Cho anh thêm thời gian

Thứ Bảy, 05/09/2020 00:26

. TRẦN XUÂN HÀ

Căn hộ trên tầng mười đua hàng lan can hướng mặt trời. Mỗi sáng Tuấn trở dậy khi chuyến xe BRT đầu tiên uynh uynh còi và việc anh làm trước khi nấu bữa sáng theo đơn đặt hàng của cô con gái bé bỏng là tỉa cành tưới hoa cho những chậu cảnh đặt sát hàng giậu. Thiếu nữ của bố ơi, anh gọi âu yếm, dậy thôi, hoa nở rồi. Chỉ đợi vậy là cô bé bò dậy lon ton chạy đón nắng sớm. Một khóm hồng gai với những hoa nụ tươi tắn vẫy chào cô. Cô khum vào đôi bàn tay những kì công của trời đất. Cư dân cùng tầng ghé chơi gọi mái ấm của bố con cô là nhà Chăm hoa, nghe nhộn như câu chuyện cổ tích thời hiện đại.

Cuộc sống vô thường, một ngày cư dân cùng tầng truyền nhau cái tin nghe sững sờ: Cô bé nhà Chăm hoa kia thay răng thế nào mà bác sĩ phát hiện ra mắc bệnh máu hiếm. Máu hiếm là gì nhỉ? Một người hỏi. Bệnh máu ấy, ví như đứt tay mà máu chẳng cầm cứ chảy cho đến... Dại miệng nào, một người nói, triệu chứng là tự nhiên người tê nhức, sưng tấy từng bộ phận, cơn sốt lên đùng đùng... Mỗi người nói một kiểu, một chị khẽ khàng: Thật tội cái anh Tuấn hiền lành, vợ đã bỏ đi bây giờ đến con bệnh hiểm nghèo... Từ hôm ấy, căn hộ cổ tích vắng tiếng cười, vắng cả tiếng khóa chìa lách cách. Từ sân chơi nhìn lên chỉ mấy nụ hồng ủ rũ, những người hàng xóm nhìn nhau: Có tin gì mới không?

Minh họa: Nguyễn Văn Minh

Thế mới biết xóm giềng quan tâm đến nhà Chăm hoa nhiều ví như cách Tuấn thương con và quý hoa. Khóm hồng được anh trồng tặng vợ sau đợt sinh bé có cái tên thật đáng yêu Tuyết Hồng. Ngày ấy chàng kĩ sư bảo tồn công trình về nghỉ phép tiện thể mang theo cành hồng chiết. Giống hồng vùng cao Lòng hồ gai góc và mạnh mẽ như giống cọ chà là vùng Trung Đông xòe cọng dưới sân chơi. Cái ngày chập chững những bước đầu tiên, bé đã mạnh bạo giơ bàn tay bé xíu chạm vào thân gai rung rinh những nhành hoa vờn vã. Song Hồng sớm trở thành đôi bạn. Cứ vậy, cô bé lớn lên cùng khóm hồng quanh năm hoa nụ. Tiếng còi xe bus rộn rã, bố đã mũ áo sẵn sàng mà cô bé còn níu lấy mấy cánh hoa. Chữa lửa, ông bố đành hứa kể một câu chuyện cổ tích mà bé thích. Ngày xửa ngày xưa... Có thế bé mới buông tay, miệng ngọng ngô: Bố (đi) làm, bé (đi) trẻ, tối (kể) chuyện.

Kể ra nhiệm vụ chế chuyện không quá bất khả thi. Một báo cáo viên các chuyên đề văn hóa, mỗi câu chuyện Tuấn kể cũng cuốn hút cô bé như màu hoa dưới nắng thấp thoáng tán lá rừng, nương ngô và hồ nước. Với anh đó là màu của tình yêu thiên nhiên và những trải nghiệm gói vào kí ức. Những đêm vắng, anh trầm tư ngồi bên những nụ hoa mà nhớ về miền đất một thời và hạnh phúc ngày ấy để ngày mới quên đi vì chuyện đời, chuyện con. Cứ vậy nhà chăm hoa vào vai dung dị ông bố đơn thân cùng áo mặc, cơm ăn trong một đời sống gia đình thiếu bàn tay phụ nữ. Trai tài lại gặp bất bình, một bà thở dài, cái số anh này là vậy.

*

*       *

Những ngày ở bệnh viện dài hơn tất cả những mùa mưa trên Lòng hồ gộp lại. Bao ý nghĩ dồn đến khiến cái đầu anh muốn vỡ ra. Cuộc sống hôn nhân, yếu tố bất ổn và hệ lụy để lại cho anh là vậy đó. Mọi chuyện khởi đầu từ chuyến tham quan Lòng hồ và dự án khu đài tưởng niệm ngày ấy khi con người chắn dòng chảy thiên nhiên thành hồ chứa bắt nước quay điện để thắp sáng vùng đồi. Say ngây đến thế nào mà chàng trai nguyện ý thượng sơn để lại cô vợ trẻ lẻ loi những năm dài giữa chốn phồn hoa. Vò võ canh khuya mà thời gian không đợi trong khi nàng thường xuyên là khách mời tại các buổi tưng bừng dạ tiệc. Một đêm anh về, nàng nằm xoay lưng ôm vần chiếc gối. Anh chọn vợ anh hay cái mái chóp khu tượng đài ấy? - Nàng hỏi. Cả hai, em yêu, chàng vỗ về. Rồi anh sẽ về với em chỉ cần cho anh thêm thời gian. Sự chậm trễ kia âu cũng tại những mùa mưa xối xả ngồi ôm cây đàn mà cầm ca nhớ vợ thì đến nỗi tội tình gì. Giờ đây đổi lại anh còn lựa chọn nào hơn ngoài mong muốn chữa bệnh, chữa bằng được cho con. Mọi giải pháp xin cậy nhờ những lương y áo trắng.

Anh nhìn quanh buồng bệnh, tất cả đều màu trắng. Quần áo, ga trải giường, tường trần, cửa ra vào và cả máy điều hòa mở thường trực hai tư giờ. Điểm nhấn duy nhất vô tình lại là hình bông hồng đỏ trong tấm thiệp trên tay cô bé mà anh mang vào. Anh cũng đã định ngắt cho bé một nhành hồng tươi từ khóm hoa ấy nhưng nửa tháng nay anh đã về nhà đâu. Chừng ấy thời gian cũng đủ cho những người bạn kia nhớ cô mà héo hắt đi cả.

Và ở trong phòng làm việc của bác sĩ trưởng khoa một bức tượng bán thân Hyppocrates bằng thạch cao đặt trang trọng trên bục gỗ. Vị trưởng khoa quay lại đưa cho anh một tờ giấy. Những cột số dài và dòng chữ viết tay: Chỉ định cấy ghép tủy sống trong ba ngày tới. Trong cặp kính dày trông ông nghiêm nghị như vị thẩm phán. Ghép tủy là phương án tối ưu, cấp thiết, ông nói từ tốn. Ghép tủy ư? Anh hiểu mình phải sẵn sàng đón nhận cả những điều rủi ro nhất.

Anh nhớ lại lời dặn của một đồng nghiệp về sự tốn kém cho dịch vụ dao kéo ngành y và lời ngỏ ý giúp đỡ của mấy người khác. Không hờ hững kể cả mấy cô bạn thời phổ thông xa xưa tít tắp. Sự quan tâm của những người xung quanh khiến ta nhìn lại mình để ứng xử tốt hơn nhưng như thế chưa đủ. Động lực vẫn thuộc về ý chí chủ quan và... độ dày số dư ngân hàng thời hòa mạng. Ý chí ấy thôi thúc mạnh mẽ đến mức anh thấy cần phải thể hiện bằng cách đứng lên đặt bàn tay phải trên ngực trái. Ông bác sĩ mỉm cười như lúc chứng kiến những cầu thủ trên sân cỏ trước khi giao bóng. Nụ cười tản đi rất nhanh. Ca ghép cần người hiến tặng tế bào gốc, ông nói tiếp giọng không thể mạch lạc hơn, trong trường hợp hiếm hoi này, người hiến tặng phải thuộc trực hệ gần gũi nhất.

Trực hệ gần gũi nhất thì còn ai khác ngoài anh và nàng, người chia xa bố con anh vào thời điểm những người thợ cần vượt qua đợt mưa lũ cuối cùng để cắt băng đài tưởng niệm. Anh vừa được phân công đặt tháp nóc cho công trình thì bác bưu điện tìm đến ấn tờ giấy triệu tập vào tay. Trát tòa gì mà cun củn, ngắn hơn cả một tờ thiếp cưới. Pháp luật đấy đừng đùa, thế là anh ngừng công việc gấp rút về hầu tòa. Đơn li hôn do nàng khởi xướng đọc lên đưa người dự khán tòa đi lòng vòng một thôi chốt lại cũng chỉ một câu: Chúng tôi kẻ ngược người xuôi, đủ cả hai nghĩa. Mọi nỗ lực con thoi bao lâu nay xin gửi lại cho các bậc sinh thành mà có cụ đã đi xa. Không thể hàn gắn và hai bên thuận tình li hôn, bà thẩm phán lấy nữ quyền chốt cứng phiên xử. Anh không còn cơ hội quay lên Lòng hồ để hoàn tất sự ủy thác trân trọng của những người đồng nghiệp và chứng kiến ngày vui điện về phố núi. Tình đời là thế ư, điệp khúc Dã tràng vang lên văng vẳng: Cuộc tình như cơn lốc mang theo hồn người, tình người đâu có thấu cho ta...

Song bước ngoặt tại phiên tòa hôm ấy lại không xuất phát điểm từ nguyên đơn hay bị đơn. Lúc chủ tọa sắp rung chuông kết thúc phiên tòa thì có tiếng con trẻ. Cô bé năm tuổi ôm rịt lấy ông bố trên áo còn nguyên bụi đất công trình. Cho cháu ở với bố, hu, hu, ở với bố cơ... Quyền trẻ em đặt trên quyền nữ và vượt qua cả thông lệ chung để tiễn con người đang hân hoan thắng thế ra đi một mình. Nàng bước lên chiếc xe đen bóng máy nổ êm còn ngoái lại. Được thôi, tôi sẽ quay lại đón con bé. Vì sao ư? Một lí do rồi anh sẽ biết, nàng bảo.

Anh không kịp trở về Lòng hồ cũng như nàng chưa bao giờ quay lại với đứa con. Bé nằm mê man mũ trùm đầu giữa màu trắng mênh mông thật đáng sợ. Đôi môi nhợt nhạt mấp máy: Bố ơi, hoa héo khô cả rồi, héo cả rồi. Không, hoa không héo đâu con, anh vỗ về. Có, hoa héo hết rồi… hu hu... Hoa mà héo thì con có chết không? Bố ơi, cứu con, cứu con... Bé bỗng hét lên. Anh ôm lấy thiên thần tội nghiệp bằng cả hơi ấm của mình. Bố đây con, bố đây. Con sẽ sống, nhất định con sẽ sống.

Người đàn ông đang khóc, những giọt nước mắt mà anh đã giấu đi nửa giờ trước khi ông bác sĩ trưởng khoa đứng nghiêm lặng trước bức tượng vị thánh ngành y. Một phút tuyên thệ là danh dự của cả một đời người. Rồi ông quay sang anh: Rất tiếc, mẫu ADN của anh không trùng hợp.

Thế nghĩa là sao? Cánh cửa đóng lại với anh hay con đây?

Anh thấy mình từ đỉnh ngọn đồi trượt xuống, bên tai tiếng côn trùng ong éo. Anh bay giữa khoảng trống bao la chờ cú rập điếng đời. Anh cố mở mắt mà chẳng thấy gì. Rồi anh nghe thấy bước chân trần của những sinh linh nhỏ bé đang chạy dọc con đường hoang vắng ven hồ, những đứa trẻ gầy ngoẳng, nhem nhuốc theo sau vất vưởng bóng áo trắng. Tuyết Hồng, anh khẽ kêu lên và giơ ra hai cánh tay. Ý nghĩ về đứa con yêu thương đang lạc lõng cần cứu giúp quay trở lại rõ ràng hơn. Ánh mắt anh bình thản như mấy giây trước đó và mặt đất đã hết nghiêng lệch. Tôi hiểu, xin bác sĩ vẫn bảo lưu cơ hội cho cháu.

Và bây giờ họ ngồi đối diện với sự thật phũ phàng ấy. Nàng vẫn vậy, cặp môi và mái tóc vẫn được kĩ nghệ makeup chăm chút. Anh chợt nhận ra một chút khác biệt trên bầu ngực của người thiếu phụ: nàng đang nuôi con nhỏ. Đúng vậy, thằng bé giống bố, rất giống nữa là khác, nàng thật vô tư. Rồi nàng cười chờ câu hỏi tiếp theo mà nàng biết sớm muộn rồi cũng đến. Nàng là bà chúa của vườn địa đàng có muôn hoa cùng tiếng chim lảnh lót mà anh không đến để thưởng thức. Anh đến vì hệ quả của cuộc tình chẳng lấy gì làm hậu hĩnh kia. Thực ra bố của con bé là ai? - Anh cũng không để mất thời gian.

Nghe vậy thôi mà nàng chợt già đi mấy tuổi. Vẻ đăm chiêu, nàng xòe bàn tay này nắm lấy bàn tay kia, móng tay cũng tím lịm như làn môi. Đến giờ mà anh chưa biết ư? Nàng dừng lại lựa chọn ngôn từ. Anh ấy chết rồi. Chết rồi? Vì sao? Em không biết, thôi cứ cho là đã qua một kiếp đời. Câu trả lời chỉ có vậy và anh biết nàng đã nói thật vì còn gì nữa phải dối quanh. Vậy giờ sao? Anh hỏi. Em cũng biết anh đến vì ca ghép của con. Nhưng ngay bây giờ thì em không thể, con em còn quá nhỏ. Em không bỏ con bé, nàng thổn thức, nhưng cho em thêm thời gian... Im lặng. Không cần phải vậy em, chồng nàng cao lớn bước ra. Anh ta dường như hiểu rõ câu chuyện: Vợ tôi không làm vật thế thân nhưng cái khác có thể. Chúng tôi có tiền, anh cần bao nhiêu tôi chuyển.

Tiền không mua được ca bệnh này đâu, các vị nhầm cả rồi.

*

*      *

Anh đi dọc con đường như không có lối rẽ, đầu miên man nghĩ về thời hạn ba ngày đếm ngược. Hạn chót tới gần, hồi chuông chung nguyện sắp rung và cuộc chạy đua không cân sức sắp kết thúc. Bạn không bỏ cuộc thì con đường vẫn ở phía trước. Anh đang đi trong oi ả của một mùa hè đến sớm mà cái nóng trong anh còn mạnh hơn. Anh vẫn bước trong đều đặn đâu đây tiếng mõ chùa, ai đó đang tụng Phật. Đúng rồi, lão lang ấy. Trong thoáng giây hình ảnh ông thày lang bản kiêm thày cúng năm nào hiện ra. Lão lang đứng đó lòng còng trong bộ đồ đen khăn trùm thoạt nhìn ngỡ phù thủy. Mà ông là thày phù thủy thật. Ngoài trời vẫn mưa, ông đặt thằng bé ngạt nước lên chiếc sập nứa, dùng hai tay xoay vần cái thân thể đáng thương ấy rồi rút tấm khăn lau từ đỉnh đầu thằng bé. Một thứ dung dịch thơm hắc mùi rễ cây ngâm cồn hít vào ngây ngây. Thật ra lão vừa làm xong bước tắm khô cho con bệnh trước khi lễ cúng bắt đầu. Khói trầm xè cay, lão vái hết đứng lại quỳ. Lão vái bằng đôi dùi gỗ nghe cộc cạch như đánh thức thần linh ngái ngủ. Xin Mẫu thần cứu giúp trả hồn về cho xác, lão khấn có đến chục lần. Cơn mưa ngớt, lão bước ra sân. Lại vái, lần này lão vái tứ phương... Lão vái đến đâu thằng bé nôn ộc ào ra đến đấy rồi nó lừ khừ ngồi dậy. Câu chuyện dị kì bay đi khắp vùng Lòng hồ. Nếu vị thần kia đã cứu giúp thằng bé đuối nước, tại sao con mình không?

Một cánh cửa vừa mở ra...

Ông bác sĩ lại mời anh lên. Còn điều gì nữa xin nhanh nhanh để anh đưa bé về trước khi mây sà kín Lòng hồ. Các ông có giải pháp gì để cứu con tôi chăng, anh nói. Có đấy, anh xem đây. Trên tay bác sĩ là một tờ giấy. Anh hờ hững lướt qua. Lại mấy dòng chữ viết tay: Qua bệnh viện, tôi đồng ý hiến tặng tế bào gốc cho cháu Tuyết Hồng bị mắc bệnh hiểm nghèo mà không đòi hỏi bất kì khoản hoàn trả nào từ phía gia đình. Kí tên. Nét chữ thật ngay kéo anh lại. Người ấy là ai? Một phụ nữ giấu tên, ông bác sĩ dường như đoán được ý nghĩ của anh, bà ấy đã đến đây cùng mẫu hiến tặng. Của ai? Rồi anh sẽ hiểu. Mẫu này hoàn toàn khoẻ mạnh và phù hợp cho bệnh nhi. Vậy có nghĩa là... nghĩa là...

Đó không phải là sự trùng hợp của bài toán xác suất dù chỉ có phần triệu mảnh hi vọng, mà còn nhỏ hơn nữa ngàn lần nhưng luôn biết tìm đến với những phận đời mỏng manh giữa sự sống và cái chết ngay trong nhịp đời gấp gáp này là lòng vị tha và bao dung. Tuấn rút chiếc bút lặng lẽ kí vào tờ giấy đặt trước anh.

*

*        *

Đêm cao vợi với muôn cung bậc cảm xúc. Tuấn ngồi dưới một bóng cây bên ngoài phòng bệnh đếm từng chiếc lá rơi dưới ánh điện hắt từ khối nhà. Anh không cho đôi mắt nghỉ đơn giản vì anh sợ chỉ lãng đi một phút thì cơ hội cho bé chỉ còn một nửa.

Một, hai, ba... năm mươi... một trăm... rồi lại một, hai...

Nếu mỗi chiếc lá rơi là một kiếp đời thì đêm nay anh đã tiễn đưa bao con người rồi... Anh dừng đếm ngồi nghe tiếng lách cách của dụng cụ y tế trong tay những cô y tá vẫn cần mẫn trong đêm. Tay anh cũng gõ theo miệng nhẩm một câu chuyện tự diễn.

Con ơi bố kể con nghe ngày xửa ngày xưa...

Bỗng một người tiến lại, người phụ nữ trông thật hiền hậu ngồi xuống bên anh. Chúng tôi xin anh thứ lỗi vì đã đưa anh vào tình cảnh này. Chị rút ra từ chiếc túi mang theo một chiếc hộp vuông nhỏ. Chồng tôi đã đi xa để lại vật này cho cháu... Từ lâu anh ấy biết một ngày nó sẽ cần đến... Gì vậy? Tuấn đỡ lấy chiếc hộp bên trong là một lọ thủy tinh lạnh cứng ghi hàng chữ: Mẫu hóa đông dành cho con gái. Anh cầm nguyên mẫu vật trên tay và thoáng nhận ra bóng một người đàn ông ẩn hiện sau vòm lá. Anh ấy đấy, ít nói lắm, giọng chị hiền khô. Anh ấy bảo khóm hoa hồng rừng ở nhà vẫn tươi nguyên chờ cháu.

Vâng... Tuấn chỉ nói vậy, trong đầu hiện lên bóng cô bé con ôm khum những bông hồng dưới nắng sớm rực rỡ... Im lặng trở lại, rồi anh nghe tiếng gọi rất lảnh của cô y tá: Ai là người nhà của bệnh nhân Tuyết Hồng mời vào phòng bệnh nhé. Cháu vừa tỉnh lại rồi.

T.X.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)