Miền Trung lũ lụt, tình người

Thứ Sáu, 05/03/2021 00:12

. NGUYỄN HỮU QUÝ
 

Tôi rời Hà Nội để vào Quảng Trị trong những ngày cuối thu trời xanh, mây trắng, nắng vàng và cúc họa mi dập dìu về phố. Ngần ấy thôi, cũng đủ cho lòng tạm lắng những bực bội bức xúc thường nhật về tắc đường, bụi khói, ồn ã nơi chốn kinh kì. Giá như Quảng Trị, miền Trung không bắt đầu những cơn mưa lớn nối nhau thì chắc tôi vẫn còn ở Hà Nội thêm ít bữa nữa để tận hưởng cái đẹp dịu dàng quá dịu dàng không chịu nổi của mùa thu nơi này.

Đêm. Xe vào xứ Nghệ thì mưa đã bắt đầu lớn, cần gạt nước xua không kịp những dòng chảy trên kính. Khi bước chân xuống thị trấn Cam Lộ (Quảng Trị) thì trời ạ, sầm sập, mù mịt mưa như đổ nước xuống vùng đất vốn khắc bạc và còn nhiều dấu tích chiến tranh này. Mưa. Mưa. Và mưa. Như sự cuồng giận không kìm lại được của trời. Khi lớn lên, giữa những ngày mưa lê thê, sậm sịt, buồn chảy, tôi từng nghe mẹ bảo, mưa chi dễ sợ rứa trời, mưa thúi đất, thúi đai. Nghe thế đã kinh rồi, nay còn hơn thế, mưa dập vùi, hủy diệt. Không thể nói khác được, trận lũ mùa thu năm Canh Tí 2020 ở miền Trung trong đó có Quảng Trị là kiểu lũ hủy diệt bởi hậu quả của nó vô cùng lớn; mất mát, tang tóc bao trùm lên dải đất đòn gánh này.

Lũ trên các sông ở Quảng Trị dâng cao làm ngập nhiều khu dân cư trong chiều ngày 8/10/2020. Ảnh: Hà Linh.

Trong tâm lũ, nước dâng cao ào ạt. Nhà tôi ở trọ, được tiếng là cao nhưng nước vẫn xâm xấp hành lang. Chủ nhà trọ bảo, chưa bao giờ nước lên thấu chỗ ni. Ngoài đường, nước đã đầy ắp chảy săn săn như một dòng sông, con phố Hàm Nghi được dân gọi đùa là “sông Hàm Nghi” trong mấy ngày lũ. Nhất thủy, nhì hỏa, không thể đùa được với cơn thịnh nộ của Thủy Tinh, chúng tôi phải cấp tốc tạm lánh sang nhà hai tầng bên cạnh, tránh lũ chẳng xấu mặt nào. Mưa như đàn cuồng mã phi suốt đêm, rầm rập, đùng đùng, tới tấp, không ai ngủ được. Các con sông biến mất, nhiều cánh đồng, bãi bờ vườn tược biến mất, chỉ còn lại biển nước đục ngầu lênh loang, cuộn sóng bởi những luồng gió mạnh lạnh buốt tạt vào màn đêm tối mịt. Màn hình điện thoại hiện lên nhiều tin nhắn cấp cứu: Nhà em nước đang ngập quá cửa sổ; Vợ chồng chị đang ngồi trên mái nhà, chờ thuyền đến cứu… Không ít ngôi nhà bị giặc nước chiếm lĩnh, bằng một tốc độ chóng mặt, người ở trong đó không hốt hoảng mới là chuyện lạ. Người kêu cứu nhiều nhưng được đáp lại thì không mấy, vả lại thuyền bè đâu đủ, lực lượng đâu đủ để đi đến mọi địa chỉ cần ứng nạn. “May mà nước không dâng cao nữa, nên tui còn sống. Chỉ thêm mấy gang nữa thôi, tụi tui đã trôi rồi.” Sau lũ, khi thay mặt bạn bè ở xa đi ủng hộ bà con, vợ chồng tôi đã nghe không ít người vừa khóc, vừa cười thổ lộ như thế. Mạng xã hội cũng tràn ngập lũ, lũ ảo, nhưng nguy nan, nguy hiểm là có thật. Tất cả quay cuồng, hối hả, gấp gáp trong lũ, trong mưa, cơn đại hồng thủy xứng đáng được ghi danh trong lịch sử thiên tai của đất nước, của miền Trung. Tin buồn liên tục truyền về, trong đời thực và trên mạng xã hội. Rào Trăng ở Phong Điền, Thừa Thiên Huế, mười ba cán bộ chiến sĩ thuộc Quân khu 4, Cục Cứu nạn, cứu hộ Bộ Quốc phòng, một số cán bộ chính quyền địa phương cùng nhà báo bị núi vỡ vùi lấp khi đang trên đường làm nhiệm vụ. Bất ngờ, quá bất ngờ và bi thương. Trạm kiểm lâm 67, địa chỉ ấy chắc sẽ được nhiều người nhớ lâu vì nó là nơi Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 4 Nguyễn Văn Man và mười hai đồng chí của anh đã hi sinh khi làm nhiệm vụ cứu nạn nhân dân. Nghe tin hàng chục công nhân ở công trình Thủy điện Rào Trăng 3 bị vùi lấp mất tích, các anh đã lên đường ngay, với quyết tâm tìm đến nơi bị nạn, sớm giờ phút nào hay giờ phút đó để nắm chắc, nắm đúng tình hình, đề xuất phương án cứu hộ hiệu quả nhất. Cứu dân. Những người lính vào Rào Trăng 3 chỉ có mục đích duy nhất đó. Cứu dân. Hai tiếng ấy thôi thúc giục giã họ vượt núi, băng suối, trong mưa gầm gió rú hành quân về Rào Trăng 3. Không thể đi được nữa khi đường sá bị chia cắt thì đêm cũng đã ập xuống tối tăm và lạnh lẽo, các anh mới vào tạm trú ở ngôi nhà cấp 4 của trạm kiểm lâm vốn bình an trong nhiều mùa mưa bão qua. Một bếp lửa được nhóm lên hắt ánh sáng yếu ớt vào căn nhà, người ăn mì tôm, lương khô cho đỡ đói, người đi trinh sát xem xét địa hình. Không có gì đáng nghi ngờ cả. Bếp lửa bập bùng, khói mờ trắng vấn vít bay lên, có tiếng nói, nụ cười, chuyện xoay quanh về chặng hành quân ngày mai… Chẳng biết trong các anh, có ai linh cảm gì về tai họa bi thương sắp xảy ra không và họ dành cho cha mẹ, vợ con, bạn bè những khoảng sáng thầm thì nào. “Tranh thủ nghỉ ngơi đi để lấy sức cho những ngày tới các bạn nhé”, lời nhắc của Thiếu tướng, Trưởng đoàn. Giấc ngủ chập chờn, bởi nỗi lo âu về tính mạng của những công nhân Thủy điện Rào Trăng 3 đang đè nặng tâm trí họ. Thế mà, chỉ trong giây lát, giây lát định mệnh nghiệt ngã của phận người được ngẫm coi là vô thường ấy, mười ba anh em đồng chí chúng ta bị vùi lấp trong bùn đất, đá núi. Những người ra đi ấy, chắc không ai nghe được tiếng nổ bất thường vang lên giữa mưa gió vần vũ và bi thương thay cơn lũ quét tàn bạo đã làm đổ sạt ngọn núi cao trăm mét và dòng chảy vô đối của nó cuốn theo khối đất đá khổng lồ đánh úp những người tử tế, dũng cảm. Bàng hoàng sửng sốt khi nghe tin và tôi ở nơi tâm lũ cũng không cầm nổi nước mắt khi thấy hình ảnh đồng đội các anh thẫn thờ đứng giữa hoang vắng, tan hoang hú gọi đồng đội nằm khuất sâu đâu đó: “Có ai không? Có ai không?” Những ngày ấy, tôi, một người lính đầu bạc đã nghẹn lòng viết lên những dòng cảm xúc về đồng đội, anh em mình: Có ai không? Có ai không?/ Lặng im núi, lặng im sông/ Lặng tờ/ Cứ như ở giữa cơn mơ/ Xót lòng/ Đồng đội thẫn thờ/ Gọi nhau/ Rào Trăng/ Giăng phủ nỗi đau/ Anh em, đồng đội ở đâu/ Tìm về/ Rào Trăng/ Ai gọi, ai nghe/ Lời ai vọng giữa bốn bề/ Cầu mong? Có đây, còn đây, mười ba đồng đội anh em của chúng ta, nhưng họ đã không còn sống nữa. Đất đá lổn nhổn, bùn lầy nhão nhoét không cho họ cơ hội trở về trong vòng tay ấm áp của người thân, đồng đội, bạn bè. Họ im lặng trở về, khói hương ngàn ngạt cay mắt người thân đồng đội, cờ Tổ quốc phủ đỏ, ảnh chân dung viền băng đen. Nước mắt, nước mắt, rất nhiều nước mắt tiễn đưa.

Đêm trắng, tôi không làm sao ngủ được. Bao nỗi lo đè nặng tâm can mình. Miền Trung vốn là vùng đất lũ tràn qua mặt, bão giật ngang đầu, thế nhưng có mấy trận lụt nặng như lần này. Năm 1999, sau lũ, tôi cùng nhà văn Sương Nguyệt Minh và phóng viên Quỳnh Linh của Tạp chí Văn nghệ Quân đội bám theo máy bay chở hàng cứu trợ của Bộ Quốc phòng vào Thừa Thiên - Huế thâm nhập thực tế viết bài. Tận mắt chứng kiến sức tàn phá ghê gớm của lũ lụt, cũng ngập làng trôi xóm, vỡ núi sạt đồi, toang hoác đường sá từ cửa biển Thuận An đến miền rừng A Lưới nhưng so với trận đại hồng thủy và cuồng phong cuối mùa thu Canh Tí 2020 thì có lẽ vẫn còn chưa bằng. Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… bị bão lũ hoành hành, tổn thất về người và của chưa tính hết, chỉ biết là vô cùng lớn. Siêu lũ, siêu bão thì cũng siêu thiệt hại, thường là thế. Tinh mơ ấy, chưa kịp làm gì cả đã bị một cái tin choáng váng dội nỗi buồn đau khủng khiếp vào tôi: Hai mươi hai cán bộ chiến sĩ của Đoàn 337 đóng quân ở Hướng Phùng, Hướng Hóa, Quảng Trị bị vùi lấp đang mất tích. Và, biết nói sao đây hỡi trời cao đất dày, lần lượt một, hai, ba… rồi tất cả thi thể cán bộ chiến sĩ được tìm ra. Những chiếc xe cứu thương hú còi thống thiết trên đường 9; hai mươi hai người lính trở về dưới những đám mây màu cánh vạc. Nơi tạm dừng chân của họ là Nhà thi đấu đa năng tỉnh Quảng Trị tại thành phố Đông Hà. Các anh về đây không phải để xem một trận thi đấu thể thao nào cả mà để nước mắt của cả nước tuôn rơi… Liệt sĩ. Xin ai đừng băn khoăn vì sao những người lính tử vong khi đang ngủ lại được tặng danh hiệu thiêng liêng đó. Trong mấy ngày trước, và ngày hôm đó, những người lính ấy đã vất vả cứu giúp dân bị lũ lụt. Dầm mưa, băng rừng lội suối, tìm dân, gặp dân, mang đồ ăn thức uống đến cho họ, những người lính đó trở về doanh trại, sau khi và vội bát cơm đã đi nghỉ luôn, có chiến sĩ để nguyên quân phục lấm láp lên giường, giấc ngủ ập đến nhanh và cơn lũ ống cũng không chậm hơn là mấy, cuồn cuộn lao tới đẩy hàng trăm khối đất đá bị lở từ núi vùi lấp các anh.

Sau lụt, mưa chưa ngớt mấy. Vợ chồng tôi chở nhau đến xã Cam Thành, huyện Cam Lộ thắp hương cho Liệt sĩ Lê Tuấn Anh, Chiến sĩ Đoàn 337 và thay mặt bạn bè trao tiền ủng hộ cho gia đình. Tuấn Anh năm nay mới hai mươi tuổi, hết lớp 9, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không học tiếp phổ thông mà đi học nghề rồi nhập ngũ. Nhìn ảnh người lính trẻ đang mỉm cười sau làn khói hương lòng tôi quặn thắt. Trẻ quá, hai mươi tuổi đã phải giã từ cõi sống và bạn gái của Tuấn Anh, Hồ Thị Châu cũng không ngờ người yêu của mình ra đi sớm thế. Bố mẹ Lê Tuấn Anh đầu chít khăn tang, nét mặt khắc khổ u buồn. Mẹ Tuấn Anh vừa chùi nước mắt vừa nói: “Cháu hiền lắm bác ạ, khi được tranh thủ về thăm nhà, hắn cứ ôm lấy tui rồi dặn, mạ làm việc vừa vừa thôi hi để giữ sức khỏe, năm nữa con ra quân sẽ cố gắng đi làm giúp ba mạ”. Bố Tuấn Anh kể với tôi: “Đêm nào tui cũng thấy cháu về bác nờ. Cháu chỉ im lặng nhìn tui thôi”. Còn có nỗi đau đông cứng lại không diễn đạt nên lời, vợ Liệt sĩ Lê Văn Quế, cũng ở Cam Thành, cúi đầu nhận chút chia sẻ nhỏ bé của chúng tôi mà không nói gì. Chị đã trở thành góa phụ sau cuộc điện thoại của chồng gọi về lúc nửa đêm dặn dò cẩn thận trong lũ lụt. Cuộc điện thoại cuối cùng kết nối giữa anh và chị, có ai ngờ như thế.

Thôn Bích Giang xã Cam Hiếu, bùn ngập đến đầu gối, cây cối nghiêng ngả xác xơ, rác rến tấp tụ nhiều chỗ. Sông Hiếu kề bên, ngày thường hiền hòa êm ả, cách đây vài hôm lũ về dâng lên mau chóng, ngầu ngầu đục. Lũ tràn vào làng, ngập đến mái nhà, vườn tược cây cối bị dìm sâu trong nước tới vài ba mét. Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Cam Hiếu, anh Nguyễn Xuân Hòa dẫn vợ chồng tôi về đây. Chả là, bạn bè tôi ở trong nước và nước ngoài khi kết nối trên Facebook thấy Quảng Trị chịu thiệt hại nặng do lũ lụt đã gửi tiền ủng hộ và nhờ chúng tôi trao cho những gia đình nghèo khó nhất. Việc tưởng dễ mà không dễ, bởi phần lớn bạn bè chúng tôi không giàu có gì, họ là giáo viên về hưu, là văn nghệ sĩ, là người lao động bình thường, chỉ vì thương người như thể thương thân nên làm thiện nguyện do đó chúng tôi phải nắm thật chắc, thật đúng đối tượng cần ủng hộ và trao tiền tận tay. Cũng là miếng khi đói, mong ấm lòng người nơi tâm lũ thôi. Chúng tôi tìm gặp Trưởng thôn Nguyễn Văn Viễn, được anh dẫn đến từng gia đình thuộc diện chúng tôi yêu cầu. Trên sân nhà ngập bùn, anh Nguyễn Văn Lực, một cựu chiến binh cảm động khi nhận tiền chúng tôi trao: “Thiệt tình tui nỏ biết nói chi cả, phải cố gắng vượt qua khó khăn ni để khỏi phụ lòng tốt mọi người”. Những đồng tiền ủng hộ nhân dân bão lũ ấm áp tình người biết mấy. Chúng tôi cố gắng làm tròn việc bạn bè tin cậy, giao phó; hàng chục suất tiền ủng hộ đã được trao cho những gia đình nghèo, gia đình chính sách chịu thiệt hại lớn trong lũ lụt ở xã Cam Hiếu, Cam Thủy, Cam Thành, thị trấn Cam Lộ… và dành mua tặng huyện Cam Lộ hai xuồng cứu hộ bao gồm vỏ, máy và các phụ kiện kèm theo. Trên hai chiếc xuồng sơn màu cam có in dòng chữ Thương về miền Trung. Tới đây, nếu nhận thêm tiền, hàng của bạn bè gửi đến chúng tôi sẽ trao tiếp cho những gia đình khó khăn ở một số vùng khác nữa. Trong lũ lụt người dân miền Trung cảm thấy rất ấm lòng và cảm ơn nhân dân cả nước đã hướng về nơi hoạn nạn bằng nhiều cách. Có người trở thành hiện tượng, nhân vật tỏa sáng như ca sĩ Thủy Tiên mà được nhiều người nói đến, tôi không nhắc lại nữa. Trong bài viết này tôi chỉ muốn nhắc đến những người bạn xa gần đã đóng góp vào dòng lũ yêu thương sự ủng hộ đầy thiện tâm cao đẹp. Họ làm việc thiện bằng tấm lòng trong sáng, bình dị như cái đẹp trong cuộc sống này. Đó là một cô giáo đã nghỉ hưu đang sinh sống ở Thủ đô, bạn thân của vợ chồng tôi gửi tới mười triệu đồng nhờ ủng hộ bà con ta. Cô khẩn khoản yêu cầu tôi giữ kín việc này: “Chỉ có ba người biết là anh, Mai và em”. Đó là một nhà thơ trẻ cũng ở Hà Nội xin được đóng góp chút ít và dặn tôi, “đừng bật mí anh nhé”. Đó là Phượng, đồng hương cùng làng với tôi, hiện định cư ở nước Đức cũng gửi tiền về ủng hộ đồng bào miền Trung. Đó là nhà văn Vũ Thảo Ngọc cùng Câu lạc bộ Nữ văn nghệ sĩ Quảng Nình đã gửi về miền Trung mười lăm triệu đồng; nhà văn Phạm Hồng Loan, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn cũng là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Nam Định cùng một số anh chị em đồng đội Trường Sơn đã ủng hộ năm triệu đồng, nhà thơ Bùi Sim Sim cũng đã mau chóng góp tiền ủng hộ dân vùng lũ lụt. Và đây, nhà thơ nhà báo Đỗ Mai Hòa ở Hà Nội cùng em con cô ruột của mình là Đỗ Tuấn Long đã ủng hộ đồng bào Quảng Trị hai mươi triệu đồng. Cháu gọi vợ tôi bằng cô ruột ở thành phố Hồ Chí Minh cũng kết nối và gửi hai triệu đồng của người bạn có tên Mai Long An ra ủng hộ đồng bào Quảng Trị. Nói thật, tất cả các trường hợp bạn bè gửi tiền đến ủng hộ dân miền Trung bị lũ lụt đều muốn tôi giấu danh tính của họ nhưng tác giả bài viết này đã tùy từng trường hợp mà giấu hay nêu tên người gửi. Tôi rất hiểu tấm lòng bạn bè mình, họ làm thiện nguyện bằng cái tâm trong sáng, không vì danh, không phải để được ngợi ca. Thương người cũng là thương mình. Gieo hạt thiện để được trái lành, cho đời, cho con cháu, cho mình và hơn thế nữa để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Bởi tôi muốn những việc làm này sẽ truyền cảm hứng thiện nguyện đến nhiều người.

Trong và sau cơn lũ biết bao người đã hướng về miền Trung, thương về miền Trung như thế. Trường hợp như các bạn của tôi đâu là ít ỏi. Người ngoài vùng lũ thương người vùng lũ. Người trong vùng lũ thương người ở rốn lũ. Những đoàn xe cứu trợ nườm nượp kéo về vùng lũ miền Trung. Không phải chiều ba mươi tết mà nhiều thôn xóm, khu phố hì hục ngồi gói và nấu bánh chưng, bánh tét. Những chiếc bánh chưng của chàng Lang Liêu hiếu thảo được chuyển đến cho đồng bào miền lũ lụt. Người quen của tôi ở Lệ Thủy, Quảng Bình nhắn tin: “Nhà ngập, không nấu được cơm, ăn miếng bánh chưng cứu trợ ngon không chi bằng, Quý ạ”. Lại chuyện dân đi biển Ngư Thủy thuộc huyện Lệ Thủy (xã nổi tiếng với đại đội pháo binh nữ bắn cháy tàu Mĩ trong chiến tranh) khênh thuyền qua động cát đi cứu hộ đồng bào bị ngập lụt. Bao nhiêu kiêng cữ của ngư dân bỏ qua hết, việc cần kíp bây giờ là cứu người, cứu đồng bào máu chảy ruột mềm của mình, kiêng cữ mà cái tâm không tốt thì kiêng cữ làm gì, vô ích. Ngay ở khu phố tôi ở trọ, mấy chị em rủ nhau nấu cơm tiếp tế cho dân vùng thấp bị ngập nước. Có lẽ chuyện này cũng nên kể ra, đó là cái tình của người cầm bút đối với nhân dân mình trong hoạn nạn. Các nhà văn nữ ở thành phố Hồ Chí Minh và một số nhà văn ở Hà Nội… đã tổ chức bán sách gom tiền ủng hộ đồng bào. Quỹ Khát vọng mùa của nhà phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa cũng trao những suất học bổng cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn trong cơn lũ lụt này. Và cũng thật cảm động khi có những nữ nhà văn ở ngay vùng lũ trực tiếp đi trao tiền hàng cứu trợ cho dân như Nguyễn Thị Lê Na, Nguyễn Hương Duyên, Hoàng Thụy Anh của Tạp chí Nhật Lệ. Nhà thơ Phạm Vân Anh thì từ Hà Nội vào thẳng luôn Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị để gặp gỡ, trao quà cho dân. Còn nhiều nữa các anh chị nhà văn đến với miền Trung yêu thương như Trần Mai Hường, Ngô Đức Hành, Mai Nam Thắng… và những tên tuổi khác mà tôi chưa kể hết ra đây. Ai cũng mong miền Trung không cảm thấy đơn độc, chênh vênh trong thảm họa kép này. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, miền Trung biết ơn đồng bào cả nước, vô cùng ấm áp giữa tấm lòng chia sẻ giúp đỡ. Nhìn những giọt nước mắt ứa ra trên gương mặt của nhiều người dân khi nhận tiền hàng cứu trợ, tôi chợt thấy nghẹn ngào. Biết khóc trước việc tốt là con người trọng nhân nghĩa, có trước có sau. Khi người khác gặp nạn họ đâu dễ lãng quên miếng người cho khi đói khát hôm nay. Nhận là cho, cho là nhận, vòng tuần hoàn muôn thuở ấy ai cố quên đi rất khó trở thành người. Làm người tốt thật khó nhưng cũng thật dễ. Cốt lõi của tính người phải chăng là yêu thương. Yêu thương vô tư rồi sẽ có tất cả. Hình như đó là lời Phật. Tôi không theo đạo Phật nhưng vẫn hằng tin vào điều đó. Tin như tin một minh triết sống rất quen thuộc của người Việt Thương người như thể thương thân.

Trong cơn lũ lịch sử ở miền Trung mùa thu năm Canh Tí 2020, tôi đã gặp được nhiều Con Người (viết hoa) như thế. Hồng phúc thay dân tộc Việt, đất nước Việt yêu dấu của chúng ta.

Cam Lộ, Quảng Trị, cuối tháng 10/ 2020
N.H.Q

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)