Chó robot

Thứ Sáu, 31/05/2019 09:40

.Truyện ngắn dự thi. LÊ THANH HUỆ

Theo quy tắc, con vật nhìn thấy ai đầu tiên người đó sẽ là mẹ của nó nên cả nhà phải ra khỏi phòng, chỉ còn lại bà Ba đang tự tay tháo hộp quà bằng carton. Chú chó chui ra, đứng yên nhìn bà bằng con mắt thơ ngây tin cậy khiến bà rớm lệ. Chao ôi, nó làm sao biết được bà chỉ có một mụn con gái tên Thương, đến nay nó cũng đã ngoài năm mươi nhưng chưa một lần nhìn mẹ đẻ nó như thế. Chợt nhớ lời Tâm dặn, loài chó vốn coi mình là đầu đàn nên bà nhìn thẳng vào mắt chó. Được một lát, chú chó con ngoảnh mặt đi, như vậy là từ nay nó đã thừa nhận bà là mẹ, đồng thời là chủ.
Tâm, cô Thương cùng con gái tên Út mở cửa bước vào lúc nó đã nhảy tót ngồi vào lòng bà Ba. Thấy mọi người vào nó dựng đầu lên sủa “quách… quách… quách”.
- Nó phản ứng vì chúng ta vi phạm lãnh địa của bà và nó đấy. Bà bảo nó đừng sủa nữa - Tâm nhắc. Bà Ba vuốt đầu nó, âu yếm - Ky đừng sủa!
Út tròn xoe mắt quan sát chú chó con màu trắng, mắt tròn xoe đen láy, mũi, miệng to, thân ú núc, chân ngắn chẳng có lông, da polymer đàn hồi, buột miệng hỏi:
- Con chó máy này sao không có lông?
- Nó là chó robot, vẫn còn đang thử nghiệm - Tâm giải thích - Đây là sản phẩm của thời kì đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chó được tích hợp trí thông minh nhân tạo, có thể dạy làm một số việc đơn giản, lặp lại.
- Chó robot có tốt hơn con người không? - Là người nhạy cảm, thông minh, tư duy logic tốt, Thương tiếp lời con gái. Tâm như cố ý không trả lời câu hỏi, anh gợi mọi người vào việc tiếp theo là phân quyền quản lí.
Nhìn vào mắt con Ky, Tâm nhắc lại:
- Đây là bà Ba, gọi là “ngoại”, người quản lí và có quyền cao nhất.
Con Ky nhìn bà Ba từ đầu đến chân, đoạn quay lại nhìn Tâm bằng ánh mắt nghi ngờ, lắc đầu, phần da trên trán nó bỗng sáng lên từng chữ màu đỏ: “Hoặc là bà Ba, hoặc là ngoại”.
- Ngoại - Tâm xác nhận.
Con Ky sủa một tiếng, trên trán nó hiện chữ “ngoại”.
- Đây là cô giáo Thương, con gái của ngoại, gọi là “mẹ”, người có quyền thứ hai.
Ky sủa một tiếng, vẫy đuôi, lon ton chạy đến ngửi, cọ đầu vào chân cô Thương. Tâm yêu cầu cô Thương giới thiệu Út. Cô nhắc tới lần thứ ba, con Ky vẫn sủa vì yêu cầu đưa ra sai, trên trán nó hiện lên ba chữ màu đỏ: “Ngoại phân quyền”.
Chó kém hiểu những câu dài, tổ hợp nhiều từ nghe tương tự nhau, do đó câu lệnh phải ngắn gọn, dễ nhớ, để sau này dễ ra lệnh. Như đấm lưng, mát xa, Tâm làm mẫu trước. Ky bắt chước, hai chân trước giẫm lên, dùng đầu ủi dọc, ngang trên lưng, dùng miệng cắn và day day. Ngoài ra, còn có thể dạy con chó lấy thuốc, nhắc bà Ba uống thuốc đúng giờ.
Thức ăn của chó là điện, khi gần hết điện, chó sẽ dò tìm ổ cắm gần, thấp nhất để tự sạc. Nếu chẳng may nhà mất điện, trước khi gần hết pin, chó sẽ thực hiện chế độ ngủ đông. Khi có điện, máy dò sóng điện từ sẽ kích hoạt chó hoạt động trở lại và tự tìm đến ổ cắm để sạc điện. Người sử dụng không phải quan tâm đến vấn đề nuôi chó.
- Mưa to có hỏng chó không? - Út hỏi.
- Không, nhưng không được dìm chó lâu trong nước. Vệ sinh chó tốt nhất là bằng khăn ẩm, lau lại bằng khăn khô. Đừng vì tiết kiệm thời gian mà cản trở chó tự làm thủ tục lau chân, lau mõm trước khi thực hiện công việc trợ giúp nếu nó biết mình đang bẩn. Đặc biệt, chó không được thiết kế cho trẻ em sử dụng, do đó không dạy chó chơi với trẻ con vì bọn trẻ có thể dìm chó vào nước hoặc dùng dao búa đánh đập, tháo rời chó, gây chập mạch, cháy, nguy hiểm hơn nữa là làm hỏng bo mạch khiến chó có những hành vi không thể kiểm soát được, trở thành chó điên.
Cuối cùng, Tâm gắn camera ở các góc nhà giúp chó có tầm kiểm soát bao quát hơn.

*
* *


Đó là những tháng ngày hạnh phúc của cả gia đình cho đến hôm cô Thương gọi điện báo bà Ba ốm nặng. Chó Ky biết trước cả tuần, do có gắn một số cảm biến đo nhiệt độ, tim mạch, quan sát đồng tử mắt, màu da, màu móng tay và phân tích dữ liệu để đưa ra khuyến cáo. Nó yêu cầu bà khám bệnh nhưng bà không chịu đi nếu không có chó Ky đi cùng. Để tránh rắc rối, phải thuê một phòng riêng cho bà tại bệnh viện.
Bà Ba nhập viện cùng chó Ky. Được mấy hôm, cô điều dưỡng báo cho bác sĩ điều trị biết phòng 502 có chú chó con màu trắng biết lấy thuốc cho bệnh nhân uống. Mà nhỡ để xảy ra việc uống nhầm thuốc hoặc quá liều là trách nhiệm của bệnh viện, đây không phải chuyện đùa. Bác sĩ điều trị tức tốc đến phòng trong lúc con Ky đang cắp điện thoại đến cho bà. Cô Thương hoảng sợ, vội vã ra ngay hành lang gọi điện báo cho Tâm. Anh bình thản:
- Cô bảo bà yêu cầu chó Ky lấy thuốc cho bác sĩ thấy…
Ky không tuân lệnh bà, nó ve vẩy đuôi nhìn ông bác sĩ già, trên trán chạy dòng chữ đỏ: “Uống đúng thuốc, đúng giờ theo lệnh bác sĩ”.
Bác sĩ sửa cặp kính, cẩn thận quan sát con chó máy, rồi vờ lấy ống nghe khám phổi. Từ hôm đó, rất nhiều bác sĩ, hộ lí, nhân viên bệnh viện tranh thủ ghé thăm bà Ba để thỏa trí tò mò. Phòng trở nên nhộn nhịp và vui vẻ. Bà Ba ôm chó trong lòng ngồi trò chuyện, chó Ky giấu mặt vào lòng bà, giả vờ ngủ để tránh bị chụp ảnh, quấy rầy.

Minh họa: Chiết Tô


Hơn tuần sau thì bà Ba ra viện, khỏe hơn và có ý muốn đưa chó Ky đi thăm quê ở ngoại ô thị xã. Nhưng quy trình thí nghiệm không cho phép đưa chó xa nhà, kĩ sư không theo dõi được dẫn đến mất chó. Nhưng bà quyết đi, bảo chó đã là người thân trong nhà, cần biết quê hương bản quán ra sao.
Không có cách gì ngăn được, Tâm đành chấp nhận và dặn chó Ky được phép theo bà Ba khi hoàn tất thủ tục đeo dây dắt chó. Bật tất cả các camera quan sát trên chó ở chế độ ghi hình góc rộng nhằm điều khiển chó Ky đáp ứng luật lệ giao thông, bảo đảm an toàn trong lúc đi đường. Ghi lại toàn bộ diễn biến phục vụ nghiên cứu hành vi người lớn tuổi khi tham gia giao thông.
Cũng chính anh ngồi trước màn hình trung tâm để giám sát. Lúc này, con Ky chui vào hộp vật dụng của nó kéo ra sợi dây cáp, tự chui đầu vào vòng cổ và tha đầu dây kia lại. Bà Ba hiểu ý, mắng yêu: “Cha tổ mày, còn cẩn thận hơn cả trăm lần mẹ con nhà nó, để ngoại xích Ky vào tay ngoại”. Chiếc vòng co lại vừa cổ chó Ky và đầu kia vừa với cổ tay bà. Thực chất nó là bộ cáp có gắn các thiết bị cảm ứng cùng một camera hỗ trợ. Ky không quên cắp lủng lẳng trên miệng xâu chìa khóa. Khóa cửa cẩn thận, bà và Ky xuất hành.
Đầu tiên bà lên một chuyến xe bus, tất cả an toàn, từ việc đợi xe, lên xe, trả tiền vé và xuống xe. Con Ky lúc nào cũng bên bà, những người trên xe chắc đã quen với việc lạ nên chẳng ai có vẻ quan tâm đến con chó. Nhưng còn đoạn gần trăm mét từ đường cái dẫn vào khu nhà thờ họ trong làng thì phải đi bộ. Bà Ba đã có phần lú lẫn nên Tâm điều khiển Ky đưa bà vào lề phải đường. Lúc sau, trên màn hình điều khiển xuất hiện nhiều cậu bé bám theo tìm cách tiếp cận. Bà Ba dừng lại để cho lũ trẻ xoa đầu, vuốt lưng chó. Ky tỏ ra thân thiện với đám trẻ.
Bỗng một cậu bé nghịch ngợm bế nó lên, những đứa bên cạnh thấy thế chẳng để yên. Lũ trẻ giành nhau cố bứt sợi cáp khỏi tay bà. Một vật tối màu phình to rất nhanh, che lấp màn hình. Đèn cảnh báo nguy hiểm bật sáng. Ngay lập tức Tâm cho Ky vào trạng thái tự vệ, trở nên dữ tợn, sủa lớn, cố dứt ra khỏi tay bà Ba để tấn công lại lũ trẻ. Màn hình chính quay cuồng, tối đen. Anh vội trích xuất các hình ảnh, xác định đó là một thanh sắt rỉ chọc lệch qua mắt trái. Và vì quá tập trung vào việc tránh xa lũ trẻ để bảo vệ chó mà bà Ba đang đi lạc. Tâm xác định vị trí GPS, gọi ngay cho cô Thương đến đưa bà về.
Chiều đó, anh ghé lại nhà mang chó về công ti sửa. Rồi chuyện đã xảy ra khi Tâm xin ý kiến giao quyền cao nhất điều khiển chó cho cô giáo Thương. Dù nói đi nói lại, phân tích thế nào bà Ba cũng không đồng ý, cuối cùng đành thôi. Cái khó nhất trong việc này là tâm lí con người. Chó không vâng lời bà Ba, chỉ nghe lời cô Thương thì khác nào không trung thành với bà, bà sẽ mất niềm hạnh phúc.
Thêm nữa, từ khi có chó Ky bà Ba chỉ tâm sự với chó không tâm sự với ai trong nhà. Ở việc này, Tâm nghĩ nhưng không dám nói ra với cô Thương và cháu Út. Chó dù thông minh đến mấy cũng chỉ là chó, không thể bằng con người, càng không thể bằng tình ruột thịt. Lẽ nào cả nhà không thể thấu hiểu và chăm sóc ngoại tốt hơn một con chó robot?

*
* *


Công ti Tâm đang kinh doanh nhiều lĩnh vực. Trong đó dự án trí thông minh nhân tạo chó robot phiên bản 4.0 chỉ mới ở giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm, không thu được tiền, song nếu kết quả tốt có thể tạo ra tiếng vang lớn trong giới khoa học, thuyết phục các cổ đông kiên nhẫn hơn và đầu tư thêm, lại có thể đưa tên tuổi của công ti gần với công chúng khách hàng. Nhưng ngay cả khi bao tình huống khó khăn đã được Tâm, vốn là khoa học gia tu nghiệp ở nước ngoài giải quyết êm thấm, thì trong suốt quá trình thực hiện dự án, sự e ngại vẫn bao trùm. Sau hơn hai năm chạy thử nghiệm, đã xử lí được nhiều lỗ hổng nhỏ nhưng lại xuất hiện các lỗ hổng lớn do tư duy người sử dụng thực chất thiên về tình cảm hơn so sánh phương án tối ưu để ra quyết định đáp ứng nhu cầu của mình. Bù lại, các cổ đông sẽ sẵn sàng đài thọ nghiên cứu của anh nếu sản phẩm có thể thâm nhập vào thị trường trí thông minh nhân tạo Việt Nam, với đặc thù duy tình hơn duy lí.
Sáng nay, lúc đang phác thảo kế hoạch nâng cấp hệ điều hành chó robot lên phiên bản 4.1, anh nghe cô nhân viên điều khiển gọi điện xin ý kiến chỉ đạo về tình huống ngoài chương trình. Bà Ba hỏi chó Ky: “Nếu ngoại trăm tuổi, Ky ở với ai?”. Đứng bên màn hình lớn, nhìn sắc mặt tiều tụy của bà và nhìn qua màn hình biểu đồ các thông số cơ bản về sức khỏe, Tâm linh cảm đã gần đến ngày kết thúc vai trò của chó Ky. Anh bảo chó Ky trả lời: “Sẽ theo hầu hạ ngoại vĩnh viễn”.
Trên màn hình chính, bà Ba ôm chó Ky vào lòng, nước mắt chảy tràn hai gò má nhăn nheo, nghẹn ngào:
- Ngoại sống hơn chín mươi tuổi, chưa thấy ai thương ngoại, hiểu ngoại, trung thành với ngoại bằng chó Ky.
Và ngay chiều đó, cô giáo Thương gọi đến công ti bảo bà Ba muốn gặp Tâm. Anh nhận lời đến, chuyện về con chó cũng sẽ cần một kết thúc thật rõ ràng. Khi ghé nhà bà Ba, một không khí nặng nề bủa vây. Hóa ra, mẹ con bà không thống nhất với nhau về khoản di chúc liên quan đến con chó.
Bà Ba dứt khoát:
- Để con Ky lại, sẽ bị người ta trộm về, bắt nó hầu hạ. Nó không chịu, chúng sẽ phanh thây nó ra để nghiên cứu, tội cho nó. Chỉ theo bà nó mới được an toàn.
Cô Thương nhăn nhó khó chịu:
- Nó là chó robot thì biết cái gì chứ!
- Mày… không bằng nó đâu - Bà Ba tức tối chỉ mặt con gái.
- Bà nên yêu cầu chó Ky cho biết ý kiến của nó về điều khoản này - Tâm nhìn hai mẹ con, buồn bã đấu dịu, và đợi con chó đứng lên, ưỡn ngực, sủa vang một tiếng, rồi nó sẽ nói chính điều mà anh muốn, lập trình cho nó trước khi đến đây. “Mẹ để lại toàn bộ của cải cho con gái và tình yêu thương cho các cháu ngoại của bà. Chó Ky sẽ theo bà như ý nguyện của chó Ky”. Nghe xong, lời “đồng ý” bật ra từ miệng bà Ba như chiếc lò xo bị kìm nén suốt cả kiếp người vất vả, gian truân. Cô Thương vẫn có gì đó nghi ngờ, nhưng e ngại mẹ nên im lặng.
Rồi di chúc được thảo thành ba bản, chó Ky cũng điểm chỉ bằng chân phải. Tâm kí xác nhận chữ kí của chó Ky và thay mặt công ti đồng ý với phương án xử lí sản phẩm trong tương lai khi hoàn thành sứ mạng của mình. Tiếp đến, bà Ba run run kí. Cuối cùng là cô giáo Thương. Tâm không ngờ tình thế trở nên bi kịch khi con người nảy sinh lòng thương với những đồ vật, máy móc hoạt động theo nguyên tắc tận tụy, hết lòng với mình.
Tâm nhìn cô Thương rồi buồn bã ra về. Lòng đã định nói với cô thêm, giải thích cho cô nghe, con người lọc trong vô vàn thông tin đang xảy ra những thông tin cần thiết nhất, dùng trực giác để liên tục so sánh thông tin cảm giác được nạp vào, cùng với trải nghiệm hiện tại, so với tri thức, kí ức cũ về những trải nghiệm từng xảy ra, để phán đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo và kết hợp với suy nghĩ lí tính cho ra khả năng ứng phó với tình huống hiện tại theo cách tối ưu nhất mà ta gọi là phản xạ. Một siêu vi tính trong thời gian rất dài vẫn không thể sàng lọc dữ liệu, tính toán, quyết định nhanh, chính xác như vậy.
Thế tại sao con Ky lại chiếm trọn được tình cảm của bà Ba, trong khi người bà rứt ruột đẻ ra, nuôi nấng, thương yêu lại không? Hay chính con người chúng ta cũng đang biến chuyển thành những con robot không hơn không kém?

*
* *


Tâm cho chiếu lại video clip ghi lại buổi kí di chúc trong phiên gặp mặt cuối năm. Nhiều người rơi nước mắt. Anh dụi mắt, nói về thành công bước đầu của dự án, có thể nâng cấp lên phiên bản mới và thử nghiệm trước khi bán bản quyền cho nhà máy chế tạo hàng loạt chó con robot made in Vietnam. Còn giai đoạn triển khai trí thông minh nhân tạo cho robot người, Tâm nói:
- Nếu con người không học được cách sống minh bạch, yêu thương lẫn nhau thì việc phát triển trí thông minh nhân tạo mô phỏng con người sẽ tiềm ẩn hiểm họa cho người sử dụng. Bộ phận lập trình nên điều chỉnh lại nền tảng của chương trình, trước mắt trí tuệ nhân tạo chỉ phục vụ cho những người hiểu biết.
Việc chuẩn bị và tiến tới dừng hoạt động bản thử nghiệm là thiệt hại của công ti. Tâm giải thích, về đạo lí việc thí nghiệm và kinh doanh không thể bỏ qua tâm nguyện của khách hàng. Cần có thêm thời gian, tiền bạc đầu tư nghiên cứu, cải tiến, sửa lỗi được tốt hơn, thay vì trao quyền điều hành chó Ky cho chủ khác để tiếp tục gặt hái những sai lầm chưa thể khắc phục ngay. Ví dụ cụ thể nhất là khi bà Ba nằm viện, một ông già trước đây là y tá đến thăm bà và hai người hàn huyên các kỉ niệm về y tế thời ông làm y tá. Chó Ky nghi ngờ, luôn sủa và cảnh báo: “Y tá phải là phụ nữ”, cho đến lúc bà Ba xác nhận, thời xưa, nhiều nam giới làm y tá, Ky mới dừng phản ứng nhưng nó không chấp nhận kết luận của người dùng. Điều nữa, sau khi đi chơi với bà Ba về, phần tự học của trí thông minh nhân tạo chó Ky chỉ ra trẻ em là vật nguy hiểm cần tránh. Từ định kiến đó, bằng những quan sát trong gia đình bà Ba, những người đến thăm bà và những lần đi dạo gần nhà, các chương trình phát trên tivi bà Ba hay xem…, chó Ky liên hệ với những đứa trẻ và đi tới lập luận trẻ con là những sinh vật không chỉ nguy hiểm mà có thể phát triển thành loài virus to lớn, khủng khiếp nhất, có sức tàn phá toàn bộ môi trường tự nhiên dẫn đến sụp đổ xã hội. Nếu theo thời gian và cách tự học của chó Ky thì đến một ngày nào đó, trí thông minh nhân tạo của nó sẽ chỉ ra con người chính là kẻ thù nguy hiểm nhất của trái đất và vũ trụ, cần phải tiêu diệt…
Về chiến lược hình thành sản phẩm, công ti sẽ làm theo di chúc của bà Ba, không gì quảng bá tốt hơn một câu chuyện có thực.

*
* *


Chó Ky đã được ngưng hoạt động trong tay bà Ba vào giờ phút lâm chung. Video cuối cùng quay từ xa cho thấy khuôn mặt bà và chó Ky thật hạnh phúc. Tâm cho rằng trí tuệ nhân tạo tạo ra tình cảm cho người dùng thì do tương tác, nó sẽ bị nhiễm và cũng sẽ có tâm hồn, tính cách, tình cảm của con người.
Khi anh đến đám tang, xác bà Ba đã được tẩm liệm xong. Trên bàn thờ có hai bát nhang, bên trái là di ảnh của bà Ba do Tâm tự tay chụp khi bà đang ngồi đọc báo, bên trái là hộp kính trong suốt, chó Ky được nắn chỉnh lại ở tư thế đứng, đôi mắt thơ ngây, trong veo. Đốt cây nhang cho chó Ky, anh mong linh hồn chó Ky hãy theo bà về nơi chín suối, phục vụ bà như đã từng sống đời trần thế. Bởi người Việt mình tin, hễ đồ vật, máy móc phục vụ con người trong thời gian dài đều sẽ có được linh hồn. Còn với bà Ba, Tâm đã làm hết trách nhiệm của một người quen trong gia đình. Khi mà bà Ba và bố mẹ anh học cùng nhau thời đại học, khi ra trường đi làm bà Ba cũng giúp đỡ nhà anh rất nhiều trong việc gây dựng sự nghiệp tại thành phố. Bố mẹ anh trước lúc rời cõi sống đều trăng trối lại phải tìm cách trả ơn…
Ánh chớp dài và một loạt tiếng sấm rền vang trên nền trời chiếu sáng cả căn nhà. Tâm rời bàn thờ, với suy nghĩ những gì diễn ra, dù tốt, dù xấu đều có lí của nó cả. Anh cảm thấy thanh thản nhờ suy nghĩ đó

L.T.H

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)