Cõi tạm

Thứ Tư, 27/01/2021 06:24

. THU TRÂN

 

Minh họa: Tào Linh

Nàng khệ nệ ôm bức ảnh quá khổ quy định lên máy bay. Thứ nhất nhờ quen biết sếp sân bay, thứ hai nhờ ảnh VIP nên nàng mới ôm được về Sài Gòn yên ổn. Nàng ôm bức ảnh lên taxi, chạy thẳng một mạch đến chân cầu thang rạp hát cũ kĩ. Nghe nàng điện, ông già nghệ sĩ mắt leo nheo, áo quần xộc xệch, râu tóc luộm thuộm chạy lốc xốc ra đón nàng. Ông ôm bức ảnh như ôm báu vật vào lòng:

- Ui, ai hất hủi ổng hất, tui ôm ổng về làm bạn mà như mơ cô à!

Nàng gật đầu mỉm cười duyên dáng, chân rảo bước theo ông già vào tận chân cầu thang:

- Rồi bác định treo bức ảnh này ở đâu nè, chỉ con coi với!

Ông già đặt bức ảnh tựa vào chiếc cột mốc rêu phong ẩm ướt đối diện chân cầu thang:

- Nói treo cho sang thôi mà. Cô nhìn đi, ông quản lí rạp hát thương tình mới cho già cô đơn tui nương náu chốn này, đầu đuôi hai mét vuông rưỡi, đêm ngủ thẳng cẳng đã hết chỗ. Tường rêu mục hết rồi, đóng đinh hay khoan khiếc gì đó chắc ổng hổng cho đâu, lỡ sập rạp chỉ biết ở tù trừ thôi hà. Cho nên vầy, tui để bức ảnh trên cái rương quần áo tui cho sạch sẽ, xong cho nó tựa vô tường là im ru bà rù cô à.

*

*           *

Không nhẹ nhàng chút nào, tự dưng nàng mất ngủ. Nàng không yên tâm về nơi ông già nghệ sĩ để bức ảnh. Bức ảnh làm bạn với ông già thì tốt rồi. Nhưng ngại cái nơi rêu phong ẩm ướt xộc xà xộc xệch sắp sập ấy. Ông già nghệ sĩ đơn thân gần chín mươi tuổi bảo, đã sống ở chân cầu thang rạp hát gần nửa thế kỉ rồi, mà dường như ông sống cũng đã quá lâu rồi hay sao ấy, nên mọi người quên ông luôn. Thôi kệ, sống cực chút nhưng mà thích, ở cái chân cầu thang rạp hát này muốn đi đâu chẳng được, lâu lâu mấy đứa nhỏ kéo ông đi từ thiện, đi sô siếc cũng vui.

Rồi nàng lại giật mình tự ngẫm, nàng lo cho bức ảnh sẽ mau xuống cấp trong cái không khí ẩm ướt đầy vi sinh ấy hay là lo cho cuộc sống ông già nghệ sĩ? Hay đúng hơn, trên hết, có phải nàng áy náy vì cảm giác có một chút gì không công bằng với người nhạc sĩ nổi tiếng kia? Tiếng nhạc của ông vẫn đang quấn quýt nàng, quấn quýt hàng triệu người Việt Nam ngày ngày yêu nhạc ông, nghe nhạc ông. Mà người con gái của ông bỗng nổi tiếng cả nước vì luôn luôn quyết liệt trong vấn đề đòi tiền bản quyền sau khi ông mất.

Hay là gọi điện? Lại gọi điện. Như anh đã từng gọi điện cho rất nhiều người trước đó. Bức ảnh chân dung nhạc sĩ được ngành văn hóa thành phố làm rất công phu, rất đẹp bị bỏ quên chỏng chơ bên vệ đường sau buổi lễ đặt tên cho một con đường mang tên ông. Khi không còn người khách nào trong khuôn viên tổ chức buổi lễ, anh lặng lẽ bước đến nâng bức ảnh lên, lấy khăn tay phủi sạch bụi cho bức ảnh sau hai ngày “nếm mật nằm gai” ngoài đường, rồi bấm di động. A lô, người bạn cũng là nhạc sĩ cho anh số của một quý bà. Quý bà là con gái của nhạc sĩ được đặt tên đường, là người đại diện duy nhất của nhạc sĩ sau khi ông qua đời. Giọng bên kia, nghe chừng rất xa xăm: “A lô, tôi vừa về nước, đang bận, rất bận. Cảm ơn anh vậy nhé, hẹn gặp anh sau.” Không đủ gan để chấp nhận cái triết lí cuộc đời để gió cuốn đi như ông già nghệ sĩ ở gầm cầu thang cũ kĩ, anh không tìm thấy một nơi dung thân khả dĩ nào cho bức ảnh nhạc sĩ trong căn phòng trọ bé xíu của mình. Thế là anh lại điện. Người nào nhà cũng bé, không có chỗ. May còn ông bạn nghệ sĩ xuê xoa bảo:

- Nhà tao không còn chỗ treo ảnh treo tranh thật. Nhưng còn một khoảng trống nhỏ ngay chân bàn trà, mày có thể đem đến để đấy, thư thư, tao xem có chỗ nào treo được thì treo. Dưng mà, nếu ai có điều kiện, thích hơn, thì tao vẫn cứ giữ bức ảnh đây, mày ra mà lấy nhé!

Anh ghé nhà ông bạn uống trà cả năm, mà vẫn thấy bức ảnh để đấy. Lần gần đây nhất, thấy bức ảnh xuống màu, có vẻ vì ẩm thấp và bụi bặm, anh mua một bao bì to đùng, cho bức ảnh vào cột chặt. Và vẫn kí gửi tại nơi đó, nhà đó, giờ đó, tháng đó, năm đó.

Sau đó ít lâu, cùng bạn bè đi dự khai mạc một triển lãm tranh, hữu duyên thiên lí năng tương ngộ, anh gặp được con gái người nhạc sĩ trong bức ảnh bị bỏ quên. Anh nhắc với bà một số chuyện xoay quanh bức ảnh, hi vọng bà sẽ xúc động xin lại bức ảnh mang về. Nhưng không, bà nhìn anh lớt phớt, kiểu nhìn người vừa rơi xuống từ cung trăng, lơ là bảo: “Xin lỗi, tôi nhiều việc phải nhớ quá, mong anh thông cảm!” Rồi tất tả bươn đi, dòng người cuốn bà mất hút. Bà nhiều việc thật, nghe đâu bà phải tranh thủ gặp mấy ông “cớm” trong phiên khai mạc triển lãm tranh hôm ấy, họ có thể giúp xin một khu đất rộng ở quê hương bà để làm nhà lưu niệm cho cố nhạc sĩ. Cũng nghe giang hồ đồn, dự án nhà lưu niệm cố nhạc sĩ được phác thảo thật hoành tráng, trong đó còn có cả nhà dưỡng già cho vợ chồng bà sau bao năm bôn ba xứ người.

Từ đó, trong cuộc sống không phẳng lặng thường trực của anh, ngoài nỗi lo về công việc, về chuyện phải ráng sống cho hết kiếp người, anh còn có thêm nỗi lo về bức ảnh nhạc sĩ. Bức ảnh ông ám ảnh anh đêm đêm, để anh bỗng nghiệm ra rằng, những người nổi tiếng, luôn luôn sống giữa hào quang, bi kịch nhiều hơn là hạnh phúc. Bi kịch có màu và rơi chậm rãi từ những kẽ tay rơi xuống. Riêng trường hợp nhạc sĩ, quả tình ông là một người không hạnh phúc, chưa bao giờ hạnh phúc. Những khi bức bối về câu chuyện bức ảnh, anh lại uống rượu một mình, như đang vướng vấp vào một điều gì đó mà không sao gỡ ra được. Lại đặc biệt không đàn hát nữa những tác phẩm của nhạc sĩ, cứ vài nốt nhạc rung lên, lại thấy mọi thứ chán phèo, anh ném mạnh đàn xuống sàn gạch, thùng đàn vỡ tan. Anh điện bảo nàng cấp tốc bay ra với anh. Dường như anh thần kinh em ạ. Nàng cười giòn tan trong máy, thần kinh gì, trông phởn phơ trên mạng thế kia.

*

*         *

Nàng bay ra với anh thật. Xem thần kinh kiểu gì. Rốt cuộc, nàng cũng muốn thần kinh theo mớ bòng bong mà anh đang rối. Bỗng dưng nàng nhớ đến ông già nghệ sĩ đóng hơn một ngàn vai phụ trong các phim. Ông đang sống cù bơ cù bất nơi gầm cầu thang của một rạp hát xây hơn thế kỉ ở Sài Gòn mà chưa bao giờ được sơn phết lại hay nâng cấp. Một lần gặp nhau ở đêm diễn văn nghệ gây quỹ cứu trợ đồng bào lũ lụt, ông già nói với nàng, ông mê nhạc người cố nhạc sĩ trong bức ảnh bị bỏ quên lắm. Rồi khí thế bước lên sân khấu, cất giọng hào sảng hát hơn chục bài, thiên hạ vỗ tay rần rần, bis bis liên tục. Nàng bảo với anh:

- Thôi, để em mang bức ảnh về cho ông già nghệ sĩ.

- Em phải điện hỏi, biết ổng có nhận không.

Trước tiên nàng điện về ban quản lí rạp hát, ban quản lí bảo ông già không biết xài di động, kêu điện ra số bàn của đội bảo vệ rạp hát. Ông già thân với mấy đứa bảo vệ lắm. Giọng ông già vui vẻ trong máy:

- Ụa, vậy hả. Vậy thì cô cứ đem về cho tui nha. Dễ gì được tấm hình đẹp của người nổi tiếng, mà tui cũng có uống rượu với ổng mấy lần rồi. Không sao, tứ hải giai huynh đệ, bốn bể anh em một nhà. Cô nhớ đem về cho tui nha, tui đợi à, vinh dự lắm cô ơi!

- Khi nào bác có ở nhà, con tới?

- Gọi vô cái số này nha, số của phòng bảo vệ nè, tui ừ thì cô tới ha.

 

Minh họa: Tào Linh

Giao ảnh cho ông già nghệ sĩ xong, tự dưng nàng đâm giận anh. Thật tình, biết ông già lâu rồi, nhưng nàng không nghĩ ông già sống tội nghiệp vậy. Ai biết, siêu sao phụ đóng ngàn phim mà. Báo viết về ông có đến hàng trăm bài, riêng phần nàng chắc cũng đủ chục.

Nàng cứ bị ám ảnh bởi bức tường rêu mốc chỗ ông già nằm. Gọi điện hỏi thăm, ông già nói, trời mưa lớn, nước thấm từ trên trần nhà, rỏ xuống tong tong, có khi ông phải ngồi co cụm lắm mới không bị ướt. Mưa đêm thì ông ngồi co đến sáng. Rồi bức ảnh của cố nhạc sĩ sao ta? Ừ, thì cũng tắm mưa với ông già luôn cho vui, biết sao giờ. Sinh thời, cố nhạc sĩ cũng giản dị chịu chơi lắm, chắc vong hồn ông không thắc mắc chi chuyện nàng cho ông tắm mưa chung với ông già nghệ sĩ, có khi lại phấn khởi không biết chừng. Nhưng thâm tâm nàng vẫn triền miên bất ổn. Sao vậy, sao không thẳng băng một đường đến cuối chân trời cho nhẹ anh nhẹ ả nhẹ cả đôi ta…

*

*        *

Sài Gòn đêm mưa lớn, đang ủ trong nệm ấm chăn êm, nàng ngồi dậy tốc hết ra, bịt hai tai lại… Chịu hết nổi rồi chuyện ông già với bức ảnh. Nàng phải làm gì đi chứ. Tại sao anh không giữ bức ảnh lại cho phòng mình? Nghĩ gì chứ? Cần một nơi tươm tất hơn, tình cảm hơn, xứng đáng hơn cho người nghệ sĩ lớn hả? Cần gì, cần gì chứ, khi mọi thứ trong cuộc đời này chỉ là tương đối? Bên kia thế giới, biết ảnh mình đang bơi, cố nhạc sĩ có buồn không? Chắc là không, với bản tính bao dung đại đồng, ông sẽ cười nhẹ nhàng mà rằng, thôi kệ… À, mà kệ làm sao được, nàng có được quyền trừ mình ra trong cái sự cố ảnh iếc này không? Nàng ghét sự nửa vời. Nhưng chính nàng cũng đang nửa vời đấy thôi. Nàng đã chẳng rất can đảm, đã rất quả quyết trong chuyện một mình mang thai, một mình sinh ra cu Bốp sao? Chẳng có gì khó khăn cả, cứ làm mọi việc, cứ quyết định mọi việc như đang làm, như đang quyết định về một đam mê của chính mình. Thế sẽ nhẹ nhàng, nhẹ nhàng tất.

Quờ chân tìm dép, nàng đi tới đi lui trong căn phòng ngang hai mét dài năm mét của mẹ đơn thân là nàng. Thằng cu Bốp đang ngủ ngon lành giường tầng trên. Giấc ngủ nó lúc nào cũng như còn thèm thuồng sữa mẹ với đôi môi chóp chép, dù cu cậu đã học đến lớp năm. Những mảng tường trong căn phòng mười mét vuông của mẹ con nàng đều được cu Bốp dán kín giấy khen học hành và treo huy chương các loại cho các bộ môn bóng bàn, bơi lội, điền kinh… Còn trống chỗ nào, cu cậu dán tuốt ảnh mấy nhân vật trong phim hoạt hình mà cậu thích. Chỉ còn một mảng tường tương đối rộng trên cao, chỗ tương đối nghiêm túc ngoài cái với tay của Bốp, nàng treo ảnh chân dung hai mẹ con ngày Bốp tròn năm tuổi.

Hôm sau, chiều đi học về, lúc ngắm nghía ảnh một siêu nhân mới vừa được dán lên tường xong, cu Bốp phát hiện:

- A, mẹ đổi ảnh cơ à? Ảnh bác nào thế kia? Ảnh con với mẹ đâu rồi?

Nàng nháy mắt:

- Thôi, cho mẹ con mình giải lao, khi nào có nhà mới to hơn, ta sẽ treo ảnh hoành tráng hơn. Còn bây giờ, con có biết ông này là ông nào không?

- Con không biết, nhưng mà trông bác ấy cũng đèm đẹp hiền hiền với cái kính trong trong, thế là treo được mẹ à…

*

*        *

Một tuần sau khi nàng ghé lại chỗ ông già nghệ sĩ để lấy ảnh thì ông già mất. Điện thoại từ phòng bảo vệ rạp hát báo cho nàng, ông già ra đi cũng nhẹ nhàng, ngủ rồi đi luôn, như đồng hồ hết pin thôi mà, tám mươi chín tuổi rồi còn gì. Nàng hỏi thật kĩ rằng, đêm ông già đi, trời có mưa không. Cậu bảo vệ cam kết là không mưa giông chi hết, người ông già khô queo, tụi em vuốt mắt cho, môi ổng còn mim mím như mỉm cười. Đôi khi nàng vẫn hay có sự rào đón không cần thiết như thế để che đậy cảm xúc mình. Thật ra thì nàng thừa biết, ông già can trường cũng không câu nệ chi phần đau đớn của thể xác nếu có khi qua đời. Đau đớn chỉ là phần phụ của cuộc đời mà lẽ ra, ta không nên bận tâm về nó quá nhiều, một bác sĩ chuyên trị ung thư đã nói với nàng như thế.

Ngày nàng ghé lại lấy ảnh cố nhạc sĩ, ông già hân hoan bảo: “Chỗ nào cũng vậy ông nhạc sĩ ha, cõi tạm mà. Thôi ở với nhau vài bữa vậy cũng hiểu lòng nhau rồi, tui chỉ buồn là, đêm nào mưa thì ông ướt.” Còn nàng cũng buồn, rất buồn khi chưa kịp hoàn tất hồ sơ để đưa ông già về nhà dưỡng lão tránh ướt những cơn mưa cuối đời. Thôi thì vậy cũng xong, cũng một kiếp người, phải không ông già đóng ngàn vai phụ.

Nàng gọi cho anh, báo tin ông già mất, bỗng vọng về một giọng xa xăm như tự cõi nào:

- Ôi, ông già mất, tội quá! Còn bức ảnh giờ sao, em?

T.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)