Bến thương

Thứ Sáu, 04/11/2022 17:02

. VÕ DIỆU THANH
 

Lam lập bến sông giữ cá vì Quỳnh nói thích nhìn những con cá thiên nhiên ăn móng mỗi ngày. Quỳnh còn nói thèm cảm giác nhìn những con cá có thể bơi khắp bốn phương nhưng lại đậu vô tay mình như con chó con mèo. Lúc đó Quỳnh chưa biết trên đời này có một người đàn ông tên Thinh.

Nhử cá thì ông bà mình ngày xưa đã làm mỗi năm. Nhưng nhử rồi họ vây lưới bắt nên cá sợ, những lần cho ăn sau cá tới ít dần. Bên kênh Thần Nông họ cho cá ăn nhưng không bắt nên cá về hàng chục tấn. Người ta làm được mình làm được.

Minh họa: Thành Chương

Lam đốn tre cắm cọc, chặt nhánh chà quăng xuống bến rồi mua thức ăn rải xuống mỗi ngày. Cá về thật. Đầu tiên là những con cá điêu hồng, kế đến cá tra rồi đủ loại cá. Khi cá về nhiều nhiều, Lam chuyển qua ăn chay vừa để giống Quỳnh, vừa để dành tiền mua thức ăn dành cho cá. Ăn chay cũng để tránh được cảnh ngồi đánh vảy, mổ bụng những con cá giống y những con cá mình đã cất công dụ dỗ cưng yêu.

Nhưng đáng ngại là khi cá về nhiều, những con cá đông đúc nhất lại là loài cá tra gai nhọn, háo ăn. Mỗi lần rải thức ăn chúng quậy ầm ĩ mặt kinh. Đám cá he, cá lòng tong, cá chèn vinh thì bơi ở xa xa nhìn thấy thương. Quỳnh cứ kêu bắc cầu ra đó. Nhưng cầu vừa tới thì cũng chỉ có đám cá tra dạn dĩ tràn vô, mấy con cá he lại lùi ra xa hơn nữa.

Làm cách nào đuổi bầy cá tra để những con cá he đuôi đỏ dễ thương kia vô bến? Lam ngồi trên bến nhìn nước. Quỳnh cũng ngồi bên cạnh. Hai đứa cứ nhìn mải miết vô đám cá he vừa như kêu tụi nó hãy vào đi, đừng sợ mấy cưng ơi. Tụi cá tra nó hung hăng nhưng nó không có răng nhọn. Đàn cá he vẫn cứ chập chờn chơi vơi ngoài bãi nước xa xa.

Quỳnh hốt nắm thức ăn chơi trò giống như bói lá được hay không được. Cô quăng từng hạt thức ăn xuống nước.

- Được, không được, được, không được…. Được. Ý, được anh Lam ơi.

- Bói ra ma.

- Em làm thử lần nữa cho anh coi.

Quỳnh hốt một nắm khác lại đếm. Lần nào quẻ bói của Quỳnh cũng được.

Lam cười.

- Em ăn gian thánh thần. Em đếm cho ra số chẳng đúng không?

- Ủa mà đâu ai cấm bói là không được đếm?

- Đâu em nhắm mắt hốt một nắm bói lại coi.

Quỳnh chần chừ nhưng vẫn làm thử. Một viên, hai viên, được, không được, được.

- Ủa, được rồi kìa - Lần này người reo lên lại là Lam.

- Chưa hết mấy viên trong tay mình nên đâu có tính được.

- Nè em nhìn nè, toàn cá he nổi lên gần mình. Anh hiểu rồi, khi mình rải mồi ít, cá he, cá lòng tong nhận được mùi thức ăn còn cá tra thì mồi nhiều nó mới nhận được.

Vậy là Lam chọn cách cho ăn in ít để những loại cá hiền có ăn mà không bị tranh giành. Chừng nào đàn cá trắng ăn no, Lam mới rải thức ăn cho đám cá tra rồi nhìn nó quậy ầm ầm.

Đầu mỗi buổi cho ăn, Lam với Quỳnh cứ như đút từng viên thức ăn vào miệng cá như đút thức ăn cho con nít. Những con cá he dạn dần. Nó có thể ở cả ngày bên cạnh Quỳnh với Lam mà không phải đợi vắng cá tra.

Lam nhìn đàn cá tung tăng, nhìn Quỳnh hí hửng đùa giỡn cùng cá mà thấy cuộc đời sao nhẹ nhàng. Rồi những đứa con của họ sẽ lớn lên, trưởng thành trong khung cảnh bình an trong lành này.

Khi cá về nhiều, Thinh về chơi, chụp ảnh quay phim đàn cá, nói về những mùa cá linh ra sông rồi lội ngược từ phía biển về nguồn, cá trê cá rô lên đồng đẻ trứng. Cứ hễ mưa là tụi nó bỏ nơi ở, lóc lóc theo lạch nước tìm về những nơi cao hơn để đẻ. Trứng cứ theo nước mà trôi dần xuống thấp, nở khắp nơi. Hầu hết tụi cá đi như vậy đều bị bắt nhưng trứng thì đã trôi khắp nơi rồi. Nhọc nhằn và một đi không trở lại vậy chẳng qua để minh chứng cái câu “có nước là có cá”.

- Con cá vô minh nên nó vui với hoàn cảnh lăn lóc của nó mặc kệ con đường đi đẻ là con đường chết. Những nhà hiền triết thấu suốt mọi được mất của bể trầm luân nên họ sống thuận tự nhiên y như những con cá vô minh, sống an lành với sứ mệnh cuộc đời họ. Chúng ta là những người lỡ cỡ, một hồi minh triết, một hồi vô minh nên một hồi đi thẳng theo sứ mệnh một hồi đi vòng tránh né hoặc nguyền rủa số phận mình là nặng nghiệp chướng. Đi hoài không tới đâu nên thấy mình sao quá khổ sở đọa đày. Mà ông biết vì sao khi ông cho thức ăn ít thì cá he ngửi được mà cá tra không ngửi được mùi không?

- Chắc tại cá he thính mũi hơn.

- Ông trời công bằng lắm. Những đứa nào yếu đuối ổng sẽ cho nó nhạy cảm để nó đánh hơi được những miếng mồi nhỏ nhoi nhất, lượm lặt mà sinh tồn. Những đứa nào mạnh mẽ nó sẽ đánh hơi được những miếng mồi lớn hơn, nguy hiểm hơn. Mấy người nhạy cảm họ thấy nơi nào dễ kiếm tiền họ tránh xa. Họ biết chỗ đó mấy thằng hung hăng nó đang chen lấn tràn tới. Tàn sát nhau, chà đạp nhau là đương nhiên bị vì nó mạnh mà. Mình tránh chỗ khác cho yên.

- Đúng đúng.

Lam ngưỡng mộ Thinh bởi ngồi bên cạnh Thinh thấy vui mà hỏi Thinh chuyện gì nó cũng giải thích được hết. Quỳnh thì bỏ đàn cá theo Thinh.

Quỳnh mang ba lô đến từ giã Lam.

- Em không thể thiếu anh Thinh.

- Anh hiểu. Anh là đàn ông mà còn mê Thinh.

- Anh giữ gìn sức khỏe. Nhớ chăm sóc mấy con cá để lúc nào em với Thinh về. Hứa với em là không buồn nghe.

Lam buồn gì bây giờ. Thương một người nào đó đâu phải là cái tội. Chỉ phiền một nỗi nhìn đàn cá lại nhớ tới ước mơ của Quỳnh, nhớ những ngày hai đứa cặm cụi nhử cá. Lam không muốn ăn uống, anh chỉ muốn nhảy xuống bến quậy một trận đuổi tất cả đám cá đi để khỏi nhớ những lời nói, những tiếng Quỳnh cười reo khi cá về.

Chán thì chán vậy nhưng khi xuống bến, Lam thấy những đôi mắt tròn lay láy, hiền lành trong veo ăn móng, anh lại vói tay hốt nắm thức ăn quăng cho nó, một nắm rồi thêm một nắm. Nhưng cá càng ăn nhiều Lam càng nghe tiếng Quỳnh réo rắt bên tai nhiều, anh nặng đầu, có đôi lúc anh cảm thấy đầu anh sắp nổ tung. Anh lặn xuống giữa đàn cá hét thật lớn trong lòng nước. Từ sau những ngày đó những con cá dường như cũng bị loạn. Nó cứ cắn nhau hoặc là rượt nhau chạy ầm ầm mặt nước. Lam thấy chúng quá ồn ào.

Nhiều lúc Lam bỏ chạy khỏi bến sông nhà mình để khỏi nghe tiếng cá. Lam chạy như trối chết, như là chỉ cần nghe tiếng cá anh sẽ lập tức đứng tim tắt thở. Nhưng rồi anh cũng chạy mải miết trở về vì sợ rủi mà bầy cá nó trông ngóng mình, rủi mà có ai thả xuống bến một nắm thức ăn rồi bủa ngay bến những luồng xung điện vớt lên hàng tấn cá chất đống, như chất đống những mạng người thân thuộc yêu thương. Lam chạy riết về.

Làm sao để nhìn cá mà không phải liên tưởng về Quỳnh? Hay là mình nghĩ vầy đi, dầu cho Quỳnh đáng yêu cỡ nào cũng không phải là của mình. Giống như những tòa biệt thự thiệt đẹp của thế giới, những viên kim cương đẹp nhất của tỉ phú lạ hoắc lạ quơ nào đó. Cái không phải của mình thì hằng hà sa số, mình có đau khổ gì đâu lẽ nào lại đau khổ khi mất một người không còn yêu mình.

Nói được chớ làm đâu phải dễ. Tiếng cười kia, ánh mắt kia là chân thật. Nó không phải ở trong tim mà nó đã ở trong quán tính của từng tế bào. Có nhiều đêm trằn trọc mệt đừ, chợp mắt một xíu đã thấy Quỳnh như một con cá heo cứ bay trên mặt nước mà cười réo rắt rồi đàn cá cũng cười theo.

Những giấc ngủ mơ về Quỳnh thêm những giấc ngủ mơ nữa về cá, Lam không hay mùa hạn đã về. Nước dưới kinh cạn dần, lúa trên đồng đã xuống giống. Lam chới với nhìn dòng nước độc xả từ ruộng lúa xuống kênh. Liệu đàn cá có sống nổi không? Lam cứ dõi theo từng bữa ăn của nó. Một ngày, hai ngày, một ruộng, hai ruộng, dòng nước chết cứ kiêu hãnh chảy về phía sự sống ngây ngô của đàn cá.

Một ngày đi chợ mua thêm mớ thức ăn về cho bầy cá, Lam buông bịch thức ăn ngay đầu cầu. Dưới bến vài con cá nhỏ lật bụng. Những con cá khác lơ thơ như trẻ lạc nhà. Màu nước như có một màng dầu nhè nhẹ. Gần đó, Quỳnh đang ngồi thơ thẩn nhìn một khoảng vô định. Đôi mắt Quỳnh như mất phản xạ tự chớp.

- Sao vậy? Thinh có về không?

Hai dòng nước mắt tuôn nhanh đến độ mắt Quỳnh chưa kịp đỏ, tròng mắt vẫn ráo hoảnh khô ran.

- Anh ấy chỉ độc thân hình thức, trên giấy tờ anh ấy còn vợ.

- Sao nó nói nó bỏ hết vì em?

- Ảnh có thể bỏ hết nhưng không phải vì em.

Một ngày rồi hai ngày. Một ruộng rồi hai ruộng. Lam vô thức đếm những dòng nước rủi ro. Lam chỉ muốn nhảy xuống kinh dùng thau nồi xoong chảo gì đó lùa dòng nước độc đi hướng khác. Quỳnh vẫn ôm gối như đang sắp chảy mềm như nước. Cá lừ đừ chen nhau quanh đó. Cá lật bụng quanh đó.

Lam muốn chạy khỏi bến sông để đừng nhìn thấy hình ảnh Quỳnh ngồi im lìm gác cằm lên gối, bỏ ăn bỏ ngủ. Quỳnh chỉ ngồi thôi có nói gì đâu mà sao Lam lại nghe như bom đạn dội ầm ĩ cả khúc kinh. Tiếng cá ăn móng cũng trở nên chộn rộn ồn ào. Lam bỏ đi, nhưng đi một đỗi Lam lại nhớ tới dòng nước độc, lại chạy riết trở về.

- Vô phương rồi anh, đầu óc em rất nặng. Em chỉ muốn gặp Thinh. Em sẽ gặp anh ấy một chút rồi em sẽ bỏ anh ấy thật sự.

Quỳnh bỏ đi vào những ngày cá dưới kênh về đông một cách bất thường. Người ta định lượng bầy cá qua thức ăn đổ xuống “chắc chắn có hơn năm tấn”. Lam không thấy vui. Anh hình dung chúng đang hồn nhiên tràn về vùng nước chết. Chúng có biết gì đâu. Lam đã dụ dỗ chúng về đây. Lam nghĩ tới chuyện sẽ vớt cá thả ra sông cái. Bến sông này sẽ không còn những bóng cá ăn móng nữa.

Vớt cá bằng kiểu nào? Hàng nửa chục tấn cá đang chen nhau dưới bến. Tụi nó chắc là hoảng loạn. Quỳnh chắc là đang hoảng loạn. Đáng lí ra Lam phải cản Quỳnh ngay từ đầu, đáng lí ra Lam đừng dụ đàn cá về ngay từ đầu.

Mà nói cách gì để cản một người yêu một người?

Đàn cá vẫn lượn lờ ăn móng quanh Lam.

Quỳnh lại trở về. Lần này cô nằm bẹp bên chiếc xuồng dưới bến. Tay cô thõng xuống khoang xuồng. Lam biết Quỳnh còn sống vì mắt Quỳnh còn mở. Đôi mắt nhìn trừng trừng lên màng nước.

Nhìn thấy Quỳnh lê lếch mà Lam tự hỏi sao lại u sầu vì một người không yêu mình. Mà Lam cũng có hơn gì. Quỳnh ở dưới bến một ngày Lam cũng ở dưới bến một ngày. Anh sợ Quỳnh cứ mang gương mặt rầu rầu đó rồi trườn xuống nước, nằm im dưới nước cùng đàn cá. Bởi vì quanh bến đầy hình bóng của Thinh.

Mọi thứ không còn chút sức sống nào hết. Nước dưới kinh cạn, có nhiều chỗ gần như chỉ còn một đường nước nhỏ dưới đáy. Phía đầu vàm, xáng đã bắt đầu múc để vét kinh. Không lâu nữa, xáng sẽ múc bến nước này tan nát, chỉ tốn một vài giờ, một vài phút.

Không có cách gì đưa Quỳnh lên nhà được. Lam gắn cho Quỳnh một cây dù lớn, nướng trái cà dài với chút nước tương dầm ớt bưng xuống, món này Quỳnh thường nhắn lúc mới quen là rất thèm. Quỳnh nhìn món cà không chê không khen nhưng cũng không động chút cơm nào.

- Hay em uống một miếng sữa. Em đã chạy một vòng gần cả trăm cây số, người em chỉ còn xương kìa. Phải ăn chút gì đó nếu không em sẽ xỉu đó.

Quỳnh lắc đầu. Đôi khi cô làm xàm gì đó một mình. Đôi khi cô nói chuyện như đang mớ nhưng mắt vẫn tỉnh khô. Lam cũng không dám ngủ. Anh không sợ Quỳnh nhảy xuống nước như hôm trước. Anh chỉ sợ Quỳnh bỏ đi lang thang. Nếu như cô ấy lang thang ngoài đường bị kẻ xấu làm hại, bụng mang dạ chửa rồi làm sao?

Lam thật sự không hiểu vì sao rất nhiều cô gái đều bị Thinh làm cho điên loạn. Thinh không đẹp trai. Nó chỉ được cái nói năng lém lỉnh, đối đáp liến thoắng, nửa phần chân thật nửa phần tự phụ về khả năng hấp dẫn của mình. Trong cái tự phụ cũng là chân thật vì vốn dĩ Thinh có sức hút đối với mọi người cả nam và nữ. Ngay cả Lam cũng thích ngồi trò chuyện với Thinh dẫu rằng hai người tính khí khác nhau. Khoái Thinh thì dễ nhưng yêu Thinh thì như yêu sự mỏng của cánh chuồn. Khi vui nó đậu khi buồn nó bay. Thinh có đủ khả năng chinh phục nên Thinh sẵn sàng quen biết với bất cứ người nào và buông bỏ với bất cứ người nào. Lam chứng kiến quá nhiều nhưng mặc kệ. Tới khi một cô gái hiền lành chay lạt như Quỳnh bị khổ thì Lam cảm thấy mình không thể nào chứng kiến tiếp.

Lam có thể nói cho tất cả những cô gái biết cách để nhận biết một chàng trai sẽ đem lại đau khổ cho mình thông qua hình ảnh Thinh.

Lam nhất định sẽ tuyệt giao với Thinh. Nhưng mà, Lam nhớ những lần Thinh lặn lội về thăm Lam giữa những ngày mưa tầm tã. Nó nói thèm được ở yên tĩnh với Lam trên cái bến sông đầy sự sống này. “Giá như tao là một đứa con gái, tao ở với mầy phứt cái cho rồi. Nhưng mà thôi. Tao bị đọa ở bốn phương trời. Mày thì bị đọa ở đây rồi. Có một người bị đọa như mày mới có được những bến sông giàu sức sống này cho tao về. Tao đội ơn mày lắm.”

Mỗi lần ngồi bên Thinh, Lam thấy vui. Nhưng giờ đây nhìn Quỳnh, Lam thấy Thinh sao mà đáng ghét. Quỳnh có tội lỗi gì đâu. Thinh quá khôn lanh, muốn chia tay phải chọn cách gì cho nhẹ nhàng sao để cô gái sốc như vậy.

Quỳnh ngồi dưới xuồng đã ba ngày. Cô không ăn gì hết. Đàn cá bên cạnh có cũng như không.

Lam ngồi nhìn con nước rồi gọi điện cho Thinh:

- Mày về mà nhìn cô ấy đi. Cô ấy vì mày mà ngồi miết dưới xuồng. Tao nói thiệt là từ ngày mai tao sẽ nói cho mọi người biết mày là thằng như thế nào. Tao sẽ từ mày.

- Thằng khùng. Mày từ tao rồi tao chết hả?

- Mày không chết, nhưng sẽ có người chết vì mày.

- Tao không làm hại ai hết. Lúc hổm tao thương Quỳnh là có thiệt. Những gì tao thích, những tâm huyết này nọ là có thiệt, là tao tưởng tao hợp với Quỳnh. Nhưng bây giờ mày kề dao vô cổ tao biểu hợp cũng không thể nào làm khác. Tao đang thấy hợp với đứa khác.

- Mày biết là mày sẽ không ham muốn dài lâu thì mày đừng có mà đeo theo ngon ngọt lúc đầu.

- Làm sao mày biết được ngày mai ra sao. Thấy hợp thì tới, tới thì phải xài hết chiêu, thấy không hợp thì lui, mà lui cũng phải xài hết chiêu để lui bằng được. Tao có kề dao vô cổ nó biểu nó phải thương tao không.

- Mày hết thương thì nói kiểu gì cũng xuôi! Rủi Quỳnh nó chết.

- Hồi đó giờ tao chia tay cũng nhiều đứa, có đứa nào chết không. Hay khi nó có chồng, nó luôn cảm thấy hạnh phúc vì chồng nó tốt hơn tao trăm lần.

- Vậy rồi… làm sao để cô ấy sống trở lại như những cô kia? Chớ bây giờ cổ như chết rồi.

- Mày yêu cổ nhiều hơn tao từng yêu đi, cổ sẽ ngồi dậy. Nếu không mày hãy đẩy chiếc xuồng đó ra ngoài sông cái. Nếu cổ còn muốn sống, cổ sẽ ngồi dậy bơi vô bờ. Nếu cổ hết muốn sống thì đó là con đường cổ chọn. Mày không liên can. Mà tao biết không bao giờ mày làm được. Vậy mày hãy mê cổ mạnh vô. Như hồi đó tao mê cổ vậy.

Lam không có đủ sức sống của Thinh để cuống cuồng chạy theo một mối tình. Nếu có, chắc giờ này Lam có thể mặc kệ Quỳnh để chăm chút cho người con gái của mình hoặc là mặc kệ các thứ đã qua mà mê mẩn Quỳnh như Thinh từng mê mẩn.

Cái sức sống trong con người của Thinh thôi thúc nó bườn tới với những người đẹp bằng mọi giá. Rồi cũng chính cái sức sống đó lôi kéo nó tới những cô gái khác. Thinh không phải là một dạng sở khanh. Nó nguy hiểm hơn sở khanh. Bởi vì nó thực tài, bởi nó thực yêu dù cái thực đó rất mong manh.

- Sao im ru hoài vậy. Mày coi lại mình kìa, chẳng mê nổi một người con gái cho ra trò. Thương yêu lập dập kiểu đó chết sướng hơn.

Lam hạ điện thoại xuống rồi nằm vật ra cầu. Chết? Anh không muốn sống từ lâu rồi. Cuộc đời có gì vui nữa đâu từ những ngày Quỳnh bỏ đi. Mà cuộc đời có gì buồn nữa đâu để phải tìm tới cái chết. Lam vì đàn cá mà vật vờ nay thì Lam vì cái dáng vật vờ của Quỳnh cộng đàn cá sắp rã mà tiếp tục lờ đờ như một cái bóng. Mà cuộc sống này có khác gì đang chết.

Một dáng người, hai dáng người nằm bất động như chết. Một đàn cá trồi lên nhau, chen chúc như đang ở trong những cái khênh ngoài chợ cá. Nắng nuốt chửng con kênh nhỏ. Nắng ran khô từng dáng người. Đàn cá thì đìu hiu màu chết chóc. Không lí gì tụi nó vẫn còn bơi lội kiểu như vậy mãi mãi.

Ví như giờ đây Quỳnh ngồi dậy tỉnh táo nói em quên Thinh rồi, em sẽ cùng anh chăm nom đàn cá, mình sẽ đẻ những đứa nhỏ hiền lành lương thiện như anh thì Lam cũng chẳng còn thấy vui. Kiểu như Lam đã hóa đá hay hóa thành một thứ gì đó đã chết rồi. Nhưng sao con người ta không còn cảm thấy vui buồn lại không hề dễ chịu chút nào. Chỉ mong mau tối để rồi chong mắt giữa đêm đen mong mau sáng. Từng giờ đằng đẵng trôi. Lam thèm mất trí để đừng trông ngóng vô lí như vậy. Nhưng đêm đêm Lam nguyện trong lòng thà có bệnh hoạn, có đau đớn thì cũng xin đừng để mất trí. Bởi Lam mà có mất trí ai lo cho Quỳnh, khác gì để Quỳnh lên xuồng rồi đẩy chiếc xuồng ra giữa sông cái mênh mông. Hãy để con tỉnh táo. Ít ra là tỉnh cho tới lúc Quỳnh chết đi rồi, đàn cá tan nát hết rồi thì sao cũng được.

Lam tỉnh hơn bao giờ hết. Anh nhìn thấy mắt Quỳnh chuyển màu sầm sậm. Anh nhìn thấy đôi gò má hóp lại, hàm răng Quỳnh quẩu ra.

- Thinh ơi, về đi, nếu cô ấy chết cũng nhắm mắt.

- Không, hãy để cổ chết trong oán thù nếu số cổ chết. Vương vấn làm gì, khổ kiếp này rồi khổ luôn cả kiếp sau.

Thinh buông gánh nhẹ nhàng. Lam tự hỏi mình có gánh được cơn tương tư đó của Quỳnh không? Hình như không. Lam đã gánh rồi, đã buồn quá rồi mà Quỳnh không hề khỏe mạnh. Hình như nỗi buồn chỉ nhân đôi chớ nó không như nước chuyển qua nơi khác thấp hơn thì nơi này sẽ khô ráo.

Người ta nói hai người nặng nghiệp gặp nhau sẽ không giúp nhau mà càng làm tăng thêm bi kịch cho tới lúc họ chịu không nổi rồi bức tử nhau hoặc cùng nhau tự tử.

Quỳnh không còn muốn chết nữa. Cô ngồi dậy chạy đến nắm tay Lam:

- Anh Thinh, anh về rồi hả, đưa em đi hả. Đưa em đi đi. Anh Lam tệ lắm. Ảnh không nói nhưng cứ nghĩ xấu anh. Em đọc trong mắt ảnh là biết ngay… Anh Thinh ơi, anh Lam giả dối. Lòng dạ ảnh đen tối, vừa u sầu vừa cố chấp. Ảnh thù em mà ảnh không nói ra.

Đó có phải những gì Quỳnh đã nghĩ trong lòng, đã nói với Thinh? Lam không tin. Nhưng Lam cứ nghe những lời nói đó được phát ra trong vô thức.

- Anh Thinh ơi đừng ngủ, em thấy anh Lam ảnh đi kiếm em, bắt em trở về. Ảnh trù cho em bệnh. Ảnh nguyền rủa cho em chết.

Mỗi lần gặp Quỳnh, Lam lại nghe mấy lời lảm nhảm. Mình có phải cố chấp không, mình có phải oán hận Quỳnh không. Nếu không sao mình không vui, không sống lại khi được cận kề cô ấy. Mình có phải trù ẻo cho cô ấy chết sớm để mình thoát nợ không?

Lam cảm thấy sợ chính mình. Lam sợ nhìn Quỳnh, sợ nghe Quỳnh nói chuyện. Nhưng Quỳnh cứ quấn quýt bên cạnh Lam bởi cô tưởng Lam là Thinh. Cô lặp lại những câu không đầu không cuối kể tội Lam. Mà Quỳnh kể không hề sai.

Lam sợ hãi đến độ trong lúc Quỳnh nắm tay nói nhảm thì Lam bứt tay Quỳnh ra rồi xô cô xuống nước. Khi nhìn thấy hơi thở Quỳnh ọc ọc bong bóng nước giữa những bóng cá ăn móng, Lam nhảy xuống vớt Quỳnh lên.

Quỳnh vừa nhoài người được lên cầu, người sũng nước vừa gào khóc:

- Anh Thinh ơi, anh Lam giết em.

Lam để Quỳnh trên cầu ngay ngắn, anh đứng giữa cầu thét lớn một tiếng vô nghĩa rồi nhảy xuống nước vẫy vùng. Trong hoảng loạn, Lam thoáng thấy trên bến có một hay hai người đứng nhìn cuộc ẩu đả. Kệ họ. Lam trùi sâu trong nước. Đó là những khoảnh khắc anh muốn chết mà không còn nhớ tới chuyện sợ đàn cá không ai giúp, sợ Quỳnh không ai lo.

Minh họa: Thành Chương

Lam không chìm xuống nước được vì anh bơi giỏi. Anh dùng lực để trùi xuống nơi sâu nhất của lòng kinh, trùi mải miết cho mình đuối, cho mình bị vọp bẻ, cho mình muốn nổi lên cũng không nổi được. Như con lươn con chạch gặp động trùi sâu dưới đáy bùn rồi chết luôn dưới đó. Lam không biết mình đã trùi trong lòng kênh bao lâu, bao xa. Anh chẳng còn nhớ gì nữa hết. Anh chỉ nghe mọi thứ lả đi như mình chẳng còn tay còn chân. Trong lơ mơ anh nghe Quỳnh nói anh Thinh ơi anh Lam giết anh kìa. Lam dùng tất cả giọt sức cuối cùng, trùi sâu đầu xuống đáy bùn. Anh không nghe mùi bùn xộc vô mũi. Anh không nghe tiếng nước động quanh đó.

Bỗng chốc anh thấy cơ thể mình nhẹ bẫng. Anh không thể dìm nó xuống được vì nó cứ bay vụt lên khỏi mặt nước, bay vào một bãi nắng cạnh bờ kinh. Phải mình đã chết không? Anh lang thang trong cái chết của mình. Ở đó là một con đường quen giữa mùa đông. Gió bấc quất ràn rạt lên những tàu lá chuối rách tả tơi. Cuối con đường quen là một lối nhỏ lạ lạ. Mình vào đó thử coi sao, có gì đâu mà sợ. Lam cảm thấy nếu phía trước là lửa anh cũng muốn vào thử. Lam len qua những dề rau trai mọc rối bước chân. Những cái hoa xanh xanh xíu xiu ngơ ngác như hỏi sao mà mặt buồn vậy bạn lớn. Cuối bãi cỏ Lam thấy một ngôi tịnh thất nhỏ lặng thinh giữa tiếng gió lùa trên mấy ngọn cây. Phía chân tịnh thất là một ông lão, nét mặt giống Thinh nhưng râu tóc bạc trắng, trắng tới nỗi tưởng như mọi thứ có thể bay lên trời như mây.

- Chắc là chú có họ hàng gần với thằng Thinh?

Ông chỉ cho Lam gốc cây và những nhánh hoa.

- Ngồi chơi đi, chẳng có gì để làm đâu. Gió vẫn thổi, bông vẫn nở đẹp phải không?

Lam ngồi im. Gió thổi đâu đó, hương hoa lúc có lúc không. Lam tan theo sự có sự không của làn hương dịu ngọt.

Lam tỉnh dậy ở một ngôi nhà hoàn toàn xa lạ. Một người phụ nữ lạ đang nấu cháo.

- Anh tỉnh rồi hả. Anh đã qua cơn nguy hiểm rồi. Chồng em nói không nghĩ có thể cứu anh được. Khi mà ảnh mò dài trên bến mà không gặp thì ảnh nản lòng bước lên bờ ngồi rầu rĩ. Không ngờ lúc đó anh phịch lên tuốt đằng kia. Giờ thì anh có thể về nhà hay ở đây cũng được. Nhưng chồng em nói anh nên ở lại đây cho ổn. Cần thời gian cho anh với Quỳnh hồi phục rồi hãy gặp nhau.

- Quỳnh là ai?

- Anh quên hết rồi sao?

- À nhớ rồi, cô gái thất tình.

- Tụi em đưa cô ấy đi bệnh viện tâm thần. Phải ép cổ uống thuốc an thần. Giờ cổ ổn rồi, vẫn uống thuốc.

- Ờ, cũng được.

Lam như chẳng còn cảm thấy trách nhiệm gì nữa. Nếu có mệnh hệ gì thì cũng đã có rồi. Hình như anh không có khả năng gì cả. Ngày ngày Lam đi vòng vòng trong bệnh viện như đi trong giấc mơ. Mọi thứ cứ nhẹ như không.

Cô gái đưa Lam về nhà. Lam đứng trên bến nhìn. Quỳnh đang ngồi xắt rau muống trên cầu. Quỳnh dường như đen hơn, bàn tay xắt rau của cô nhẹ nhàng thuần thục.

- Nè ăn đi, anh Lam sắp về với tụi mình rồi cá ơi.

Cô chỉ xuống bến:

- Mấy chú xáng múc nói không múc khúc kinh này vì ở đây nước sâu, múc, sợ bầy cá bị động tội nó. Nước vô kinh thông hơn rồi anh.

Lam nhìn sang con nước. Đàn cá vẫn tung tăng. Nó chen lên nhau đớp rau muống. Cá ăn móng sôi sục cả khúc kinh.

Lam còn đang lơ mơ không biết vụ ở tịnh thất là chiêm bao hay những hình ảnh Quỳnh đang xắt rau muống là chiêm bao. Nhưng hơi nước là thực. Màu nắng làm làn da anh rát là thực.

- Cô ấy đã trở lại bình thường. Chồng em nói nên cai thuốc nếu cô ấy muốn. Thôi vợ chồng em về.

Lam nhìn theo hướng tay cô gái thấy Thinh đang ở dưới xuồng đi lên. Anh đưa gói thuốc cho Quỳnh. Quỳnh gật đầu rồi tiếp tục rải rau muống xuống nước.

Thinh bước lại gần Lam nắm vai Lam:

- Chìm trong nước lâu vậy mà ông không chết, không bị gì hết đúng là sứ mạng của ông còn.

Lam ôm Thinh cười.

Quỳnh vẫn không hay Lam về. Lam không vội xuống bến. Anh muốn đứng thật lâu để tận hưởng cảm giác không trông tối trông sáng nữa. Lòng kinh hình như rộng hơn, nắng hình như vàng hơn, tươi trong như có thể nhảy múa. Anh muốn nhìn thật lâu cái hình ảnh Quỳnh ngồi giữa đàn cá. Cô đã chạm tay được những bàn tay của đám cá. Chắc chúng cũng vui.

V.D.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)