Tiệc trăng

Thứ Hai, 13/05/2019 16:14

Truyện ngắn dự thi. NGUYỄN THỊ MAI PHƯƠNG

 

Gã choàng dậy, ngơ ngác trước một vùng mênh mông trăng. Mấy quả đồi xa xa và cánh đồng trước mắt gã tràn ngập thứ ánh sáng mê hoặc, kì ảo. Ánh vàng như phủ mờ thế gian, đang chảy dãi dề, lênh láng khắp nơi. Các đốm sáng lọt qua tán cây nhảy múa theo muôn hình kì dị trên mặt đất.

Gã dụi mắt. Ô hay. Mấy gian nhà trống hoác dường như đang rung lên bởi tiếng côn trùng ri ran trong xó tối. Con Vện nằm thu mình bên bậu cửa, thi thoảng lại tru lên.

Kể từ đêm trăng ấy, dường như cái thằng đàn ông trong gã đã chết rồi, thay vào đó là một cái xác không hồn. Người ta cũng đâu cần biết đến gã tồn tại trong làng ra sao, ai có thì giờ quan tâm đến gã làm gì. Nhưng ngôi nhà dù chỉ có gã và con Vện, gã vẫn thấy đủ đầy, cộng thêm một ả đàn bà mỗi đêm. Gã cảm nhận thấy rõ đôi môi, bầu vú ướt mềm của ả chạm vào người gã đấy thôi. Và khi bình minh lên, ả biến mất. Gã lại ngồi trên cái bậc thềm gỗ nham nhở vết chó gặm nhai một bát cơm nguội. Gã thích bóng đêm, nhất là những đêm trăng. Có thể hồi trước, cái đêm trăng quái quỷ ấy đã làm gã đau khổ đến muốn chết, và cũng chính những đêm trăng đã xoa dịu vết thương, nâng đỡ, vỗ về gã suốt bao năm qua.

Minh họa: Nguyễn Anh Minh

Gã tuột người xuống giường, đứng sát mép cửa căng mắt nhìn ra phía cuối con đường. Con đường đất ngoằn ngoèo men theo quả đồi bát úp và dẫn đến một mỏm đồi khác. Trên mỏm đồi có một phiến đá xanh rộng bằng cái chiếu. Ở đấy, gã được chứng kiến một chuyện lạ. Hai ông già ăn vận theo lối người cổ ngồi đối diện trên phiến đá đàm đạo chuyện thế gian. Gã nhìn quanh thấy những hòn cuội nhỏ lăn tròn, sáng lên xung quanh chỗ hai ông già. Gã cầm lên xem. Những viên cuội như những con đom đóm khổng lồ phập phồng sáng.

Buổi chiều nhiều năm về trước, gã vội vàng gửi đứa con nhỏ cho hàng xóm, đèo vợ xuống thị xã mua sắm. Làng heo hút, mua gì cũng khó. Gã đã muốn đưa người vợ trẻ một lần xuống ngắm phố xá, công viên. Từ ngày phục viên, lấy vợ, được mẹ cho ra ở riêng, hai vợ chồng cắm mặt trồng khoai cấy lúa kiếm ăn, rồi sinh đẻ, nuôi con nheo nhóc chẳng có lúc nào đi đâu. Nhà cửa thấp lè tè, đồ đạc lộn xộn, nhọ nhem nhọ thỉu. Mỗi lần nhìn vợ cho con bú, gã mới thấy vợ khổ quá. Nhưng rồi gã tin, tình yêu của gã có thể làm cho vợ mình hạnh phúc. Gã hay ngồi chải mớ tóc dài của vợ ngay bên cửa bếp. Thiên hạ bình phẩm gì mặc kệ. Bất chấp đói khổ, lam lũ, vợ gã đẹp và hiền. Cô luôn cười rất nhẹ mỗi lúc gã hùng hổ nói về thứ gì đó. Đêm đêm, gã vùi mặt vào hai bầu vú nóng của vợ mà mãn nguyện, tự hào về sức trẻ. Gã quyết chí không để vợ mình khổ mãi được. Gã dồn công sức cải tạo đám ruộng sụt thành ao nuôi ba ba. Đang hăng máu làm thì máy bơm cháy. Gã đèo vợ bằng cái xe cà tàng xuống thị xã. Mua xong gã còn cho vợ đi ăn kem rồi vòng một quệt ngắm phố xá. Đúng là nhà quê ra tỉnh, cái gì vợ lão cũng không biết, gì cũng phải đến tận nơi sờ tay vào xem nó thế nào. Buồn cười nhất lúc qua hàng hoa, vợ gã chạy đến hỏi chị bán hàng: “Hoa giả đây hả chị? Sao đẹp thế, từ bé em mới thấy”. Chị chủ cửa hàng vui vẻ bắt chuyện rồi ném về phía gã cái nhìn nghi hoặc, sao gã kia lại lấy được người đẹp thế này.

Lúc đèo vợ về đến lối rẽ vào cầu qua sông, xe đợi tàu qua, chật cứng. Vợ gã nhảy xuống xe bảo buồn tè quá không nhịn nổi rồi đi khuất vào đám cây dại rậm rạp cạnh đường. Tàu ào qua, một đoạn rồi phanh kin kít khựng lại. Gã chờ mãi không thấy vợ. Mấy anh gác tàu chạy rầm rập, hô hoán túm lại một chỗ. Gã nóng ruột, hay vợ gã lại tò mò ra đấy xem cũng nên. Gã bỏ xe chạy tới. Vừa chạy gã vừa gọi “Diên ơi!”. Tốp người đã xúm lại cạnh đường ray. Gã chen vào. Trời ơi, gã như bị sét đánh tung lên, chân tay rụng rời. Một thi thể nát nhừ bê bết máu. Hai cái chân mặc quần xa tanh vắt ngang đường ray, mái tóc dài quấn vào bánh tàu… Gã gào lên thảm thiết “Ôi trời đất ơi, ối Diên ơi!” rồi gục xuống bên cái xác. Mất một lúc gã mới ý thức được có rất nhiều người đang lay gọi mình. Gã ôm tấm thân đã nát nhừ một nửa, khuôn mặt nhuộm máu, mái tóc nham nhở lột cả da đầu, khóc nghẹn. Tiếng khóc nặng như đá, vỡ ra rồi nức nở đau xót: “Sao vợ tôi chết thảm thế này...”.

Đám đông giãn ra, rồi những người làm nhiệm vụ đến giải quyết cho tàu đi. Vợ gã đã được lau rửa, đặt vào quan tài, phủ kín. Gã cho một người đàn ông đi xe máy địa chỉ nhà mình, ông ấy nhận lời sẽ về quê nhắn người nhà giúp. Lúc người trên quê đến, gã bỗng hực lên, nói tại gã mà vợ chết. Người ta bảo, tại Diên ngồi đái ở bụi cây sát đường ray quá, tàu chạy qua, hút mái tóc dài vào nên mới thế. Gã ân hận, giày vò. Mái tóc gã chăm sóc bấy lâu đã khiến Diên mất mạng. Gã theo xe công nông chở xác vợ về làng. Trăng sáng đến kinh ngạc. Gã thấy mình như đang trôi dần vào địa ngục. Hai mắt lồi ra, nỗi đau bóp chặt cổ họng gã.

Cái nhà hoang đầu làng chật cứng người, đèn sáng lạnh. Một người nói oang oang: “Dọn sạch chỗ này đi để lấy chỗ làm ma, chết đường chết chợ không ai mang về nhà”. Đám thanh niên xúm lại dọn dẹp rơm rác ở bãi đất trước ngôi nhà. Các bà già châm hương thắp cho những ngôi mộ vô chủ quanh bãi đất. Không khí rờn rợn. Người nhà gã túa ra khóc rú lên. Thằng con trai năm tuổi đứng ngơ ngác khóc đòi mẹ. Người ta thấy gã người dính đầy máu khô nhảy xuống xe giọng lạc đi: “Các ông các bà tránh ra để tôi đưa vợ tôi về thăm nhà lần cuối...”. Mọi người ùn ra cản đường, vây chặt lấy chiếc công nông. Bố mẹ gã chạy đến ôm lấy gã. Gã ngồi xuống bất lực nhìn đám thanh niên làng khiêng quan tài vợ đưa vào ngôi nhà hoang. Mấy người to khỏe xốc gã về nhà thay quần áo, nghỉ ngơi chốc lát rồi còn lo ma.

Lúc gã tê liệt toàn thân trên cái chiếu giữa nhà, gã hiểu, tại sao làng gã cứ nghèo truyền kiếp, người làng chỉ giỏi đấu đá nhau, thằng nào giỏi cũng không ngóc đầu lên được. Gã khóc rống lên, đưa mắt tìm thằng Tũn. Gã thấy mình rơi xuống cái hố toàn gai bồ kết và phân trâu. Gai đâm cho nát thịt da, cứt trâu thối nồng phủ đầy mặt. Gã lịm đi. Lúc gã tỉnh dậy thì sân nhà có mấy mâm ăn, bát đĩa lổng chổng. Những vành khăn trắng xúm lại bàn chuyện. Gã chạy ra nghĩa địa. Ngôi mộ mới nằm lọt thỏm giữa những bờ cỏ tranh. Gã vùi vào đất cụm dừa cạn hoa tím vừa nhổ ở vườn nhà mang ra. Gã bắt đầu cuộc trò chuyện với vợ mình.

- Mẹ mày không nhớ à? Vài hôm nữa sinh nhật của mẹ mày đấy. Anh sẽ tết cả vạt hoa sim kia lại cho mình đội lên đầu, rồi mình đẻ thêm đứa nữa…

Nhớ đêm trăng hồi còn chưa có thằng Tũn, gã đóng quân ở tận vùng biên giới Hà Giang, được vài ngày phép, gã nhảy theo xe tải bí mật về nhà. Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng gã nép dưới gốc xoài già trông như một túp lều. Để tránh chó hàng xóm cắn, gã lội dọc đầm nước rồi trèo lên bức tường cao nhìn vào nhà. Ánh đèn leo lét. Không rõ vợ gã đã ngủ chưa. Nhiều người bảo, vợ đẹp thế để ở nhà đi lính khác gì đem mỡ treo ở miệng mèo. Gã cũng thấp thỏm lo lắng, ghen tuông nhưng rồi gã tin rằng vợ mình luôn là người chung thủy. Gã nhón chân áp sát tai vào vách nhà. Có tiếng rên rất khẽ, mơ hồ. Gã nóng bừng hai tai, trong đầu, gã thấy rõ chuyển động của bàn tay, của vải vóc, của cơ thể vợ mình. Đúng là làm sao mà biết lòng dạ đàn bà…

Như một con mèo, gã lanh lẹn trèo lên mái nhà lợp rạ, chọc thủng một lỗ nhỏ chỗ căn buồng vợ ngủ. Kia rồi, ngọn đèn dầu phập phù sáng ngay cái tủ gỗ đầu giường. Con dao vợ gã để trên cái hòm tôn. Đấy là nghe theo lời chồng dặn, phòng khi có việc không hay. Gã suýt kêu lên kinh ngạc khi trong màn, vợ gã nõn nà phô thân, cái áo tụt xuống phô hai bầu vú căng tròn, mờ ảo. Đôi mắt nhắm nghiền, vợ gã đưa tay vuốt ve bầu ngực, miệng rên lên khe khẽ. Cái cổ nàng ngoẹo sang một bên... Trời ạ! Gã cứng đơ như khúc gỗ trên nóc nhà. Thoắt cái, gã nhảy xuống, vỗ tay vào cửa gọi: “Diên ơi, mở cửa cho anh”.

Tiếng chó sủa giờ mới ran lên. Vợ gã vừa vặn to đèn mở cửa thì gã đã ào vào như cơn lốc. Gã thèm khát cuốn tung người vợ trẻ trong ân ái cuồng nộ. “Anh biết là em đang nhớ anh” - gã thì thầm vào tai vợ như vậy và cứ trôi mãi, trôi mãi vào một vùng êm ái. Vợ gã xấu hổ ghì chặt chồng rên rỉ, cào cấu. Gã nhớ, đêm trăng hạnh phúc ấy đã cho vợ chồng gã thằng Tũn sau này. Gã phấp phỏng trở lại đơn vị nhưng trước khi đi đã chuyển vợ về ở chung với mẹ, đợi năm sau gã ra quân thì lại ở riêng.

Cơ ngơi nhà cửa, vườn ao là công sức chuỗi ngày làm lụng thâu đêm của gã. Vì Diên, gã đã làm tất cả. Sức vóc của một kẻ từng lam lũ, lại được rèn luyện trong quân ngũ đã khiến gã làm không biết mệt. Từ hai bàn tay trắng, vợ chồng gã bắt đầu có kinh tế, trở thành hộ nuôi ba ba đầu tiên ở vùng. Vậy mà, thật không công bằng, ông trời đã bắt Diên đi sớm quá. Gã thẫn thờ rời nghĩa địa, thất thểu về làng. Trên đầu gã có cả một nắm đất đỏ ối.

“Thằng này bị điên rồi”, dân làng kháo nhau như vậy. Gã bán xe, bán bò lấy tiền uống rượu, say suốt ngày đêm. Thằng Tũn nhiều hôm chẳng có cơm ăn, ngủ vạ vật xó vườn. Nhìn nó ủ ê, gầy gò sau cái chết của mẹ ai cũng thương. Nó ở với ông bà vài hôm thì bố lại bắt về. Gã cứ ngồi lặng hàng giờ ngắm nhìn thằng bé, xem nó giống mẹ điểm nào, giống gã điểm nào. Gã chẳng nấu cho con ăn cũng không trò chuyện với con. Hàng xóm dần xa lánh vì hai bố con gã ngày càng hôi hám, khó nhìn. Ông bà nội mất, thằng Tũn đến ở nhà người chú được vài bữa ăn no, mặc lành, được đi học mẫu giáo thì gã lại đòi về. Gã đã biến thành người khác. Không nói năng, không làm việc, cứ nằm dài trên mảnh sân nhỏ từ sáng tới tối, đôi mắt vô hồn. Chỉ khi thằng Tũn tự nấu được nồi mì tôm gọi bố dậy ăn thì gã mới lờ đờ ngồi dậy. Thằng Tũn sợ bố, cả ngày tha thẩn hết ra lớp lại về cái vườn nhỏ. Không có tiền đóng học cho con, ruộng bãi hoang tàn, ba ba cũng chết, gã nói với con: “Giá mà tao chết theo mẹ mày được”. Tũn sợ hãi nhìn hai hốc mắt tối om của bố. Hôm sau, thằng bé chạy vào nhà chú. Nhưng thím bảo, nó lớn rồi, ăn học tốn kém thím không nuôi được, bố còn thì bố phải nuôi. Sau hôm thằng Tũn đói lả ở bờ ao thì nhà ngoại ở xã bên sang đón về nuôi. Từ đấy gã hầu như chẳng còn ý thức được mình có con. Chỉ lúc nào chợt nhớ ra, gã lại gầm gừ: “Tũn, Tũn ơi! Mày có nhớ mẹ mày không...”. Nhưng gã cũng chẳng có sức đi tìm thằng Tũn. Gã ngập chìm trong những cơn mộng mị đảo điên. Người làng còn bận làm ăn, ruộng đồng vườn tược tối tăm mặt mũi, không ai còn hơi sức để ý quan tâm đến gã. Gã dần bị lãng quên, sống vờ sống vật trong căn nhà xiêu vẹo. Có người bảo gã, chết vợ này thì lấy vợ khác, đàn bà trên đời này thiếu gì, chứ cứ đắm đuối nhung nhớ mãi sao được. Gã không nói gì, chỉ thấy mình như cây măng phơi phới đâm thẳng trên mặt đất bỗng bị lưỡi dao chặt phéng ngang thân, nhựa túa ra mãi không cầm lại được.

Gã chả thiết đến ăn uống, đặt một nồi cơm ăn cả ngày. Kiếm được cua cá rau cỏ gì thì ăn nấy, miễn không đói là được. Con Vện ăn uống lắt lay đã gầy rộc đi. Gã cũng gầy quắt như một cành cây hết nhựa. Nhưng vào những đêm trăng gã vẫn mơ tưởng. Gã đi xem hai ông lão đánh cờ trên mỏm đồi. Mỗi khi bò từ chỗ tảng đá về, gã thấy rõ có một ả đàn bà lõa lồ, dang tay ôm gã, vùi mặt gã vào hai bầu vú ấm nóng mà xoa xuýt. Gã không biết mình mơ hay thật. Có lẽ là thật. Vì có lúc gã cảm thấy rõ cái đàn ông của gã đã đi vào một cơ thể khác.

Hôm nay gã ốm, không còn chút sức lực nào để cử động. Đầu gã nặng trĩu. Gã thiếp đi và tỉnh lại đúng lúc gã ngửi thấy mùi cháo. Ơ, chẳng lẽ Thị Nở trong truyện hiện thân nấu cháo cho gã ăn? Gã nếm thử, mùi lá thơm ngát xộc vào mũi. Gã húp, vị béo ngọt tan ngay đầu lưỡi. Không phải cháo hành mà cháo tía tô, cúc tần. Gã giật mình. “Ai, ai thì lên tiếng đi? Nhanh. Ma quỷ hay người được hết”. Gã đói quá, không còn kịp chờ ai trả lời, gã bê bát cháo húp soàn soạt. Cháo vào đến đâu, nước mắt gã chảy tràn ra đến đó. Dưới ánh nắng mặt trời, gã nhận ra mình còn sống. Gã nhìn thấy máu chuyển động nơi những đường mạch xanh chằng chịt trên tay. Bỗng vút một cái, gã thấy bóng một người đàn bà trùm kín mặt chạy từ xó nhà gã ra khu đất hoang. Gã đi theo. Bên kia cái ao rậm rịt dây leo có căn chòi cửa mở, mái phủ kín cây dại. Sao trước nay gã không biết nhỉ?

Gã nhìn qua ô cửa, thấy tối om. Gã rón rén đi vào, có thứ mùi quen thuộc xộc lên mũi gã. Mùi khói, mùi trăng, mùi da thịt hằng đêm gã gặp. Gã ngồi xuống cái ghế cũ, chờ đợi. Cô Câm lúc này mới bật đèn lên. Gã giật mình. Khuôn mặt cô Câm sẹo nhằng nhịt, hai lỗ mũi sâu hoắm, cái miệng bị kéo lệch tận sát tai. Gã chột dạ nhưng rồi trấn tĩnh ngay. Chưa có gì kinh hãi bằng lần gã nhìn thấy da thịt vợ mình rúm ró dưới đường ray. Gã bỗng ôm mặt khóc nức nở. Người đàn bà câm xích lại, dịu dàng đưa tay đỡ lấy đầu gã vục vào lòng mình. Trong mơ màng, gã nghe thấy cô Câm nói rằng thằng Tũn ngoan và học giỏi, ở với ông bà ngoại nhưng nó buồn lắm, lâu lâu lại ra thăm bố, toàn bị bố đuổi đánh. Gã không nhớ mình đánh con hay không. Hình như những ngày qua, gã chỉ ngủ và đi xem đánh cờ thì phải. Hay gã đã chết rồi, gã cũng không dám chắc. “Không đâu, anh chỉ ốm quá thôi, đêm đêm, anh toàn mò lên nghĩa địa ngồi nói một mình rồi lăn ra ngủ, dân làng sợ anh lắm”.

Vậy ra cô Câm đã đi theo gã nhiều đêm. Cái cảm giác bị kéo rê trên sỏi có lẽ là thật, chí ít là lúc cô Câm ra sức kéo gã về chạy mưa. Nhưng họ hàng, anh chị em gã đâu hết nhỉ, sao không ai ở bên gã vậy. “Ai cũng chán anh rồi, họ coi anh đã chết, vì anh có biết gì nữa đâu” - cô Câm nói vậy rồi cho thêm rơm vào bếp. Mùi khói ấm loang ra. Gã bỗng ho và đau nhói trong ngực. Gã ngồi bật dậy. Thế lâu nay gã đã chết rồi ư? Và còn hai lão già chơi cờ là ai? Gã chịu không biết. Cô Câm đã nấu cơm cho gã ăn ư? Điều gì khiến cô làm thế? “Em thấy thương anh, cuộc đời em cũng chẳng ra gì nên em nghĩ, hay anh ở tạm cùng em…”.

Cô Câm nói thế rồi cầm bàn tay gã đặt lên bụng mình. Có cái gì đó quẫy cựa, ấm áp. Gã thấy rõ, hình như có dòng nham thạch bỏng rát chạy vào tim mình. Gã tròn mắt ý muốn hỏi con gã sao. Cô Câm gật đầu.

Đã bao lâu rồi gã mới được tắm, được bàn tay đàn bà kì cọ. Nước trôi đến đâu gã giật mình đến đó rồi tỉnh dần ra. Đêm ấy gã ngủ lại căn lều của cô Câm. Trong đêm ấy gã mới được biết rằng cô Câm tuy khuôn mặt nhằng nhịt sẹo do bị bỏng nhưng có một thân hình nảy nở. Cô chọn sống ở nơi tạm bợ tránh sự dòm ngó của đám đàn ông bệnh hoạn. Sở dĩ trước đây gã không biết cô vì cô thường bịt khăn kín làm lụng mãi đồng xa...

Sáng hôm sau, khi dân làng chưa thức gã đã nắm tay cô Câm chạy ngược lên mỏm đá, nơi gã xem hai ông già chơi cờ. Đến nơi, ánh nắng đầu tiên đã chiếu xuống phiến đá xanh to. Cạnh đó là bụi sim già cỗi. Ngay đấy, chỗ hai ông già ngồi bây giờ là hai nấm mộ to chình ình. Gã dụi mắt. Vô lí hết sức. Sao có chuyện đó được, không lẽ là ma? Gã còn nhớ rõ tiếng cười của họ. Gã nhòm sát hai ngôi mộ, hai tấm bia đá nhỏ ghi tên cụ nội và ông nội gã. Gã nằm vật xuống kêu lên. Gã không thể hiểu được. Cô Câm tay cầm nắm cỏ dụi vào cổ gã nói, đấy, đêm nào anh cũng ngồi nói chuyện với hai cái mộ rồi nằm ngủ đấy. Em phải mang bao dứa đắp cho không thì chết vì sương rồi. Cô Câm kể ra gan thật đấy, gã nghĩ vậy khi nhớ đến lời đồn của dân làng về một con ma nữ đêm đêm vật vờ ở đây, sau này gã xuất hiện nữa thì dân làng càng sợ.

*

* *

Sau nhiều ngày, dân làng bỗng thấy gã lại khỏe mạnh như chưa hề bị điên, dắt theo cô Câm bịt khăn kín mít, bụng to vượt mặt về nhà bố mẹ, dọn lại vườn tược. Dân làng ì xèo bàn tán hàng tháng trời, rồi cũng có người mừng cho gã. Gặp ai, gã cũng bảo, sẽ cưới cô Câm, rồi đón thằng Tũn về.

Đêm nay, gã ngồi bên cô Câm. Ánh trăng vẫn chảy tràn như triệu năm trước. Gã bảo gã sẽ dùng một bữa tiệc trăng với cô Câm và thằng Tũn để tưởng nhớ hai lão già chơi cờ. Gã đưa cốc trà xanh ngang mặt cô Câm. Người đàn bà này, có lẽ đã đi từ thế giới khác đến chứ cái thế giới thực, người ta chối bỏ gã lâu rồi. Cô Câm không thể so với Diên về nhan sắc, nhưng khi từ cõi chết trở về, gã nhìn cô ở khuôn mặt khác. Gã nhớ đến những trận sốt rét hồi đóng quân trên biên giới và sực tỉnh. Hóa ra cái công cuộc tìm lại chính mình nó vô cùng khó nhọc. Ở làng này, ai cũng cứ như sống cho người khác. Và, khi ba người, gã, cô Câm và thằng Tũn ngồi lặng lẽ bên nhau nhìn ra cánh đồng trước mặt, gã bỗng hực lên. Tiếng khóc xổ ra tủi hờn, thức tỉnh. Nước mắt gã chảy dài thành ánh trăng ướt đẫm…

Cuối thu 2018

N.T.M.P

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)