Lũy Thầy khói lửa

Thứ Sáu, 07/03/2025 07:23

. NGUYỄN ANH TUẤN
 

1.

Tháng Sáu năm Nhâm Tý (1672), sau khi dẹp xong tàn dư họ Mạc ở phía Bắc, Tây Đô vương Trịnh Tạc thân chinh Nam hạ, giao con trưởng là Tiết chế Thái úy Nghi Quốc công Trịnh Căn thống lĩnh hơn mười vạn thủy binh với tám ngàn chiến thuyền xuôi về phương Nam quyết thống nhất sơn hà.

Minh hoạ: Hải Kiên

Đã hơn bốn mươi năm kể từ khi hai họ Trịnh - Nguyễn trở mặt thành thù, dải đất phương Nam đặc biệt là vùng Bố Chính trở thành chiến địa giao tranh đầy ác liệt, khói lửa binh đao chẳng lúc nào ngơi. Thế cục này không thể kéo dài mãi. Muốn non sông được thu về một mối, muốn dân chúng không còn lầm than đau khổ thì lần này ra quân nhất định phải thắng chứ không thể bại. Có như vậy, ông mới có thể cho thiên hạ thấy mình xứng đáng là người kế vị ngai chúa trong tương lai.

Muốn thực hiện được điều ấy, đoàn quân viễn chinh từ Đàng Ngoài phải vượt qua được Lũy Thầy.

“Khôn ngoan qua được Thanh Hà

Dẫu rằng có cánh khó qua Lũy Thầy”.

Trịnh Căn quyết định, sau khi hội binh với cánh quân bộ do Thống suất Lê Thì Hiến chỉ huy ở Nam Bố Chính, đại quân sẽ tập trung công hạ bằng được lũy Trấn Ninh, tòa lũy trọng yếu của hệ thống Lũy Thầy ngay trong ngày đầu xuất trận. Ông ban bố quân lệnh mười chữ:

“Trận đầu là trận cuối. Một trận định càn khôn”.

Được tin báo của Trấn thủ châu Bố Chính, chúa Nguyễn Phúc Tần liền cử người con trai thứ tư là Chưởng cơ Hiệp Đức hầu Nguyễn Phúc Thuần hay còn gọi là Công tử Hiệp Đức, khi ấy mới hai mươi tuổi làm Nguyên soái, Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật làm Tiết chế, Nha úy Mai Phú Lĩnh và Ký lục Vũ Phi Thừa làm Tham mưu, Chưởng cơ Trương Phúc Cương và Nguyễn Đức Bảo làm tả, hữu tiên phong đi đánh quân Trịnh.

Tháng Mười một, đại quân họ Trịnh tiến sát lũy Trấn Ninh. Súng thần công khai hỏa. Khói lửa rợp trời, kín cả nhật nguyệt.

 

2.

Đã mấy tuần kể từ khi chiến sự xảy ra, ngôi làng nhỏ bên bờ sông Nhật Lệ không khi nào vơi tiếng khóc bi ai của những nhà có người thân chết trận. Cứ sau một lần đẩy lui quân Trịnh, quan quân lại thu lượm tử sĩ chất lên xe rồi đưa về các làng để người nhà mai táng.

“Tùng…tùng…tùng…”

Tiếng trống của đoàn xe chở xác lại vang lên não nề. Những người đàn bà, già có, trẻ có lại thấp thỏm hi vọng trên những chiếc xe kia không có người thân của mình. Nhưng rồi, những tiếng khóc xé lòng lại cất lên như mọi lần, những người mẹ, người vợ lại quằn quại bên xác của những người con, người chồng đã bỏ mạng. Có những cái xác còn nguyên vẹn, nhưng cũng có những cái xác chẳng còn lành lặn. Có khi, chỉ là một mảnh thân thể đã bị đạn súng thần công xé nát.

Hôm ấy, Công tử Hiệp Đức đang đóng quân ở đồn Sa Thủy hay tin lũy Trấn Ninh sắp không giữ được bèn đem quân đến cứu. May thay, tướng trấn thủ là Chưởng cơ Trương Phúc Cương vẫn đẩy lui được quân Trịnh, giữ vững được lũy sau một ngày giao tranh ác liệt. Trước khi quay về, Hiệp Đức cùng thân tín đi xem xét bố phòng quanh lũy, vô tình ngang qua ngôi làng gần đó, thấy được cảnh quan quân chở xác binh lính, dân phu chết trận bàn giao cho người nhà. Tiếng khóc bi ai của những người đàn bà khiến cho vị nguyên soái trẻ tuổi không khỏi bùi ngùi xót thương.

Hiệp Đức thở dài, ra hiệu quay về. Khi qua ngôi nhà nhỏ cuối làng, một bà lão lưng còng chạy ra, chắn ngang đường mà vái lạy khiến đoàn người khựng lại.

- Mụ già to gan! Mau tránh đường cho nguyên soái!

Người lính hộ vệ quát lớn, toan vung roi xua đuổi. Công tử Hiệp Đức vội ngăn lại. Đoạn, chàng xuống ngựa, tiến về phía bà lão.

- Bẩm tướng quân...- Bà lão nước mắt giàn giụa - Nhà tui có năm đứa con trai, thì bốn đứa đều đã chết trận, còn mỗi thằng con út cũng bị bắt tòng quân mấy tháng trước, không biết sống chết nơi mô...

Công tử Hiệp Đức vội đỡ bà lão rồi hỏi:

- Vậy, bà muốn ta giúp việc gì?

Bà lão lau nước mắt, lấy từ trong vạt áo ra một chiếc vòng gỗ, run rẩy:

- Lạy tướng quân, nếu ngài gặp được thằng con tui, xin đưa cho nó chiếc vòng gỗ này. Đây là chiếc vòng bình an mà tui xin được, mong con tui tránh được hòn tên mũi đạn.

Hiệp Đức nhận lấy chiếc vòng, ngạc nhiên hỏi:

- Sao bà không xin cho con mình được tha lính trở về?

Bà lão buồn bã đáp:

- Làng tui, nhà mô cũng có con đi lính, nhà mô cũng có người chết trận, nay tui xin cho con mình về thì con của những người khác phải làm răng?

Nghe đến đó, Công tử Hiệp Đức không khỏi xúc động.

- Con trai bà tên họ là gì? Tòng quân khi nào? Có biết đóng quân ở đâu không?

Bà lão nói con bà tên Võ Thắng, mới tòng quân tháng 6. Từ khi quân Trịnh đánh vào Lũy Thầy, ngày nào bà cũng chờ ngoài cửa, nghe tiếng trống của xe chở xác vào làng là tất tả chạy đến.

Từ khóe mắt của bà lão già nua, hai hàng nước mắt chảy dài mãi không thôi.

 

3.

Trịnh Căn cau mày nhìn khuôn mặt thất thểu, lấm lem vì khói súng của Lê Thì Hiến khi trở về.

- Thống suất tướng quân! Trước khi xuất binh, ta đã phát lệnh thế nào?

Lê Thì Hiến sững lặng hồi lâu rồi đáp:

- Bẩm! Trận đầu là trận cuối. Một trận định càn khôn.

Trịnh Căn gật đầu. Bước lại gần người lính đang bưng thau nước, lau rửa những vết máu còn dính trên tay, hỏi tiếp:

- Vậy ông có biết, những vết máu này là của ai không?

- Bẩm Tiết chế... - Lê Thì Hiến ngập ngừng.

- Đó đều là máu của các binh sĩ trung thành với họ Trịnh ta mà vượt Linh Giang (sông Gianh) để vào đây... - Trịnh Căn tức giận - Họ đã tin tưởng ta mà chiến đấu, để chờ ngày chiến thắng trở về quê hương. Nhưng rồi lũy Trấn Ninh vẫn chưa bị công hạ, binh sĩ của ta thì phải bỏ mạng không biết bao nhiêu mà kể. Ông nói thử xem. Ta còn mặt mũi nào nhìn cha mẹ, vợ con của họ nữa đây?

Lê Thì Hiến không đáp, lầm lũi cắn răng để chủ soái trách phạt. Các chư tướng thấy thế cũng không dám hé môi nửa lời. Trịnh Căn lệnh cho quân pháp bắt hết các cai đội, đội trưởng và binh lính không hăng hái xông lên đánh lũy hoặc sợ chết thoái lui đem ra chém đầu để răn đe trước ba quân, cả thảy gần trăm người. Lê Thì Hiến rụng rời, vội vã can ngăn:

- Bẩm Tiết chế! Làm thế lúc này là hạ sách, chỉ khiến lòng quân thêm loạn. Mạt tướng xin chịu phạt thay cho các tướng sĩ.

Các tướng cũng vội quỳ xuống, tiếp lời của Lê Thì Hiến mà khuyên can. Thế nhưng, người kế vị tương lai của họ Trịnh không dễ dàng bị lay chuyển.

- Giết trăm người để vạn người hăng hái tiến lên giết địch. Tiếng ác đó ta sẵn sàng mang. Hãy lo việc ân tuất cho chúng thật tử tế, như với những người đã chiến đấu dũng cảm.

Đoạn, Trịnh Căn bước đến, khoác tấm áo choàng của mình cho Lê Thì Hiến, nhìn sâu vào mắt của người chiến tướng dạn dày rồi siết chặt hai vai:

- Hai ngày nữa, tiếp tục công phá lũy Trấn Ninh cho đến khi chiến kì của ta tung bay trên đó. Đừng để máu của các anh em binh sĩ đổ xuống vô ích. Ta tin tưởng ở ông.

Lê Thì Hiến nghe vậy dập đầu ba cái rồi quay về doanh trại kiểm điểm binh mã.

Minh hoạ: Hải Kiên

4.

Trấn Ninh oằn mình trước sức tấn công như vũ bão của quân Trịnh.

Lê Thì Hiến đốc suất ba ngàn quân đến sát dưới lũy, san hào lấp rãnh, hợp sức đánh gấp. Súng thần công khai hỏa tấp cập. Những bức lũy lần lượt vỡ toạc. Tiếng tù và nổi lên. Bộ binh quân Trịnh ào ạt xung phong. Quân Nguyễn ở trên bày súng bắn xuống xối xả. Quân Trịnh lại đào đất khoét vào thân lũy, cho bắn đạn lửa, thả diều giấy nhân có gió mà phóng hỏa. Lửa lớn bùng lên, nuốt chửng cả một đoạn lũy dài trong tiếng la hét quằn quại.

Tướng Trương Phúc Cương vội cho người đến đồn Sa Thủy cáo cấp, xin bỏ Trấn Ninh, lui về giữ đồn Mỗi Nại. Công tử Hiệp Đức đáp:

- Quân ta lui một chút, giặc tất thừa cơ đuổi theo. Nên phải gắng sức mà giữ, thế nào ta cũng đến cứu.

Đoạn, vội sai người ruổi ngựa đến lũy Sa Phụ lệnh cho Nguyễn Hữu Dật mang quân đến cứu Trấn Ninh. Lúc này quân Trịnh đã tràn lên kín cả mặt lũy. Trương Phúc Cương ra sức thúc quân chống cự. Chiều tàn, Trương Phúc Cương khóc ròng mà than:

- Chủ tướng ơi! Lũy sắp mất rồi! Sao giờ viện binh vẫn chưa đến?

Vừa lúc ấy, tiếng súng nổ ran trời, đám quân Trịnh mới tràn lên mặt lũy đã ngã xuống như rạ. Công tử Hiệp Đức mang quân đến. Quân Nguyễn chiếm lại đoạn lũy bị mất nhưng thương vong quá nửa. Những bức lũy vẫn tiếp tục rung chuyển trước đạn súng và đá lửa của quân Trịnh. Xác người chồng chất lên nhau, máu tươi nhuộm đỏ khắp nơi.

Công tử Hiệp Đức sốt ruột nhìn về luỹ Sa Phụ. Tại sao giờ này Nguyễn Hữu Dật vẫn chưa mang binh đến? Hay thám mã cử đi không đến được nơi? Bỗng một loạt tiếng súng chát chúa vang lên gần đó khiến vị nguyên soái giật mình. Chàng quay lại, thấy một người lính đang cố giữ chặt hai tấm ván che chắn cho đồng đội đưa thương binh xuống khỏi mặt lũy. Tên và đạn găm vào hai tấm ván chi chít. Người lính vẫn kiên trì bám trụ cho đến khi người cuối cùng được đưa xuống. Công tử Hiệp Đức vội băng mình về phía người lính ấy:

- Ngươi hãy đến lũy Sa Phụ, truyền lệnh của ta yêu cầu Nguyễn Hữu Dật phải đưa quân đến cứu Trấn Ninh gấp. Nói với ông ta, nếu chậm trễ khiến lũy bị mất, ta sẽ nghiêm trị không tha.

Người lính nhận lấy tấm lệnh phù, bỏ vào ngực áo, toan quay đi thì Công tử Hiệp Đức níu lại, nghiêm giọng:

- Vận mệnh của mấy ngàn tướng sĩ ở đây cùng dân chúng phía sau đặt cả vào ngươi. Chỉ cần lũy được cứu, ngươi và họ tộc của mình sẽ được vinh phú đời đời.

Người lính lắc đầu:

- Bẩm! Tui chỉ muốn được bình an trở về với mẹ mà thôi.

Dứt câu, anh ta khom người rời đi gấp gáp. Bỗng, Hiệp Đức chợt nhớ ra điều gì đó, liền gọi với theo:

- Ngươi tên là gì? Cha mẹ ở đâu?

- Tui tên Thắng, con của mệ Hạnh còng ở làng Động Hải.

Nói đến đó, một quả đạn bay tới, nổ ầm khiến đất đá cát sỏi văng lên tung tóe, Hiệp Đức ngã bật ra, đầu đập vào vách lũy. Trương Phúc Cương thét lính mang khiên che chắn cho nguyên soái. Cơn choáng váng qua đi, Hiệp Đức vùng dậy, lao ra phía sau mặt lũy. Người lính truyền tin vẫn còn sống, anh ta nhảy lên ngựa rồi khuất dần sau lớp bụi mịt mù.

 

5.

Trời đã gần tắt nắng, Trịnh Căn quyết định tung lực lượng để dứt điểm trận đánh. Mấy ngàn thủy quân được điều đến hỗ trợ Lê Thì Hiến, quyết tâm lấy được lũy Trấn Ninh trước khi mặt trời lặn. Lúc này, quân Nguyễn chỉ còn hơn ngàn người nhưng phải dàn ra bảo vệ một phòng tuyến kéo dài từ núi Đầu Mâu đến cửa sông Nhật Lệ. Tiếng tù và lại nổi lên. Quân Trịnh tầng tầng, lớp lớp liều mạng trèo lên kín cả mặt lũy. Quân Nguyễn ra sức đánh trả nhưng đuối dần, nhắm không cầm cự thêm được nữa.

Công tử Hiệp Đức và Trương Phúc Cương cũng đã kiệt sức. Tựa vào vách lũy với vết đạn lỗ chỗ và tên găm chi chít, cả hai bất lực nhìn binh lính của mình từng người ngã xuống. Một tốp quân Trịnh lăm lăm gươm giáo xông tới. Hiệp Đức lấy chiếc vòng gỗ ngắm nghía và thở dài. Mùi gỗ hương dịu nhẹ thoang thoảng trước cánh mũi át đi mùi tử khí khen khét, nồng nặc của khói lửa, thuốc súng và máu thịt. Đó là hương thơm dễ chịu nhất mà chàng cảm nhận được kể từ khi đặt chân đến mảnh đất Bố Chính này.

Những mũi giáo nhọn hoắt đã đến rất gần. Hiệp Đức nhắm mắt. Bình thản.

“Đoàng ! Đoàng ! Đoàng !”

Tốp lính quân Trịnh gục xuống.

- Quân cứu viện đến rồi!

Tiếng reo hò của quân sĩ khiến công tử Hiệp Đức bừng tỉnh. Nhìn lá cờ hiệu thêu ba chữ “Chiêu Vũ hầu” phấp phới trên chiến lũy, chàng nghiến răng, lửa giận phừng phừng, lao đến trước Nguyễn Hữu Dật hỏi nguyên do chậm trễ. Nguyễn Hữu Dật mặt không biến sắc, xin chủ tướng lui về giữ Sa Phụ trước, còn mình sẽ ở lại giữ Trấn Ninh, mọi chuyện sẽ tâu bày sau. Công tử Hiệp Đức miễn cưỡng chấp thuận. Trước khi rời đi, chàng sực nhớ ra, bèn hỏi:

- Người lính truyền tin hiện giờ đang ở đâu?

Nguyễn Hữu Dật lắc đầu. Đoạn, lệnh cho người đưa nguyên soái đi ngay.

Lũy Trấn Ninh đã bị phá vỡ hơn ba mươi trượng. Đang đêm tối, hai bên chỉ cách nhau gang tấc mà không nhìn thấy nhau. Nguyễn Hữu Dật phải cho quân bó củi và cỏ khô làm đuốc, đốt lửa soi sáng. Quân Trịnh ngờ có phục binh, không dám tới gần. Nguyễn Hữu Dật kịp sai quân sĩ dựng ván làm phên, lấy đất đá vá thành.

Đương khi quân Trịnh dồn lực lượng để tiếp tục tấn công, mấy ngàn quân cảm tử theo kế hoạch của Nguyễn Hữu Dật đã lợi dụng đêm tối vòng ra sau doanh trại của quân Trịnh, nhằm kho lương mà đốt phá. Trịnh Căn vội vã cho quân đến cứu thì đã muộn. Lê Thì Hiến buộc phải dừng tấn công, thu binh về doanh trại với Trịnh Căn để họp bàn.

Lúc này, ở lũy Sa Phụ, Công tử Hiệp Đức đã ổn định tướng sĩ, hay tin Nguyễn Hữu Dật đã đẩy lui được quân Trịnh, đồng thời đốt phá kho lương khiến quân địch phải tạm dừng tấn công thì khấp khởi vô cùng. Bất giác, nhớ đến cái lắc đầu của Nguyễn Hữu Dật, chàng bèn tìm hỏi những quân lính còn ở lại giữ Sa Phụ. Có người chỉ đến chỗ quân y trị thương cho binh sĩ. Hiệp Đức vội vã đến ngay. Khi cánh cửa được mở ra, chiếc vòng gỗ trên tay chàng rơi xuống lúc nào không hay.

 

6.

Khí hậu đất Bố Chính nắng hè oi bức, cháy da cháy thịt, khô nẻ ruộng đồng. Khí trời ẩm ướt với những cơn mưa nặng hạt ngày đông, quân Trịnh đổ bệnh ngày càng nhiều, tinh thần chiến đấu giảm sút nghiêm trọng. Quân lương chỉ còn đủ hai tuần. Nếu tình hình kéo dài, không cần quân Nguyễn phản công, đại quân họ Trịnh không đánh cũng tự tan.

Sau mấy ngày suy nghĩ, Trịnh Căn ban lệnh, chỉnh đốn toàn quân, sáng sớm ngày mai, đem toàn bộ tù binh quân Nguyễn ra tế vong hồn các tướng sĩ tử trận. Sau đó, đốt sạch doanh trại, đánh đắm thuyền bè, đập hết nồi niêu, toàn quân mang theo lương thực cho ba ngày, quyết tâm đánh một trận sống mái với quân Nguyễn.

Các tướng ai cũng đều chết lặng. Duy chỉ có Lê Thì Hiến dám mở miệng tranh biện:

- Tiết chế! Ngài định làm Sở Bá vương Hạng Vũ khi đại chiến với quân Tần ở Cự Lộc năm xưa?

Trịnh Căn cười lớn:

- Tên thất phu Hạng Vũ sao dám so với ta. Mộng của hắn chỉ quẩn quanh nơi đất Sở cỏn con, mộng của ta là cả thiên hạ Đại Việt rộng lớn này.

Nghe đến đó, Lê Thì Hiến vẫn cố sức khuyên can. Viện lẽ rằng quân Trịnh dù đang gặp khó khăn nhưng chưa đến mức nguy khốn. Quân Nguyễn chỉ cố gắng phòng thủ chứ không dám phản công. Ở Thanh Hà, vẫn còn mấy vạn quân của chúa Trịnh Tạc tiếp ứng. Hà tất phải liều mạng đánh một ván dốc túi như thế.

Trịnh Căn chưa biết đáp sao thì Lê Thì Hiến đã nói tiếp:

- Cứ cho là quân ta vượt qua được lũy Trấn Ninh thì còn phải đối mặt với lũy Trường Dục. Quân Nguyễn nghe tin chúng ta giết tù binh thì sẽ quyết tâm tử chiến không hàng, lúc ấy lại càng bất lợi cho ta. Việc giết tù binh là muôn phần không nên.

Trịnh Căn vẫn im lặng để Lê Thì Hiến nói hết, rồi chậm rãi đáp:

- Giờ quân lương sắp cạn, anh em binh sĩ còn không đủ ăn lấy gì nuôi đám tù binh kia. Giữ chúng lại sẽ làm giảm tốc độ hành quân mà thả về thì chúng sẽ tiếp tục cầm gươm giáo đánh lại chúng ta. Nếu không giết chúng thì phó tướng có kế nào hay hơn nói thử ta nghe?

Lê Thì Hiến biết chẳng thể lay chuyển được, đành miễn cưỡng lui xuống. Bên ngoài, một cơn mưa chiều bất chợt ghé ngang doanh trại, để lại trên mặt đất những vũng bùn lầy lội, loang lổ và ẩm ướt đến khó chịu. Các tốp lính quân Trịnh đốt lửa rồi buồn bã co ro một góc. Những hạt mưa lạnh lẽo hắt lên những khuôn mặt nhợt nhạt, ủ rũ vì nhớ nhà, mong ngóng từng ngày được trở về quê hương.

Lợi dụng đêm tối, gián điệp quân Nguyễn đã rời khỏi doanh trại quân Trịnh, mang theo tin tức cho Nguyễn Hữu Dật. Vị chiến tướng tóc bạc sắp bước qua tuổi bảy mươi tỏ ra không chút nao núng. Lũy đã được sửa sang kiên cố như trước. Mưa liên tục, hỏa dược đều ẩm ướt, các loại hỏa khí như súng thần công, máy bắn đá lửa khó mà phát huy tác dụng. Quân Trịnh không có hỏa khí yểm trợ mà dám xông lên đánh lũy thì đúng là chui đầu tự sát. Trịnh Căn thèm khát chiến thắng đến phát điên mất rồi. Điều khiến ông bận lòng nhất đó là mấy trăm binh sĩ sẽ bị quân Trịnh đem ra giết ngày mai.

 

7.

Vầng đông của ngày mới vẫn chưa ló rạng sau những lớp mây đen ngổn ngang, u ám, nhưng doanh trại quân Trịnh đã sáng rực ánh lửa. Binh lính nhận lệnh đã sửa soạn cả đêm. Ai nấy đều nai nịt gọn gàng, gươm giáo, cung tên, súng ống đã chuẩn bị xong. Mặc cho các tướng lĩnh ra sức khích lệ, vẻ mệt mỏi, lo âu không giấu được trên mỗi khuôn mặt. Ai cũng biết cái chết đang chờ mình. Nhưng họ chấp nhận và phó mặc cho số phận. Nếu không chấp hành mệnh lệnh, không chỉ bản thân bị giết mà cha mẹ, vợ con ở quê nhà cũng sẽ phải liên lụy.

Hơn mấy trăm tù binh quân Nguyễn được giải đến trước đài tế. Những tên đao phủ mặt sắt, phanh ngực, khệnh khạng vác những thanh đao to đi tới. Những lưỡi đao có lẽ đã được mài cả đêm, sắc lạnh. Cứ mười tù binh lại có một đao phủ. Những tù binh quân Nguyễn tỏ ra bình thản đón nhận cái chết. Họ bị quan quân Đàng Trong bắt đi lính, đi lao dịch, xây thành, đắp lũy, khổ nhọc hết năm này qua năm khác.

Tất cả đều im lặng, hồi hộp chờ thầy tế bước lên đài làm lễ. Bỗng Trịnh Căn hạ lệnh ngừng lại khi thấy bên dưới có một hàng lính đeo khăn tang trắng xóa. Ông cho người xuống tra hỏi. Với giọng địa phương đặc sệt, người cai đội đứng trước hàng lính chậm rãi tâu:

- Bẩm chủ tướng! Bầy tui đều là những hương binh mới được tuyển mộ ở các làng của châu Bắc Bố Chính rồi theo đại quân vô đây. Hôm ni, chủ tướng cho giết tù binh, họ là dân Nam Bố Chính. Bắc hay Nam thì đều là con dân Bố Chính cả. Lệnh trên ban xuống, bầy tui không dám trái, chỉ xin được đeo khăn tang đưa tiễn cho những người đồng hương thanh thản xuống suối vàng.

Nghe vậy, Trịnh Căn gật đầu khen:

- Dân Bố Chính các ngươi quả là trọng nghĩa trọng tình. Quân bay! Ban rượu để cho những người đồng hương được cạn chén tiễn nhau. Sau hôm nay, sẽ không còn Bắc Bố Chính hay Nam Bố Chính nữa, mà chỉ có một châu Bố Chính duy nhất của Đại Việt mà thôi.

Rượu được mang đến. Những người lính Bắc Bố Chính bên Trịnh rót đầy ra bát, đem cho những người lính Nam Bố Chính bên Nguyễn uống cạn. Ai nấy cũng bùi ngùi khó tả. Chỉ mới hôm qua, họ còn lao vào nhau đánh giết không khoan nhượng vậy mà hôm nay vẫn chia nhau chén rượu nồng vì tình đồng hương.

Thầy tế đã làm lễ xong. Ba hồi trống vang lên. Những tên đao phủ đã vào vị trí. Trịnh Căn đưa tay lên cao, chuẩn bị ra hiệu. Bỗng có tiếng vó ngựa ầm ầm phi đến.

- Tin hỏa tốc từ chúa thượng!

Trịnh Căn vội vã xuống đài, nhận lấy thư từ thám mã. Và rồi, vị Tiết chế oai phong của họ Trịnh buồn bã thở dài:

“Trời không giúp ta rồi!”

 

8.

Nguyễn Hữu Dật đứng lặng hồi lâu. Mới hôm qua, trời còn mưa tầm tã mà hôm nay đã khô ráo trở lại. Thời tiết thuận lợi như vậy nhưng sao quân Trịnh vẫn chưa tấn công. Hay lại có quỷ kế gì đây. Từ tháp canh mới dựng lại, người lính gác hô lớn báo động khi thấy một đám đông đang di chuyển chậm chạp về phía lũy Trấn Ninh:

- Có người đến! Có người đến!

Nguyễn Hữu Dật quay lại, lệnh cho các xạ thủ vào vị trí chuẩn bị. Các khẩu thần công, máy bắn đá đã sẵn sàng. Ai nấy đều hồi hộp, nín thở chờ đợi.

Thế nhưng, qua chiếc ống nhòm mua của thương nhân Tây Ban Nha, Nguyễn Hữu Dật nhận ra đó đều là quân lính của mình được quân Trịnh thả về. Xung quanh không thấy dấu hiệu của quân Trịnh di chuyển. Vị tướng già hết sức cảnh giác, cho người phi ngựa ra khỏi lũy do thám tình hình.

- Quân Trịnh rút lui rồi! Quân Trịnh rút lui rồi!

Các thám mã hồ hởi quay về báo tin. Tướng sĩ phía trên biết được ai nấy đều vỡ òa sung sướng.

- Không còn phải đánh nhau nữa rồi!

- Về nhà ! Chúng ta sẽ được về nhà!

Nhìn binh sĩ vui sướng ôm lấy nhau như những đứa trẻ, Nguyễn Hữu Dật cũng thở phào nhẹ nhõm. Nếu Trịnh Căn liều chết tấn công chắc chắn thương vong cho cả hai bên sẽ rất khủng khiếp.

Sau này, Nguyễn Hữu Dật mới biết, Trịnh Căn nhận được thư báo, chúa Trịnh Tạc đóng ở sông Gianh bị trúng gió độc phải vội vã về Bắc. Quân tiếp ứng bị mất, buộc lòng Trịnh Căn phải lui binh, chỉ để lại Lê Thì Hiến trấn thủ, phòng khi quân Nguyễn đánh ra. Cũng nhờ những người lính Bắc Bố Chính liều mình mang khăn tang nên mới kéo dài thời gian, qua đó, cứu những người đồng hương ở Nam Bố Chính thoát chết trong phút chót. Trịnh Căn cũng vì cảm phục nên không bắt người về Bắc mà tha hết cho tù binh quân Nguyễn được trở về bản quán.

Nam Bắc từ đây có thể sống những tháng ngày bình yên được rồi. Tin mừng bay đến đồn Sa Phụ. Quân tướng đều mừng vui như hội, duy chỉ có Công tử Hiệp Đức chẳng hé được nụ cười.

 

9.

Ngôi làng nhỏ bên bờ sông Nhật Lệ hôm nay đón những người con của làng trở về. Có người còn lành lặn, có người mất đi một phần thân thể, cũng có người nằm im trên những chiếc xe chở xác. Những tiếc khóc nức nở lại vang lên dưới những mái tranh đìu hiu, xơ xác. Có những tiếc khóc vỡ òa vì hạnh phúc đoàn tụ, nhưng cũng có những tiếng khóc xé lòng vì âm dương cách biệt.

Như mọi lần, bà lão còng lưng lại thấp thỏm ở cửa, lại tất tả chạy tới bên chiếc xe chở xác, rồi lại run rẩy mở từng lớp chiếu lên. Nhưng rồi, vẫn không thấy con trai đâu, bà lật đật chạy theo hỏi những người trở về, hết người này đến người khác nhưng ai cũng đều lắc đầu.

Lê những bước chân vô hồn trở về nhà, bà nhận ra ai đó đang đợi mình trước cửa. Không phải thằng Thắng con trai bà, mà là vị tướng quân bà đã chặn đường. Công tử Hiệp Đức lệnh cho đám tùy tùng lánh đi, chỉ để mình ở lại với bà lão.

- Tướng quân ơi... con trai tui... mô rồi?

Câu hỏi của bà lão còng khiến Công tử Hiệp Đức nghẹn đắng cổ họng. Chàng lấy ra một chiếc hũ màu trắng, ngập ngừng đưa cho bà:

- Hãy thứ lỗi cho ta. Khi ta đến nơi... thì đã không kịp...

Bà lão gục xuống, chết lặng, hai con ngươi trắng đục đã ầng ậng nước. Hiệp Đức bối rối, chẳng biết an ủi sao cho phải. Bà lão còng mở chiếc hũ, run run lấy một nắm tro cốt của con trai đặt lên gò má nhăn nheo, chằng chịt của mình. Trái ngược với suy nghĩ của Hiệp Đức, bà không khóc, không gào lên vật vã, đau khổ như những người mẹ mất con mà chàng đã thấy. Có lẽ, nước mắt của bà đã cạn rồi.

- Con trai tui... có giúp được chi... cho tướng quân không?

Hiệp Đức sững sờ trước câu hỏi của bà lão.

- Đó là người lính dũng cảm nhất trong số những người lính dũng cảm mà ta được thấy. Lũy Trấn Ninh sắp mất, ta đã cho người đi tìm quân cứu viện, nhưng đều bị phục kích chết cả. Chỉ có con trai bà vượt qua được vòng vây. Nhờ đó, viện binh mới đến kịp thời, chiến lũy cùng mấy ngàn người bọn ta được cứu trong gang tấc. Nhưng... anh ta trúng đạn... trên lưng có cả chục vết bắn...

Công tử Hiệp Đức lấy ra chiếc vòng gỗ, đeo lại vào tay cho bà lão. Chàng quỳ xuống trước người mẹ mất con, cúi đầu…

N.A.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)