Người lính đầu tiên

Thứ Sáu, 02/06/2023 00:38

. MAI THỊ LÝ

Tôi sinh ra nơi gió Lào cát trắng miền Trung. Con đường đi học gồ ghề, ngoằn ngoèo, mùa mưa đất dính bết lốp xe, mùa nắng bụi mịt mù. Cái xe đạp không dè, không phanh mỗi lần muốn chậm hơn hay dừng lại tôi phải đưa chân dép dí vào lốp trước. Có lẽ vì chan nắng chan mưa nên mái tóc tôi cứ vàng hoe, làn da đen không đều màu, mặt, hai cánh tay, hai chân từ đầu gối trở xuống đen nhẻm; hai ống chân vàng khè bởi lội ruộng phèn bám vào, bộ quần áo cũ, rách, lấm lem mủ khoai, mủ sắn. Tuổi thơ tôi chân đất đầu đội nón cời, tay cầm roi chăn trâu, tay mở vở ôn bài.

Hồi ấy vườn nhà tôi rất nhiều cây ăn quả. Tôi thích nhất những cây khế ngọt bởi nó giúp tôi kiếm tiền. Những cây khế cổ thụ tán lá rộng, cành cao, quả lúc lỉu. Trời nắng đi về vớ vài quả chín mọng đưa vào miệng, tiếng rau ráu vang lên, vị ngọt thanh tan vào lưỡi, nhai chừng nào nước bung ra chừng đó, đã khát vô cùng. Mỗi chiều lùa đàn trâu về, tôi trèo hái những quả khế ngon nhất để sáng sau mẹ đi bán. 10 quả khế được xâu vào một dây lạt bằng tre. Mỗi xâu được 200 đồng. Mỗi buổi mẹ bán được một gánh nặng. Chợ về, ngoài mua mấy loại bánh quen thuộc của vùng quê nghèo như bánh xèo, bánh ướt, bánh đúc, bánh chì, bánh tráng.. mẹ còn cho tôi tiền lẻ thưởng công trèo hái. Thế mà dần dần tôi cũng tích góp được một khoản tiền kha khá trong cái ống tre được bố khoét một lỗ nhỏ. Khoản tiền ấy, tôi dự định chuẩn bị cho kế hoạch lớn của mình: Đi thi đại học.

Minh họa: Lê Trí Dũng

Thời gian trôi đi, tôi thành thiếu nữ không còn đen nhẻm như ngày nào. Mùa hè năm 2000, tôi lên xe vào Huế. Lần đầu tiên trong cuộc đời tôi được đi xa, cảm giác hãnh diện, hồi hộp, hào hứng, lo lắng… lẫn lộn khó tả. Cảnh vật xung quanh hết quen đến lạ. Đồng lúa trải dài, xanh mướt mát. Những ngôi nhà mái tranh mái ngói núp dưới rặng tre. Những bãi cát trải dài, trắng ngút mắt. Núi đồi đủ hình thù nép vào nhau. Tôi như con chim nhỏ lần đầu được bay vào khoảng không bao la trời đất.

Trên xe, tôi ôm khư khư chiếc túi lác. Nó được mẹ tôi tỉ mẩn khâu vá khéo léo, có hai quai để xách. Trong túi chỉ có mấy bộ đồ với mấy cái bút, mấy cuốn sách. Lớn rồi nhưng tôi chả gương lược gì chứ đừng nói đến son với phấn.

Tôi không chủ động làm quen những người trên xe. Họ cũng thế. Xe đến sông Gianh thì dừng lại đợi phà. Có hai ba người chơi bài. Ba cây xáo - xáo - xáo, ngửa lên, úp xuống. Đoán đúng được tiền gấp đôi, đoán sai mất tiền cược. Bốn năm người thanh niên, trung tuổi từ đâu đến. Họ cược, đoán đúng, được tiền. Nhìn thật dễ đoán. Khách trên xe ai cũng ngủ gà ngủ gật. Một ông trung tuổi từ đâu tới muốn đoán nhưng vét sạch hai ba túi áo quần mà chưa đủ số tiền thách cược 100 nghìn. Ông ta hỏi mượn tôi tiền. Tôi bảo không có. Nhưng chẳng hiểu sao cuối cùng tôi lại cho ông ta mượn. Ông ta đoán sai. Tôi đòi lại tiền thì trong chớp mắt ông ta xuống xe và mất tăm. Mấy người đoán đúng lúc nãy cũng không thấy đâu. Tôi mếu máo hỏi xung quanh. Mọi người nhốn nháo:

- Sao, cho nó mượn tiền hả. Chúng là đồng bọn cả đấy cháu à.

Tôi khóc, mọi người trên xe thương tình cho tôi ít tiền lẻ.

- Đến Huế mộng mơ rồi bà con ơi. Ai xuống chuẩn bị hành lí nào! - Anh lơ xe gọi to.

Tôi lững thững bước xuống xe với tâm trạng não nề. Cùng xuống là một anh bộ đội. Chú chạy xe xích lô rà theo hỏi:

- Rứa hai con đi mô để chú chở đi?

- Dạ… cháu đi thi. - Tôi đáp, anh bộ đội cũng đáp.

- Địa điểm thi ở chỗ mô rứa?

- Dạ Đại học Sư phạm Huế ạ - Cả hai lại cùng câu trả lời.

Hai chúng tôi nhìn nhau ngạc nhiên. Cũng đúng thôi, tầm này cơ bản sĩ tử các nơi vào đây thi Đại học Sư phạm Huế.

- Rứa thì gần đây nì - Vừa nói chú xích lô vừa chỉ tay. - Hai đứa có muốn ngồi xích lô dạo một vòng tham quan Huế không?

Anh bộ đội từ chối khéo:

- Dạ cảm ơn chú, chúng cháu sẽ tham quan sau khi thi xong chú ạ.

Rồi anh quay sang tôi:

- Đi!

Tôi lùi lũi bước theo sau dưới cái nắng.

Huế mùa hè. Những thảm cỏ non xanh mướt trải dài dọc bờ sông Hương. Những lùm cây được xén tỉa gọn gàng thành nhiều hình thù khác nhau. Những ngôi nhà cổ kính. Những hàng rào dâm bụt ngăn cách các ngôi nhà nở đầy hoa. Trên con đường Lê Lợi rợp bóng cây không ồn ào, náo nhiệt. Mọi thứ bình yên, nhẹ nhàng, không có gì vội vã.

Càng về chiều, các sĩ tử đổ về một đông. Người ta đi thi có đôi có bạn, có người thân. Tôi yên tâm đi bên anh. Anh dáng người cao, bờ vai rộng, làn da rám nắng, mái tóc gọn gàng, nụ cười hiền, đôi mắt trìu mến, cuốn hút. Vẻ mặt có phần hơi lạnh lùng, nhưng bù lại bộ quân phục màu xanh tạo cảm giác gần gũi, tin yêu. Tôi không dám nói gì mà có vẻ anh cũng là người ít nói. Cũng có thể đang lo lắng cho kì thi nên chẳng ai nói nhiều.

Đến cổng trường Đại học Sư phạm Huế, anh bảo tôi nghỉ uống nước trà đá ở vỉa hè. Chưa xong li nước, anh hỏi thăm chị bán hàng để thuê nhà trọ. Tôi nói, sẽ đi tìm nhà nào đó xin ở nhờ. Anh bảo để anh đi cùng. Hỏi mãi, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được một chị có chồng đi làm ăn xa, có hai con học cấp I, nhà rộng rãi. Giọng nhẹ nhàng đúng chất con gái Huế, chị bảo:

- Hai đứa bây mà con gái hoặc con trai cả thì chị cho ở liền, bơ một trai một gái ri, chị nỏ cho ở được mô. Chừ chị chỉ cho một đứa thôi nghe.

Hai chúng tôi nhìn nhau cười, thấy thế chị hỏi:

- Hai đứa bây có phải yêu chắc không rứa?

Anh cười đáp với giọng chững chạc:

- Không phải người yêu đâu chị. Đây là em của em. Vậy chị cho em gái em ở ạ.

Anh gửi tôi cho chị chủ nhà. Vậy là tôi có chỗ ở, còn anh đi tìm tiếp.

Hôm sau, mới sáng sớm, ngoài đường vọng vào tiếng rao gần xa: “Bánh mì nóng giòn đây... Bánh mì nóng hổi… Bánh mì đây.” Tôi vừa quét xong cái sân đã thấy anh đến trước cổng. Chỉnh tề trong bộ quân phục, trông anh có vẻ già dặn hơn tuổi, trên tay là hai ổ bánh mì:

- Ăn sáng chưa?

Anh luồn tay qua cánh cổng đưa cho tôi một ổ, bảo ăn đi cho nóng. Tôi giả vờ từ chối, lấy lại tí sĩ diện của một thiếu nữ, nhưng thực tâm, giống đứa trẻ chực bữa cơm hàng xóm, chỉ mong người ta mời lại. Anh nài nỉ lần nữa. Tôi cầm vẻ lấy lòng người cho, nhưng thực sự vui khôn tả bởi từ chiều hôm trước đến giờ chưa ăn gì. Ở quê tôi toàn khoai với sắn, tôi chưa bao giờ được ăn thứ này. Mùi bánh mì nóng thơm lạ, mới ngửi thôi đã rệu cả nước miếng. Vỏ bánh ngoài vàng giòn rụm, ruột bên trong trắng xốp, mềm. Tôi xé từng miếng bánh, thưởng thức. Vị béo, vị ngọt thấm vào lưỡi thấy ngon chi lạ. Ở ngoài cổng anh cũng bẻ bánh ăn.

Xong bữa, anh đưa tôi đến trường. Đi bên anh tôi yên tâm phấn khởi. Ngoài mấy câu xã giao thi ngành gì, sinh năm bao nhiêu, quê ở đâu, chúng tôi không nói chuyện nhiều. Tôi không dám chủ động hỏi han và anh có vẻ cũng không muốn tìm hiểu về tôi.

Trong mấy ngày thi, bữa trưa, bữa tối tôi được chị chủ nhà cho ăn cùng, bữa sáng anh mang đồ ăn cho tôi. Đều đặn cuối mỗi buổi thi anh cùng tôi đi bộ về chỗ tôi ở sau đó mới về chỗ mình trọ. Để đáp lại tình cảm của chị chủ, tôi tranh thủ làm giúp chị nhiều việc nhà. Chị vui lắm. Nhằm ngày rằm, cúng xong chị cho tôi nhiều lộc. Ở với chị mấy ngày tôi cũng biết được chị có người mẹ chồng rất khắt khe lễ giáo. Chỉ hỏi về mối quan hệ của anh và tôi, tôi đã nói thật. Chị bảo bộ đội thì đáng tin, tuy nhiên chị cũng dặn dò tôi mấy điều để giữ thân con gái.

Buổi thi cuối cùng kết thúc, tôi ra sớm đợi anh ở cổng. Bất ngờ gặp được một người cùng làng đưa con đi thi. Cô bảo tí nữa có xe ngoài mình lại đây đón mấy đứa ra, có đi thì đi cùng luôn. Tôi mừng quá, có xe ngoài mình, về nhà rồi trả tiền xe cũng được. Tôi ba chân bốn cẳng chạy về chỗ ở lấy đồ, không quên mua cho hai đứa nhỏ nhà chị chủ nhà mấy gói bánh rồi vội vàng chào về.

Về nhà, tôi giấu kín vụ bị lừa tiền, cố tỏ ra vui vẻ nhưng nỗi nhớ nhung về những ngày ngắn ngủi ở đất cố đô khiến nét mặt tôi không được tươi. Mọi người nhìn tôi hơi buồn thì chỉ nghĩ tôi không làm được bài. Phán đoán ấy cũng đúng một phần. Năm đó tôi thi trượt.

Năm sau tôi thi đậu trường Đại học Vinh. Hè năm thứ ba sinh viên tôi quyết định vào Huế tham quan cùng nhóm bạn học cùng lớp. Tôi không quên ghé thăm nhà chị ân nhân để cám ơn và cũng muốn hỏi xem anh bộ đội mấy năm trước có đến nhắn gì mình không. Chị cho biết, buổi trưa hôm thi xong anh bộ đội có đến tìm, hỏi địa chỉ của tôi nhưng chị không biết.

- Thế là chú ấy đi, không để lại gì. Nhìn chú ấy buồn, thấy thương dễ sợ.

Lòng tôi buồn, day dứt, tiếc nuối. Từ hôm đó về trường cứ thấy bộ đội là lòng tôi lại xốn xang. Ở Vinh, mỗi lần ngang qua cổng doanh trại Quân khu 4, tôi đều đạp xe chậm lại, kiểu gì cũng trộm nhìn mấy anh vệ binh gác cổng.

Tốt nghiệp đại học tôi xin vào công tác tại Trường Sĩ quan Lục quân 2. Đến nay hơn hai mươi năm công tác, sống giữa hàng nghìn người lính, cảm nhận sâu sắc hơn về “chất lính” được tôi luyện, trong tôi càng khắc khoải hình ảnh người lính đầu tiên được gặp trong cuộc đời mình. Hi vọng một ngày nào đó, người lính ấy vô tình đọc được cảm xúc của tôi để tôi có cơ hội được nói lời cảm ơn từ sâu thẳm đáy lòng mình.

M.T.L

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)