Nơi ấy, bạn tôi

Thứ Hai, 28/11/2022 11:48

. NGÔ QUỐC DÂN
 

Cuối năm 1979 tại chiến trường Campuchia, chúng tôi hành tiến cùng các đơn vị bộ binh vào tuyến đường 56. Trên bản đồ địa hình, đường 56 chỉ là đoạn ngoằn ngoèo, điểm kết nối với quốc lộ là thị xã Pursat tỉnh Pursat, điểm cuối lơ lửng trong khoảng màu nâu thẫm vằn vện những đường bình độ, cách khá xa đường biên giới liền kề với đất Thái Lan. Bộ binh đánh đến đâu, dân tị nạn do Pol Pot lùa đi, chạy ra tới đó. Lần lượt chúng tôi vượt qua Rô Viêng (một bản vài nóc nhà có hồ nước phủ kín bèo tây, dưới đáy là những bộ xương người bị Pol Pot giết), Đèo Đá (đoạn đèo dốc đá lởm chởm, quanh co khúc khuỷu), Hai Mươi Nhà (khu vực bằng phẳng, có 20 lán nằm rải rác ven suối). Rồi đến Năm Nhà (khu vực có 5 lán), điểm dừng chân của đơn vị cũng là điểm tận cùng của tuyến đường 56. Sau gần một năm rải quân chốt chặn bảo vệ tuyến đường cho bộ binh hành quân và vận chuyển lương thực tập kết vào khu vực Năm Nhà, đơn vị công binh chúng tôi được lệnh mở đường dã chiến kéo dài đường 56 từ Năm Nhà vượt đèo núi xuyên về hướng tỉnh Kok Kong đến khu vực Hai Nhà Cháy, đại bản doanh của Trung đoàn 14 Biên phòng đang giăng quân trấn giữ biên giới giáp ranh với đất Thái. Lúc này tàn quân Pol Pot đã hoàn hồn. Do được tiếp tế đầy đủ quân trang, vũ khí các loại (đặc biệt các loại mìn) từ bên kia biên giới, chúng mò về, tập trung lại từng cụm, dựng lán trại trong rừng. Ban ngày chúng nhắm hướng bộ đội công binh mở đường bắn hú họa DKZ và các loại đạn cối, đêm mò ra đặt mìn. Mìn của chúng đã phá nát 2 xe máy ủi, 1 máy gạt, 8 ô tô các loại của ta. Số thương vong của đơn vị tôi và các Sư 339, 9, 7 (phối thuộc tăng cường tải gạo) và Trung đoàn 14 Biên phòng vô cùng lớn. Mặc dù vậy, tuyến đường chúng tôi làm vẫn vươn dài. Khi chỉ cách đích đến chưa đầy 2 cây số, tôi mất thêm người bạn, một đồng đội thân thiết tên Hoàng Văn Dung…

*

*         *

Chuyện xôn xao khắp tuyến đường 56 suốt cả buổi sáng, Dung, lính đơn vị công binh dính mìn K58, đã được đưa về Bệnh xá E14 Biên phòng. Trưa không ngủ, chúng tôi kéo nhau vào thăm. Khu vực Chỉ huy sở của E14 rất rộng, có nhiều lán trại nằm cách xa nhau, nhưng Bệnh xá chỉ có vài cái lán lợp tranh, vách ghép những thân cây gỗ.

- Các anh là thế nào với đồng chí Dung? - Một người mặc quân phục đứng tuổi, vẻ mặt khắc khổ, tôi đoán là bác sĩ trực, nghe chúng tôi trình bày lí do đi thăm, hỏi.

- Chúng tôi là bạn, là người cùng đơn vị.

- Vậy hả. Các anh đi hết căn nhà này, sang căn thứ 3, ở phía sau, bạn các anh ở hành lang.

Theo dấu tay chỉ, chúng tôi đi đến căn nhà thứ 3. Trong nhà là phòng phẫu. Phía cuối, chỗ lá lợp đua ra để che nắng, thấy có đặt chiếc giường, bên trên buông màn xô màu xanh nước biển. Quái lạ. Bác sĩ nói Dung ở bên này, sao không thấy? Chúng tôi tần ngần định quay lại, chợt trong đám có đứa tò mò đến bên giường, thò tay vén chiếc màn. Trời ơi! Dung! Thằng Dung! Thằng Dung lính công binh, bạn chúng tôi đang nằm đây. Nó nằm co quắp. Khuôn mặt thường ngày trắng hồng, giờ quắt queo. Trên người không một mảnh vải. Chúng tôi đứng lặng, không đứa nào nói một lời. Lát sau cậu Khanh, lính Bình Trị Thiên 78 cùng tiểu đội của Dung nói như mếu. “Hồi sáng, lúc đi làm, anh Dung vác chiếc cưa cá mập, áo dệt kim, quần cộc…” Hiến, tiểu đội phó và cũng là người cùng quê với Dung nhấm nhẳn: “Nó có quần áo quân phục cóc đâu. Mỗi bộ chiều qua đi làm về muộn, giặt phơi đêm trên tảng đá chắc dính sương đêm còn ướt. Hồi sáng tao đã thấy nó khoác lên người rồi lại bỏ xuống. Chắc sợ hắc lào. Bị dính mìn quần áo lót chắc te tua, vào đây cấp cứu bác sĩ phải cắt bỏ hết để xử lí vết thương chứ còn gì”. Bây giờ làm sao? Mọi người nhìn nhau. Cuối cùng quyết định, tôi cùng hai thằng khác vào gặp chỉ huy trực. Vị bác sĩ lúc nãy phân trần:

- Các anh hết sức thông cảm. Hiện trong kho chúng tôi hết sạch quần áo, võng còn hơn hai chục, túi tử sĩ còn một. Mà hôm nay có hai đồng chí hi sinh. Ngoài bạn các anh, còn một của E14. Chúng tôi đã báo để máy bay tiếp tế. Nhưng gọi là một chuyện, máy bay có lên được hay không lại là chuyện khác. Chỉ trường hợp có ca bị thương đã sơ cứu ổn định, không sốc, cần phải đưa về tuyến sau cứu chữa thì máy bay mới tới. Còn các việc khác họ chỉ bay theo lịch. Mà mỗi lần máy bay đáp xuống là DKZ của chúng nó bắn. Tháng trước dính mảnh, một máy bay đã bị hỏng nằm đây cả tuần, chờ trực thăng khác đem phụ tùng và thợ lên sửa mới bay được về.

Chúng tôi đề nghị với bệnh xá, vì là bạn và cũng là đơn vị trực tiếp quản lí của Dung nên để cho chúng tôi chôn cất nó. Bệnh xá đồng ý. Họ cấp cho Dung một chiếc võng mới, túi tử sĩ rạch đôi chia cho hai ca.

Ba chúng tôi quay lại chỗ Dung nằm. Hiến bảo: “Tao còn bộ quần áo ga ba đin Tàu mới mặc vài lần, để tao chạy về lấy cho nó. Thằng Khanh cũng bảo: “Em còn bộ đồ lót quân trang được cấp, nhưng rộng quá, em chưa mặc”.

Khanh chạy về đơn vị cách chừng hơn cây số để lấy đồ, số còn lại, chúng tôi mượn cuốc xẻng của bệnh xá rồi ra nghĩa trang đào huyệt. Lau rửa, mặc đầy đủ quần áo, rồi quấn Dung trong chiếc võng, ngoài bọc thêm nửa chiếc túi tử sĩ, bốn thằng to khoẻ nhất trong nhóm khênh cáng đưa nó về nơi an nghỉ.

Nghĩa trang buổi trưa hôm ấy đầy nắng. Những ngôi mộ cả cũ lẫn mới được xếp thẳng hàng. Khắp nơi vương vãi những chiếc võng dính máu thâm đen. Nhiều chiếc võng một đầu vẫn túm chặt vào khúc cây vứt ngổn ngang hẳn để khênh tử sĩ, đưa các ca tử vong từ bệnh xá ra nghĩa trang rồi bỏ.

Chúng tôi đỡ Dung xuống huyệt. Chả có gì cho nó. Móc túi lấy ra bịch thuốc rê, lẫn trong đó là mấy mảnh giấy báo nhàu nát, tôi thả xuống hố cùng với chiếc bật lửa. Thôi Dung ơi. Mày cầm lấy bịch thuốc rê này xuống đó làm quà chào đồng đội. Vĩnh biệt mày.

Hai cái cuốc, hai cái xẻng cào đất, chúng tôi bắt đầu đắp mộ cho Dung.

- Ối khoan!

- Thằng Hiến kêu to

- Chặt cây! Chặt cây gác lên mặt nó. Để mặt nó phơi ra, đất đá hất vào không được. Vài đứa chạy vào bệnh xá mượn dao, rồi vào rừng chặt cây. Chúng tôi phân thành những đoạn ngắn rồi cẩn thận đặt lại đầu Dung. Một số đoạn được xếp che kín cổ và mặt cho nó sau đó mới tiếp tục xúc đất nhẹ nhàng đắp cho nó ngôi nhà.

Nằm đây Dung nhé. Bao giờ yên hàn, Tổ quốc sẽ đón mày về.

Chúng tôi lần lượt chào Dung trong ánh nắng đang chuyển dần về chiều rất gắt. Giờ này chắc đơn vị tôi cũng đã ra mặt đường. Đến bìa rừng, tôi ngoảnh nhìn lại chỗ Dung nằm lần cuối. Ở một góc nghĩa trang, ngôi mộ của nó nổi bật. Đất vun cao. Màu đất đỏ nâu. Có cái gì đó ở viên đá chúng tôi đặt ở chân ngôi mộ của nó phản chiếu ánh mặt trời, cứ nhấp nháy nhấp nháy.

N.Q.D

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)