Bông mận nở trên cành mận

Thứ Bảy, 17/06/2023 00:39

. ĐỖ BÍCH THÚY
 

Tôi sẽ rất khó quên buổi sáng giá lạnh tinh khiết thơm tho ấy, khi sương còn chưa tan trong khu vườn vắng lặng và mấy đứa trẻ với cặp má nứt nẻ đang đánh đu trên một cành mận to.

Chúng tôi đã rời nhà từ rất sớm để tới được đây khi chưa muộn tới mức bị đói. Thật khó để nói ra thật chính xác và đầy đủ nỗi xúc động của tôi khi đã nghĩ tới việc đứng dưới một gốc mận suốt nhiều năm và bỗng dưng được đứng dưới không chỉ một cây mà là cả một khu vườn.

Ảnh: Nguyễn Viết Cường

Tôi đậu xe ở ngoài và đi bộ vào vườn. Buốt giá. Hơi lạnh như kim châm, nhoi nhói vào da thịt ở tất cả những chỗ nào hở ra. Cả một thung lũng đất xốp tơi ẩm ướt rộng mênh mông trồng toàn mận và một ít đào. Những cây mận lâu năm, thấp, gốc to xù xì. Quả đã chi chít trên cành. Quả thực là tôi thích cây mận nhất khi nó mặc dù đã ra quả lại vẫn còn một ít hoa trên cành, thậm chí nhiều nụ chưa nở. Những bông mận chỉ nở một lần trong suốt cuộc đời ngắn ngủi mà rạng rỡ trong trẻo của nó.

Tôi nhớ cây mận của tôi. Cây mận mà rất nhiều bạn đọc cũng nhớ vì tôi cứ viết đi viết lại suốt mà cũng không bớt nhớ đi. Tôi nhớ cô Say. Sùng Pà Say trong Người yêu ơi, cuốn tiểu thuyết mà tôi in gần đây nhất. Cô Say ấy, khi nắng lên óng ánh và những cơn gió thổi lá khô trôi lạt sạt trên sân, đã bê cái giỏ khâu ra ngồi dưới gốc mận và đính những bông hoa trắng như hoa mận lên vạt chiếc áo mới. Chiếc áo mà cô ấy định sẽ dành để mặc đi chợ tình và gặp lại người yêu cũ.

Hồi ức về những bông mận tựa như về những bông tuyết một đêm xa xôi tít tắp nào đó, rụng xuống từ trời trên miền biên viễn mịt mù - trắng, lạnh giá, mảnh dẻ.

Bây giờ, đứng dưới gốc mận đang run rẩy trong giá lạnh bỗng dưng tôi muốn hỏi: Sùng Pà Say, cuối cùng thì em đã đi đâu? Chiếc áo đính những bông mận đẹp đẽ cuối cùng đã trôi đi trên dòng nước, mãi mãi không được mặc đến. Còn em thì đi đâu? Tôi thực sự không biết cô Say của tôi sẽ đi đâu sau khi quyết định từ bỏ tất cả, hai bàn tay trắng, trái tim trống rỗng và tâm hồn hoang hoải như một cơn gió. Hỏi thế là bởi vì, nếu tôi là Say, tôi cũng chỉ có thể từ bỏ mà thôi. Còn tới đâu, làm sao mà biết được. Cuộc đời là thế, đôi khi không cho người ta lựa chọn.

Tôi hỏi bà chủ nhà là có thể bán cho tôi một cành bé tí xíu không? Bà bảo được chứ. Thích cành nào thì bảo nó cắt cho. Nó, cô con dâu chắc ngoài hai mươi của bà. Một cô gái có cặp má đỏ hồng hào và một chút gì đó muộn phiền vương trong đôi mắt một mí to và đen, hàng lông mi ngắn.

Tôi đi trước cô ấy cầm cưa đi sau. Tôi chỉ vào một cành mận nằm tít cuối vườn, ít người chui vào. Đơn giản vì tôi nghĩ những cành phía ngoài để người ta còn ngắm.

Cô con dâu đặt cái cưa nhỏ lên cành, ngần ngừ hỏi bằng ấy tiền chị có mua được không? Tôi không lưỡng lự, gật đầu liền. Cô ấy vẫn lưỡng lự một lúc nữa rồi mới đặt cưa lên cành. Cắt xong, trong lúc đưa cho tôi cô nói khẽ: Cành này chồng em chiết được. Có lẽ là cô ấy muốn giữ để anh chồng có thể chiết thành một cây mới, hơn là bán nó cho tôi. Bởi vì cái cây ấy sẽ lại mọc đâu đó trong vườn này. Còn về với tôi, chả bao lâu nó lại nằm ngoài thùng rác. Nhưng rốt cuộc cô đâu thể cãi lại lời mẹ chồng.

Tôi nhìn vào mắt cô gái. Đôi mắt ướt. Tôi cảm thấy cô Mông ấy đã cắt cành mận mà như thể cắt vào ngón tay mình vậy.

Trong tôi ngập tràn một nỗi ân hận không cách nào hoá giải.

Nhưng dù thế nào thì cành mận cũng đã rời khỏi thân cây mẹ rồi.

Tôi hỏi: Những cái nụ này liệu có nở không?

Cô ấy bảo: Nó thích thì nó nở thôi.

Tôi nói: Chị sẽ giữ cho không rụng quả nào.

Người mẹ trẻ gật đầu rồi cầm cưa đi trước. Cái váy loè xoè quệt vào hoa cải.

Mùa xuân đã nở tràn trề trên mặt đất.

Trong những giọt sương có mùi hương của phấn.

Những chiếc lá thì run rẩy bởi tiếng hát nho nhỏ của một em bé gái đang loanh quanh chơi tít cuối vườn vọng lại.

Và những quả mận non, nếu bạn đã từng ăn mận non, bạn sẽ thấy chúng đắng một cách kì lạ. Vị đắng là để bảo vệ những quả non không bị vặt sớm, có lẽ thế chăng?

Tôi đi ra khỏi thung lũng, theo con đường dốc nhỏ tí xíu trăng trắng trong màn mưa lây phây mờ mịt. Chẳng còn mấy ngày nữa là tết rồi. Tôi liếc màn hình trên xe, bản đồ nhằng nhịt những nét gấp khúc. Cái bản đồ được phủ kín một màu xanh biếc, những nét vẽ màu trắng và đen, vài cái đốm đỏ.

Tôi luôn có tâm trạng sợ lạc khi đi tới những đô thị lớn, nhưng chưa bao giờ sợ lạc khi ở trên những ngọn núi với những con đường ngoằn ngoèo luôn phải xoay vô lăng sái tay như bản đồ biểu lộ thế kia. Đi đường này không đùa được, không thảnh thơi vịn vô lăng một tay được. Nhưng đây là nhà. Là nơi để quay về, là nơi mà tôi muốn ở lại, không một chút nào hưng phấn khi rời đi.

Một năm sắp qua rồi và những chuyến đi hấp dẫn nhất đều đang ở phía trước.

Những chuyến trở về cũng ở phía trước.

Tôi luôn tin rằng những điều tuyệt vời nhất chưa xảy ra đâu. Chúng đang chờ ta đâu đó với một niềm tha thiết tuyệt vời.

Đâu đó trong cuộc đời này.

Một lúc nào đó, ngày mai, ngày kia... điều kì diệu nào đó sẽ xuất hiện kiểu như là một bàn tay ấm nóng bất ngờ chìa ra cho ta nắm lấy vào lúc đã mỏi mệt quá.

Đó là lí do để mỗi ngày đi qua tôi có thể ngoái lại mà không phải muộn phiền. Dường như tôi đã sống hết những gì mình có, giống như cây mận nhất định phải nở ra bằng sạch cho đến cái nụ cuối cùng để rồi mùa sau lại ra hoa đậu quả. Tại sao lại phải để lại một chút gì khi mà những tháng ngày sau này còn thênh thang để sống?

Trời bỗng hửng nắng lên ở sau khúc quanh. Có vẻ như sương mù, mây đều đã bị chặn lại bởi một dãy núi dựng đứng, nên ở sườn bên kia nắng lại hửng lên óng ánh.

Mấy bà Mông đang ngồi trên mảnh sân nhỏ, sát đường ô tô, thêu những dải thổ cẩm rất dài. Mấy đứa trẻ con mũi xanh thò lò đang gặm mía. Cả vùng đất xa khuất này đều đang vắng bóng những người lao động khoẻ mạnh. Ở nhà chỉ còn người già và lũ trẻ con. Đôi khi, chưa từng có, những người đàn bà phải đi khiêng quan tài vì chẳng có đàn ông ở nhà. Người ta đi làm thuê, xa lắm. Miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ, Sài Gòn, Bình Dương... xa mấy cũng đi, cứ có việc là đi. Thế nên anh chồng của cô gái mắt một mí lúc trước có lẽ là người hiếm hoi còn lại ở thung lũng. Liệu có phải vì không chịu nổi sự xa cách mà anh ấy đã ở lại cùng khu vườn? Không thể xa cách cô vợ có đôi mắt ướt hay những gốc mận xù xì?

Tôi mang cành cây về thành phố. Cố giữ nhưng vẫn bị rụng một quả bởi những cú xóc nảy người không thể nào né tránh.

Sáng mùng 1 những bông mận bắt đầu bung nở. Những quả trên cành vẫn còn xanh căng mọng với một chút phấn.

Cành mận vui, có lẽ thế. Tôi còn vui hơn.

Chị tôi khi mang cho mấy cành đào từ Lai Châu về, dặn tôi nhớ cảm ơn nó vì nó đã chịu về với mình. Tôi cảm ơn cành đào xong thì quay sang cảm ơn cành mận. Cảm ơn cuộc sống vì những hoa trái đã reo vui.

Mùa xuân đã ngập tràn trong không gian bé xíu mà tôi rất vất vả mới có được. Tôi ước gì có thể nói với cô con dâu kia rằng cuối cùng những bông mận cũng chịu nở ngay cả khi đã rời xa khu vườn. Có lẽ vì nó cảm nhận được niềm yêu mến quá của tôi chăng?

Tôi cũng là một cành mận, bị buộc phải rời khỏi khu vườn, rời khỏi mẹ và đâu có cách lựa chọn nào khác ngoài việc bằng lòng trổ hoa.

Bây giờ thì tôi đã có thể, giống như mẹ tôi năm nào, ngồi bên thềm nhà và yên ắng nhung nhớ những tháng năm nghèo khó ngày một lùi sâu tít tắp vào dĩ vãng

Đ.B.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)