Những ngày tháng 4

Thứ Bảy, 15/06/2019 09:34

Bút kí. NGUYỄN TRỌNG LUÂN

Tháng 4 năm 1975 của tôi bắt đầu bằng trận đánh giải phóng tỉnh Phú Yên rồi cuốn về Sài Gòn. Với những người lính từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh thì tháng 4 là màu xanh và tháng 5 là màu đỏ. Xanh và đỏ. Như vừa mới đây thôi...

20 tháng 4...
Nơi chúng tôi ém quân ở Bến Đình (Nhuận Đức, Củ Chi) có một đơn vị giao bưu. Chỗ đó nhiều cây ổi lắm. Ổi xùm xòa xuống sông. Những cành ổi gác che mái nhà cho trạm giao bưu này nhiều mùa mưa nắng. Trưa nóng, tôi mắc võng sát mặt nước. Nằm nhìn lục bình trôi xuôi dòng và những con cối xay lan lan chạy trên mặt nước tôi chợt nhớ nhà, nhớ ngày bé con của mình.
Cách chừng mười mét có một cái võng, một cô gái giao bưu cỡ tuổi tôi ngồi thõng chân nhìn bất động ra sông. Mấy ngày ấy bộ đội chủ lực về nghìn nghịt kín cả triền cỏ dọc sông Sài Gòn, đông đến nỗi con chim sâu cũng vui. Nó nhảy nhót trên vòm lá mâm xôi ven bờ sông thủy triều lên xuống kêu như tiếng hát của lũ trẻ tí hon trong cổ tích.
Cô gái giao bưu không biết nghĩ gì mà im lặng đến hàng giờ. Gương mặt đẹp, mái tóc kẹp cặp ba lá, ngực căng bà ba đen. Mặt sông lốm đốm những đám lục bình trôi. Mấy chùm hoa tím chĩa lên trời. Sóng sông lòm tom như cá quẫy. Chưa bao giờ tôi thấy cô nói, chỉ nhìn đoàn quân ào ạt trẻ trung như kẻ mộng du rồi lại nhìn ra sông. Cứ thế cô như một hòn vọng phu búi tóc.
Trời ở đây thật kì lạ. Ngày nắng và nhiều gió nhưng chập tối là đổ mưa. Mưa ngắn mà to. Những cơn mưa không thèm doạ dẫm, sấm chớp cũng chẳng cần dây dưa lâu la. Ngạc nhiên nhất khi thấy phụ nữ không thèm trú mưa. Kệ cho ướt áo bà ba bó chặt thân người cong ỏng. Ướt rồi lại khô thật đơn giản. Gái Củ Chi cô nào cô nấy chắc như củ khoai sọ. Hỏi các cô có cần gì không thì được trả lời chỉ thích lựu đạn và dép đúc Trung Quốc. Cô nào cũng khoái dép đúc của chủ lực vì dép của du kích thường bằng vỏ ô tô đi đau chân lắm.
Đơn vị khoét hầm vào những bờ cỏ ven sông. Những vạt rừng thưa thớt đông nghịt người, ngồn ngộn vũ khí. Nhiều trung đội chui vào trong cỏ dẹp ra từng cái ổ nằm xuống mà sinh hoạt họp hành. Xen lẫn chủ lực là những đơn vị biệt động. Tưởng biệt động thành ra sao hoá ra toàn các cô cậu học sinh trẻ măng mười tám đôi mươi. Họ hăm hở và nhiệt tình đến khó tin. Trong số ấy nhiều người từ bỏ cuộc sống vật chất sung sướng nơi phồn hoa đô thị mà dấn thân vào kháng chiến.

27 tháng 4...
Sáng có lệnh tất cả cán bộ chiến sĩ đều phải khâu một miếng vải trắng trên ngực ghi phiên hiệu đơn vị. Mỗi chú một mảnh vải đỏ đeo vào tay áo như băng đội trưởng trong bóng đá. Trận này tất cả phải mặc quần áo mới, được quán triệt thái độ đối xử với đồng bào trong thành phố giải phóng.
Đầu giờ chiều hôm ấy, trong cái nóng nực Củ Chi chúng tôi từng người đăng kí danh hiệu “Dũng sĩ thành đô trên đất Thành Đồng”. Cảm giác chộn rộn hối hả cứ râm ran toàn thân. Tôi quyết định xuống thăm lại đại đội 7. Đại đội cũ của tôi giờ quá nửa là lính mới. Số lính cũ sứt mẻ sau hơn một tháng trời chiến đấu nhiều quá. Thằng Luật trung đội trưởng trở thành đại đội trưởng thay Kế lên làm tiểu đoàn trưởng. Thằng Chấn lên chính trị viên phó, chiến sĩ cũ hầu hết trở thành cán bộ cả. Trung đội của tôi nằm quanh mấy bụi tre cụt đang cắt tóc cho nhau. Thấy tôi đến chúng nó reo lên: “Nhờ anh Luân giải quyết mấy cái đầu của bọn Cao Bằng đi!”. Thì ra khi vào Chơn Thành có đợt tân binh Cao Bằng bổ sung về trung đoàn, tiểu đội trinh sát cũng có hai chú. Cả hai đều là người dân tộc rất ngoan, dễ thương, nhưng chậm lắm. Tôi rất lo khi vào trận mấy cậu này sẽ lớ ngớ hỏng việc hoặc lại phơi ngực hứng đạn thì khổ. Linh cảm ấy đã đúng. Hai cậu người Cao Bằng được tôi cắt tóc cho hôm ấy chẳng trở về...
Tôi và Sỹ kêu anh Thuỷ chụp ảnh. Tuy không dám nói ra nhưng trong bụng đứa nào cũng nghĩ thầm: Nói dại nếu ngày mai có chết thì còn cái ảnh mà thờ. Từ đầu chiến dịch tới giờ, đây là những ngày nhàn nhã nhất. Không phải đi lấy gạo, vác đạn, ngoại trừ A - trinh sát của chúng tôi hai ngày bò vào Tân Phú Trung rồi trở về vẽ sơ đồ với cán bộ tiểu đoàn. Sa bàn cũng không đắp, chỉ theo bản vẽ tay và bản đồ địa hình mà họp hạ quyết tâm. Rõ là thế của kẻ mạnh.
Mưa. Cơn mưa chiều nào ở đây cũng to và thật nhanh. Đã một tuần chúng tôi quen như thế. Ba lô cứ gói buộc sẵn sàng chỉ để tấm nylon lên trên cùng. Súng cứ lau đi lau lại, dép cứ nắn đi nắn lại từng quai, vuốt ve cái dây ba lô mòn bóng nhem nhẻm mồ hôi. Tựa lưng vào ba lô mà trò chuyện. Có anh đọc đi đọc lại lá thư nhà mà giao liên đuổi theo đưa ở Chơn Thành. Ngắm những khuôn mặt đồng đội trước lúc vào trận sao mà thấy ai cũng trẻ, cũng bâng khuâng, cũng hiền đến lạ. Trước kia, tôi đâu có để ý như thế này. Có lẽ bởi những trận đánh ở Tây Nguyên bất thình lình và rừng rú, đêm tối hay những lúc mùa mưa thâm xám trời đất chả có thời gian đâu mà để ý. Chỉ biết gập mình dò dẫm, bò trườn trong đêm. Còn lúc này, giữa vùng bình địa gần sát đô thành, mọi khuôn mặt vào trận mới sáng trưng ra giữa hàng ngàn đồng đội. Suốt cả mấy ngày pháo ta và địch bắn đối nhau ầm ầm. Cái thứ tiếng xèo xèo bay ngược chiều nhau nghe chán quá. Pháo từ Đồng Dù bắn ra, từ thành Quan Năm, từ ngã ba Tân Quy đồng loạt nã về. Trái phá nổ trên ngọn đồi có cửa hầm địa đạo, nổ dưới sông, nổ phía bên kia sông. Cột nước tóe trắng hắt ngược những cụm lục bình lên trời, hoa tím bay lả tả hòa vào mặt sông.

Chiều 28 tháng 4...
Mặt trời thật vàng, trôi thật chậm. Tiểu đoàn ắng lặng. Chúng tôi ngồi ôm ba lô mấy tiếng đồng hồ. Lính cũ gà gật, lính mới phấp phỏng cứ nhìn các đàn anh như dò hỏi: Thế này là thế nào rồi hở anh? Bốn giờ, thấy đơn vị biệt động thành hành quân qua. Trẻ quá, nhiều con gái quá. Lại xinh nữa, lại lúng liếng mắt nhìn các anh chủ lực đang há hốc mồm dõi theo những gót chân trắng nõn bị cứa đỏ bởi dây dép cao su.
Mặt trời khuất hẳn, lệnh hành quân.
Chưa có cuộc chiếm lĩnh nào chúng tôi bám xít nhau như thế. Một cuộc hành quân chiếm lĩnh rộn rực trong lòng. Hơi thở người đằng sau phả vào gáy người trước. Tôi vượt lên đầu tiểu đoàn để nhận một nữ biệt động dẫn đường. Chúng tôi trao đổi ngắn gọn về hướng hành quân và chỉ kịp nhận ra cô gái trẻ với cái tên Mỹ Hạnh. Hạnh vóc người đậm, rắn chắc, da ngăm đen, nghe nói rất giỏi võ.
Phía đông nam là một quầng sáng lung linh.
Phía tây, cột lửa đỏ bốc cao ngùn ngụt.

Tác giả thắp hương cho đồng đội tại nghĩa trang Củ Chi- Ảnh: PV

Kho xăng Đồng Dù bị pháo kích lúc chập chiều đang ù ù cháy. Nóng, ngột ngạt những mồ hôi và tiếng thì thầm của lính. Pháo bất thần nổ. Đội hình phía sau ùn lại, một chiến sĩ trinh sát quay lại rồi chạy lên. Tiểu đoàn 7 hi sinh, ba bị thương bốn. Trung đoàn lệnh hành quân khẩn trương. Một con mương sâu, rộng chừng mười lăm mét, nước quá đầu. Bộ đội ào xuống, phì phò ì ọp khúc khích cười. Mấy chú tân binh vùng cao không biết bơi nhưng lại không dám kêu vì sợ lộ nên cứ “giã gạo” giữa dòng. Một mình Mỹ Hạnh lôi hai chú vào bờ, lại còn mắng cho một trận làm bộ đội Bắc Việt vừa ngượng vừa khoái. Vượt qua đường 8 đoạn Phước Vĩnh An, đồn địch bắn đạn 12,8 đỏ lừ lừ. Cành cành cành... Chó sủa râm ran. Mặc, chúng tôi cứ nhắm cầu Bông mà lội tới. Thở ì ạch. Ho tắc nghẽn. Mùi bùn, mùi lúa con gái ngai ngái trong đêm. Mùi mồ hôi và cả mùi đạn pháo thoang thoảng. Lính hỏa lực ì ọp ngã lên ngã xuống. Bờ ruộng thì nhỏ, bùn lại trơn. Tôi bảo để tôi chiếu bản đồ rồi Hạnh dẫn bộ đội lội trên lúa. Hạnh cự, nát lúa uổng lắm. Tôi gắt, không thể để chậm giờ vào chiếm lĩnh. Thế là mấy trăm người bì bõm dưới ruộng. Cứ thế, chúng tôi vòng qua cánh đồng rìa làng Tân Thông Hội, xuống Tân Phú Trung.
Một giờ sáng, trăng bất thần nhú ra. Cả đội hình đến cánh đồng trồng dưa của dân Tân Phú. Nghỉ. Bàn nhau xin mấy quả. Lập tức bị Mỹ Hạnh phản ứng. Tôi đưa cho Hạnh gói lương khô. Cô bảo em thích lắm, rồi ăn, vừa ăn vừa nói lương khô chủ lực ngon quá trời. Tôi bảo, mỗi trận đánh chỉ được một gói, Hạnh ăn rồi anh phải ăn dưa thôi. Cô biệt động kêu trời, rằng bộ đội lừa nhân dân. Chúng tôi cười khoái chí.
Đội hình lên đủ. Chúng tôi bò vào trận địa với tham mưu trưởng trung đoàn lần nữa. Cánh đồng gần ấp Chợ đầy rau mùi và hành. Nhắc nhau cẩn thận đừng giẫm lên, mùi rau sực lên bọn lính gác phát hiện. Lúc bò qua một vườn cam và chanh, sờ thấy có quả nhưng không dám ngắt, định bụng quay ra vặt mấy quả. Đêm chiếm lĩnh ven đô bồi hồi lạ lắm. Mùi của cánh đồng lúa đang kì trổ đòng, mùi bùn ruộng lẫn trong mùi phân của trâu bò. Mùi mồ hôi của lính và lại là lần đầu tiên đi cùng một cô gái, rất gần, rất nhẹ nhàng, hương tóc cứ phảng phất. Đêm chiếm lĩnh, lội đồng rồi chui lên vườn tược ngửi thấy, cảm nhận thấy những mùi vị có tên chung, nhưng cũng có mùi mang cái tên riêng chỉ người cảm nhận nó đặt tên được. Chúng tôi nhìn về Tân Sơn Nhất đèn đỏ nhấp nháy trên cao, chịu chả biết là gì. Máy bay lên xuống, đại bác của ta vẫn cầm canh. Bò sát đường nhựa thấy có cái gì to và lóa trắng, mò lại gần thấy tấm bảng to như cái sân nhỏ phơi lúa vẽ hình thằng tây đen nhe răng trắng ởn. Bảo nhau lùi thôi, không biết là gì, lát nữa bảo DKZ phang vào đấy vài phát. Thằng Minh thì thầm, éo phải hỏa điểm gì đâu, quảng cáo thuốc đánh răng đấy. Đưa các đại đội vào chiếm lĩnh xong xuôi, không gian nén lại, thời gian trôi thật chậm. Sở chỉ huy ở ngoài đồng trên một con mương ken dầy những cây bằng lăng. Nhìn lên đường số 1 từ hướng Tây Ninh về Sài Gòn thỉnh thoảng có vệt đèn xe máy. Tiếng động cơ xèn xẹt thành vệt dài rồi chìm vào đêm. Trận địa im lặng. Nghe thấy cả tiếng ếch nhái. Mắt đăm đăm dõi về hướng mấy lô cốt ngoài ấp Chợ, rồi lại lom lom ngó cái đồn và lô cốt đầu cầu Bông. Quay lại về hướng bắc, Đồng Dù vẫn sáng, vẫn hồng hồng thứ ánh sáng của trận đốt kho xăng lúc chiều. Một vùng Bắc Sài Gòn nín thở trước giờ phút bùng nổ trận công phá cuối cùng. Mấy cậu lính thông tin rải dây vào các đại đội trở về ngồi trên bờ ruộng thay nhau dúi đầu xuống mương hút thuốc.
Trung đoàn trưởng lẳng lặng đi tới. Tiểu đoàn trưởng đứng lên.
Tôi biết giờ nổ súng bắt đầu.
Đêm 28 tháng 4 năm 1975 trở thành đêm cuối cùng hành quân chiếm lĩnh trong cuộc đời lính chiến của tôi. Từ hôm đó cho tới nay, khi đã về già, chưa một lần tôi bước xuống cánh đồng thơm ngái hương bùn và bâng lâng phóng khoáng như tình người Nam Bộ ấy. Có ai đó nhớ về trận chiến, chỉ nhớ đến tiếng súng nổ, tiếng thét, tiếng kêu la mà có thể quên hương của không gian trận địa. Riêng tôi thì tôi nhớ, nhớ mãi màu sắc, tiếng động, hương vị trước giờ nổ súng. Đêm Củ Chi. Trận đánh cuối cùng. Đêm chiếm lĩnh cuối cùng có hương quyến rũ của cánh đồng ven Sài Gòn.

29 tháng 4...
Trời đã bàng bạc đằng đông, đúng lúc phía Đồng Dù tấn công thì đồng loạt DKZ, cối 82, cối 120 ở Tân Phú phát hoả. Ngay loạt đầu tiên, đồn cảnh sát cầu Bông sập hoàn toàn. Bộ binh D9 và đặc công 198 vận động dưới tầm pháo xông lên đánh cầu. Cho tới bảy giờ sáng thì cầu Bông đã về tay quân giải phóng. Phía ấp Chợ, các lô cốt kiên cố bắn trả dữ dội. Quân ta không tiến được. Bộ binh nằm trên đồng trống bị thương vong hơn hai mươi người. Tình hình trở nên căng thẳng. Tiểu đoàn lệnh trinh sát và thông tin xuất kích. Từ phía chợ, thằng Thuận (người Đông Lao, Hoài Đức) bị đạn bắn thẳng vào cổ khi đang bò ra cánh đồng. Tôi châm điếu thuốc Rubi cài vào miệng cho nó rồi bò ra trận địa. Đạn từ ba lô cốt táng dữ dội vào trận địa 12,7 của C16. Mấy thằng C16 dạt ra. Thằng Khuất Duy Hoan C7 chồm lên, ôm 12,7 li vừa bắn vừa chửi. Được củng cố tinh thần, thằng Hoà bật dậy bắn liền hai phát B41 rồi ôm khẩu trung liên từ tay một tử sĩ bắn xối xả. Đúng lúc ấy nó trúng đạn gục xuống bên khẩu trung liên còn nóng bỏng. Đại đội 7 xung phong ra phía chợ, chui vào ngóc ngách nhà dân ném lựu đạn ra đường. Trận đánh dằng dai tới mười một giờ trưa thì có tiếng xe tăng chạy ầm ầm từ phía Củ Chi về Sài Gòn. Bộ binh quay ra bắn xe tăng, ba chiếc bốc cháy đâm sầm vào Trường Tiểu học Tân Phú. Đúng lúc ấy, xe tăng quân ta đuổi tới nơi. Bộ binh ta thấy xe tăng cờ đỏ sướng quá rối rít chỉ lô cốt cho họ bắn. Ba lô cốt nổ tung. Ngót trăm thằng từ trận địa bên kia đường bấy giờ mới kéo ra hàng. Lúc ấy là mười hai giờ trưa. Không còn đường nào thoát, tàn quân địch chừng ba chục xe tăng thiết giáp không dám lên cầu Bông, bổ nhào xuống đồng lúa Tân Phú Trung ngay phía sở chỉ huy tiểu đoàn tôi. Trên đường số 1, pháo ta hạ nòng bắn thẳng. Cả đồng lúa biến thành biển lửa. Cứ điểm án ngữ cuối cùng đã mở toang. Các đơn vị ào ào xông vào thành phố. Trời oi nồng vì nắng, vì bom, vì lửa. Tiểu đoàn phải để lại hơn ba chục tử sĩ và năm chục thương binh. Các mẹ các chị trong làng đổ ra lo khâm liệm và chôn cất những người hi sinh ngay phía trong chợ Tân Phú Trung. Trong số những người hi sinh có một người trúng đạn vào phút cuối cùng của trận đánh là trợ lí tham mưu tên Măng người Thái Bình. Măng chết lúc đang giương khẩu chống tăng của địch để bắn xe tăng địch. Cũng ở trận địa này, trong Mậu Thân 1968 Sư đoàn 9 đã hi sinh hàng chục người, người dân Củ Chi đã lập miếu thờ ven đường. Trong miếu đó, ba chiến sĩ C6 của chúng tôi hôm này cũng nằm lại.

0 giờ 30 tháng 4...
Chúng tôi tạt vào làng Tân Sơn Nhì ngủ lại. Năm giờ, đang nấu cơm chưa kịp ăn thì có lệnh: Tất cả mọi đơn vị, bằng mọi giá, bằng mọi phương tiện, xốc thẳng vào Dinh Độc Lập. Thế là lao ra đường, chặn xe của dân, huy động cả xe lam, cả máy cày, xe đò..., mạnh đại đội nào đại đội nấy tìm đường tiến. Vào giờ phút ấy, khắp các ngả đường làng mạc quanh Sài Gòn đâu cũng thấy quân giải phóng. Gương mặt người lính đi đánh trận mà giãn ra tươi như đi hội. Quân phục đã được thay mới, cờ giải phóng, phù hiệu giải phóng, băng tay xanh đỏ trùng trùng điệp điệp. Con đường vào thành phố đầy rẫy lô cốt ụ súng bằng bao cát, thùng phuy, cửa kẽm gai ngăn ra từng đoạn. Tiểu đội tôi, năm thằng leo lên một xe lam. Người lái xe sợ xanh mắt, kêu không biết đường vào Dinh Độc Lập. Tôi giở bản đồ nói, tôi dẫn đường. Thế là xe phải chạy. Xe nhỏ luồn lách tốt nên vượt xa đội hình tiểu đoàn. Tới ngã tư Bảy Hiền, trong khói đạn đơn vị bạn đang thu thập tử sĩ, chúng tôi rẽ ra Lăng Cha Cả. Ở đây, một trận đánh dữ dội đã diễn ra. Trung đoàn xe tăng của ta cháy mất bốn chiếc. Chúng tôi len lỏi trong xe cháy, xe hỏng vượt cầu Trương Minh Giảng tiến tới đường Phan Đình Phùng thì bị chặn lại bằng hàng loạt đạn đại liên từ trên tháp nước bắn xuống. Cả tiểu đội lăn ào xuống đường, dùng AK bắn trả tới tấp. Bộ đội hạ cối 82 ngay trên đường phố bắn về phía Dinh Độc Lập. Một chiếc xe Jeep kính vỡ toe toét chạy lên. Nhìn ra là anh Thuỷ. Cậu liên lạc trên xe hét lên rối rít: “Đừng bắn nữa, đấm đít D9 rồi”. Quãng hơn mười một giờ trưa nghe qua radio, tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Vỡ oà những tiếng reo hò. Hàng chục ngàn người nhảy lên, ôm nhau trong nước mắt. Đường phố Sài Gòn dồn nén bao lâu bỗng nhiên ùa ra toàn những cờ đỏ sao vàng. Tôi cũng không hiểu nổi làm sao dân Sài Gòn chuẩn bị cờ đỏ sao vàng nhanh và nhiều đến thế. Cờ ở trên ban công, trên cánh cửa, nơi công sở và cả trên tay trai gái trên đường. Bỗng chốc thành phố là một bức tranh xanh đỏ. Những hàng phượng vĩ trổ hoa đầu mùa đỏ thắm, cờ đỏ thắm trên nền quân phục xanh. Một biển người mừng đến ngơ ngác. Bỗng chốc con người lơ mơ hụt hẫng giữa không gian mới lạ, mới lạ ngay cả với người đã sống ở đây từ bao năm. Vào giờ phút ấy, lính ngụy trong thành phố dường như còn đông hơn cả dân ngoài đường. Họ trút bỏ hết quần áo lính, mặc quần cụt ngồi la liệt vỉa hè, vườn hoa, bến cảng... Những cặp mắt thất thần nhìn quân giải phóng. Chẳng ai để ý đến họ, đội quân đã mất sức chiến đấu, không còn phiên hiệu, tơi tả khắp đô thành. Đường phố ngổn ngang quân trang quân dụng mang nhãn hiệu Mĩ. Xe pháo Mĩ đứng bất động, chỉ có quân giải phóng là hân hoan, mắt nói miệng nói...
Thời gian như ngừng trôi và không gian trở nên chật hẹp. Tôi có cảm giác mình đang sống trong mơ, một giấc mơ huy hoàng và kì vĩ. Bao ngày chiến đấu trên rừng núi cao nguyên, trong tâm trí chưa bao giờ dám nghĩ rằng có ngày mình nhìn thấy Sài Gòn. Vậy mà hôm nay tôi đã đứng giữa thành phố với tư thế của một người chiến thắng.
Buổi chiều, dân Sài Gòn kéo ra đường, vây kín khu vực Dinh Độc Lập. Họ đi xem quân giải phóng, họ đi tìm chồng, tìm con ở cả hai phía. Cái sự tìm người thân ấy còn kéo dài cho tới vài chục năm sau, nhưng nó bắt đầu từ chiều hôm ấy. Đêm đầu tiên giải phóng Sài Gòn điện vẫn lung linh sáng và người ta vẫn đi dạo phía vườn hoa.
Mười một giờ đêm, tôi đứng trên sân thượng nhà cố vấn Mĩ góc đường Phan Đình Phùng (bây giờ là đường Nguyễn Đình Chiểu) nhìn ra phía cảng. Tiếng còi tàu tu tu. Bình yên quá. Trời đầy sao, gió từ cửa sông thổi vào mát rượi, thành phố tinh khôi trong màn đêm lung linh như chưa hề có chiến tranh. Trong tôi kí ức về ngày hôm qua còn nóng hổi, nhưng bàn chân thì vẫn râm ran ngứa vì những vết nứt nẻ hành quân. Chúng tôi về thành phố để lại sau lưng bao đồng đội đang lạnh lẽo nơi rừng sâu, đồng vắng. Để lại hàng ngàn ngày đói cơm thiếu thuốc trên cao nguyên. Bỏ lại những cơn sốt rừng tê tái gặm nhấm đời trẻ trai. Để lại những cánh rừng nương rẫy mình đã chai tay vun trồng nên khoai nên sắn. Phút giây huy hoàng này có ai nhớ không, những bản làng xa xăm chốn Sa Thầy, Pô Cô có những già làng đóng khố nhịn cơm đưa đường năm trước? Ai còn nhớ tới lời hò hẹn quay về nơi đã cưu mang mình, đã vực dậy trong lòng chiến sĩ niềm tin?
Một thời gian sau 30 tháng 4, tôi lại gặp người con gái Bến Đình ở Bưu điện huyện Củ Chi khi đi gửi thư về nhà. Cô ngồi trong quầy gửi thư và điện tín. Tưởng cô nhận ra mình nhưng cô nhìn tôi rồi trượt cái nhìn qua đầu ra sân đầy nắng mùa hè. Vẫn buồn, vẫn im lặng, vẫn đẹp. Chiến tranh ngàn ngày vừa đi qua cuộc đời chúng tôi. Nó cũng có hai màu: xanh và đỏ

N.T.L

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)