Màu cô dâu

Thứ Hai, 12/02/2024 06:07

. TỐNG NGỌC HÂN
 

Phụng ngồi dưới gốc lê, mắt chăm chú nhìn, tay chăm chút từng mũi kim. Trời ấm nên Phụng thích ngồi ngoài vườn hơn. Giá như Phụng biết được lũ chim sâu đang bàn tán điều gì trên những cành mận đã trút hết lá. Suốt từ ngày thêu những mũi kim đầu tiên lên chiếc áo cưới đến giờ, Phụng chỉ nghĩ đến chú rể và khoảnh khắc mình thành cô dâu. Phụng chỉ muốn khoe với ai đó niềm vui đang dần lớn mỗi ngày. Nhưng nhà Phụng, ai cũng bận rộn cả. Bố đang bổ củi chí chát phía sau bếp. Mẹ đang quát mắng con lợn nái ngoài chuồng. Chị dâu thì vừa làm cơm vừa dỗ dành thằng bé đang hờn dỗi gì đó. Phụng biết, mọi người đang phải cáng đáng thêm phần việc của mình để cô còn tập trung cho việc thêu thùa may vá. Con gái Dao vùng này, ai cũng được thế. Không ai còn bắt cô dâu làm việc lúc chuẩn bị đi về nhà chồng nữa đâu.

Minh họa: Đặng Tiến

Bà nội thấy cháu gái nhấp nhổm thì cũng hay kể chuyện ngày xưa, như để răn đe. Chuyện bà đi làm dâu lúc mười bốn tuổi, hôm cưới là lần đầu tiên bà đến nhà chồng. Đường thì xa, hết dốc đến suối, đã đi bộ lại còn đi chân đất, vì dép và quần áo thì để đến gần nhà trai mới xỏ vào cho sạch sẽ. Tới nơi, hai bàn chân của bà sưng vù và rướm máu, xỏ vào dép không vừa nữa. Chưa kể, đi được nửa đường, đoàn đưa dâu gặp trời mưa to, ướt hết cả người, cả chăn gối và tư trang đem theo. Đã thế, một góc quả núi còn lở xuống, vùi lấp một đoạn đường, cả đoàn phải quay ại, đi đường vòng cho an toàn nhưng xa gấp đôi. Cuối cùng, đến được nhà ông nội, thì đã hai giờ chiều, quá mất giờ cô dâu được đón vào nhà chú rể để làm lễ rồi. Thế là, tối ấy bà phải ngủ lại trong cái phòng nhỏ dựng tạm ở sân nhà. Căn phòng bé xíu dựng vội sơ sài, che chắn bằng lá cỏ. Đêm ấy, trời vẫn mưa tầm tã, chỉ có bà nội và chị gái của bà ngồi gật gù trong căn phòng ấy, còn đoàn đưa dâu được ngủ trong nhà. Cũng phải tới một giờ sáng, sang ngày mới rồi, bà mới được bước vào nhà ông theo đúng luật lệ. Đó cũng là lần đầu tiên bà biết mặt ông. Nhà ông đông người đến nỗi, mấy ngày sau bà mới thuộc hết tên mọi người và thứ tự trong nhà.

Còn mẹ thì kể, mười bảy tuổi mẹ lấy bố, cỗ nhà trai to lắm, mổ hàng chục con lợn to. Cỗ bày la liệt trên lá chuối rải trên sàn nhà. Trong bếp, ngoài hiên, thịt lợn, lòng dồi đã làm chín treo từng chùm lủng lẳng. Thịt lợn để chia phần cho nhà gái thì treo hết trên cành mận ngoài vườn vì trong nhà không còn chỗ. Sau tiệc cưới, mẹ thấy cả chục thanh niên say rượu nằm ngồi ngổn ngang trên sàn nhà, mẹ không biết ai là chồng mình vì cũng chưa gặp bố bao giờ. Khi mẹ bịn rịn tiễn đoàn nhà gái về thì có một người chệnh choạng đứng dậy, đi ra cổng tiễn khách, người ấy vỗ vào vai mẹ dặn dò. Đi về cẩn thận nhé. Chắc người ta nghĩ mẹ là một trong số những phù dâu. Lúc ấy, một người bạn của mẹ bật cười, trêu chọc. Cô dâu đấy, về sao được. Người ấy vội lắp bắp. “Cô dâu à, mình là chú rể đây.” Mỗi lần nghe bố mẹ kể chuyện ngày xưa là Phụng và các anh chị cứ lăn ra cười.

Ba năm trước anh Đoàn cưới vợ. Anh kể anh và chị dâu yêu nhau mấy năm và cũng suýt chia tay mấy lần rồi nhưng cuối cùng vẫn có đám cưới. Chị dâu bảo, con gái bản chị, khi yêu ai đó, thì hoặc không đến nhà người yêu, hoặc chỉ đến một lần trước khi cưới thôi. Nếu để người thiên hạ biết mình yêu người con trai ấy, rồi sau, lỡ không thành vợ chồng, lúc đi lấy người khác khó mà bình yên được. Chính vì thế mà trong suốt ba năm yêu anh Đoàn, chị dâu không đến nhà Phụng lần nào. Anh Đoàn nghĩ chị không thật lòng với mình, chắc còn để cửa đợi xem có đám nào khác tốt hơn thì lấy. Nên hai người rất hay cãi nhau. Chị dâu nói, ngày chị về nhà chồng, chị rất sợ một người, người ấy không phải là bố mẹ chồng, không phải chị hay em của chồng. Phụng hỏi ai thì chị không nói. Chị bảo Phụng cứ lấy chồng đi rồi sẽ biết. Chị dâu là hướng dẫn viên du lịch. Chị nói tiếng nước ngoài giỏi lắm, lại xinh đẹp nên việc làm chả thiếu. Chị dẫn khách đi khắp nơi, khắp thị xã, khắp vùng núi rừng Tây Bắc, ra cả biển, toàn những nơi đẹp đẽ mà Phụng chưa từng tới bao giờ. Anh Đoàn thì làm bếp trong một nhà hàng rất lớn ngoài phố. Sau dịch bệnh, du lịch dần phục hồi, quán hàng tấp nập trở lại nên anh chỉ tranh thủ về nhà vào dịp đầu tuần thôi. Chị dâu từ độ mang thai rồi sinh con, đến giờ con chị hai tuổi rồi, chị vẫn chưa được bố mẹ đồng ý cho đi làm. Chỉ quanh quẩn việc nhà, chắc chị cũng bí chân.

Phụng vẫn nhớ. Hôm ấy là đầu mùa hè, hai chị em ra chợ chọn ít tơ và chỉ thêu. Tại chợ, chị dâu gặp một người bạn gái cũ đang chọn mua vải tấm. Chị ấy xuýt xoa khen Phụng xinh đẹp rồi hỏi có người yêu chưa. Phụng chưa kịp nói thì chị đã khoe trong họ Triệu nhà chồng chị dưới Mường Bo có một cậu em họ chưa vợ. Gia đình thì khá giả, cậu này có cả hiệu sửa chữa điện thoại di động, rất đông khách. Tưởng trò chuyện vu vơ xã giao thôi. Thế mà, đùng cái, ba hôm sau, buổi trưa, Phụng vừa ở nương về, thấy hai cái xe máy màu đỏ còn mới dựng ở sân. Trong nhà, tiếng nói cười rổn rảng. Thoạt tiên Phụng nghĩ, là bố mẹ chị dâu đến thăm thông gia thôi mà. Nhưng thấy cái sào quần áo ngoài sân phía gần cửa sổ đã được dọn sạch, Phụng biết, khách này lần đầu tiên đến nhà mình. Lại thấy mẹ thập thò nhìn ra cửa, nháy mắt với Phụng. Tự dưng, nỗi tủi thân ùa đến, Phụng khẽ để bó cỏ xuống chân đống củi rồi đi vòng ra phía sau nhà, chui vào bếp bằng lối phía vườn rau. Chị dâu đang làm cơm, thấy Phụng thút thít thì gắt khẽ. “Thôi nào, chưa gì đã khóc, nước mắt cô treo sẵn ở mi như thế là không hay đâu. Người ta mới tới nên chưa ai kịp báo em đấy chứ. Tắm gội thay quần áo đi.”

Phụng gọn gàng bước ra nhà lớn, bà mối vừa nom thấy đã ngọt ngào liến thoắng. “Mẩy Phụng đấy à. Xinh đẹp thế này, cô gặp ở đường là không nhận ra cháu đâu. Cháu bằng tuổi Mẩy Linh nhà cô. Thế mà nó sắp hai con rồi đấy.” Phụng bối rối, lễ phép cúi chào khách rồi đi giật lùi xuống bếp. Trong lúc thái măng, Phụng hỏi chị dâu: “Chị phải nói thật nhé. Những người kém cỏi như em, lấy chồng thì có hạnh phúc không?” Chị dâu phát nhẹ vào tay Phụng, vờ cáu. “Cứ hỏi linh tinh. Bạn chị đầy đứa vừa đẹp vừa giỏi giang, lấy chồng vẫn khổ. Cứ vừa vừa như em là sướng đấy.” Phụng biết, chị dâu nói thế để an ủi Phụng thôi. Trong nhà này, có bao nhiêu những cái đẹp đẽ, sắc sảo thì đổ vào chị gái với anh trai hết rồi. Phụng cũng xinh xắn ưa nhìn nhưng lại chậm chạp. Chậm từ chân tay đến lời ăn tiếng nói, đến cả cái sự suy nghĩ tính toán. Cố lắm cô mới học hết cấp hai rồi ở nhà giúp mẹ làm ngô làm lúa. Người ta thêu bộ áo cưới chỉ ba tháng là xong tất cả. Còn Phụng, mẹ tính dư thêm một tháng nữa nhưng vẫn sợ Phụng làm không kịp, liên tục phải đôn đốc nhắc nhở.

Anh Đoàn về, khoanh tay dựa cột, nhìn Phụng đầy thương hại. Chắc là chị dâu gọi điện thoại bảo anh về. Nhà có ba chị em, chị gái lớn nhất đã đi lấy chồng xa. Có khi cả năm anh chị mới đưa cháu về chơi một lần. Mỗi lần gia đình nhỏ của chị về chỉ ở nhà độ hai hôm, rồi lại đi. Lần nào chị đi, mẹ cũng khóc. Cho dù chị gái thừa ăn thừa mặc, nghề nghiệp đàng hoàng mẹ vẫn khóc. Bà nội bảo, đẻ con gái là đẻ nước mắt, đẻ con trai là đẻ nếp nhăn. Khóc làm gì. Anh Đoàn dỏng tai nghe ngóng rồi hỏi bâng quơ. “Lại xem mặt à? Làm người ta vội vàng chạy về. Mà thời nào rồi, chuyện cưới xin còn tù mù như thế.” Phụng ngạc nhiên. “Ai mù ạ? Nay họ mới đến xem mặt thôi mà. Anh đừng có lo.” Anh Đoàn nhướng đôi lông mày xanh rì lên, tay gõ gõ vào cột. “Ờ, anh chả lo gì. Nhưng mà trong nhà này có đứa, thấy bạn bè cõng con hết cả rồi thì đang sốt ruột thôi. Thời nay, trước khi lấy nhau, cô dâu và chú rể cần thiết phải biết nhau, hiểu rõ về nhau, như thế hạnh phúc mới đảm bảo. Họ đến đây xem mặt em thay cho con họ, rồi tự ý quyết định thay cho cả hai đứa. Tại sao nhà ta không có quyền đi xem mặt con rể?” Chị dâu lừ anh, rồi nhìn Phụng tủm tỉm. “Muốn biết mặt chú rể thì khó gì. Cái người đi mòn giày dép ở Mường Bo đang ngồi đây như đống củi, thì anh em nhà ai kia lại không buồn hỏi. Tục lệ là tục lệ, yêu là phải tìm hiểu chứ nhỉ!” Cả Phụng và anh Đoàn cùng cười.

Con cái thì vui thế mà qua khe cửa, Phụng thấy bố trầm ngâm lắm. Bố nói rất bài vở, rằng lẽ ra, phải đi đủ các bước, đầu tiên là đánh tiếng rồi mới cho xem mặt, nhưng nể ông bà đường sá xa xôi, tôi mới gọi cháu ra trình diện thế này. Rồi bố trao cho họ một phong thư, trong ấy có tờ giấy màu đỏ ghi tên âm, tên dương, ghi ngày giờ sinh của Phụng. Để họ đem về tìm thầy xem tuổi để biết hai đứa có hợp nhau không. Vẫn y như những lần trước. Hai người là bố mẹ có con trai tìm vợ thì chỉ bâng quơ chuyện vườn vạng, không khí, đường xá. Còn bà mối thì thao thao đủ thứ chuyện trên đời mà khi chốt lại đều là việc bà mối thành công đến hai chục đám rồi, nốt đám này nữa là nghỉ cho đỡ mệt.

Gần một tháng sau, họ tới dạm ngõ và đem theo cả năm người đại diện nhà họ Triệu tới. Đôi bên bàn bạc rất lâu rồi quyết định ngày hỏi. Phụng có chút thất vọng là ngày dạm ngõ, Phụng cũng không thấy mặt chú rể. Ngày hỏi cũng không. Trong lễ hỏi, khi bàn về đám cưới, ông Triệu Tài Vượng, bố của chú rể Triệu Tài Thịnh nói đại ý là dưới Mường Bo, người Dao có tục lệ nhà trai đi đến tận nhà gái để đón dâu về, rất là trọng vọng. Còn bố Phụng thì nói ở vùng này, những bản người Dao sống dưới chân núi Ngũ Chỉ Sơn lại chỉ có tục nhà gái đưa dâu về tận nhà chồng thôi, không cần nhà trai phải đến đón. Vì còn liên quan đến chuyện làm cỗ. Xưa nay, nhà có con gái lấy chồng, chỉ làm chục mâm cơm mời họ hàng thân thiết vào ngày hôm trước thôi. Giờ mình tự dưng mở to, thết đãi cả đoàn đón dâu, thì người ta lại dị nghị, cho rằng nhà mình chơi trội. Gả con gái về nhà chồng, biết đã vuông tròn thế nào mà ăn uống linh đình. Để dung hòa cả hai phong tục ở cả hai bản và của cả hai dòng họ, bố Phụng nói nhà gái sẽ đưa dâu ra phố, còn nhà trai sẽ đi từ bản lên phố đón nhà gái. Vì phố thị là trung tâm của con đường nối nhà trai và nhà gái. Sau đó hai đoàn sẽ nhập thành một, đưa cô dâu chú rể về dự hôn lễ ở nhà trai. Vậy đấy, mọi thứ cứ suôn sẻ ngay từ phút giây đầu tiên khi Phụng gặp bạn của chị dâu ở chợ cho đến tận bây giờ. Chỉ vài hôm nữa thôi Phụng sẽ đi lấy chồng.

“Ô hay, con bé này, chưa thấy mặt trời lặn hay sao?” Phụng ngẩng đầu nhìn mẹ. Khóe mắt mẹ túa ra những nếp nhăn mới từ bao giờ thế nhỉ? Phụng đặt tấm áo vào trong gùi, đứng dậy vươn vai. Góc trời tây, mặt trời đã khuất sau đỉnh núi. Ngũ Chỉ Sơn là năm ngọn núi như năm ngón tay chỉ lên trời, mà lạ chưa, độ này mặt trời cứ lặn ở cái ngón tay đeo nhẫn. Thế nên những đám mây hồng rực vẫn còn vương trên đỉnh núi như hào quang của chiếc nhẫn khổng lồ vậy. Những ai từng đến nơi này đều bảo Ngũ Chỉ Sơn quá đẹp. Những con đường nhỏ uốn lượn, dòng suối trong vắt hiền hòa, những mảnh ruộng bậc thang vàng suộm vào mùa lúa chín. Những ngọn núi xanh điệp trùng. Những bản làng cổ kính, bình yên. Anh Đoàn thường bảo, nhà mình cách phố chả bao xa, có hơn hai chục cây số thôi mà anh thấy giống như hai thế giới khác biệt nhau, cứ về nhà là chả muốn ra phố. Những lúc ấy, kiểu gì chị dâu cũng chêm vào. Thế thì về thôi, còn ở phố làm gì? Anh sẽ véo mũi chị dâu mà nói nước đôi. Nhưng mà người ta cũng yêu phố. Không ra phố làm sao quen được, cưới được gái Tam Đường. Những lúc ấy, Phụng cũng phụ họa với anh. Em cũng thích ra phố làm việc với anh. Anh nấu chín rồi em bưng ra cho khách. Thế nhưng, học xong, bố mẹ giữ rịt Phụng ở bản, chờ người đến hỏi thì gả chồng. Tính cả đám này, thì đã là đám thứ tư rồi đấy. Lần thứ tư người ta tới xem mặt, Phụng mới được ngồi thêu áo cưới thế này. Mẹ là người phụ nữ đẹp, bản này ai cũng bảo thế. Giá như Phụng giống mẹ thêm một chút giỏi giang khéo léo nữa thì có khi cô lấy chồng lâu rồi. Mẹ cúi xuống, cầm tấm áo lên, lật cả mặt trong mặt ngoài ra xem. Mẹ xem kĩ lắm, y như người đi lựa mua một món đồ quý. Sau khi xem hết từ vạt áo đến lưng áo, cổ và nẹp áo, mẹ lần xuống đuôi áo, nơi Phụng vừa thêu xong đường tơ cuối cùng, mẹ nói. “Đẹp đấy.” Rồi mẹ giũ tấm áo ra, giơ lên và ướm vào người Phụng. Bất chợt mẹ hỏi. “Còn mấy hôm nữa nhỉ.” Phụng thấy khóe mắt cay cay.

Minh họa: Đặng Tiến

Phụng vẫn nhớ, vào một buổi sáng, khi Phụng đang thêu áo trong bếp, thì mẹ gọi lên nhà nói chuyện với người lớn. Phụng cảm thấy lo lắng nhưng không thể đoán được ông bà và bố mẹ định nói chuyện gì. Khi tất cả đã đông đủ, bố không nói ngay mà còn thản nhiên hút thuốc lào. Tiếng điếu cày giòn giã như cố tình che giấu những băn khoăn gì đó ở bố. Căn nhà gỗ tuy cũ nhưng vẫn còn chắc chắn. Vẻ cũ kĩ của nó rất hợp với khu vườn có đầy những gốc cây đào, cây lê già nua bạc phếch. Và hợp cả ông bà nội, bố mẹ của Phụng nữa. Những khuôn mặt lam lũ nhàu nhĩ của người lao động chân tay chỉ khi có sự vui mừng thì mới rạng lên chốc lát. Ông bà nội, bố và anh Đoàn ngồi trên chiếc chiếu rải sát cửa sổ. Phụng ngồi xuống chiếu cạnh bà nội. Bố hút thêm một điếu thuốc lào, nhả khói xong mới nhả lời, giọng bố đầy tính toán. “Đúng là chúng ta đã vội vàng nhận lời họ. Vì bố và ông thông gia biết nhau từ thời thanh niên nên mọi thứ cũng không chặt chẽ như những đám khác. Mình nhận sính lễ của nhà người ta rồi giờ trả lại cũng không hay. Mọi thứ bên ấy đã chuẩn bị xong hết rồi. Cả trăm mâm cỗ đấy...” Ông nội nóng nảy cắt ngang. “Nhận rồi cũng vẫn trả lại được. Lúa vẫn trên gác, trâu bò gà lợn vẫn ở chuồng, người ta đã mời khách ăn hết đâu mà sợ. Ngay từ đầu họ đã không thành thật với mình.” Phụng chưa hiểu đầu đuôi thế nào thì bố đã lại ngả về phía ông nội. “Thằng Thịnh bị tai nạn từ bé, đi còn phải chống nạng, nó không thể làm chỗ dựa cho con gái bố được. Đám này như thế là hỏng rồi. Người lớn mà không thật thà.” Mẹ vội vàng phụ họa theo, còn nhân tiện so đo. “Không thật với nhau thì thông gia sao được. Chắc họ sợ nói thật thì mình sẽ không gả con gái cho. Biết thế nhà ta nhận lời cái đám ở Tả Phìn còn hơn.” Bố ngoái cổ nhìn mẹ. “Tả Phìn là đám nào?” “Thì cái đám thằng Pú vợ chết ý. Bà mối chả tới nhà mình ba lần mà ông không tiếp. Ông bảo con ông là gái tân, không làm lẽ ma còn gì.” “Ờ ờ, phải rồi. Đám ấy không được, không nói ở đây. Thế ý con thế nào.” Phụng nghe bố hỏi bất ngờ thì lúng túng. “Bố mẹ quyết thế nào con cũng nghe ạ. Nhưng mà...” Anh Đoàn lấy tay huých vào sườn em gái rồi gợi ý. “Em cứ mạnh dạn nói ra.” Phụng cúi đầu lí nhí. “Con thương anh ấy bố ạ.” Bố Phụng bẻ vụn cái đóm, nhẩn nha phân tích. “Chuyện vợ chồng không phải chuyện lòng thương. Con thương nó nhưng nó có thương con không? Nó què thế, làm sao cáng đáng được gia đình. Nhà nó thì nhiều việc, vừa nuôi trâu, vừa nuôi dê, lại có cả nương thảo quả, nương quế, con đã biết chưa?” Thấy bố dồn ép em gái, Đoàn bênh em. “Việc nhiều là việc của người ta, sức mình đến đâu thì làm đến đó, lo gì. Lấy nhau rồi khắc thương nhau.” Bố thấy anh Đoàn nói thế thì cáu. “Tôi chưa hỏi đến anh, anh cứ ngồi yên đấy. À mà, nhà mình có mỗi anh biết mặt con rể. Vậy anh nói đi. Tôi cho phép.” Trong lúc Đoàn gãi đầu gãi tai thì chị dâu dưới bếp đi lên. Chị dâu lễ phép. “Thưa ông bà, thưa bố mẹ! Thật ra, con biết em rể tương lai từ hồi còn dẫn khách đi Mường Bo. Con thấy Thịnh vẫn đi lại bình thường ạ.” Ông nội liếc cháu dâu một cái rồi tự ái. “Cháu dâu biết mà không nói với ai, như thế là không được. Cháu biết chọn thằng trai tốt đẹp nhất nhì bản này để cưới làm chồng, tại sao lại đẩy em chồng vào chỗ không xứng như thế hả?” Anh Đoàn thấy ông nội mắng vợ mình thì lại bênh vợ. “Ông ơi, vợ con chỉ biết Thịnh chứ không biết Thịnh sẽ là rể nhà mình. Lúc người lớn nói chuyện với nhau vợ con có được tham gia đâu mà nói. Thịnh què nhưng vẫn đi lại được, chỉ là người hơi lệch một bên. Cậu ấy có nghề nghiệp đàng hoàng đấy ạ.” Bố thấy mình bị con giai, con dâu qua mặt thì tức tối, vùng vằng. “Đây là nó què chân, chứ nếu nó nghiện ngập thì chúng mày cũng cứ lặng yên để em chúng mày đâm đầu vào à. Đã thế tao không đồng ý, không có cưới cheo gì hết. Gọi mối đến, trả lễ cho người ta.” Mẹ thấy tình hình căng thẳng quá thì vén áo lên, nhặt cái ghế mây, ngồi xuống bên cạnh bố và nhẹ nhàng. “Thật ra, sau hôm nhà ấy đến đánh tiếng, tôi cũng bảo thằng Đoàn đưa xuống Sín Chải xem mặt cậu ta rồi. Chân thì thế nhưng mặt mũi thì sáng sủa, nhanh mồm nhanh miệng lắm.” Bố nghe mẹ nói thế thì thở dài sườn sượt rồi vỗ hai tay vào nhau. “Cái nhà này, cũng không ai thật hết. Cứ dối quanh. Từ con dâu, con trai, đến cả bà, ai cũng biết mặt con rể cả rồi.” Đoàn bật cười. “Thế trước ngày người ta đến xin hỏi, con cũng đưa bố đi xem mặt em rể và gia cảnh nhà thông gia rồi còn gì. Bố khen thằng ấy có chí còn gì. Bố còn uống rượu và hứa hẹn với ông thông gia. Chứ chả tự dưng bố lại đi nhận sính lễ nhà người ta.”

Nghe cháu đích tôn nói thế, ông bà nội giận tím tái, chống gối đứng dậy dắt nhau về buồng. Thế này còn gọi gì là họp. Chúng nó lôi cổ hai cái thân già này ra để chế giễu, để công bố cái sự đã rồi. Hóa ra chúng nó biết mặt rể lâu rồi. Chỉ ông bà là chưa biết gì thôi. Cái họ này ngày càng sa sút. Chưa rơi vào tay chúng nó mà chúng nó đã tính chuyện phá nát luật lệ. Bảy đời dâu rể không ai đui què mẻ sứt, giờ thì... dân làng người ta sắp cười cho không ngẩng đầu lên được rồi.

Đấy, suốt hai tháng giời, ông nội giận dỗi như thế. Ông cho rằng Phụng là nguyên nhân của mọi thứ rắc rối trong nhà. Để đỡ vướng mắt ông, Phụng toàn ra vườn ngồi thêu cho yên tĩnh. Dù ngoài vườn gió thổi lạnh buốt và nhiều lúc trời mưa nhỏ Phụng vẫn che ô ngồi thêu. Vì thế, chiếc áo cưới thấm màu nắng, đượm mùi mưa, mùi sương mù và tẩm cả hương hoa. Chỉ còn mấy ngày nữa thôi, Phụng sẽ mặc chiếc áo cưới đẹp đẽ do tự tay mình thêu thế này. Được mẹ khen thì Phụng thấy vui lắm. Chưa bao giờ Phụng thấy một chiếc áo cưới đẹp như thế này.

Quần áo, khăn, thắt lưng cùng với đồ cưới, tư trang đem về nhà chồng chất nửa căn buồng nhỏ của Phụng. Phụng mân mê từng quả chuông, lưỡi dao, ngôi sao nhỏ trên chuỗi xà tích bạc. Phụng dỡ chăn lông ra rồi gấp lại mấy lần cho vuông vức phẳng phiu. Hai vợ chồng đắp làm sao hết bốn chăn? Nhưng mà vẫn mang hết đi. Vì một cái là Phụng tự sắm. Còn ba cái là của mẹ, chị gái và chị dâu tặng. Gối cũng nhiều. Khăn, thắt lưng, áo quần nhiều lắm. Chưa bao giờ Phụng thấy mình giàu như bây giờ. Nghe tiếng bố gọi, Phụng đứng dậy, bước ra ngoài vườn. Bố chỉ những đống củi bổ rất đẹp xếp vuông vức quanh gốc lê mà giảng giải như thầy giáo. Đun thì không bao nhiêu nhưng vẫn phải chuẩn bị nhiều thế này. Để phòng khi mưa gió không thể đi rừng lấy. Hiểu chưa?

Giờ thì Phụng mới hiểu tại sao bố mẹ luôn tích thóc lúa trong nhà. Luôn cất đi những khoản tiền sau mỗi lần bán lợn, bán trâu, bán lúa nếp. Chỉ ít ngày nữa thôi, Phụng đi lấy chồng, Phụng rồi cũng như chị gái, chỉ thoáng về nhà như một vị khách, rồi đi. Mẹ đang ngồi vót đũa ngoài thềm. Cạnh đó là rổ ớt chín mới hái về để mai kia nướng trên chảo than hồng còn làm muối chấm. Đũa mẹ vót lúc nào cũng tròn đẹp thế đấy. Hồi cưới anh Đoàn, cả nhà vót đũa. Hơn một trăm đôi đũa tre rất đẹp được mẹ luộc lên, phơi khô sau đó đi lấy lá cẩm về giã để nhuộm. Những đôi đũa đám cỗ có màu đỏ tím rất đẹp. Giờ cưới Phụng, mẹ lại vót đũa mới, dù không cần nhiều như thế nhưng mẹ vẫn vót nhiều. Người Dao, một lần mài dao thì sẽ làm đến lúc dao không còn bén nữa. Phụng đứng sau lưng chị dâu, lặng lẽ xem chị đang gọt riềng. Ông bà bảo hôm cưới, họ hàng đến, mỗi người một tay một chân, việc chạy phăng phăng, việc gì phải làm sớm thế. Nhưng mẹ bảo cưới con trai mới nhờ người làm. Còn cưới con gái thì mình tự làm lấy, anh chị em bạn bè đến chỉ ăn cỗ và mặc thật đẹp để đi đưa dâu thôi, không phải làm gì. Phụng tìm một con dao nhỏ rồi ngồi xuống gọt riềng cùng chị dâu. Chị dâu thấy thế hỏi luôn. “Này, định hỏi gì thì cứ hỏi đi. Riềng cứng lắm, không cẩn thận lại đứt tay.” Phụng thật thà. “Em đang định nói với chị là ngày xưa, lúc ở trường nội trú, em có ngồi cạnh một bạn tên Thịnh.” Chị dâu ngạc nhiên. “Thật à? Em có nhớ cậu ấy họ gì, ở xã nào không.” Phụng lắc đầu, mặt xịu xuống. “Bọn em chỉ học cùng nhau độ hai năm, lớp ba, lớp bốn, xong rồi không thấy bạn ấy đâu nữa.” “Ờ, chán nhỉ. Thế hai đứa ngồi cạnh nhau hai năm mà không có kỉ niệm gì à?” Phụng chớp mắt gật đầu. “Có chứ chị. Kỉ niệm trẻ con. Có lần bạn ấy khen em xinh và bảo mai kia lớn sẽ xin bố mẹ cưới em.” Chị dâu vứt luôn củ riềng và con dao xuống rổ, nắm lấy tay em dâu mà bóp mạnh. “Này, giờ chị cho em xem ảnh chú rể. Em nhìn thật kĩ, xem có giống với người bạn của em không nhé.” Phụng bặm môi. “Em không xem mặt chú rể đâu. Bà nội bảo cô dâu mà biết mặt chú rể vào ngày cưới thì sẽ được nhà chồng thương hơn.” Chị dâu nguýt em chồng. “Cô nói thế là tôi tự ái đấy. Thế nhà này không thương tôi sao? Khổ thân tôi quá.” Phụng vội vàng xoa dịu. “Chị ơi, em không khéo nói, chị đừng giận em.” Chị dâu hất tay em chồng ra, lạnh lùng. “Giận chứ, nhất định phải giận một lần cho mà biết.” Phụng tái mặt. Chị dâu lại nhoẻn cười. “Giận xong rồi, giờ thương thôi. Tôi thương cô lắm, biết không hả? Chú rể đây, chỉ nhìn trên điện thoại thì không việc gì cả.” Chị dâu móc điện thoại di động trong túi ra, lướt lướt vài cái rồi chìa ra một bức ảnh. Phụng nhìn thấy một thanh niên đang nheo mắt nhìn Phụng. Nụ cười rạng rỡ, y nguyên như những lần Phụng thấy trong giấc mơ.

Phụng trả điện thoại cho chị dâu, chạy một mạch vào buồng. Chị dâu đứng dậy, rửa tay rồi cũng đi theo. Đứng ở bên ngoài cửa buồng, chị dâu quát. Mở cửa ra, không lại mốc hết chăn gối bây giờ. Mặc kệ chị dâu giục giã. Mấy phút sau Phụng mới mở cửa. Chị dâu tròn xoe mắt nhìn em chồng đã kịp khoác tấm áo cưới mới tinh lên người. “Tôi cứ tưởng cô trốn vào đây để khóc cơ đấy.” Phụng lắc đầu. “Em không khóc đâu mà. Chị đội khăn và buộc thắt lưng cho em đi. Em muốn thử làm cô dâu ngay bây giờ. Mà chị còn chưa nói cho em biết là ai ở nhà này khiến chị sợ nhất đấy.” Chị dâu tiến lại gần, dí ngón tay trỏ còn vương mùi riềng vào trán Phụng. “Trời ạ, cứ nhớ dai. Người chị sợ nhất là anh trai em đấy. Chị sợ anh Đoàn không thương, không yêu chị suốt đời như đã hứa thôi. Nào thì mặc, tiện tay tôi trang điểm luôn cho. Ghê chưa, áo cưới có khác, vừa kĩ vừa đẹp. Tơ chỉ em nhuộm màu gì mà lộng lẫy thế này nhỉ.” Phụng đấm nhẹ vào lưng chị dâu, bất ngờ lém lỉnh. “Màu cô dâu, chị ơi!”

T.N.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)