa cũng bị gỡ xuống theo. Con trai Anh hùng Liệt sĩ Hà Văn Noạ là Đại tá công an Hà Văn Tuyên thì vẫn lưu giữ bức ảnh quý về cha mình, dù đó là tấm ảnh chụp lại chất lượng mờ nhoè. Tìm cha mãi cho đến lúc nghỉ hưu, đến nay, khi kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ thì người con trong bài hát Tìm cha ấy cũng đã qua đời. Cháu nội của Liệt sĩ Hà Văn Noạ là anh Hà Văn Thân, con của ông Hà Văn Tuyên, là một sĩ quan biên phòng. Thế hệ thứ ba đã là những người lính tiếp tục nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Dịp lễ trọng này không biết anh Thân có đến được Điện Biên thắp nén hương tưởng nhớ ông mình. Câu chuyện tìm cha đã thành câu chuyện tìm ông trong những trao truyền khắc khoải. Lịch sử chảy trôi mỗi năm độ lùi lại thêm dài…

Chiến sĩ Điện Biên Bùi Kim Điều cùng vợ và con gái cả trò chuyện với tác giả bài viết. Ảnh: Thành Duy

Hạ sao rồi vẫn lính Điện Biên

Nông trường Điện Biên cũng là cái tên gói ghém một phần lịch sử và Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ở đây có rất nhiều những người lính của Sư đoàn 316, một trong những đơn vị chủ lực tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, tấn công các cứ điểm quan trọng, trong đó có cứ điểm cuối cùng bảo vệ Sở Chỉ huy tập đoàn cứ điểm tại Mường Thanh là Đồi A1 với điểm nhấn là quả bộc phá 1000kg thuốc nổ sáng mùng 7/5/1954. Bốn năm sau Sư đoàn lại được giao nhiệm vụ tiên phong xây dựng và bảo vệ Tây Bắc. Năm 1958, Sư đoàn đã trở lại Điện Biên theo chỉ thị của Trung ương Đảng và Chính phủ trong quyết tâm chung của cả nước xây dựng miền Bắc thành hậu phương lớn của cuộc kháng chiến chống Mĩ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp trực tiếp đồng chí Nguyễn Kiện, Chính ủy Sư đoàn để giao nhiệm vụ trở lại chiến trường cũ Điện Biên tham gia xây dựng Tây Bắc thành một vùng hậu phương vững chắc. Ngày 10/3/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Chu Huy Mân đã về thăm Sư đoàn. Đồng chí Chu Huy Mân lúc này là Chính ủy Quân khu Tây Bắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Hiện nay quân đội ta có hai nhiệm vụ chính, một là xây dựng quân đội hùng mạnh, sẵn sàng chiến đấu; hai là tăng gia sản xuất cùng với toàn dân để tiến dần lên chủ nghĩa xã hội. Tham gia sản xuất là một nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng và Chính phủ giao cho Quân đội. Thực hiện nhiệm vụ đó có khó khăn, nhưng khó khăn là tạm thời, thuận lợi là cơ bản, phải phát triển thuận lợi và khắc phục khó khăn…”. Bác cũng trao cho đơn vị 100 chiếc Huy hiệu Bác Hồ để làm giải thưởng bước đầu trong đơn vị. Toàn Sư đoàn chuyển hướng sang thực hiện nhiệm vụ mới trên chiến trường xưa. Trung đoàn 176 chuyển thành Nông trường Điện Biên; Trung đoàn 174 từng trải qua nhiều vinh quang và tổn thất trong Chiến dịch Điện Biên Phủ tổ chức lại thành Công trường 42; Trung đoàn 98 cùng một số đơn vị khác tổ chức lại thành Công trường làm đường. Lực lượng còn lại của Sư đoàn được tổ chức biên chế lại thành Lữ đoàn, trực thuộc Quân khu Tây Bắc. Mùa thu hoạch đầu tiên tại Điện Biên, toàn Lữ đoàn thu được 200 tấn thóc. Cũng chính Lữ đoàn đã thu dọn chiến trường, giải quyết hậu quả chiến tranh, xây dựng các nghĩa trang liệt sĩ tại Điện Biên, trong đó có Nghĩa trang Đồi A1. Để ổn định tư tưởng cho cán bộ chiến sĩ, Sư đoàn khuyến khích họ đưa gia đình, vợ con cùng lên Tây Bắc, coi Điện Biên là quê hương thứ hai. Đơn vị đã cùng với chính quyền địa phương tiếp nhận hơn 900 người là vợ, con, gia đình cán bộ, chiến sĩ lên với Điện Biên. Năm 1960, sau khi mọi thứ đã ổn định và đi vào sản xuất, đúng ngày thành lập Quân đội nhân Việt Nam, một lễ hạ sao đã được thực hiện để những người lính 316 trở thành những cán bộ, công nhân Nông trường Điện Biên. Lịch sử cũng sang trang mới từ đó. Sau này nhìn lại thì chính họ là những người nắm giữ những kí ức Điện Biên, cả về những trận chiến giải phóng mảnh đất này, cả về việc cải tạo, hồi sinh nó, đặt những nền móng đầu tiên cho một Điện Biên hôm nay.

Lần từ thế hệ thứ ba của các chiến sĩ Điện Biên năm xưa tôi tìm ra Thiếu tá Nguyễn Đình Tuấn, Chính trị viên Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 82, Sư đoàn 355 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Điện Biên. Anh là người có cả ông nội và ông ngoại đều là Chiến sĩ Điện Biên, được lớn lên trong vòng tay của bố mẹ, ông bà những năm đất nước hoà bình. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, hàng nghìn người lính tiếp tục trở lại xây dựng Điện Biên, coi đây như quê hương thứ hai, nhiều trường hợp con của những chiến sĩ Điện Biên ấy đã nên duyên và sinh ra những thế hệ Điện Biên mới. Ông nội Thiếu tá Nguyễn Đình Tuấn là cụ Nguyễn Đình Đường, sinh năm 1921 tại Quảng Hưng, Quảng Hoà, Cao Bằng. Năm tháng lùi xa và ông nội anh đã rời quân ngũ sau lễ hạ sao năm 1960 nên chính Tuấn cũng không biết chính xác ông nội anh thuộc đơn vị nào. Ông ngoại anh là ông Lại Văn Năm, sinh năm 1932 tại Tam Sơn, Cẩm Khê, Phú Thọ, nhập ngũ năm 1952, lên Điện Biên trong đội hình của Sư đoàn 316. Qua ông Năm, tôi được biết ông Đường cũng là quân 316. Cả ông nội và ông ngoại Tuấn đều là những chiến sĩ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, sau đó đơn vị được lệnh quay về kiến thiết xây dựng Nông trường Điện Biên và ở lại gắn bó với nơi đây. Nhà Tuấn hiện nay cũng kề ngay Đồi A1. Lịch sử và hiện tại, hôm qua và hôm nay vẫn ngày ngày hiện hữu, như sờ nắn được. Nhiều lúc tôi cứ tự nghĩ, trong hàng nghìn người lính tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ quay về xây dựng Điện Biên kia, giá như chỉ có độ chục người viết hồi kí về những năm tháng ấy thì đã lưu giữ được biết bao câu chuyện về một thời đoạn lịch sử quan trọng không những của Điện Biên mà còn của cả nước gắn với chiến thắng vĩ đại trên mảnh đất này.

Ở mốc kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tôi đã gặp một trường hợp chiến sĩ Điện Biên - công nhân nông trường khác, ông không phải quân 316. Ta có 5 đại đoàn tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, sau đó, một số đơn vị thuộc 5 đại đoàn này cũng được điều trở lại Điện Biên cho các nhiệm vụ khác nhau, cùng chung tay dựng xây một Điện Biên mới. Ông Bùi Kim Điều và bà Trần Thị Hoa hiện sống trong ngôi nhà nằm trên đường 13/3 của thành phố Điện Biên Phủ, con đường được đặt tên ngày diễn ra trận đánh mở màn của Chiến dịch. Ông Điều sinh năm 1930, quê tại Gia Hưng, Gia Viễn, Ninh Bình, nhập ngũ năm 1952 tại Thanh Hóa. Sau khi tham gia Chiến dịch Tây nam Ninh Bình, tháng 1/1954 ông cùng đơn vị là Đại đoàn 312 (Đại đoàn của Liệt sĩ Hà Văn Noạ) lên Điện Biên. Trung đoàn 165 của ông và các Trung đoàn 209, 141 trú quân trong một khu rừng tại xã Thanh Minh. Bảy mươi năm sau, trở lại với kí ức về những ngày mở màn chiến dịch ông vẫn vô cùng sôi nổi. Sau trận đánh cứ điểm Him Lam mở màn, Trung đoàn 165 của ông được giao tấn công vào Cứ điểm Độc Lập. Trận đánh dự định diễn ra vào chiều tối, theo hiệp đồng, pháo binh của ta sau khi đánh Him Lam sẽ sang chi viện cho Độc Lập, nhưng vì trời mưa, đường trơn, pháo vào chậm, đến 3 giờ 30 ta mới nổ súng được. Tổ ba người trong đó có ông Điều được Tiểu đoàn trưởng giao mang công văn về trung đoàn xin chi viện thủ pháo. Các ông chạy dọc giao thông hào, dưới những làn đạn, có chỗ địch pháo kích không còn chiến hào thì chạy trên mặt đất, hai trong số ba người trong tổ bị thương không đi được nữa, ông Điều bị nhẹ hơn tiếp tục chạy để mang bằng được công văn về. Đến được Sở chỉ huy Trung đoàn, trao được công văn cho Trung đoàn trưởng Lê Thùy xong ông ngất ngay tại chỗ. Sáng 15/3 quân ta giải phóng được Đồi Độc Lập.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ đơn vị ông Điều được giao áp giải tù binh về Nghĩa Lộ, Yên Bái sau đó đi thực hiện một số nhiệm vụ khác. Năm 1958, đơn vị ông lại được lệnh lên mở rộng tuyến đường từ Tuần Giáo vào Điện Biên. Khi Công trường 426 ra đời thì đơn vị ông rút về xây dựng Nông trường Điện Biên. Ông được phân công về Phân trường Mường Ảng. Ngày ấy Mường Ảng là xứ rừng thiêng nước độc, hổ trong rừng còn về vồ lợn của nông trường. Trước khi nhập ngũ ông Điều đã kịp cưới vợ là bà Trần Thị Hoa. Đến khi làm đường Tuần Giáo bà Hoa đã lên thăm chồng, sau đó thì theo lời kêu gọi của đơn vị, ông đã đưa bà lên cùng làm việc tại Phân trường Mường Ảng. Cuộc sống khó khăn thiếu thốn với nửa gian nhà tập thể được phân, ông bà sống như rất nhiều gia đình công nhân nông trường khác. Cuộc sống cứ thể trôi theo những năng suất, sản lượng, họp hành, triển khai các nghị quyết và chỉ tiêu nuôi trồng, hoàn thành sứ mệnh của hậu phương lớn… Nuôi dạy con cái khôn lớn, trưởng thành, ngoảnh đi ngoảnh lại đã cuối đời. Ngồi trò chuyện cùng ông bà, thấy tôi nhìn bức ảnh đại gia đình chụp lưu niệm năm 2021 treo trên tường nhà, ông bà khoe đến giờ đã có tất cả 43 con, cháu, chắt. Lịch sử lùi xa nhưng cũng rất gần, những ngày ông bà lên Điện Biên xây dựng cuộc sống mới với biết bao kỉ niệm đã sáu mươi năm có lẻ nhưng nhiều chuyện nhắc lại vẫn như mới hôm qua.

Có một nỗi buồn nhẹ trong tôi khi ông Bùi Kim Điều cho biết, hiện tại cả ông và bà đều không còn là đảng viên. Hỏi thêm về chuyện này, ông Điều kể, dù đã làm đến Trưởng phòng Tổ chức - Cán bộ của Nông trường Mường Ảng (năm 1964 Phân trường Mường Ảng tách khỏi Nông trường Điện Biên thành một nông trường độc lập), nhưng do bị loét dạ dày phải phẫu thuật cắt bớt, không thể đi lại họp hành xa giữa Mường Ẳng và tỉnh lỵ Lai Châu, ông đã xin nghỉ. Bà Trần Thị Hoa sau khi nghỉ việc ở nông trường, cuộc sống khó khăn, để có đủ chi phí nuôi dạy các con bà đã mở một ngôi quán nhỏ ven đường bán hàng chè thuốc, kẹo bánh kiếm thu nhập. Nhưng vì những năm tám mươi của thế kỉ trước, việc đảng viên làm kinh tế là vi phạm nguyên tắc của Đảng, bà Hoa đành phải xin nghỉ sinh hoạt để chọn lo cho gia đình. Thế mà mọi việc vẫn chưa dừng lại. Vì chuyện bà Hoa mở quán bán hàng ông Bùi Kim Điều vẫn bị chi bộ kiểm điểm, với lí do “bà ấy buôn bán kiếm được tiền mua cân thịt về thì ông có ăn không”. Không còn cách nào khác, ông Điều đành trả nốt thẻ Đảng về làm dân thường. Sau này, khi chuyển lên sinh sống tại Thành phố Điện Biên Phủ, trong những dịp kỉ niệm Chiến thắng Điện Biên, câu chuyện ấy được nhắc đến, Đảng bộ Phường Him Lam nơi ông sinh sống có đề nghị ông trở lại sinh hoạt Đảng, nhưng vì thủ tục phải kết nạp lại nên ông Điều không đồng ý. Ông phân bua rằng, “tuổi tôi đã cao, sống được ngày nào quý ngày ấy, giờ kết nạp Đảng, theo nguyên tắc phải có một năm đảng viên dự bị, nhỡ đang trong thời gian dự bị tôi chết thì mãi là đảng viên dự bị à”. Vì lí do đó mà ông bà đã chọn làm những quần chúng tốt. Câu chuyện năm xưa chỉ như một vết buồn man mác vì những sự máy móc của chi bộ địa phương ở cái thời mọi thứ còn mập mờ giữa đổi mới và bảo thủ. Trước khi chia tay ông Điều bảo tôi, “không Đảng nào bằng Đảng trong tim, Đảng của Bác Hồ anh ạ”. Người lính già nhập ngũ đúng vào ngày thành lập Đảng mùng 3/2 tiễn chúng tôi, ánh mắt bình thản nhìn ra con đường gắn biển 13/3 kề ngay hiên nhà.

Tất nhiên những câu chuyện như vợ chồng ông Bùi Kim Điều tôi nghĩ cũng không nhiều. Chỉ gợn lên trong tôi ở chỗ, sau 70 năm, những người lính nông trường năm ấy hầu hết đã đi xa, còn rất ít thế hệ chống Pháp, càng ít hơn những nhân chứng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tìm những nhân chứng còn sống và mạnh khỏe, tỉnh táo để kể lại chuyện xưa, kể lại những gì thuộc về chính cuộc đời mình giờ đây khó như hái sao trời. Rồi đây sẽ chỉ còn những thế hệ con cháu họ. Như người con gái đầu của ông Điều bà Hoa, sinh năm 1960, là Phó hiệu trưởng một trường tiểu học tại Điện Biên thì nay cũng đã nghỉ hưu. Người con gái thứ hai, sinh năm 1962, là Phó giám đốc Sở Nội vụ Tỉnh Điện Biên cũng đã nghỉ hưu, hiện là Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh Điện Biên. Bây giờ đã đến thế hệ thứ ba của những chiến sĩ Điện Biên năm xưa dựng xây, cống hiến cho Điện Biên, đang làm chủ mảnh đất này.

Các nhà văn Tạp chí Văn nghệ Quân đội thắp hương tại tượng đài ghi tội ác cuộc thảm sát của thực dân Pháp tại Noong Nhai. Ảnh: Thành Duy

Chứng tích Noong Nhai còn đó

Cách Điện Biên 5km về hướng Nam, kề ngay quốc lộ 279 là một di tích lặng lẽ, lặng lẽ bên những chiến thắng quá lớn, quá lẫy lừng. Noong Nhai. Dọc những cuộc chiến chinh, người ta biết đến những vụ thảm sát đẫm máu ở Mỹ Lai - Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) thời chống Mĩ, ở Ba Chúc (An Giang) thời chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, nhưng không nhiều người biết thời chống Pháp cũng đã có những cuộc thảm sát như thế. Người ta chỉ tập trung lên Điện Biên đông, ồ ạt vào những dịp lễ trọng, những dịp kỉ niệm ngày chiến thắng, mà nói về chiến thắng thì ít có dịp điểm danh đến nơi này. Có phải vì thế mà không nhiều người biết đến một Noong Nhai đau thương ở Điện Biên từ những năm chống Pháp.

Noong Nhai giờ là tên thôn, thuộc xã Thanh Xương, huyện Điện Biên. Tượng đài người phụ nữ Thái bồng người con đã chết bởi bom Pháp vẫn đứng đó, giữa hai cây đại xoè những cành nhánh, dày lên mãi theo năm tháng, như bàn tay người mẹ quờ với trong vô vọng tìm kiếm những con mình. Hơn 400 người dân gồm người già và trẻ nhỏ đã trở thành những oan hồn trong một nốt lặng phía bên kia của chiến thắng. Sau khi nhảy dù đổ quân xuống Điện Biên Phủ ngày 20/11/1953, tướng Navarre đã cho xây dựng vùng lòng chảo Điện Biên thành tập đoàn cứ điểm kiên cố hi vọng khống chế Tây Bắc Việt Nam. 49 cứ điểm được phân thành 8 cụm thuộc 3 phân khu Bắc - Trung - Nam. Để chiếm đóng Điện Biên Phủ lâu dài, De Castries cũng đã nỗ lực xây dựng một bộ máy cai trị với hệ thống đơn vị hành chính gọi là bản, lộng cùng các chân rết dân vệ, mật thám. Các đơn vị lính Pháp được phân công phụ trách các bản, nắm lai lịch từng gia đình. Trai tráng trong các bản bị bắt đi lính, đàn ông đứng tuổi thì bị bắt đi xây dựng hầm hào công sự, nhà cửa của bà con bị chúng dỡ lấy gỗ mang đi làm công sự. Những người dân còn lại bị dồn vào bốn trại tập trung. Noong Nhai là một trong bốn trại tập trung này, gồm nhân dân các xã Thanh Xương, Thanh An, Noong Hẹt, Sam Mứn và Noong Luống. Trại Noong Nhai do Đồn Hồng Cúm thuộc phân khu Hồng Cúm quản lí. Tại mỗi trại tập trung, quân Pháp đã dồn khoảng 3.000 dân vào những lán trại tre nứa, lợp rơm rạ, ăn ở chật chội, mất vệ sinh. Một tuần chúng mới cho người các nhà về bản cũ lấy gạo và lương thực một lần.

Khi quân Pháp rơi vào thế thất thủ ở đợt tấn công thứ hai của quân ta, 14 giờ ngày 25/4/1954, chúng đã điên cuồng cho 4 máy bay Dakota ném bom sát thương và bom napalm vào Trại tập trung Noong Nhai. Theo tài liệu lưu giữ của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Điện Biên, vụ thảm sát đã làm 444 người chết, đại đa số là phụ nữ, người già và trẻ em, là những đối tượng chính trong khu tập trung. Nhiều người bị sức nóng của bom napalm làm cháy nham nhở không thể nhận ra hình dạng, nhiều gia đình không còn ai sống sót. Những nhân chứng còn sống đã mô tả lại, từ phía bản Noong Nhai, lửa bốc lên ngùn ngụt, những đám khói đen đặc cuồn cuộn lan rộng bốc lên cao như những đám mây đen phủ kín bầu trời. Sau khi thực dân Pháp ném bom xuống Trại tập trung Noong Nhai, lực lượng pháo cao xạ và súng máy phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiêu diệt máy bay của đối phương. Các chiến sĩ Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 tiến vào giải cứu những người dân vô tội, khiêng những người bị thương ra suối băng bó, cấp cứu, thu gom những thi hài bị cháy đen lại để mai táng. Một số người còn sống sót đã chạy sang trú ở các khu vực lân cận, một số theo bộ đội Việt Nam vào vùng giải phóng, còn lại vẫn tiếp tục ở lại Noong Nhai đến khi chiến dịch kết thúc vào ngày 7/5/1954.

Ông Lò Văn Hặc, một nhân chứng của vụ thảm sát Noong Nhai khi đó mới 14 tuổi kể lại, ông nghe thấy một tràng tiếng ầm ầm, rồi khói mù mịt, không nhìn được gì. Đến lúc nhìn rõ thì ông thấy phía ấy bao nhiêu người chết, người cháy, người quằn quại trong vết thương. Lúc ấy những người còn sống người thì sợ hãi co ro, người thì chạy nhốn nháo tìm người thân. May mắn cho gia đình ông là cậu em trai lúc ấy đang đi tắm ở sông Nậm Rốm nên chỉ bị thương ở chân và người bác bị thương ở vai. Bởi vậy ông mới còn đến hôm nay để kể lại câu chuyện đau thương này.

Trong cuốn Di tích lịch sử và văn hóa Điện Biên Phủ của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, xuất bản năm 2014 có trích dẫn kí ức của ông Lò Văn Puốn - cố Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu cũ (bao gồm cả Điện Biên), người may mắn thoát chết trong trận ném bom thảm sát hôm ấy: “Lúc ấy nghe thấy từng tràng tiếng nổ đinh tai nhức óc. Chúng tôi chạy đến, thấy chị Lò Thị Panh người đầy vết thương, máu chảy ướt đẫm quần áo đang quằn quại giữa hố bom. Xung quanh lửa cháy ngùn ngụt, khói bom đen kịt trùm lên khắp Trại tập trung. Những người sống sót chạy hỗn loạn. Xác chết nằm ngổn ngang, nhiều người bị bom napalm cháy sém không còn nhận ra hình dạng. Mãi đến tối đêm, mọi người mới dám lần mò ra thu dọn, chôn người chết...”.

Niềm đau thương ấy người dân Noong Nhai còn nhớ. Lịch sử cũng đã khắc ghi. Ngay khi kỉ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngành văn hoá - thông tin Điện Biên đã xây dựng nhà trưng bày các hiện vật, chứng tích về vụ thảm sát. Nhưng buồn thay, sau đó, trong cuộc kháng chiến chống Mĩ nối liền ngay khi cuộc kháng chiến chống Pháp vừa kết thúc, những năm Mĩ leo thang đánh phá miền Bắc, máy bay đã thả bom làm cháy nhà lưu niệm này. Lịch sử dựng lên để ghi nhớ tội ác chiến tranh lại bị vùi lấp bởi một cuộc chiến tranh khác, mọi thứ tan hoang chẳng còn gì. Mãi đến hai mươi năm sau, năm 1984, Khu di tích Noong Nhai mới được xây dựng, chính là khu di tích hiện tại.

Đồng bào các dân tộc Tây Bắc nói chung, đồng bào Điện Biên nói riêng đã chịu biết bao gian khổ, hi sinh, cùng bộ đội và các lực lượng vũ trang chiến đấu vì nền hoà bình, vì độc lập dân tộc. Trong hầu hết các đơn vị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đại đa số cũng là các chiến sĩ dân tộc thiểu số. Làm nên chiến thắng to lớn này có sự đóng góp máu xương, sự hi sinh lớn lao của các dân tộc nơi đây, những người đã một lòng một dạ theo Đảng, theo Chính phủ, theo bộ đội Việt Minh. Ở mốc kỉ niệm 70 năm Chiến thắng, đã có những trường học được xây mới, đã có những căn nhà được dựng tặng đồng bào. Đề án xây dựng 5.000 căn nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo tại Điện Biên năm 2024 do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động là một việc làm nhỏ bé chúng ta có thể làm cho bà con các dân tộc nơi đây, trong đó có sự chung tay của những người lính. Chính uỷ Trần Đức Sinh cho biết, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với Bộ Tư lệnh TP. Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và tỉnh Bình Dương đã xây dựng 105 căn nhà đại đoàn kết hưởng ứng đề án này. Đến nay mọi thứ đã xong, đang chờ đại diện các đơn vị phối hợp lên Điện Biên để trao cho bà con trước dịp kỉ niệm ngày chiến thắng.

*

*      *

Tôi có mặt ở Điện Biên vào đúng tuần rằm, vầng trăng tròn vành vạnh đỏ đặc như được nhuộm bằng những trầm tích xứ này. Đồi A1 đã hết khách viếng thăm nườm nượp trong cái nắng đầu hè của ban ngày, đèn đóm cũng đã tắt, chỉ còn những xe tăng ụ pháo, những lô cốt, hầm hào lặng im như những nốt trầm. Kề Đồi A1 là trụ sở Tỉnh uỷ Điện Biên. Cũng sát đó là Trường THPT Điện Biên Phủ, cái nôi đào tạo nên những con em Điện Biên, thế hệ xây dựng Điện Biên những năm hoà bình. Cái bóng của lịch sử quá lớn cả về nghĩa đen và nghĩa bóng đang phủ lên vùng đất này. Bằng một cách đặc biệt chúng tôi đã ở đây, trên ngọn đồi này khi đêm đã xuống, mọi thứ yên ắng, chỉ còn vầng trăng soi tỏ Đồi A1 hằn lên những hầm hào lô cốt chằng chịt, đường lên đồi đi qua lô cốt Cây đa cụt vẫn được những người lính đánh Đồi A1 năm xưa gọi là “Ụ thằng người” vì hình dáng rất giống một người đang nằm. Chiếc lô cốt lợi hại này có bố trí những ổ hoả lực ngầm phía ngoài bảo vệ nhằm bẻ gẫy những đợt công phá, sự lợi hại ấy đã cướp đi bao nhiêu sinh mạng bộ đội ta. Gần phía đỉnh đồi có căn hầm chỉ huy ngầm kiên cố làm hao tâm tổn trí vị Trung đoàn trưởng 174 Nguyễn Hữu An ngày ấy, giờ đây chiếc xe tăng Bazeille của Pháp được trưng bày, chiếc xe đã bị Đại đội 67 của Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Sư 316, đơn vị được giao tấn công cứ điểm Đồi A1 trong đợt 2 của Chiến dịch tiêu diệt vào sáng mùng 1/4/1954. Ngọn đồi này có những cây phượng vĩ, màu hoa đỏ vẫn bầng lên mỗi dịp tháng 5 về. Bây giờ tất cả chìm xuống, mờ nhòe dưới trăng. Từ đây nhìn xuống thành phố Điện Biên Phủ lốm đốm ánh đèn, tiếng loa giao lưu văn hoá văn nghệ từ các đoàn “về nguồn” vọng lại, rộn ràng những bài ca về Tây Bắc, về Điện Biên. Những di tích như Đồi A1 này, vào những dịp cao điểm mỗi ngày đến vài nghìn khách viếng thăm. Những bài ca chiến thắng vẫn vang lên ở Điện Biên và cả nước, nhưng phía sau những bài ca ấy còn có những nốt trầm của lịch sử.

Tháng 4/2024
N.X.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)