Hoa pằng nảng rơi rơi

Chủ Nhật, 11/04/2021 00:55

Vì yêu mến tờ tạp chí Văn nghệ Quân đội đã lâu, là một người lính, nên khi viết truyện ngắn đầu tay vừa ráo mực tôi liều lĩnh gửi nó đến Nhà số 4. Sau khoảng thời gian ngắn, ngày 24/3/2008, tôi nhận được thư của nhà văn Đỗ Tiến Thụy. Nhà văn trao đổi truyện ngắn còn một vài chỗ cần chỉnh sửa để đẩy chất lượng truyện lên. Anh cũng chia sẻ rất vui mừng vì quân đội lại xuất hiện một tác giả triển vọng.

Lá thư của nhà văn cho tôi cảm giác đúng như ngày nhận được giấy báo trúng tuyển đại học. Sau này, Đỗ Tiến Thụy bảo khi đọc Hoa pằng nảng rơi rơi anh nghĩ tôi đã cứng tuổi và chắc hẳn từng qua một trường liên quan đến văn chương hay báo chí rồi. Nhưng thực sự lúc ấy tôi vẫn còn khá trẻ, mới tốt nghiệp Học viện Biên phòng hơn một năm và đang mang quân hàm trung úy.

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy cho biết, Văn nghệ Quân đội đang tổ chức Cuộc thi Truyện ngắn 2008 - 2009, anh động viên tôi chỉnh sửa nhanh để tham gia ngay vào chặng “khởi động” của cuộc đua văn chương hứng khởi, rầm rộ nhưng cũng đầy cam go, “khốc liệt”. Theo anh, tôi nên đổi tên truyện Mùa hoa gạo (tên cũ của truyện) vì nó rất cũ, rất thường và cần sửa lại một đoạn gần cuối truyện mà tôi sử dụng yếu tố kì ảo để lí giải cái vòng luẩn quẩn khổ đau của những người đàn bà trong gia đình Dúa. Được gợi ý, trong một buổi tối, tôi đã cắt bỏ yếu tố kì ảo và thay bằng những tình tiết khác. Nhưng truyện gửi đi rồi mà tôi vẫn chưa nghĩ ra một cái tên gắn với loài hoa mang tính biểu tượng xuyên suốt truyện. Mặc dù trước đó tôi đã hỏi một số cán bộ, chiến sĩ người Mông trong Đồn Biên phòng Thàng Tín: “Hoa gạo trong tiếng Mông là gì?”, nhưng không ai biết. Tôi phải dùng một cái “phao cứu trợ” khác là nhà văn Chu Thị Minh Huệ, Biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Hà Giang, đang học lớp tiếng Mông buổi tối do khối các cơ quan tỉnh Hà Giang tổ chức. Sau mấy hôm tìm “cao thủ” tiếng Mông nào đó, Huệ cho tôi đáp án: “Hoa pằng nảng.” Mặc dù còn “nghi ngờ” độ chuẩn xác của nó, nhưng tôi thấy xuôi xuôi nên quyết luôn tên truyện là Hoa pằng nảng rơi rơi.

Nói thêm, ngày tôi nhận thư của nhà văn Đỗ Tiến Thụy là một ngày đặc biệt. Cùng với thư của nhà văn là một lá thư nữa làm trái tim trai trẻ của tôi vui sướng đến nghẹn lại - lá thư của người con gái mà tôi đem lòng thương nhớ. Sau mấy tháng ròng tổng tiến công vào “mục tiêu” giờ nàng mới chịu “đầu hàng” và phát tín hiệu cho tôi bước vào trái tim của cô sinh viên sư phạm đầy kiêu hãnh. Giờ đây, viết những dòng này, khi đã bước vào con đường văn chương hơn mười năm, kết hôn tròn mười năm, tôi nghiệm ra rằng những gì đến với tôi cùng lúc, thường tôi chỉ thành công được một việc. Duyên đôi lứa tôi đã thành. Duyên văn chương tôi chỉ được một nửa ở niềm đam mê, trân trọng nhưng thiếu khuyết một nửa là con đường, môi trường chuyên nghiệp. Tôi tin vào duyên - số của mỗi đời người.

Bạn bè văn chương đọc Hoa pằng nảng rơi rơi nói với tôi sao mà buồn đau nối tiếp buồn đau của những số kiếp đàn bà? Tôi cũng lại nghĩ đến chữ duyên - nợ. Những người đàn bà máu mủ ruột rà trong gia đình tôi, dù còn sống hay đã đi thật xa đa phần đều đã từng khổ sở, vất vả. Họ luôn ở trong tim tôi với niềm kính ngưỡng, yêu mến và ăm ắp nhớ thương... Ngày mới lên Đồn Biên phòng Bạch Đích, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang công tác, tôi thường làm nhiệm vụ kiểm soát trên các ngả đường và trong khu vực chợ. Cái chợ ấy có tên là Bản Muồng. Tôi đã thấy một phần số kiếp đàn bà, con gái người Mông từ cái chợ ấy. Tiết tháng ba, dưới làn mưa xuân lây rây, những bông hoa gạo cháy đỏ trong trời biên tái, rực rỡ rụng rơi ven đường bên bước chân của những người đàn bà Mông lầm lụi xuống chợ; những gương mặt đàn bà Mông cúi gằm trước món hàng mình bán, tay nhẫn nại tước lanh; những bóng đàn bà Mông bước sau đuôi ngựa của chồng khi chợ tàn, liêu xiêu, nhập nhòa vào sương núi... sẽ không bao giờ bước ra khỏi tâm trí tôi. Có lẽ, Hoa pằng nảng rơi rơi ra đời từ những yêu thương, xa xót, ám gợi đó.

Tôi đồng tình với nhận định tác phẩm đầu tay thường định hình cái “tạng” của người viết. Âm hưởng buồn thương về đàn bà, nhất là đàn bà Mông với thân phận, niềm đau và tình yêu của họ nhiều lần trở lại trong sáng tác của tôi. Bạn đọc, bạn viết nhắn tin với tôi họ đã buồn cả ngày trời vì một cái kết, một thân phận đàn bà Mông nào đó trong truyện của tôi. Đôi khi bắt đầu một câu chuyện tôi cũng muốn nhân vật đàn bà của mình bớt khổ đau, kết truyện tươi sáng hơn, nhưng cuối cùng tôi đã không thể làm được điều ấy. Phải chăng càng thương mến những người đàn bà thì trong tác phẩm của tôi họ càng đau khổ. Tôi từng bị tổng biên tập một tạp chí văn chương từ chối truyện ngắn với lí do duy nhất: “Nhân vật quá khổ sở!”

Có lẽ yêu thương đàn bà, viết về thân phận đàn bà là cái duyên của tôi. Mà duyên thường gắn với nợ. Tôi e rằng nợ nần này, tôi dùng chữ nghĩa, và cả những gì ngoài chữ nghĩa cũng sẽ không bao giờ trả hết được…

Nhà văn NGUYỄN PHÚ

****************

- Dúa ơi, Dúa à, mày lại đi đâu rồi?

Biết là tiếng mẹ nhưng Dúa vẫn không trả lời. Mẹ cũng biết Dúa ra đấy mà vẫn cứ gọi thôi. Phía sau Dúa không xa bọn con trai, con gái Tày, Nùng đang say sưa trong hội tung còn. Bọn nó cười đùa thật vui, chẳng như Dúa đang héo từng khúc ruột. Mấy mùa xuân rồi Dúa cứ đứng như thế. Mẹ Dúa rối bời ruột gan nhưng chẳng can được Dúa, chỉ có con Súa, em gái Dúa, cứ ra kéo Dúa về. Bao giờ nó cũng lúng búng trong miệng: “Chị à, phải thương mẹ chứ, đi về thôi!”

Bây giờ đang là mùa xuân. Ở cái bản Há Già heo hút này người ta tổ chức hội xuân vui lắm. Bọn con trai con gái hát iếu, hát cọi, thổi khèn, kèn lá... rồi từng đôi từng đôi dắt nhau đi chơi. Người già, người trẻ, cả trẻ con nữa đều có thể uống rượu. Hoa đào hoa mận hoa lê nở bừng lên. Lũ chim rừng líu lo gọi bạn tình. Nhưng dường như Dúa không nhìn thấy gì, không nghe thấy gì. Lòng Dúa đang nghĩ về một nơi xa lắm, ở đó có Phừ. Tết này Phừ có thổi khèn nữa không nhỉ? Phừ không thổi khèn thì thật tiếc, nơi đó sẽ không có mùa xuân...

Gốc pằng nảng nơi Dúa đang đứng đây bao năm Phừ và Dúa đã ngồi. Phừ đã bảo: “Bao giờ cây pằng nảng này không còn nở hoa thì Phừ mới không thổi khèn, không ngồi với Dúa nữa.” Cây pằng nảng to đến mấy người ôm không hết. Mỗi dịp xuân về cây như một người khổng lồ với hàng trăm cánh tay thô ráp, khô gầy đang cầm những đốm lửa nho nhỏ vươn lên cùng mây trời. Như khao khát dâng hiến sức xuân, sắc xuân cho đất trời. Những nhành cây nho nhỏ giống hàng ngàn ngón tay như muốn kéo tuột những đám mây đang lơ lửng trên cao xuống đất. Những bông hoa có một sắc đỏ đến mê hoặc lòng người. Hoa lìa cành về với đất vẫn da diết, tươi roi rói một màu máu. Có người bảo đó là nước mắt, là máu trong tim của những người đàn bà... Người già nhất ở bản này cũng không ai biết nó có từ khi nào. Dúa chỉ nghe kể rằng những người Tày đến đây đầu tiên, họ thấy cây pằng nảng và khoảng đất đẹp nên dừng lại lập bản. Người Tày lập bản thì người Nùng, người Mông cùng về quần tụ. Ba dân tộc rất yêu thương nhau, coi nhau như anh em một nhà. Ngày tết mọi người kéo đến nhà nhau uống rượu đến say mới thôi. Dúa lặng nhìn về phía dãy núi Pư Khảo. Những đám mây trắng muốt mỏng tang đang như ôm ấp ve vuốt những đỉnh núi nhọn hoắt. Một bông pằng nảng rơi trúng Dúa, không làm Dúa thấy đau mà êm êm ở đỉnh đầu. Ngước mắt nhìn lên Dúa gặp một vầng đỏ chói ngời, càng nhức nhối trong lòng Dúa những kỉ niệm...

Minh họa: Tô Chiêm

Ngày ngày tháng tháng năm năm. Đời nối đời... Dưới gốc cây pằng nảng này đã có biết bao nhiêu người phải đứng như Dúa nhỉ? Dúa đâu có thể biết được. Có lẽ chỉ cây pằng nảng biết và những ngọn núi kia biết...

Người đàn bà có nước da trắng mịn màng, đôi mắt u sầu bế đứa con chưa đầy ba tháng tuổi trên tay. Làn da người đàn bà đã chuyển thành tái xám vì mưa lạnh hay vì nỗi đau trong lòng. Nước mắt người đàn bà đang chảy vào trong. Đứa con trên tay cứ khóc ngằn ngặt. Nhưng mẹ nó dường như không biết đến điều đó. Bố nó vừa bị người nhà quan châu bắt đi rồi. Bao người dân ở cái vùng cao này như bầy ngựa trong chuồng nhà quan châu thôi, họ bắt đi lúc nào chả được. Đã mấy mùa hoa nở người đàn bà đứng dưới gốc pằng nảng này nhìn về phía dãy núi Pư Khảo mà chẳng thấy gì nữa, chỉ thấy mắt mình cứ mờ đi, mái đầu thêm bạc. Người ta bảo chồng bà đi mở đường cho quan châu đã bị rơi xuống vực. Người đàn bà trở về ôm đứa con gái bé nhỏ và ru nó bằng những lời ứa máu. Người đàn bà đó là cụ ngoại Dúa.

Mùa xuân ấy bản Há Già thật nhộn nhịp. Nhộn nhịp bước chân người già. Hối hả bước chân thanh niên. Cuống cuồng, líu ríu bước chân phụ nữ. Bản ngập tràn bóng áo xanh bộ đội. Người ta lấy Há Già làm nơi đưa tiễn những chàng trai ở tất cả các bản quanh đó lên đường đi chiến đấu. Bản Há Già đi đông nhất, những năm người. Bản tổ chức uống rượu, thổi khèn, hát iếu, hát cọi thâu đêm suốt sáng. Có đến hai đêm liền như thế. Đến sáng ngày thứ ba thì các anh bộ đội rời bản. Người già trong bản lo thì lo lắm nhưng vẫn vui vẻ để con cháu lên đường. Cuộc đưa tiễn có không biết bao nhiêu nước mắt đàn bà. Nước mắt hòa vào triệu triệu hạt mưa, thấm xuống đất, tan cùng nước suối trôi đi. Đoàn bộ đội đi rồi, có một người đàn bà địu đứa con sau lưng ra đứng dưới gốc pằng nảng nhìn theo bóng họ khuất sau dãy núi. Người đàn bà không nhớ ra đấy đứng ngồi mong đợi đã mấy mùa xuân. Chỉ biết đã ngồi mòn cả một hòn đá đợi cho đến ngày những người đàn ông năm đó trở về. Nhưng trong số ba người trở về không có người đàn ông của bà. Những đêm đông người đàn bà ôm đứa con gái bé bỏng vào lòng ru nó bằng những lời ru ứa máu. Người đàn bà đó là bà ngoại Dúa.

Vào một buổi chiều xuân hơn mười năm trước cũng có một người đàn bà đứng dưới gốc pằng nảng này tiễn chồng. Chồng bà cùng một người bạn dắt hai con ngựa thồ mang mật ong, tam thất, thớt nghiến... xuống chợ vùng xuôi để bán, hẹn gần tết sẽ về mua thật nhiều quần áo đẹp cho vợ và hai đứa con gái. Gần tết, qua tết... người đàn bà chẳng thấy gì ngoài những đám mây cứ tan ra theo gió bay mất hút sau dãy núi. Hai người đàn ông đó không trở về. Có người cùng bản đi chợ vùng xuôi nói họ đã đi theo hai người đàn bà khác. Người đàn bà không tin điều đó là sự thật nhưng thời gian và sự bặt tin của người chồng đã bào mòn niềm tin, sự hi vọng và mùa xuân sau bà không ra ngóng nữa. Những đêm dài tê tái bà ôm hai đứa con nhỏ vào lòng, nước mắt thấm ướt cả tóc chúng nó. Bà lo sợ cho tương lai của những đứa con. Năm tháng cứ trôi đi cùng với sự lo lắng. Người đàn bà đó là mẹ Dúa...

Dúa và Phừ quen nhau thật tình cờ. Chiều hôm ấy nghỉ học, đi cắt cỏ ngựa về qua đám nương nhà mình Dúa thấy hai con trâu nhà ai đó to như hai tảng đá lớn, đen bóng hùng hục ăn những cây ngô non mơn mởn. Bụng chúng đã no căng vậy mà khi Dúa lên tiếng đuổi chúng vẫn lì lợm không chịu đi. Tức quá. Giận quá. Sợ cặp sừng cong, nhọn hoắt của con trâu đực nhưng Dúa vẫn xông đến tóm lấy đoạn dây thừng ở cổ nó. Dúa dồn hết sức hai con trâu mới chịu nhích từng bước. Kéo chúng đi được một đoạn Dúa quá mệt. Dúa định ngồi nghỉ một lúc thì có một người chạy từ đằng xa đến. Thì ra là Phừ học ở lớp năm cùng khối với Dúa do cô Thơm chủ nhiệm. Nhà cậu ta ở bản bên.

Dúa ngúng nguẩy, lườm Phừ một cái rồi cúi gằm mặt dắt trâu đi, kệ cho Phừ năn nỉ. Biết mình sai nên cậu ta không dám làm già, đôi mắt cậu như có nước. Không biết vì sợ Dúa bắt trâu hay ân hận vì đã mải chơi. Nhưng không phải Phừ mải chơi. Phừ bảo bài toán nó làm Phừ quên hai con trâu, rồi đưa ra trước mặt Dúa một cuốn sách. Hai con trâu như hiểu tình cảnh của chủ nó, được nước không chịu nhích thêm một bước. À, thì ra chủ và trâu nhà các người cứ lì ra phải không? Mắt Dúa lại gặp mắt Phừ. Dúa thấy tồi tội. Dúa cũng không dắt được trâu đi đành phải thả cho Phừ. Nhưng Dúa xót công sức của bà, của mẹ nên vẫn còn thấy ghét đứa để trâu ăn ngô... Vậy mà những ngày sau hai đứa lại thân nhau.

Thỉnh thoảng Dúa đi cắt cỏ ngựa lại gặp Phừ đi chăn trâu, lần nào Phừ cũng mang sách đi học. Phừ chăm học thật đấy. Dúa thấy mên mến Phừ vì Phừ thật hiền. Có lúc Phừ xin đi cắt cỏ giúp Dúa. Nhiều ngày Dúa thả đôi ngựa non, rất đẹp nơi Phừ chăn trâu. Phừ thấy đôi ngựa bảo: “Vợ chồng nó đẹp đôi nhỉ, thích thật đấy. Ước gì mình với Dúa sau cũng được thế này.” Dúa chưa hiểu vợ chồng là gì nhưng nghĩ được gần gũi với Phừ suốt ngày như đôi ngựa thì thấy thinh thích. Năm học đó Phừ và Dúa cùng lên lớp sáu. Hai đứa đi học chung trường và lại được xếp vào một lớp, càng thân nhau hơn. Đến trường Phừ phải đi qua nhà Dúa nên hôm nào Phừ cũng đến gọi và chờ Dúa cùng đi. Hai đứa vừa đi vừa ríu ra ríu rít như đôi chim non. Buổi được nghỉ học Dúa đi cắt cỏ ngựa, Phừ chăn trâu. Hai đứa mang vở đi học chung. Được Phừ chỉ giúp những bài toán khó, khi nghĩ về cái chữ, cái số Dúa không thấy ong ong ở đầu nữa mà thấy chúng biến hóa kì ảo, thật thích.

Phừ hay động viên Dúa:

- Dúa học giỏi sau này hai đứa mình cùng xuống huyện học nhé!

- Xuống huyện thì xa lắm, nhớ bản, nhớ bà, nhớ mẹ, nhớ cái Súa lắm! Nhưng có Phừ cùng đi thì Dúa sẽ đi.

Năm cuối cấp hai. Phừ vẫn đến rủ Dúa đi học nhưng hai đứa không còn nắm tay nhau nữa và thường đi cách nhau một khoảng. Có lúc Dúa thấy má mình nóng bừng lên khi Phừ nhìn. Cái nhìn của Phừ lạ lắm. Tại sao thế nhỉ, tại sao Dúa không còn dám nhìn lại Phừ như trước kia nữa. Mắt Phừ cứ như có lửa, có rượu ấy.

Gần hết năm học đó, bà Dúa ốm nặng, suốt ngày bà chỉ nằm trên giường kêu rên. Rồi ho. Nhiều đêm những cơn ho của bà kéo dài đến sáng. Ho như xé phổi. Ho như rách cả cuống họng. Mấy mẹ con Dúa sợ lắm. Cô y tá xã đến phát thuốc và tiêm cho bà. Bà vẫn không khỏi ho. Bà nằm nguyên như thế một chỗ, không thể đi lại được. Bà như một chiếc lá treo trên cành cây rừng sắp về với đất rồi. Hình như vẫn còn một chút nhựa nào đó nên chiếc lá vẫn dính lại một cách mong manh, chưa chịu lìa cành. Mẹ Dúa suốt ngày đêm phục dịch bên bà nên người mẹ gầy rộc đi. Nhìn bà, nhìn mẹ, lòng Dúa đau lắm. Con Súa em Dúa còn bé chưa biết gì, chưa làm được gì. Mà nó lại là đứa bé hay nũng nịu, nó thích cái gì là đòi bằng được. Có lẽ Dúa phải nghỉ học giúp mẹ chăm bà thôi. Hôm Dúa bỏ học ở nhà mẹ đã khóc không cho Dúa làm thế. Hôm sau cô giáo chủ nhiệm và Phừ đến. Thế là Dúa lại đi học. Thôi, Dúa cứ đi để học xong lớp chín này.

Cái bệnh vẫn mãi bám theo bà như con ma nhập vào người. Cô y tá bảo không phải ma đâu. Bà Dúa bị liệt, người già thường hay bị thế. Năm học mới đến rồi nhưng Dúa sẽ không thể đi học trường huyện cùng Phừ được. Dúa đi rồi ai sẽ lo cho bà, ai sẽ giúp mẹ đi nương, giúp mẹ nuôi ngựa nuôi lợn nuôi gà đây. Cô giáo và Phừ lại đến động viên, cả bác trưởng bản cũng đến bảo Dúa đi học mà Dúa đã quyết thế rồi.

Những ngày Phừ chuẩn bị xuống huyện học trăng sáng quá. Trăng như muốn dẫn đường cho Phừ đến nhà Dúa được dễ hơn. Không đêm nào Phừ không đến. Hai đứa lại rủ nhau ra gốc cây pằng nảng ngồi. Dúa mang những sợi lanh ra tước từng sợi từng sợi nhỏ tí. Phừ ngắm trăng rồi Phừ thổi khèn. Phừ thổi khèn hay lắm. Tiếng khèn của Phừ làm những đêm liên hoan văn nghệ ở trường vui nhộn mà mênh mang, mung lung, kì ảo. Bao đêm Dúa nghe thấy tiếng khèn của Phừ tha thiết, chập chờn trong giấc ngủ. Nhưng lúc này Dúa đang buồn. Dúa sắp phải xa Phừ rồi. Ông trăng như ngơ ngẩn bởi tiếng khèn của Phừ. Trên mặt Dúa trăng rười rượi. Những giọt trăng đọng lại thành từng dòng trong mắt Dúa, trào ra lăn trên má, mằn mặn ở môi. Phừ không khèn nữa, đau đáu nhìn vào mắt Dúa. Phừ thấy nhói lên từ trong sâu thẳm lòng mình. Ngồi xích lại Dúa, Phừ nắm lấy bàn tay trắng muốt, thon nhỏ, mềm mại của Dúa. Dúa để yên tay mình trong bàn tay chai sần, nóng hổi của Phừ. Bất ngờ Phừ ôm, hôn lên má Dúa. Dúa thấy người nóng ran nhưng vội đẩy Phừ ra. Phừ lấy áo lau nước mắt cho Dúa. Xong rồi, Phừ thì thầm:

- Dúa à, đừng buồn nữa! Phừ đi học rồi tuần nào Phừ cũng về với Dúa mà.

Dúa im lặng, Dúa tin lời Phừ lắm vì đã bao giờ Phừ nói dối đâu. Nhưng tại sao lòng Dúa thấy thắc thỏm và lo sợ thế này. Dúa không thể hiểu được.

Phừ xuống huyện học được nửa năm thì bà Dúa mất. Hàng tuần Phừ đều về bản và qua nhà Dúa. Hai đứa ríu rít bên nhau. Nhiều đêm hai đứa ra gốc pằng nảng ngắm trăng, thổi khèn, tước lanh.

Những ngày xuân là ngày vui nhất ở bản này và là những ngày vui nhất của Dúa. Đó là thời gian Dúa được cùng Phừ đi chơi khắp bản, đi vào rừng hái hoa, nghe tiếng chim, tiếng suối. Phừ đã trở thành một chàng trai cao lớn vạm vỡ. Tấm lưng của Phừ to, vững chắc như cây lim, cây nghiến. Bắp tay cuồn cuộn. Ngực gồ lên như thớt gỗ tốt. Đôi mắt Phừ lúc nào cũng như có lửa. Và Phừ có một bộ râu rất đẹp, dù đã được cạo nhưng nó vẫn xanh đen, thi nhau đâm ra tua tủa. Nhiều cô gái mơ ước được Phừ cầm tay dắt đi chơi. Mọi người bảo Phừ đến bên Dúa rất đẹp đôi. Ai cũng biết Dúa đẹp, dịu dàng nhất bản này, nhất vùng này. Thân hình Dúa chắc lẳn, thon thả. Dúa bước đi mềm mại như cây lanh đong đưa trong gió. Mái tóc dài đen mượt có ủ trăm mùi hương mê hoặc. Đôi mắt đen lay láy, trong veo như có hai giọt nước ở trong. Môi đỏ thắm như màu đỏ của những bông pằng nảng. Biết Phừ và Dúa quý nhau nhưng nhiều chàng trai Mông, chàng trai Tày vẫn ngày đêm tơ tưởng. Nhiều gia đình nhờ người đến nói chuyện với mẹ Dúa, mong được mang rượu trắng, gà trống thiến và bạc trắng đến nhà Dúa. Mẹ vẫn chưa dám nhận lời của ai. Mẹ cũng thương Dúa và Phừ lắm. Có lần mẹ bảo với Phừ: “Phừ à, mày có thương con gái ta thì bảo bố mẹ nhờ người đến đây. Bằng tuổi con Dúa mấy đứa con gái ở bản này có chồng con cả rồi.” Phừ ngượng nghịu, đỏ bừng mặt, rứt đầu rứt tai trông đến là thương. Phừ nói với mẹ Dúa: “Bác ơi, cháu và Dúa thương nhau thật mà. Nhưng bố mẹ bảo cháu phải học cái chữ cho thật giỏi đã. Cháu muốn học để đi làm sau này Dúa không phải sống với cái khổ, cái đói. Nhất định bố mẹ cháu sẽ mang rượu trắng, gà trống thiến đến nhà ta.” Năm đó cả Phừ và Dúa đều đã mười tám tuổi. Phừ sắp hết lớp mười hai...

Gia đình Phừ đột ngột chuyển về thị xã, nghe nói bố Phừ đi làm ăn xa đã mua được nhà ở dưới đó. Nhà Phừ thành người phố rồi. Đường về bản thành xa rồi. Lẽ ra phải vui cho Phừ nhưng sao lòng Dúa thấy trống rỗng như căn nhà hoang bị gió đông dồn thổi thế này.

Xuân năm đó Phừ lên thăm lại bản và gặp Dúa. Phừ thực sự đã trở thành một chàng trai phố. Cái quần bò Phừ mặc nhăn nhúm, hai cái túi to tướng trước vế đùi, có đính cái xích sắt kêu lẻng xẻng theo bước đi. Tóc Phừ chải từng chỏm bết lại, dựng ngược. Dúa chưa nhìn thấy trai bản để tóc như vậy bao giờ... Dúa thấy hơi là lạ với người mình yêu nhưng cái nhớ, cái thương, cái tình yêu trong Dúa bùng lên mạnh mẽ. Nó như ngọn lửa đốt hết những cái lạ lẫm nơi Phừ. Nơi trái tim Dúa, trong mắt Dúa, Phừ vẫn là Phừ của ngày nào. Hai đứa dắt nhau đi vào khe núi Pư Khảo tâm tình. Suối réo rắt, chim gọi bạn tình từng hồi thao thiết, thúc giục, hương hoa rừng như xui khiến, mời gọi. Phừ dắt tay rồi đặt Dúa ngồi lên một thảm cỏ mượt như nhung. Phừ nhìn Dúa. Cái nhìn như muốn thiêu, muốn đốt Dúa thành tro tàn, muốn xé Dúa thành trăm mảnh... Như một con mãnh hổ đói Phừ chồm lên Dúa. Cánh tay Dúa yếu ớt rồi trở nên mềm mại, xoắn xuýt lấy tấm lưng, thân thể Phừ như những sợi dây leo quấn quanh thân cây nghiến cổ thụ. Núi như chao đảo. Cây rừng như ngả như nghiêng... Dúa bật kêu bởi một nhịp sóng quá mạnh của Phừ. Thảm cỏ in dấu. Dãy núi ghi lại tiếng kêu chấm dứt đời con gái của Dúa... Dúa thành đàn bà như bao cô gái trên cao nguyên sau những mùa tình. Nhưng chỉ khác là sau đó không lâu gia đình chàng trai ấy sẽ mang lễ vật đến nhà cô gái, còn Dúa, Phừ bảo Dúa cứ chờ. Học xong trường sư phạm Phừ sẽ quay trở lại bản Há Già này dạy học, khi đó sẽ mang rượu trắng, gà trống thiến đến nhà Dúa. Rồi Phừ đi...

Mỗi buổi chiều tàn, tiếng gió núi như vón thành từng cục đá lạnh toát bắn vào tai, vào sâu trong tim. Mẹ thường nhìn Dúa bằng đôi mắt xám bạc, buồn hoang dại. Đêm đêm mấy chàng trai vẫn bền bỉ đứng bên hàng rào đá nhà Dúa thổi khèn, kèn lá. Những lời tỏ tình da diết, cháy bỏng... Dúa không thể nghĩ đến một chàng trai nào khác nữa rồi nên Dúa chỉ biết chờ, biết hi vọng thôi. Nhiều đêm Dúa không ngủ được, mẹ cũng trằn trọc, lăn đi lăn lại theo nhịp thở nặng nhọc, não nuột. Hai mẹ con ôm nhau mà trong lòng lạnh buốt. Chiếc giường nhỏ tí, một người ngủ thì vừa, hai người nằm thì chật. Mẹ bảo ông bà ngoại lấy nhau thì đóng cái giường này. Phong tục người Mông thế. Vợ chồng phải ngủ chung trên một cái giường chật không phải vì thiếu tre, thiếu gỗ mà để khi ngủ phải ôm nhau, nếu không ôm nhau thì sẽ rơi xuống đất. Vợ chồng giận nhau vẫn phải ôm nhau mà ngủ. Cái giường làm cho cái giận hờn mau qua, vợ chồng mau làm lành. Ông bà, bố mẹ Dúa đều đã nằm trên cái giường này. Cái cảm giác nơi khe núi lại xâm chiếm lấy toàn thân Dúa, đè ụp lên người Dúa. Dúa mong mỏi một ngày không xa trên chiếc giường này Dúa sẽ được nằm gọn trong cánh tay chắc khỏe của Phừ và mơ về những đứa con xinh đẹp. Dúa ấp mặt vào ngực mẹ. Đôi bầu ngực đã nuôi lớn chị em Dúa, giờ đây teo tóp như hai quả mướp khô trên giàn. Nước mắt Dúa thấm qua làn áo mỏng của mẹ. Nước mắt mẹ chảy tràn, ướt cả mớ tóc dài đen mượt của Dúa.

Mùa đông trên cao nguyên đá này thường đến sớm nên mùa xuân cũng đến sớm. Đã ba mùa xuân rồi, Phừ không về bản Há Già nữa. Ba mùa xuân. Không biết bao ngày Dúa ra gốc pằng nảng này đứng nhìn về phía dãy núi Pư Khảo. Không biết bao nhiêu nước mắt Dúa đã thấm những vạt cỏ ở đó. Giờ nhà chỉ có hai mẹ con, Dúa thấy thương mẹ lắm. Dáng mẹ đã cong cong khi đi trên nương, tóc mẹ đã bạc nhiều rồi. Đám con trai ngày trước hay săn đón giờ không còn ai đến thổi khèn bên hàng rào đá nhà Dúa nữa. Có lúc Dúa thấy mình như bị vứt xuống một vực sâu hun hút, mịt mờ. Dúa vẫn cứ chờ, vẫn cứ hi vọng. Dúa không thể tin những lời người ta nói. Họ bảo Phừ đi dạy học ở một xã biên giới phía Tây của tỉnh, một lần đi xe máy xuống bản Phừ đã chết vì bị rơi xuống vực. Người thì bảo Phừ bỏ dạy học đi đào vàng mãi tận bên tỉnh Sơn La, Lai Châu gì đó. Rồi có người lại bảo bây giờ nhà Phừ giàu lắm. Phừ dạy học ngay thị xã và đã lấy một cô giáo người Kinh rất xinh. Lại có người nói Phừ đang yêu một ai đó học ở trường nội trú… Dúa không tin là Phừ đã chết hay Phừ không còn nhớ đến mình nữa. Không. Không. Dúa không tin. Mẹ thường bảo người Mông ta trọng lời hứa lắm, Phừ sẽ không lừa dối Dúa đâu. Dúa đã từng hứa sẽ đợi chờ Phừ đến khi nào Phừ nói không còn yêu Dúa, Dúa mới thôi đợi. Vậy tại sao Phừ không về bản, cũng không gửi lấy một chữ? Những câu hỏi này cứ cứa vào tim Dúa chảy ra thành những giọt nước mắt mặn đắng thấm vào bầu ngực khô của mẹ suốt mấy mùa. Mẹ ôm chặt Dúa vào lòng. Trái tim tê buốt của mẹ bật lên thành những lời hát nghe não nuột:

... Người đàn bà Mông ta khổ hơn con trâu, con ngựa

Trâu ngựa được vui khắp suối, khắp đồi

Đàn bà Mông chỉ đau khổ với những thương cùng nhớ

Ra cửa nhớ cái buồng mình nằm

Ra chân núi nhớ cái nhà mình ở

Ra đường cúi mặt không dám nhìn người đàn ông khác

Sợ nhìn có lỗi với chồng...

...

... Trời, chim “cư cứ” giữ vùng tháng giêng, coi vùng tháng hai

Chim thấy người yêu ta, chồng ta nay ở đâu...?

Mỗi lần cho ngựa ăn Dúa chỉ mong mình và Phừ được như đôi ngựa cùng tợp tợp ăn cỏ trong một cái máng. Đôi ngựa này thay cho đôi ngựa ngày Dúa còn bé dễ cũng được mấy năm rồi. Mẹ bảo từ ngày Dúa sinh ra đến nay nhà đã thay hai đời ngựa. Đôi ngựa đầu cha Dúa mang đi con đực. Mẹ chờ. Con ngựa cái chờ. Mẹ không chờ được nữa. Mẹ thay con ngựa cái, mong nó có bạn khi đến tay chủ mới. Đôi ngựa thứ hai là đôi ngựa Dúa hay chăn ngày bé. Chúng đang quấn quýt bên nhau như hình với bóng thì cái rét năm đó tràn đến. Con đực bị trượt chân xuống vực trong một buổi leo núi tìm cỏ. Mẹ đành cho trai bản khiêng nó ra chợ. Nhiều đêm con cái hí vang, lồng lộn. Một buổi sáng sương giăng mù bản, gió rít buốt óc, mẹ ra chuồng lấy cỏ cho nó ăn. Nó đã chết. Không biết nó chết vì lạnh hay vì nhớ...

Hai tháng nay Dúa thấy sợ khi ra chuồng ngựa. Sợ phải nhìn con ngựa cái già. Sao đôi mắt mờ đục của nó nhìn Dúa như cảm thông, như chua xót. Hình như có lần nó khóc. Con ngựa đực nhà Dúa biến mất tăm vào một buổi chiều, cứ tưởng nó trở về như những lần trước nhưng lần này thì không. Nó đã đi. Đi mãi... Nó là một con đực sung mãn và đầy kiêu hãnh với một thân hình vạm vỡ, cường tráng. Cái bờm dài chạy đến giữa lưng lông rủ xuống mềm mượt. Ức gồ lên như tảng đá. Mông săn chắc nây đều... Một lần dắt nó xuống chợ, nó đứt dây cương lồng vụt đi khi nhìn thấy một con cái non đằng xa, làm Dúa ngã dúi dụi.

Con ngựa cái sinh mấy lứa con rồi, nó lại toàn sinh nở vào những ngày đông giá nên giờ tiều tụy, cặp mông vồng căng đã xẹp lép, teo tóp. Cái bụng chảy xệ, những cái núm vú dài nhăng nhẳng, đen xì, tong teo. Và bốn vó nó mới thật thương, thật xót. Đó là những đoạn củi khô khúc khủyu, gân guốc cứ run run như không muốn làm bốn cái trụ đỡ cho thân thể cũng không còn mấy nặng nề nữa. Nhưng đến mùa động dục cái bản năng giống cái khao khát được sinh sôi nảy nở vẫn thiêu đốt thân thể còm nhom, ốm nhách của nó. Nó quằn quại. Nó lồng lộn. Nó dứt dây cương. Nó đá móng cộp cộp vào cột gỗ. Nó hí lên những tiếng vang xa nghe nhói lòng... Dúa không ngủ được bởi những tiếng hí ấy. Dúa kìm nén mà không kìm nén nổi. Tiếng kêu rên ở cái buổi tại khe núi Pư Khảo bật lên giữa đêm giá lạnh cao nguyên. Đôi bầu ngực còn xuân mẩy căng cứng, nhưng nhức như mưng mủ. Giữa đêm mưa lạnh mà mồ hôi Dúa đầm đìa... Có những đêm con ngựa cái không lồng lộn, hí vang thì Dúa chìm dần được vào giấc ngủ. Dúa mơ thấy mình biến thành những sợi bông pằng nảng bay đi theo gió để tìm Phừ. Mỗi bông pằng nảng mang theo một hạt mầm. Mỗi hạt mầm là một giọt nước mắt Dúa đã thấm vào gốc pằng nảng...

Đêm qua là một đêm xuân, con Súa ào về nhà từ chiều, nó hát ríu ran. Người trong bản bảo chị em Dúa giống nhau như hai giọt nước. Nó đang ở cái tuổi mười tám của Dúa ngày xưa. Nó có một mùa xuân ở phía trước. Nó cũng sắp trở thành người phố rồi. Nó đi học dưới đó đã gần ba năm. Bây giờ về nhà nó không còn muốn đi lên nương nữa. Nó sợ phải leo dốc. Nó sợ mùi phân trâu, phân ngựa... Về đến nhà nó kêu chân tay mỏi nhừ rồi nằm vật ra ngủ. Có lúc Dúa thấy thương nó quá, chắc ở dưới đó học hành vất vả. Nó mơ ước sang năm sẽ thi đỗ vào trường sư phạm tỉnh. Đêm hai chị em ôm nhau ngủ trên chiếc giường thường ngày mẹ và Dúa vẫn nằm. Nó ôm ngang lưng Dúa thì thầm:

- Chị Dúa à, thương mẹ, thương em thì chị lấy chồng đi, đừng chờ đợi nữa!

- Chị già và xấu rồi không ai muốn mang rượu trắng, gà trống thiến đến nhà mình nữa đâu.

Nước mắt Dúa chảy nóng hôi hổi trên má, thấm vào tóc con Súa. Con Súa thổn thức, nước mắt của nó thấm vào làn áo mỏng của Dúa lành lạnh. Ô, nước mắt cũng khác nhau vậy sao?

Buổi sáng. Mặt trời vừa ló rạng sau dãy núi Pư Khảo thì Dúa tỉnh dậy. Không thấy con Súa đâu, có lẽ nó đã đi cho kịp chuyến xe về thị xã. Chắc nó chưa kịp ăn gì. Tội nghiệp! Mấy thứ mẹ sắm cho nó hôm qua nó đã mang theo. Mẹ đi cõng nước rồi. Dúa mệt mỏi quay vào thu dọn lại chăn gối đêm qua hai chị em ngủ. Sao con Súa vội gì mà bỏ quên túi xách thế này? Dúa mở túi ra xem em quên những gì rồi để gửi xuống cho nó. Dúa không tin vào mắt mình nữa. Hai người ôm nhau ngồi trên ghế đá trong tấm ảnh chả là con Súa với Phừ đây sao? Tại sao lại thế này?

Một cơn gió thốc mạnh buốt đến tận buồng trong. Đôi mắt nhạt nhòa Dúa vội nhìn ra trước nhà. Một trận mưa hoa với hàng ngàn bông pằng nảng đỏ tươi như máu, xoay tít, rơi rơi...

 

Cao nguyên đá, đông 2007
N.P

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)