. UÔNG TRIỀU
Những buổi chiều tàn nắng, lúc qua cầu Long Biên tôi thường rẽ xuống quán cà phê nhìn ra mặt đê tả sông Hồng nhâm nhi một li đắng. Người phục vụ ở quán ấy toàn những thanh niên trẻ lắm. Một người không rõ là trai hay gái, khuôn mặt bầu bầu kiểu con gái, tóc cắt ngắn, quần áo đồ hộp kiểu con trai thường phục vụ tôi. Cái người chưa rõ trai hay gái ấy mang cho tôi li cà phê đen đá không đường. Bao giờ cũng là đen đá không đường vì đường máu tôi cao và nhiều thứ phải giữ gìn. Tôi thích ngồi quán cà phê ngay dưới chân đê ngắm rừng cỏ bị gió lùa đuổi trước mặt. Ở Hà Nội chỗ nào cũng nhà cửa nhằng nhịt, tìm ra một chỗ ngắm cỏ không phải là xa xỉ khoái thú lắm sao?
Tôi nhâm nhi cuốn Thất lạc cõi người của Dazai Osamu, nỗi buồn vương vấn và thương cảm cho thân phận người viết. Osamu mới ba chín tuổi đầu, tuổi còn quá trẻ mà phải tự sát năm, ba bận mới tận thành. Lần cay đắng nhất khi Osamu nhảy xuống biển sâu với người tình; người tình chết còn Osamu thì không, Osamu suýt bị vào tù vì chuyện đó. Nhà văn Nhật Bản nổi tiếng về lối sống trác táng có rất nhiều đàn bà, từ những thiếu nữ ngây thơ, phụ nữ có chồng, thậm chí gái điếm thập thành mà cuối cùng người phải chết vì tình, vì buồn.

Minh hoạ: Chiết Tô
Rồi tôi nghĩ liệu mình có thể viết một cuốn tiểu thuyết về cái chết giống như Osamu, liệu tôi có đủ dũng khí như ông ta? Tôi không đến nỗi tai tiếng như Osamu nhưng bảo rằng hoàn toàn hiền lành thì không phải. Cuộc đời có những sóng gió và tôi từng vật vã vì thói đời. Tôi từng viết trong nhật kí rằng, dũng cảm là phẩm chất cần của người viết để dám kể, dám bộc bạch về đời mình, những gì mình chứng kiến. Đa số người viết sợ hãi, thậm chí hèn yếu theo cách nào đấy vì miếng cơm, vì danh tiếng, không đủ sức đối đầu với sóng gió để phơi bày sự thật hoặc điều anh ta nghĩ. Những người dám làm điều ấy thì đều phải trả giá...
Tôi nhìn đám cỏ non và nghĩ ngợi, con người giẫm lên cỏ nhưng chí khí chẳng bằng cỏ. Cỏ triền đê tả sông Hồng vào đông thì xơ xác, tàn tạ trong gió. Những người canh đê lười nhác thuê máy xén cỏ, rồi đợi cỏ khô, chất lại thành đống để thiêu rụi, cỏ cháy đen đau đớn trộn với đất nâu. Nhưng chỉ vài hôm cỏ lại mọc, ương bướng và kiêu hãnh, đầu xuân thì xanh um rười rượi, thách thức cuộc tàn sát từ kiếp trước. Sao người ta không đợi cỏ tàn úa khô quắt chết đi mà phải vội ra tay dao, tay máy vô tình?
Cũng có khách vào quán cà phê ngắm cỏ như tôi, họ ngồi ở bậc thềm nhìn ra khoảng xanh rười rượi kiêu hãnh ấy. Những người ngồi quán cà phê một mình hẳn có tâm trạng, bản lĩnh hoặc cô độc. Tôi thích những người ngồi quán một mình hơn đám đông ào ạt. Quan sát những kẻ cô độc ấy, tôi hiểu được điều gì đấy về cuộc đời, về số phận hoặc tính cách và biết đâu họ trở thành nhân vật của tôi.
Mùa đông đến, tôi chờ đợi ngày cỏ bị “hành hình” bằng máy xén ràn rạt, thân xác tan tành. Tôi nghĩ đến đời người rồi sẽ phải chịu một kết cục nào đó, nằm trong bệnh viện câm lặng đau buốt hoặc ở nhà ú ớ, lập cập gọi người thân cho miếng nước, đặt cái bô tiểu tiện. Sống ở thành phố ồn ào, gấp gáp quá khiến người ta quên tuổi tác, quên số kiếp của mình. Cả dòng người đen đặc chờ vượt qua ngã tư, luồn như con chạch để leo lên cầu Long Biên hai buổi sớm chiều, tâm trí đâu nghĩ đến số phận. Chỉ khi vào bệnh viện thăm thân, chính mình bất động hoặc như tôi lúc này, trước cỏ xanh rợn ngợp mới nhớ lúc úa tàn thiêu đốt mà dự cảm ngày tận kiếp của mình.
Mình cũng như cỏ thì đã sao? Giống cỏ này không phải tự mọc ở đây, người ta trồng cỏ trên bờ đê để giữ đất, cứu vớt thành phố bớt khô cằn, vô cảm như bê tông. Nhưng họ chưa đoán ra được cái ngày cỏ nảy nở rười rượi tới mức phải dùng lưỡi cắt kiềm chế, dùng lửa thiêu rụi. Nếu ai cũng hoạch định đời mình chính xác như cỗ máy thì đời trơ khấc làm sao. Trải qua những biến cố, những thăng trầm, đau đớn, tủi phận hoặc sung sướng mới hiểu ý nghĩa đời mình. Để có lúc nào đó nhớ lại, rùng mình hoặc mỉm cười ngạo mạn. Hà Nội vào hè đã sâu mà có ngày trời trở mát như tâm tính người đàn bà không sao đoán biết được. Nhưng như vậy đời mới thi vị, nhiều cung bậc cảm xúc. Như cỏ non là thế, chỉ vài ngày không để ý đã thấy trổ bông, hoa trắng mườn mượt suốt triền đê.
Thành phố có đê, có sông, có cỏ là may mắn lắm, người biết thưởng những thứ ấy cũng gọi là may mắn. Như lúc này, tôi ngồi thủ thân ngắm cỏ xanh đến rụng rời mà không biết ngày nào sẽ lụi tàn. Tôi nhớ những ngày tháng cũ của mình và rơi một giọt nước mắt buồn rượi hay cười thầm may mắn...
Biết đâu rằng người hơn cỏ nhưng có khi chẳng bằng cỏ...
U.T
VNQD